có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 1 09, 2020

Đêm Oakland. câu hỏi




Khi Đức và tôi chui vào chiếc xe cũ mèm của hắn, đêm sắp tàn. Thiện đứng dưới vòm cửa hình cung của khu chung cư, vẫy tay từ biệt. Chiều hôm qua, Thiện đi cùng Đức đến tìm tôi ở khách sạn. Mớ tóc dài quá vai của chàng trẻ tuổi này làm tôi hơi ớn. Nhưng cảm giác đó không ở lâu, Thiện lễ độ, hòa nhã, dễ thân cận. Và hơi mơ mộng, tôi nhận ra điều này sau đó. Chính là ở căn apartment của Thiện tôi đã nằm dài trên chiếc xô pha, đầu óc lang thang theo tiếng đàn giọng hát của người bạn mới quen vào lúc nửa đêm về sáng. Rồi bỗng dưng tôi chợt nhận ra những ý nghĩ vụn vặt, rời rạc lởn vởn trong đầu tưởng như không chút liên hệ gì với nhau thực ra có liên quan đến câu hỏi của Đức trước đó. Câu hỏi có vẻ như được đưa ra một cách tùy tiện theo giòng trôi của câu chuyện phía trên những ly bia sủi bọt và đĩa tiết canh màu đỏ bầm trong một quán ăn ở thành phố chúng tôi kéo đến tối hôm qua.

Đức và tôi gặp nhau nhiều lần ở một thành phố phía Nam, nơi không phải là chốn ngụ cư của cả hai. Tôi không chắc Đức đã từng ở một thành phố nào đủ lâu để có thể gọi là thị dân của nơi đó. Hắn sống một mình, không thực sự có trách nhiệm với ai, đi nhiều, và đi lúc nào cũng được. Chỉ riêng điều này cũng đủ làm tôi ganh tị quá đỗi. Đối lại, tôi lớn tuổi hơn Đức, đủ lớn để giết người và để bị người giết một cách hợp pháp trước khi Đức có cơ hội tham dự vào cái trò chơi lớn có tên gọi là chiến tranh. Ngoài ra, chỉ việc tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo nàn và đầy dẫy những vết tích của đạn bom cũng đủ làm hắn xốn xang. Ở phía trong bức tường cao của căn biệt thự sang trọng và được tách ra khỏi những nỗi hiểm nghèo đang xảy ra bên ngoài, người ta có quyền có những nhu cầu tinh thần vô cùng xa xỉ. Chẳng hạn như những suy nghĩ phức tạp của mình về chiến tranh mà Đức đã mô tả trong bài tập làm văn ở năm cuối cùng của bậc tiểu học. Hoặc người ta thực sự sống với, hoặc người ta suy tưởng về một điều gì đó.

Bất kể những khác biệt lớn về tuổi thơ và kinh nghiệm chiến tranh, tôi cho rằng Đức và tôi cùng thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên dưới. Thực ra, cái mảnh ván cứ kéo giật tôi về quá khứ có nhiều cơ hội thành công hơn. Có những điều nằm ở đó sẽ đeo đuổi tôi cho đến hết đời. Trong nhiều năm, tôi cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới. Những người ở lứa tuổi của Đức hoặc trẻ hơn, như những người bạn của hắn, luôn làm tôi ngạc nhiên về khả năng diễn tả những gì khác hơn phở, bún bò, và cơm tấm bằng tiếng Việt. Mãi về sau này khi nỗi ngạc nhiên qua đi, tôi cho rằng nếp nghĩ của mình có thể đã xuất phát từ nỗi sợ của người bị giật mất đi chiếc phao cuối cùng của lòng tự hào. Khi người ta không có nhiều thứ để bám vào, khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng mẹ đẻ trong một môi trường không thuận lợi có thể chứng minh được nhiều điều, kể cả việc biểu hiện một cách kín đáo, và trong cùng một lúc mong muốn người khác nhận ra, thẩm quyền về và lòng trung thành với chính cái quá khứ buồn tủi của mình. Về sau, khi tiếp xúc với nhóm bạn trẻ trung của Đức, tôi quả thực có chờ đợi ở họ cái khả năng diễn đạt những điều trừu tượng bằng tiếng Việt không chỉ trôi chảy mà còn uyên bác nữa. Cho nên tôi không hề ngạc nhiên khi nghe Thiện và Đức tranh cãi sôi nổi về những đề tài có dính líu đến một số phát kiến mới lạ trong cuốn sách vừa được xuất bản của một sử gia rất được giới trẻ quan tâm. Tất nhiên là bằng tiếng Việt. Và cũng không ngạc nhiên mảy may khi sau đó Thiện ôm đàn hát bản nhạc mới soạn của mình bằng tiếng Anh vào lúc nửa đêm về sáng trong căn apartment khá gọn gàng của hắn.

Đức, khi chiến tranh chấm dứt, đủ lớn để mang theo với mình tro than của quá khứ cho dù hắn còn quá trẻ để nâng niu chúng như là thứ tài sản duy nhất mà người ta có thể sở hữu. Có vẻ như mớ tro than này thỉnh thoảng lại bị ai đó hoặc điều gì đó khuấy động, bụi bặm ùn lên làm Đức sặc sụa. Không phải tình cờ mà hắn đã chọn cho tôi cuốn An Artist of the Floating World* khi chúng tôi ghé thăm tiệm sách ưa thích của hắn ở một góc phố nhỏ gần trung tâm thành phố San Francisco. Sau khi nghiền ngẫm một cách cực nhọc những điều chứa đựng trong đó với mớ tiếng Anh kém cỏi của mình, tôi đã cho rằng có ít nhất một vài điều đang và sẽ còn làm Đức bận tâm trong nhiều năm sắp tới. Tôi cũng cho rằng những mối bận tâm đó, nếu suy nghĩ của tôi không phải là vô căn cứ, đã từ lâu không còn làm phiền tôi nữa. Nếu phải tự mô tả mình và mối quan hệ với cuộc chiến tranh đã qua, tôi thường nghĩ đến một gã vừa thua cạn láng ở ván cờ cuối cùng, lúng túng không biết làm gì. Người thắng cuộc thì nhất định không chịu xóa bàn làm lại, có ngẩn ngơ đứng đó càu nhàu cũng chẳng ích gì. Thôi thì bỏ đi, tự an ủi mình dù sao thì cũng đã đánh xong ván cờ, cho dù một cách dở tệ. Lâu dần, cái ý nghĩ đánh-xong-ván-cờ trở thành một thứ thuốc an thần vô cùng công hiệu trong nhiều trường hợp. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp. Khi câu hỏi của Đức hướng về tôi được đẩy ra, trôi nổi lập lờ phía trên chiếc bàn đầy những vỏ bia và tàn thuốc lá, tôi tưởng như bắt gặp nỗi thiết tha trong ánh mắt của hắn. Vậy mà tôi đã lờ đi. Tôi không thích phải trả lời một câu hỏi như thế. Có khi đó cũng là câu hỏi của tôi. Mà tôi thì hỏi ai bây giờ. Tuy vậy, tôi vẫn nghĩ mình nợ Đức câu trả lời, có lẽ bởi vì không chỉ cái ánh mắt.

Khi chiếc xe quẹo vào con đường dẫn tới xa lộ, Đức mồi điếu thuốc đầu tiên của chuyến đi. Hắn sẽ hút liên tục suốt cuộc hành trình, và thỉnh thoảng sẽ ho khằng khặc. San Francisco khoảng ba mươi phút trước mặt, và nếu tôi muốn câu chuyện chấm dứt trước khi trời sáng, tôi nên bắt đầu từ bây giờ.

***

Chuyện ông Thiệp tự treo cổ lên xà nhà vào một buổi chiều mùa Hè thì cả làng đều biết, kể cả một đứa con nít như tôi. Vì sao ông ấy làm như vậy thì họa chăng chỉ có một vài người trong số ngưới lớn mới biết. Nhưng thằng Kình thì chắc là không biết. Nó không biết rất nhiều thứ, kể cả việc nói một câu cho ra hồn. Thằng Kình là con một của ông Thiệp, lớn hơn tôi chừng bảy, tám tuổi. Nếu tôi gọi một người nào khác trạc tuổi thằng Kình bằng thằng, mẹ tôi sẽ thẳng cánh quất vào mông tôi vài ba ngọn roi dâu đau điếng người cho chừa cái tật hỗn láo. Nhưng trong làng từ nhỏ chí lớn, kể cả mẹ tôi, chỉ gọi thằng Kình là thằng Kình hoặc nhiều lắm là thằng Kình khùng. Người ta nói nhà nó có máu điên, chính ông Thiệp cũng chẳng tỉnh táo gì mấy. Hôm đám ma, tôi cứ nhằm thằng Kình mà dòm trân trân. Nó mặc áo vải mùng, quấn khăn trắng, tay bưng bình nhang đi theo quan tài, mặt ngơ ngơ. Thỉnh thoảng cái môi trên dày mo của nó uốn éo táp lấy môi dưới lúc nào cũng nhễu nhão thứ nước miếng nhơn nhớt mà liếm qua liếm lại trông gớm chết. Con nít nhà quê đứa nào cũng dơ dáy bẩn thỉu, kể cả thằng lỏi tì mười tuổi là tôi, mà nhìn thằng Kình vào những lúc đó còn phải nổi da gà thì đủ biết. Đám ma nhà nghèo ở nhà quê chán ngấy, chẳng có gì đáng xem. Nếu không có thằng Kình, đám ma ông Thiệp chắc còn chán hơn nữa.

Thằng Kình không đi học. Có ai khùng mà đi học đâu! Nó đi làm mướn cho người trong làng. Mẹ nó cũng đi làm mướn. Bà đi kéo tơ thuê cho nhà Cửu Nhì. Đất làng tôi là đất biền, pha nhiều cát, không trồng lúa được. Người ta trồng dưa gang, trồng đậu phộng, trồng đậu xanh đậu đỏ, trồng bắp, trồng thuốc lá, và trồng dâu lấy lá cho tằm. Đất biền khô queo, trồng cái gì cũng phải tưới nước. Thằng Kình sức trai, người ta mướn nó gánh nước tưới mấy khoảnh hoa màu. Cả chủ lẫn người làm thuê múc nước từ cái “bàu” nhỏ vào đôi gầu to tướng bằng tre đan trét dầu “rái” rồi cong lưng gánh về khoảnh đất đang thiếu nước, chiếc đòn gánh oằn xuống bật lên nhịp nhàng theo nhịp bước, những giọt nước nhảy sóng sánh trên miệng gầu trước khi rơi xuống đất. Cứ như vậy từ sáng đến trưa, rồi từ trưa đến tối.

Chừng hai năm sau ngày ông Thiệp tự vẫn, làng xóm trở nên chộn rộn. Phe Mặt trận kéo về vào lúc chạng vạng, chụp nguyên ổ hội đồng xã từ đại diện, ủy viên tư pháp, cho đến hộ tịch, thư ký xỏ thành một xâu ở cột cờ. Tối hôm đó, Mặt trận lùa dân cả năm thôn về trụ sở xã làm mít tinh. Mặt trận điểm mặt từng tên trong cái xâu người đó, chửi bới một hồi lâu, xong cuối buổi họp thả hết sau khi bắt họ thề thốt không làm tay sai cho Mỹ Diệm nữa. Thiệt là hú hồn hú vía cho mấy ông đó. Ba hôm sau lính quận kéo lên đi rần rần ngoài đường, chó sủa ỏm tỏi, thỉnh thoảng có tiếng súng trường “ga răng” kêu cắc cù cắc cù. Rồi lính quận rút về Vĩnh Điện, Mặt trận lại kéo ra mít tinh. Ai làm gì thì làm, dân làng mỗi ngày tiếp tục vác cuốc hoặc quang gánh ra biền làm cỏ, tưới nước.

Thằng Kình bây giờ chỉ làm mướn cho mỗi nhà chú Tám Thơm. Chú bị bịnh gì không biết, người xanh như tàu lá, nằm thu lu trên chiếc chõng tre một tháng hết hai mươi tám ngày. Mỗi sáng sớm thím Tám vác hai chiếc cuốc đi trước, chị Hạnh gánh đôi gầu trong đó có miếng mo cau đựng cơm trộn bắp đỏ au và một nồi rau dền luộc theo sau. Chị Hạnh năm đó mười tám tuổi, học hết tiểu học ở nhà phụ với mẹ trồng dâu nuôi tằm. Ngang nhà bà Thiệp, thím Tám chậm lại, cất tiếng kêu Kình ơi, đi mi xong tiếp tục đi thẳng. Lần nào cũng vậy, thằng Kình lùi lũi đi ra, trên vai là cái đòn gánh cột đôi gầu nước cũ mèm cộng thêm chiếc cuốc to bản, hả miệng ú ớ gì đó với chị Hạnh, vẻ mặt hớn hở.

Ba tháng sau ngày Mặt trận về hốt hội đồng xã, dưới quận đưa mấy người ở nơi khác về lo việc hành chánh. Nghe nói là dân Phú Bông Phú Bài gì đó. Ban ngày họ làm việc ở trụ sở hội đồng, ngoài cổng có mấy anh dân vệ đứng gác. Có khi họ kéo nhau đi thăm dân cho biết sự tình, cũng có mấy anh dân vệ vác súng đi theo. Ban đêm họ kéo nhau về nhà riêng gần quận lỵ cho có an ninh. Lâu lâu Mặt trận về mít tinh la rầy dân làng sao lại để mấy thằng ở đâu đâu tới đây leo lên đầu lên cổ mình mà ngồi. La rầy xong Mặt trận bỏ đi mất biệt, có khi cả tháng. Trong khi đó thì ông ủy viên hộ tịch Hồ Luyện cứ hay lại nhà thím tám Thơm mà thăm dân. Người ta không biết ổng thăm ai, chú Tám hay thím Tám. Chừng thêm mấy tháng nữa sau khi chú Tám lên cơn ho đàm nghe rồn rột ba bữa rồi ngã ra chết thì người ta không biết ông ủy viên hộ tịch thăm thím Tám hay thăm chị Hạnh.

Vào một buổi sáng, thím Tám quảy đôi gầu trong đựng mo cơm lổn nhổn những lát khoai lang khô xắt mỏng và nồi rau lang luộc đi ngang nhà bà Thiệp, dừng lại cất tiếng Kình ơi, đi mi rồi lủi thủi đi tiếp. Thằng Kình từ trong sân nhà lùi lũi bước ra, vai lỉnh kỉnh những gàu những cuốc, bậm môi lặng thinh. Không có chịï Hạnh cho nó hả họng ú ớ một cách hớn hở. Chị Hạnh bị bịnh gì đó không ai biết. Có thể thím Tám Thơm biết. Mà không chừng ông ủy viên hộ tịch Hồ Luyện cũng biết. Ổng tới lui nhà thím Tám cả sáu bảy tháng nay mà. Ngày hôm sau thím Tám lại quảy đôi gầøu đi ngang nhà bà Thiệp, lên tiếng Kình ơi, đi mi rồi quày quả bước đi. Được một quãng, thím dừng lại. Thằng Kình không có phía sau. Thằng Kình không có trong sân. Thằng Kình không có trong nhà. Thím quay tới, quay lui. Thím ngồi bệt xuống hè đường bụi bặm phủ đầy lá tre khô, khóc thút thít.

Thằng Kình bỏ đi đâu mất tăm. Bịnh chị Hạnh xem chừng không thuyên giảm, chị nằm rịt trong nhà chẳng ai thấy mặt. Thím Tám mỗi sáng lủi thủi quảy gánh quảy cuốc đi ra biền một mình. Mùa Hè tôi không phải về tỉnh học, hàng ngày lang thang ngoài biền tìm bắt lũ dế than dế lửa háu đá ẩn dưới mấy đống cỏ ẩm ướt mang về giấu trong chiếc lon sữa bò ở góc vườn. Mẹ tôi mà bắt gặp thì chết đòn. Bà cứ lo tôi vướng mìn bẫy hay lọt hầm chông ở đâu đó. Một hôm tôi theo thằng bạn đi tuốt qua bãi Thanh Châu phía bên kia sông kiếm dế lửa, chạng vạng mới về. Trong bụng cứ lo ngay ngáy sẽ ăn đòn roi dâu đau quắn đít thì may đâu Mặt trận lại kéo về. Thế nào mẹ tôi cũng bận đi mít tinh, không rảnh mà cho tôi ăn đòn. Quả nhiên là như vậy. Tiếng loa kẽm vang vang mời nhân dân đi dự buổi xử tội tên ác ôn tay sai Mỹ Diệm Hồ Luyện. Rõ ràng là ổng mắc đi thăm chị Hạnh nên không chạy theo kịp mấy người kia. Tôi mừng thiếu điều muốn nhảy dựng lên. Tôi ghét cái ông Hồ Luyện này. Mẹ tôi cũng ghét ổng. Bà cứ than thở với bà nội sao ở đời có hạng bất nhơn cứ nhằm đàn bà con gái côi cút mà hiếp đáp.

Tôi chen lấn một hồi thì lên tới gần sát dãy ghế dành cho mấy ông trong Mặt trận ngồi. Một anh du kích mang súng đi tới đi lui hò hét nạt nộ lũ trẻ đang xô đẩy nhau giành giật chỗ ngồi mà coi bộ chẳng ăn thua gì. Một hồi thì phiên xử khai mạc. Lũ con nít chúng tôi cũng theo người lớn đứng dậy chào cờ xanh đỏ có thêm cái hình ông chủ tịch Mặt trận ở chính giữa. Vụ chào cờ này chúng tôi quen rồi. Màu xanh màu đỏ màu vàng, màu nào trông cũng vui mắt. Còn hình mấy ông lớn, so với đám dân làng người nào người nấy đen thủi đen thui, ông nào cũng như ông nấy, đẹp đẽ, oai nghiêm chẳng khác gì vua chúa ngày xưa. Một ông trong Mặt trận lên nói cái gì lâu quá làm tôi buồn ngủ, chúi mặt vào tấm lưng khét nắng của thằng phía trước mà lim dim. Tôi chỉ tỉnh táo trở lại khi tên của ông Hồ Luyện được nhắc tới. Cái ông nói nhiều đó là công tố viên tòa án nhân dân. Ông đang kể tội Hồ Luyện. Thôi thì đủ thứ chuyện, chuyện nào cũng có thể đưa ông Hồ Luyện về chín suối. Cuối cùng ông công tố viên cho rằng lấy ba cái mạng của tên ác ôn Hồ Luyện cũng chưa đủ đền bù món nợ máu mà hắn đã gây ra với nhân dân. Mà sao kỳ quá, cái tên ác ôn Hồ Luyện ở đâu không thấy. Thường thì tội nhân bị trói ké ngồi ở một góc, mặt mày xụi lơ chờ nghe tuyên án. Mấy thằng nhóc dòm nhau xì xào sao không thấy Hồ Luyện. Người lớn cũng xì xào sao không thấy Hồ Luyện. Ông chánh án, cũng người Mặt trận, đứng lên tuyên bố lý do tại sao Hồ Luyện lại vắng mặt trong phiên tòa hôm nay. Thì ra là tên ác ôn tay sai Mỹ Diệm bán nước Hồ Luyện hèn nhát không dám đối diện nhân dân, tìm cách chạy trốn bị Mặt trận bắn chết tươi hồi chập tối. Ông chánh án nói anh chiến sĩ đã trừng phạt Hồ Luyện là con em của nhân dân địa phương. Ông quay lại kêu lớn mời đồng chí Kình ra trình diện nhân dân. Đồng chí Kình? Tôi ngờ ngợ. Đúng là thằng Kình chớ còn ai vô đây. Thằng Kình mặc bộ bà ba đen giống mấy ông Mặt trận, choàng miếng vải dầu màu nâu, đội chiếc nón cối bằng tre đan bọc vải dầu cùng màu, vai mang khẩu súng trường Đông Dương dài thườn thượt có cái lưỡi lê cạnh khế gấp lại. Nó đi thẳng đờ như người lên xác đồng, mắt nhìn thẳng về phía trước, dừng lại ở chỗ bậc tam cấp của trụ sở xã. Ánh đèn “măng xông” sáng rực rọi vào cái môi trên dày mo đang bám chặt lấy môi dưới như thể miệng nó đang giữ một con chàng hiu nghịch ngợm cứ đòi nhảy ra. Bỗng nhiên thằng Kình đưa nắm tay trái lên, miệng hô lớn đả đảo bọn ác ôn tay sai Mỹ Diệm bán nước. Trời đất ơi, thằng Kình không những đi Mặt trận làm đồng chí mà còn biết hô khẩu hiệu nữa. Chắc mấy người lớn cũng bị bất ngờ như tôi nên chẳng ai hô theo, ngoại trừ mấy ông trong Mặt trận. Thằng Kình lại hô, hoan hô Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam. Lần này lũ con nít chúng tôi hưởng ứng nồng nhiệt. Mấy khi được nghe thằng Kình hô khẩu hiệu! Thằng Kình tiếp tục hô thêm mấy câu hoan hô đả đảo nữa rồi đứng ì ra đó. Ông công tố viên tòa án nhân dân đứng lên đưa thằng Kình vào phía trong. Ở ngoài sân, lũ con nít chúng tôi ồn ào như cái chợ, đứa nào cũng giành có quen biết với thằng Kình. Tôi thì phục lăn Mặt trận, khùng như thằng Kình mà theo mấy ổng có mấy tháng là đã biết hô khẩu hiệu.

Đêm về, tôi ngủ một giấc đã đời, tới trưa trờ trưa trật mới dậy. Mới thò chiếc đầu ướt mem từ ngoài sàn nước vào cửa nhà bếp, đã thấy mẹ tôi mặt hầm hầm, một tay cầm roi dâu, tay kia chiếc lon sữa bò. Nhất định là tại mấy con dế quái quỉ cứ gáy rân lên làm cho bà tức mình. Tôi quay lưng phóng ra sau hè, cắm đầu chạy, tai văng vẳng tiếng kêu réo từ phía sau. Lách mình qua khoảng trống của chiếc hàng rào keo, tôi lọt vào khu vườn của thím Tám Thơm. Tôi thở khì, vậy là tạm thời thoát nạn. Đi men theo hông nhà thím Tám, tôi tính đi về nhà cậu tôi ở làng Định An kế bên lánh nạn, chiều tối hãy tính. Có tiếng người xì xầm phía sau chiếc vách bằng phên tre vọng ra làm tôi hoảng hồn. Giờ này thím Tám đang ở ngoài biền, ông Hồ Luyện thì đã chết nhăn răng, không lẽ chị Hạnh nói chuyện với ma? Tôi nhìn qua lỗ thủng của tấm vách phên, và thấy cái lưng to bè của thằng Kình. Thằng Kình trần truồng, lưng và mông loang lổ những ghẻ là ghẻ, đang nhấp nhổm trên mình chị Hạnh, miệng nói như đọc kinh. Chị Hạnh nằm ngửa, hai mắt nhắm riết, cái bụng lum lúp phồng lên tròn vo rồi xẹp xuống mỗi khi tấm thân ô dề của thằng Kình đè lên. Thì ra họ đang làm chuyện vợ chồng, thấy gớm chết! Nhất là thằng Kình, cái miệng vêu ra, nhớt dãi ứa xuống lòng thòng, chiếc môi trên dày mo không ngớt uốn éo. Tiếng thằng Kình lẫn trong tiếng thở hổn hển làm tôi phải chú ý lắm mới nghe rõ. Nó cứ lập đi lập lại mấy câu hô hoán chẳng ăn nhập gì với chuyện nó đang làm, còn chị Hạnh thì mắt nhắm riết không nói không rằng. Tôi phát chán, phần thì cái bao tử trống rỗng cứ sôi lên ồn ột, rón rén lẩn ra phía cổng, ù té chạy một mạch đến nhà ông cậu.

Chị Sáu con cậu tôi đưa tôi về nhà vào lúc tối mịt. Phe Mặt trận đang lục tục rút đi. Thằng Kình cũng ở trong số đó, mặt mày ngơ ngáo, vẻ oai phong đêm hôm trước biến đâu mất. Ngày mai làng tôi sẽ lại đổi chủ. Lần này có lính dưới tỉnh lên. Có cả bà vợ của ông Hồ Luyện, đi theo để nhận xác chồng. Lúc đi ngang nhà thím Tám, bà nhào đại vào trong sân, lăn lộn dưới đất, la khóc, chửi rủa con đĩ chó giết chồng tau. Thím Tám và chị Hạnh ở phía sau mấy tấm phên mỏng mảnh, im thin thít. Lũ con nít chúng tôi xúm lại coi như coi hát xiệc. Những người lính lần này ở lại trong làng và vùng phụ cận cả tháng, riết rồi tôi quen mặt gần hết. Mùa Hè trôi qua tương đối êm ả, khi nào mấy người lính còn ở đây thì đại bác dưới quận chỉ câu vào vùng núi phía bên kia sông Cái mà thôi. Buổi chiều tôi hay đi ra chỗ vọng gác của mấy anh lính nghe họ nói chuyện trên trời dưới đất. Tôi cũng không chịu thua, kể họ nghe những chuyện động trời trong làng. Như chuyện ông Thiệp lấy dây dừa cột vào cổ treo mình lên đòn dông chết ngắc. Như chuyện thằng con ổng khùng hết chỗ nói, theo Mặt trận hết khùng. Họ nghe xong cười lăn, hỏi tôi sao không theo Mặt trận luôn thể. Tôi giận, nói bộ mấy anh nói tui khùng hả.

Những ngày cuối mùa Hè buồn thiu. Những con dế than dế kim dế lửa biến đi đâu mất. Ngay cả những con cá lia thia với cái đuôi sặc sỡ cũng chui vào mấy bờ mương mất tăm. Vài ngày nữa tôi sẽ về lại tỉnh lỵ, ăn cơm nhà trọ cùng với đám bạn học phá như quỷ. Buổi tối có trăng non. Tôi lén mẹ chạy ra vọng gác bìa làng ngồi ỉu xìu bên anh lính gác, lúc này cũng ỉu xìu không kém gì tôi. Chắc anh đang nhớ nhà. Có tiếng gió xào xạc trên những hàng tre từ ngoài cầu ván đưa vào. Tôi dựa người vào chiếc vách làm bằng nẹp tre nhám nhúa thiu thiu ngủ. Rồi ngủ luôn. Nửa đêm, có tiếng quát tháo làm tôi giật mình thức giấc. Rồi tiếng súng trường nổ đinh tai. Anh lính gác vừa bắn trúng một vật gì đó phía bên ngoài hàng rào ấp chiến lược. Trong làng, tiếng mõ tre lốc cốc, tiếng thùng thiếc lèng xèng, tiếng chó sủa ông ổng nổi lên, mới đầu còn rời rạc, dần dần râm ran như có bầy châu chấu cào cào bay ngang. Theo lịnh của quận, dân làng phải khua chuông gõ mõ mỗi khi có động dạng. Tôi theo anh lính gác len qua cái hàng rào làm bằng những ống tre vạt nhọn, chạy đến chỗ cái đống thù lù đang lăn lộn dưới đất. Dưới ánh trăng non lợt lạt, tôi nhận ra thằng Kình. Máu loang ướt đẫm khoảng giữa ngực và bụng nó, sóng sánh dưới ánh trăng. Tôi la lên Kình ơi rồi nhào xuống bên nó. Chiếc môi trên dày mo của thằng Kình uốn éo không ngừng, nhớt dãi lẫn với máu làm cái miệng méo mó của nó bóng nhẫy. Mắt đờ đẫn hướng lên mảnh trăng lưỡi liềm ngang đầu, thằng Kình cứ lảm nhảm những lời nói chẳng ăn nhập gì với tình huống của mình. Đây là lần thứ ba tôi nghe nó gióng lên những câu này. Lần trước đây khi nó trần truồng phơi chiếc mông ghẻ lở làm chuyện vợ chồng với chị Hạnh, và lần đầu tiên trong buổi mít tinh xử tội ông Hồ Luyện. Khi thằng Kình dẫy lên hai cái rồi nằm im, tôi ngẩng đầu lên hỏi anh lính, tui đã nói thằng Kình nó khùng mà anh bắn nó chi rứa. Anh lính làm thinh bỏ đi, khẩu súng trên vai cứng đờ như khúc củi khô. Đêm đó, có tiếng khóc tỉ tê dai dẳng trong nhà bà Thiệp và tiếng khóc oe oe trong nhà thím Tám Thơm. Chị Hạnh sinh con so. Con trai, cái mũi to bè giống ông Hồ Luyện như đúc.

***

Vào năm mười hai tuổi, người ta thường quá bận rộn để gán cho những điều họ chứng kiến một hay nhiều ý nghĩa nào đó. Câu chuyện thằng Kình trôi tuột vào ký ức sau hai tuần lễ đầu tiên của niên học mới ở trường tỉnh lỵ. Vào năm hai mươi tuổi, người ta tiếp tục quá bận rộn để ưu tư về điều đã trở thành một bộ phận của quá khứ nhiều năm trước đó. Nhất là khi mỗi ngày qua người ta phải đối diện với những điêu linh còn lớn hơn cả những điều họ đã từng kinh qua. Mãi về sau này, khi cuộc chiến tranh đã kết thúc khá lâu và những thương tích do nó gây ra đã trở nên có thể chịu đựng được, tôi mới đôi khi nhớ đến thằng Kình. Nhất là khi nghe gióng lên ở đâu đó, bên này hay bên kia bán cầu, những tiếng hô hào tương tự những câu tôi đã nghe từ miệng nó ở ba khung cảnh khác nhau. Khi Đức hỏi tôi điều gì khiến người ta chọn đứng phía bên này hay bên kia chiến tuyến, tôi lại nghĩ đến thằng Kình. Tôi nghĩ mình nên chia sẻ với Đức câu chuyện chắp vá và đầy dẫy những nghi vấn này, biết đâu hắn sẽ tìm thấy câu trả lời mà chính tôi cũng muốn biết. Tôi không phải là người biết kể chuyện một cách trơn tru, và câu chuyện tự nó cũng không trôi chảy. Hơn nữa, những điều chứa đựng trong đó may lắm cũng chỉ nói lên được một phần vô cùng nhỏ của cái toàn thể, như vệt sơn mờ đục chìm khuất trong lớp sắc màu làm nên bức tranh bể dâu của một thời đã quay lưng nhưng còn chưa khuất mắt. Có lần tôi tưởng mình có thể tìm được một đầu mối nào đó trong chuyện thằng Kình khi được nghe về điều có liên quan đến cái chết của cha nó. Nhiều năm trước khi đút đầu vào chiếc thòng lọng kết bằng sợi dây xơ dừa sần sùi, ông Thiệp đã đưa ít nhất hai người khác vào chỗ chết. Người chú họ của ông và đứa con trai đầu bị lôi ra khỏi nơi ẩn nấp bởi phe Việt Minh, đưa về tập trung ở Châu Mưu phía bên kia sông Cái và bắn bỏ cùng với những đồng chí của họ thuộc đảng Quốc Dân. Đó là cái giá trả cho sự an toàn của bản thân ông Thiệp. Khám phá này có thể giúp tôi đoán già đoán non về cái chết do lựa chọn của ông ấy, nhưng rõ ràng không giúp ích gì trong việc giải thích mối quan hệ kỳ lạ của thằng Kình với chị Hạnh và với những câu khẩu hiệu nó đã gióng lên. Tuy vậy, tôi có nhiều lý do để tin rằng thằng Kình đã không hề biết đến ý nghĩa thực sự của những câu hoan hô đả đảo phát ra từ cái miệng méo mó, bóng nhẫy những nhớt dãi của mình.

Trong xe ngập ngụa khói thuốc. Đức vẫn tiếp tục giữ im lặng. Tôi không biết Đức đang nghĩ gì, nhưng tôi biết chắc hắn đã lắng nghe hết câu chuyện. Tự dưng tôi cảm thấy bứt rứt. Tôi đã, trong một chừng mực nào đó, cố gắng trả lời câu hỏi của Đức bằng cách nói về một điều mà chính mình cũng không chắc nắm bắt được ý nghĩa thực sự của nó, và trong cùng một lúc mong hắn sẽ hiểu tường tận. Tôi biết mình không thực sự yên tâm, chính vào lúc này. Không phải tình cờ mà Đức đã đề nghị cuốn An Artist of the Floating World* khi tôi cùng hắn ghé vào một tiệm sách mà hắn có vẻ rất quen thuộc. Cái chi tiết mà tôi nghĩ là đã không đóng góp gì cho câu chuyện tôi vừa kể đang làm hắn bận tâm cũng không chừng. Cái chết do lựa chọn của ông Thiệp mười ba năm sau cuộc thanh toán đẫm máu ở Châu Mưu có khắc nghiệt quá so với nỗi bình yên họa sĩ Masuji Ono* cuối cùng tìm thấy trong nụ cười rạng rỡ của những người trẻ tuổi đang tíu tít ở tiền đường tòa cao ốc mới xây bên trên khối hoang tàn đổ nát của xóm yên hoa năm nào — cái “Thế Giới Phù Du” ở đó Ono và những người bạn của ông đã quyết định sẽ mang hết tâm huyết và khả năng nghệ thuật của mình để xiển dương giấc mơ Đại Đông Á — hay không? Và trên hết, điều gì đã khiến Đức và những người bạn của hắn không chịu quay lưng lại với cái quá khứ buồn thảm mà bọn người lớn chúng tôi cứ giữ rịt lấy như một bộ phận bất khả phân của phần đời còn lại. Tại sao tôi chưa từng đặt ra cho chính mình những câu hỏi này khi bắt gặp những người tuổi trẻ dắt tay nhau đi vào quán ăn trong khu phố Việt Nam đông đúc ở xứ người, ở đó họ sẽ gọi phở hay bún bò và trao đổi với nhau những câu nói mà cấu trúc có khi bao gồm những từ ngữ không chỉ thuộc về tiếng mẹ đẻ? Vì họ đã xem những cuốn phim về chiến tranh Việt Nam do những đạo diễn ngoại quốc tăm tiếng thực hiện với những diễn viên nói tiếng Tàu và được dàn dựng ở Mã Lai hay Miến Điện? Vì họ đã đọc những trang sử của những sử gia cũng tăm tiếng không kém và được viết ra ở mười ngàn dặm phía sau những trận địa ở đó tôi và bạn bè đã để lại những xương cùng máu? Phải chăng chính nỗi sợ hãi phải đối diện với cách nhìn của những người trẻ tuổi về mình qua cái lăng kính làm nên bởi những điều nói trên làm tôi tránh né họ? Tôi nghĩ đến nỗi trơ trọi của Đức và những người bạn của hắn trong cuộc hành trình tìm kiếm một ý nghĩa cho cái giá quá đắt đỏ không chỉ riêng tôi và những người bạn của tôi mà cả Đức và những người bạn của hắn phải trả cho những điều đã xảy ra nhiều năm về trước. Có khi tôi nợ hắn không chỉ một câu trả lời cho cái vấn nạn đã lởn vởn phía trên những ly bia sủi bọt và đĩa tiết canh màu đỏ bầm trong ngôi quán ở cái thành phố chúng tôi kéo đến tối hôm qua.

Đức nghiêng đầu mồi lửa cho điếu thuốc cuối cùng của cuộc hành trình. Tôi hạ một phần kính xe. Những sợi khói thuốc bay ngang qua mặt tôi và tan biến vào khối không khí lạnh và ẩm bên ngoài. Xe đang tiến lên cầu Bay Bridge. Đêm và Oakland đã ở phía sau, bây giờ.

*Kazuo Ishiguro, An Artist of the Floating World (New York: Vintage International, 1986), 206 pps.


Phùng Nguyễn
tháng hai 2000