Mãi đến sinh nhật 24, nhờ tiền lương đi làm dành dụm cắc ca cắc củm tôi mới có thể tự tặng cho mình một cây piano 300.000 đồng, thời giá thập niên một ngàn chín trăm bảy mươi, mua lại của một ông Hoa kiều Chợ Lớn làm nghề lên dây đàn kiêm nhiệm mối lái bán chác các loại nhạc cụ cũ.
Đó là một cây Moutrie già khú đế răng cỏ vàng khè sệu sạo, thùng đàn dộp xốp vì mối mọt, được sản xuất ở Anh có lẽ từ năm 1849 – tức hơn một thế kỷ trước khi tôi ra đời; hoặc có căn cước Shanghai từ năm 1870 khi các thương nhân người Anh bắt đầu kinh doanh sản xuất piano ở một nhà xưởng nằm trên đường Boashan quận Zhabei, sau đó trôi dạt vào Việt Nam qua đường nào không biết để cuối cùng ngự chình ình trong một cái kho mốc sì tối thui nằm ké né ven kênh Tàu Hủ.
Má tôi sảng hồn kêu thất thanh:
– Nhà đang xài than, sắp chuyển qua lò dầu hôi; đem cái đồ quỷ này về để đáo lại thời kỳ nấu củi? Nhà phố chớ đâu phải nhà vườn nhà thôn mà có chỗ bửa củi, phơi củi hay chụm củi ướt để hun khói đuổi muỗi!
Tôi im re chịu trận, bụng hả hê. Coi như chấm dứt những ngày năn nỉ cha Khấn ở giáo xứ Phát Diệm xin mượn đàn nhà thờ hoặc lê la thuê piano theo giờ của các ma-sơ dòng Mến Thánh Giá, vừa tập vừa mót từng phút không cho lãng phí một xu. Sự nghiệp âm nhạc nhiều năm vất vả, giờ sướng rồi. Đi loanh quanh các tiệm bán đồ lưu niệm, mừng húm gặp tượng bán thân Beethoven bằng thạch cao giá 150 đồng, hí hửng mang về đặt lên một góc đàn, chỉnh nghiêng nghiêng cho có vẻ nghệ thuật, cảm giác như căn nhà nhỏ bỗng thêm hồn vía. Má tôi ngó qua ngó lại một hồi rồi hỏi:
– Thờ bà nào đầu cổ tóc tai chôm bôm vậy?
– Úi má ơi, nhà soạn nhạc Beethoven.
– Bích-Thu-Vân? Tên đẹp he!
Sau đó thì có một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai mẹ con. Cứ đi ngang cây đàn má tôi lại ghé qua chỉnh ngay ngắn cho người đẹp Bích-Thu-Vân nhìn trực diện, còn tôi thừa lúc không có mặt bà bèn len lén bẻ trái cho “nàng” liếc xeo xéo người đang ngồi đàn. Ánh mắt thạch cao trắng dã đôi lúc có làm chùn tay ở những trường đoạn cần chạy tía lia hoặc các đoản khúc phải hết sức bình sinh dồn đập sao cho ra bão tố. Cũng may, trụ chưa đầy năm trên góc đàn thì người đẹp té bể thủ cấp, chấn thương sọ não, do tôi bất cẩn trong khi phủi bụi bằng chổi lông gà. Kết thúc chiến tranh lạnh.
Có cây đàn của riêng mình, tôi “lên tay” thấy rõ. Chẳng những thế, Moutrie về sau bị tôi đành đoạn bán tháo bán đổ lại cho lão Huê kiều ở kênh Tàu Hủ, bù thêm tiền đổi lấy một cây Pleyel của Pháp để nâng cấp. Em này có giọng hơi bén do tuổi đời ít tâm sự trầm buồn hơn em kia, răng cỏ đều đặn tuy cũng đóng bợn vàng khè. Y như lần trước, tôi phấn chấn tự nhủ đời mình ngày càng lên hương. Từ từ. Từ từ mình sẽ rước một em ra gì để gắn bó lâu dài. Từ xe đạp mini đã lần lượt leo lên một chiếc 650, tiếp đến Chaly, Suzuki rồi Custom 50. Với piano cũng sẽ như thế. Tôi thích những mối quan hệ bền bỉ với các vật dụng hàng ngày: cục gôm đã mòn nhẵn teo nhỏ, túi xách sờn da, bình trà mẻ vòi, cây bút nguyên tử hết mực, thậm chí cái khăn lông chẳng còn mấy tí lông. Tuy nhiên thỉnh thoảng cũng phải chia tay ba cái đồ tế nhuyễn xập xình xập xệ để tiến lên ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tiện nghi vật chất và phụ kiện đính kèm khiến người ta có cảm tưởng mình sống bớt hèn đi. Khi Moutrie ra đi tôi đã đau đớn nức nở từ giã tình đầu, đón Pleyel về phải mất vài tuần lạnh lùng mới mon men kết thân bằng dăm mảnh Sonatine mềm mềm nhũn nhũn. Quái lạ tự hỏi vì sao mình không có những tình cảm trìu mến như thế với đồng loại; có lẽ vì chưa ca nào dây dưa đủ lâu đến phải sứt quai gẫy gọng để nhân đó mà gắn bó.
Ban đầu chỉ lai rai vài học trò do bạn bè người quen giới thiệu, sau dưng không náo nhiệt hẳn lên khiến tôi quyết định nghỉ quách công việc hành chính để chỉ thuần dạy đàn ở nhà. Pleyel dần dà bị bóc lột như nô lệ, lao động 8 giờ/ngày hoặc hơn, trở thành cần câu cơm cho cả nhà năm miệng ăn. Má tôi làm thinh ẩn nhẫn, nếu không nói như nhiên, vì rõ ràng chúng tôi đã bớt co kéo, thậm chí còn thịnh soạn vào những dịp lễ lạt.
Thỉnh thoảng tôi vẫn ghé vào phòng đàn của đại học Vạn Hạnh để gõ từng tưng trên cây Steinway; em này ngay từ lần hạnh ngộ đầu tiên đã làm tôi thèm chảy nước miếng, chính xác là hôm ghi danh vào học khoa báo chí rồi tình cờ khám phá ra căn phòng kín mít nhưng mênh mông nằm cuối hành lang tầng trệt. Chính ở cái phòng đó tôi gặp người đàn ông sẽ trở thành chồng tôi sau này. Y hay lẻn vào ngồi nghe nhạc miễn phí ở dãy băng ghế kê sát tường ngay sau lưng người ngồi đàn, cùng với một ông thầy chùa mặc cà-sa đàng hoàng. Sau tôi vỡ lẽ ra họ không ăn nhậu gì nhau, chỉ là đời và đạo tình cờ trùng phùng thôi, do cả hai thích cùng một thứ có trộn lộn cả đạo và đời, đó là âm nhạc.
Chắc y lấy tôi rồi chấp nhận ở rể vì …nhạc thính phòng. Những hôm thưa giờ dạy, dương-cầm-thủ say sưa vọc phím liên tục hai ba giờ liền, có đức phu quân nằm dựa ngửa trên ghế bố gần đấy thâm trầm thưởng thức. Nhìn toàn cảnh phải nói là đẹp và độc; tuy nhiên một khi đã ngồi vào đàn, tôi mê man tàng tịch không còn biết trời trăng, chẳng đếm xỉa chi đến sự hiện diện của bất cứ ai. Sau nhiều trận đàn như thế y nghìm nghĩm không nói gì trong dăm ba ngày như thể dư âm còn đọng đâu đó khiến y ngây ngất chiêm nghiệm. Tôi đã lãng mạn tự nhủ, chà chà, mình lấy trúng một tay nội tâm hun hút. Đâu có! Y ghen. Âm thầm và ngùn ngụt. Một hôm Pleyel đã bị y dùng búa chẻ ra tan tành. Má tôi ứ hự nói, bây giờ nhà xài lò điện với lò dầu rồi, bây xử sao đống củi đó thì xử.
Xui xẻo là tôi vừa phát giác mình có bầu, không thôi thì cũng một mất một còn. Hoặc mất hết cả hai càng tốt. Nhưng mất hết cả ba thì tôi không đủ gan, dù cảm thấy máu sát nhân luôn khi róc rách âm ỉ trong người.
Đôi lúc tôi lẩn thẩn tự hỏi, nếu lấy cha thầy chùa yêu nhạc thính phòng làm chồng, liệu hoàn cảnh có ra nông nỗi? Nhưng cà-sa đâu có cầu hôn. Mà có đi chăng nữa thì mấy mẹ con rồi ra sẽ biến thành ni cô chú tiểu, trụ trì ở chùa để ăn cơm chùa, trong khi đó Bích-Thu-Vân khó bề thoát tục để cùng núp bóng Bồ Đề nương thân cửa Phật.
Không lâu sau tôi báo thù bằng cách rinh cặp nhẫn cưới ra gạ bán cho tiệm kim hoàn gần cổng xe lửa số 10; một chiếc nhận hột 4 ly rưỡi, một chiếc nạm 7 hột be bé. Bỗng nhận ra ý nghĩa vô cùng của cuộc hôn nhân: chiến lợi phẩm này giúp tôi nhanh chóng tậu được một em Yamaha nõn nà chỉ mới qua tay một đời chủ, có cả hóa đơn gốc của chính hãng bên Nhật. Lần này không phải rước dâu từ kênh Tàu Hủ mà từ một ngôi nhà khang trang trên đường Phan Thanh Giản. Tuy đã mất trinh, em rất đoan trang. Bè trầm không hàm hồ ồn ào, bè trung thánh thót vừa phải, bè cao tíu tít nhưng không líu ríu nhòa. Trong tháng đầu mang thai tôi siêng năng gõ tới gõ lui các bài tập vỡ lòng trong quyển Méthode Rose. Tuy không biết gì về âm nhạc má tôi nhăn nhó:
– Gì mà đàn xuôi đàn ngược có bây nhiêu đó, nghe muốn thúi lỗ tai!
Tôi cười tít mắt chỉ tay vô cái bụng chửa:
– Thằng nhỏ này phải nghe cho nhừ để khi bắt đầu học đàn sẽ đi thẳng lên nhạc cổ điển của người đẹp Bích-Thu-Vân, không qua giai đoạn chập chững.
OOOOO
Bụng bầu chưa kịp hum húp, rầm một cái chúng tôi được giải phóng khỏi những thứ mình đang có: tiền bạc bẩn thỉu của chế độ cũ, nhà cao cửa rộng bóc lột của nhân dân, những tác phẩm văn học nghệ thuật đồi trụy sặc mùi tư bản, nhạc vàng ủy mị rên rỉ niềm đau trai gái, chương trình giáo dục xuyên tạc đỉnh cao trí tuệ của chủ nghĩa Cộng Sản, lịch sử Việt Nam qua cái nhìn sai lệch từ thế giới bên ngoài, những giá trị đạo đức bị bóp méo cho đồng dạng với chủ nghĩa cá nhân…Yamaha nín khe trong cơn chính biến.
Tôi vượt cạn ở khoa sản bệnh viện Hùng Vương.
Đúng là cạn.
Tính đến ngày tôi nằm đó bệnh viện đã trải qua 8 tháng tiếp quản với một tập thể đông đảo bác sĩ y tá từ miền Bắc. Tác phẩm non sèo ra đời ngày 17 tháng 12 không phải một thằng cu vạm vỡ như mong đợi, trái lại, một đứa con gái nhỏ xíu nặng 2kg500, èo uột quặt quẹo vì ỉa chảy, được nuôi trong phòng dưỡng nhi bằng sữa đặc có đường trong khi mẹ nó thiêm thiếp vì sốt nhiễm trùng, sót nhau, băng huyết, bị cách ly không thể cho con bú. Má tôi vào thăm cháu ngoại xong mò vào phòng sản phụ, sụt sùi kể: tội lắm con ơi, sữa dính rít chịt, kiến bu đỏ quanh cần cổ, cái đầu tóp rọp bằng trái chanh, giờ cân lại dám chỉ còn xỉu xỉu 2 ký yếu, nằm một mình ngo ngoe khóc ngằn ngặt chắc sắp đứt hơi tới nơi… Rồi nghẹn ngào nói thêm: …chỉ còn nước kiếm chỗ mang đi chôn thôi.
Nghe xong tôi tốc mền ngồi dậy. Huyết đông, y hệt tiết canh gia cầm, trào ra nghe hực một cái như được thông cống. Bác sĩ phụ trách yêu cầu sản phụ nếu muốn xuất viện phải tự viết đơn, ghi rõ “tôi tên…kể từ ngày…giờ…sau khi xuất viện tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe cũng như sinh mệnh của mẹ lẫn con”. Trách nhiệm thì trách nhiệm. Sợ gì. Chấp. Tôi bê con mèo ướt, đúng ra là một nhúm xương da bùng nhùng, về úm sát rạt vào ngực, thiếu điều muốn ém trở vô tử cung cho tiện việc sổ sách, rồi hì hục nhét vú lép của mình vào cái lỗ miệng nhỏ xíu đang tu oa tu oa bằng tất cả sức mỏn còn lại. Má tôi mỗi ngày tất tả ngược xuôi đi chợ mua giò heo về hầm với đu đủ bắt con gái ăn cho có sữa. Kỳ diệu là số lần đi cầu của bé trong ngày đã vẻ vang giảm từ 40 lần xuống 35, 20 rồi 15 chỉ sau hai tuần lễ. Tôi miên man đếm ngược. Màu phân từ xam xám pha xanh như cứt vịt đã chuyển sang vàng nâu rồi vàng kem như nhân bánh choux. Bà mẹ trẻ tươm cứng sữa, có hôm nhức cả ngực. Trong thời gian này phương-tiện-kỹ-thuật-sản-xuất-trẻ-em biệt tích; y đã tẩu thoát về miền Trung. Thời cuộc thay đổi khiến y không còn công ăn việc làm ở thành phố nữa, phải về xứ biển hợp tác kinh doanh nước mắm với gia đình.
Con bé được đặt tên Tưởng An, tục danh Tưởng Tiêu, bí danh Tiutiu. Hai mẹ con tưởng an mà không an, tưởng tiêu mà không tiêu. Éo le và thần kỳ. Tiutiu sổ sữa vài tháng thì tôi dạy đàn lại. Nó nằm trong xe nôi đặt gần đấy, đúng vị trí cái ghế bố của thằng cha ba chớp ba nháng cưới nhằm ảnh ảo. Lim dim êm re, ít khóc bậy. Nhạc thính phòng lần này có tác dụng dỗ trẻ.
Tưởng an? Sai lầm!
Nghèo mạt toàn dân; cũng như mọi người, tôi phải giật gấu vá vai. Hoc trò lưa thưa. Đa số đã vượt biển cùng gia đình, số còn lại đói le lưỡi, thần hồn thần xác đâu nữa mà từng tưng. Lâu lâu má tôi lắt một chiếc nút hổ phách bịt vàng từ cái áo nho thâm của người bạn đời – vàng son lả tả còn sót lại từ thời ông già tại vị với chức danh địa chủ ác ôn – chụp cái nón lá lên đầu rồi quày quả đi bộ ra chợ Ga. Cả gia đình năm người, thêm hài nhi ấu chúa nữa là sáu, lây lất đến cái nút cuối cùng thì tôi quyết định bồng con về Trung, nơi mà…dẫu gì thì cũng …an, với lại cũng còn nước mắm mà húp. Hoặc tệ lắm, kho quẹt.
Tưởng an? Đâu có!
Toàn là gió cát, với bản mặt chừ bự của gã lực điền đã từng lẻn vào phòng đàn đại học Vạn Hạnh để thưởng thức nhạc cổ điển liên tu hồ tận 6 tháng trời trước khi cầu hôn dương-cầm-thủ bằng cái giọng gần như tắt thở của người đuối nước. Chưa kể giữa bà mẹ chồng và con trai duy nhất còn có một mối tình say đắm, hoặc thứ gì đó, Nam Mô A Di Đà Phật, kỳ bí mãnh liệt hơn những thứ tình còn lại của thế gian. Tôi bắt đầu tự giải phóng tâm linh bằng cách gửi thư bưu điện cho Yamaha.
Tuy Hòa, ngày…tháng…năm…
Yam,
Ngoài này có gió Lào nhe. Ù ù ngoài vườn theo dàn trầm ngược xuống đến Fà rồi rít qua khe cửa nửa đêm theo tông Mí, phím Mi cuối cùng của bè cao cách thành đàn năm ngón tay đó. Kinh khủng. Trời mưa hả, ấy da, một bản giao hưởng khác có thêm bộ gõ là mái tôn lỏng đinh nhịp rầm rầm xuống kèo nhà. Tiutiu giật mình hoài. Rốt cuộc thì lại nhớ nốt Si điếc ở dàn giữa. Ui, sao bỗng dưng cần quá sức những nốt lép với các quãng ngắt nhiều dấu lặng.
Chờ nhé Yam.
Tuy Hòa, ngày…tháng…năm…
Yam,
Tháng năm về mưa có về theo,
ở trong ấy?
Tự nhiên mà nhớ mấy câu thơ của ông thi sĩ 3T. Dạo này sũng và thường sùi sụt một cách vô cớ. Chắc cũng không hẳn là vô cớ. Vậy cái cớ đó nằm ở đâu? Làm sao để lôi đầu nó ra rồi bồng Tiutiu ra bến xe đò, vượt cạn về Sài Gòn? Chắc Yam đang ẩm iu? Không biết ở nhà có ai tử tế nhớ cắm điện giùm để thường trực sấy cây đàn trong mùa mưa?
Những quãng lặng ư? Hãy đợi đấy. Nhạc còn, sẽ vọng lên.
Tôi viết cả trăm lá thư lăn tăn cùng một kiểu như vậy gửi về nhà bằng đường bưu điện, nắn nót ghi trên bì thư:
Yamaha
390/14 Võ Di Nguy
Phú Nhuận
Má tôi chào đời đầu thế kỷ 20, chính xác là năm 1904, lớn lên không được đi học, như phần đông các thiếu nữ Việt Nam vào thời đó. Nhờ có cha là nhà nho, bà được dạy cho biết chữ đủ để viết và đọc. Nhưng ai đã dạy cho bà tinh tế và nhậy cảm, hiểu biết và tự trọng, hi sinh và cảm thông? Thay vì tò mò khui ra đọc, bà đã trân trọng nhét từng lá thư qua khe hở bên dưới thùng đàn. Hẳn bà cũng đã thì thầm chờ nhé, Yam!
Hai mẹ con vượt ngục thành công khi Tiutiu gần hai tuổi, chậm đi, chỉ ngả nghiêng tập tễnh do còi xương. Chuyến đi bão táp, nhưng tôi đã lì lợm dựng lại cơ đồ liền ngay sau khi vừa an tọa. Ngày Yamaha được lên dây đàn để làm lại cuộc đời, thùng đàn được mở bật ra làm đổ nhào cả trăm bức thư tình chưa khui. Tôi ém tất cả vào một hộp thiếc lớn, cất sâu trong tủ quần áo, nhốt kín cái quãng lặng tưởng đâu đã vĩnh viễn.
Học trò lục tục đến, trong đó có đám con cháu của họa sĩ Trịnh Cung: Doanh Doanh, Bạch Mai, Titi, Toto, Khương Thi. Hai chị em Ngọc Hạnh-Hữu Lộc nhà Nguyễn Phước. Những Hoài Phong, Hoài Vũ, Ngọc Lan; Mỹ Trang, Tuyết Hoa, Thu Hằng, Thu Sương; Thùy Trang, Ngọc Anh, Quỳnh Vi, Tố Uyên. Những Kim Uyên và Quỳnh Trâm, Hồng Khanh và Hồng Quang, Hồng Ân và Thanh Thảo, Kim Phượng và Lộc Chi…. Một lực lượng đủ đông vui để thỉnh thoảng tổ chức mini-récital tại nhà.
Thật mãn nguyện đã đời khi Tiutiu được lớn lên trong không khi đó. Sáu tuổi đã nhấp Sonatine cung Sol trưởng của Bích-Thu-Vân.
Thời điểm ấy nhân dân miền Nam bắt đầu nhúc nhích cục cựa sau mấy năm bại liệt. Cán bộ miền Bắc học đòi, gửi con đến vọc piano làm sang, cố bắt cho kịp nhịp với đồng bào địa phương; phụ huynh dân ngu cu đen sục tìm lối thoát cho đám thiếu nhi bế tắc món ăn tinh thần. Có vị nghiêm-và-buồn đến độ cho con thi vào trường nhạc vì cho rằng chỉ còn đồ rê mi com chim ri, mì pha son đi lon ton, són pha rề tìm đường về là thượng sách. Tiutiu mướt rượt ở tuổi 18 với ngón đàn khi mềm mại như nước, lúc phừng phừng như lửa – đặc biệt rất “tới” với La Tempête/The tempest No 17 cung Ré thứ của Beetho. Chắc tâm hồn ì ào bão tố, hay trong người cũng âm ỉ máu sát nhân?
OOOOO
Nhưng rồi Yamaha phải sang ngang. Hai nhà đối mặt nhau trong con hẻm nhỏ, chỉ cách nhau có một mét rưỡi. Mỗi cái việc đưa dâu đi ngang hai ba nhịp sang bên kia thôi mà Yamaha cũng ngúc ngắc làm khó khiến hai mẹ con khóc như mưa, nghĩ nó ngùng ngoằng không chịu đổi chủ. Để có đủ tiền cho hai vé máy bay, trong đó có một cái khứ hồi, cùng với 30.000 quan để nộp vào tài khoản ngân hàng theo thủ tục du học, rõ ràng không có cách nào khác hơn là gả bán cây đàn cho cô hàng xóm vốn bấy lâu nay chờ chực. Tiutiu được học bổng ở Sorbonne, giữ Yamaha lại cũng chẳng còn ý nghĩa.
Quãng lặng ghê rợn nhất là lúc quay trở về sau khi bỏ Tiutiu ở lại nơi đất khách quê người. Quạnh. Phòng khách trống hốc. Bằn bặt. Những nốt nhạc trắng đen trước đây văng vãi tung tóe vào tường bây giờ dội ra đùng đục lam nham màu vôi vữa. Hơn nửa đời người tôi mới biết thất tình. Giữa khuya tự dưng thức giấc vì nghe Le Coucou của Daquin thủ thỉ, như có ai vừa đàn vừa đạp pédale nén âm xuống ppp cho người nghe tức ngực chơi.
Trần Thị NgH
Uma, 6.2019
----------------------------------------
* Chú thích của tác giả về tựa truyện “ppp.pianississimo”:
p, pp, ppp là các ký hiệu chỉ cường độ trong âm nhạc
– p = piano: nhẹ
– pp = pianissimo = rất nhẹ
– ppp = pianississimo = rất rất nhẹ