có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 9 11, 2020

Buổi chiề̀u nghiêng không thẳng, chiề̀u tà



Theo tiên đoán thời tiết, từ tháng 5 đế́́́n tháng 7, mưa Việt Nam mất mùa, những cơn áp-thấp giảm sức ép, các đợt khí lạnh ở trên trời cao không xuống trần để giảm nóng các luồng hơi nhiệt, và mây gió lãng mạn trôi qua trời nam sẽ tạm vơi nỗi sầu thương. Năm nay thời tiết quê hương hiền, không hậm hực nóng như đường, không bất thường thay đổi như tâm điạ đàn bà. Trên đầu Hương, tóc đen đã rụng hết rồi. Theo Y-học Đông-phương, đường là thức ăn rất nóng rất độc, Hương hảo ngọt ăn chè, nên đường làm tóc Hương sớm bạc. Giờ đây, trên cái đầu này, Hương cho mọc một lớp tóc màu muối biển, màu muối mặn của cửa Thuận An, cá thu ngàn, nơi cất giữ một thời trẻ tuổi Hương lớn lên trong phố cổ Huế.

Thời tiết tốt đẹp có phải là nguyên nhân thúc dục Việt kiều mau mau về nước?

Tháng sáu, tháng bảy, nắng Sài Gòn gọi Hương về nhìn những mái tôn nghèo mới dựng lên trên biển đảo nối liền với đất lành. Hương nghe tiếng cười tiếng nói giọng Huế giọng Bắc-Nam, tiếng sấm rền từ dãy Trường Sơn, tiếng sóng vỗ từ biển-đảo Trường Sa.Trời mây quê hương và hồn vía sông núi cũng nhắn-nhủ những Việt kiều khác cùng về nước với Hương để nghe sóng Hoàng Sa ghi thanh từng mỗi một câu nói đa tình của chàng Vọi đẹp trai trả lời cô Hiền trong tiểu thuyết Trống Mái của Khái Hưng, và Việt kiều về nước cũng để tìm đọc những trang báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài Góp đá xây Trường Sa, mảnh đất tiền-tiêu của tổ quốc.

Ra đi từ độ Sàigòn mất tên, người hải ngoại thường xuyên nhớ Sàigòn, thương tha thiết thủ đô những buổi chiều trời vơi gió. Nắng Sàigòn nóng nhựa đường xích đạo, và gió hạ Lào thổi qua đùa giỡn những cánh hoa dầu xoay xoay, mây Cửu-Long sà xuống thấp trên đỉnh những cây me cây phượng, hóng chyện nắng mưa để loan tin thời tiết cho tàu bè chạy ven biển. Tình người Việt kiều càng nôn nao nhớ nhung những quận Ba quận Bảy của Sàigòn, lòng người Việt kiều càng xốn xang hình ảnh những thôn Thới-tứ, xã Thới-tam, phường Bình Thới Hóc Môn, dạ Việt-kiều càng thương tưởng những buổi sáng sương lam nhẹ rơi khi chân nhẹ bước dọc theo Nguyễn Du, Nguyên Hồng Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu ấm nắng sớm mai, tóc Việt kiều còn ánh lên những hoàng hôn thời tiết thổn thức khi trời chưa tắt nắng để rạo rực nghe vài chiếc lá khô rơi nhẹ lên vai bức tượng trước nhà thờ Đức Bà, trong lúc đâu đó êm đềm tiếng đàn Tây Ban cầm dạo khúc nhạc Bach. Khí hậu Sàigòn năm nay hiền hoà, Việt kiều về nước uống ly chanh đường trước công viên Tao-Đàn những chiều mưa nắng hôn nhau, và ngắm những cô gái xinh xinh đèo nhau trên xe gắn máy.

Bà hàng xóm người Miên bức xúc:

“Người Việt Nam về nước hoài, người Mỹ bảo rằng người Việt Nam nhiều tiền: Một cái vé máy bay từ đây về Việt Nam chém hơn một ngàn đô-la. Mỗi lần về, Việt kiều lận lưng một số tiền vĩ-đại. Năm nghìn đô-la, sáu nghìn đô-la.. Năm sáu nghìn đô-la, thân nhân ở quê hương chê ít, vì ngộ nhận Việt Kiều là những kẻ đang leo lên núi vàng.. Những ai chưa đến Mỹ đều nghĩ rằng ở nước Mỹ, tiền đô-la bay liệng như lá vàng rơi.. Ngoài ra, trên mỗi chuyến bay, người Việt Nam mang theo nhiều thùng đồ lớn, nhiều hành lý nặng nhẹ. Do đó, người ta bảo Việt kiều ở Mỹ giàu.”

Hương đáp:

“Trường hợp tôi, nếu xin được tiền của con cái, thì tôi mới về, hoặc gửi số tiền ấy về nước.”

Tuần trước, Hương đã gọi điện thoại đến cơ quan du lịch hỏi mua vé.

Vé máy bay về Việt Nam lúc này đang bán khuyến mãi, rẻ hơn giá chính thức gần năm trăm đô-la. Nhưng, mua vé rẻ thì phải làm thủ tục nhiều. Tại phòng đợi trong phi trường, nếu giấy tờ không đầy đủ, hành khách phải xếp hàng một, bổ túc phần thiếu sót, rồi mới được leo lên máy bay, như Hương đã làm, khi phi cơ đáp xuống San Francisco.

Xong phần thủ tục, Hương ngồi xuống nghỉ mệt giữa đám đông hành khách quốc tế, nhìn một bà đồng hương đang tập thể dục thẩm mỹ trước mặt: dong tay lên, dang tay ra, xoạt chân, thót bụng.

Hàng ghế bên cạnh, một ông người Thái-Lan hỏi Hương:

“Bà về đâu?”

“Việt Nam.”

Ông ta nói:

“Tôi về Bang-Cúc.”

Hương cảm thấy vui:

“Người Thái Lan đọc chữ Bangkok là Bang-Cúc?.. Lâu nay, tôi đọc chữ Bangkok là Băng-Cốc.”

Ngồi trên máy bay, Hương đọc báo: Trung quốc lấn chiếm chủ quyền hai hải đảo Trường-Sa và Hoàng-Sa, tàu Trung Quốc rượt đuổi tàu hải quân Việt Nam chạy té khói trên biển Đông để độc quyền khai thác dầu khí.

Hương chỉ mang hai va ly hành lý về nước, trong lúc các hành khách khác mang xách lắm đồ.. nào va ly, nào hộp, nào thùng.

Tất cả chị em đều có mặt ở phi trường đón Việt Kiều về nước. Từ Phan Thiết, chị Nga của Hương vào Sàigòn thăm gia đình đem theo vài thứ hải sản và chai nước mắm chế tạo tại Mũi Né.

Chị em gặp nhau, Hương chia quà cho mỗi người một gói muối Morton mua ở Mỹ và hai cái bọt biển để rửa chén bát và lau chùi bếp, bàn ghế.

Chị Nga nói:

“Năm nay, chị vẫn trồng Thanh Long vì chưa tìm được thứ trái cây nào quý hơn để thay thế; nhưng năm nay, chị không ký hợp đồng với Sàigòn để chuyển Thanh long đi Âu Mỹ, mà chị phải làm theo mọi người, bán Thanh-long cho Trung Quốc.”

Về nước với nắng, Hương đi bộ trên đường Duy Tân, con đường in dấu chân sinh viên trường Luật; Hương coi tivi, thưởng thức ca sĩ Việt Nam, và xem một vài phim có võ sư nhỏ-con Lý Tiểu Long đóng vai chính.

Về nước mua đồ, mua sắm sản phẩm quê hương để đem sang Mỹ. Hương mua năm cái rổ sắt, sản phẩm chính hiệu con nai vàng Việt Nam. Rổ sắt quê hương dùng để vo gạo, rửa rau, và dùng vào những công việc khác như nấu xôi, hấp bánh, hấp khoai..

Chị Nga bỗng nói:

“Trong mấy chị em, chỉ một mình con Loan viết văn.”

Chị Loan của Hương bắt đầu viết truyện ngắn ba xu, bỏ mối cho vài tờ báo lá-cải ở Sàigòn lúc hai mươi ba tuổi. Và tai biến xẩy ra khi truyện ngắn thứ hai, Vết thương dậy thì, được chọn đăng lên một tờ báo giàu, nguyệt san Bách Khoa do ông Lê Châu làm chủ bút. Chị Loan đã viết đụng chạm đến dòng họ ngoại.

Dòng họ ngoại của Hương là dòng họ có thế lực lớn nhất, rạng mặt những công thần khai quốc, tột đỉnh danh vọng và nức tiếng giàu sang. Một dòng họ gồm nhiều anh tài, và quan quyền, dưới tất cả các chế độ quân chủ và dân chủ xưa nay. Thay vì ca ngợi công trạng giúp dân, hy sinh mạng sống, đem tài đức văn võ tuyệt vời, vì vua dựng nước của tổ tiên bên ngoại, chị Loan lại đụng chạm đến đời tư tình ái, và cuộc sống gối chăn của vài vị quan lớn trong họ.

Vào thời điểm đánh Tây, Phạm Văn Đồng đang dạy học tại Huế. Một buổi sáng, nhà giáo trẻ họ Phạm xách cặp bước vào lớp, giảng giải bài học Lòng ái quốc trước học trò. Rồi nói câu chia tay với bầy trẻ, rồi nghiêng vai chào học sinh và cởi áo sa đen vắt lên vai, Phạm Văn Đồng từ chức giáo học, xách cặp về vườn. Chàng đến thăm cô bạn gái làng Nguyệt Biều và thuyết phục nàng bỏ nhà đi theo chàng vào chiến khu chống Pháp.

Người con gái Đồng yêu thương là bà cô ruột của mẹ Loan, trả lời:

“Anh vào bưng vào biền một mình đi, tôi ở lại phụng dưỡng mẹ già.”

Khoảng giữa thập niên 1946, Phạm Văn Đồng được đề cử tham dự hội nghị tại Ba-Lê. Trước đông đủ hội viên trong phiên họp trọng đại, Phạm Văn Đồng làm dữ, đập bàn lay ghế kêu la nguyền rủa giặc Pháp xâm lăng cướp nước, bóc lột, giết hại lương dân Việt Nam, lừa đảo dân hiền vô tội.

Trước vẻ hung hăng la to hét lớn của Đồng, toàn thể hội viên trong hội trường nín lặng; nhưng sáng hôm sau, nhật báo hải ngoại đăng tin: Phạm Văn Đồng không hội đủ ưu điểm của một nhà chính trị tài danh để thay mặt một quốc gia tham dự hội nghị quốc tế. Trong phiên họp, người đại diện nước không nên để lòng yêu nước làm mờ mắt, không nên để cơn giận in dấu lên mặt, và cơn nóng toát ra bằng những cử động tay chân, đập bàn đập ghế kêu thương.. Người làm chính trị phải che dấu nỗi lòng riêng khi ra trước đám đông, phải bình tĩnh để không mất trí nhớ và tài năng ăn nói.

Đến khi hội nghị Genève xé đôi đất nước, Phạm Văn Đồng cầm đầu phái đoàn tham dự. Chữ ký nào rõ nét nhất, nét mặt nào bình thản nhất, và tài ăn nói của ai trung thực nhất. Từ hội nghị xé xác Genève trở đi, tên của PhạmVăn Đồng được xếp trong danh sách Hồ Võ Phạm.

Một buổi chiều rộng không mưa; nếu mưa, trời sẽ sẫm màu xám, làm cho không gian trông như chật chội hơn; một buổi chiều nghiêng không thẳng, chiều tà; một buổi chiều tươi, không gắt nắng, có tiếng nhiều người đối đáp và tiếng chim chiều hót trên cây mộc-miên, bà Tú đi họp hội đồng gia tộc về, mặt mày tái tê, ngồi bệt trên nền nhà, đưa tay đè ngực nén cơn khóc:

“Con dại cái mang. Người ta đấu-tố tui, người ta kết tội con Loan viết văn du côn.. con Loan viết văn theo bản năng, con Loan viết văn vì cái quần, con Loan không có tài năng gì hết. Bên ngoại khai trừ nó.”

Ông Tú cau mặt ngó vợ:

“Thôi thôi nín đi mụ ơi! Không phải tất cả bà con bên ngoại đều lên án con Loan đã viết bậy, mà chỉ một gia đình trong họ mà thôi, người ta nhân danh cả họ mà xử tội con Loan.. Nhưng các ông lớn, ông Tham, ông Thượng, ông Cử, ông Đại biểu chính phủ tại cao nguyên Trung Phần, những nhà ái quốc cách mạng trong họ.. ai ai cũng thông cảm nó và khoan hồng cho gia đình mình.”

Đầu tiên, mỗi gia đình trong họ nhận được một lá thư mời họp hội đồng gia tộc, lập một tòa án để xét xử tội lỗi của Loan. Tất cả phải có mặt đông đủ không vắng một ai, từ kỹ sư, bác sĩ, luật sư, thiếu tá quân y.. cho đến những người làm cu-li, làm ăn mày trong họ. Truyện ngắn của Loan được in rô-nê-ô ra nhiều bản để phát cho mỗi người một bản.

Vị chủ tọa lên giọng:

“Viết văn ba xu như vậy.. là du côn, là bôi bẩn dòng họ. Viết văn cái kiểu gì mà điều hay ý đẹp không hề nhắc tới một câu, mà chỉ nói toàn chuyện bà chúa ngoại tình, ông hoàng đi hoang, phò mã dê xồm. Viết văn cái kiểu gì mà đọc lên không cảm thấy dễ chịu trong lòng, mà chỉ cảm thấy bực mình khó chịu. Chúng ta ai cũng biết rằng văn sĩ cần phải lãng mạn, như thương một đám mây mồ côi lang thang, mê một cơn mưa lẻ-loi trái mùa, ngắm một chút cảnh đẹp nào đó.. nhưng con Loan đã làm tàng, đã vung tay viết bạo, đụng chạm đến gia phong, bôi nhọ giòng họ, làm hư hại truyền thống cao đẹp của tổ tiên.”

Cử tọa vỗ tay, một người đề nghị:

“Phải có một giải pháp trừng phạt đích đáng.”

Ánh nắng chiếu mạnh như húc vào da thịt. Nắng Huế nóng, gió Huế thở nhẹ không lay động mấy bụi chuối lá rộng và dài. Những cây tre thì uốn mình múa vũ. Theo sự tìm kiếm mới lạ nhất, cây tre trăm năm mới nở hoa một lần, và nở một lần rồi chết.

Nhiều người đồng thanh:

“Phải trị tội mới được.”

“Viết bài cải chính đăng lên báo trước đã.”

“Viết một bức thư gửi ông Hiệu trưởng trường Hàm Nghi, nơi con Loan dạy học.”

“Thuê 5 tên ăn mày chợ Đông Ba nhét cứt vào miệng con Loan trước cổng trường Hàm Nghi.”

Sau khi cuộc họp mặt bế mạc: một ông rể quý trong họ cầm bức thư cậy đăng, và bài viết cải chính dày 8 trang đến tòa báo Bách khoa đưa tận tay chủ nhiệm.

Chủ bút Lê Châu xé xấp giấy quẳng vào sọt rác.

Cả nhà mừng cho Loan thoát được xì-căng-đan lớn. Bà Tú dí ngón tay vào trán Loan:

“Mi phải biết ơn đức các ông lớn trong họ ngoại đã thương tau mà khoan hồng mi.”

Ông Tú không đọc sách báo tiếng Việt, nhưng ông thầm nghĩ chắc Loan viết cũng được, có thế nào báo Văn Hữu mới trả nhuận bút một ngàn rưỡi đồng cho truyện ngắn đầu tay, báo Bách-khoa trả một nghìn đồng cho truyện ngắn tiếp theo. Ông khuyên Loan:

“Trong nghề văn có ân oán giang hồ. Văn-sĩ không mấy ai tốt bụng, họ ganh tài nhau, họ dìm nhau. Nhưng thôi, vòng ân oán đã vướng rồi.. Con Loan! Bây giờ đã muộn, đời mi đã đảo điên rồi, tau có khuyên bảo gì thì mi cũng không nghe. Thôi thì, đời con gái đã lỡ viết lách năm ba con chữ rồi, tau khuyên mi không nên đụng đến uy thế của kẻ mạnh, không nên đụng đến đám đông làng nước, không nên đụng đến kẻ nắm quyền hành trong tay, mà chỉ nên đập vào mặt kẻ yếu thế, bẻ gãy lưng kẻ sa cơ, kẻ đứng cô độc ở chân tường một mình không ai bênh vực.. để tránh khỏi cái nạn đám đông cả họ cả làng xúm lại lên án.”

Bao nhiêu thập niên đã qua nhưng dư luận vẫn còn chút ít, tai tiếng vẫn còn văng vẳng. Mới đây, chị bạn ở tiểu bang Oregon điện thoại nói chuyện:

“Chị Loan đi đâu cả tuần lễ vậy, gọi hoài không được.”

“Thăm người em ở San Jose..Cậu ấy chở đi chùa mỗi ngày.. Việt kiều ở Cali góp tiền xây chùa đẹp lắm. Tôi có đến thăm cô giáo Nhân Tâm.”

Chị bạn hỏi:

“Chị mà cũng đi thăm người này người nọ họ hàng bà con sao?”

Hỏi xong, chị ấy cúp ngang đường dây: “Xin lỗi chị, tôi phải gọi điện thoại đi Nam Cali hỏi dò chút chuyện”.

Cô giáo Nhân Tâm là em họ của mẹ Loan. Theo tin đồn thì Loan đã bị bà con khai trừ, không ai cho vác mặt tới nhà nữa. Chị bạn này mỗi ngày điện thoại, bảy ngày điện thư cho Loan, nhưng không thương Loan. Chơi với nhau đã dài lâu, chị không bênh vực Loan, chỉ tin vào lời đồn và sức mạnh của dư luận, đã nghi ngờ Loan nói láo, nên gọi điện thoại viễn liên đi vài nơi để hỏi, để kiểm tra sự thật: Loan vẫn bị bà con nội ngoại tẩy chay, bị nhét cứt vào miệng, bị nhét sán lãi vào mồm, hay đã được tha thứ.

Bị họ hàng vật một cú như vậy, nhưng bản năng văn nghệ trong Loan cứ vùng lên, cứ còn không hết.. Ngày hôm nay ở Mỹ, dù thân phận của văn chương đang xuống giá, thua tô phở, thua cháo lòng, thua bún bò Huế, thua gỏi cuốn, và vắng teo độc giả. Loan vẫn văn nghệ văn gừng cay cay như tương ớt đỏ, như nước mắm chua ngọt ngâm cà-rốt thái chỉ..

Tuần lễ sau, chị bạn gọi lại, nói chuyện khác:

“Chị Loan sắp về Việt Nam phải không?.. Nhưng quê hương đâu còn nữa mà về, người ta đã bán đứng Việt Nam cho Trung Quốc rồi.”

Chị bạn của Loan càng già, càng gân, càng chống Cộng dẻo dai. Mới hơn mười năm về trước, chị bạn là người ôn hoà; gần đây, bỗng dưng chị vùng lên chống Cộng mãnh liệt như cơn lũ-lụt, như luồng gió-o.

Chị bạn tiếp:

“Người ta đang âm mưu sáp nhập Việt Nam vào Trung quốc.”

Chị bạn chống Cộng như chống ma tà, ma túy. Chống Cộng bao giờ cũng rất hay, rất tốt, rất đẹp; nhưng nếu bất cứ một giây một phút nào cũng gồng lên chống Cộng, đập vỡ mặt thằng Việt Cộng, đá đít thằng Việt Kiều thân Cộng.. thì găng quá. Đôi khi, cần phải chống Cộng nhẹ tay và ôn hoà hơn chút xíu!

Dưới thời Thiệu-Kỳ, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, dân chúng miền Nam đã xuống đường biểu tình, dong biểu ngữ phản đối thái độ tiêu cực của chính quyền hồi đó không quyết tâm bảo vệ đất đai và biển đảo. Đến bây giờ, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, chuyện đó chắc ăn như bắp.

Chị bạn nói:

“Hoàng Sa và Trường Sa bây giờ thuộc về Trung Quốc rồi ”

Loan trả lời:

“Những người biểu tình thời Thiệu-Kỳ phần đông vẫn còn sống đến bây giờ. Những ngày giờ tôi về Việt Nam, tôi không biết họ có còn biểu tình ngồi, hoặc biểu tình nằm gì gì nữa không, nhưng vẫn biết họ còn sống. Trước 1975, chính quyền cũ không nắm được lòng dân, dân miền Nam một dạ hai lòng ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản, hơn tám mươi lăm phần trăm dân số hùa theo kẻ mạnh là Cộng sản. Hồi đó, người ta ví von miền Nam là đĩa tiết canh vịt, chỉ mấy hạt đậu phọng rang lắc rắc trên mặt.. là Quốc, còn bao nhiêu máu ở dưới.. là Cộng. Hồi đó quê hương đau buồn đứt ruột, sinh viên học sinh quậy và phá quấy, tuổi trẻ thác loạn, biểu tình đả đảo hoan hô, bụng thì đã ăn no ở nhà, miệng thì nhân danh Phật tử tuyệt thực xuống đường.. Hôm nay, qua tin tức báo chí, tôi nghĩ rằng, ngưòi dân Việt Nam sẽ không để mất đất đai, mất biển và đảo.”

Chị bạn lại chống Cộng tiếp:

“Nguyễn Tấn Dũng đã sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc. Tôi tuyên bố không nhận nơi này làm quê hương.”

Loan nói:

“Quê hương vẫn là quê hương muôn thuở. Sau 1975, lần về nước đầu tiên, tôi nhận thấy Việt Nam nghèo; lần về nước thứ hai, tôi nhận thấy Việt Nam vươn lên; lần về nước thứ ba, quê hương giàu mạnh hơn. Việt Kiều về nước là vì nước mà họ về, chứ không phải vì mấy ông ngồi ngồi trên chóp bu đó.”

Lũ lụt rút lui, mưa tạnh, ánh sáng mỏng như lụa len qua mây, rọi xuống cuộc đời ngọt như chén chè ba màu và đẹp như con mèo tam thể. Hương vẫn rong chân đi bộ đến trường học, Hương vẫn ở Huế cho đến năm 16 tuổi mới theo gia đình vào Sàigòn.

Sàigòn vừa lãng mạn đa tình vừa thực tế.. Cha mẹ Hương sinh ra một thằng con trai ít nói, và nhiều đứa con gái lãng mạn! Thương một đám mây, một cơn mưa, thương trời nắng và thương đàn ông nhiều nhiều. Nếu chị em Hương chừa bỏ được cái tính lãng mạn thuyển tình ấy đi! Lãng mạn thì không làm ăn gì được hết, không kiếm ra một đồng xu nhỏ. Mấy chị em lãng mạn quá cỡ, mơ theo vầng trăng chiếu lệch đầu non, mộng theo đám mây in bóng dòng nước, và không ai nhìn xuống thấp để mà mơ lấy một ông thợ mộc hạ cấp, dùi đánh đục, đục đánh săn, ai cũng ham chơi với những tay lớn. Chị Loan của Hương, từ tấm bé đã hiểu công dụng của phấn son, đã đánh trộm môi son từ lúc choai choai còn học trường Đồng Khánh. Và các chị khác của Hương, vài chị đã vấp phải những trở ngại của những mối tình đầu, để rồi khi tàn những cuộc vui viễn mơ tiểu thuyết, khi hết những mùa xuân xanh, hạ hồng, đông xám, thu vàng.. thì chỉ còn biết quay về trốn chui trối chủi trong nhà với cha mẹ! Mối tình đầu, nếu thất bại, có thể tai hại đến những mối tình sau và tình cuối.

Và Huế thì khỏi nói.. Huế lãng mạn xác thịt, đa tình văn nghệ. Huế hiền như ni cô, Huế thơ như thuyền tình chòng chành sóng nước sông Hương. Gái Huế thiếu thực tế, sống sai công thức, vui chơi với tiếng reo của nụ cười, tiếng rơi của giọt nước mắt, tiếng rụng của lá úa muôn chiều, và vẻ quyến rũ của mái tóc thề buông xõa bờ vai.

Em xa Huế, để anh tờ di chúc
Hết mưa buồn anh đếm bước Văn-lâu
Giữa sáu vài Trường-Tiền gọi tên nhau
Anh sẽ gặp dáng màu trăng Tôn-Nữ.
(Đông Hương)

Huế trữ tình thân xác. Dọc theo bờ cỏ, với hàng cây cao niên trên ghềnh núi Ngự và ven bờ sông Hương, thảo mộc mọc chen chúc cùng các loại nấm như nấm tràm, nấm mối, nấm mèo. Thời tiết nhẹ êm tiếng nhạc Bach từ cung Si thứ trên những đường dây Tây-Ban-cầm. Mảnh trời rộng, gió mây duỗi mình, đàn chim sẻ vô tư bay thẳng không liếc mắt quẹo trái. Những cành cây già khẳng khiu hình như có mập ra, và mọc râu xanh như rêu. Người yêu! Anh có nghe gió đêm và tiếng đàn tranh dạo trên tình sử từ cung đình Huế? Mặt trời sẽ mở ra những cánh cửa tái nhạt. Người yêu! Tất cả mọi vật vẫn yên ngủ, có phải anh một mình thao thức để nghe tiếng đàn sáu giây trước khi anh xa lìa em? Và gió đêm đáp lại lời anh bằng tiếng kinh ca, bằng lời tâm ca, trước bàn thờ Thích Ca? Rồi mùa thu chết để lại lời di chúc buồn thiu, mùa đông ngủ giấc đông miên với nỗi sầu sủi bọt, mùa xuân vươn vai tỉnh mộng và mùa hạ gia tăng sức hoạt động cười tươi ánh sáng. Chị em Hương càng lãng mạn đa tình can không nổi!

Bờ bên ni tâm tư hương tóc
Bờ bên tê âm vọng lời ru
Tiếng của thơ những đêm nhớ nhất
Hoài trông người biển lại chừ xa.
(Đông Hương)

Hơn một lần, Hương nghe nhà thơ Thanh Hiền nói:

“Tôi không thích người Huế!”

Hương về nước lần này để ăn những món ngon. Mấy bà chị của Hương là những tay nữ công gia chánh kỳ tài, có người làm được món nem chua và món bánh sen chấy, sen tán, có người giỏi đan thêu và may được áo dài.

Hương nói với mấy chị:

“Việt Nam bây giờ kinh tế cải tiến! Nhiều gia đình Việt Kiều ở Mỹ bây giờ xài toàn những đồ sản xuất tại Việt Nam. Lần này về, em phải mua ba cái rổ bằng sắt, bốn gói đậu ngự, đậu xanh, ba ký tôm khô.”

Cô Út xì một câu:

“Chỉ mua chừng đó thôi sao? Việt Kiều dối gian, hà tiện”.

Chị Phương reo:

Ai ra xứ Huế.. Chị Loan và con Hương nên ra Huế một chuyến?”

Chị Loan trả lời:

“Hết tiền.”

Chị Hiền háy nguýt:

“Mỹ không bao giờ để ai chết đói trên đất Mỹ. Ngày ba mươi tháng tư, mỗi Việt Kiều bỏ nước ra đi đều được Mỹ phát cho mỗi người một túi tiền. Ngày ba mươi tháng tư.. quân lính, binh sĩ miền Nam Cộng-hoà cởi bỏ chiến bào ka-ki, vứt tung lon vàng và phù hiệu, quẳng hết áo trận giày đinh, đầy đường phố, đầy ngõ hẹp để tháo chạy thoát thân.”

Nghiêm tiếp:

“Miền Bắc thắng miền Nam, vì dân miền Bắc giỏi chịu đói không ai bằng! ”.

Nhưng đã qua rồi ba mươi tháng tư; ba mươi tháng tư với ơn Phật từ bi cứu độ, Mỹ ra tay vớt hàng trăm ngàn vạn người bơi trên biển..

Quê hương còn Cộng sản không anh? Việt Nam hiện tại là thiên đường Cộng Sản. Việt Nam quá khứ nếu không Cộng sản thì là cái gì? Nhưng thôi dẹp chuyện Việt Cộng Việt kiều sang một bên, bây giờ thì chỉ cần biết một chuyện là Việt Kiều về nước để mua vui, và về nước lần nào cũng vui hết sẩy, cũng ăn ngon, ngủ ngon, cũng hạnh phúc sung sướng, cũng thấy an toàn, chạy xe bon bon trên xa lộ cũng cảm thấy an toàn luôn! Chỉ có lúc ngồi trên tàu bay, thì có hơi lo máy bay rớt mà thôi!

Phương nói như tả cảnh:

“Huế bao giờ cũng đẹp về phần ngoại hình, và thâm sâu về phần văn nghệ. Những người nghiên cứu về Huế, tiếng địa phương gọi là những nhà Huế học – như nhà văn Nguyễn Đắc Xuân và nữ sĩ Minh Châu Nguyên Ngọc, nhận xét rằng Huế thu hút vào tất cả cái đẹp của trời đất và văn minh bên ngoài rồi Huế tỏa ra cho du khách thưởng ngoạn. Huế bây giờ là danh lam thắng cảnh hàng đầu của quê hương.”

Bất chợt, một hơi thở của gió và một cơn mưa bắt đầu rớt xuống, một chuyến mưa khứ-hồi đổ vào đất thật nhiều nước. Một nhà văn đương đại Trung Quốc gọi đó là mưa Tàu. Mưa đen. Nhưng mưa Việt Nam thì bao giờ cũng trắng. Những hạt nước nặng tát mạnh vào mặt đất, xối ào ào lớp cỏ xanh. Và nhiều hạt nước reo vang, giọt tung trắng xóa, bọt bắn bong bóng. Và người đi đường ướt áo khi về tới nhà. Và người ấy đứng sau khung cửa nhìn ngắm từng vũng nước mưa. Rồi một lúc sau thì lũ lụt chảy đầy kênh đào. Việt Nam bây giờ mưa nắng bão lụt trở mình nhanh như phản ứng hóa học...

Rồi cơn mưa tạnh, rồi nắng lớn dần.Hương nói tiếp:

“Em là kẻ đến sau. Chị Loan đi Mỹ hồi ba mươi tháng tư.. Nhà chị Loan treo sáu cái đồng hồ Thụy-Sĩ. Nhà chị Loan mỗi phòng đều có buồng tắm riêng. Chị Loan là Việt kiều cũ,còn em là Việt kiều mới.Chị Loan giàu như Ba Tàu sang Mỹ lập nghiệp.”

Loan cãi:

“Nhà chị không treo sáu cái đồng hồ, nhưng mỗi phòng trong nhà đều có một cuốn tự-điển Hán-Việt, để chị học những chữ, những tiếng và những câu văn mới. Sau 1975, tiếng Việt đẻ ra lắm từ ngữ mới. Đến năm 1985, tiếng Việt càng phong phú hơn khi phong trào dịch sách ngoại quốc ra tiếng Việt.”

Nước Mỹ ngọt, nhiều sông và nhiều suối, dồi dào tài nguyên, người dân từ các quốc gia xa xôi đã đến tìm vàng...

Một nước Tàu diện tích rộng bằng cả Châu Âu. Một tỉnh-lỵ Kwantung, một vùng châu thổ sông Pearl.. đã đào tạo nên bao thủy thủ anh hùng..

Từ thế kỷ 18, Trung Quốc không bế quan tỏa cảng, hải địa Canton đã mở toang những cánh cửa, có lẽ chỉ đóng lại những cánh bốn dài hai ngắn mà thôi, để Trung Quốc rộng ̣đường giao thương cùng thế giới bên ngoài. Người Âu-Á đến đó mua bán, trao đổi hàng hoá: xà bông thơm, thuốc phiện chính hiệu Ấn Độ.. để đổi lấy lụa Tàu toàn tơ và trà Tàu ướp tim sen.

Năm 1848, nguồn tin chính thức từ hải ngoại loan đồn công khai rằng mỏ vàng phát hiện ở Sacramento Cali; thuyền nhân Trung Quốc thi đua vượt biên, băng qua biển đảo Pacific, hăm hở đến Núi Vàng, một cái tên người Tàu tặng nước Mỹ. Năm 1862, đợt vượt biên lần thứ hai, người Tàu đổ xô đến sông Columbia, đến Barkerville.. Nhiều năm sau, năm 1913, trong một lần vượt biên có bảy nghìn người gồm những Chan, Chen, Chin, Wong, Mah v.v.. một thuyền nhân Trung Quốc đến phố Tàu thuê phòng mở cửa tiệm muối cá mòi, đóng hộp cá trích. Tám năm trôi qua, anh trở thành tỉ-phú và về cố quốc cưới vợ. Trong thời điểm này, người Hoa nhập bọn với người da trắng đua nhau tìm vàng.

Từ lần vượt biên đầu tiên, nhiều người Tàu đã ở lại làm nghề bồi bếp, rửa chén bát, giặt quần áo, cưới một vợ lớn tại Mỹ, rồi sau đó trở về quê quán lấy vợ hai, vợ ba.

Các phố Tàu dần dần mọc lên, người Trung quốc quơ tay kiếm tiền. Một người Hoa làm ăn tại Mỹ kiếm được lợi tức gấp mười lần một người làm ăn tại Tàu.

Một chàng Hoa trước khi xa xứ, người mẹ tiễn con tận bến tàu, dúi vào tay con mười trăm đô-la và dặn dò:

“Ngày ra đi, con mặc áo vải. Ngày trở về, con xé toẹt áo vải ra làm mười mảnh, con mặc áo gấm vàng chói. Người làng người nước bu lại đứng coi kẹt đường kẹt cổng. Ngày ra đi, trên đầu con là tranh, ngày trở về, trên đầu con là ngói, và dưới chân con là đất ruộng.”

Một nàng Hoa, trước giờ ra khơi sang Mỹ đoàn tụ cùng chồng, mẹ tươi cười răn dạy con gái yêu:

“Con ơi nhớ lời mẹ khuyên: trai Trung Quốc giờ này đang hái ra tiền ở Núi Vàng, con có phước được lấy chồng đô-la... con phải để cho chồng con về nước lấy thêm vợ bé và nàng hầu. Nàng hầu, nàng thiếp của con và của chồng con.. sẽ nhường quyền ưu tiên cho con được ngủ với chàng trên giường lò-xo nệm êm chăn ấm; còn nàng thì nằm trên giường tre ọp ẹp, đợi chồng sau giờ làm tình với con sẽ làm thêm giờ phụ trội với nàng, và đêm đêm nàng cầu nguyện cho con bụng mang dạ chửa để mà đẻ ra mấy thằng quý tử. Và con, mỗi buổi sáng khi thức dậy, con phải sắc một chén thuốc bổ Triều-Tiên, một chén Cao Ly sâm cho chồng con uống ̣để dai sức làm tình liên tiếp đêm mai đêm mốt và những đêm sau.”

Một bà Hoa sồn sồn ngậm ngùi:

“Nàng hầu có nghĩa là người hầu của người vợ cả. Người vợ cả phải cao thượng không nên có máu ghen. Máu ghen là máu xấu. Theo phong kiến Trung quốc, hôn nhân là do tình yêu và ý muốn của cha mẹ đôi bên ưng ý nhau, nên kết làm sui gia với nhau. Tuổi trẻ tuyệt đối cấm không yêu, không lén lút hẹn hò, không tranh dành hạnh phúc của tuổi già, người già cần phải yêu để kéo dài tuổi thọ.”

Người da trắng, một màu da mơn mởn, ít khi nổi mụn. Dù mặc áo ấm dày bốn lớp, màu da trắng vẫn mịn, vẫn tươi mát. Người da trắng ở Bắc Mỹ gây áp lực với chính quyền địa phương, với liên bang, tiểu bang, với phường phố.. để cố ngăn chận lớp sóng người Tàu mới đến, và đồng thời tỏ rõ cho lớp người Tàu đã đến từ lâu, biết răǹg họ không được welcome. Từ 1870, chính quyền Bắc Mỹ hạn chế số thuyền nhân Trung Quốc vượt biển đến Núi-vàng, các cơ sở thương mãi cũng mướn hạn chế số thằng Chệt, những nam công nhân tóc tết lại thành cái đuôi sam.. à cấm dùng đòn gánh để gánh hàng, gánh nước như các dân tộc Đông-Á.

Dần dần, người di dân Trung Quốc cầm kéo cắt cụt cái đuôi heo trên mái đầu đen và kiếm việc làm không mấy khó; vì một số đông thầu khoán, những thương gia da trắng.. ham tuyển dụng nhiều nhân công rẻ tiền để đào đất, đào đá thiết lập hệ thống đường sắt từ Mỹ-châu đến Gia-nã-đại. Cu-li Trung Quốc lòng dạ trung thành, giỏi chịu đựng gian khổ và chăm chỉ làm ăn hơn cu-li da trắng, trong đó có cu-li xứ Irish, nên đa số được bổ sung vào nhóm công nhân đào đường sắt.

Hương nói:

“Nước Mỹ khó kiếm việc làm quá, Việt Nam đâu đến nỗi này.”

Loan nhìn quanh nhà kêu:

“Nhà nhiều đồ quá, trong bếp nên dẹp bớt đồ lại. Đồ gì không cần thiết thì vứt đi.”

Hiền đứng vùng lên:

“Đồ gì? Đồ gì? Việt kiều về nước nói độc!”

Nghiêm tiếp lời:

“Chị Loan! Từ 1975, chị được bàn tay người Mỹ bốc bỏ vào Hoa Kỳ; tính đến nay, chị về nước đếm đủ tất cả là ba lần, chị nói với chúng em một câu đau quá!”

Loan hỏi:

“Nói câu gì mà bảo là đau?”

Nghiêm trả lời:

Nhà nhiều đồ quá, câu nói thâm độc, nhiều ác ý.”

Loan bật cười:

“Nhà nhiều đồ thì nói là nhà nhiều đồ, câu nói thường thôi, có gì đâu...”

Hiền nổi sùng:

“Nói một câu như chửi vào mặt người ta vậy. Nhà nhiều đồ cũ, đồ phế thải, thùng rác.. Chị ơi, chị được ở một siêu cường quốc, chị vung tay tiêu tiền, chị mua những dụng cụ làm bếp đẹp mê mắt! Không bao giờ tôi tin được Việt Kiều là những kẻ có lòng thành, mà chỉ căm giận họ là quân dối gian giả ngụy.”

Nghiêm phụ hoạ:

“Hoa Kỳ là một quốc gia để người ta bu tới nhập tịch, chứ không phải là một nước mà người ta từ bỏ để ra đi. Xưa nay, có ai nói rằng người Mỹ chạy đến những quốc gia khác để xin ăn đời ở kiếp bao giờ.”

Loan nhăn mặt:

“Chị ít đọc sách, không biết chuyện đó.”

Cho đến bây giờ, Loan về nước chỉ được ba lần, lần nào cũng chuẩn bị kỹ trước, ghi vào giấy những vật cần thiết phải mang theo, suy nghĩ nhiều đêm, tính toán lo lắng số tiền cần phải có, dự định thời gian lưu trú chừng bao lâu, biếu xén thân nhân những món quà gì, đối xử với chị em ruột thịt ra sao.. Vấn đề về nước, Loan suy nghĩ kỹ như một vấn đề chiến tranh, như quân đội hai bên cộng-sản và quốc-gia trước 1975, mỗi lần hai phe diễn xuất một trận ác chiến, hai kẻ thù ấy đều đã tính sẵn con đường tiến thoái và thấy trước ai thua ai thắng.

Vậy mà cũng không tránh được một câu nói lỡ miệng.

Ngày xưa Huế, hai cô em Hiền và Nghiêm của Loan cũng có tên trong danh sách những người đẹp đất Thần Kinh. Tóc thề, mũi thẳng và cứng, môi cong, gò má lộ.

Loan nói tiếp:

“Ngày xưa, Hoa-kiều muốn đến Mỹ phải mất tiền, phải bán trâu bán ruộng bán nhà, bán sạch tất cả, để đi chui bằng đường thủy. Khi xuống tàu, họ phải cắt cụt cái đuôi sam, cởi bỏ hết áo quần ra, trần truồng trong ba ngày cho y-sĩ khám sức khoẻ. Đến Mỹ, họ bị nhốt trong trại cải tạo đủ ba tháng; sau đó, mới được cho ra ngoài làm ăn. Đem hết sức bình sinh của mình ra để vật lộn với thực tế, họ làm đủ nghề: bồi bếp, rửa chén bát, đánh cá, bài bạc, nhưng số đông thì làm cu li đào đường sắt. Họ sống hợp quần, tiết kiệm, che chở đùm bọc nhau.. Cộng đồng Hoa mau chóng trở nên giàu mạnh, leo lên núi vàng, lội xuống biển bạc và có kẻ trở thành tỷ-phú.”

Gần đây và giờ đây, người Việt Nam sang Mỹ đi cày và chống Cộng, ai cũng ăn no làm ra; nhưng Việt Kiều vẫn thua Hoa Kiều, ta vẫn thua Tàu một nước cờ: Người Việt Nam chống Cộng quá trời nên không thành công bằng người Trung-quốc sang Mỹ làm đường sắt! Trên đất Mỹ, người Việt Nam vẫn anh hùng, vẫn chống Cộng như chống tà, chống ma trơi, ma cà rồng. Chiến tranh vẫn không phai mờ trong mắt người Việt Nam, một chiến tranh gồm ba quân thù, thù Tàu, thù Tây và thù Cộng Sản. Còn người Tàu, khi đã đến Mỹ thì lăn ra làm tiền trước đã. Với người Tàu, làm tiền là vấn đề trước tiên! Mao Zedong, Sun Yat-sen, Chiang Kai-shek, Cộng-sản với Quốc Dân đảng.. hơi sức đâu nữa để mà chống, hoặc tôn vinh.

Hiền, giọng càng oán hận:

“Người ta đi Mỹ, người ta bảo trợ cha mẹ, anh chị em ruột thịt sang Núi Vàng chung sống; chị đi Mỹ, chị bỏ lại sau lưng tất cả.”

Chị Quyên, con gái bác Ấm, lấy Mỹ từ hồi Hoa Kỳ mới gửi sáu trăm cố vấn quân sự sang Việt Nam để giúp các ông Việt Nam chỉ huy các trận giao tranh, để chiến tranh còn có thể kéo dài. Nhưng ngày ba mươi tháng tư, chiến tranh Nam-Bắc đến giờ phút này là tắt thở và tàn hơi và màn hạ. Mỹ ra tay cứu độ ngót năm trăm nghìn Việt kiều vượt biên bằng mọi cách. Chị Quyên con bác Ấm, lấy Mỹ từ sớm tinh mơ. Ngày dứt cuộc chiến, ông chồng Mỹ của chị ấy biệt phái một chiếc phi cơ quân sự bay thẳng sang Sàigòn đáp xuống trên nóc nhà của một ông luật sư ở đường Tân Sơn Nhất, bốc hết gia đình của chị ấy, và gia đình của ba ông chú.. sang Mỹ hưởng giàu sang phú quý. Chị Quyên đã để lại một tấm gương sáng lóa cho hậu thế soi chung. Chị Quyên đã lưu bút một bài học của chữ hiếu rạng ngời trong pho kinh Nhị thập tứ hiếu cho nhân gian đời đời truyền tụng công đức. Ngày hôm nay, mỗi lần nhắc nhớ đến tấm gương cao cả ấy, em hổ thẹn cho người chị ruột cùng cha cùng mẹ với em.. Toà án nhân dân hải ngoại đang nhân danh Khổng Mạnh lên án chị. Chị cảm tưởng thế nào?”

Im lặng, những con chim ngoài trời cũng im hót. Chị em Loan đã sống một thời thơ ấu khá thăng bằng, ai cũng tin rằng lớn lên mình sẽ làm ra tiền, và dễ dàng lấy một đàn ông làm chồng. Và lấy chồng dễ như chơi!

Trong gia đình Loan chỉ có một mình bà mẹ là sáng suốt, ông bố hồi hưu đã lâu, ông bán ngôi nhà trong ngỏ hẹp ở đường phố Nguyễn Cư Trinh, đem một bầy con gái về sống ẩn danh ẩn dật, dấu kín một nơi ở ngoại ô Sàigòn, không giao thiệp với bạn bè, không lui tới cùng đồng nghiệp, đẩy đứa con gái vào cuộc đời thiếu thăng bằng.

Chuyện gì đã làm cho cuộc đời của những cô em Loan nghiêng lệch đi? Không phải chỉ một nguyên nhân, mà gồm nhiều biến cố, một chuổi dây xúc xích biến cố và mỗi chị em Loan là một khâu xích nhỏ móc nối lại.

Hiền nhìn Loan:

“Từ ngày ba mươi tháng tư, ngày đổi đời, gia đình mình xuống cấp.”

Từ ngữ xuống cấp là tiếng Việt mới, là một động từ chưa đi vào tự-điển, chưa thông dụng trong văn chương, có nghĩa là đang giàu bỗng trở nên nghèo, đang sang bỗng trở nên tồi, đang ở trên cao bỗng tụt xuống thấp, và kẹt tiền. Việt kiều Mỹ là kẻ cao cấp, 5 chị em Loan còn lại ở Việt Nam thuộc thành phần những kẻ xuống cấp. Cô Thơm bà con bên ngoại, lấy Mỹ từ hồi Mỹ mới đưa quân sang Việt Nam, bị cả nước gọi là Me Mỹ; bây giờ đời đổi, được cả nước công nhận là thành phần cao cấp. Bà Chanh thông dịch viên dạy tiếng Việt cho lính Mỹ, mang bầu đẻ ra thằng con lai, bị cha mẹ từ mặt đuổi đi; sau năm 1975, Chanh bế con về nhà cũ và bảo trợ cha mẹ anh em sang Mỹ..

Trung bình, mỗi ngày cô em tên Hiền của Loan lập đi lập lại từ ngữ xuống cấp vài ba lần, kể tội Loan không bảo trợ gia đình sang Mỹ, và sang Mỹ với điều kiện được Mỹ nuôi, tháng tháng được lãnh tiền trợ cấp và bảo hiểm y tế..

Cô em tên Nghiêm của Loan là người to con nhất nhà, thân hình cao chân dài, nét mặt đều, nổi tiếng đẹp một thời, nhưng lớn lên giữa trường đời, Nghiêm làm ăn thất bại. Sau năm 1975, Nghiêm bỗng mắc phải chứng bệnh nằm, mỗi lần buồn giận là nằm dài trong phòng ngủ. Loan về nước, nếu lỡ nói một câu gì làm Nghiêm buồn giận, là Nghiêm vào phòng riêng nằm xuống. Nếu nhà có khách đến thăm, Nghiêm cũng không ngồi lên tiếp chuyện, cứ nằm và nói chuyện với khách.

Loan bảo Hiền:

“Em nên nói thật, đừng buộc tội, đừng oán trách chị nhiều, thằng Quyền bảo rằng, hai lần, nó làm giấy tờ bảo trợ em sang Mỹ, nhưng em đều từ chối, em không muốn đi. Em muốn ở lại với bàn thờ Cậu Mạ, và em không thích ăn hạt cơm xứ người.”

Loan không nhìn nhưng thấy những giọt nước mắt như sương đọng trong cổ họng Hiền:

“Điạ ngục có thật, Việt Nam có thật. Chị đi Mỹ, chị bỏ lại một đại gia đình trong địa ngục. Sau năm 1975, tất cả các văn sĩ Việt Nam chuyên viết một đề tài, và chú tâm nêu lên một luận điệu: Trên trái đất này, không ai khổ bằng người Việt Nam, nhưng.. và nhưng.. không ai sướng bằng người Việt Nam ở Mỹ. Chị có quốc tịch Mỹ, chị là công dân Hoa-Kỳ. Các em của chị cực khổ như ăn mày ở Việt Nam.”

Loan kêu lên:

“Mấy thằng cha nhạc sĩ hét hụt hơi rằng một ngàn năm nô lệ thằng Tàu, một trăm năm nô lệ thằng Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày.. và thằng nhạc sĩ ấy lại rú tiếp rằng Việt Nam là nước khổ đau nhất thế giới, nhưng xét theo sách truyện, và nên xét cho đúng.. thì quốc gia khổ đau nhất thế giới là nước Đức.”

Hiền rên:

“Xứ Mỹ thần tiên: Thời tiết và khí hậu không ô nhiễm, nước nguyên chất ngọt và sạch, sông, núi, và diện tích gấm vóc nước Mỹ.. Ôi! xin cho tôi được sống một ngày với từng ấy thứ đó! Chị lại được ở một tiểu bang không bị đánh thuế. Chị xài điện hoang phí, bật đèn sáng cả ban ngày, chị xài khí gas thỏa thích, mở bếp gas cháy đỏ suốt cả ban đêm.. Chúng tôi sống trong nắng Việt Nam, trong lò bát-quái trần gian, trong khói lửa nhiệt đới đốt cháy lưng người đàn bà. Chúng tôi sớm già với gian nguy, gai lửa, xương khô, cốt tàn. Nhà chật, chúng tôi bắt buộc phải bày đồ ra nhà, vì không còn chỗ để cất dấu đồ đi đâu được. Ban ngày, chúng tôi để xe-đạp-điện ngoài sân và khoá cửa sắt lại, nhưng ban đêm thì phải đem xe vô nhà, vì thế cho nên nhà chúng tôi nhiều đồ quá!”

Loan có thể nghe những sợi gân trong cổ họng Hiền căng lên khi cố sức nói to hơn:

“Mấy ngày nay chị kêu nóng quá, nóng quá.. tôi nghe và cố nhịn, cho đến khi hết nhịn nổi. Chị có nhà cao cửa rộng ở Mỹ, chính phủ Mỹ cho Việt Kiều thụ hưởng nhiều thứ trợ cấp, chính phủ Mỹ thiết lập một hệ thống chống nóng lạnh trong mỗi nhà Việt Kiều. Trên trái đất này, thử hỏi có ai sung sướng bằng Việt Kiều Mỹ?”

Loan cười gượng:

“Không biết Việt Kiều có công lao gì với nước Mỹ mà người Mỹ nặng lòng ưu ái như vậy?”

Nghiêm phụ họa: “Mặt trời, mặt trăng và mặt đất.. trên ba mặt ấy, không có một sinh vật nào nỡ lòng bỏ lại 4 đứa em và 1 bà chị nghèo đói tạỉ Việt Nam quê hương bất hạnh, để đành đoạn sống trong hoa gấm Hoa Kỳ.. như chị.”

Loan chợt nhớ đến câu nói của một người nào đó:

“Hắn ta ra đi từ 1975, mà đến nay chỉ về nước có ba lần.. Đồ chó đẻ, đồ Việt kiều, Việt-gian, Việt-dâm!”

Loan nhìn quanh gian nhà nhỏ quét vôi vàng, bốn bức tường không treo tranh, nhưng phòng ngủ treo lên bao thương nhớ và bao thù hận giữa tình chị em. Loan cảm thấy mình quá nhược-tiểu trong căn nhà nhỏ không phải của mình.

Loan nói:

“Hồi đó, chị không bảo trợ chị Nga và các em sang Mỹ; tội ác đó nặng hơn tội tử hình vì tội tử hình còn có thể giảm xuống tội khổ sai chung thân, còn tội ác chị làm ra thì tuy người Mỹ không xử, nhưng với người Việt Nam thì nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Trước đây, một số Việt kiều sinh sống ở Mỹ, kẻ thì có cha mẹ, người thì có anh chị em; nếu không người này bảo trợ thân nhân Việt Nam sang Mỹ, thì người kia bảo trợ. Lấy một thí dụ: Bà Tú Reasonae có người chị ruột và cô em ruột cùng ở Seattle, nếu bà Tú không bảo lãnh gia đình ông anh của bà sang Mỹ, thì chị và em của bà làm chuyện đó. Chị lúc ấy, họ hàng không có ai, chồng vừa mới chết, một thằng con bị tai nạn xe hơi nằm coma trong bệnh viện hơn hai tháng trời, chị không còn biết thương yêu ai nữa.”

Buồn in dấu trên mặt Nghiêm:

“Tôi không đau khổ vì thất tình, vì người yêu đã lấy vợ bỏ rơi tôi; tôi không đau khổ vì không có một đứa con nào để quét dọn sạch sẽ ngôi mộ của tôi sau khi tôi chết xuống; mà tôi chỉ khổ đau vì có người chị ruột không bảo trợ tôi đi Mỹ.”

Loan vẫn cố cãi như một luật sư vô tài:

“Hồi đó, chồng chị vừa mới chết, thằng con của chị bị đụng xe.”

“Thôi im đi chị ơi! Chồng chị chết, nhưng được chết ở Mỹ, chết sung chết sướng.. Còn chúng tôi sống ở Việt Nam, nhưng sống đau sống đớn. Con chị bị đụng xe, nhưng chiếc xe hơi đụng con chị là xe Mercedes, chứ đâu phải xe ben, xe bồn ở Việt Nam. Ngoài ra, bị tai nạn xe hơi ở Mỹ cũng vẫn còn sướng, ngành y khoa của Mỹ cải tử hoàn sinh bao nhiêu người. Ở Mỹ, người đau không chết, người bị xe đụng không bị thương..”

Loan bực mình:

“Còn chị thì bị bệnh loãng xương”.

Hiền ăn một miếng bánh bông lan tẩm rượu, cãi tiếp:

“Bệnh loãng xương thì uống calci. Khỏe ngay. Khoẻ bản thân, nhân đôi niềm vui sống. Ở Mỹ, tuổi thọ của con người kéo dài mãi không dứt.. Như nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã chín mươi xuân xanh vẫn không loãng xương, vẫn chưa đụng tuổi già.”

Hương xen vào:

“Ở Việt Nam , nhà văn Tô Hoài, chín mươi mốt tuổi vẫn không loãng xương xơ gan, vẫn còn ngầu.”

Hiền nói thêm:

“Nếu chị có một tâm hồn cao thượng, thì dù chồng chị chết, con chị bị xe đụng, chị vẫn thương người và quên mình vì người.. như Hà Mai Anh đã viết trong “Tâm hồn cao thượng.”

Nhắm mắt, Loan có thể ngủ được không? Hay chỉ thấy một chân trời tím ngắt. Đêm có phải là những tài-khoản gồm nhiều giấc mơ, nhiều cơn mê, nhiều nổi loạn, khi Loan lê bước mộng du quanh nhà, hoặc lên xuống cầu thang làm một vài vận động tay chân cho người mệt đi, để cố ngủ một giấc. Loan sợ hãi những đêm mất ngủ, và móng vuốt những giấc mê hoang in vết thâm quầng trên đuôi mắt. Cơn mất ngủ cũng dài tám tiếng đồng hồ như chiều dài của một giấc ngủ ngon.

Loan tưởng như nghe tiếng chuông chùa xứ Huế vào những đêm trăng mờ bên suối, và thủy triều rút xuống cùng tiếng sóng buồn thiu như lời kêu gọi hồn ai trong cõi tạm thôi đừng tham sân si, thôi hãy quay về cửa vhùa ăn vắt xôi đậu xanh. Loan nghe tiếng chuông giải thoát bắt nhịp cầu thông cảm giữa mặt trời, mặt trăng, và trái đất trong tình huynh đệ bền lâu khi trăng gió làm tình giữa trời đêm. Tiếng chuông Linh Mụ, tiếng gà Thọ Xương trầm luân sau cơn mưa tạnh trời trong trăng sáng:

Trăng sáng sau khi trời mới tạnh
Hiên ngoài thoang thoảng gió hương đưa
Tiếng chuông ngân vọng trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa?
(Thích Mật Thể)

Trong ánh trăng thiền, mọi sinh vật đều ngủ mê, chỉ một mình người tu sĩ Phật giáo còn thức! Và kẻ thiền tu ấy tự nhận rằng, trên cõi người ta, tôi không ngủ, tôi tỉnh, còn ai cũng đang mê.Trăng soi vào tâm trạng các nhà sư và thấy được điểm sáng đó!

Với người văn nghệ, trăng có bụng bự và vành tròn như vành nón, chất chứa huyền thoại hoang đường và sự thật, trăng chiếu màn đêm xuống cõi đời, trăng đem giấc ngủ xuống trần thế và đưa thơ văn vào cuộc sống, trăng nghiêm lạnh tô màu bức tranh thế sự, và tỏa ra một sắc vàng mơ. Không đêm nào trăng đổi màu vàng cố định thành ra màu xanh hoặc màu đỏ, trong suốt những chuyến du lịch quanh hoàn cầu để ghé thăm một vài hành tinh khác..

Trăng ôm bao nhiêu huyền thoại như đạo Phật gồm bao nhiêu kinh sách. Trong ý nghĩ đó, mặt trăng quý báu hơn mặt trời. Mặt trời nóng như lửa, nắng húc vào vạn vật như con cừu đực động cỡn. Loan chào ánh trăng và nhắm mắt ngủ. Trăng quay lưng và ẩn mặt vào mây. Loan thích trăng với trọn chu kỳ trăng làm dáng, lặn rồi hiện ra, như thủy triều rút xuống rồi dâng lên trong sự liên kết chặt chẽ cùng mặt trời, cùng quả đất, cùng sóng biển.

Sáng hôm sau, Loan điện thoại đến Air-Việt Nam để đổi chuyến đi, nhưng vé mua vào dịp khuyến mãi không đổi được. Trở về Mỹ gấp cho rồi, ở đây em út cứ đứng vững chống Việt kiều về nước hoài...

Hiền bỗng đứng dậy, to mắt ngó Loan.Tuy chưa nghe, nhưng mắt Loan thấy miệng Hiền sắp sửa nói:

“Em xin lỗi chị,”

Loan tin chắc như vậy, vì Loan cũng đang định nói “Chị xin lỗi em”; nhưng thình lình, Loan cảm nhận rằng hai chị em cùng có chung nhiều cảm giác khác nữa: chúng ta hiểu nhau, chúng ta còn bao nhiêu điều muốn tỏ bày cùng nhau, nói câu xin lỗi tuy rất cần thiết, nhưng dẹp đi cũng không chết thằng Tây đen nào cả. Chị còn ở lại Việt Nam những ngày nữa, em còn nấu ăn hầu hạ chị. Có một người chị không ra gì.. như chị, còn hơn không có. Em không cần yêu một đàn ông, không cần ôm một đàn ông, không cần bo bo bám vào một thằng đàn ông để hắn dẫn đi những bước đời. Em đã xài cạn tiền và cạn hết tuổi trẻ rồi, em để lại sau lưng hơn nửa thế kỷ tuổi. Đôi khi, nhìn lui nửa thế kỷ sau lưng, em muốn ôm chị để mà khóc, để mà mượn chút tiền còm, đôi khi em muốn chửi chị một đôi lời. Mai mốt chị về lại Mỹ, xa cách em ba phần tư quả đất, chúng ta còn hiện diện giữa đời nhau nữa không?

Chị im lặng dài. Có lẽ để thay thế những lời nói, chị gật đầu nhẹ và hạ đôi mắt tròn xoe xuống. Em biết chị đã tha thứ cho con em hỗn láo của chị!

Ba tuần sau, khi bước xuống phi trường Portland, Loan rủa thầm “con nhỏ gân quá! Cứng đầu, cứng cổ.. Nó vẫn không xin lỗi mình.”


Tháng 9/22/2011
Tuý Hồng