Tôi nhặt được cái USB trong khi đang hối hả ra cửa phi trường Roissy sau 13 tiếng sật sừ trên chuyến bay hơn 10.000 cây số băng từ rìa này của Thái Bình Dương qua rìa kia của Đại Tây Dương. Nó cộm bên dưới bánh xe của chiếc va-li Tourister nặng 10 ký. Cầm nó trên tay ngó dáo dác một hồi không thấy ai có vẻ mất của, gần như vô thức, tôi bỏ nó vào túi áo khoác rồi tất tả ra ngoài kiếm taxi. Thèm tắm một phát trước khi đánh một giấc. Đường bay đầy dốc mây, hành khách ngồi cạnh có con nhỏ khóc nhề nhệ, đồ ăn dở, nữ tiếp viên thân hình trông nóng bỏng nhưng mặt mũi lạnh lẽo. Bình thường sẽ đón bus vào trung tâm rồi lấy xe điện về nhà, nhưng hôm nay rất nên hưởng một ngoại lệ, bởi ngân sách dành cho kỳ nghỉ hè vẫn còn rủng rỉnh nhờ dang dở.
Nhiệt độ bên ngoài 15. Trời nhiều mây mù. Sẽ là thứ thời tiết dễ chịu hơn nhiều so với mưa gió ẩm iu của vùng nhiệt đới mà vì lý do đó kỳ nghỉ đã bị bỏ ngang. Tài xế nổ máy gài số. Qua cửa kính tôi trông thấy một ông già đứng ngay lối ra của tòa nhà chỉ trỏ về phía chiếc xe trong đó có tôi. Cách ông ta không xa, một cô gái tóc hung lùm tùm hành lý chân nhảy chồm chồm tay vung ngoắc loạn xạ như đang gọi xe hoặc bị kích động vì chợt trông thấy người quen. Xe trườn đi và tôi ngã ngửa thở phào, thống khoái không khác chi một tiểu thuyết gia vừa đặt bút chấm cái cạch sau một trường thiên.
Xe dừng lại ở số 102 đường Jean Jaurès quận 19. Trờ tới sát phía sau là một chiếc taxi khác và người khách đang hớt hơ hớt hải bước xuống không ai khác hơn cô gái tóc hung khi nãy. Một tay vịn cần đẩy của cái Tourister, một tay đút túi quần mò tìm chìa khóa cửa, tôi đứng chần chừ một lát, tò mò nhìn. Cô đang vụng về lôi mớ giỏ xách lỉnh kỉnh ra khỏi xe, cổ bẻ ngoặt về phía tôi, giọng thất thanh:
– Ông ơi ông ơi, chờ chút!
Trùng hợp gì đây? Cô nàng này đã đi chung chuyến bay rồi cùng về nhà với mình mà mình không biết? Là du khách lạc đường? Là người quen cũ đã rớt vào lỗ đen ký ức? Là hàng xóm mới, muốn xin quá giang vì không nhớ mã số cửa chính để vào tòa nhà chung cư? Cô ta nhào tới nhập đề không cần xã giao:
– Một ông cụ ở sân bay nói có thấy ông nhặt được cái USB.
– Là của cô á?
– Vâng. Ông cho tôi xin lại. Tôi đã phải gọi gấp một chiếc taxi để rượt theo. Giờ tôi phải lấy xe lửa đi về Reims cách đây 130 cây số.
Tôi nghĩ nhanh, chà chà, giống hình sự Mỹ. Tài liệu quan trọng chứa công thức mã hóa vũ khí sinh học? Bí mật quân sự? Danh sách những chính khách đối lập cần bị khử trước cuộc bầu cử quốc gia? Tôi giở giọng thám tử:
– Làm sao tôi biết chắc nó là của cô? Nội dung nó là gì? Cái này có thể kiểm tra ở Sở Cảnh Sát, nếu cô đồng ý. Chỗ ấy ở gần đây thôi. Mặc dù chuyến bay làm mệt, tôi vẫn có thể bỏ thêm một chút thì giờ để làm cho ra lẽ.
Cô gái cười khẩy:
– Ông chắc hẳn đã đọc nhiều truyện trinh thám hoặc ghiền phim hành động kiểu Mỹ. Nó chỉ là một món kỷ niệm riêng tư, có giá trị tinh thần hơn là một cái SanDisk Cruzer Blade giá 6.60 euros bán ở FNAC.
Tôi thọc tay sâu vào túi áo khoác móc ra cái thỏi đen đen thon thon dèm dẹp be bé, lật qua lật lại nheo nheo mắt săm soi. Đúng là SanDisk Cruzer Blade. Thông tin chính xác, nhưng óc tò mò khiến tôi không thể ngay lập tức giao trả nó cho sở hữu chủ kèm theo một nụ cười huề. Làm như vậy có vẻ thua buồn, sau khi đã tỏ ra khó đăm đăm. Mùa hè vẫn còn rớt lại hai tuần khiến tôi muốn lình xình thời gian mà không thấy tiếc. Trong mắt cô gái lóe một tia đắc thắng. Với một thứ tiếng Pháp hơi cưng cứng rung nhiều âm r, cô ta cố làm cho nó mềm đi:
– Thấy chưa? Nếu ông không tin, tôi có thể nói thêm đó là một cuốn phim dài 2 tiếng 50 phút mà Giuseppe đã …ư… tặng cho tôi. Và nếu ông vẫn còn bán tín bán nghi thì cứ việc gắn cái USB vô máy tính để thử ngó qua sơ sơ nội dung, Mister Sherlock Holmes!
– Không thiếu hàng loạt mật mã được cài xen kẽ trong một cuốn phim dài. Ở Sở Cảnh Sát người ta thừa sức nhận biết điều đó; giải mã thì đã có chuyên viên.
Cô gái trố mắt nhìn tôi một khắc rồi cao giọng, gần như líu lưỡi:
– La Leggenda del Pianista sull’Oceano!!!!
– Là gì vậy?
– Mật mã!
Cô này lỳ thật. Đúng ra thì tôi cũng lỳ, càng lúc càng tò mò về cái sự dai nhách của cô ta cùng cái USB bí ẩn. Thấy lằng nhằng đã hơi lâu, tôi lững thững bước đến cánh cửa màu xám tro bấm mã số. Cửa kêu đánh “tách”, cô ta bén gót theo sau. Trong hành lang tối thui dẹp lép tôi bật đèn cầu thang rồi ngoái nhìn cận cảnh cô gái chỉ đứng cách tôi có nửa thước. Tuổi trạc 25-30. Tóc tung tóe rối phủ lúp xúp trên đôi mắt màu khói, môi run giật vì giận. Không đẹp nhưng ngộ. Tôi thắc mắc lẫn tinh quái muốn biết cô ta sẽ làm gì tiếp theo. Do qui định sao đó, ở xứ này những tòa nhà cũ dưới 5 tầng đều không lắp thang máy. Chúng tôi im lặng bê hành lý ì ạch 32 nấc thang gỗ lên tầng hai. Khi tôi mở khóa cánh cửa căn hộ trên đó có ghi tên Kerleroux, cô gái hứ một tiếng rồi mỉa mai nói:
– Monsieur Kerleroux!
– Thì sao chứ?
– Trông ông chẳng có vẻ gì là Kerleroux.
– Tôi còn tên là Chloé nữa. Chloé Kerleroux.
– Tên phụ nữ mà!
– Thì tôi là phụ nữ.
Cô gái cười ha hả rồi ngang nhiên bước theo tôi vào trong, không chờ được mời. Tôi đẩy cái va-li vô góc phòng khách xong ngồi phịch xuống ghế tràng kỷ, thở cái khì. May mà sống độc thân không thôi thì một bà vợ mập ú người sặc mùi hành tỏi sẽ nhào ra, rồi một đàn con nít sẽ bu quanh kéo tay kéo chân câu cổ lao nhao đòi quà phương xa. Sau đó mọi chuyện sẽ được giải quyết giữa hai người đàn bà với nhau, còn tôi khỏe re lặng lẽ lẽn đi tắm và đi ngủ. Nhưng thực tế không phải vậy. Cô gái lùa mớ giỏ xách lỉnh kỉnh sang một bên để lấy lối đi xong ngồi xuống cạnh tôi như thể đã rất quen thân. Tôi kêu lên:
– Trời ơi! Dio mio! O sole mio!
– Là gì vậy?
– Mật mã. Sao cô dai nhách vậy?
– Ông dai nhách thì có!
– Tôi sẽ uống miếng nước cho hạ hỏa, cô uống không?
– Không. Tôi có chai nước lấy trên máy bay đây. Mẹ tôi dặn không bao giờ nên uống cái chi của người lạ mời.
– Cô chắc hẳn đọc nhiều báo lá cải, mục cảnh giác dành cho các cô gái quê ra tỉnh. Trông cô xớn xác không có nét chi là thành thị.
– Monsieur Kerleroux, tôi thấy ông có vẻ lành nhưng làm bộ khó khăn cho tương thích với tuổi. Ông già rồi phải không? Ông có hai rãnh sâu sâu kéo nhằng từ cánh mũi vòng qua khóe môi chạy tuốt xuống cằm gần giáp mí với cái cổ đùn da, rất chi là tố cáo. Tóc ông nhuộm đen nhánh, còn răng thì đều và trắng sáng như sứ. Ông còn lấy tên phụ nữ nữa mới chết chứ!!! Thôi cho tôi xin lại cái USB rồi tôi tha cho ông nghỉ mệt. Hay là ông muốn cùng tôi giải mã La Leggenda del Pianista sull’Oceano trước khi đưa tôi đến Sở Cảnh Sát?
Thật quá quắt. Kiểu lý sự của cô ta khiến mọi chuyện bỗng trở nên dễ ợt, vì vậy tôi nói:
– Thôi được. Tôi thuê lại cái ấp 35 mét vuông này của một bà tên Chloé Kerleroux. Ngó xung quanh thì biết. Toàn dấu vết phụ nữ. Công bằng mà nói thì tôi là đàn ông. Dân nhập cư thâm niên 25 năm. Da vàng khè, mũi tẹt lét. Đã quá lục tuần. Tóc nhuộm, răng giả. Chỉ đủ sức khỏe và điều kiện tài chính để vui hè mỗi năm 3 tuần. Không thích đàn bà sau nhiều đổ vỡ nhưng chẳng phải đồng tính, yêu râu xanh lại càng không. Có khuynh hướng lẫn thiên khiếu phá án trong mọi tình huống. Nói chung vô hại, thậm chí hữu ích. Còn cái USB thì….
Cô gái cười ha ha không màng giữ ý tứ. Chẳng bao lâu sau, một cách thật tự nhiên, chúng tôi râm ran lang bang đủ thứ chuyện. Không ai có vẻ mệt sau chuyến bay như lúc đầu đã tỏ ra nhăn nhó. Hình như chuyến xe lửa 130 cây số cũng bị bỏ quên. Đột nhiên tôi hỏi:
– Giuseppe? Tôi rất có thiện cảm với bất cứ ai tên Giuseppe. Tôi đã từng có một ông sếp tên Giuseppe Bechis, tùy viên quân sự ở tòa đại sứ Ý tọa lạc số 175 đường Pasteur, Sài Gòn thập niên 70 của thế kỷ trước, tuy có cái mặt ác như các tài tử đóng vai phản diện trong phim hành động của Mỹ, thực ra là một lão sồn sồn nhẹ nhàng nhũn nhặn; thời gian làm việc với ông ta thật thú vị và khó quên. Tôi cũng thích giọng bariton/nam trung của Giuseppe de Luca, nam diễn viên đẹp trai Giuseppe Russo, điêu khắc gia Giuseppe Penone,và nhất là nhà soạn nhạc Giuseppe Verdi. Tôi chỉ không ưa Giuseppe Zanotti vì ông ta thiết kế những đôi giày diêm dúa có đính trang sức là thứ tôi cực kỳ dị ứng. Giuseppe của cô hẳn rất đặc biệt ý nghĩa vì cô dai nhách đòi lại cho được cái USB. Thì đây nè.
Cô gái hững hờ cầm lấy, đôi mắt màu khói bỗng trở nên xa xăm. Cô nói, giọng bùi ngùi:
– Giuseppe Tornatore. Người này đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi.
Tôi gần như nhảy dựng trên cái ghế tràng kỷ:
– Hả? Cinema Paradiso!
– Đúng. Và cũng là đạo diễn phim La Leggenda del Pianista sull’Oceano/The Legend of 1900, huyền thoại về một nghệ sĩ dương cầm tài ba suốt đời lênh đênh trên đại dương chưa một lần đặt chân lên đất liền. Tôi đã tải cuốn phim này xuống từ Internet, lưu trong USB để thỉnh thoảng lại chiêu một ngụm như nhấm rượu ủ. Ông có muốn giữ rịt lấy nó vì lòng tham nhỏ nhen ti tiện hay vì quyết tâm nôn nóng phá án chi đó, tôi vẫn có thể tậu được cái khác, nhưng ấn tượng và dư âm ban đầu không gì có thể thay thế được.
Thú thật là tôi đã bàng hoàng và lăn tăn rất lâu sau khi xem Cinema Paradiso của Giuseppe Tornatore hồi thập niên 80 nhưng rồi sau đó bị xô giạt bởi này kia kia nọ đến nỗi chỉ còn giải trí lôi thôi qua quýt mỗi tối bằng những phim bắn giết thiếu đầu mất đuôi trước khi ngã vật ra giường sau một ngày quần quật, không hề biết đến sự hiện diện của Huyền Thoại 1900, vốn đã được thực hiện năm 1998, mười năm sau Cinema Paradiso. Tôi rủ cô gái:
– Hay là mình giải mã La Leggenda del Pianista sull’Oceano đi. Làm như vậy cô khỏi phải mất công đối phó với cảnh sát.
– Ông vẫn nghĩ cuốn phim có cài xen tài liệu mật của bọn khủng bố?
Trả treo vậy nhưng chúng tôi đã cùng trải qua 2 giờ 50 phút trên cái tràng kỷ, cùng lom lom dán mắt vào màn hình máy tính xách tay nhỏ xíu đặt thâm thấp trên bàn uống trà, và cùng im lặng rất lâu sau khi cuốn phim kết thúc. Cuối cùng cô gái mở lời:
– Tám mươi tám là số phím giới hạn trên chiếc dương cầm có chiều dài loanh quanh một mét rưỡi, nhưng những gì người nhạc sĩ mang đến cho người nghe từ tám mươi tám phím đàn là vô hạn (*). Chính câu nói này của nhân vật có cái tên loằng ngoằng Danny Boodman TD Lemon 1900 đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
– Ra cô có liên quan đến con số tám mươi tám?
– Tôi bị ép học piano từ nhỏ, cảm thấy rất vất vả vì phải khổ luyện, vì phải tôn trọng kỷ luật, nguyên tắc, sắc thái, nhạc cảm, và …cơ man những thứ linh tinh khác. Khi trở thành nghệ sĩ biểu diễn, tôi máy móc cúi chào những tràng vỗ tay từ những người mà tôi không chắc họ có cảm nhận nghiêm chỉnh về nhạc cổ điển hay chỉ là thói đua đòi làm sang – như kiểu cha mẹ tôi đua đòi bắt con gái học đàn. Trong nhiều năm tôi đã chơi nhạc trong tinh thần đó. Lemon 1900 không gõ bài bản từ những gì tự học được hay tạo bừa âm thanh trên phím; anh bắt lấy các tín hiệu phát ra từ mỗi con người, và âm nhạc cứ thế mà tươm ra như nhựa nguyên.
– Vậy là ở trong máu rồi!
– Chứ còn ở đâu nữa! Vớ vẩn thật, Monsieur Kerleroux!
– Hơn 30 năm lênh đênh trên chiếc Virginian với những chuyến hải hành vượt Đại Tây Dương chở mỗi lần hàng ngàn dân nhập cư đến Mỹ, hẳn anh ta đã thấy rất nhiều con người – những người reo hò khi lần đầu nhìn thấy tượng Nữ Thần Tự Do ở cảng New York. Reo nhưng không vui, chẳng phải không vui vì nước Mỹ mà vì những gì họ bỏ lại sau lưng. Tôi cũng bỏ lại ở đấy rất nhiều thứ, đặc biệt mùi Tết quê nhà không nơi đâu nồng nàn giống như thế. Tết không chỉ là Tết…Không ai có thể bứng quá khứ mang đi trồng ở chỗ khác được.
– Ông đang tỉ tê? Lemon 1900 là đứa trẻ bị ai đó trong số những người dân nhập cư bỏ lại trên tàu. Anh đã trải qua tuổi thơ cùng tuổi thanh xuân ở đấy, nhìn thấy tự do bằng mắt, nghe thấy tự do bằng tai nhưng hoàn toàn thờ ơ với nó. Anh sợ phải lên bờ, sợ những gì mình không nhìn thấy được. Anh sợ tương lai (**).
– Tôi cũng là dân nhập cư đang ôm trong người một cục tự do to bằng khối u ác tính ly hương. Trực diện sự thật tôi không ngán, nhưng nếu nó thập thò lấp ló với những thảm kịch không mong đợi thì quả là đáng sợ. Chắc cô đồng hội đồng thuyền? Nghe giọng nửa cứng nửa mềm của cô là biết liền.
– Đại khái như thế. Bây giờ tôi chơi cho các dàn nhạc ở tỉnh, không có tên tuổi, nhân thân lu mờ y hệt Lemon 1900 nhưng mà… tuyệt lắm. Rất có thể tôi sẽ bám trụ như vậy và mãi mãi không thèm “lên bờ” dù rằng một sự nghiệp âm nhạc kiểu đó sẽ được coi là thảm kịch đối với nhiều người . Thôi tôi phải đi đây, đành bắt chuyến xe lửa cuối ngày. Ông đúng là định mệnh. Ư mà ông tên gì vậy, Monsieur Chloé Kerleroux?
– 1950.
– 1990. Hân hạnh.
Tôi đưa cô gái mắt khói xuống 32 nấc thang gỗ. Chúng tôi bắt tay từ giã ở ngay cánh cửa màu xám tro mang số 102 đường Jean Jaurès quận 19, Paris.
Trần Thị NgH
Laumière, 07.2019
------------------------------------
Chú thích của tác giả:
The Legend of 1900, Giuseppe Tornatore 1998/Wikiquote:
(*)…keys begin, keys end. You know there are 88 of them. Nobody can tell you differently. They are not infinite. You’re infinite…And on those keys, the music that you can make is infinite… (1900)
(**)…It wasn’t what I saw that stopped me, Max… It was what I didn’t see… (1900)