có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 9 16, 2019

Ðội mưa mà đi





Vua Lý Thái Tổ nhìn xuống Hồ Gươm. Từ trên tầm cao 10 mét mắt ngài chiếu thẳng Tháp Rùa. Trước mặt ngài không phải cố đô Thăng Long mà là thủ đô Hà Nội một nghìn năm sau. 

Ngài uy nghiêm đứng giữa vườn hoa Chí Linh. Trước mặt ngài là phố Đinh Tiên Hoàng, tả hữu có hai phố Lê Thạch, Lê Lai, sau lưng có con phố mang tên ngài, Lý Thái Tổ. Nhà vua đảo mắt nhìn phía dưới chân. Ngài khó chịu thấy mình đang bị quan sát. Một thanh niên bận chiếc áo khoác có nhiều túi cúi xuống lôi trong bọc một vật gì màu đen rồi giơ vật ấy về phía ngài. 

Quang nhìn lên ngắm nghía pho tượng đồng cao. Anh tự hỏi lần về Hà Nội mấy năm trước không thấy bức tượng này đặt ở đây. Nếu có chắc chắn là phải hiện trong bộ phim ảnh của anh vì lần nào về Hà Nội anh cũng chụp mấy bức ảnh Hồ Gươm và Tháp Rùa đứng từ phía vườn hoa Chí Linh. Quang giơ chiếc máy ảnh về phía tượng và điều chỉnh ống kính. Anh đi tới đi lui. Rồi anh quỳ xuống ngước máy lên để chụp toàn bộ bức tượng có hàng chữ ở dưới bệ: Vua Lý Thái Tổ (974-1028). 

Nhà vua không nhìn thanh niên, ngó sang một thiếu nữ đứng cách đó chục thước mặc chiếc áo đỏ đội chiếc mũ trắng tay cầm một vật gì giống hệt như vật trong tay thanh niên và hướng nó về phía hai nguời đứng trước, hai người ấy trông như hai mẹ con. 

– Chị muốn chụp phông nào? Lấy vua hay lấy hồ. 

Vi hỏi người đàn bà. Người ấy nhìn chung quanh nói: 

– Tượng vua cao thế kia có lấy được hết không? 

Vi nói: 

– Được! 

Cô chạy lại gần con bé, bẻ lại cổ áo, vuốt lại tóc nó. Rồi cô khen con bé: 

– Xinh nhất đấy! 

Con bé vênh mặt lên khi thiếu nữ quỳ xuống ngửa ống kính chụp hai mẹ con, cái phông tượng ở sau. 

Vua Lý Thái Tổ nghĩ thầm: “Đám người kia chiêm ngưỡng ta”. 

Dưới kia không phải là thần dân của ngài. Thần dân ngài đâu có ăn mặc dị hợm và có những hành động kỳ khôi như thế. Trên đường Đinh Tiên Hoàng những cỗ xe chạy như mắc cửi. Xe hai bánh chạy chen giữa những xe bốn bánh, phát tiếng động chói tai. Ngay sát dưới chân ngài, trên một khoảng rộng hình tròn lát đá, những cỗ xe bốn bánh bé tí teo có những đứa bé ngồi. Xe chạy lòng vòng, đâm nhau loạn xạ. Chung quanh có đám đông đứng xem. Trong số có mấy người mặt trắng cao to dị thường. Nhà vua nghĩ thầm: “Bọn bạch quỷ này chắc ở đâu đến. Chúng đến càng ngày càng đông”. 

Gió thổi lùa từ mặt hồ Gươm. Gió mỗi lúc một mạnh. Hàng cây xà cừ rung rung rồi chao nghiêng những đợt lá. Màu xanh lá cây màu xanh nước hồ xẫm lại theo với bàu trời đột nhiên tối xầm xuống. Dưới kia đám đông chạy tản ra đường. Lát sau mưa rơi. 

Vườn hoa Chí Linh còn lại hai người. Người đàn ông cúi gập người ôm chiếc máy hình trong bụng chạy về phía sau lưng nhà vua. Người con gái căng dù che thân rồi lấy tấm bạt trùm kín cái giá gỗ che mấy bức ảnh ghim trên tấm ván; lát sau cô bước vội về hướng người đàn ông. 

Những giọt nước chẩy trên lòng bàn tay trái của nhà vua rót xuống đầu hai ngón tay chỉ xuống đất. Vua Lý Thái Tổ không thể ngoái cổ nhìn đằng sau. Ngài không biết rằng sau lưng mình có chòi bát giác. Nơi ấy có hai người cùng chạy lại trú mưa. Họ ngẫu nhiên gặp nhau. Rồi va nhau một cuộc tình. 


10 

Con thạch sùng bò ngược trên trần nhà. Màu da nó ngà ngà tiệp màu vôi. Nó đuổi theo một con thạch sùng khác đang chạy dọc theo một bóng đèn nê-ông dài ở góc tường. Quang nhìn thấy nó lúc anh ở vị trí nằm ngửa tay ôm ghì đầu Vi nhìn lên trần. Con thạch sùng bò xuống đến mép tường thì dừng lại. Hai con mắt nó, hai chấm đen, nhìn xuống chiếc giường có hai thân thể trần truồng. Con thạch sùng không lạ gì cảnh này. Ở cái khách sạn phố Hàng Buồm chuyện đó xẩy ra như cơm bữa. Nhưng hôm nay nó thấy có cái gì khác khác nơi người đàn ông. Không phải ở cái cách làm tình của hắn mà là ở sự chú ý vô lý của hắn. Cứ mỗi lần ôm người đàn bà lăn trên giường ở vị trí ngửa là hắn lại nhìn lên tường, dán hai con mắt vào hai chấm đen. Con thạch sùng nghĩ bụng: “ Lạ lắm sao mà nhìn?”. Nghĩ thế rồi nó bò ngược lên trần, đuổi theo con thạch sùng cái. 

“Lạ nhỉ? Không biết mình đã thấy con vật này chưa nhỉ?” – Quang nghĩ – Ở Mỹ hơn ba mươi năm anh không hề thấy con thạch sùng. Trước đó ở Sài Gòn thì có thể, nhưng anh còn bé, không nhớ. Con thạch sùng cái (Quang đoán nó là cái vì là con bị săn đuổi) bò thật nhanh đến giữa trần nhà thì dừng lại, đúng ngay vị trí trên chiếc giường hai người nằm. Nó quay đầu đối diện với con đực vừa bò sát theo sau. Hai con (đứng hay nằm?) im phắc, cong người chờn vờn. Hai cái đuôi ngọ nguậy, cong cớn, uốn éo. “Chúng đang động cỡn” – Anh nghĩ – Rồi anh ôm chặt lấy Vi xoay đè hẳn lên người nàng. Quang vừa thoáng nghĩ nếu chúng làm tình thì một trong hai con có thể rớt xuống đúng ngay giữa mặt mình. 

Quang quên phắt con vật. Anh chồm tới đè ngực mình trên hai bầu vú căng cứng của Vi. Đúng lúc cả hai nguời sắp sửa lên “phút cao điểm” thì ở ngay đầu giường, trên chiếc bàn thấp, trong chiếc ví xách tay của Vi, có tiếng nhạc ròn rã, bản nhạc “Từ Biệt” quen thuộc mà hồi bé anh vẫn hát: Tò te! Con ma đánh đu… 

“Cái cellphone!”– Quang rủa thầm – “Có im đi ngay không!”. Tiếng nhạc không im. Trái lại càng to hơn. Réo rắt. Giục giã. Tò te!... Con ma đánh đu… thằng Tây nhẩy dù… Zô-rô bắn súng… Quang cảm thấy cái bầu vú ép vào ngực mình xẹp dần xuống. Vi nhỏm dậy, với tay lấy cái ví mở ra, cầm điện thoại di động áp tai: 

– A-lô! 

– Con khỉ? Mày đi đâu tao kiếm mãi không ra! Lùng hết cả vườn Chí Linh cũng không thấy… 

Vi đưa tay vuốt lại mái tóc. 

– À…ờ … Tao đi chợ… Có chuyện gì không mày… 

– Chuyện con Thảo. Mày biết không. 

– Gì? 

– Nó có chửa rồi mày ơi! 

– Thật hả? 

Vi nhỏm dậy, ngồi trên mép giường, sỏ hai chân vào hai ống quần jeans, đứng hẳn dậy, một tay cầm điện thoại, tay kia kéo “zip” cài quần. Rồi Vi ngồi xuống mép giường, rù rì nói chuyện. Nửa giờ sau câu chuyện vẫn chưa dứt. 

Ngán ngẩm Quang kéo chiếc gối đặt sau lưng ngồi dựa tường châm thuốc hút. Anh biết có bảng cấm hút thuốc trong phòng ngủ nhưng anh không “ke”. Anh đang bực mình cái xeo phôn. Anh oán lây tất cả những phát minh tân tiến của thời đại. 

Theo làn khói thuốc Quang nhìn lên trần nhà. Hai con thạch sùng đi đâu mất tiêu. Chúng đã làm tình xong. Thoải mái. Anh ước gì kiếp sau mình làm con thạch sùng. 



Bước mấy bực lên chòi bát giác Quang lôi máy ảnh ra xem xét. Anh phủi nước mưa trên cánh áo gió, nhìn xung quanh. Trong chòi chỉ có mình anh trú mưa. Anh nghĩ đến cô thợ chụp ảnh. “Con bé hay quá! Giọng nói nó đặc kịt Hà Nội. Mình chụp lén hai ba pô, chắc nó không biết”. 

Ấy là anh tưởng thế. 

Vi căng ô phía trước chạy vào chòi. Cô cúi xuống bấm nút cụp chiếc ô, vẩy vẩy chiếc ô sũng nước xuống sàn. Ngửng lên cô thấy đôi mắt người đàn ông đang nhìn mình. “Cái ông vô duyên!”. Cô nghĩ. “Chụp trộm người ta. Tưởng mình không biết hả?”. 

Hai người, mỗi người đứng một góc chòi, quay ra nhìn trời mưa. Mưa nặng hạt. Và gió. Gió thổi lộng từ phía hồ Gươm. Lát sau gió tạt những hạt mưa bay xéo vào chòi. Hai người né mưa, vô tình họ đứng xích lại gần nhau ở chính giữa. 

Quang bấm mấy cái vào chiếc máy digital. Anh lựa bức ảnh “zoom” cô gái ngửa mặt nhìn tượng vua, đưa màn ảnh gần mắt cô gái. Anh nói, bắt chước giọng Hà Nội: 

– Xinh nhất đấy! 

Quang bấm tiếp cho hiện lên hai bức ảnh khác, hai bức Vi cầm máy quỳ xuống chụp hai mẹ con. 

– Cô phải trả tôi tiền chụp mấy bức này. Cô tính tiền người ta bao nhiêu tôi tính cô bằng giá. 

Vi không nói gì. Nhún vai. 

Lát sau cô giơ tay sờ vào chiếc máy ảnh độ sộ của Quang: 

– Máy của chú hiện đại nhỉ? Máy gì thế? 

– Máy Canon EOS digital! 

– À, máy kỹ thuật số! 

– Ừ, máy số rất thông dụng. Bây giờ người ta ít dùng máy phim. Máy số vừa nhỏ gọn vừa rẻ tiền. Nhưng máy Canon này thì lại rất mắc. Nó có thể zoom xa và hình rất nét. 

– Cách dùng có khó không, chú? 

– Không khó đâu. Tôi sẽ chỉ cô cách xử dụng. Nhưng này! Đừng gọi tôi bằng “chú”. Nghe già quá. Chắc tôi chỉ gấp đôi tuổi cô thôi. Cô mà hai chục thì tôi mới bốn mươi à. Gọi “anh” đi. 

– Ừ, thì anh. Việt kiều hả? 

– Không có đâu. Tôi là Việt việt. Mới Sài Gòn ra. 

Vi nghĩ trong bụng: “Mấy ông Việt kiều nói láo bỏ mẹ!”. 

Phía ngoài. Thoắt cái. Mưa dứt. Trời quang. Quang nhìn trời. Mưa Hà Nội thật kỳ cục! Mới lúc nẫy còn mưa đùng đùng thế mà đột nhiên trời im rơ, ráo hoảnh. Quang nói tiếp: 

– Giỡn cô cho vui chứ tôi theo đoàn nhiếp ảnh từ Mỹ về Việt Nam chụp hình. Hai hôm nữa đoàn sẽ đi dọc biên giới Hoa Việt chụp hình phong cảnh miền thượng du và sinh hoạt của dân sắc tộc. Trong thời gian đợi phái đoàn tới từ nhiều nước, tôi có hai ngày ở Hà Nội, chưa biết làm gì. Cô có cách gì giúp tôi cho qua hai ngày ở đây không? Hay là… cô đi chụp ảnh Hà Nội với tôi? 

–Trời tạnh rồi. Tôi phải làm việc. Ai mà rỗi như ông? 

Vi nói xong cầm ô đi về phía bức tượng. Quang xách máy ảnh đi theo. Anh năn nỉ: 

– Cô chụp ảnh cho khách. Vậy chứ tôi thuê cô chụp ảnh cho tôi không được sao? 

Vi không nói gì. Cô lẳng lặng dựng lại cái giá gỗ bị gió đổ kềnh, gỡ tấm bạt. Đồ nghề của Vi xem ra không nhiều. Ngoài tấm bảng có ghim những bức ảnh chụp người và phong cảnh Hà Nội, còn một cái thùng vuông dùng làm bàn và một chiếc ghế xếp thấp, hai thứ này lúc nẫy cô gửi tạm tại một quán bán postcards gần đấy. 

Đường Đinh Tiên Hoàng lúc nẫy trong cơn mưa rào vắng bóng xe nay đột nhiên như bừng dậy. Xe máy lại ào ào lướt qua. Tiếng động cơ khạc nổ, gầm rú. Riêng vườn Chí Linh không lấy lại được cảnh cũ đông đảo. Cả một khoảng sân rộng chỉ có hai người đứng. Kể thêm nhà vua, là ba. 

Quang bảo Vi: 

– Cô có đợi đến chiều cũng không có khách đâu. Trời cứ lát lát lại mưa như thế này có ai điên đâu mà chụp ảnh? 

Vi bực mình, lấy máy ảnh ra cầm tay: 

– Thế ông muốn gì? Muốn tôi chụp ảnh hả? Nào thì chụp! Ông lấy phông nào? Vua hay hồ? 

Quang tiến tới sát gương mặt phụng phịu của cô gái. Anh nhỏ nhẹ: 

– Cô hiểu sai ý tôi rồi! Tôi muốn cô chụp hình tôi. Nhưng không phải bằng máy của cô mà bằng máy của tôi. Nhân tiện tôi chỉ cô cách xử dụng máy ảnh digital. Mà không phải chụp ở đây đâu, chụp đây thì chán chết! Cô dẫn tôi đi chụp những nơi phong cảnh đẹp nhất của Hà Nội mà chỉ cô biết thôi, tôi làm sao biết được. Tóm lại là tôi thuê cô nguyên ngày. Cô vừa là hướng dẫn viên du lịch, vừa là nhiếp ảnh viên. Cô giúp tôi đi. Để cô khỏi thiệt tôi sẵn sàng trả cho cô gấp đôi số tiền cô kiếm được trong một ngày làm việc. Ốc kê? 

Vi nghĩ bụng: “Nghe được đấy chứ? Xem ra anh “kiều” này có vẻ sộp. Mình cũng thử phiêu lưu một chuyến. Cứ OK phứa đi!”. Cô trả lời: 

– Ốc kê! Tôi đèo anh đi. 

Nói xong Vi tiến tới cái quán bán postcards nói chuyện với bà chủ quán. Quang giúp Vi kéo cái giá gỗ và thùng đồ nghề của Vi lại quán gửi. 

Quang quàng chân ngồi sau chiếc xe hai bánh. Đây là lần đầu anh ngồi loại xe này. Chiếc xe xịn nổ máy. Xe vọt đi làm anh bật ngửa ra sau. Quýnh quáng anh ôm chặt lấy bụng cô gái. Vi quay đầu hỏi: 

– Đi đâu? 


11 

Con thạch sùng lại hiện ra ở góc tường. Chỉ có một con. Quang quay đầu ngửa cổ nhìn khắp lượt không thấy con thứ hai. Lạ nhỉ! Căn buồng cũng bé thôi, không lý nó tự dưng biến mất? Hay nó chui vào nấp sau cái ống đèn nê-ông? Hay là nó rớt xuống chiếc giường anh đang ngồi? Anh cúi xuống nhìn khắp lượt. Bỗng trí anh lóe ra. À! Hồi bé ở Sài Gòn anh đã từng nhìn thấy con thạch sùng rồi! Nhưng không phải nguyên con thạch sùng. Chỉ cái đuôi của nó thôi. Cái đuôi trên giường. Cái đuôi đang ngọ nguậy trong trí nhớ anh. Trí nhớ anh cũng bảo rằng nếu bỏ tọt cái đuôi đó vào miệng nuốt chửng thì sẽ tốt lắm, trị tuyệt nọc căn bệnh suyễn của anh. Đó là theo lời bà nội anh nói thế! 

Trong buồng tắm có tiếng mở khóa nước. Nước trong vòi hoa sen chẩy lẫn với tiếng hát vang của Vi vọng ra: “Hà Nội ngày tháng cũ… Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ. Hà Nội ngày tháng cũ… Có tiếng oanh ca trên bờ Tường Vi”. 

Tường Vi! 

Anh vụt nhớ đến ngày hôm qua. 



– Mình đi ăn đi. Đói rồi. Quán ăn ngay góc Cầu Gỗ. Đi lối này! 

Đó là quán Quang vẫn đến ăn từ hôm anh đến Hà Nội mấy hôm trước. Nó gần khách sạn anh ở phố Hàng Buồm. Quán là căn nhà nhỏ hai từng. Một cầu thang gỗ hẹp lên lầu hai. Trên đó có một cái lan can gỗ chìa ra ngoài đường Đinh Liệt. Anh thường chọn cái bàn nhỏ hai người ngồi. Trên lan can nhìn xuống góc đường là nơi năm con phố cổ chụm đầu đâm ra hồ Gươm. Ở cái góc này sinh hoạt của Hà Nội lúc nào cũng náo nhiệt. Trên những vỉa hè hẹp dân chúng, người bán, du khách lèn nhau mà đi. 

Lên gác Quang chọn đúng cái bàn anh vẫn ngồi ăn hàng ngày. Lan can chỉ đủ chỗ cho ba cái bàn nhỏ. Hai bàn kia là hai cặp người ngoại quốc trẻ đang ngồi ăn. Cô thợ ảnh ngồi đối diện Quang qua chiếc bàn nhỏ. Cô cởi chiếc mũ bê-rê đặt lên bàn cùng với chiếc ví xách tay, hất đầu rẽ sợi tóc phủ trán, hai tay lùa sau gáy vén mái tóc, rồi một tay chống cằm cô ngửa mặt nhìn Quang. 

Quang hỏi: 

– Ăn gì? 

– Vi không đói. 

– Thế thì uống gì nhé? 

Một con bé chạy bàn lại gần. Vi nói: 

– Em cho chị chai bẩy úp! 

Quang gọi thức ăn và chai bia Tiger. 

– Tên cô là Vi? 

Vi mỉm cười. Quang nhìn mắt Vi. Thoáng có một ánh vui trong đó: 

– Phải, Vi. Tường Vi. Một loại hoa đấy! 

Rồi cô hát. Nho nhỏ. “Hà Nội ngày tháng cũ. Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ. Hà Nội ngày tháng cũ. Có tiếng oanh ca trên bờ Tường Vi…”. 

Ngheo mắt, Vi hỏi: 

– Biết bài hát này không? 

– Biết chứ. Bài của Song Ngọc. 

Quang trả lời. Anh hát tiếp: “Hà Nội ngày tháng cũ, có dáng em tôi áo trắng nghiêng nghiêng đường chiều, tiếng guốc lưa thưa lao xao khua trên vỉa hè, mùa thu theo gió heo may…”. 

Con bé mang chai bia và nước ngọt ra. Nó mở cả hai chai. Vi quắc mắt chỉ vào chai nước Sprite, mắng con bé: 

– Thế này là thế nào? Đã bảo bẩy úp sao lại mở chai này? 

Con bé sợ hãi: 

– Hết bẩy úp rồi. Mẹ con bảo thứ này cũng thế. 

– Cũng thế nào được! Bẩy úp là bẩy úp! Tôi không thèm uống đâu! 

Nói xong mặt Vi xị xuống, đẩy cái chai ra xa. “À! Thì ra cô nàng đòi uống Seven-Up”. Quang nghĩ. 

Ăn xong, Quang đang sửa soạn gọi tính tiền thì ở trên bàn có tiếng nhạc phát ra khá to. Vi chụp cái ví, mở ra lấy cái cellphone: 

– A-lô! 

Quang lấy thuốc lá châm hút. Thuốc Thăng Long. Hương vị lạ. Đăng đắng. Anh thèm một ly cà phê, nhưng anh nghi ngờ cái ngon cà phê ở đây. 

Lôi máy ảnh ra khỏi bao, Quang tì máy vào lan can, chĩa ống kính chúc xuống. Bên kia đường là quán cơm. Cơm bụi hay cơm chỉ? Khách ngồi la liệt ở vỉa hè trên những chiếc ghế nhựa thấp tẹt bé tí. Chiếc ghế nhựa oằn xuống dưới sức nặng của mấy anh tây ba-lô. Quang hướng máy “zoom” vào tủ kính. Trong tủ có hơn chục cái ngăn nhỏ. Đậu phụ. Thịt kho. Cá hấp. Canh rau. Đồ xào. Đồ mặn. Đồ chua. Đủ cả… 

Vi gấp cái nắp điện thoại, bỏ lại trong ví, đứng dậy nói: 

– Mình đi thôi chứ? 

Cô hất tay xem đồng hồ. Bỗng cô tháo đồng hồ tay ra đưa lên tai nghe, lắc lắc mấy cái, nói: 

– Đồng hồ của Vi có vấn đề … 

Quang hỏi lại: 

– Vấn đề? 

– Ừ, nó chết. Mấy giờ rồi anh? 

– Một giờ rưỡi. Này! Vi có biết quán cà phê nào ngon ngon gần đây không? 

Không đợi Vi trả lời Quang đứng dậy ngó quanh tìm cái toa lét. Chai bia Tiger làm anh mắc tiểu. Thấy cái phòng nhỏ ở góc, phòng không có cửa chỉ có màn che, trên đề chữ W.C, anh bước tới vén màn vào. Phòng bé tí teo chỉ độ hai thước vuông. Trong đó trống hổng. Anh không thấy có một cái lỗ nào. Dưới sàn sát tường chỉ có một đường rãnh. Ở góc có để vại nước, một cái gáo quàng trên miệng vại. Trên tường nghệch ngoạc một hàng tiếng Anh, rất khó hiểu: “Water only!”. Bỗng anh chợt nghĩ ra: “Chỉ tiểu tiện thôi. Không được đại tiện!”. Quang tiểu vào đường rãnh rồi múc nước dội. Đi ra anh mỉm cười nhìn hai thiếu nữ ngoại quốc đang ngồi ăn, anh hy vọng rằng hai cô này nếu cũng vào toa lét thì mong hai cô cũng “thông minh” như mình! 



Ở tiệm sách ra trời đã tối. Quang đi trên vỉa hè rộng về hướng bờ hồ. Đến góc đường chỗ có đèn sáng choang là cửa hàng bách hóa Tràng Tiền, anh đi lên mấy bực thềm đẩy tấm cửa kính bước vào. Thương xá rộng lớn có máy lạnh mát mẻ. Anh lên cầu thang cuốn lên lầu hai rồi lầu ba. Anh đi vòng vòng ghé nhìn vào các cửa hàng tìm mua một món quà gì cho Vi. Chiều nay lúc chia tay, anh đưa con bé một số tiền khá lớn nhưng nó không nhận. Con bé thiệt… Nó chở mình đi nhiều chỗ hay quá, quán cà phê Phố Cổ, mình phải trở lại quán này lần nữa, lại đi một vòng khắp thành phố chụp ảnh Hồ Tây, vườn Bách Thảo, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, Lăng Miếu… nội xăng không cũng bộn tiền của nó. Ngày mai lại còn hứa sẽ chở mình ra vùng ngoại ô chụp ảnh. Không biết mua cho nó cái gì nhỉ? Quang nghĩ mãi. Lúc anh đi xuống lại lầu một qua khu bán nữ trang và đồ trang điểm phụ nữ, thấy có mấy tiệm bán máy ảnh bán đồng hồ, anh sực nhớ ra cái đồng hồ đeo tay của Vi, cái đồng hồ “có vần đề”. Hay mình mua cho nó một cái? 

Quang nhìn qua quầy hàng kính. Đồng hồ hiệu Movado, Omega thì quá mắc tiền. Seiko, Citizen đỡ hơn nhưng cũng chẳng rẻ, khoảng từ một triệu đến ba triệu. Quang tính nhẩm. Cũng phải trên trăm đô. 

Anh lựa hai cái Seiko. Cô bán hàng bận chiếc áo dài xanh cúi xuống lấy trong tủ ra hai cái đồng hồ đặt trên mặt kính. Một cái màu bạc hình chữ nhật, cái kia tròn mạ vàng. Cả hai đều đẹp lại cùng giá, anh không biết lựa cái nào. Bỗng anh nhìn bàn tay của cô bán hàng, bàn tay dài trắng nuột. Anh tán tỉnh: 

– Cô có bàn tay đẹp quá! Đẹp hơn cả bàn tay của người mà tôi định mua để tặng cái đồng hồ này! Cô làm ơn đeo cả hai cái cho tôi ngắm thử xem nhé! 

Cô ta đeo hai cái, mỗi cái trên một cánh tay. Quang ngắm một hồi rồi nói: 

– Chịu! Cả hai đều đẹp. Tôi thực tình không biết lựa cái nào. 

Quang nhìn vào đôi mắt cô bán hàng và bỗng thấy cô ta cũng khá xinh: 

– Tôi hỏi thật cô nhé. Cô thích cái nào hơn? 

– Cái nào cũng đẹp! Cả hai tôi đều thích! 

– Thế thì hỏng. Tôi không có đủ tiền để mua cả hai. Cô thích cái nào thì tôi mua cho cô cái ấy thôi. Cho cô chọn đấy! 

– Không dám ạ… 

– Thế thì thôi vậy. Tôi không có duyên với cô… 

Nói xong anh quay mặt bỏ đi. Phía sau lưng có tiếng gọi vội vã: 

– Này… ông… 

Quang quay lại. Cô gái giơ cao cái đồng hồ vàng, đôi mắt cô ta ném về phía anh một cái nhìn rất lẳng. Lườm anh, cô nguýt: 

– Gớm! Ông anh chơi khó em quá! 

Cầm cái hộp nhỏ được cô hàng gói rất đẹp, Quang đi ra cửa, miệng anh hát khẽ khẽ bài Hai Mươi Mùa Nắng Lạ của Trịnh Công Sơn: “Em hai mươi tuổi em là nắng… Cho em bây giờ mắt tình đưa…”. 



– Có. Cà phê Phố Cổ. Ngay bên kia đường. Ngon thì không biết nhưng chỗ ngồi tuyệt! 

Xuống nhà. Vi gửi xe máy ở đầu đường. Hai người đi bộ đến chỗ ngã năm. Xe cộ rần rần chạy quanh cái bồn phun nước. Vi chỉ phía bên kia bồn: 

– Hiệu cà phê bên kia. Đầu phố Hàng Gai. 

Nói xong Vi xăm xăm đi thẳng vào dòng xe cộ đang chạy như mắc cửi. Thấy Quang ngần ngại, cô quay lại nắm tay anh kéo đi: 

– Đi! Chờ xe vãn thì đời nào qua được. 

Quang đi nép vào Vi, nhìn những chiếc xe máy như đâm thẳng vào mình nhưng đến gần thì lạng qua hai bên. Sang bên kia, Vi đi trước. Đến một cửa hàng tơ lụa, Vi biến mất trong đó. Nghĩ là Vi vào ghé thăm một người quen nào đó Quang đứng ở vỉa hè đợi. Lát sau Vi trở ra ngoắc anh. Anh theo Vi qua một lối đi tối và hẹp tựa như một đường hầm, ở cuối lối đi mở ra một khoảng rộng, một khu vườn nhỏ trong sân nhà, nơi đó ánh nắng trên cao rọi xuống qua những tàn lá cây ướp một màu sáng xanh dịu. Mấy cái bàn thấp, những chiếc ghế mây dưới tàn cây: cà phê Phố Cổ. Quán cà phê bí mật. Một ốc đảo biệt lập nằm ngay giữa trung tâm ồn ào nhất của Hà Nội. Ở đây đột nhiên vắng lặng. Nơi góc trong cùng có hai người đàn ông mặc quần đùi ngồi bó gối đánh cờ tướng, một ấm nước trà và hai cái chén bên cạnh. Cạnh một hòn non bộ có một cầu thang cuốn, lan can sắt uốn tròn lên cao. Quang theo Vi đi lên. Lên mãi. Từng hai. Từng ba. Rồi sân thượng. Lên cao ánh nắng chan hòa. Bước lên sân thượng hai người ở trên đỉnh của Hà Nội, ngang tầm những ngọn cây xà-cừ chung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Sân thượng có mái che nắng. Năm bẩy chiếc bàn nhỏ. Thanh niên thiếu nữ Hà Nội ngồi gần kín hết những chiếc ghế nhựa. 

Vi chọn cái bàn sát lan can. Cô gọi cà phê nóng cho Quang và một cốc nước chanh quả cho mình. Quang lấy máy ảnh. Anh tì tay vào lan can hướng máy ảnh ra hồ. Qua ống kính Quang nhìn toàn cảnh hồ từ trên cao. Vây chung quanh bởi rặng cây rậm rạp màu lá đậm, hồ Gươm xanh lấp lánh trong ánh nắng, trên đó rực lên màu đỏ tươi của cầu Thê Húc, của hoa phượng vĩ. Anh zoom ống kính. Tháp Rùa phía cuối hồ tiến lại gần. Chờ cho đến khi một nhánh phượng đỏ nằm vắt ngang tháp anh bấm máy. 

Quang quấy đường trong tách cà phê, đưa lên mũi ngửi rồi đưa lên môi uống. Vi nhìn anh uống cà phê, hỏi: 

– Sao? Có ngon hơn cà phê Mỹ không? 

Quang trả lời: 

– Không bằng cà phê Starbucks. 

– Cà phê “bấc” là cà phê gì? 

– À, cà phê chỗ anh ở. Nổi tiếng lắm. Starbucks bán khắp nơi trên thế giới. Việt Nam chưa có. Nhưng mai mốt thế nào rồi cũng có. Nó mà qua đây thì cà phê Trung Nguyên chết hết! 

Vi cúi xuống cái ống hút. Miệng vẫn ngậm ống cô ngước mắt lên: 

– Anh ở bang nào bên Mỹ? 

– Washington. Chỗ anh ở có một ông giầu nhất thế giới cũng ở. Tên ông ta là Bill Gates. Ổng là vua của máy vi tính. Không biết em có biết không? 

– À ông “Ghết”. Em có nghe. 

– Anh làm cho hãng của ông ấy. Microsoft. 

– Thế thì anh cũng giầu to như ông ta nhỉ? 

– Không giầu đâu. Chỉ vừa đủ trả lương cho em hôm nay thôi. 

Quang đưa máy ảnh cho Vi. Anh chỉ cho Vi cách sử dụng rồi ra đứng ở bờ tường: 

– Em chụp anh mấy pô. Lấy cái phông hồ. 



Từ cửa hàng Tràng Tiền Quang đi dọc bờ hồ về khách sạn. Mới 8 giờ tối. Anh chưa muốn về khách sạn ngay. Về buồng bây giờ thì cũng chả làm gì, chỉ nằm khểnh trên giường coi TV. Giở CNN thì tối ngày tin tức chiến sự Irak. Giở đài Việt thì tối ngày bóng đá. Coi riết cũng chán. Anh sực nhớ ra là ngày mốt đã lên đường đi Điện Biên Phủ và hai hôm nay anh chưa đọc e-mail, không biết chương trình có gì thay đổi không. Khách sạn anh ở thuộc loại rẻ tiền không có máy vi tính cho khách xử dụng. Buổi chiều anh hỏi Vi chỗ nào có thể gửi e-mail, nó nói: “Anh ra Hàng Nét mà gửi”– “Hàng Nét?”– Anh ngạc nhiên hỏi lại – “Hà Nội ba mươi sáu phố phường chả thấy nghe ai nói hàng Nét, hàng Niếc gì cả!” – “Hàng Nét là hàng Nét. Anh cứ đi khắp Phố Cổ thấy chỗ nào có đề chữ Internet thì đó là hàng Nét. Anh nắm được chưa?” – “À ra thế! Đúng là anh chậm hiểu!”. 

Đi ngang qua phố Cầu Gỗ Quang thấy nhiều Mini Hotel, trong đó có rất nhiều du khách ngoại quốc ngồi trước máy vi tính, anh bước vào. 

Check e-mail anh thấy có hai thư gửi mình. Bức thư thứ nhất cho biết chương trình đi chụp ảnh ở biên giới tiến hành như dự trù và ngày mai sẽ có thêm một người của phái đoàn đến Hà Nội, một nhiếp ảnh gia người Úc, cô ta đến từ Melbourne. 

“Mình còn một ngày mai với con bé”. Quang cho tay vào túi quần. Cái hộp nhỏ vuông vuông nằm gọn trong nắm tay anh. 



Mười giờ sáng lúc Quang đến vườn Chí Linh thì Vi đã chờ sẵn. Trời âm u như muốn mưa và hơi lạnh. Vi sáng nay bận thêm chiếc áo len, chiếc mũ bê-rê ngày hôm qua thay bằng mũ lưỡi trai, kiểu mũ dân chơi goft. Vườn hoa lúc ấy không có ai đi dạo. Quán bán postcards chưa mở. Ở trên bệ cao bức tượng vua Lý Thái Tổ ướt nhẫy. Hình như mưa suốt đêm hôm qua. Xe vọt đi. Vi quay đầu hỏi: 

– Đi đâu? 

– Ăn sáng đi! 

– Ăn gì? 

Nghĩ một lát Quang nói: 

– Gì cũng được, miễn là đừng có phở. Phở Hà Nội ăn không nổi. 

Vi lách xe trên những con đường hẹp của Phố Cổ. Dòng xe nườm nượp. Tiếng còi inh ỏi. Quang khép hai chân mình cặp vào đùi Vi, chỉ sợ xe chạy sát bên đụng. Từ lúc lên xe anh cứ co cẳng nên chân mỏi rừ. Mò mẫm mãi anh mới tìm được cái bàn để chân. Thoải mái, anh nhìn hai bên. Hàng Đào. Hàng Ngang. Hàng Đường. Phố ngắn. Hè hẹp. Nhà thấp. Cửa hàng cửa hiệu nối nhau sát sát. Nhưng tấm bảng hiệu lướt qua. Ơ, sao mà lắm “viện” thế này! Nào là viện mát sa, áo cưới ảnh viện, viện cắt tóc gội đầu, viện tẩm quất gia truyền… Tiếng Việt tiếng Mỹ lẫn lộn loạn xị. Shop. Quần bò. Fashion. Jeans. Thời trang. Thẩm mỹ Ê-Va… Nhiều nhất vẫn là những cửa hàng bán quần áo phụ nữ. Những cô ma-nơ-canh ưỡn oẹo trong tủ kính. 

Vi quặt xe qua Hàng Chiếu rồi ngừng lại gần ngã tư. Cô gửi xe rồi đi qua đường. Hai người vào một cái ngõ. Ngõ dài, hẹp, dọc theo một bên là quán ăn, vô số quán ăn nối nhau đến tận đầu kia của ngõ là hông chợ Đồng Xuân. Những quán này bé thấp chiếm gần hết ngõ, chỉ chừa lối đi nhỏ đầy người chen nhau qua lại. Vi quay hỏi Quang: 

– Anh ăn gì? 

– Ở đây có gì? 

– Gì cũng có. Bún chả, bún ốc, bún riêu, bánh cuốn… 

– Bún ốc đi! Lâu không được ăn bún ốc… 

Vi đi tới đi lui tìm quán bún ốc. Mỗi quán chỉ bán độc một thứ. Hai người ngồi xuống chiếc ghế dài, thấp. Quang nhìn xuống dưới đất. Dưới chân rác và nước bẩn nhớp nháp. Quang cẩn thật tìm một chỗ khô để đặt chân. Không thấy Vi đâu, anh quay người nhìn chung quanh. Lát sau Vi trở lại: 

– Em gọi bún chả. Nó sẽ mang lại đây. Anh gọi bún ốc chưa? 

– Chưa. Anh chờ em. 

Vi quay qua nói với cô bán hàng: 

– Chị cho em một bát bún. Một bát thôi nhé! 


Tay cô bán hàng thoăn thoắt. Khách đông. Cô làm không kịp tay. Ngoài khách ngồi chật hai chiếc ghế dài, cô còn phải làm cho khách ngồi ở những quán khác. Quang để ý thấy cứ mỗi lần làm xong bát bún trước khi bưng cho khách cô ta lại bỏ thêm một thìa bột ngọt. Nghe thiên hạ nói bột ngọt làm rụng tóc, mà đầu anh thì đã hói một nửa, Quang bảo cô ta: 

– Tô bún của tôi cô đừng cho bột ngọt nhớ! 

Vừa nói Quang vừa chỉ tay vào cái liễn đựng bột. Cô hàng ngoẻn miệng bảo: 

– Ông anh đã dặn thì em không dám cho mì chính đâu. Các anh chị ở nước ngoài về ai cũng dặn em như thế cả! 

Tuy nói dẻo quẹo thế nhưng Quang thấy cô ta vẫn bỏ một thìa bột ngọt vào bát của anh, chắc là vì quen tay. Quang chặc lưỡi: “Mình ở Mỹ ba mươi năm có ăn bột ngọt đâu mà tóc vẫn rụng như thường”. 

Ăn xong tô bún, trong lúc Vi vẫn còn ngồi ăn, Quang đứng lên lấy máy hình. Anh thấy cảnh sinh hoạt ở chỗ này rất sống động. Bước về phía đầu ngõ anh quay lại bấm mấy pô Vi ngồi ăn với dẫy quán dài ở phía sau, rồi anh hướng ống kính về một ông già đang hút thuốc lào. Ở trên lối đi của ngõ dù chật cứng người qua lại cũng có đặt một cái chõng hẹp bán nước chè. Những người đàn ông ngồi trên mấy cái ghế thấp tay cầm chén nước trò chuyện. Một ông cụ râu tóc bạc phơ rít môt hơi thuốc lào nhả khói. Quang zoom chụp cận ảnh ông cụ ngồi dựa tường lim dim đôi mắt. Anh thích cái phông bức tường. Bức tường tróc sơn bám rêu nham nhở rất hợp với gương mặt phong sương của ông già. 

Quang trở lại chỗ Vi. Anh trả tiền. Hai người đi trở lại phố Hàng Chiếu. Trong lúc chờ Vi lấy xe Quang chụp thêm được một cảnh sinh hoạt khác của Hà Nội. Ở góc đường Đồng Xuân Hàng Chiếu, trên vỉa hè cạnh gốc cây bàng, một anh thợ hớt tóc dạo cắt tóc cho khách. Khách ngồi trên một chiếc ghế đẩu cao, chùm kín trong chiếc áo mưa poncho nhựa chỉ để hở cái đầu, nhìn vào tấm gương nhỏ gắn trên thân cây. Ông thợ hớt vừa cắt tóc xong đang cúi xuống lấy ráy tai cho khách. Ông ta trang bị một cặp kính giống như cặp ống dòm của bác sĩ giải phẫu hay của thợ kim hoàn, chính giữa có ngọn đèn pha chiếu vào lỗ tai khách. 



Lái vòng quanh cột đồng hồ ở chân cầu Chương Dương Vi rồ xe phóng trên đường Trần Nhật Duật dọc bờ đê Yên Phụ. Quang ôm chặt lấy Vi. Con bé lái khiếp thật! Xe chạy vù vù. Bên kia đường là bến xe buýt. Xe và người đông vô kể. Vi lách qua lách lại giữa rừng xe máy chạy đan nhau hỗn loạn. Khói xe mù mịt. Còi xe inh ỏi. Nhìn các cô gái xung quanh Quang thấy cô nào cô nấy cũng đều lái táo tợn như Vi. Không như Vi mấy cô đó đều đeo khẩu trang bịt gần kín mặt. Bên này đường, phía bờ đê sông Hồng, những căn nhà nhiều từng mới xây cất quét vôi màu săïc sỡ, nhà sát nhau, mỏng dính, cao nghệu, như thách đố nhau vươn lên cao. Qua các khách sạn đồ sộ Sofitel Plaza, Sheraton… Vi cho xe chạy trên đường Nghi Tàm về hướng phủ Tây Hồ. Con đường trở nên nhỏ dần nhỏ dần rồi chạy bọc theo bờ nước có hàng liễu rủ. Cảnh trí thơ mộng. Tên những con đường nhỏ nhắn ở đây cũng hiền dịu. Đường Tây Hồ, đường Xuân Diệu, đường Tô Ngọc Vân… 

Cuối hồ Tây là đầm sen. Đầm sen rộng bát ngát. Con đường nhựa rộng rãi, mặt đường nhô cao hẳn lên, đâm thẳng vào ruột đầm sen đến chính giữa thì cụt. Vi ngừng xe tắt máy dựng xe ven đường. Quang nhìn chung quanh. Nơi này mênh mông, hoang vắng, không khí đượm mùi hương sen. Ven đường trên những chiếc ghế đá hai cặp đang ngồi tình tự, hai chiếc xe máy dựng cạnh. Quang không thể nào tưởng tượng được là trong cái thành phố ồn ào và đông nghẹt người như thế lại có thể tìm thấy một khoảng trời bao la rất yên tĩnh và chỉ vỏn vẹn có mấy người. 

Vi quay qua Quang nói: 

– Hà Nội chỉ có chỗ này là em thích nhất. Lần đầu tiên em được bố em dẫn đến đến đây lúc em còn bé. Hồi đó chưa có con đường nhựa này. Năm ngoái bố em dậy em chụp ảnh cũng ở đây. Ông là một tay chụp ảnh chuyên nghiệp. Anh lấy máy ra đi. Máy anh tốt thế thì chắc là ảnh đẹp hơn những bức bố em chụp. Nhưng nhanh lên đi. Trời u ám thế kia có thể đổ mưa bất cứ lúc nào. 

Vi nắm tay dẫn Quang đi lần xuống con đường đất. Con đường nhỏ trơn ướt đi tuốt sâu vào lòng đầm sen. Hai người đi khá lâu. Chặp sau Vi ngừng lại trên một khoảng cỏ hẹp. Chung quanh sen cao ngang bụng hai người. Ở tít xa trên bờ đường nhô cao, Quang nhìn thấy chiếc xe của Vi nhưng không nhìn thấy hai cặp tình nhân ngồi trên ghế đá. Vi chỉ tay phía trước mặt bảo Quang: 

– Anh chụp hướng này này. Đây là vị trí rất tốt có thể lấy hết toàn cảnh hồ sen mà không bị con đường nhựa kia chắn mất, làm hồ bé đi một nửa. Bố em đã tìm ra chỗ này. 

Quang chụp khá nhiều ảnh đầm sen. Anh chỉ tiếc trời hôm nay không nắng. Anh định bụng hôm đi biên giới trở về còn một ngày chót ở Hà Nội anh sẽ nhờ Vi đưa trở lại đây lần nữa. Bát ngát trên một nền màu lá xanh trải dài mãi tít xa nơi có dẫy nhà gạch chắn ngang nổi lên đó đây những nụ hoa sen hồng hồng. Quang cởi giầy bước xuống nước lội trên bùn chụp cận ảnh những búp sen có những con chuồn chuồn xanh đỏ đậu lên. Rồi anh đưa máy ảnh về phía Vi, kéo nàng gần mình qua ống kính. Lúc ấy Vi đang ngồi trên cỏ, tay cầm một búp sen đưa lên miệng. Vừa tiến lại gần Vi anh vừa bấm máy. Bức ảnh cuối là cận ảnh cái môi hồng của nàng đặt trên bông sen. Quang ngồi xuống cỏ bên cạnh Vi. Những lá sen phủ kín chung quanh hai người. Bỗng đồng loạt màu xanh của tất cả lá sen đột nhiên thẫm lại. Vi ngước lên nhìn bàu trời tối xầm, lo lắng hỏi Quang: 

– Mấy giờ rồi anh? 

Quang không trả lời. Anh cho tay vào túi quần lấy ra cái hộp nhỏ. Mở hộp anh lấy ra đồng hồ Seiko mạ vàng. Anh lặng lẽ cầm lấy bàn tay Vi đeo đồng hồ vào cánh tay nàng. Ngửng lên Quang dướn người đặt môi mình trên má Vi. Cô gái quay lại, đưa hai bàn tay vòng sau gáy Quang, đẩy đầu anh về phía mình. Quang ngửi thấy trên đôi môi Vi có mùi hương sen. 

Vừa hôn Quang vừa kéo ngả Vi xuống bờ cỏ. Bỗng anh thấy lưng mình ướt. Những giọt nước mưa rơi trên lưng trên gáy Quang. Vi nhỏm dậy hốt hoảng: 

– Chết rồi mưa to anh ơi! Áo mưa em lại để trên xe. Chạy mau đi! 

Quang cho vội máy ảnh vào bao rồi chạy theo Vi. Dẫm mấy bước trên cỏ anh mới biết là mình còn chân đất. Quang quay lại đi vội đôi giầy vào chân không kịp sỏ bít tất. Lúc anh chạy đến xe người anh ướt sũng, Vi đã mặc áo mưa và cho xe nổ máy chờ sẵn. Quang ngồi sát lưng Vi kéo căng hai vạt áo mưa che thân. Dưới cơn mưa tầm tã, giữa đầm sen bao la, chiếc xe máy vọt đi trên đường nhựa. 

Mưa ngớt hơn lúc Vi lái xe qua đường Xuân Diệu. Bóng hồ Tây trong cơn mưa nhẹ thấp thoáng có “rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang”. Quang ôm chặt lấy Vi. Chuyến về anh dạn dĩ hơn. Anh luồn tay trong cánh áo Vi sờ vào bụng nàng, cảm nhận sự tiếp xúc ấm áp của hai làn da. Lâu lâu anh thử thám hiểm đưa tay lên cao. Chiếc xe bỗng trẹo sang một bên và bàn tay Vi đập mạnh vào lưng bàn tay anh. Mỉm cười sung sướng Quang hát bài ca của Song Ngọc, anh hát rất khẽ chỉ đủ cho riêng mình anh nghe: “Ai ra đi mà không nhớ về, hồ Gươm mù bóng gương xưa… Nhớ hàng Bạc, nhớ qua hàng Đào… Nhớ cơn mưa phùn bay ngang thành phố… Bên em cùng đội mưa mà đi. Đội mưa mà đi mà đi…”. 

Đến phố hàng Buồm Vi ngừng xe trước khách sạn. Quang xuống xe. Anh nhìn Vi dịu dàng nói: 

– Em ướt hết cả rồi. Tóc tai thế kia. Anh không để em về nhà như thế đâu. Lên phòng anh đi. Để khô quần áo rồi hẵng về. Còn sớm mà. 

Quang ngoắc anh bồi khách sạn, dúi tấm giấy bạc hai dollar, dặn anh ta canh hộ chiếc xe máy. Hai người bước lên cầu thang. 


12 

Trong phòng tắm vòi hoa sen đã tắt. Tiếng hát của Vi nghe rõ hơn vì không lẫn tiếng nước chẩy: “Hà Nội người có nhớ Tháp Bút chơ vơ liễu xanh vật vờ… Hà Nội người có nhớ hương lan vương vương bên hồ Thuyền Quang… Hà Nội người có nhớ chiếc áo xanh lam thơ ngây cô em học trò, áo trắng Tây Sơn Trưng Vương em tan học về, đường qua nẻo phố hẹn hò…”. Có tiếng máy sấy tóc. Tiếng máy kêu to át đi tiếng hát. Lát sau Vi bước ra. 

– Bây giờ đến phiên anh. 

Quang nhỏm dậy bước khỏi giường. Anh định bụng vào tắm thật nhanh rồi trở ra ngay. Anh vẫn còn hậm hực về cái cellphone phá đám. “Lát nữa mình phải lén tắt nó đi”. Quang nghĩ bụng. Anh bảo Vi: 

– Đợi anh nhé! Anh ra ngay. Có hai cuốn truyện anh mới mua tối qua để trên bàn em lấy mà xem. Một quyển của Đỗ Hoàng Diệu, cuốn kia của Nguyễn Ngọc Tư. 

Mười phút sau lúc Quang từ buồng tắm đi ra anh không thấy Vi trong phòng. Hốt hoảng anh mặc vội quần áo, đi giầy, chạy xuống nhà. Trước cửa khách sạn trên vỉa hè trống trơn không có chiếc xe máy của Vi. 

Quang bước lên cầu thang. Buồn rầu. Anh nhìn quanh căn phòng. Bỗng anh thấy một cảm giác vô cùng trống trải. Anh sực nhớ anh chưa lấy địa chỉ Vi và ngày mai anh rời Hà Nội. 

Buổi chiều Quang đi bộ đến vườn hoa với hy vọng mong manh gặp Vi ở đó, nhưng vườn Chí Linh trống trơn. Anh ăn cơm chiều ở chỗ ngồi ăn quen thuộc rồi ghé cà phê Phố Cổ. Từ trên cao nhìn xuống hồ Gươm anh ngạc nhiên với chính mình. Mới hôm qua chỉ là một sự đùa bỡn. Tự dưng chiều nay anh cảm thấy như một sự mất mát lớn, cảm giác anh chưa từng có trước đây. 


13 

Năm ngày sau. Vườn hoa Chí Linh. Ông Hội quẳng mẩu thuốc lá ra xa. Mẩu thuốc còn nhả khói quay quay trên hè mấy vòng theo làn gió thổi. Ông Hội bước tới dẫm lên, vừa xoay vừa ấn mũi giầy dí nát mẩu thuốc dưới đế. Ông ta đi tới đi lui trên hè, chiếc máy ảnh khoác vai. Gió thổi mạnh. “Trời lại muốn mưa”. Ông Hội nghĩ thế và hơi buồn. Mùa hè đã hết. Khách vãng lai vắng đi. Cả ngày trời mới có dăm ba người chụp ảnh. Ông Hội nhìn lên cao. Hình như tượng vua Lý Thái Tổ có vẻ cũ đi. Người ta dựng vua ở đấy dễ cũng từ hai năm trước. Không biết có ai lau chùi chăm sóc nhà vua không nhỉ? Ông nhìn vào đôi mắt nhà vua. Hôm nay ông thấy đôi mắt ấy có vẻ buồn, mặc dù trông ngài vẫn rất uy nghiêm. 

Nhà vua liếc mắt xuống. Ngài hơi ngạc nhiên thấy hôm nay ông già này chú ý đến mình. Từ khi ngài trị vì ở đây, ông ta là người thân cận nhất. Vắng bóng ở đây nhiều ngày, hôm nay ngài mới thấy ông ta trở lại. Người con gái cũng thế. Xuất hiện đôi ba ngày rồi đi biệt. Người con gái cũng đứng cùng một chỗ ông già kia, cùng làm một công việc mà ngài không thể hiểu nổi: chặn những người đi qua lại rồi đưa một vật gì màu đen lên mắt, vật ấy lâu lâu lại lóe ánh sáng. 

Nhà vua quay nhìn một thanh niên. Anh ta cũng cầm trên tay môt vật đen giống hệt ông già kia. Anh ta đứng yên đó lâu lắm. Trông anh ta quen quen như ngài đã từng gặp một lần. À phải rồi, anh ta xuất hiện cùng thời gian với cô gái. 

Sau cùng nhà vua thấy anh ta tiến về phía ông già. 

Quang lại gần ông Hội. Anh hỏi ông thợ chụp ảnh: 

– Xin lỗi bác tôi hỏi thế này có hơi đột ngột. Bác có thấy một cô gái cũng làm nghề chụp ảnh như bác thường đứng ở chỗ này không? 

Ông kia trả lời: 

– Không. Cả vườn Chí Linh này tôi là người độc nhất chụp ảnh từ mấy năm nay. 

– Tên cô ta là Vi, Tường Vi. 


– À, thế thì nó là con gái tôi. Mấy hôm nay tôi ốm. Nó cứ đòi đi thay tôi. Nó mà chụp ảnh cái nỗi gì. Nó còn đi học. Mai kia nó ra trường kiếm khối nghề còn hơn cái nghề mạt này của tôi. 

Rồi ông Hội chăm chú nhìn vào cái máy ảnh của Quang. 

– Xem ra cậu cũng là dân sành đấy. Máy của cậu tốt quá! 

Quang nói: 

– Thưa bác, cháu có mấy bức ảnh nhờ bác chuyển hộ cho Vi. 

Anh cúi xuống lục ba tấm trong xấp hình của anh. Một tấm chụp ở vườn Chí Linh. Một tấm Vi ăn bún chả. Một tấm chụp cận hình đôi môi Vi và đóa sen. Anh đưa ba tấm hình cho ông Hội. 

– Cám ơn bác rất nhiều. 

Nói xong anh bỏ đi. 

Vua Lý Thái Tổ nhìn thanh niên bước qua đường Đinh Tiên Hoàng, cắt ngang dòng xe đang chạy như mắc cửi. Bóng anh ta khuất ở hồ Gươm. Nhà vua không nhìn thấy cảnh hai người gặp nhau ở tòa bát giác bẩy ngày trước đó, ngài không biết rằng mình vừa chứng kiến màn chót của một cuộc tình. 



Bức e-mail thứ hai là của Mai. Đọc xong anh đánh vào reply, viết bức thư ngắn gửi vợ. Thư không dấu: 

“Em yeu” 

“Anh cung nho em lam. Anh con mot ngay nua o Ha Noi, chua biet phai lam gi cho het. Anh hy vong chuyen di theo phai doan den bien gioi chup anh se co nhieu hung thu hon. Thoi nghe, chung hon tuan nua la chung minh lai gap nhau roi. Hon em va Vivian”. 

“Anh” 

Đánh vào chữ send, xong, anh ngửng lên khỏi máy vi tính. Đằng sau dẫy máy là tấm gương lớn chiếm luôn cả một vách tường, trên gương có dán những hàng chữ quảng cáo các thắng cảnh du ngoạn. Dưới ánh đèn mờ anh nhìn khuôn mặt mình trong gương và sực nhớ tới lời vợ dặn trước khi đi: “Nhớ đấy! Về Việt Nam đi ăn hàng nhớ dặn họ đừng có cho bột ngọt. Ăn bột ngọt rụng tóc đấy! Mới bốn mươi mà đầu đã hói thế kia rồi!”. 


Nguyễn Tường Thiết