có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 1 23, 2020

Đã có một mùa xuân




- Tết, Hát ở lại, không về.

Hát vừa nói vừa đan khẽ những ngón tay thuôn vào tay tôi ấm áp. Hát hay bảo bàn tay này sẽ là bàn tay nấu cho Hát những bữa cơm ngon, pha cho Hát những ly cà phê thơm ngát, nồng nàn. Tôi lặng người sung sướng với cái tin Hát vừa mới nói, nhưng rồi vẫn hỏi, một cách hết sức ngớ ngẩn:

- Rồi Tết, Hát làm gì?

Hát cụng trán tôi:

- Đi khắp nơi với Nga cho hết mùa Xuân chứ còn làm gì nữa.

Tôi úp mặt vào bờ vai tràn đầy sức sống của Hát, nghĩ, nếu đất trời chỉ có mười hai tháng, một tháng Chạp xôn xao Nguyên Đán, một tháng Giêng tràn nhựa Xuân, thì tôi có đủ mười hai tháng khai hội, mười hai tháng mật ngọt để dành cho Hát. Tôi hỏi:

- Như vậy là đêm ba mươi Hát đến thăm Nga phải không?

Hát cười, cất giọng khe khẽ, "anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...". Cái bài ca, tôi nghe đi nghe lại đến mòn cả ruột, xước trầy cả vỏ cuộn băng, hát đến thuộc từng chữ một, vậy mà lần nào cái cảm giác và nỗi xúc động dâng lên trong tôi cũng giống hệt nhau. Tôi vẫn thường nói với Hát, tôi chỉ ước ao có một Giao Thừa ấm cúng bên Hát.

- Hai đứa sẽ ra trước hiên nhà ngồi chờ hoa nở, chờ vì sao ước mọc lên giữa đêm ba mươi. Rồi Nga sẽ chỉ cho Hát thấy ngôi sao thiên mệnh của Nga.

Hát buông tay tôi, ôm vòng ngang lưng. Con đường xao xác chút ánh điện vàng hắt vào chỗ đứng hai đứa. Hát đẩy tôi vào chỗ tối hơn, hôn lên mắt, rồi lên môi tôi.

Hát thì thầm:

- Hát có được phép ở lại đón giao thừa nhà Nga không nhỉ?

Tôi im. Hát cắn cắn vành tai tôi, mềm giọng:

- Nga tìm chỗ nào cho Hát trốn nhé!

Tôi cười:

- Sáng mồng một mẹ Nga hay thức dậy sớm, đi lảo rảo vòng quanh nhà, chắc trốn ở đâu mẹ cũng tìm ra!

Hát dấm dứ:

- Nga nghĩ mẹ bắt gặp Hát ở đâu?

- Đâu đó.

Hát nói nhỏ vào tai tôi:

- Trời, Hát trốn trong chăn của Nga, giả bộ là cái gối ôm, làm sao mẹ biết được... Nhưng nếu có biết, thì Hát cũng chắc là mồng một Tết, mẹ sẽ không dám la đâu. Sợ xui!

Tôi kêu lên:

- Ơi, Hát nói chuyện gì đâu không hà!

Hát bật cười. Lại đẩy tôi ra chỗ sáng. Hai đứa lại nắm tay nhau. Hát nói:

- Năm nay Hát không về thăm mẹ, mà sẽ ở lại để đến thăm Nga đêm ba mươi, vậy thì phải có cái gì khác cho Hát với chứ. Phải có cái gì khác cả với bài ca nữa. Bài ca buồn, nhưng tụi mình đâu có buồn.

Tôi đáp:

- Ngắt khúc trước của bài ca ra Hát ạ.

Tôi tựa cằm lên vai Hát, ư ử ngân nga, "tay em lạnh, để cho tình mình ấm. Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm. Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan. Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết...". Hát ngắt ngang:

- Phải để cho Hát bắt chước thi sĩ, bắt chước nhạc sĩ, mềm giấc trong đêm Giao Thừa mới được.


oOo

Hát cho tôi xem tấm hình Hát đứng ở bến đò Trung Phước. Tên cái địa danh làm tôi bồi hồi. Mẹ tôi nói đã sanh tôi ở đó. Chiến tranh mịt mù khói lửa làm tôi chưa được một lần về thăm nơi chôn nhau cắt rốn này của mình. Hát chỉ cho tôi thấy mây nước phía sau lưng chỗ đứng của Hát trong hình và giải thích cặn kẽ, từ đó lên đến ngôi nhà cũ của ba mẹ tôi là còn bao nhiêu đoạn đường, con dốc đi lên hay đi xuống, cỏ cây nào mọc dại hai bên lối đi... Hát bảo ngôi nhà đã đổ nát sau trận lụt và sau những trận đánh nhau ác liệt, chỉ còn lại cái nền xi măng trơ xám, nhưng lần nào ngang qua đó, Hát cũng đứng ngắm nhìn rất lâu. Hát nói, tàn chiến tranh, Hát sẽ dẫn tôi về quê.

- Hát sẽ làm việc ở mỏ than Nông Sơn. Sẽ xây lại cái nhà của ba mẹ Nga ở Trung Phước. Xây ngay trên nền cũ Nga ạ. Và "tụi nhỏ", khi ra đời, sẽ được chôn nhau đúng vào cái chỗ mà ngày xưa mẹ đã chôn mớ nhau của Nga.

Tôi hỏi:

- Hát đi làm, còn Nga sẽ làm gì mỗi ngày nhỉ?

Hát cười, giọng mơ màng:

- Không làm gì hết. Đi chợ, nấu ăn, lo cho con. Vậy thôi.

Tôi kêu lên:

- Cái gì, cuộc đời gì nhàm chán quá vậy?

Hát bóp vai tôi cái khẽ:

- Được làm vợ Hát mà kêu là chán hả?

Mẹ tôi kể ngày xưa người ta họp chợ trước nhà tôi. Ca nô chạy từ Hội An lên Trung Phước mỗi ngày. Hát tả cho tôi nghe về giòng sông Thu Bồn xanh ngắt với những bãi cát trắng mịn ở dọc hai bên bờ, uốn éo theo dãy núi Trường Sơn hùng vĩ chập chùng. Rồi Hát đọc cho tôi nghe những bài thơ, những câu ca dao nói về quê mẹ. Đã có lần, tôi nằm mơ thấy mình đứng trên bến đò chưa bao giờ trông thấy thật ngoài đời ấy, chờ Hát đi làm về. Trời vàng nắng trong giấc mơ tôi. Và hạnh phúc óng ả lấp lánh chung quanh tôi. Hát nói:

- Xứ mình đẹp lắm Nga à. Rồi Nga sẽ làm thơ. Làm hàng trăm bài thơ hay.

Tôi mơn man bàn tay như bàn tay con gái của Hát. Hát đọc thơ Nguyễn Bính:

- Ta sẽ là vợ chồng. Sẽ yêu nhau mãi mãi. Sẽ se sợi chỉ hồng. Sẽ hát câu ân ái...

Tôi với Hát, tình yêu không thuần túy chỉ dừng lại ở cái rung động, cảm xúc của hai người nam và nữ thường tình, mà còn cột lại với nhau bằng cái tình quê hương đằm thắm ở sau lưng hai đứa. Lần đầu tiên mở học bạ Hát ra xem, thấy sinh quán của Hát, tôi đã kêu lên:

- Đồng hương ơi!

Ba tôi có hứa ngưng bắn, sẽ cho tôi về quê một lần. Tôi muốn đi với Hát, muốn nhìn thấy Thạch Bích, Đá Dừng ở nơi đâu. Muốn ngược giòng Thu Bồn lên Trà Mi xem hồn vua Chàm đang ngự về nơi nào. Nhưng báo chí cứ nói ngưng bắn, cứ nói hòa bình, mà rồi chiến trận lẫn lan tràn. Những hiệp định nào đó vẫn xôn xao ký kết ở trời Tây, nhưng quê ngoại tôi thì cứ nguyên vẹn cáng đáng những trận mưa pháo, những loạt bom đạn cày xéo nát nhừ từng ô đất con. Sáng sáng vẫn xe rà mìn chạy phía trước, xe đò nổ tung ở phía sau. Tối tối vẫn hỏa châu sáng rực vùng giao tranh. Vẫn hỏa tiễn, vẫn cối, vẫn pháo, vẫn B40, vẫn thuốc khai quang... Mỗi lần Hát về quê, là mỗi lần tôi run sợ. Mỗi lần Hát có mặt ở thành phố, là mỗi lần tôi ngước mặt tạ ơn trời. Hát hay đùa với tôi, bên hiếu bên tình, Hát không biết bỏ bên nào. Nhưng rồi Hát cũng bảo:

- Năm nay, Hát cãi lịnh "nhà huyên", ở lại ăn Tết với Nga một phen đây.

Những năm trước, Tết, không có Hát, tôi ngơ ngơ ngác ngác theo đám bạn đi chúc tuổi thầy cô, đến lúc về, không nhớ mình đã đi những nơi đâu, chúc thọ cho thầy cô nào. Khi có mặt tại nhà, lớ ngớ đánh bài tam cúc, đỏ đen xì dách với đám em, không để ý gì đến thua nhẵn cả tiền lì xì. Tôi nói với Hát:

- Nga sẽ dẫn Hát đi coi bói đầu năm.

Hát trêu:

- Bói ra ma hay ra gì hả Nga?

Tôi chu môi. Hát lại đùa:

- Hát đoán chắc thế nào ông thầy bói cũng sẽ bảo, số cô đào hoa nhưng không bạc mệnh vì cô có được một người yêu phong nhã, lịch lãm, cung tiền tài bỗng lộc không dồi dào vì cô sẽ lấy chồng nghèo. Tuy nhiên cuộc đời của cô chắc chắn là sẽ thong dong hạnh phúc vì cô được chồng yêu cho tới ngày mãn phần.

Tôi chun mũi. Hát cười, tiếp:

- Còn Hát, có lẽ ông ấy sẽ bảo số cậu chỉ xoàng xoàng. Ra trường là cậu sẽ cưới vợ ngay vì người yêu cậu đã khuê phòng chờ đợi nhiều năm. Vận mệnh cậu tầm tầm, nhưng tương lai hậu tự của cậu lớn. Cậu sẽ có ít nhất là bốn đứa con. Đứa nào sau này cũng học hành đỗ đạt, làm ăn thịnh vượng, nên nỗi. Nếu con gái thì sẽ nhờ phước cậu, con trai, nhờ phước cô. Chỉ có một điều thật không hay cho cậu, là cậu tuổi ngựa mà cầm tinh con... rùa, nên suốt đời cứ phải trung thành với vợ, không bò đi đâu xa được khỏi tầm tay cô ấy.

Tôi phì cười:

- Kiểu này Nga sẽ không dẫn Hát đi coi bói, mà sẽ quảng cáo nhà Hát có xem tướng số, tử vi.

Cận Tết, Hát khoe với tôi:

- Hát đã đặt mua một chậu cúc đại đóa và một chậu mãn đình hồng, chiều ba mươi, Hát sẽ mang tới nhà Nga... tập làm rể.



Hát có vẻ hồi hộp. Còn tôi thì khám phá ra con trai tuy mạnh mẽ, dũng cảm, nhưng chỉ làm được những chuyện đại sự. Mỗi năm tôi "tập làm dâu", đâu có run như Hát bây giờ! Tôi chê Hát nhát gan, Hát cãi:

- Nga chỉ đi mua sắm, rồi Hát mang về biếu mẹ. Không trình thưa vâng dạ, không "đối đầu" với ai, làm sao run được?

Hát sợ đám em tôi trêu. Tôi chuẩn bị cho Hát một sợi ruban cột tóc, một cái kẹp đồi mồi cho con em kế, một trái banh da, một cặp cá lia thia cho hai thằng em út. Hát bảo Hát không "ngán" hai thằng này, mà chỉ ớn mồm miệng của cô em!


oOo

Mùa Xuân vàng óng trên những nhánh mai trước hiên nhà, xôn xao trên sắc phục người qua lại chúc tụng nhau. Tết, tôi vui như trẻ nhỏ. Thềm nhà tôi rực rỡ chậu cúc đại đóa và mãn đình hồng Hát mang lại tặng. Mẹ tôi khen Hát biết lựa hoa. Tối ba mươi, Hát đến, mẹ tôi và Hát ngồi nói chuyện với nhau về quê nhà. Tôi "chầu rìa" ở bên cạnh. Mấy đứa em tôi chưa cần có tiền lì xì đã hớn hở gây sòng, đánh bầu cua cá cọp ỏm tỏi đằng sau bếp. Và hai ông anh lớn của tôi, chắc đang bận hát câu "anh đến thăm em" đâu đó ở nhà bạn gái. Cuối cùng, chẳng ai thèm có mặt cạnh Hát và tôi, để trêu.

Hạnh phúc mượt mà bủa quanh chúng tôi như miếng mứt thơm tho đầu lưỡi mẹ tôi mới vừa làm, như hớp trà sen ngát hương ba tôi vừa mới ướp. Ngồi với mẹ, lâu lâu nghe một câu hữu tình, "tha hương ngộ cố tri" từ mẹ tôi, Hát bạo dạn thò tay xuống gầm bàn bóp khẽ tay tôi. Gần Giao Thừa, tôi đưa Hát ra ngõ chuẩn bị về nhà trọ. Hát chẳng than buồn vì sắp sửa phải đón năm mới một mình, mà cứ hỏi đi hỏi lại, "vui không Nga?". Rồi Hát chúc mừng tôi năm mới bằng những nụ hôn nồng nàn.

Tôi quên mất chỉ cho Hát thấy ngôi sao thiên mệnh. Cũng quên mất cái hẹn chờ hoa nở nửa đêm. Có Hát, tôi quên mất đất trời. Có Hát, mùa Xuân của thiên nhiên chỉ đẹp như một đoạn văn, như một bài thơ, nhưng mùa Xuân của tôi, cả vũ trụ ngọt ngào như lụa nõn, mềm mướt như thành miếng thạch mềm trên đầu lưỡi, óng ả như mớ tơ hồng trên giậu chè tàu đầu ngõ. Tết, tôi áo vàng hoàng hậu đi với Hát đến từng nhà bè bạn, từng nhà thầy cô. Hạnh phúc mát rượi, ngọt lịm trên tay tôi.

Lũ em tôi, mãi đến mồng mười, mới thấy tôi đã có một mùa Xuân vui như... Tết. Cả đám xúm lại bắt tôi dẫn đi ăn, dẫn đi sắm sửa. Tôi kể cho Hát nghe. Hát ngập ngừng một hồi rồi nhờ tôi đi mua thuốc sốt rét cho mẹ.

Tôi bàng hoàng:

- Ai mang về ?

Hát cười hiền, siết chặt tôi bằng đôi vòng tay ấm:

- Hát xin nghỉ một tuần...

Tôi bần thần đứng im. Hát nói nhỏ:

- Một tuần, qua nhanh lắm Nga.

Tôi không nói được với Hát lời nào. Bao giờ Hát về quê thăm mẹ, tim tôi cũng thắt lại như thế này. Không phải tôi không muốn Hát đi. Nhưng tôi sợ. Báo chí vẫn đăng tin tức chiến sự hàng ngày. Radio vẫn bình luận về những vùng đất đang giao tranh dữ dội mỗi sáng, mỗi chiều. Vùng quê tôi, vùng quê Hát, dọc Trường Sơn, những vùng oanh kích tự do... Hát vuốt má tôi, trêu:

- Hôm rồi đi coi bói, thấy Nga có vẻ tin.. ông thầy tướng số dữ lắm mà. Nhớ không, ông ấy đâu có nói Hát yểu mệnh.

Tôi giọt vắn giọt dài không dứt. Hát lại cười. Nhưng cười mãi, trêu mãi, vẫn không thấy tôi trả lời, Hát khẽ rút khăn tay chùi nước mắt cho tôi. Lát sau, Hát cầm bàn tay tôi lên, áp vào má, thầm thì:

- Hôm Tết, Hát có nhắn mẹ, là sẽ về trễ...

Tôi đứng lặng, úp mặt vào vai Hát bùi ngùi. Tôi vẫn ước ao phải chi tôi có đủ thẩm quyền đối với chính mình, có thể tự quyết định được mọi điều, thì chắc chắn là tôi sẽ đi theo Hát những bận như thế này. Hát nói khe khẽ:

- Tội nghiệp, vừa rồi mẹ ở nhà một mình...

Và Hát vỗ về:

- Hát hứa với Nga, vài năm nữa thôi, khi Hát ra trường rồi, tụi mình được quyền đi với nhau, nhất định Hát sẽ dẫn Nga theo bất cứ nơi nào Hát tới...

Tôi lại khóc. Hát dụi mặt vào vũng nước mắt ướt sũng của tôi, trêu tôi bằng mấy câu thơ của Nguyễn Bính. "Nghe lời anh em nhé. Khóc lóc mà làm chi. Hôn nhau một lần cuối. Em về đi, anh đi...".


oOo

Em về đi, anh đi...

Hát đã đi hết một giòng sông.

Tôi cũng vừa đi hết một giòng sông.

Giòng sông hai bên bờ lau lách mọc chen nhau. Có những đoạn phù sa mỡ màng, nõn nà những vạt bắp, xanh mượt những thửa ruộng. Nhưng cũng có những đoạn chỉ toàn cát trắng, lác đác vài ngôi nhà, vài bụi mía, vài cây mít cành lá thấp lè tè. Trong trí tôi, chừng như đâu đó, hình ảnh một cô thôn nữ gánh gạo qua làng, bàn chân trên cát mềm, thỉnh thoảng vướng víu đôi mắt nào đó từ phía xa xa, ngượng ngùng vấp một vài sợi dây khoai đang vươn mình ra khỏi luống. Trước mắt tôi, ngọn núi Chóp Chài hiện ra trong sương. Cũng đâu đó, giọng hò đưa về. Ngó lên Thạch Bích Đá Dừng. Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...

Tôi đưa tay vòng ra phía trước, bó gối nhìn xuống giòng sông. Giòng nước trong vắt hiền hòa chảy, lặng lẽ như không có sóng, lâu lâu hiện lên bóng một con chim xoãi cánh thảnh thơi. Cái giòng sông chở ước mơ mà dễ thường đã hơn hai mươi năm chừng vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, hoàn toàn tinh khôi trong trí tôi. Cái giòng sông... Đôi con mắt tôi xốn nhức lên. Tôi nhớ đến chuyện mẹ kể ngày xưa ngoại tôi đã xảy chân, rơi xuống đâu đó trên con nước xuôi chảy này, cũng nhớ mẹ bảo chính mẹ, người thôn nữ gánh gạo năm xưa qua làng có lần từng muốn gieo mình xuống nơi đây.

Một nỗi gì, như kim châm trên thịt da, như đông cứng trên giòng huyết đang luân chảy, như tê dại cuối đáy tim khiến tôi không thể mở mắt mình ra được nữa. Tôi úp mặt vào giữa hai lòng bàn tay. Con sông này, thuộc về mình. Thuộc về mình... Tôi nói với tôi. Con sông này thuộc về tôi. Hẳn phải thuộc về tôi...

Hơn nửa đời người, cuộc sống gắn liền với thị thành, nhưng lẩn quẩn trong trí tôi vẫn là một đời sống bình thường giản dị ở nơi ấy, vẫn cái ước mơ buổi sáng được thức dậy bằng những tiếng gà gáy rộn rã, bằng mùi rạ âm ẩm, ngai ngái sau nhà, bằng những mảng nắng vàng xuyên qua mành tre thưa, bằng tiếng người lao xao của ai đó ngang qua ngõ, và buổi chiều được hạnh phúc đứng chờ một khuôn mặt người, một nụ cười tươi tắn rộng mở, một bước chân trở về trên bãi vắng... Đã hơn hai mươi năm, mòn mỏi đi giữa nhân gian, mà lòng tôi vẫn chỉ qui về một chốn rất nhỏ, một nơi rất bé, bên cạnh giòng sông này.

Lúc mới tàn chiến tranh, tôi đã một lần đi hết giòng sông. Mùa Xuân năm ấy, thay cho mai, chỉ có lúa chín trổ vàng rực trên cánh đồng, dăm ba cây vạn thọ trồng trước cửa đôi ba nhà khá giả, và chỉ có nắng trải dài óng ả. Tôi đã đi hết, đến từng ngôi nhà trong làng. Đã hỏi thăm từng con người cư ngụ ở đó. Và cuối cùng đã ra đứng hằng giờ trên bến sông ước mơ của mình, dõi mắt về cuối chân trời.

Tôi đã chẳng thấy gì. Không thấy gì trên giòng sông ấy, bên bến sông ấy, cả trên bầu trời rộng lớn mênh mông ấy. Vậy mà cho đến vừa dợm bước quay đi, rất tình cờ, rất bất ngờ tôi nhìn xuống chỗ mình đang đứng, một vỏ đạn đồng, và một mảnh kim loại vỡ ra từ trái pháo nào đó bỗng hiện ra. Tôi đã sững người đứng lặng, rồi bàng hoàng cầm chúng lên tay. Chung quanh tôi im ắng vô cùng, nhưng lòng tôi bão sóng. Đất trời tĩnh lặng vô cùng nhưng trái tim tôi òa vỡ.

Tôi bật lên những tiếng khóc uất nghẹn. Tôi bật lên tiếng kêu não nề.

Đã xa xôi mất rồi, một khuôn mặt người, đã không còn nữa rồi, một bờ vai cho tôi tựa khi lệ tôi chảy dài.


oOo

Tôi bó gối, gục lên hai cánh tay để vòng.

Tiếng máy lích kích rồi ngừng hẳn lại. Trên màn ảnh hiện lên vài đốm chớp chớp trước khi chuyển sang màu trắng. Tôi vừa đi hết giòng sông một lần nữa bằng cuộn băng hình bên nhà mới gửi sang. Tôi vừa nhìn thấy lại hình ảnh của những ngày vừa tàn chiến tranh. Tôi nhận ra đã hơn hai mươi năm, nhưng vẫn chẳng có gì thay đổi nơi quê nhà tôi. Phù sa vẫn lở vẫn bồi hai bên giòng sông thân yêu ấy. Vẫn nõn nà những vạt bắp, vẫn lấp xấp những miếng ruộng vừa xanh mạ, vẫn xao xác những mái ranh, những tiếng gà...

Vẫn giòng sông. Vẫn quê hương...

Vẫn tận cùng trong xương tủy tôi, cơn đau nhức quẫy lên. Mười tám, hai mươi năm đã trôi đi. Đã có nhiều mùa Xuân, nhiều cái Tết trôi đi. Nhưng trong mắt tôi, mọi sự gần như chỉ vừa mới xảy ra, hôm qua. Hôm kia.

Hơn hai mươi năm, nhưng chừng một đóa cúc, một màu hoa hồng phơn phớt ai đó trồng ngoài hiên, trên thềm nhà thoạt trông thấy, mà phải gắng lắm tôi mới không bật lên một tiếng kêu đau đớn. Mới không gọi lên tên một người.

Hát ơi.

Hát ơi.

Giòng sông ấy, con nước ấy vẫn đang xuôi chảy khi hiền hòa, khi dữ dội, khi yên ắng, khi lao lung, tôi nơi kia, nơi này, khi quên, khi nhớ, khi quay quắt, khi bình tĩnh, khi lặng lẽ, khi cuồng giông, lòng vẫn ăm ắp hình ảnh những ngày cận Tết, những ngày Tân Xuân.

Nhiều năm, nhiều ý niệm về hạnh phúc, về tình yêu…, guộc gầy dần theo tuổi tác, mỏi mòn dần theo tháng năm, và tôi, vẫn như người chung quanh thường nhận xét, sống mà thấy giống hệt một cái bóng phất phơ giữa đời.

Hai má tôi ướt lạnh. Tôi ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Mùa Xuân nào đã qua đi, đời sống nào đã thay đổi, hình hài nào đã về với cát bụi, nhưng tôi, chắc chắn cho đến tận cuối đời vẫn không thể nào quên được câu nói.

Tết, Hát ở lại, không về.


Hoàng Nga
(trích từ: Tuyển tập văn: KẺ KHÔNG CHIẾN TUYẾN)