có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 9 23, 2019

Mùa Thu lá vàng Toronto


Mùa Thu trên phố cũ Toronto.

Mùa Thu là mùa gặt hái, thu hoạch nông phẩm, chuẩn bị nhà cửa đón những lễ hội cuối năm như Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Năm Mới đồng thời cũng chuẩn bị đón một mùa Ðông băng giá sắp kéo về.

Ở Bắc Bán Cầu mùa Thu trở về vào Tháng Chín, ngày ngắn dần, thời tiết mát dịu và chuyển sang lạnh dần, những cây rụng lá về mùa Ðông bắt đầu vàng úa và đỏ rực tạo nên một phong cảnh rừng thu rất đẹp nhất là ở vùng New England (Ðông Bắc Hoa Kỳ) chạy lên tới Canada như các tỉnh Québec và Ontario. Mùa Thu năm nay xin mời các bạn cùng chúng tôi viếng thăm thành phố Toronto thuộc tỉnh Ontario, Canada để ngắm sắc đỏ của rừng phong, nghe tiếng lá vàng rơi xào xạc và vài con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô:

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp lên lá vàng khô?
(Tiếng Thu – Lưu Trọng Lư)

Du khách thường viếng Toronto vào mùa Thu vì thời tiết mát dịu, Tháng Chín có nhiệt độ trung bình là 60 độ F, Tháng Mười giảm xuống 50 và Tháng Mười Một là 40 độ. Rừng phong lá bắt đầu chuyển màu vàng tươi, rồi đỏ thắm và cuối cùng là nâu sẫm trước khi rơi rụng để mùa Ðông về tuyết trắng phủ đầy trên rừng phong thân trắng không còn lá. Bắt đầu mùa Thu, trên truyền thanh, truyền hình người ta loan báo những vùng nào lá bắt đầu đổi màu, thời tiết có mưa hay không để cập nhật những tin tức cho du khách đang đến ngắm lá vàng mùa Thu ở thành phố Toronto thanh lịch và êm đềm.

Ðêm hoa đăng ở khu phố Chinatown Toronto.

Chiếc DC-10 của hãng United Airlines đã đưa tôi đến thành phố Toronto của Canada sau tổng cộng hơn 5 giờ bay từ phi trường Ontario của miền Nam California cộng thêm một giờ đổi máy bay ở Chicago. Từ trên cao lúc máy bay sắp hạ cánh, vùng ngoại ô Toronto với những ngôi nhà mới mái ngói màu rượu chát nổi bật trên nền cây cỏ xanh tươi như đang độ vào Xuân mặc dù bây giờ trời đã sang Thu khác hẳn với những bãi cỏ vàng vì thiếu nước, những cây cối xanh đen vì bị ô nhiễm bởi khói xe và kỹ nghệ của miền Nam Cali mà tôi đang sống. Máy bay nghiêng và hạ thấp cao độ, khu trung tâm Toronto với những nhà cao tầng nằm kế cận bờ hồ Ontario đã hiện ra rõ nét. Ngọn tháp CN Tower vừa tượng trưng cho thành phố Toronto vừa biểu hiệu luôn cho cả nước Canada nằm soi bóng bên bờ hồ mà nhìn từ trên cao mặt hồ phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lánh như nạm bạc.

Phi cơ hạ cánh xuống phi trường quốc tế Pearson nằm về phía Tây Bắc và cách trung tâm Toronto nửa giờ xe chạy. Quan thuế Canada cũng rất dễ dàng, nếu không có gì cần khai báo thì đi qua ngã “No Claim.” Nhân viên di trú khi thấy thông hành Mỹ là khoát tay đi luôn. Nhưng đến lượt về, trở lại Mỹ thì nhân viên Sở Di Trú Mỹ ngồi tại phi trường Pearson đòi coi Pass-port hoặc bằng quốc tịch Mỹ hay khai sinh nếu sinh đẻ tại Mỹ. Lượt về cũng không nên mang trái cây, hoa kiểng vào Mỹ. Khu chợ Tàu Toronto trái cây nhiệt đới như vải, nhãn, măng cụt, sầu riêng tươi giá rẻ hơn bên Mỹ. Dân ta hay mang các thứ này về nên quan thuế ở đây hay hỏi trước khi cho vào phòng đợi máy bay.

Sắc lá vàng thu rừng phong Toronto.

Trên xa lộ từ phi trường về nhà, nhìn địa thế xung quanh thì Toronto là một vùng đất bằng phẳng, không thấy một ngọn núi nào dù ở phía chân trời xa. Toronto cũng không bị động đất như California thường hay nếm mùi nhưng trái lại bị tuyết phủ vào mùa Ðông. Bầu trời trong xanh với mây trắng từng cụm, nhiệt độ khoảng 60 độ F, gió nhẹ se se lạnh. Vì gần Bắc Cực nên ở đây tuy mới mùa Thu, nhưng ánh nắng mặt trời tắt rất sớm, 5 giờ chiều trời đã hoàng hôn. Trái lại ngày Hè cũng thật dài, 9 giờ tối trẻ con vẫn còn chơi đùa trong công viên vì nắng vẫn còn. Mưa vào mùa Hè và bắt đầu gia tăng vào mùa Thu, lá cây hai bên đường bắt đầu vàng rực trông rất mát mắt. Dọc theo xa lộ thích nhất là những con suối quanh co uốn lượn với hai bên bờ là những hàng cây um tùm như những khu rừng nhỏ. Cỏ ở đây lúc nào cũng xanh mượt mà người ta cũng không cần gắn hệ thống tưới tự động.

Hệ thống xa lộ Canada hiện giờ thì không bằng California, lề xa lộ dành cho xe đậu khi gặp trường hợp bất trắc (emergency) hãy còn trải đá chứ chưa được tráng nhựa. Những bảng chỉ dẫn trên xa lộ cũng khác hơn ở Mỹ và dùng cả hai thứ tiếng Anh và tiếng Pháp. Ðơn vị đo lường của Canada thì dùng cả hai hệ thống đo lường vừa Mỹ Anh (standard) vừa thập phân (metric) như chiều dài trên đường thì dùng cây số (kilometer) nhưng đo nhà đất thì lại dùng feet. Ðơn vị đo dung tích như xăng thì bán theo lít nhưng với trọng lượng như cân trái cây hay thịt cá thì lại dùng pound. Ðó là sự phối hợp hai hệ thống cân đo của Anh và Pháp là hai nhóm người khám phá ra vùng đất Canada từ thuở xa xưa. Ngôn ngữ cũng vậy, vùng Toronto và thủ đô Ottawa, cả hai thành phố đều nằm trong tỉnh Ontario thì nói tiếng Anh nhưng thành phố Québec thuộc tỉnh Québec thì lại nói tiếng Pháp.


Thị trường nhà cửa

Nhà cửa ở đây vì phải chịu đựng sức nặng của tuyết vào mùa Ðông nên xây kiên cố hơn, tường được xây bằng gạch thay vì gỗ và trét một lớp stucco sần sùi bên ngoài theo kiểu Mễ Tây Cơ như ở Cali. Mái nhà lợp ngói với độ dốc thẳng đứng để cho tuyết khó bám. Cũng như miền Ðông Bắc Hoa Kỳ nhà nào cũng có tầng hầm (basement) xây bằng xi măng cốt sắt chắc chắn dùng làm nền móng chịu đựng cho cả ngôi nhà và là chỗ đặt máy sưởi, bình nước nóng. Tầng hầm thường là nơi để chứa đồ, nhưng người Việt chúng ta thường sửa sang lại thành một đơn vị gia cư có đầy đủ bếp núc và nhà tắm. Nhiều người trang trí tầng hầm thành một nơi vui chơi giải trí cho gia đình tùy theo sở thích của họ như phòng xem TV, nghe nhạc, khiêu vũ, thư viện, bi da, bóng bàn. Riêng em tôi vì cả hai vợ chồng đều thích hoa nên chú ta biến basement thành nursery trồng phong lan. Hầu như quanh năm đều có hoa nở ngay cả mùa Ðông bên ngoài tuyết phủ trắng xóa một màu.

Giá nhà ở Toronto hãy còn quá rẻ chỉ bằng nửa giá so với Quận Cam mặc dù trong vài năm gần đây đã gia tăng khá nhiều. Khác với Cali, nhà mới bán ra ở Toronto thường chỉ có hệ thống sưởi chứ không có hệ thống lạnh (có lẽ vì ít khi nóng nên luật lệ không bắt buộc) và không có tráng xi măng lối vào nhà xe (driveway). Người mua nhà phải thuê thợ tới làm, do đó đọc các báo Việt ngữ tại Toronto nơi mục sửa chữa nhà cửa người ta thường thấy dân ta quảng cáo hai dịch vụ này. Nhưng lối vào nhà xe ở Canada thường trải nhựa (asphalt) chứ không tráng xi măng có lẽ vì sợ tuyết đóng gây trơn trợt dễ té ngã.


Thành phố mới Mississauga

Canada là một trong những quốc gia có chính sách di dân rất rộng mở. Trong những thập niên trước Toronto đã đón nhận người Việt Nam, Hồng Kông, Ấn-Ðộ. Thập niên vừa qua số người Hồng Kông ào ạt tới Toronto trước khi Hồng Kông được Anh Quốc trao trả cho Trung Quốc. Toronto đã không còn đất trống để xây nhà mới nên các công ty khai thác địa ốc đã xây những khu nhà mới ở ngoại ô phía Tây kế cận Toronto và họ đã lập nên thành phố Mississauga và ngày nay đã trở nên một thành phố lớn với dân số hơn 300 ngàn dân gồm đủ mọi sắc tộc. Dân ta ngày mới định cư vào đầu thập niên 1980 đã mua nhà nhỏ và cũ ở Toronto. Sau gần 30 năm chịu khó cần cù nay đã khá giả và ai nấy cũng đều mua căn nhà thứ hai, mới và rộng hơn thường là ở thành phố mới Mississauga.

Tòa Thị Chính cũ Toronto.

Ở Mississauga dân ta cũng đã lập nên một Little Saigon trên con đường huyết mạch Dundas dẫn vào khu Chợ Tàu Toronto. Ngay ngã tư Dundas va Cawthra là khu thương xá lớn có cổng tam quan theo kiến trúc Tàu, bên trong là bãi đậu xe với vườn cảnh, ao cá, nhà thủy tạ đó là Mississauga Chinese Centre được xây vào năm 1989. Trong khu phố Tàu này có hơn phân nửa cửa tiệm nói bằng tiếng Việt Nam. Ngoài chợ thực phẩm Tân Hưng, trong khu này còn có Phở Hòa, Phở 88 nấu theo hương vị Chợ Lớn không có gia vị trái Hồi, các tiệm BBQ, fast food như Ðồng Khánh, Mỹ Lệ Hoa và các tiệm tóc, trang điểm, video, music, du lịch, luật sư, châm cứu, dược thảo v.v… Có ăn “Tĩm Xắm” ở đây mới thấy có rất nhiều món lạ và ngon hơn các nơi khác kể cả Hồng Kông là “thiên đường” của “Tĩm Xắm”! Mỗi sáng cuối tuần thực khách phải sắp hàng dài ra phía ngoài. Nhà hàng sạch sẽ, trang trí theo lối Trung Hoa cổ, các cô tiếp viên mặc xường xám lụa Tô Châu trang trọng, lịch sự.


Toronto đa văn hóa

Giữa hai cuộc thế chiến Toronto là một thành phố buồn, chẳng có gì để hấp dẫn du khách! Ngay thời thập niên 1950, người dân Toronto mỗi khi muốn du hí còn phải lái xe qua Detroit cách Toronto 4 giờ lái xe ở về hướng Tây Nam hay Buffalo, 90 phút xe chạy về hướng Nam qua thác Niagara. Ngày nay tình thế đã đổi chiều, Toronto không phải là thủ đô của Canada nhưng là một thành phố lớn quy tụ đến 3 triệu rưỡi dân mà hai phần ba là dân từ các nơi khác đổ về. Ngoài dân da trắng nói tiếng Anh, các cộng đồng thiểu số gồm có dân da đen. Nhóm da đen ở đây nguồn gốc của họ không phải từ Phi Châu như ở Hoa Kỳ mà lại đến từ đảo Jamaica hiền hòa, ít hiếu động hơn (Ngoại Trưởng Mỹ Colin Powell cũng là người Jamaica). Cộng đồng lớn thứ ba người ta nhìn thấy là cộng đồng người Hoa đến từ Hồng Kông. Làn sóng di dân này đã một thời dâng cao trước khi Hồng Kông giao trả về Trung Hoa lục địa năm 1997. Nhóm thiểu số kế đến là người Ấn Ðộ, họ có bằng cấp nhưng không có việc làm ở xứ họ nên tìm cách di dân qua Canada.

Nét đa văn hóa ở đây thấy rõ hơn hết khi một buổi sáng tôi ra China Town Mississauga thì thấy nhiều gia đình người Ấn Ðộ đi mua thức ăn ở chợ Tàu! Ðàn bà vận quốc phục bằng tơ lụa nhiều màu sắc và đội khăn mỏng như ở miền Nam Cali ta thấy họ đi mua sắm ở Little India đường Pioneer thành phố Norwalk. Ðàn ông người Ấn ở đây ngoài hai nghề kỹ sư và bác sĩ như ở Cali, họ còn đi làm những nghề khác như lái taxi hay bán xăng.

Vật giá nói chung ở Toronto đắt đỏ hơn Cali như giá xăng cũng cao hơn và được tính bằng lít chứ không là gallon. Chợ thực phẩm Canada thì giống như chợ Mỹ nhưng mọi thứ đều đắt hơn. Sữa tươi thì không có thùng một gallon mà phải mua từng hộp nhỏ bằng giấy hay bịt nylon. Khi lấy xe đẩy trong chợ thì phải bỏ đồng 25 xu vào ổ khóa thì mới lấy xe ra được và khi trả xe thì lấy 25 xu trở lại. Mục đích là tránh người đi chợ bỏ xe bừa bãi, tiết kiệm tiền mướn người đi thu nhặt. Ðồng kim loại 25 xu Mỹ cũng xài được ở Canada. Tiền một đồng Canada được đúc bằng kim loại, chỉ 2 đồng trở lên mới được in bằng tiền giấy và tất cả tiền đều có in hình nữ hoàng Anh vì Canada nằm trong Liên Hiệp Anh.


Downtown Toronto

Toronto không đông đảo, xô bồ như New York hay Tokyo mà có vẻ thanh lịch êm đềm như San Francisco. Nó cũng có xe điện (street car) chạy giữa đường và hệ thống xe điện ngầm tân tiến, sạch sẽ, không thấy các chữ ngoằn ngoèo vẽ bậy (graffiti) trên các toa xe. Phía Nam thành phố là hồ Ontario, một trong Ngũ Ðại Hồ, bao la như biển, nhìn không thấy bến bờ phía bên kia nhưng nước lại ngọt và rất lạnh. Du khách có thể xuống phà sang đảo Toronto chơi. Trên đảo là công viên không cho xe chạy, du khách có thể mướn xe đạp, hai chiếc ghép lại làm một chở được 3, 4 người hoặc xuống du thuyền hay tắm nắng, bơi lội. Bụng đói thì đã có các nhà hàng từ hamburger cho đến sang trọng nhưng giá cả phải đắt hơn trong đất liền. Từ đảo qua phà trở về downtown Toronto thì phà sẽ cập bến ở cuối con đường Yonge Street, đây là con đường chính của Toronto chạy từ Nam lên Bắc. Ðứng trên phà du khách sẽ có dịp ngắm cảnh bao quát của thành phố với ngọn tháp CN Tower hùng tráng và những tòa cao ốc bao quanh nó. Trên phà là vị trí tốt nhất để chụp cảnh thành phố Toronto.

Tản bộ trên con đường Yonge St., du khách sẽ đi ngang qua những ngân hàng cao ngất ngưởng, những khu mua sắm nổi tiếng, cổ xưa như The Bay (eBay là Website mua sắm trên mạng Internet có lẽ lấy từ tên thương xá này) hay tân tiến như Eaton Centre tọa lạc ở ngã tư Yonge và Queen Street. Quẹo trái qua đường Queen St. du khách sẽ tới công trường Nathan Phillips nơi đây có tòa Thị Chính cũ đồ sộ và cổ kính như một vương cung thánh đường do kiến trúc sư E.J. Lennox hoàn tất việc xây cất vào năm 1899. Bên cạnh là Tòa Thị Chính mới, được khánh thành vào năm 1965 bởi kiến trúc sư Viljo Revell. Tại công trường này các hội đoàn người Việt thường làm lễ thượng cờ hàng năm.

Tiếp tục nhàn tản trên con đường Queen St. về hướng Tây, khách lãng du sẽ nhận thấy nét độc đáo của con đường này: xe ngoại quốc đắt tiền đậu dọc hai bên và khu phố kiến trúc cổ xưa trên 100 năm với những quán cà phê vỉa hè mà dân chơi Canadian tụ tập tán dóc hay ngắm những bóng hồng qua lại. Phụ nữ Mỹ thường đẫy đà to lớn nhưng phụ nữ Canada trái lại mảnh dẻ nhỏ người, có đôi mắt hơi xếch phảng phất nét Á Ðông. Màn đêm buông xuống thì khu phố lung linh ánh đèn và… thứ gì cũng có!


Chinatown Toronto

Ðến ngã tư Queen và Spadina Ave. du khách bỗng giật mình tưởng đã lạc qua Hồng Kông vì con đường Spadina từ Queen ở hướng Nam lên đến College St. ở hướng Bắc là trung tâm của khu phố Tàu. China Town Toronto là khu phố Tàu lớn nhất ở Bắc Mỹ vì có hơn 150 ngàn người Hoa sinh sống tại Toronto. Trên đường Spadina này có những siêu thị Tàu 4, 5 tầng lầu, những thương xá đồ sộ và lộng lẫy hơn cả Phước Lộc Thọ của Little Saigon. Trái cây vùng nhiệt đới như vãi, nhãn, măng cục, sầu riêng, mãng cầu, chôm chôm được bày bán đầy đường. Những món trang trí, đồ kỷ niệm Ðông phương, chén bát, đồ cổ, tượng thờ tràn ngập trong các cửa hàng. Người Việt cũng xâm nhập được vào China Town Toronto (cũng như hiện nay đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ China Town Los Angeles). Có khoảng một phần ba cửa hiệu ở đây do người Việt hay người Việt gốc Hoa làm chủ. Họ làm đủ mọi ngành nghề như nhà hàng ăn uống, video, dĩa nhạc, sách báo, cà phê, kim hoàn, thẩm mỹ, du lịch, luật sư, bác sĩ… Vùng phía Bắc Toronto như các thành phố Weston, North York là khu kỹ nghệ, người Việt Nam còn làm nghề sơn sửa xe hơi với máy móc tối tân hiện đại được hãng bảo hiểm, các dealer xe mới công nhận và ký hợp đồng sửa chữa cho xe khách hàng của họ.


Chợ trời Kensington

Ngay cạnh phía Tây đường Spadina có khu chợ trời họp ngoài đường có tên là Kensington Market mà dân ta quen gọi là Chợ Do Thái giống như khu Chợ Cũ Hàm Nghi Sài Gòn nghĩa là bán thực phẩm tươi sống như rau cải, cá tôm, sò ốc, gà vịt, phó mát, gia vị của đủ mọi nước trên thế giới và những tiệm bán quần áo cũ của những hiệu danh tiếng. Khu này đông vui rất hấp dẫn du khách ngoại quốc muốn tìm cảnh lạ vì nó có đủ màu sắc, âm thanh, chủng tộc, mùi vị hỗn hợp khó tìm thấy ở những nơi khác. Du khách ba lô cũng tìm đến đây mua những quần áo bụi đời, vật dụng quý hiếm và món ăn, gia vị của xứ họ. Nhưng đến đây du khách phải cẩn thận coi chừng bị… móc túi vì tập trung nhiều thành phần phức tạp. Tuy nhiên nói chung ở Canada, an ninh tốt hơn ở Mỹ và Âu Châu vì tội ác rất thấp và ít thấy bóng dáng của cảnh sát.

Tháp CN cạnh hồ Ontario, ở Toronto.

Ðến Toronto mà không đi thác Niagara thì quả là một điều thiếu sót không khác nào đi Tây Tạng mà quên… thỉnh kinh vì nó chỉ cách Toronto chỉ hơn một giờ xe chạy về hướng Tây Nam dọc theo bờ hồ Ontario. Ðến đây du khách sẽ nhìn tận mắt một kỳ quan hùng vĩ của thiên nhiên với hai thác nước vĩ đại có tên là thác Móng Ngựa và thác Mỹ vì nằm bên phần đất Mỹ với chiếc cầu biên giới nằm vắt ngang để nơi đây du khách có thể “Ngồi đây soi bóng bên dòng nước lũ. Cầu cao nghiêng dốc trên dòng sông sâu.” Ðể rồi “Trên cầu biên giới, lặng nghe dòng đời… từ từ trôi!” (Nhạc phẩm “Bên Cầu Biên Giới” của Phạm Duy).


Trịnh Hảo Tâm