có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 6 14, 2020

Trong hẻm


Nhà văn Thảo Rrường


Tôi không thể ngờ rằng ở nước Mỹ lại có một con đường hẻm như con đường hẻm gia đình tôi đang cư ngụ. Chúng tôi là một gia đình tị nạn cộng sản vì mất nước và bị tù đày nên phải lưu vong sang đây. Trên danh nghĩa là di cư đoàn tụ nhưng lại chính thức khởi đầu của một thời ly tán. Tôi và anh con trai út còn độc thân dọn đến cái xóm Mỹ lạ lùng này, ở trong một phòng thuê lại của một gia đình đồng hương nghèo tốt bụng. Nếu không tình cờ gặp người đồng hương cắt cỏ thì chúng tôi đã không biết tới cái xóm nhỏ này và đã không trở thành cư dân ở đây.
Gia đình tôi xuất cảnh sang Mỹ vì tôi là sĩ quan QLVNCH bị cầm tù trong các nhà giam của cộng sản sau khi chế độ cộng hòa bị bàn giao cho chế độ cộng sản. Đáng lẽ tôi thuộc diện tị nạn chính trị có trợ cấp và bảo hiểm y tế, nhưng sau khi phỏng vấn, chính phủ Mỹ đã “hạch toán kinh tế” rất thực dụng, “bàn giao” tôi cho con gái và con rể tôi là những người đã bảo lãnh. Và tôi trở thành diện đoàn tụ trong tinh thần nhân đạo. Bao nhiêu phí tổn di chuyển từ Việt Nam qua và tái định cư tại Mỹ trong tinh thần nhân đạo ấy cho gia đình tôi, đều do con gái và con rể tôi đài thọ. Trong chiến tranh Việt Nam, để chống lại làn sóng bành trướng của cộng sản chỉ có các quân nhân QLVNCH chiến đấu và hình như đồng minh Mỹ tham dự, con gái và con rể tôi hồi đó còn bé tí, bây giờ, họ chịu trách nhiệm cho các lệnh hành quân ấy vì chúng tôi là những tù binh vô thừa nhận. Có người nói rằng hậu quả di hại của cuộc chiến là lâu dài, có lẽ, ít ra, cũng đúng trong những trường hợp như thế này. Hồi tôi nằm trong trại tù cộng sản, ở nhà vợ tôi đã tìm cách cho đàn con vượt biên, nhưng thất bại thì nhiều, chỉ may mắn có được một người con gái lớn đi thoát trong một chuyến cùng với một gia đình bà con trong họ. Con gái tôi nay đã có gia đình ba đứa con, vợ chồng nó đều có việc làm. Chúng đang hòa hợp với nhau để xây dựng một mái ấm gia đình với những đứa con đầy triển vọng. Khi đón bố mẹ và thằng em út sang để ở tạm trong nhà, tôi thấy đó đã là một sự hy sinh lớn của vợ chồng nó. Rồi thì phải giúp cho bố mẹ làm thủ tục giấy tờ, giúp cho đứa em trai đi học và đi làm giờ, giúp cho cả nhà làm quen với xã hội Mỹ... rồi thỉnh thoảng còn phải gửi về Việt Nam chút ít tiền giúp bốn đứa em còn ở lại vì chúng đã có gia đình và trên hai mươi tuổi. Bà vợ già của tôi coi sóc mấy đứa cháu ngoại cũng được vợ chồng nó trả cho mỗi tháng mấy trăm. Có lần đứa cháu ngoại ba tuổi ngô ngọng nói: 

– Ngoại ơi, tháng này Mom đã trả lương cho ngoại chưa? 

Nghe con trẻ ngây thơ hỏi, ngoại suýt bật khóc. Hồi còn ở Việt Nam có lần bà đi thăm ông trong tù cũng dắt theo một đứa cháu nội, lần đầu tiên ông cháu gặp nhau, ông bồng cháu cho ngồi trên đùi mà rung, nói chuyện với bà, thằng cu vểnh tai nghe ông bà nó rù rì bèn thắc mắc: 

– Nội ơi, sao ông nội lại gọi bà nội là... em? 


Bây giờ vợ chồng già ở đây, con trai con gái đứa thì ở trong nước đứa thì ở ngoài nước, đàn cháu nội cháu ngoại mớ thì ở ngoài nước mớ thì ở trong nước. “Trời có điều chi buồn mà trời mưa mãi thế? Cây cỏ có chi buồn mà cỏ cây đẫm lệ!” Đó là thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân. Vợ có việc giữ trẻ, anh con út có việc nhặt banh ở sân golf, còn tôi đi lượm ve chai. Và cũng vì thế mà gặp được ông đồng hương làm nghề cắt cỏ. Hai kẻ đồng cảnh chuyện trò với nhau mới vỡ lẽ ra hồi trước ông ta là hạ sĩ quan có thời gian đã là thuộc quyền của tôi. Năm 1975 đơn vị tan vỡ, ông không biết chạy đi đâu vì không có ai chỉ huy bỏ chạy, ông nói kinh nghiệm chiến trường của ông cho ông biết là chỉ có chỉ huy khi xung phong tấn công, không có chỉ huy khi tháo chạy. Rồi ông cứ theo đoàn người di tản đến Mỹ lúc nào không hay. Ông đã làm nhiều nghề và nay thì ông đã thành một người Mỹ chính cống. Không muốn thay đổi gì nữa, ông làm chủ một cái xe truck, mướn một hai người Mễ, nhận mối đi cắt cỏ. Ông hạ sĩ quan ngày nào nghe tâm sự và biết hoàn cảnh của ông sĩ quan xếp cũ của mình bèn dẫn về nhà ở và cho đi theo phụ cắt cỏ. Trên, dưới, thời chiến xưa, bây giờ đã có phần thay đổi. Dù muốn dù không thì người thuê mướn và người làm công cũng vẫn có những khoảng cách và những dị biệt. Cho dù tinh thần bình đẳng, tính cách xuề xoà và quyền tự do dân chủ có cao đến mấy đi chăng nữa thì vẫn có lúc giao công việc và lúc phát lương. Lương cũng tạm được, trừ hai trăm tiền phòng hai bố con ở, chi phí ăn uống rồi mỗi tháng còn mấy trăm cũng có đồng ra đồng vô. Hai bố con tôi dọn về ở trong khu xóm này để trả lại cái phòng khách cho anh con rể. Bà ngoại thì vẫn tá túc trong căn phòng đứa cháu mà bà phải trông coi. Cuối tuần thì hoặc là tôi lên thăm cháu ngoại, hoặc là mẹ đi thăm anh con trai út. 


*

Xóm nhỏ là một con ngõ cụt, gồm hơn mười căn nhà gỗ đã quá cũ chia thành hai dãy hai bên. Chính giữa là đường xe vô ra. Bên trong cùng ngõ là một bãi cỏ hoang đã bị ngăn cách bởi một hàng rào gỗ. Cư dân trong xóm chỉ có một lối ra ngoài con đường lớn mà ở đầu ngõ hai bên là hai cửa tiệm. Một bán bàn ghế tủ giường và bên kia là tiệm sửa chữa video. Vỏn vẹn chín căn nhà ở hai dãy hai bên nhìn sang nhau. Khu nhà chín căn nhưng chỉ có hai chỗ để xe bỏ trống hoang tàn dột nát. 

Cư dân trong xóm thoải mái đậu xe ngay trước cửa nhà, thậm chí có thể đậu xe ngay lên lề cỏ đã không còn cọng nào nguyên thuỷ sống sót. Trên lề trồng cỏ bây giờ là cỏ dại và rác rưởi. Những chiếc xe hơi của các gia chủ trong xóm thì không còn chiếc xe nào lành lặn. Mỗi xe móp méo một kiểu khác nhau và nghe tiếng máy cũng có thể biết xe của căn nhà số mấy. Như đã nói, đường vào trong xóm là ngõ cụt, cho nên vào lối nào thì phải ra lối ấy. Thỉnh thoảng có chiếc xe lạ của ai đó chạy vào tính đi xuyên qua, gặp hàng rào cuối ngõ đành phải lắc đầu ngao ngán lùi ra. Chín gia đình ở trong xóm hình như đều lãnh trợ cấp xã hội. Ngày ngày ăn rồi ở không, hút thuốc, uống rượu, hôn nhau và chửi tục. Trong những gia đình của xóm ngõ cụt có hai gia đình người Á Châu, một làm nghề hàn xì sản xuất những khung giường ghế bàn tủ bằng kim loại ngay tại nhà không cần phép tắc gì cả và xóm giềng cũng không ai phàn nàn kêu ca phản đối. Một nữa là ông chủ của bố con tôi chuyên nghề cắt cỏ mướn, đậu chình ình chiếc xe truck đầy nhóc máy móc bao bị cuốc xẻng cào chổi... trước cửa nhà. Các gia đình còn lại có một gia đình Mỹ da đen. Không thấy sắc dân khác, và hình như sống rất hoà thuận với nhau. Theo ông chủ của tôi thì qua nhiều năm sống ở xóm này ông chưa thấy có chuyện cãi vã hay xích mích xóm giềng. Nhà nào sống theo nhà ấy, không ai can dự vào chuyện của người khác. Nghe ông chủ nói thì tôi thấy hình như nơi xóm nhỏ này là một thế giới tự do. Các nhà đều không đóng cửa vì cũng không có gì đáng để mất. Nhà này có thể mượn của nhà kia những đồ dùng lặt vặt mà không cần hỏi trước. Mọi người sống thoải mái, ít thấy ai đi làm ngọai trừ hai gia đình gốc Á Châu thì làm hùng hục suốt tuần. Cũng ít thấy nấu ăn vì thường ăn đồ ăn làm sẵn ở tiệm ngoài đường cái, ngoại trừ hai gia đình gốc... Á Châu ngày nào cũng nấu xào kho nướng mùi gia vị xông toả khắp đó đây. Trong nhà ngoài ngõ cũng ít quét dọn, thậm chí còn thấy những bao cao su ngừa thai vứt rải rác khắp nơi trong khi các cô gái tuổi vị thành niên nhưng cao lớn to khoẻ của xóm thì đã đều lần lượt mang bầu. Rác rưởi tùm lum thoải mái, nếu có ai siêng thì đem bỏ vào cái thùng rác chung bằng sắt to tướng có bánh xe để trước căn đầu dãy, cứ chiều thứ năm người thuê căn đầu đó và cũng là người quản lý cả xóm sẽ lái chiếc xe móp méo của ông ta đẩy từ từ cái thùng rác có bánh xe lăn ấy ra ngoài đường chính để sáng hôm sau xe rác thành phố sẽ đi ngang lấy đi. Hôm đầu tiên nhìn thấy ông Mỹ trắng dùng xe hơi của mình đẩy thùng rác tôi cho là lạ nhưng sau thì tôi thấy cũng tự nhiên thôi vì ở đây người ta sống theo một lối tiện đâu làm đó. Ông quản lý này chỉ phải trả nửa tiền nhà mỗi tháng, còn một nửa được chủ bớt là để trả công cho ông làm manager cư xá. Ông quản lý ở với ba đứa con đều chưa tới mười bảy tuổi có được trợ cấp của chính phủ. Hai đứa lớn đã bỏ học ở trường trung học nhưng đứa con trai mới vừa xong một khóa của cảnh sát dành cho thiếu nhi phạm pháp và cô con gái mới mười lăm đang mang bầu, bà mẹ vị thành niên này sẽ lại được hưởng trợ cấp con nhỏ như là bà mẹ của cô đã thành niên từ lâu rồi vậy. Đứa con trai thứ ba của ông thì còn theo học ở trường tiểu học gần nhà, nó chạy qua chạy lại hoặc ở nhà bố hoặc sang với mẹ gần đó. Bố mẹ nó đã bỏ nhau, bố nó vẫn ở căn nhà đầu dãy, làm manager và hút thuốc uống rượu. Mẹ nó ở với một thằng bạn lớn tuổi của thằng con lớn, hai người đã lại có một đứa con với nhau. Đứa con trai thứ ba sáng đi học, trưa nhà trường cho ăn, chiều về nếu lục ở nhà bố không có gì nó sẽ chạy sang nhà mẹ, nói “hi” với người bạn trai của mẹ, xong lục tìm thức ăn, nếu mẹ nó và anh bạn trai của bà bận gì đó trong phòng thì nó cứ tuỳ tiện kiếm chác. Nếu hôm nào không kiếm được gì ở cả hai nhà thì nó chạy sang tiệm furniture đầu ngõ, nói “hi” với người chủ cũng gốc Á Châu, rồi cầm cái chổi lông gà đi quét bụi trên các bộ bàn ghế, xong nó vỗ bụng kêu đói, bao giờ nó cũng được ăn hoặc cho mấy đồng. Đứa bé này rất thương mẹ nó, nếu có mấy đồng thì nó chạy một mạch về nhà mẹ, đập cửa rầm rầm, mẹ nó thò đầu ra, nó dúi vào tay mẹ mấy đồng tiền mới kiếm được rồi lại ù té chạy đi. Lát sau cư dân trong xóm sẽ lại thấy mẹ nó ở trần chỉ mang nịt vú và quần xoọc, miệng phì phèo điếu thuốc, đẩy chiếc xe trẻ con đi dạo vòng trong vòng ngoài trong ngõ ngoài đường ngoài đường trong ngõ. Thỉnh thoảng có gặp ông chồng cũ đang hành xử công việc quản lý cư xá thì hai người cũng “hi” nhau lịch sự. Hai vợ chồng người này rất tâm đầu ý hợp với nhau, họ cùng ghiền một thứ thuốc lá, cùng thích uống một loại bia. Hai người bỏ nhau có lẽ vì ông chồng đã quá yếu sức, thỉnh thoảng lại ốm đau, và có lẽ cũng còn vì họ quen thuộc nhàm chán nhau quá sức đến độ bực bội cãi vã gây gỗ cuối cùng phải bỏ nhau. Người tình mới của bà vợ ông quản lý thì gầy gò nhưng rất dẻo dai, có lần anh ta một mình cởi trần dọn hết một đống rác khổng lồ của tiệm furniture dưới trời nắng chang chang mà không nghỉ phút nào. Nhưng anh ta lại rất hiền lành, thường bị bà tình nhân đánh đập chửi bới chớ hề kêu ca. Có lần anh ta bị bà ấy đánh chảy máu trán phải chạy ra đầu ngõ đứng nhìn vào cả buổi chiều không dám về, gần tối người đàn bà sau một giấc ngủ ngày thức dậy, đẩy chiếc xe trẻ con ra đầu ngõ, lau đầu máu cho người yêu, châm thuốc lá gắn vào môi cho người tình, vuốt ve dỗ dành, đu cổ anh ta xuống mà hôn. Còn anh thanh niên thì nước mắt ròng ròng sung sướng! Hầu hết cư dân trong xóm đều sống bằng trợ cấp xã hội của bầy trẻ và rất thiếu thốn vì ai cũng hút thuốc và uống bia. Anh thanh niên có xin việc làm ở mấy cửa tiệm ngoài phố, anh ta rất chăm chỉ, cần tiền để hai người uống bia hút thuốc nhưng anh hay ngủ gục trong giờ làm việc nên tiệm nào mướn một thời gian rồi cũng phải cho anh nghỉ. Có những ngày thèm thuốc quá, bà mẹ phải đi tìm thằng cu thứ ba ở trường học về bảo nó xin lau bàn ghế giường tủ kiếm mấy đồng cho bà mua thuốc hút. Trong lúc thằng cu vừa cầm cái chổi lông gà phẩy phẩy trên các tủ giường vừa tán tỉnh uncle chủ tiệm cho xin tiền mặt thì mẹ nó đã đứng chờ ở ngoài cửa. Đứa con mới đẻ của bà nằm ngủ trên chiếc xe đẩy có lúc bú mớ, có lúc cười mớ! Nhưng thằng con trai lớn thì có lần lại đấm mẹ nó sưng mặt rồi chạy vào núp trong kho hàng furniture. Hỏi ra vì nó đã bị mẹ mắng về tội ngu không biết cách ngừa thai cho đứa bạn gái của nó cũng trong xóm ấy. Thế là người đàn bà mang nịt vú mặc quần xoọc, hút thuốc lá, uống bia, đẩy xe con nít và có chồng trẻ ấy sắp có cả cháu nội lẫn cháu ngoại. Ông chồng quản lý cư xá của bà thì không có ý kiến gì về tất cả các vấn đề đó. Vì ông đang lên cơn đau bao tử và vừa mới bị người chủ hàn xì sản xuất đồ kim loại trong cư xá của ông đuổi việc. Việc làm thì ông không lo vì chỉ vài ngày sau sang xin làm là người Mỹ gốc Á Châu này lại cho làm thôi. Đã làm, đã bị đuổi, rồi làm lại, cả mấy chục lần rồi có sao đâu. Chỉ có cái bệnh đau bao tử là khó trị và nó đã làm khổ ông nhiều rồi, sức khoẻ suy yếu, ông mất vợ cũng vì nó. Bố con tôi đến ở trong căn nhà của ông đồng hương tốt bụng mà chẳng cần đăng ký ở phường khóm và cũng chẳng cần phải trình diện ông quản lý cư xá như luật lệ ở quê nhà Việt Nam. Ở đây ai đến ai đi, mặc. Không người nào thắc mắc người nào. Sự có mặt của người khác ở chỗ này chỗ nọ không phải là điều đáng quan tâm. Không có chế độ xuất nhập hộ khẩu vì không có công an phường. Những ngày đầu tôi còn ngỡ ngàng khi nhìn thấy trai gái ôm hôn nhau giữa ngõ, trước cửa nhà mình, nhưng rồi sau cả đến những cảnh họ làm tình trong phòng ngỏ cửa khua động rung rinh nhà vách cũng là những chuyện riêng tư, tự nhiên không đáng để ý. Điều đặc biệt nhất của xóm nhỏ này là nhà nào cũng thiếu tiền thuê vài ba tháng, ngoại trừ hai gia đình gốc Á Châu luôn trả đúng ngày không thiếu một đồng. Tôi có hỏi ông hạ sĩ quan chủ của mình thì được trả lời cho biết: 

– Vì tiền nhà ở đây rẻ nhất thành phố, và nếp sống “tự do dân chủ” ở đây đứng đầu nước Mỹ. 

Ông chủ kể tiếp: 

– Riêng tôi sau hai mươi năm đã ở nhiều nhà nhiều tiểu bang nhiều nơi rồi. Khổ lắm, những khu nhà đắt giá trông thì đẹp, mát mắt thật, nhưng phải tuân giữ đủ thứ qui định, từ cây cỏ cho đến chó mèo, từ màu sắc cho đến kiểu cọ... đều phải theo qui định. Nhà nào cũng ở trong nhà đóng kín cửa, ít khi gặp nhau, thảng nếu sáng ra hoặc chiều về lỡ có trông thấy nhau thì “hi” một cái là xong rồi rút vào nhà mất dạng. Giữ gìn cho kỹ đến khi mất việc là trả nhà cho nhà bank. Còn ở đây ấy à, nhà đã là nhà bị bank tịch thu xiết nợ và bank là chủ nhà rồi cảnh sát cũng không muốn tới, bao nhiêu kỳ bỏ phiếu tôi không thấy ai “đi bầu là thương nòi giống” cả. Cư dân ở đây không biết ông tổng thống là ai. Tôi... chọn nơi này làm quê hương nên chịu khó đóng tiền nhà sòng phẳng để giữ chỗ, những gia đình Mỹ nghèo khó nhưng họ chỉ thiếu đến lúc sắp bị đuổi thì họ cũng trả thôi. Chủ và người thuê đều biết nhau quá rồi. Đồ dùng tiện nghi trong nhà đều cũ kỹ hư hỏng, rỉ xét, nhưng cũng không ai đòi hỏi phải sửa chữa hay thay thế. Nhà chỉ cần không dột, có nước, có điện, khỏi cần sơn phết lại miễn đừng tăng giá. Những căn nhà này có lẽ chỉ cần giữ nguyên như thế cho đến khi nó sụp đổ không ở được nữa! 


Anh con út tôi vừa đi học vừa đi làm giờ ở một sân chơi golf. Tôi chỉ còn có nó là niềm hy vọng của dòng dõi. Không nói ra nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng chỉ có một mong muốn người con út này sẽ thành đạt thật cao trên đường học vấn để an ủi cho sự thất bại và sa cơ của tôi. Phải nói rằng đó là niềm hy vọng cuối cùng của một kẻ thất trận lưu vong. Hằng ngày mỗi sáng tôi theo xe người chủ đi cắt cỏ đến chiều tối mới về. Vì có tôi nên ông chủ đã cho nghỉ bớt một người Mễ và tôi trở thành người thợ phụ cho người Mễ còn lại. Chỉ sau một hai ngày là tôi quen được với nhưng công việc làm như chạy máy cắt cỏ, sử dụng máy tỉa mép mà chúng tôi gọi là máy cạo râu, máy thổi... Ông hạ sĩ quan nói với ông sĩ quan: 

– Chỉ một thời gian là... “đại bàng” sẽ biết nghề và sẽ có thể ra mở cho mình một “hãng” cắt cỏ riêng, lúc đó thẩm quyền lại mướn Mễ, lại tha hồ mà bóc lột... 

Xin licence cũng dễ thôi chỉ có kiếm mối mới phải đi tìm và cạnh tranh. Những ngày đầu chạy theo ông chủ từ sáng đến chiều tôi rất mệt vì mất một giấc ngủ trưa. Công việc cắt cỏ phải đi theo một lịch trình người chủ đã tính toán và sắp xếp theo giờ giấc thứ tự của từng nhà. Buổi trưa nghỉ một giờ để ăn tại một bóng mát nào đó và tôi đã ngủ gật khi ngồi dựa gốc cây. Sau rồi cũng quen không chợp mắt buổi trưa nữa. Người hạ sĩ quan lại cười nói: 

– Thế là “đại bàng” sắp quen với lối làm việc Mỹ rồi đó. Rồi đại bàng cũng sẽ trở thành Mỹ thôi. Cũng may là nghề cắt cỏ được nghỉ thứ bảy chủ nhật vì khách hàng không muốn anh đến nhà người ta làm ồn ào những ngày người ta nghỉ ở nhà. Và ông chủ này cũng chỉ muốn làm đủ ăn, không chạy vạy kiếm thêm việc cho nên hai ngày cuối tuần chúng tôi được ở nhà. Tôi bắc ghế ngồi trước cửa nhìn xuôi nhìn ngược cuối ngõ đầu ngõ xem hàng xóm “hi” nhau, hôn nhau, nướng thịt trước cửa nhà ăn uống bên cạnh cái máy nhạc để âm thanh thật lớn những điệu rock. Thỉnh thoảng ông Mỹ da đen ở căn giữa còn nhún nhảy khiêu vũ một mình hoặc với con chó con cưng của ông trên tay. Thấy tôi dậy sớm bắc ghế ngồi nhìn thiên hạ suốt sáng đến chiều, ông hạ sĩ quan lại nói: 

– Cuối tuần “đại bàng” thức làm gì sớm, ngày nghỉ Mỹ họ ngủ nướng đại bàng cũng nên tập theo họ cho quen, xung quanh họ làm gì kệ họ, mình cứ “kềnh” cho khỏe. 

Quả thật cái gì tôi cũng phải tập cho quen thôi. Tập thức sớm, tập dậy trễ. Tập siêng năng, tập lười biếng. Tập khôn ngoan, tập khờ khạo. Tập tự do, tập độc đoán. Tập đôn hậu vồn vã, tập tàn nhẫn lạnh lùng. Tập khoan dung, tập bất nhân. Tập hiền, tập ác. Tập lo âu, tập thây kệ... Phải tập tành tất. Tập đồng minh, tập phản bội. Tập can thiệp, tập tháo chạy... 


*

Toán mười hai người gồm mười một hạ sĩ quan và tôi là sĩ quan trưởng toán. Chúng tôi bị cô lập trong trại binh để tập tành tất cả những thao tác cần thiết theo một kế hoạch hành quân nhảy toán. Mục tiêu ở khu rừng núi chiến khu D, nhiệm vụ bắt sống hoặc tiêu diệt thành phần ban chỉ huy Cục R. Đêm hôm nhảy toán tôi được đưa lên bộ tổng tham mưu gặp tướng tham mưu trưởng, ông ta bắt tay tôi niềm nở, vỗ vai thân ái. Hồi đó tôi là sĩ quan trẻ cho nên “tép riu” rất lấy làm khoái chí trước cử chỉ ấy để sẵn sàng nhảy vào tử địa. Ông kéo tôi tới trước một tấm bản đồ, thì cũng vẫn là thứ bản đồ 1/100.000 như ở đơn vị tôi đã nghiên cứu, nhưng ở đây tôi thấy nó oai và quan trọng vì nó ở bộ tổng tham mưu và nó của ông tướng. Ông tướng chỉ cho tôi cái MT đã được khoanh đỏ mà tôi đã thuộc nằm lòng ở đơn vị. Ông nói: 

– Anh chỉ huy toán nhảy xuống đây, bắt hết tụi nó nếu được hoặc bắn bỏ rồi chụp hình và lấy dấu tay. Lệnh hành quân chi tiết thì anh đã được biết ở đơn vị rồi. Gọi anh lên đây để chúc anh thành công và nói cho anh biết rằng các anh sắp làm một nhiệm vụ vô cùng quan trọng mà cả quân đội giao phó cho. Anh hãy cố hết sức hoàn thành sứ mệnh... lịch sử. 

Tôi còn nhớ là tôi đã đứng nghiêm giơ tay chào ông tướng nhận lệnh và lòng tôi lâng lâng cho đến khi ra xe về đơn vị. Ông tướng này về sau lên tới đại tướng, có lúc ông còn làm thủ tướng, có lúc ông để râu rồi cũng có lúc ông lại cạo râu. Còn tôi ngay sau đó dẫn toán lên máy bay Dakota cất cánh. Nhìn xuống thành phố Sài Gòn ban đêm đèn sáng như sao sa, tự nhiên tôi mủi lòng, viên phi công bay một vòng trên thành phố và nói cho tôi hay:

– Để ông nhìn Sài Gòn lần cuối! Giã từ đi! 

Tôi càng mủi lòng hơn, tôi rưng rưng như muốn ứa lệ. Tôi là con út và mồ côi cha, mẹ thì ở bên kia bờ vĩ tuyến, tôi có ai không ở dưới kia để giã từ nhỉ? Giã từ hay vĩnh biệt? Một tiểu đội nhảy vào lòng địch ở giữa một vùng rừng núi hoang dã không có một con đường di chuyển? Tôi đã lâng lâng khi nhận lệnh và bây giờ trên cao sắp đến lúc nhảy xuống tôi mới thấy là mình liều mạng, và tôi chột dạ sợ hãi. Giá có một mối tình dang dở nào đó để mà tập bi lụy lãng mạn, để ngậm ngùi giã từ. Đằng này không, lòng tôi trống không, không một chút khổ đau nào để hờn giận, không có một ai ở dưới kia để thương để nhớ và để giã từ. Toán chúng tôi đã nhảy xuống vùng mục tiêu trước trời sáng đào lỗ chôn dù, mở máy bắt liên lạc với nhau, chuẩn bị súng đạn tác chiến rồi chờ. Trong lúc ngồi dựa gốc cây chờ sáng ấy tôi nhớ tới ông quản giáo dạy bổn ở họ đạo quê nhà hồi nhỏ. Ông quản có cái roi mây bóng lưỡng lúc nào cũng cầm ve vẩy trên tay quơ đi quơ lại trên đầu lũ trẻ lau nhau lúc nhúc trên mấy cái chiếu. Ông quản đọc trước, lũ trẻ chúng tôi nhắc lại, cứ thế mà nhai đi nhai lại miết rồi cũng thuộc nằm lòng. Cả họ đạo nối tiếp đời này qua đời khác nhai đi nhai lại rồi nằm lòng. Cả ông quản lúc còn bé cũng bị một ông quản khác nào đó đọc trước rồi bắt nhắc đi, nhắc lại, có lẽ cũng không thiếu chiếc roi mây quơ quơ trên đầu, rồi thuộc nằm lòng. “Hỏi: Đức Chúa Lời có mấy ngôi? Thưa: Đức Chúa Lời có ba ngôi, ngôi nhất là Cha, ngôi hai là Con, ngôi ba là Thánh Thần. Hỏi: Trong ba ngôi ấy có ngôi nào trọng...” Tôi lâng lâng nhìn lên cái nhà táng và những cây đòn đám ma khắc hình đầu rồng sơn đen vàng gác ở xà nhà phía trên thì chiếc roi mây quất trên đầu tôi cái véo. Tôi giật thót mình, hai tay ôm đầu, nước mắt trào ra, miệng lại gào lên theo cùng với lũ trẻ con: “Hỏi: Đức Chúa Lời có mấy ngôi...” Tôi ngó quanh rồi lén đưa tay làm dấu thánh giá, ở giữa rừng không có ai nhưng tôi vẫn cầu xin Chúa trong sự lén lút. Bao năm qua tôi đã không đi lễ nhà thờ, không xưng tội rước lễ, không cầu kinh, không giữ đạo, nhưng lúc chờ sáng này tôi nhớ tới câu kinh thời thơ ấu và nhớ tới ông quản cùng với chiếc roi mây khủng khiếp trên đầu. Bao năm qua tôi đã bỏ Chúa nhưng lúc đó tôi lại nhớ đến Chúa, tôi cầu xin được bình an trở về. Cho đến lúc trời sáng thì tôi lại quên mất Chúa, tôi đang phải đối phó với hiểm nguy. Lúc cái chết đe doạ tôi nghĩ tới Chúa nhưng khổ thân tôi cũng lúc cái chết đe doạ tôi lại quên Người. Theo lệnh hành quân thì DZ của chúng tôi chỉ cách T mười cây số. Trời sáng chúng tôi sẽ tìm nhau tập họp để tiến quân. Khi nhảy dù phi cơ bay theo trục Đông Tây vì thế trời sáng người nhảy đầu, hai, ba, bốn và năm sẽ đi về hướng tây; người nhảy chót, mười một, mười, chín, tám, bảy sẽ đi về hướng đông Người thứ sáu ở giữa là tôi tiểu đội trưởng ở tại chỗ quan sát về hai hướng đông tây để chuẩn bị tiếp nhận tất cả toán. Thành công đầu tiên là chỉ nửa ngày chúng tôi đã gặp nhau đầy đủ mười hai người, không có thương vong, chỉ xây xát chút đỉnh một vài người vì dù máng trên cây cao phải cắt dây dù nối lại mà tụt xuống đất. Không may là máy truyền tin lớn để liên lạc với bộ chỉ huy đã bị bể khi đáp đụng cành cây dù cụp lại rồi thì máy mới rớt xuống đá bể nát. Người hạ sĩ quan phụ trách truyền tin bị tôi chửi thề “đụ má đéo bà”, rất tục tĩu. Anh ta không phản ứng gì và tôi chỉ thấy mình vô lý bất công thô tục khi nhìn anh ta lặng thinh lẽo đẽo theo toán. Nhưng cho đến khi trở về được tới hậu cứ và luôn cho đến bây giờ tôi cũng vẫn chưa nói được cái tiếng rất dễ dàng ngắn ngủi là “xin lỗi”. Riêng cuộc đột kích thì chớp nhoáng thôi, ngày hôm sau chúng tôi tìm thấy mục tiêu gồm ba căn nhà lá sát nhau nằm dưới một khe núi. Qua ống nhòm quan sát tôi thấy trong đó có bảy người đàn ông và một đàn bà. Tôi bèn hội ý các biệt kích để lấy quyết định. Có ý kiến “thịt” hết cho rảnh tay rồi rút chạy về hướng quốc lộ số 1 cách hơn ba mươi cây số, nơi đó sẽ có một lữ đoàn nhảy xuống khoanh vùng làm bãi tiếp cứu. Quyết định có tính cách dân chủ một cách nhát gan này là mười một thuận, một không ý kiến, và như thế là đa số thắng được thực hiện ngay. Tôi lập đội hình rồi tiểu đội xung phong vào và trong chớp nhoáng với những vũ khí tối tân gọn nhẹ của biệt kích tất cả tám người trong mục tiêu đều ngã gục không kịp phản ứng vì có lẽ họ cũng không thể ngờ căn cứ trong rừng sâu bất khả xâm phạm này lại có thể bị tấn công. Chúng tôi chụp hình in dấu tay các tử thi, lấy một số tài liệu giấy tờ, chụp hình quang cảnh doanh trại rồi phóng lửa đốt hết những căn nhà với cả vũ khí đạn dược trang cụ trong đó. Làm xong là tháo chạy, khi súng đã nổ và ngọn lửa đã bốc lên thì chúng tôi phải rút xa ra khỏi vùng này. Nhảy xuống thì dễ nhưng rút ra mới là gay go. Phải mất gần một tuần lễ mới vượt qua được khu rừng rậm, lại còn phải né tránh những toán võ trang của đối phương gặp trên đường di chuyển. Cũng may là tôi còn liên lạc được với sĩ quan đơn vị cử đi tìm chúng tôi bằng máy bay quan sát qua máy truyền tin cầm tay. Chúng tôi nghe được tiếng nhau trên tần số bèn gọi thẳng tên nhau mà nói chuyện. Từ đó do hướng dẫn từ trên máy bay chúng tôi mới bắt tay được đơn vị dù hành quân tiếp cứu. Vị sĩ quan trên máy bay quan sát bay tìm chúng tôi và bắt liên lạc được với tôi qua máy vô tuyến sau này cũng lên tới tướng và ông đã tuẫn tiết ngày chế độ Cộng Hoà bị bàn giao cho cộng sản. Ông là người tự mình giải quyết cho mình. Tôi nhắc đến ông ở đây để muốn nói đến tôi tép riu đã không dám tự xử đành đi vào con đường làm tù binh sống sót xuất cảnh. Và tôi là người đã để kẻ khác giải quyết đời mình thay mình. Toán chúng tôi về đủ nhưng quần áo rách bươm và râu ria xồm xoàm. Lữ đoàn dù mở cuộc hành quân tiếp cứu thì lại tổn thất hơn hai mươi người do tai nạn nhảy xuống rừng rậm. Đem các tài liệu về nộp cho bộ tư lệnh khai thác, tôi không được rõ kết quả ra sao, nhưng mãi sau này đọc báo tôi thấy những nhân vật chủ chốt của Cục R vẫn còn được nhắc tới. Thế thì những tử thi mà chúng tôi đã lấy dấu tay là của ai? Và chẳng hiểu những nắm xương vô định đó có được tìm kiếm? Có điều tôi quên chưa nói là người thứ mười hai không ý kiến về cách đánh chiếm mục tiêu ngày ấy chính là ông hạ sĩ quan truyền tin, người tôi đã chửi thề và cũng là người chủ cắt cỏ mướn mà tôi đang làm công. Và cũng là người cho đến bây giờ tôi vẫn chưa nói được lời xin lỗi. 


Người Mỹ đen hàng xóm nhún nhảy với con chó trên tay theo tiếng nhạc xập xình như đã mệt, bèn ngồi uống bia hộp ở bậc cửa và nhìn sang tôi. Ông ta như có vẻ chú ý đến tôi có lẽ vì thấy tôi không giống ai ở đây. Ở đây ai cũng phải nhúc nhích. Không ai ngồi lặng thinh một mình mấy tiếng đồng hồ. Ông ta giơ hộp bia sang phía tôi như có vẻ chào mời. Tôi cũng giơ tay làm vẻ cám ơn. Ông chủ nhà từ trong đi ra hỏi tôi: 

– “Đại bàng” thấy trong người sao, có khoẻ không, hay là đi chơi quanh quẩn một vòng cho thoải mái. 

Tôi đứng lên vươn vai, cố làm vẻ tự nhiên vì tôi có cảm giác người xung quanh đã thắc mắc về mình, cũng dễ hiểu thôi, ông Mỹ da màu và cả ông hạ sĩ quan chủ của tôi nữa, họ đâu có ông quản giáo dạy bổn trong quá khứ để hồi tưởng, họ cũng đâu có những ông tướng ám ảnh mình, họ lại chẳng có cảm xúc gì về những bộ hài cốt vô thừa nhận rải rác khắp núi rừng Việt Nam. Tôi giơ tay chào lần nữa người Mỹ hàng xóm. Tôi vừa bước vào nhà vừa nói với ông đồng hương tốt bụng : 

– Khoẻ mà, không sao hết, ngày nghỉ là mình để cho tinh thần thư giãn. 

Vào trong căn phòng ngủ nhỏ như cái hộp của hai bố con, tôi thả mình xuống, lại nằm giương mắt nhìn lên. Ý nghĩ của tôi bò ra ngoài hẻm: 

– Ở đây mà... tụi nó “chốt” ngoài đầu ngõ thì hết đường thoát.


Thảo Trường