có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 2 23, 2020

Nụ hồng




Nhạc & lời: Gordon Mills 
Lời Việt: Nguyễn Thảo 
Trình bày: Nguyễn Thảo 
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ 
Ghi âm: ElevenSixteen 
Final mix: LeVuMusic Studio 
Photo & graphics: MarcMarc



Nụ Hồng 

 Người hay nói, yêu giống như sóng sông 
Dập vùi sậy lau yếu đuối 
Người hay nói, yêu giống như lưỡi dao 
Cắt hồn mình thêm rướm máu 
Và cũng nói, yêu giống cơn khát thèm 
Bức rức trong tim không ngừng 
Mà tôi thấy yêu giống như hoa thơm 
Và hạt mầm là em tặng đời 

 Là con tim sợ hãi những nát tan 
Nên chưa bao giờ lên tiếng hát 
Là đêm tối sợ phút giây tan mơ 
Nên ngại ngần không chớp mắt 
Là kiếp sống lo lắng những mất còn 
Nên không dám sớt chia vui buồn 
Hồn yếu đuối sợ nỗi chết khôn nguôi 
Nên chưa từng dám sống một lần 

 Rồi đêm đến, khi thấy sao cô đơn 
 Nên đường dài thêm hun hút 
Mà tình yêu sao thấy như riêng trao 
Cho người luôn may mắn 
Thì hãy nhớ trong đông tuyết buốt lạnh 
Khi băng giá lấp che cây cành 
Một mầm non chờ ánh nắng xuân tươi 
Sẽ dâng đời nụ hoa tuyệt vời 


 The Rose 

Some say love, it is a river 
That drowns the tender reed 
Some say love, it is a razor 
That leaves your soul to bleed 
Some say love, it is a hunger 
An endless aching need 
I say love, it is a flower 
And you, its only seed 

 It's the heart afraid of breaking 
That never learns to dance 
It's the dream afraid of waking 
That never takes the chance 
It's the one who won't be taking 
Who cannot seem to give 
And the soul afraid of dying 
That never learns to live 

 When the night has been too lonely 
And the road has been too long 
And you think that love is only 
For the lucky and the strong 
Just remember in the winter 
Far beneath the bitter snows 
Lies the seed, that with the sun's love 
In the spring becomes the rose


NT: Trong những loại nhạc mà tôi được nghe trong thập niên đầu tiên định cư tại Mỹ, có lẽ giòng nhạc bluegrass đã gieo trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Và cũng đồng thời điểm với những kỷ niệm êm đẹp nhất.

Dạo ấy, trong những ngày tháng ở cư xá cho sinh viên đại học, tôi và mấy người bạn vẫn thường lái xe thám hiểm vùng núi non Ozark gần đó, với những làng mạc tưởng chừng như đã bị bỏ quên bởi đời sống văn minh. Những cánh rừng cháy đỏ mùa thu. Những dãy núi phủ khói mây bàng bạc sớm chiều. Nơi đó, thi thoảng, tôi được nghe tiếng đàn banjo từ những hàng quán ban trưa. Tiếng đàn giây sắt trùng điệp nhưng nghe sao thấy thật u buồn như lời than thở. Những người bạn bảo tôi rằng loại nhạc bluegrass này rất thịnh hành trong vùng đồi núi từ Appalachians qua đến rặng Rocky, nhưng ít nghe thấy trong thị thành.

Gần đây, khi nghe một vài nhạc sĩ mà tôi rất thích, như Martin Simpson và Hayde Bluegrass Orchestra, bỗng nhiên tôi lại bị lôi cuốn bởi cái nét buồn buồn xa vắng của nó. Tìm về nguốn gốc thì tôi mới hiểu ra tại sao tôi vẫn cảm như vậy. Nhạc blues của người nô lệ đã len lỏi lên vùng núi Appalachians (có thể từ những người nô lệ bỏ trốn điền chủ tìm về phương bắc), rồi hòa nhập vào giòng nhạc folk và spiritual của dân bản xứ, và trưởng thành nhạc ra bluegrass. Không như bossa nova với bản chất kiêu kỳ, bluegrass vẫn hoàn nét mộc mạc, nặng về dân ca. Có lẽ những rặng núi trùng điệp đã cách ly giòng nhạc này trong bao nhiêu năm tháng qua nên vẫn còn giữ nguyên cái độc đáo của nó.

LV: Bluegrass không phải là loại nhạc tôi nghe. Theo tôi thì loại nhạc này tương tự như nhạc vọng cổ của Việt Nam với cách hát kiểu folksy và âm vận đặc thù của địa phương. Những nhạc cụ của bluegrass có nhiều thứ phổ thông trong nhạc dân ca của người Mỹ vùng Appalachian như steel guitar, banjo, mandolin, fiddle… Tôi không xử dụng những nhạc cụ này, nhất là banjo là một loại đàn rất American mà tôi rất thích nhưng tôi nghĩ là khó học. Thêm nữa là cách hát với giọng twang của ca sĩ bluegrass đặc thù thì tôi cũng chịu thua. Bởi thế nên với loại nhạc này tôi chỉ dám “kính nhi viễn chi”. Cho đến hôm nay…

NT: Tôi đoán là đa số ca sĩ bluegrass xuất thân từ những vùng “country” nên cách phát âm của họ có nét đặc thù “twangy”. Nhưng thật ra, có nhiều ca sĩ hiện đại, vì không phải là dân bản xứ, nên họ phát âm rất “bình thường”, và có lẽ vì thế mà không thấy “cải lương” như bạn nói.

Khi tôi bàn bạc với bạn về nhạc bluegrass, tôi cũng không nghĩ là bạn sẽ đưa loại nhạc này vào KẻJazz một cách nhanh chóng như vậy. Chỉ một tuần sau, tôi nhận được hòa âm nháp của bài The Rose, là một bài nhạc tôi đã từng hát theo thể pop với màu sắc của gospel. Lần này, Nụ Hồng đã trở thành một loại hymn, một loại thánh ca, cho tình yêu, dù chỉ mang một hơi thở nhẹ của bluegrass, đủ để nối dài thêm tuần lễ Valentine.

LV: Tôi dùng tiếng fiddle làm nhạc dẫn để tạo nên không khí của bluegrass. Còn tạo nên tiếng banjo thì hơi mất thì giờ chút. May nhờ vào kho tàng “virtual instruments” vĩ đại trên mạng nên cuối cùng cũng moi ra được tiếng banjo để đánh cho thêm chút dáng vẻ bluegrass.

NT: Hy vọng trong tương lai, bạn bè của KẻJazz sẽ được thưởng thức thêm loại nhạc này qua những hòa âm mới lạ của bạn.