có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 1 04, 2020

Những bài học từ safari ở Nam Phi


Gia đình sư tử uống nước bên suối. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Kruger National Park một công viên quốc gia lớn nhất của đất nước Nam Phi (South Africa), cách xa thành phố Johannesburg của Nam Phi khoảng hơn 300 km về phía Đông Bắc. Khu vực này hiện diện khá nhiều công viên safari, nơi sinh sống của các loài thú hoang dã.

Du khách khi đến du ngoạn Nam Phi, chắc chắn ai cũng muốn háo hức làm một chuyến thăm công viên safari. Đến để nghe tận tai và xem tận mắt thực hư về đời sống hoang dã các loài thú nổi tiếng thế giới.

Chắc hẳn ai cũng biết đến “big 5” của Phi Châu. Đó là năm loài thú hoang dã Phi Châu mà chúng ta ít nhiều đã nghe qua là sư tử, voi Phi Châu, tê giác, beo và trâu Phi Châu. Có lẽ tôi may mắn và có duyên với loài thú hoang dã nên đã có cơ hội gặp được hầu hết “big 5” trong những lần du ngoạn, chạy lòng vòng trong các công viên safari ở Kruger National Park.

Tuy nhiên, trước hết phải nói sơ qua về phương tiện di chuyển trong khu safari, đó là những chiếc xe Land Cruiser 4×4. Đây là loại xe được thiết kế riêng, chạy rất tốt trong rừng núi, có những đoạn dốc sình lầy lồi lõm khá cao nhưng chiếc xe Land Cruiser này đều vượt qua được. Trước mũi xe có design thêm một ghế ngồi dành cho người hướng dẫn quan sát, anh ta có đủ kinh nghiệm tìm và biết chỗ nào có thú vật đang hoạt động. Nhưng trong cuộc hành trình, người lái xe mới chính là điều quan trọng hơn hết vì họ vừa là người hướng dẫn, biết nhiều về sinh hoạt hoang dã của các loài thú, vừa là người có kinh nghiệm biết đưa bạn đến những điểm nào tốt nhất để chụp hình.

Tuy nhiên, cuộc hành trình không phải bao giờ cũng trơn tru phẳng lặng để cho mọi người có nhiều cơ hội may mắn như nhau. Có người đã đến các safari năm bảy lần mà vẫn chưa có duyên để gặp đủ “big 5.” Có thể vì thời tiết mưa nắng, có thể vì chuyện “gia đình bất ổn” của các loài thú này. Thí dụ chẳng hạn như hôm đó gia đình sư tử, “chàng và nàng” gầm gừ vừa choảng nhau xong nên chàng nhất định không chui ra khỏi hang để đi gặp mọi người.

Đàn voi Phi Châu luôn được voi cái dẫn đầu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tôi may mắn gặp được một “gia đình sư tử” trong giây phút đó là một “gia đình êm ấm.” Hình ảnh mà tôi chụp được cho thấy chàng sư tử này có tinh thần rất “gia trưởng” bên các nàng sư tử thê thiếp. Chàng dáng rất oai phong, nằm bệ vệ yên lặng gần bên vũng nước, mắt mơ màng nhìn trời nhìn đất để mặc các nàng sư tử cái lững thững tự động đưa các chú sư tử con đi đến quay quần bên chỗ chàng nằm. Các bà mẹ luôn đùa chơi với đám con, không dám làm phiền đến “phu quân” của các nàng. Các chú sư tử con cũng thế, đùa giỡn với nhau nhưng không một tên nào dám bén mảng đến giỡn mặt với ông bố.

Cũng có một lần khác, tôi có dịp chứng kiến cảnh một gia đình sư tử vừa săn hạ một chú hươu cao cổ và thay phiên nhau ăn một bữa tiệc no nê và nằm lăn ra ngủ mê mệt. Thế mới biết loài dã thú cũng giống hệt như loài người, một khi đã no cứng bụng thì đều lăn quay ra chẳng còn biết trời đất nơi đâu.

Nhìn cảnh “sinh hoạt” gia đình sư tử, tôi chợt nghĩ các nàng sư tử nếu được “di dân” sang Mỹ thì các nàng sẽ đi ngay. Còn chàng sư tử kia chắc chắn chàng vẫn yêu cái xứ safari này, chàng yêu cái không gian yên tĩnh không bị phiền hà, chàng ích kỷ muốn làm gì thì làm và nhất là không muốn mất đi cái “tinh thần gia trưởng.”

Hoặc giả du khách gặp ngày chàng/nàng beo đốm (cheetah) đã no nê vì vừa mới làm thịt xong một chú impala (một loại linh dương Phi Châu) thì căng da bụng chùng da mắt. Beo đốm nhà ta tìm nơi nghỉ ngơi, du khách mà gặp đúng lúc beo đốm no nê thì quả là không có duyên gặp beo vì chúng sẽ tìm nơi yên tĩnh “gửi gió cho mây ngàn bay!”

Loại beo đốm này cũng lạ, tôi có ghé qua một chỗ nuôi và huấn luyện loại beo đốm (cheetah) này nên mới biết đời sống chàng beo đốm và nàng beo chúng không cần nhau ngoại trừ chuyện sinh con đẻ cái. Chúng không có nhu cầu “nói chuyện” với nhau vì nếu có gặp nhau thì cơ hội “choảng” nhau xảy ra bất cứ lúc nào, chàng và nàng chẳng ai chịu thua ai; nên người ta bắt buộc phải chia chúng riêng ra. Nghe chuyện hoang dã mà sao cứ tưởng như quanh quẩn đâu đây gần mình, đời sống con người cũng có những hình ảnh và âm thanh quen quen như thế.

Beo đốm cheetah dùng bữa. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Cần phân biệt hai loại beo, một loại là cheetah (beo đốm tròn, có vết đen dài từ trên mắt), một loại là leopard (beo có đốm gần như hình vuông). Nhưng cheetah là một loại beo chạy rất nhanh, chúng có thể tăng tốc độ chỉ trong 4 giây đồng hồ lên đến 115 km/giờ, gia tốc của chúng còn nhanh hơn cả xe Porches, mỗi bước sải chân của nó ngắn lắm, chỉ có 8 mét thôi! Các con thú khác gặp Cheetah vào lúc nó đói là kể như xong đời.

Nhìn hình ảnh nó chạy vồ mồi mới thấy tạo hóa sinh cho cheetah một cơ thể đặc biệt mà không một loài thú nào có được. Tôi bắt bặp một nàng beo cheetah đang dùng bữa ăn trưa chú linh dương, tôi chụp rất nhiều hình, nhưng tôi chỉ dám đưa hình ảnh thoáng qua về bữa ăn chiều của cheetah lên mặt báo. Nhìn lại những hình ảnh đã thu vào trong ống kính tôi cũng cảm thấy sờ sợ, không dám để mắt mình quá lâu trên vào những tấm hình đó. Còn leopard là loại beo thích nằm thu mình trên các cành cây, cũng là loại không hiền lành gì khi chúng đói. Nhưng chưa lần nào tôi có duyên được gặp beo leopard.

Nếu sư tử đực cho tôi sự ngưỡng mộ về cái nét oai phong của nó thì ngược lại tôi lại ngưỡng mộ tài lãnh đạo của con voi cái trong đàn voi. Voi cũng như nhiều loại thú khác (trâu, linh dương…) thường hay đi thành đàn, Voi cái lớn luôn đi dẫn đầu và chăm lo, ra lệnh cho cả đàn. Đó là điểm đặc biệt mà du khách có thể nhận ra ngay trong sinh hoạt của đàn voi. Còn voi đực thường đi sau cùng để bảo vệ cho các con voi nhỏ. Tôi gặp một đàn voi có đến hơn hai mươi con đi đứng rất thứ tự, hình ảnh con voi đực đứng quay ngang chận đường không cho bất cứ loài thú nào đến gần đàn của nó tạo một cho tôi ấn tượng không quên trong trí nhớ. Loài vật vẫn có một tình cảm riêng biệt của chúng lo lắng bảo vệ cho nhau.

Nhìn những cây cao trong rừng bị gẫy đổ, người hướng dẫn cho biết đó là tác phẩm của các con voi lớn, chúng đã quật đổ hay bẻ gãy các cành cây xuống để các con voi nhỏ có thể đưa vòi đến ăn được. Một điểm chú ý, voi Phi Châu khác hẳn các loài voi ở nơi khác nhờ vào cái vành tai quá lớn của nó. Tai voi trở thành cái quạt giúp nó quạt làm giảm nhiệt độ trong cơ thể nó vì bầu không khí quá nóng của Phi Châu.

Tê giác (rhinoceros) và trâu Phi Châu là hai loại thú khác được xếp vào “big 5” của Phi Châu và hai loại này đều có thể thấy ở Kruger National Park.

Hai mẹ con tê giác. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Trong hành trình safari buổi chiều, trời đã nhá nhem tối, tôi bắt gặp hình ảnh hai mẹ con tê giác đang hạnh phúc ăn cỏ và lững thững đi bên nhau, chúng mải ăn mà không thèm biết đến mọi chuyện chung quanh, có lẽ chúng đã quá quen với các xe ranger safari chạy gần đến chúng. Trước đó tôi cũng đã bắt gặp một con tê giác khác trong rừng, loại black rhino, nhưng khi thấy tiếng động tê giác đã vội bỏ đi.

Tê giác cũng chia làm hai loại: black rhinocero và white rhinocero, loại “black” có vẻ hung tợn hơn loại “white.” Tuy trông dáng nó có vẻ to lớn phục phịch nhưng khi chạy chúng cũng có thể đạt đến tốc độ 55 km/giờ. Bạn có tin chắc bạn chạy nhanh hơn nó chăng!

Một số người Việt Nam đến Nam Phi, nhưng không phải đến đây để du lịch hay du ngoạn, mà họ đến nơi đây đến đây vì lợi nhuận bằng cách bắn giết các con tê giác vì nghe nói “sừng tê giác” bán rất được giá cho những người “giàu có rửng mỡ” ở Tàu và Việt Nam. Bây giờ đất nước Nam Phi phải ra sức bảo vệ những con tê giác còn sót lại của đất nước họ.

Còn African buffalo là một chủng loại trâu Phi Châu khá lớn, con lớn có thể nặng đến 800 kg. Chúng sống thành bầy và luôn bảo vệ nhau. Các con sư tử lớn khi săn mồi lúc nào cũng nhắm tấn công các con trâu nhỏ, nhưng nhiều lần sư tử không thành công vì các con trâu lớn sẵn sàng lao vào, họp lại tấn công sư tử để bảo vệ đàn.

Tôi không chỉ bắt gặp “big 5” của Phi Châu mà tôi còn gặp được nhiều hoang thú khác như hươu cao cổ (giraffe), ngựa vằn (zebra), hà mã (hippopotamus), warthog, wild dog, sable (một loại chồn). Về các loại linh dương thì rất nhiều như roan, waterbuck, kudu, steenbok, impala, nyala, hyena (linh cẩu). Còn khỉ thì gặp loài chacma baboon to lớn, phá phách và dữ tợn, mặt giống như mặt chó. Còn loại khỉ nhỏ thì có con vervet monkey. Dĩ nhiên là còn khá nhiều loại thú khác mà chỉ có dịp thấy thoáng qua vì chúng chạy biến rất nhanh khi nghe tiếng động đến gần chúng.

Bầy trâu Phi Châu luôn luôn đoàn kết với nhau. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Safari không phải chỉ là nơi để bắt gặp các loại sinh vật có đời sống hoang dã, nhưng safari còn là một hình ảnh đời sống trung thực nhất của thiên nhiên. Con người tại đây đã không can thiệp vào đời sống của các loài hoang thú, họ để chúng sống tự nhiên và theo đúng quy luật của rừng xanh. Hình ảnh chú beo gốm dùng bữa thịt linh dương hay gia đình sư tử no nê với thịt con hươu cao cổ lúc nào cũng lởn vởn trong trí nhớ, tôi đã có những giây phút thật im lặng để suy nghĩ về đời sống thiên nhiên và con người. Nhưng ngẫm nghĩ lại, đời sống các con thú mạnh được yếu chết. Loài thú nào yếu thì sẽ trở thành các bữa ăn cho các loài thú dữ hơn. Nếu không có các con thú yếu đuối đó thì con thú dữ cũng sẽ dần chết đói và tuyệt chủng.

Con người thì khác hơn, họ có đủ ngôn ngữ để nói chuyện với nhau, họ có đủ sự thông minh và khéo léo để tranh giành miếng ăn của nhau bằng những ngôn ngữ dịu dàng mật ngọt, nhưng bản chất vẫn chỉ là dùng đầu óc để tạo thế mạnh, để “làm thịt” lấy đi tài nguyên và thực phẩm của những đầu óc nô lệ ngu đần khác. Đời sống vốn dĩ mạnh được yếu thua!

Tôi rời thành phố Johannesburg, trở về vùng trời nắng ấm California. Tuy nhiên, đời sống “Safari Nam Phi” để lại trong tôi suy tư về sự sống-còn của đời sống sinh vật, về cái lẽ vô thường của đất trời trong tâm tư lữ khách. Nhưng để có được sự từ tâm, đôi khi người ta phải tai nghe mắt thấy những điều thật tàn nhẫn! Safari Nam Phi đã dạy cho tôi bài học như thế! 


Trần Nguyên Thắng