có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 9 18, 2020

Vết thương dậy thì


Vũ Như Hải, Thiếu nữ với trái táo đỏ

Không ai muốn nhìn lên trời nữa. Trời nóng quá. Gió ít và hiền quá nên không giã nhiệt khiến nhiệt bò vào lưng con nít thành sảy. Những con sảy có máu cách mạng chồm dậy cào cắn da lưng, bò lộm ngộm nóng ran. Tôi vén chiếc áo mặc cót đề tích trữ mồ hôi, rồi nằm áp lưng lên nền đất mịn. Chất mát như muốn xuyên qua tủy sống. Bây giờ mỗi lần sẩy cắn tôi không ở trần được nữa. Tuy tôi chưa có đủ hai miếng ngực tròn, nóng để xưng rằng mình lớn, nhưng hai tí ngực đă bắt đầu sưng lên bằng nửa trái cau bổ đôi theo chiều ngang. Thân thể tôi thường đọng cảm giác tê tê, nhột nhột của cái tuổi nổi dậy lột xác, trườn mình thành người con gái mềm, nhiều thịt ít xương. Tòi lại nằm lật úp người chẩu đôi môi ghì chặt mặt đất. Những đôi môi, những chiếc hôn của người lớn chắc là ngon.

Hai con mắt tôi rung rung mí. A! Máy mắt bên trái được đãi quà, còn máy mắt bên mặt thường ăn roi, ăn la. Nhưng điềm đó bây giờ tôi không tin nữa vì điềm cứ mách sai mãi. Đôi khi mắt trái báo vui dồn dập mà đòn dưới đất vẫn cất lên mông. Mẹ tôi nuôi con bằng chiếc miệng thì nhiều và bàn tay hay tát. Mỗi khi ngứa tai tôi có cảm tưởng ai đang chửi chúng tôi.

Tôi rút người ngồi phắt lên rồi chạy ra chỗ mái tranh thấp phanh phui tim kiếm. Ông ngoại dấu tiền ở những chỗ hiểm hóc bất ngờ, nhét nơi này một dụm, nơi kia một ít; ông giấu khắp nơi, trong nhà, trên mái, ngoài vườn. Mẹ và chúng tôi vẫn lưu ý tìm tòi, thắc mắc rất nhiều. Mẹ bảo rằng có thể ông đã quên chỗ chôn giấu rồi. Số tiền ông ngoại gài kỹ trong người khó mà lấy chùng. Không phải ông cất tiền trong cái xếp tay may bằng bẹ chuối tước hết cho mòng phơi khô đâu. Ngày ngày ông ngoại nâng niu một xấp lịch cũ rích. Không bao giờ ông xé lá lịch vấn thuốc hút vì giữa hai tờ lịch có ướp một cái giấy bạc hai cắc mới tinh thơm mùi long não. Ông ngoại âu yếm ngắm vuốt xấp lịch; đi đâu thủ kín trong bọc, lúc ngủ đè dưới gối, bữa ăn đặt lên đùi. Ông không dám tiêu, chỉ để nhìn, để ngắm, nâng niu như một kỷ vật. Tôi tiếc quá. Không có chi tức tối, ngột ngạt bằng có tiền mà nín, không ăn không mặc, lại phải để tâm săn sóc, giữ gìn.

Tôi bươi nhẹ mái tranh chú ý lắng nghe tiếng tụng kinh của ông Phủ về hưu cạo sạch tóc ngày đêm tu hành. Nhà ông Phủ sáng chiều tiếng chuông tiếng mõ như thể lúc nào cũng có kỵ. Tiếng cầu kinh của ông dõng dạc, rổn rảng đôi khi oang oang, thấp lè tè như một loại ve kêu. Ông ăn toàn rau trái cho nhẹ bụng và tụng kinh cho thơm miệng. Tiền của đưa nhà chùa giữ để tâm lo hành thiện. Ồng phủ to béo một cách quan trọng thành ra phải sống theo ý kiến của bác sĩ. Năm ngoái ông ngoại tôi vẫn còn ở hầu phủ quan như bóng với hình: rửa mặt, tắm gội, thay áo quần, lo cơm nước và cùng tu với chủ. Hai người cùng nghiên cứu giáo lý nhà Phật và cùng phó thác cuộc đời cho nhau. Nhưng ông ngoại nhác học kinh. Hai buổi kinh sáng chiều trước bàn thờ của ông Phủ chỉ được ông ngoại đọc góp hai tiếng “Nam mô.” Nam mô lui, nam mô tới. Trước bàn thờ, ông Phủ mặc áo tràng lam thì ông ngoại khoác áo lương đen. Ông Phủ cảm động trả thêm tiền công tu cho ông ngoại. Ông ngoại càng “Nam mô” thật to. Được chủ dấm dúi khi năm khi ba chục, ông ngoại để dành kín đáo, dấu dút, cho đến bây giờ.

Tôi rút một nạm tranh trên mái nhà đem vào bếp dúm lửa. Mẹ sai luộc hai cái trứng vịt lộn và nấu nước chè cho ông ngoại. Mẹ giảng rằng luộc đồ ăn có chân như gà, vịt, cua thì bắc lên bếp cùng lần với nước lạnh, còn đồ ăn có cá như rau muống, rau dền thì cho vào khi nước réo sôi trăm độ. Tôi xít cái đòn ra xa bếp lửa nhìn ngắm một đường kiến đang cẳm cúi đi về. Kiến bò theo mộ dây khá gọn gàng. Tôi thấy hay hay khi nhìn tụi kiến làm ăn, khuân vác hoặc đi biểu tình. Năm chú kiến na một hột cơm, những chú kiến tay không xung vẩy rào bước đề rồi đi lui lại đổi chiều. Một số kiến giữ phận sự đi kèm xe lương canh gác, một số kiến đi xuôi đi ngược cốt tìm nhau và hôn nhau giữa đường cái. Những con kiến rảnh đi thụt tới rồi thụt lui lăng xăng tôi đoán rằng đó là những gã hướng đạo. Chúng phải rải mình để gầy một con đường từ tổ kiến đến kho lương và giữ cho con đường đừng mất để những phu khuân vác, các bà nội trợ biết được đường đi lối về. Kiến rải đường nhiều và kiến làm việc thì ít. Kiến rải đường không là kiến du đãng, vì chúng không đâm chém nhau. Chúng bồng bột hôn nhau giữa đường chắc để dặn dò nhau những khẩu quyết bí mật của loài kiến.

Tôi sực nhớ nước sôi đã lâu vội thả hai cáí trứng vào. Hai tiếng nổ “bụp, bụp” khiến tôi phóc lui một bước, sợ hãi tưởng mấy hột mít vùi tro nổ văng vào mắt. Nhìn vào xoong thì hai con vịt măng tơ nóng quá đã húc đầu đập bể vỏ trứng nhảy ra chết queo trong nước sôi. Mẹ quên không dặn là luộc trứng lộn ta phải thả vào khi hẩm hẩm. Sửc nóng nước sôi vạc dầu khiến con vịt ngây thơ bên trong vùng mạnh bể toang vỏ. Tôi sợ hãi như khi rửa chén bát nặng tay làm rơi. Nguy tai. Thế nào ông ngoại cũng đánh tôi bắt đền. Tôi nhắc xoong lấy vá múc như canh: hai xác vịt, hai ngòi đỏ và hai cục chì rồi giấu kín một chỗ. Thằng Tiến sẵn gan ăn vụng trước rồi chịu đòn sau. Hai chị em tôi thường chơi tay cầm tay, mắt nhìn mắt… một hai ba coi đứa nào nhấp nháy trước là thua. Tiến có biệt tài nhìn dai, gỡ không ra, tránh không thoát. Sau này chắc hắn ghê lắm, dám phóng những luồng kiếm mắt qua khỏi giới hạn áo quần phụ nữ! Thằng Tiến bảo rằng lúc mới thoát lòng mẹ hắn đã chú ý đến một tia sáng bé bỏng chiếu qua kẹt chiếc nôi. Hắn nhìn tia nắng nhỏ đó suốt ngày nên luyện được ánh mắt như đanh thép. Lớn lên hắn sẽ không đeo chùm dây thung màu trước bụng nữa mà chỉ lo tìm thầy học võ, luyện cho được môn nhỡn-kiếm-đạo. Hắn còn bảo rằng khi nội công đã thâm hậu thì hai mắt sẽ quay tròn trong giấc ngủ, mộng mị, chiêm bao không thể nào bén mảng đến phá bĩnh giấc ngủ được. Khi hai chị em cầm tay nhau, nghiến răng, bặm miệng, nheo mắt chọc ghẹo nhau thử coi đứa nào gan lì cứng miệng không cười thì Tiến thua. Vì tôi là con nhỏ hát bội. Đào thương điều khiển thiên hạ phải cười khóc theo mình chứ không dại khóc cười vì ai cả. Qua hai cách chơi trên, tôi quyết rằng trong tương lai tôi không cần nhìn ai và không cần cười với ai cũng đủ sống.

Thằng Tiến đi xin mủ mít dồn được một cục trước mũi cần câu rình chạm vào cánh ve ve. Câu được chú ve nào là Tiến rụt cánh cho vào bọc. Các chị ve cái mình thon và đặt suốt đời không nói một tiếng dù là tiếng “yêu”: Tiến vuốt nhẹ cái bụng chắc nịch của ve cái, moi mắt, rựt cánh, ngứt đuôi độn vào ba hột muối nướng ăn liền. Mỡ ve béo và thịt ve ngọt, thơm, bùi bùi mãi trong miệng, nhất những sợi thịt dưới đầu, suốt đời lưỡi Tiến còn nhớ nhung. Các cậu ve đực hát mãi khúc ca mùa hè — càng nghe ve đực hát càng cảm thấy nóng — Tiến chơi cho đến xế chiều ve khô hơi, kiệt sức Tiến bóp bóp nhẹ vào hai bên hông: khi biết chắc rằng hai hột gạo đã bể xẹp, ve chỉ còn xác phàm, Tiến mới độn muối nướng ăn. Hắn nhai mai, bịn rịn không nỡ nuốt sợ thịt ve xuống đáy bụng thì miệng hết ngon. Ve ve ăn mù sương nên tinh thần và thể xác cùng trong sạch, cùng rỗng. Tuy nhiên ve ve thiếu thông minh và kém tế nhị. Trời chạng vạng, Tiến đi soi ve ve non từ dưới lòng đất chui lên thay áo, đem về xào với tiêu hành nước mắm cho ông ngoại nhắm với rượu thuốc. Bổ thượng hạng và ngon mê ly. Món ăn ưu tú kiếm lời cho sức khỏe đủ mọi hạng người thận say, gan hư, tim hỏng và đến cả những ai đau khổ vì bệnh trĩ.

Năm con ve non đổi được lon gạo. Còn vỏ ve khô thì lượm bán cho nhà thuốc tam tinh hải cẩu bổ thuận hoàn. Cơm tối xong, mẹ đốt đống rác sau hồ rau muống, chị em tôi đưa tay lên miệng «và và hu hu» gọi ve ve xuống ăn cơm với cá, với sư-bá sư-phụ. Ve ve theo ánh sáng sà xuống loạn xạ, bu quanh người gãi chợt da mặt và bài tiết nước. Hai chị em vồ chụp lia lịa đút vào giỏ. Sẵn lửa mẹ để nguyên cánh, đuôi, xào ngang ăn liền. Những lúc soi được quá nhiều mẹ rim mặn để dành nhưng không cất được lâu vì ve ve đái dầm trong xoong hôi lắm. Mỗi lần nghe ve sầu kêu gào rã họng trên những đọt cau ấp trứng muộn là hai chị em bần thần chảy nước miếng còn hàng phượng vỹ thì rầu rầu nhỏ từng cánh máu xuống đường. Tiến đoán rằng trong tương lai ve ve sẽ giảm dân số một cách mau lẹ vì nạn phân bón hóa học.

Tôi dụi tắt ngọn lửa rồi đi rửa mặt. Chiếc gương tròn trong tay, tôi vói lấy miếng xác cau khô đánh răng. Chiếc bao hương màu đỏ thấm chút nước miếng quẹt lên môi và hai cái kẹp dằn mái tóc. Tôi khá đẹp. Tôi réo thằng Tiến về coi nhà rồi chạy loăng ra đường. Có những lúc thân thể tôi thèm mặc những bộ áo quần thật mỏng, thật thoáng khí như màn tuyn và trong mùng là những mảnh đồ lót màu hồng màu xanh viền răng cưa. Ông ngoại rủa rằng vì con gái trong xóm cứ ưng lấy Tây để đẻ con cho đẹp nên những con chó cái cũng bắt chước thú ân ái với chó Bẹt dê bỏ rơi các chàng Mực. Mẹ nói thêm: Con gái lấy Tây thì cha mẹ mất ăn trầu. Xóm tôi có nhiều giường cho thuê. Giường cao giường hèn tùy theo giá trị của người con gáỉ tiếp khách trên giường. Giá gái cho thuê đối với Pháp kiều đắt đỏ hơn đối với người bản xứ.

Tôi dừng lại nhón chân hái một trái mít đọt nổi cám vàng. Ăn bông mít khô cổ khát nước rrất dễ mất giọng ca. Tôi hái thêm một nạm lá me non và lá bứa làm thức giải khát, rồi vừa nhảy lưng tưng vừa đảo tròn mắt nhìn quanh. Một người đàn bà đi ngưọc chiều phấn hồng đắp cao hai gò má. Tôi nguýt một cái:

— Hai gò má như hai ụ đất còn bôi phấn hồng.

Tôi bước vào một góc tối của rạp hát gọi nhỏ:

— Anh Chiến… anh Chiến ơi.

Anh Chiến thò đầu ra níu lấy tôi rồi dìu vào ngồi trên một chiếc chiếu. Tôi kêu thét khỉ anh dẵm lên bàn chân tôi. Chiến ngồi xuống mân mê cổ và vai tôi:

— Cái xương dưới cổ mi sâu lắm đổ được nửa lon gạo là ít….

Chiến dúi vào tay tôi hai cắc bạc. Anh ôm ghì tôi, cắn má, bóp tay, thoa nắn hai chiếc đùi và vuốt bụng…. Nhột như kiến bò vào trong áo quần. Tôi cảm thấy có một cơn sốt dễ chịu nhưng tôi vẫn rút gọn người vùng đạp. Trời. Anh muốn xé tôi ra, dìm tôi xuống, ngồi lên tôi. Tôi co cùi chỏ đâm vào sườn anh, cắn vai anh, vật lộn với anh. Tôi có cảm tưởng mình là cục bột dẻo rất to anh đang vọc tay, những ngón tay muốn lún vào, bang nhồi…. Lăn lóc. Vật vã. Quằn quại. Tôi để cho anh hành hạ và tôi cụt kít anh xô anh ngã. Anh chồm tới cắn cổ tôi, nghiến răng béo tôỉ, hai gọng tay kềm cứng thân tôi. Anh hành hạ tôi nhiều sao tôi không thấy đau thấy cực ? — Vì tôi ham đánh bậy? — Vì tôi thích được đau? Sau mỗi lần nhồi bột thân tôi, anh đều đền tiền.

Tôi vòi vĩnh:

— Hồi trưa không ăn cơm đến nơi … đói bụng quá.

Chiến vén áo tôi lên vỗ bụng ba cái:

— Nói láo, bụng chắc như trái mít chín…búng kêu bịch bịch… A đưa lưng đây anh nặn sảy cho.

Tôi phơi lưng trần. Chiến giết từng con sảy rồi cào từng vạt trên chiếc lưng nhám. Đưa đầu cho người khác bắt chí, đưa lưng cho người khác búng sảy rồi ngồi tỉ tê chuyện trò… đó cũng là hạnh phúc. Những con sảy bị anh Chiến xử tử độ ngày mai là sống lại. Chiến bảo:

— Sảy là một thứ vi trùng biết bò…. Bình thường hắn ngủ yên nghe, khi nổi nóng hắn mới ngồi dậy bò lồm cồm. Mình biết ý đừng uống nước. Nếu mình cứ uống, sảy hắn nổi xung, hắn cắn liền, cắn lung tung không biết chỗ nào mà bắt.

Tôi tán thành:

— Ừ hè… càng gãi càng ngứa, rát lắm.

— Không thề tự tay mình giết sảy của mỉnh được, phải nhờ tay người ngoài. Sảy hắn sợ đàn ông chứ không sợ đàn bà.

Rồi Chiến vặn lui đôi vai tôi:

— Đưa anh coi phía trước có sảy không nào.

Tôi xô anh một cái rồi chạy vụt ra với chị Thi. Chị hối tôi cởi nhanh áo ngoài ra, chừa áo cánh lại rồi xắn quần lên cao. Chị Thi ốm như cây roi mây. Chị cầm lọ phấn nụ và ly nước lạnh chấm ướt phấn quét lên mặt tôi. Phấn bám vào da là nóng liền. Mặt tôi được quét ba lớp phấn bừa bãi như quét tường. Tôi dụi mắt lia lịa, mỉm cười trong gương, nhận thấy phấn trắng quá nên hai hàm răng vàng ngàu. Khuôn mặt tôi chữ điền hóa trang cần nhiều sáng kiến nét đậm nét nhạt với phấn mầu, nhưng chị Thi cứ lấy phấn đỏ chặm tràn lên hai gò má sát phu. Tôi biết lỗi trên mặt mình biết cái hớ hênh của hai gò má. Tôi tức tối:

— Đáng lẽ chị vừa làm tốt cho em, vừa hô “biến! biến” mới phải. Vỉ em đang đẹp mà chị làm cho xấu như con nộm tháng bảy. Gò má em cao, một là không đánh phấn hồng, hai là phải quẹt một đường phấn hồng dài. Tại sao chị cứ xoay tròn mãi trên hai cái gò.

Son môi vừa nóng vừa đắng chát. Chị Thi kéo ngược đôi lông mày tôi lên bắt chước tiểu thư Tàu, phủ nhận hai vòng cong tự nhiên. Rồi bàn tay chị Thi uốn tóc mai tôi thành những cái móc trên trán. Chỗ nào thưa tóc thì dùng bút chì đánh dấu hỏi. Dầu dừa tưới tóc lấm xuống trán, mồ hôi rỉ trên mép miệng. Người tôi bốc nóng, ngạt và bức vô kể. Tóc tôi bới ngược lên cắm hai chiếc bông đại khiến chiếc mặt như cao thêm một từng. Biến hóa mặt mày tôi xong, bà Thi ngồi xuống thở không buồn ngắm nghía họa phẩm lòe loẹt của mình. Chị bảo tôi lấy vôi ăn trầu trây khắp hai cánh tay, hai bàn chân. Những phần da thịt lộ thiên không che giấu trong áo quần đều được quét vôi trắng…. Nhìn tấm thân bị màng phấn dính trít ngột ngạt tôi vô cùng công phẫn. Ánh sáng cùng bóng tối sân khấu là tấm đoạn lúp mặt tôi! Tôi chỉ trưởng thành trong môi trường son phấn này thôi vì ngoài ra không thấy gì nữa, không biết gì nữa. Đây là trường tôi học có giáo sư là đào kép. Tôi dậy thì. Tôi ở đây và đón được một số vi trùng trong tim, trong óc. Trùng độc của cuộc đời ngấm đậm trong cơ thể, ăn hết máu ngon của tôi để nhả ra những độc tố, những biến chứng kỳ quặc như việc tôi vừa làm với anh Chiến. Lòng này đã khô queo hết những cảm xúc con nít rồi. Những sợi thịt trong thân thể này đang học đòi những rung động bất chính. Như thiếu nữ hoang. Như đàn bà hư.

Chị Thi dã mang bộ giáp đến cho tôi, bộ võ phục Đoàn Hồng Ngọc. Lát nữa Địch Luông và Đoàn Hồng Ngọc sẽ ngồi chung một chiếc xe kéo chạy rong quanh thành phố quảng cáo, rủ rê mọi người tối nay đến rạp “Đông Xuân lâu” xem tuồng. Địch-Luông ôm trống đánh túi bụi, Hồng Ngọc cầm xấp chương trình phân phát, chiếc xe kéo hai con người hôm đi du hí những nơi quen thuộc. Tôi day qua nhìn Địch Luông thầm nghĩ hắn là một tác phẩm của thợ mã, nộm nam. Trống nện bùng bình, Địch Luông lom khom vung lẹ tay, thỉnh thoảng đưa cùi chỏ thúc vào hông Đoàn Hồng Ngọc đang loay hoay tung những từ chương trình xuống đường. Một số trẻ con lóc nhóc chạy theo hai hiện tượng xin vài tờ giấy, xe qua những chỗ vắng người, thằng Địch Luông vứt dùi, đưa tay béo và cút kít Hồng Ngọc. Đoàn nữ quắc mắt, thót người dang tay tát tiểu tặc tướng. Hai bên gây chiến trong lòng xe lắc lư. Bác phu quay lại chửi. Thiên hạ nhìn chăm hai con người ta giả rồi chỉ chỏ. Tôi cúi xuống gạt những cánh tay con nít ra, nhét vội vào tay một thanh niên đứng đắn tờ chương trình xanh. Những đứa con nít bám đuôi xe dai như đỉa, ì ạch chạy theo năn nỉ xin cho được vài tờ giấy xanh đỏ. Có thằng chạy vượt lên vuốt chân tôi, vài anh thanh niên bỏ lề đường xông ra xin giấy, tôi tươi cười thân tặng. Không bao giờ tôi phát chương trình cho trẻ con, chúng đuổi theo dỗ ngọt, dỗ mặn và đôi khi hăm dọa thanh toán cả đoàn hát, đốt phá nhà cửa Hai tay Địch Luông nô dỡn, dội lên xuống mặt trống, khua nện tiếp tiếp thêm sức cho lũ trẻ chạy nước rút. Bác phu cũng chạy không bén gót. Một thằng cóc con chĩa tay trỏ tôi:

–Ê ê mi là con Sao, tao biết mi rồi.

Trong đám trẻ con rình ràng nối đuôi xe, có một thằng dai dẳng si mê tôi. Nó dốc lòng theo tôi, nó bốc giò theo tôi từ Đông-Ba qua Bến-Ngự từ Gia-Hội đến Phu-Văn-Lâu. Nó nghếch chiếc mặt lem luốc mồ hôi nhìn tôi, rất tình tứ gian tà. Cha mẹ nó buôn bán giàu, nó không chịu học. Chiều nào nó cũng bám đuôi xe hồng hộc tỏ tình. Nó năn nỉ tán tỉnh tôi. Tán nhỏ, tán to. Tôi liếc nó cười nửa nụ, phô ánh mắt phô miệng cười thả mồi câu con cá si tinh trổ hết tốc lực theo tôi. Vì cá to, nặng, người đi câu phải làm cho cá mệt nhừ. Thì khách tình si quá mỏi gối, quá chồn chân, tôi mới nhẹ ném cho một tờ chương-trình. Địch-Luông nóng ruột:

–Nàng về Địch mỗ, nàng không được ưng thằng Lựu, không được phát chương trình cho thằng Lựu. Hẳn với ta là tình địch còn nàng với ta thì… gắn bó từ dây.

Tôi nguýt:

–Tao mà làm vợ mi à? Mi làm em tao chưa chắc đã xứng. Thằng Lựu có sức chạy bền, tao ưng có chồng là lực sĩ điền kinh thôi.

Tôi giữ phần quàng cáo và thỉnh thoảng sắm vai con nít. Tiền công về nhà mẹ moi lưng lấy sạch.

Xong việc quảng cáo tôi phài về nhà khi trời lem luốc tối để nấu cơm. Thằng Lựu đón tôi đầu xóm toe toét cười:

— Sao, Sao… cho ấy trái chanh đây.

Thấy chua, lưỡi tôi như lỏng ra, miệng rệu nước, tôi nhảy lui:

— Quăng lên cho tui chụp, đừng mó vào người tui…

Tòi chụp trúng, muốn bóc ăn liền. Tôi nhảy cò cò một vòng mừng rỡ. Thẳng Lựu tha thiết:

— Tối nay mời Sao đi coi hát. Hat đứa con nít ngồi chung một ghế như hai anh em…. Coi hát xong ra vườn bông ăn phở.

Tôi trợn mắt dãy nảy:

— Cho thằng Địch Luông hắn bóp cổ cả hai đứa à? Nì… nói cho mà biết, không có tiền thì đừng hòng tui chơi với.

Tôi quay lưng chạy, thằng Lưu đuổi theo:

— Cho Sao 5 cắc ở lại cho vuốt má một cái.

Tôi lắc đầu:

— Đâu có được, vuốt má thì phải một đồng, giá nhất định không bớt một xu… Từ đầu gối trở xuống bàn chân, mỗi cái vuốt đã một cắc rồi.

Mấy thằng cóc con trong Xóm mỗi khi chơi đùa với tôi thường cố ý đụng chỗ này, đụng chỗ kia. Tôi vô tình, không quan tâm nhưng từ khi kép Chiến cho tôi tiền để hành hạ, để mua cái đau của tôi thì tôi đặt ra luật lệ quy định giá cả mỗi chỗ da thịt khi bàn tay con trai sờ đến. Bàn tay con trai… sự mua bán. Nỗi vui sướng có vắt ra nước mắt được không? Phấn son sân khấu ánh đèn ngũ sắc đã thiêu đốt con thật sự, đã hớp hồn tôi. Đừa con gái nhỏ tên là Sao đã chết rồi, chỉ còn lại một con Sao bị trùng nhập, nhớp nhúa, hôi tanh. Những đào kép mần tuồng trên sân khấu, tôi học làm để đóng lại giữa đời. Và tôi học giỏi quá khi đang còn chưa biết thở dài.

— Thôi thì vuốt đầu 5 cắc.

— Không có chuyện vuốt đầu rồi đa, cái đâu để người ta thờ cha thờ ông.

— Rứa Sao để cho người ta vuốt tóc thì được tóc ở trên dầu cha mô…

— Đầu khác, tóc chứ… á nì… 5 cắc thì được đấm lưng thôi.

Lựu trao tiền rồi tôi mới đưa lưng cho đấm một cái. Hắn vuốt dài, đấm ừ một cái rồi còn xô tôi ngã nhào chúi nhủi.

Tôi vừa chạy vừa chửi lui.

Về đến nhà, rửa mặt lại một lần nữa, tôi mới đong gạo đi vút. Gạo hẻo rằn ăn mặn mòi, bùi miệng; tuy nhiên ông ngoại vẫn ao ước có chén cơm gạo de An Cựu. Nồi cơm sôi xế xế cạn, tôi nhấc xuống; tẻ nước ra bát để ông ngoại uống cho bổ. Cơm là ngọc thì nước cơm là sữa ngọc.

Cơm gạo hẻo rằn giả lức bốc hơi nghi ngút. Mấy ông con vừa nhai vừa thổi. Rổ bông bí luộc, khô chút mắm nêm và mấy trái ớt tươi. Ông ngoại vừa nhai vừa nói:

— Sở dĩ con gái Huế mắt đẹp hơn hết vì người Huế ăn ớt nhiều. Không ai ngờ ớt cũng là một loại thuốc bổ mắt.

Tôi cãi:

— Rứa khi con giã ớt tỏi làm nước chấm, lỡ văng vào mắt thì đỏ hoe ngay và cay rứa tê…

Ông ngoại cầm bát nưóx húp cho tiôi cục nghẹn nơi cồ rồi bồ đũa nhìn mẹ.

— Hột gạo giã sạch thì hết chất bổ… bổ ở nơi cám… Ăn gạo tạ dễ phù người lắm.

Tiến nói:

— Ông nói trật, gạo tạ do Tây làm ra, xay băng máy sạch sẽ tinh-vi. Đồ của Tây làm ra là cái chi cũng tốt, cũng bổ hơn người mình cả.

— Có mô Tây hắn thích dân mình khỏe manh à? Dân mình có hột cơm là chính yếu, Tây hắn cốt cung cấp gạo tạ để dân mình ăn cho ốm yếu, hắn cốt hại mình… tốt lành chi đó.
-À…

Tôi vét bợn cháy đóng lại hai bên hông nồi cơm bỏ vào dĩa tráng với chút nườc rều rều cá kho còn dính, rồi cầm dĩa lên va, vừa nhai vừa cười. Mẹ la:

— Con gái má ăn dĩa, ăn dĩa cạn lòng, trai hắn dỗ đi.

Tôi cười tít:

— Trai dỗ con à? Còn lâu… Nhưng nếu đứa con trai nào dỗ dành con mà đưa tiền cho mẹ tiêu thì con mới xiêu, mới vẹo, mới bỏ mẹ, bỏ ông xách gói chạy theo.

Ổng ngoại nạt :

— Tưởng tiểu yêu lớn chưa nghe ai huýt đã chạy rồi… Không cần ra giá cả.

Tiến chắc lưỡi:

— Để cho con người ta lớn với chứ. Ông cứ rủa, cử trù mạt chị. Sao hoài…

Mẹ la:

— Thằng Tiến hỗn hè.

Ông ngoại bỏ đũa, mẹ mới dịu dàng.

— Ăn thêm ba hột kẻo đêm dài đói bụng… con Sao bưng hai cái trứng vịt lộn ra cho ông ngoại thời bớt ho.

Ông ngoại ngước lên nghi ngờ:

— Đứa mô dập bể hai cái trứng cả ri… Ăn trứng vịt lộn phải đừng thấy rõ mới ngon.

— Tại con đợi nưóc sôi bỏ trứng vô luộc nên con vịt vùng ra bể trứng đó.

Mẹ nói mau:

— Ừ hè… quên dặn hắn bỏ vô khi nước còn hẩm hẩm.

Ông ngoại quát:

— Hay là con Sao ăn chùng miếng mô rồi mới đập ra cho lộn lạo… trời… hắn còn hút cả nước ngọt.

Ông ngoại đem dĩa đèn dầu lại gần, soi rõ hai con vịt chết, trăn trở mò mẫm tìm những chỗ sứt mẻ, tang chứng của ăn vụng. Hai khoanh ngòi đỏ vẫn còn nguyên. Hai cục chì vẫn chưa ai khơi. Tôi nuốt nước bọt. Ngoại hừ một tiếng:

— Thằng Tiến có cắn bờt không?

Tiến dong tay:

— Thề đây nì, thề cha chết, mẹ chết nếu đứa mô ăn chùng.

Mẹ quát:

— Vì miếng ăn mà đem mẹ ra thề.

Tôi nói:

— Có thề độc ông mới chịu tin.

Ông ngoại cúi xuống bốc ăn, rồi thở ra hài lòng. Ông ăn đến hết cả hai cục chì. Chị em tôi ngẩn ngơ. Mẹ thường xua đuổi hai đứa con ra khỏi nhà để ông ngoại ăn uống tự do, khỏi vướng víu, khỏi nhột miệng. Mỗi lần mua thức ăn riêng cho ông ngoại mẹ dỗ ngọt đi chơi xa lối xóm. Mẹ thờ cha của mẹ rất có hiếu. Có một người ông nên chúng tôi không có nhiều thứ. Mẹ trưng bày lý do đề gạt con ra khỏi nhà:

— Cứ đứa này một miếng, đứa kia một miếng thì còn chi nữa cho ông ngoại.

Mẹ cố tạo miếng ăn ngon cho ông ngoại và phủ nhận sự âu yếm cần phải dành hết cho con. Người ta không thể ưu đãi ông già và bỏ rơi đứa trẻ. Xã hội có viện dưỡng lão và viện dục anh còn lòng mẹ thì chỉ biết có cha già mà quên con nhỏ. Tôi ứa nước mắt khi mẹ đi tìm bùng binh của tôi đập ra lấy tiền mua rượu cho ông ngoại. Mẹ quên rằng mẹ phải ở giữa hai bổn phận: lòng hiếu thảo và tình mẫu tử. Mẹ quyết trọn một bề. Mẹ đã để lép một bề. Mẹ chưa nghĩ đến tình mẫu tử, mẹ chỉ lo bồi bổ lòng hiếu thảo. Tôỉ cũng phục mẹ có hiếu.

Tiền tôi làm cho rạp hát, mẹ vét lưng quần moi hết, còn tiền của bọn con trai cho chát, tôi ăn quà và bỏ bùng binh, mỗi ngày tôi lắc lắc bùng binh quý mến như ông ngoại nâng níu tấm lịch. Ý ông ngoại muốn khui, muốn chiếm bùng binh. Mẹ hứa rằng tết đến sẽ đập ra mua quà biếu ông.

Tôì khệnh khạng tuyên bố:

— Ông ngoại vô phận sự không được mó tay vào bùng binh.

Vì ông mẹ đã vô tình bóp bụng con. Ông không cho cháu, ông chỉ dành phần cháu. Tôi tủi thân khóc ròng và thấy mình có nhiều ý nghĩ rất trá.

Tôi chỉ có cái bùng binh trong khi ông ngoại giấu đút nhiều nơi, nhiều nơi. Nhất định tìm ra là tôi ăn kẹo ngay. Mẹ cũng ra công tìm những món tiền ấy. Mẹ bảo ông:

— Cha đưa tiền con cất dùm, cứ giấu lắc rắt chỗ kẹt này một ít, chỗ kia một ít rồi quên lửng không biết mô mà tìm.

Tôi tiếp lời mẹ:

— Nói dại…. Ông phải nhớ mà giao tiền cho mẹ trước khi chết để lo đám.

Ông mắng:

— Miệng con a đầu lúc nào cũng độc.

Tối đến, tôi thường đi tua khắp xóm bắt gặp từng chỗ, từng chỗ lại có hai người khác giống làm chuyện khác thường trong bóng tối. Tôi làm ma vác đá ném lung tung.

Niềm ao ước độc nhất của tôi hiện nay là được sung vào đoàn vũ nữ trong đại nội, đoàn gái đồng trinh. Điều kiện gia nhập bắt buộc con múa phải có đời tư trong suốt và thân hình cử động mềm mại như cá đang bơi. Tôi có chiếc áo đẹp chiều chiều trà trộn trong đoàn thợ múa ăn lương nhà nước ấy. Họ là những chiềc máy múa có lò xo mềm và dai, những cô gái không xương thân thể ngưng đọng những vũ khúc tuyệt vời. Xiêm y bằng sương mỏng trong bài hát ma, họ mang kiếp chốn đa tình yêu thương chàng tu sĩ; chân họ đi không bén gót, là là trên mặt đất như buồng thanh khí đa hút rỗng hồn tôì. Tôi mê man muốn mình cũng là gái liêu trai. Khi họ làm sóng gió tôi thấy lạnh, họ làm hoa, làm bướm tôi thấy say. Nhưng bổn phận của vũ đoàn là duy trì truyền thống những điệu múa dân tộc như múa đèn, múa nón, múa trống…. Những thỏi đèn bạch dương, hồng lạp cắm trong những chiếc hoa sen bằng giấy chòng chành trong tay vũ nữ suốt thời gian quằn quại trong nhạc khúc vẫn không hề tắt. Áo bay phất phới, cành tay đưa đẩy tạo ra khá nhiều gió nhưng tia lửa vẫn còn hiu hắt mãi ở mỗi đầu con tim đen sào. Người ta thắp đèn trên đỉnh đầu nữa. Ngưòi vũ nữ hoa khôi cắm ở mỗi ngón tay một ngọn hồng lạp, trườn mình như tràn thần, hai bàn tay tháp bút xao động lăn tăn những con sông nhỏ hiền từ; khi đứng lại thì mười ngón tay không xương uốn nắn nhiều đường lắt léo. Ánh nến chập chờn nhưng không tắt vì đầu xoay tròn, vai gập ghềnh nhưng vẫn cố giữ được mười đóm lửa ở trên mặt phẳng. Một tia lửa rụng là rồi đời. Roi bò quất trót lên da thịt. Cứ sai một nhịp là chịu một roi. Thế mới mau giỏi. Loài vật còn khổ luyện cho thuần được huống hồ gái tơ thân thề mềm như bún sợi. Dạy người múa kỷ luật cũng nghiêm và cũng như tập tánh thú vật trong gánh xiếc. Chỉ thiếu có tra điện và búa. Vũ nữ ăn roi mây như cơm bữa, cảnh vùi hoa đành biểu diễn ra không nể mặt một ai. Trong bản nội qui có vài đi cấm là vũ nữ về nhà không được bẻ đốt ngón tay kêu lắc rắc và phải cố gắng hết mình chừng nào càng tốt đàng sinh đẻ… đại khái lũ tránh động tác tăng trưởng của bộ xương. Vũ nữ phải mềm như giun đất.

Những đêm lưu diễn chúng tôi ngủ chung như động vật. Mấy người con gái đều đã mất trinh, tôi cũng mất rồi. Ngủ chung đông đảo như thế này chẳng biết thằng kép nào là kẻ trộm. Sự đánh mất không xót xa nhiều vì tôi không tha thiết giữ chặt nhưng tôi vẫn nóng lòng tìm ra thủ phạm và nghi ngờ lung tung. Từ tuổi dậy thì cuộc đời sân khấu đã hút khô tôi, đã tha đi mất những nhụy vàng tuổi thơ để tiêm độc vào huyết quản. Hơi hàn độc thấm dần, thấm dần vào tạng phủ. Vết thương dậy thì… Tôi đã trúng tên ướp độc ở cái tuổi chóng mặt vì tâm tư có nhiều ngã rẽ, cái tuổi mất thăng bằng của thể xác và hồn phách. Tôi đã nghiêng vì một bên nặng. Tôi cam tâm đợi giờ phút ngã quỵ vì biết không bao giờ có thể tự giải độc. Đêm hôm đó mới thiệt thụ không còn con gái nữa. Có sự lật đổ, sự xé rách cơ thể mà không có tiếng thét hãi hùng… Tôi âm thầm mở cuộc điều tra… Nghi ai ? Nghĩ đến chuyện tìm dấu tay trên áo quần mà tức cười. Hỏi ai? Tra ai? Nếu mất chiếc nhẫn kim cương thì có cớ đề làm dữ. Nghi Hùng? cái đầu tóc tẩm dầu vuốt ngược lên không cần tìm đường rẽ, cái đầu có vẻ hắc ám và bẩn thỉu. Hắn hay đỏ mặt lên đầy tà khí. Hắn hay vuốt trộm tôi khi tập tuồng. Gọi hắn là kẻ tình nghi số một đi. Nghi Tân? Vợ Tân dọa sẽ tước đôi tôi ra nếu chồng hắn dính vào tôi. Hắn còn họa sẽ róc tôi như róc mía, sẽ cầm ngược tôi đề xóc nữa. Vợ dữ như lửa còn chồng thì ngoại tình tứ tung bốn bề. Nghi Châu? không ai cầm nhíp để nhổ hoặc cầm dao gột phăng dùm tôi vạt lông mọc giữa ngực hắn. Chịu không nổi. Những cái xốn xang trên người đàn ông luôn luôn đập vào mắt mình. Thằng nào cũng làm mình vữa nước miếng buồn nôn cả. Cuộc điều tra tạm để dành đó. Chữ trinh trời giao cho con gái dặn dò phải giữ gìn mà tôi lỡ đánh mất. Tức giận vô cùng vì chữ đẹp không còn trong thân thể nữa. Đời con gái chỉ quý một chữ đó, chữ màu đỏ, màu đỏ của hạt cát thủ cung sa ngày xưa…. Chuyện mất này có sự đồng tình giữa kẻ gian và nạn nhân.

Những vòng dây thừng cột tôi vào sân khấu. Khôug khi nào tôi có thể tự nới những vòng dây. Càng ngày càng thêm vòng, càng thắt chặt. Càng ngày đời tôi càng bị phá hư. Tôi đã gửi tôi, ký thác tôi cho một ông Bầu và tin cậy và thương cảm tình bằng hữu giữa đào kép. Ánh đèn màu loạn, tiếng trống dội lên thành ngực, tôi mê nghiện hai thứ đó. Tiếng trống! Tôi thương nó. Tất cả vui buồn sân khấu theo đà tay trút xuống mặt nó, khi âu yếm vỗ nhẹ thơn thơn da thịt em bé, khi cấp bách thác loạn mặt biển điên cuồng, khi đay nghiến uất ức cuộc đời lừa bịp. Gân trong người tôi giựt run vì lòng trống thét gào. Tiếng trống đã khiến tôi bỏ rơi đời sống, tôi khước từ con người phải ăn cơm cá hằng ngày để nhập hồn vào vai trò. Trống đánh náo lên, đinh tai choáng đàu, là giới hạn, là bờ đê ngăn cách tiếng nói, việc làm, cơm ăn, thuốc uống của cuộc đời không cho lọt vào đây. Tôi ở giữa tiếng trống loạn, không cho lọt vào đây. Tôi ở giữa tiếng trống loạn, không còn dính chi với đời nữa. Tôi mê một giấc dài không bao giờ muốn lai tỉnh, không bao giờ muốn trổi dậy nhìn đời nhân cách hóa đời bằng tiếng “hắn,” mê trong thế giới tuồng tích, hoang đường, ma quái. Tôi ngự, tôi lên ngôi, tôi tên mày… tôi là những gì tôi không có thể hiện muôn vàn bộ mặt, muôn vạn kiếp ngưòi. Tiếng trống dìu tôi đi, đẩy tôi nằm, xô tôi chạy, đốt cháy và tôi giữa tiếng trống tôi đẹp não nùng. Tôi nghĩ đến những vòng tròn méo mó quay bằng nhịp đầu lắc lư của các ông bà cốt khi chuyển mình thượng đồng. Họ quay tròn đầu một chốc thì hôn mê, tôi nghe tiếng trống một lát thì hồn trên biến vào vai trò. Tôi mê sân khấu và họ mê trước hương khói bàn thờ. Óc non của tôi nghĩ rằng hát bội chịu một phần ảnh hưởng của lên đồng: hành động nói năng trong cơn mê, say trong vai trò.

Họa sĩ Khoa Lê (Tác Quyền Vẽ Về Hát Bội, 2018)

Vì cứ mê cứ lú mãi nên tôi mới đóng giỏi, hát hay. Trên sân khấu đừng ai dại mà hồi tỉnh. Tỉnh táo là khi hạ đài, khi tuột áo mão, khi lau chùi bộ mặt giả…. Khi đó mới thật là đắng là đau. Ôi! đời con gái nhẹ như chim… bay mất rồi thắc mẳc, đừng kết tội mà thấy nặng. Trời sinh ra tôi dễ bốc cháy, dễ dập tắt, dễ mát và cũng dễ lạnh. Nếu tôi làm con gái thường, con gái tay ngang không ai thèm bàn đến, tôi sẽ thiếu cơ hội để hư và có hư thì chỉ một dúm người biết….Hoàn cảnh, hoàn cảnh đã giam tôi trong một căn phòng ngủ chung đụng, đêm khuya thức dậy đi ngoài phải bước ngang qua người đàn ông.
Bầu Lý, nghĩa phụ của tôi còn là người cha chung của đoàn, nằm ngủ trên chiếc hòm đựng đồ nghề. Châu và Hùng đóng đinh giăng mắc mấy hàng dây treo mùng. Tôi trải chiếu trên nền nhà rồi chiếm một góc phòng. Chiếu riêng, mùng riêng rất sạch dành cho đào chính. Bạn kép già kép trẻ cởi trần nằm lăn ra giữa phòng. Ba cô đào mỗi người chiếm mỗi góc phòng không chịu nằm chung để bảo vệ nhau. Tôi xã tóc, rút kẹp ra cho thong thả cái đầu. Ngủ lộn xộn như thế này không bao giờ sợ ma, sợ trộm.

Tắt đèn cho mát. Tay tôi cầm một củ nghệ mò mẫm thoa trên trán, củ nghệ lúc nào cũng cất sẵn trong túi áo. Bọn đàn ông bắt đầu nói chuyện. Tối hôm nay nghỉ hát phải lo ngủ sớm để dành sức khỏe. Ngoài vườn ve ve kêu một loạt ngắn rồi tắt. Tiếng ve không hẹn mà cùng ca cùng nghỉ một lần rất đúng nhịp. Tiếng hát giống nhau, hình thù giống nhau như cả loài ve chỉ có hai con cái và đực. Còn ruồi đen thì giống nhau hoàn toàn như chỉ có một con ruồi.

Tôi sực nghĩ là quên uống thuốc đầu đêm liền đứng lên rót nưóc. Cha nuôi hỏi:

— Có bớt nhiều không?

Những viên thuốc tễ mùi tanh tanh. Thuốc Bắc thấm lâu, công hiệu dai, ai cũng bảo thế. Cha nuôi tự y đi bổ, trộn thêm vào thuốc rất nhiều mật ong nhưng nuốt vẫn khó trôi. Tôi dơ tay chặn cổ rồi trả lời:

— Khi nào mất ngủ thì huyết mới ra.

Nhiều đêm và nhiều ngày liên tiếp giấc ngủ không đậu trên đôi mắt, tôi hoảng kinh kêu trời hết hơi. Hễ hơi ươn mình là tôi nghỉ hát. Ánh sáng sân khấu đêm đó lu mờ. Song song với hai vũng mắt sâu khao khát được giấc ngủ làm đầy, tôi rước thêm cái họa nữa là đi tiêu ra máu. Nhìn sinh lực chảy ra từ từ tôi sợ đến dại người. Máu quý của tôi không chảy ra vì nội thương, ngoại thương. Nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mọt, chính những giọt huyết rỉ ra từ khe hậu môn đã thiêu đốt sức khỏe, tàn phá thân hình. Uống ba thang thuốc Bắc chưa chắc đã bòn được vài giọt huyết. Mỗi lần đoàn hát đi Quảng, cha nuôi tìm mua Yến sào. Sâm, Nhung, Cao để tôi vun xới sức khỏe. Rồi thỉnh thoảng cha đeo kính trắng cầm tăm khươi lượm từng sợi yến trong trong vắt.

Người ta hăm dọa cải lương sẽ dìm chết hát bội nhưng ông Bầu Lý tin chắc rằng tôi còn sức khỏe để đóng tuồng thì đoàn hát bội của ông không bao giờ tắt thở. Sân khấu miền Trung sẽ sống mãi như một vì sao lẻ.

Về chỗ nằm, tôi cẩn thận kéo đuôi tóc ra ngoài cho khỏi rối và lấy củ nghệ tìm những nốt mụn chấm lên.

Tiếng Châu ngáp dài:

— Ngủ khuya quên mất rồi nằm chờ giấc ngủ thật bực bội, ngồi dậy oách đi ta… oánh không bây?

Ông Bầu Lý từ khước:

— Thôi thôi để yên cho con Sao ngủ.

Đời tôi còn vá víu bằng những mảnh bài Tứ sắc. Tôi sống có chất say. Đời để chơi. Chết là chấm dứt cuộc chơi. Tôi đánh bạc lão luyện quá nên túng thiếu sức khỏe. Đánh đến hơi thở cuối cùng. Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Biết bao đào kép đã gục chết trên chiếu bạc. Đánh chết bỏ. Vật ngã nhau bằng tiền. Đánh cho mê. Một tay cầm khăn lau mồ hôi, một tay xỉa tiền. Càng đánh cao mồ hôi càng xuất ướt mặt và cổ.

Hùng nói to:

— Trong người con Sao chừ không thiếu chi chất bổ: Sâm Cao ly nì, Yến sào, gạc nai, cao khỉ, nhung lộc… hắn chỉ thiếu có gan rồng… đáng bực công chúa rồi đa…

Tôi xẵng giọng:

— Thôi đi, đừng có đem miếng ăn ra để so sánh địa vị, đo lường địa vị.

Tân kêu lên:

— Ni… Sao… đi đồng ra máu không can chi mô, đừng sợ mà hao thịt. Ăn vài soong đậu xanh hầm là hết ngay. Có nhiều người đi tiểu nước tiểu ngọt như chè… đó bệnh tiểu đường mới nguy tai.

Mấy chị nằm ở ba góc nhà cưòi khì. Châu hát vài câu nhạc cải cách, Chị Sang kêu ông Bầu Lý:

— Cha à, thằng Tiến bữa nay vô Sàigòn đầu quân Cải lương coi mòi sáng mã quá xá há? Cái tờ báo T.S. lại còn nhờ hắn viết giúp cho mục « Hộp thư sắc đẹp » nữa chứ. Tức cười quá! Người ta khai thác biệt tài làm tốt của kép cải lương. Đàn ông mà biết đánh phấn tô son, biết lựa kem lót mặt, vẽ mắt vẽ mày thật đáng trọng dụng. Cu Tiến khoái nhất là được giao thiệp thư từ với các cô… “chị chị em em,” rồi “mến nhiều,” “thương hoài,” “nhớ loạn,” mát mẻ quá xá.

Hùng ngâm khẽ:

— Chàng rằng nghề mọn riêng tây.

Tiếng ông Bầu Lý:

— Tao ghét cái tờ báo T.S. nhất rồi đa. Đọc mà phát tức. Cái thằng cha T.T. viết không có nghĩa lý chi cả, vô duyên òm…. “Hát bội đang ở trong giai đoạn cực khổ chuyển mình thành Cải lương và Cải lương là một ngành nghệ-thuật tân kỳ vì Cải lương chính là hát bội đã lột vỏ để lộ ra bộ mặt tươi mát, trắng trẻo, phương phi”…dễ ghét ghê… nói huyễn…

Sang trầm ngâm:

— T.T. nói rứa mà đúng đó. Chúng ta cần phải thay vỏ vì chúng ta mang một hình thức quá già nua cũ kỹ. Con thì con lạy trời cho con lột vỏ, con thoát xác, thay lớp da trở thành con ve non…

Tôi khấn thầm:

— Cho con lột cái và mất trinh, cái vỏ đàn bà âm thầm để hoàn lại con gái. Con tiếc quá!

Ông Bầu nói to:

— Đồ thằng cha làm báo ngu… Hát bộ là nghệ thuật căn bản của nước nhà không có bộ môn nào bì được cũng như ca dao là chìa khóa của văn học. Hát bội là sông cái, sông mẹ còn các ngành khác như kịch, cải lương là sông nhánh, song con… Kịch, cải lương làm chi có những nét độc đáo, như hát bội : này cách vẽ râu, cách vuốt râu, rồi cách cười… nhứt xứ, không có chi qua mặt được.

Ông già Từ Thức tán đồng:

— Ờ ờ bộ râu với tiếng cười, tiếng hét của tụi này là chúa rồi đa, nhứt bộ râu… ý nghĩa lắm lắm. Có trăm cách vẽ, trăm kiểu vuốt.

Tôi hỏi:

— Vai Thúc-Sinh có cần vẽ râu quặp không?

Từ Thức nghĩ năm phút rồi cười:

— Không cho thằng Thúc-Sinh đeo râu quặp sợ cụ Nguyễn-Du giận. Thúc Sinh sợ vợ là một sự hữu lý mà mình chỉ khôi hài mỉa mai khi chuyện đời vô lý. Thúc Sinh có xơ múi chi so với cái thanh thế của Hoạn-Thư, uy nghi, danh giá. Vì sự chênh lệch to lớn giữa hai vợ chồng dĩ nhiên chàng Thúc phải có mặc cảm, phải đứng co ro một bên vợ, phải thủ thế thua, thế lép …Lão tiền bối đây cho rằng Hoạn Thư vừa làm vợ vừa buồn nôn… ơ… nhưng mà Hoạn Thư không có ngủ với chồng cũng nên vì hai bên không có con cái chi với nhau hết, chắc là “lấy anh thì lấy, nằm chung không nằm.”

Tôi “hừ” một cái giọng mũi. Cha nuôi vỗ tay:

— Đúng, đúng, tôi biết Hoạn Thư đã hư hỏng trước rồi, đã tiu nghỉu trước rồi nên ở nhà mới kêu Thúc Sinh mà gả đổ gả tháo… hoặc là nàng có thai hoang rồi phá thai đi hoặc là Công tử nào đó đã đá nàng một cú quá đau, đau điếng đến nỗi không thể lóp ngóp bò dậy để lấy một chàng ngang sức mình. Vì để bịt kín dư luận, ông “họ Hoạn danh gia” mới ngoắc Thúc Sinh đến thân tặng, cho rước, cho bưng đi gấp.

Tiếng Từ-Thức:

— Tui thì tui ưng lấy o môi coi bộ cân cái với mình thôi… lấy vợ là một việc làm khỏe… mới thích chứ… Lấy vợ thua mình thì chỉ việc cúi xuống mà thương rất thuận tiện. Còn lấy vợ hơn mình khi yêu phải vít xuống rất mệt…

Ông Bầu Lý ngắt lời:

— Ông nội tôi làm Phò mã nghe, Phò mã đô úy… Rứa mà không cảm thấy một mảy may hân hạnh… Tệ lắm… vô phước lắm…Nàv nhé… Mấy bà Công Chúa sống trên cao xa không ai dám với tay lên, hoặc vít họ xuống để giáo dục, khuyên răn. Họ sống mất dạy từ tấm bé để lớn lên thành những thứ gái hư. Mỗi ông Phò mã rước một gái hư về đắp điếm thờ phụng… Vợ chồng không bao giờ có hạnh phúc và hầu hết các bực làm chồng đều có máu Thúc Sinh. Nghĩ mà tội cho những người đàn bà làm mẹ chồng mà không có quyền ăn hiếp dâu. Mấy bà Chúa còn tai quái biến giang sơn nhà chồng thành một triều đình, đặt nền móng cai trị độc tài chuyên chế, hiếp bức mẹ chồng, đàn áp ông gia… Nếu may phước gặp nàng dâu không dữ, bà mẹ chồng cũng tự thấy ngượng vì sự cách biệt, không dám chuyện trò, không biết xưng hô thế nào…

Chân giày chân dép vô ra
Kêu con cũng ngợ, kêu bà khó nghe.

Hùng cười:

— Tôi thấy buồn dùm cho mấy ông Phò mã có vợ đẹp vợ thơm mà cả đời chỉ được nhấm nháp qua loa cho có hương vị, họ không có quyền yêu vợ no nê đầy đủ như tụi thường dân. Tại sao các nàng Công chúa lại xua đuổi hắt hủi chồng, không cho chồng nằm chung giường gối chăn lẫn lộn. Có bà bắt chồng quì mòn gối, nhỏ dãi trước cửa phòng thâu đêm đợi cho tứ chi rũ liệt mới kêu vào… Có bà hiếu chiến luyện tập một đội nữ binh bao vây quanh phòng mình. Phò mã phải vượt vòng vây, mở đường giao chiến với nữ tỳ… Vào trong phòng rồi còn phải so gươm với bà vợ, đấu trong ba hiệp mà thắng mới được nhảy lên giường.

Tân vỗ tay đùi hét:

— Hào hứng quá ta… cha cho đưa màn đấu kiếm đó lên sân khấu đi cha.

Sự nắm yên nãy giờ, ngóc đầu lên hỏi:

— Vì lý do gì khiến các bà Chúa không cho chồng ngủ chung cho vui… người ta đồn lại rằng ồng Phò mã Nguyễn-Lâm trải một kiếp làm chồng chỉ hưởng vỏn vẹn có 6 đêm ân ái kể cả tối tân hôn… Còn ông hình như chỉ được một chi đó nằm bên vợ.

Đoan Tề người cha nuôi chậm rãi:

— Mình thử tưởng tượng nhé… Mỗi bà Chúa ngủ là phải có 5 người hầu: Quạt này, bóp trên thoa dưới, đấm lưng đấm cẳng, gãi đầu vuốt tóc, hò ru em này… Mười tám hai mươi tuổi vẫn còn nhỏ em bắt thị tỳ hò ru mới ngủ. Phải hầu hạ cả đêm, thiếu năm con hầu thì ngủ không được… như thế thì ông chồng làm sao mà đục mặt vô được nữa. Tự do bị dòm ngó… Nghĩ cũng tức cười… Bà Đồng Xuân lấy cớ ngủ xa chồng vì ông Nguyễn Lâm hay mớ. Bà Kim Loan thì đuổi ông Đoan Tề ra ngủ riêng vì ông Tề nằm hay gác, lấn đạp rớt mền luôn… Tệ lắm, bà Kim Loan nổi danh nữ sĩ, lấy cớ giao thiệp với văn thi nhân để ngoại tình ngay trước mắt chồng, bà ta đuổi chồng ra khỏi nhà để mời ông anh Hoàng tử cải tên cải họ đến ơ trong nhà… ÔngTề uất ức đi lang thang đói chết dọc đường.

— Có phải vua Minh Mạng có đến bốn trăm rưỡi người con không cha?

— Chi mà đông dữ rứa… 64 người con gái 78 người con trai thôi, chừng nớ thôi mà các Hoàng Tử, Công chúa còn không biết mình là anh em ruột sinh lòng trai gái rối beng.

Tôi cười khúc khích hỏi nghĩa phụ:

— Bà Mai Am, bà Huệ Phố với Tùng Thiện Vương là anh em đồng mẫu phải không cha? Ba người đó có danh cha hí…! « Mai nào thua kém Huệ.

— Phải đó con à… Bà Mai Am đến 19 tuổi đầu còn bắt con hầu đem đi cầu tiêu “xi” như “xi” con nít 6 tháng…

Tôi cãi:

— Ai lại “xi”… họ đặt bày thêm đó.

— Không tin thì thôi… Còn bà Huệ Phố thì nũng nịu như mít ướt… Sai bà già têm trầu sai chồng nhai miếng trầu cho dập dập rồi để trong cái khay đỏ cung kính đút vào miệng mình… nhưng gia đinh phò mã thỉnh thoảng có hạnh phúc: bà chúa têm trầu cho chồng, nhai cho đỏ đỏ rồi mớm vào miệng chồng. Ổng phò tình tứ cúi sát vào đôi môi vợ ngậm miếng trầu cay. Rồi hai người nhìn nhau, ông phò lấy khăn, nhiễu quẹt mép rồi mấy con a hoàn bụm miệng cười khúc khích pha nước cho bà chúa súc miệng… Ngày xưa miếng trầu giữ công tác rất quan trọng trong việc yêu đương. Miếng trầu ngày xưa là nụ hôn ngày hôm nay. Trong cung cấm bịt bùng cấm cả sự giao thiệp với bên ngoài; các ông Hoàng bà Chúa túng quẫn tìm nhau trái phép phá luân thường đạo lý. Nàng xé nửa miếng trầu hương, nửa miếng trầu quế, quệt sơ sơ chút vôi nhai với Cao Long thọ dặm thêm miếng vỏ đăng đắng nhai cho miếng trầu tẩm nước miếng mình, ướm đỏ cay cay, the the rồi bọc vào khăn nhiễu trắng tinh sai cung nữ đem qua trao tặng ông Hoàng tình nhân… Người ta thích ăn miếng trầu tẩm nước bọt người yêu… Trong nhân gian, những nàng chinh phụ cũng gởi trầu nhai sẵn bọc trong khăn sạch cho chồng ngoài chiến địa. Giữa chiếc hôn môi và miếng trầu dập tao thấy miếng trầu thấm thìa đậm đà hơn.

Kép Minh Châu kêu lên:

— Sao… Sao ngày mai nhai cho anh miếng trầu quế…

Mũi tôi hừ môt cái. Không bao giờ tôi thấy lưỡi miệng cha nuôi bị kẹt vì một lời chất vấn. Cha ăn nói lưu loát rõ ràng, biết nhận xét, biết khôi hài…Ngồi một bên rất vui, Một con người đầy đủ, đi đủ, biết đủ, chơi đủ, ăn đủ. Tôi vừa cảm cái ân nuôi lớn, gầy dựng, vừa kính mến cái chiều sâu chứa đựng sự đời của ông. Ơn nghĩa lan tràn tôi nguyện trả bằng cách trau dồi nghệ thuật, trả ơn cho sân khấu, cho ánh đèn tiếng trống. Thương cha nuôi lắm. Hơi sân khấu nhập vào người tôi, công cha nuôi thắp sáng đời tôi. Mẹ chết rồi. Mẹ nhắm mắt chết nhằm giờ xấu nên chị em tôi không được ngắm mẹ lúc liệm xác. Ông bầu Lý lãnh lo đám ma và đem tôi về nuôi. Mẹ chết trùng. Những con ma trùng sẽ tra khảo tội trạng mẹ dưới âm ty. Sợ mẹ khai bậy liên lụy đến con nên ông Lý cạy miệng mẹ bỏ vào một bao kim may (hễ mở miệng khai thì kim chích lưỡi) và dán trên trán mẹ một tờ lịch xưa. Ngày xưa mỗi tờ lịch đều có ấn son của nhà vua. Người ta tin rằng dấu son thiên tử trị được ma tà.

Một que diêm đỏ trong bóng tối. Chị Lan thắp thuốc luôn. Tôi vội đổi kiểu nằm. Mấy ông bà hát bội ngủ được rồi. Tôi nằm gối đầu lên xấp bạc giấy, số tiền lương của Độ. Tôi chỉ là vai tuồng tôi đóng trên sân khấu, Độ si mê tôi lạ đời si mê những vai tuồng lạ đời. Bàn tay dâng tiền không e ngại. Tiền của ai tôi tiêu cũng được và ai yêu cũng được. Tình yêu chỉ là sự giao thoa của hai xác thịt. Còn chi quý mà giữ gìn nữa khi những thằng hát bội đã làm cho hết sự trong sạch. Cụ thể của xác thịt. Đời con gái đã chịu án tử hình rồi. Khóc thương tiếc nuối, ân hận cũng rồi. Tôi đã bị hư, tôi chỉ làm những cái hư tiếp theo. Tôi phóc băng băng từ những vòng tay đàn ông. Những xác thịt đàn ông rất vô vị. Tôi lăn mãi, lăn mãi qua họ và thấy không có cái mấu nào móc mình lại. Hoàn lại con gái cho tôi thì tôi mới đứng đắn được. Để tôi giữ gìn. Để tôi biết bổn phận tôi đối với bản thân. Đàn ông ai cũng như ai, tôi chỉ ghé lại tạm thời, nhưng Độ cứ lần khân xuất hiện bắt tôi chú ý đến nhiều. Tình yêu của tôi như phát chẩn. Giỡn La Thành, hí Lã Bố, mị Trương Lương. Có ông Đốc học thân thể phình ra đủ mọi chiều sinh lý thỉnh thoảng đem xe đến rạp chở tôi về nhà. Tôi mang cả xiêm y và mặt giả ngủ lăn quay với hắn. Vì hắn mê Phàn Lê Hoa nên tôi phải mặc võ phục nữ nguyên nhung nằm ngủ thâu đêm xót xa thân phận. Tôi vốn khó ngủ.

Người thuê tôi chỉ thức với tôi chặng đầu hôm. Tôi hoảng hốt đón tiếp giấc ngủ, đón hụt liên tiếp. Thương tương lai quá, thương hai lá phổi và thương cả những giọt máu rỉ rả chảy từ hậu môn nữa. Lòng tôi đau rát như bị xát với muối.

Độ khen tôi thông minh. Diễn tả no tròn vai trò của mình trên bục gỗ đèn màu là đủ biết thông minh rồi. Hát bội có những vở tuồng rất hay, ý nghĩa rất đầy và triết lý rất sâu, Tuồng tích hát bội góp một cánh tay đắc lực vào gia sản văn chương. Không một vở tuồng nào khỏi chửi người, chửi đời vì hầu hết dân tộc Việt- Nam là loài ong thích châm thích đốt. Hát bội còn làm hề cho đời sống vui nhộn chốc lát. Nhưng cách châm biếm của nó thường tục, nặng, không mảy may tế nhị. Cha nuôi soạn tuồng rất nhiều cho tôi đóng.

Độ buông lời lãng mạn:

— Em là vai tuồng em đóng Trà Hoa Nữ ạ. Anh thương một người điếc, vì họ mất nghe, thương một người đui vì họ mất thấy; thương hết những kẻ tàn tật mất âm thanh; mất ánh sáng, xê dịch… Tại sao? tại sao anh lại không thương em tàn tật, em tê liệt cả tâm hồn rồi, mù; điếc… Phải rồi, tâm hồn em vừa đui mù; vừa điếc đặc.

Trà Hoa Nữ! Chàng lại nhắc đến Trà Hoa Nữ! Phần kết liễu đời người gái đĩ Tây phương khiến tôi run sợ thương tôi. Những vai tuồng nặng nề; bi thảm nhơ nhớp đã dồn ứ; thắt bóp buồng tim người đào trẻ này đào thương kiêm cả đào độc, đào lẳng. Buồng tim phẫn uất sinh đau. Độ bảo rằng chàng dùng chàng để cảm hoá tôi đẩy lui nhựa độc sân khấu tản nát ra ngoài. Trong tiếng nói Trà Hoa Nữ qua màn lệ tôi thấy mắt Độ ngước lên nhìn sững tôi mê man dại khờ thất lạc hồn phách.

— “Chưa có ai mê hình như rứa” tôi thầm nhủ, và ánh sáng xoay chiều nữ tướng Tàu toàn thân một màu hồng sẫm giục ngựa ra giữa trận tiền chao mắt trong liếc xuống Độ rồi cất giọng kim:

— Tiểu tử Địch Luông mau ra chịu chết. Địch Luông vượt mấy cửa ải, chém tướng phá thành, gan liều vô địch, giờ đây liệu có qua nổi quan ải mỹ nhân?

Độ hoa mắt nhìn Đoàn Hồng Ngọc—nhìn Sao—ngập trong hào quang: mắt sáng, gươm sắc, tóc dài sao, xiêm y cài kim tuyến, đầu mày cuối mắt chim trai giữa trận tiền. Những lúc huy hoàng trên sân khấu, tôi nhìn xuống lũ đàn ông ngồi dưới chống mắt lên, tôi coi họ tầm thường chi lạ. Hào hứng bốc cao, Độ giựt trống chấu đánh kịch liệt liên và tung bạc giấy bay lên sân khấu lộng lẫy. Khán giả bỏ chỗ ngồi đứng lên ném tiền ban thưởng. Tôi tuốt gươm gạt những tờ bạc thành công và cúi đầu cảm tạ.

Khi chơi với tôi trong nhà, Độ nhắc đến sân khấu:

— Em giằng co chéo áo Địch Luông khiến anh bị kích thích. Mắt em ngấn nước, môi nóng, má đào, phập phồng ấm dịu. Mối tình Đoàn Địch thảm khốc, ngang trái cũng là mối tình mán của Chimène và Rodrigue. Hai chàng mang tội giết ông già vợ, đương nhiên là kẻ tử thù của hai giai nhân. Trời ơi! thù cần báo mà tình cần yêu. Nhiều phen hai khách anh hùng quỳ gối dâng gươm cho người đẹp trị tội.., Hai cô uất nghẹn rã rời bên hiếu bên tình, không đủ sức khỏe đưa bổng thanh gươm lên cứa cổ kẻ thù giết cha đành nức nở quăng gươm bỏ chạy úp mặt lên hai bàn tay, nước mắt…

Tôi ngắt lời, nhìn chàng lạ lùng:

— Hãy xây lưng lại sân khấu… bây giờ em là em.

Tôi thở dài. Tôi mồ côi cha mẹ nhưng đời không thiếu tình nhân. Nơi đây mọi người đã thở đều trong giấc ngủ. Đêm đã khuya đến đâu rồi? Đêm khuya bỏ rơi tôi. Giấc ngủ thù ghét tôi. Nhớ mẹ quá đi. Ngày mai phải viết thư cho em Tiến. Bây giờ vẫn chưa dứt chiến tranh. Súng nổ ở miền quê. Tôi thoa nghệ lên trán. Tôi chưa thương ai bằng thương da mặt của tôi. Tiếng hót một con chim khiến tôi tỉnh táo như vừa rửa mặt. Hỏi ai cũng không biết chim đó tên gì, thôi gọi nó là con chim thời thế. Tiếng thở dài của chim lên xuống bằng trắc gồm bốn âm điệu. Tôi nghĩ mau đến những câu thơ tứ tuyệt. Tiếng chim kêu than ai oán trong mùa ly loạn. Như một điệu sầu, một lời chứng của nạn nhân chiến tranh, đảo chánh Nhật:

Tây Tàu thua Nhựt.

Tôi nghĩ đến bao kẻ chết đói và tôi đã thèm cơm đến chừng nào:

Cha kèo con cột
Hai lon ba hột
Cơm còn cho cục.

Và nghĩa phu thê tách rời trong lời chim tạm biệt:

Anh về bến nội.
Em qua bên ngoại …

Con chim cứ thủng thẳng kêu thương mòn mỏi gây cho tôi làm những vần thơ ấu trĩ, chỉ cần lắp chữ. Tôi nghĩ đến thân-phận mồ-côi “Cô nàng mất mẹ…” bỗng người tôi bị đè nặng rồi một bàn tay to nắm hai bàn tay nhỏ của tôi. Chiếc áo lót lật lên. Tôi rút phắt vung tay đánh túi bụi tới trước, củ nghệ rơi xuống chiếu.

— Đi dậy, tao la lên cho coi.

Tôi chỉ chợp mắt được mấy phút. Đầu sáng tôi thức giấc, cố gắng nhướng hai mí mắt nặng, cay. Người tôi mệt và khô. Trên áo ông Bầu Lý dính vài vết vàng vàng. Tôi nấc lên, buồn nôn, buồn nôn. Cơn buồn muốn kéo cả ruột ra ngoài. Tôi muốn mửa ra đất hết cả Yến Sào, Sâm Cao ly, gạc nai, cao khỉ, nhung, lộc…


Túy Hồng