Thế là chúng tôi quyết định thăm viếng tiểu bang Arizona. Trong đó có Sedona. Ô, nhưng tại sao thăm viếng? Không ổn. Làm như thể là bà con thân thích lâu ngày không gặp nay phải đi thăm, hoặc là viếng người bạn trọng bệnh “thập tử nhất sinh”.
Hay dùng chữ du lịch?
Suy nghĩ lại, tôi nhận ra tôi, và có lẽ một số người khác nữa, quả thật không quan tâm lắm đến những gì mang tới cho ta trong chuyến du lịch. Ngồi trên xe, chạy êm êm, ngủ gà ngủ gật. Choàng thức thì mở SmartPhone gọi bạn bè trò chuyện. Hết chuyện thì chúi đầu chúi mũi chúi mắt chơi games. Chơi chán lại ngủ. Cứ thế. Khi đến nơi, xe dừng lại, kẻ ngủ thì giật mình ngơ ngác nhìn quanh, chưa định thần nổi; kẻ đang dán mắt vào Phone thì vội tắt máy, cho vào túi, ngoảnh đầu nhìn ra cửa xe miệng lẩm bẩm, Đây là Hội An ư? Hãy mau mau tới quán cao lầu, mì Quảng, hãy để ý coi có nhiều Tàu khựa như tin đồn hay không; Đây Huế? Kiếm mấy cái nón lá bài thơ, rồi đi tìm quán cơm hến, cơm âm phủ, rồi đi ngủ đò trên sông Hương; Hay đây La Mã? Tìm mua cho được pho tượng cô gái cụt hai tay nhưng có bộ ngực đẹp; Đây Vạn Lý Trường Thành? Thì hãy đi rảo cho hết những cửa hàng lụp xụp phía trước chân thành lựa những bộ lông chồn núi, càng lớn càng tốt, mang về treo giữa phòng khách, coi chừng đồ giả, để chứng tỏ mình đã tới cái thành nổi tiếng đó, chứ hơi sức đâu mà bò càng leo lên, rồi tụt xuống. Trở về từ những chuyến đi xa ấy, đầu trống rỗng, ráo hoảnh.
Du lịch với cái tâm trạng đó có lẽ không thú vị bằng, nếu không muốn nói kém hơn, một người vừa trải qua một cơn bệnh kéo dài, một buổi sáng sớm tinh mơ cảm thấy có phần khỏe khoắn hơn mọi ngày, ráng nhổm dậy mở cửa sổ trên lầu ba cho có chút gió vào, bỗng bàng hoàng nhìn thấy một con chim lạ, đôi cánh dài, chim hồng chăng, đậu trên một ngọn cây cao hót lên một tràng lảnh lót trước khi cất cánh bay lẫn vào biển sương mù biệt tích. Lẩn thẩn muốn theo đôi cánh của nó. Mà nó bay đi đâu nhỉ? Bay đến những chân trời góc biển nào? Bay qua núi cao, hay sa mạc, hay thảo nguyên mênh mông cỏ? Hay truông, hay trảng sỏi đá dương xỉ mọc nhiều? Hay những đồng lúa xanh rì dợn sóng? Rồi sẽ mỏi cánh nhé, sẽ đậu lại thật lâu trên ngọn tháp cao của một ngôi chùa cổ của một thành phố cổ nhìn mùa hè dưới cơn nắng đổ lửa làm giọng nói chợ Đông Ba vang vang từng hồi mệt lả, làm đỏ ửng hoa phượng môi hồng của những trường học con gái, làm sôi sục tiếng ve râm ran từ lúc nắng lên thắp sáng những đọt cau còn cuốn tròn trông như hàng nến khổng lồ chỉa thẳng lên không trung cho đến khi mặt trời bỏ trốn sau những rặng Núi Dài, làm muôn ngàn đóa sen mỉm những nụ cười thẹn thùng, thơm tho, toả hương ngào ngạt cả một vùng hồ rồi lan ra khắp Thành Nội, làm, làm … và làm vô vàn viên ngọc quý tan thành dòng nước xanh biếc của con sông tuổi thơ chảy mãi trong lòng người vô xứ. Xin đôi cánh chim dạn dày phong sương đó đừng quên ngày trở lại, hãy mang về đây nơi cánh cửa sổ lầu ba này những giấc mơ, những tưởng tượng, những khao khát, những nhớ mong.
Thôi, cứ nói “Đi” là đủ rồi. Vâng, chúng tôi sẽ đi Arizona.
Nhưng đi bằng cách gì? Thử dò lại trí nhớ. Thử nhớ chuyện cũ.
Xưa, cụ Nguyễn Công Trứ đã tuổi già sức yếu vẫn còn ham đi đây đó. Cụ chọn một cách “đi” thật là độc đáo, đi bằng xe bò đeo lục lạc ngựa:
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Lại càng ngất ngưởng hơn:
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Kể cũng “chịu chơi” đấy chứ, nhưng nay liệu ta có được cái diễm phúc đó hay không. Coi chừng làm phật lòng các vị đấu tranh Nữ Quyền.
Hay thử noi gương ông cụ thân sinh của cô bé ngày xưa cưỡi ngựa thong dong lỏng buông tay khấu đi đằng sau, nhường cho vợ con đùm đề đi đằng trước:
Em đi cùng với me
Me em ngồi cán tre
Thầy theo sau cưỡi ngựa
Thắt lưng dài đỏ hoe
(Chùa Hương – Nguyễn Nhược Pháp)
Lề mề quá, ngựa mà phải lẽo đẽo đi theo sau người ngồi cán. Quẫn chân, ngựa “dọt”. Lại nổ ra cuộc chiến giữa thầy và me.
Vậy đi bằng thuyền, thú lắm. Thuyền chèo chứ không phải thuyền chạy bằng máy – tiếng nổ của máy phá đám, lạc lõng, chối tai. Đi chơi chứ có phải đi bão đâu mà phải quay cuồng, ầm ĩ. Con thuyền chèo thì lờ lững trôi, mái chèo khua nước lõm bõm, sóng vỗ mạn thuyền róc rách, lục bình lũ lượt nối đuôi. Ngồi bên mạn thuyền nghe mùi sông nước ai ải phả vào mặt, vào mũi. Thỉnh thoảng vài con cá tinh nghịch phóng lên khỏi mặt nước khoe cái bụng trắng phau. Trên trời chim “nghiêng cánh nhỏ” chốc bay trước, chốc bay sau, tò mò dòm xuống. Hai bên bờ, làng mạc thay nhau trình diện và trình diễn. Đây dãy bàng, hàng cau, bụi chuối, lũy tre, khóm dừa. Kia nương khoai, vườn sắn, dãy bắp, đồng lúa. Nọ là những bến đá tụ tập mấy chú bé con đứng lom khom câu cá rô, cá cấn bên cạnh chị chúng nó đang rửa chén bát, hay giặt giũ. Và những nếp tranh ẩn núp sau đám lá biếc, những ngôi đình, ngôi chùa, mái ngói cong rêu phong. Và những nấm mộ nằm quên trong góc vườn nhà. Vâng, thích nhìn cả những nấm mồ thanh thản, im lìm, nó làm cái gạch nối giữa hôm qua, hôm nay, ngày mai.
Tôi lại lẩn thẩn rồi. Đi trên đất nước Mỹ này mà cứ tưởng còn sống nơi quê xưa. Nhớ những con chim Việt thất lạc bên Tàu không thể về nước đành làm tổ ở cành Nam, Việt điểu sào nam chi, cho được gần quê hương thêm đôi chút; nhớ những nhà cách mạng chống Pháp, những người yêu nước trong thế kỷ trước, những cụ Phan, ông Nguyễn, ông Phạm lưu lạc bên Tàu.
Đi đâu rồi cũng nhớ quê hương dù biết rằng, nếu có về, chốn cũ không còn. Và càng đi, quá khứ càng hiện lên rõ rệt.
Đi, là vượt không gian; quá khứ, là thời gian. Tương quan giữa không gian và thời gian đó nhiều khi rối rắm. Có khi không đi đâu cả, ở yên một chỗ giữa bốn bức tường, ở tù chẳng hạn, thấy thời gian rất dài mà người Tàu thường cường điệu nói, Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại (Một ngày trong tù bằng ngàn năm ở ngoài), hay, Nhất nhật bất kiến như tam thu hề (Một ngày không gặp nhau dài bằng ba năm). Như thế có nghĩa khi không gian đứng yên, ta không đi đâu cả, thời gian tha hồ vung cánh bay. Nhưng ngược lại, những chuyến đi khiến cho quá khứ sâu đậm, thời gian bám vào không gian để hiện hữu. Không đi, thời gian mất hút. Trong đời ta biết bao nhiêu thời gian đã vắng bóng, quá khứ trống rỗng, nhìn lui lại không thấy gìcả. Là vì ta không chịu đi. Phải đi thôi. Có dịp, có phương tiện, còn sức khỏe, là đi, phải đi. Đứng tại chỗ, như con thuyền ngược nước, không tiến tất lùi.
Có người khuyên hãy quên quá khứ. Tôi thử nghe, không lọt vào tai. Tôi là người tù chung thân của quá khứ? Quá khứ càng xa có khi càng rõ nét. Của tuổi thơ ấu chẳng hạn. Của mấy cây khế chua, khế ngọt trong vườn mùa hè lá xanh biếc, li ti hoa tím, bên cạnh lứa trái sắp chín mọng vàng mà bầy chim két thường lai vãng tới dùng cái mỏ cong, cứng xé nát trái khế tìm ăn hột; của con dế gáy vang lừng một buổi sáng sớm se lạnh trời trắng bàng bạc một màu, mưa nhẹ hạt nhỏ như sương mù; của một ngày Tết khi còn cả cha lẫn mẹ, mới lên sáu sẽ vào trường Tiểu Học nội trong năm, được mặc áo quần mới còn cứng mà thơm, mang đôi giày mới càng cứng làm đau hai bàn chân dù có mang tất, lòng rộn ràng nghe mẹ bảo, Con sắp được đi học. Đút hai tay vào hai túi quần cho oai đi con.
Thế thì tại sao phải cố quên quá khứ, coi quá khứ như những hành trang nặng nề, cồng kềnh, phải cố trút bỏ nó đi, phải bám lấy hiện tại, để nhẹ nhàng bước vào tương lai.
Cuộc đời có vui, có buồn, có sướng có khổ, có cái làm mình hài lòng, hay ngược lại. Nhưng thông thường dù quá khứ có đen tối đến đâu, khi nhìn lại người ta cũng muốn rọi thêm chút ánh sáng, tô thêm chút màu hồng. Trừ những người thích bi thảm hoá. Quá khứ sung sướng thì càng rực rỡ như đã được nêu lên. Quá khứ cực khổ khi nhắc lại cũng thấy êm đềm lẫn với chút xót xa, bồi hồi. Hồi đó ở tù trong rừng. Đốn tre. Ra khỏi con đường rừng gặp con đường lớn, đường đất trộn đá dăm, xe hơi chạy được. Đoàn tù nối đuôi nhau mỗi người còng lưng vác một cây tre dài và nặng, gốc trước ngọn sau. Ngọn tre kéo lê trên đường, bụi bay mù. Bỗng từ trên một chiếc xe tải nhỏ văng xuống mấy cái bánh tét, bánh chưng. Vài người tù dừng lại, đặt cây tre bên đường, lượm bánh. Về chia nhau ăn, ngon quá, ngon ngoài sức tưởng tượng. Băn khoăn hỏi ai là người cho bánh, và tại sao cho? Sực nhớ Tết sắp đến. Thế là được ăn một cái Tết sớm sung sướng hơn tất cả những cái Tết khác trong đời.
Nhưng bây giờ định đi bằng phương tiện gì nào? Xe hơi, xe lửa, máy bay, tàu thuỷ đều có sẵn, tha hồ chọn lựa. Đi máy bay chán ngắt, thấy toàn mây trắng mây xanh. Có khi chột dạ lo máy hỏng. Chỉ mong mau tới. Tàu thuỷ thì thấy toàn nước. Suốt ngày ngồi đấu láo, hoặc đi loanh quanh cho giãn gân cốt. Rồi ăn chán chê, rồi ngủ. Có máu mê thì kiếm sòng bài.
Đi xe lửa mới thích, nhất là những chuyến đi dài. Ngày như được ngồi bên cửa sổ của căn phòng nhỏ di động nhìn ra cảnh vật nối tiếp nhau, thành phố, làng mạc, núi đồi, sông, biển; đêm thì lần bước tới toa Nhà Hàng, không đói cũng kiếm cái đùi gà quay gặm gặm đưa cay bằng vài ngụm “nước đái khỉ” trước cái nhìn mệt nhọc, ngái ngủ của cô bán hàng. Quẫn chân thì đi luồn lách qua tất cả các toa nối đuôi nhau như không bao giờ dứt để “thăm dân cho biết sự tình”.
Tuy nhiên xe lửa đâu có thể đến mọi hang cùng ngõ hẻm, hoặc những nơi mình muốn tới. Vậy xe hơi tự lái lấy là tiện hơn cả. Muốn đi đâu thì đi, ghé đâu thì ghé. Tới được nơi định tới, đã đành là tốt thôi. Nhưng “dọc đường gió bụi” cũng có những gặp gỡ tình cờ thú vị ngoài mong ước. Thì khi chưa tới đích hãy tận hưởng những khoảnh khắc đó. “Thừa gió bẻ măng” mà. Như một tên cà chua cà chớn đói khát thoạt tiên chỉ định “chôm chỉa” vài quả trứng ăn cho qua cơn. Nhìn quanh không thấy ai, bợ luôn mệ gà đang nằm ấp trứng. Cho nên rong chơi lông bông không mục đích vẫn có cái thú riêng của nó. Chứ đi có đích đến, thì đến là hết chuyện, là tới đỉnh cao, rồi phải lò dò xuống dốc, downhill.
Nói lăng nhăng lít nhít mãi. Sốt ruột. Vào đề đi chứ. Vâng, lái xe đi Arizona vậy.
Arizona là một tiểu bang khá lớn, lớn thứ sáu của Hoa Kỳ, theo thứ tự Alaska, Texas, California, Montana, New Mexico. Diện tích của Arizona là 295,234 km2, gần bằng 90% diện tích của Việt Nam.
Nói đến Arizona, người ta nghĩ ngay Grand Canyon, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của hành tinh này. Chúng tôi đã tới đó mấy lần, và mong có dịp tới nữa. Mỗi lần tới là mỗi lần thấy nó khác hẳn. Và ngay cả trong một lần tới nào đó, một hôm nào đó, Grand Canyon cũng hiện hình dưới bầu trời mênh mông bằng vô vàn hình dáng, màu sắc khác nhau tuỳ theo những biến đổi ánh sáng trong ngày. Hơn nữa, chỉ mấy lần đi Grand Canyon làm sao có thể đặt chân lên mọi ngõ ngách của kỳ quan bao la này.
Nhưng Arizona không phải chỉ có Grand Canyon. Cũng như tại bất cứ một tiểu bang nào khác của nước Mỹ, nhiều nơi ta chưa hề biết đến.
Tôi nhớ khi chưa qua Mỹ, bị gieo vào đầu cái ý nghĩ – do đọc một tác giả “mù sờ voi” nào đó mà tôi quên tên – rằng Hoa Kỳ là một nước non trẻ, cho nên nơi nào cũng giống nơi nào, chẳng khác gì những đứa bé sơ sinh mặt mũi đều na ná như nhau. Chỉ cần đến một nơi là coi như đã đến khắp nơi. Đúng là, nói theo Hồ Xuân Hương, Bá ngọ con ong bé cái nhầm.
Thật ra thiên nhiên của xứ sở này, một lục địa lớn nằm giữa hai đại dương, quả là thiên hình vạn trạng. Mà đóng góp của con người, chỉ trong vòng hơn 200 năm, cũng thật vỹ đại khó có nơi nào sánh kịp. Nhà chọc trời, công viên thành phố, lâm viên quốc gia, cầu cống, xa lộ, đường sắt, đường bộ, đường thủy, hải cảng, phi trường, NASA, đền đài, thư viện, phòng triển lãm, viện bảo tàng, tượng đài, và những cánh đồng mênh mông như biển v.v… Và những công trình mỹ thuật vô giá. Cho nên, mỗi tiểu bang, ngoài “cái chung” na ná, còn có nhiều “cái riêng” khác biệt.
Lần này chúng tôi tạm “ngoảnh mặt làm lơ” Grand Canyon. Chúng tôi đến những nơi khác của Arizona.
Trước tiên, rời khỏi Orange County, thay vì chạy trên Freeway 5 North để đến các vùng như San Jose, San Francisco, Sacramento, Redding, hoặc chạy xéo theo hướng Đông Bắc, rồi Bắc trên Freeway 15 North để đi Las Vegas, Utah, Idaho, Montana, nay chúng tôi chạy ngang từ Tây qua Đông trên Freeway 10 East. Đến thị trấn sang trọng và nóng nhất Palm Springs của Nam Cali, chúng tôi ở lại qua đêm. Sáng hôm sau, tiếp tục chạy trên Freeway 10 East, vượt qua khu Công viên Quốc Gia Joshua Tree, tiếp theo qua khỏi thị trấn Blythe là vào địa phận của tiểu bang Arizona. Sông Colorado chảy qua Blythe đồng thời là đường biên giới giữa California và Arizona. Tiếp tục trên Freeway 10 E, qua nhiều thị trấn khác, chúng tôi vào Phoenix, thủ phủ của Arizona. Ở lại đêm tại ấy, hôm sau hướng về phía Bắc, theo Freeway/em> 17 North, cuối cùng đến thành phố Flagstaff. Từ Flastaff nếu lên hướng Bắc theo Freeway 89 N rồi chuyển qua Freeway 64, tổng số khoảng 80 dặm, sẽ đến bờ Đông Nam của Grand Canyon. Như đã nói, chúng tôi không đến Grand Canyon, mà quay trở về Cali trên những con đường khác, ghé nhiều nơi khác.
Trừ thị trấn Sedona sẽ mô tả dài dòng hơn, xin ghi sơ lược mấy thắng cảnh sau đây.
Thành phố Prescott từng là thủ phủ của Arizona với nhiều chiếc hồ xanh biếc, thơ mộng. Ngay tại ngọn núi khá cao không xa thành phố, thấy hiện lên chữ P (chữ cái đầu tiên của Prescott) màu trắng to lớn, sừng sững. Montezuma nổi tiếng với kiến trúc công phu do bộ lạc Sinagna xây cheo leo trên vách đá dựng đứng cách đây gần 10 thế kỷ. Trên 20 căn phòng được đào sâu trong sườn núi đá khô cứng. Muốn lên đó hay từ đó xuống đất bằng, phải dùng thang dây. Người xưa có lẽ sợ thú dữ, hoặc kẻ thù, hoặc quân cướp, đã dày công xây dựng công trình quái lạ đó. Tuzigoot, xưa hơn cả Montezuma, nay hoang tàn, gồm những đền đài làm bằng những đá tảng to như thùng tô-nô, đặt chồng chất lên nhau, theo thời gian đổ nát, rơi rụng. Phoenix và Flagstaff là những thành phố hiện đại, nhà cao tầng, thư viện, nhà bảo tàng, phòng triển lãm, công viên, lâm viên, đường bộ, đường hoả xa chằng chịt.
Quãng đường đáng ghi nhớ là từ Phoenix lên Flagstaff theo Freeway 17 N, khoảng cách là 123 dặm Anh. Vùng đất rộng lớn này nằm nghiêng từ thấp lên cao. Từ Phoenix ở độ cao 1,087 feet (331.5 mét) trên mực nước biển, chúng tôi chạy lên dốc mãi. Qua vùng New River cách Phoenix khoảng 35 dặm thì độ cao đã lên 2000 feet, đến Prescott National Forest, độ cao tăng gấp đôi, 4,000 feet. Và 5,000 feet tại vùng gần Sedona. Cuối cùng đến Flagstaff với độ cao 6,903 feet tức 2,104 mét, cao hơn Đà Lạt khoảng 600 mét.
Địa hình thay đổi kéo theo những thay đổi khác, đặc biệt về nhiệt độ và cây cối. Chúng tôi đi cuối tháng Năm, sắp vào Hạ, cái nóng tăng dần. Tại Phoenix nhiệt độ trung bình vào ban ngày là 93 độ F (gần 34 độ C). Tôi bỗng nhớ hồi Tiền Chiến, nhà thơ trong Quảng là Nam Trân đã “trầm trồ” sức nóng nhiệt đới của Huế, Đêm Hè:
Trời nóng băm bốn độ.
Đèn, sao khắp đế đô.
Mặt trăng vàng trỏn trẻn
Nấp sau nhánh phượng khô.
Thế thì tại xứ ôn đới này thời tiết với nhiệt độ ấy cũng đáng gọi là oi bức.
Ra khỏi Phoenix trên Freeway 17 N., gặp ngay những khu rừng hoang sơ, cây cối tiêu điều, những ngọn đồi xơ xác, xa xa đã thấy nhiều núi. Rất nhiều loại cây xương rồng với nhiều hình dạng. Có cây cao hơn 10 mét, khẳng khiu; có cây đứng thẳng với hai nhánh vói xa trông giống hình người khổng lồ; có cây trông giống lực sỹ bóng chày đang lom khom cầm gậy quật banh. Xe cứ đều đều leo dốc. Rồi những núi đá nhấp nhô, nhiều loại cây không tên mọc chen với đá. Trời mát dần. Rừng thông thấp thoáng. Càng lên cao thông càng xuất hiện nhiều. Trước khi vào thành phố Flagstaff ở độ cao 6,903 feet (2,104 mét), gặp toàn thông là thông chẳng khác gì những rừng thông trùng điệp nối tiếp nhau từ vùng đèo Prenn chạy lên thành phố Đà Lạt. Tôi có chủ quan chăng, thông nơi này cũng đẹp nhưng không lả lướt và trong xanh màu ngọc bích như loại thông ba lá của Đà Lạt, Lâm Đồng. Nơi đây bắt đầu se se lạnh. Nhiệt kế trên xe cho biết khí hậu bên ngoài là 68 độ F (20 độ C).
Giã từ Flagstaff chúng tôi không trở lui Freeway 17 S. mà men theo Freeway 89 A, Oak Creek Canyon, để đến Sedona. Qua nhiều rừng thông dày dặc trên con đường xuống dốc ngoằn ngoèo. Thông thưa dần, thì những loại cây khác, nhiều nhất là cây sồi, chen chúc nhau. Một dòng suối thật dài cũng chạy ngoằn ngoèo theo con đường đèo. Có lẽ con đường có trước, dòng suối thành hình sau. Con đường với nền móng vững chãi làm lá chắn. Nhiều lạch nước nhỏ chảy lung tung trong núi rừng đổ xuống, bị lá chắn chận lại. Nước men theo đấy tiếp tục chảy xuống, với năm tháng, tạo nên dòng suối lớn bám sát Freewaymột đoạn dài.
Sau những đám cây rừng và cây sồi đã thấy núi đá cao sừng sững, và những ngôi nhà cheo leo trên sườn núi. Rải rác đây đó bên đường dốc, những bảng hiệu Watch For Ice (Coi Chừng Nước Đóng Băng), chứng tỏ mùa Đông ở đây lạnh lắm. Hết hẳn thông, nhiều loại cây khác thay thế, núi đỏ dần dần nhô ra. Lại những bảng hiệu khác, Watch For Rocks(Coi Chừng Đá Tảng).
Con đường vẫn đổ xuống, núi đỏ hiện ra ngay hai bên đường, và trước mặt đằng xa. Lạ thật, núi đá đỏ dậy như vừa được nhúng vào bể nước màu hồng khổng lồ. Mang kính mát vào, màu càng đỏ rực rỡ. Xe vẫn đổ dốc ào ào.
Đến Sedona ở cao độ 4,350 feet (1326 mét), cách Flagstaff khoảng 40 dặm, thế đất dàn trải ra, khá bằng phẳng. Nắng lên, bắt đầu nóng.
Cái ngạc nhiên đầu tiên là con người nơi đây rất nhũn nhặn, khiêm tốn, nép mình, hòa mình vào Mẹ Thiên Nhiên. Những nơi khác, ngược lại, con người muốn gây hấn. Nhà cao tầng mọc lên để “chọc trời”. Đập thuỷ điện dựng lên để chận đứng dòng chảy của những con sông lớn.
Sedona bốn phương đều là Núi Đỏ, màu đỏ hồng mát mắt. Thì hầu hết những gì do con người tạo nên cũng lấy màu đỏ ấy làm gốc. Lề đường đỏ, lan can đỏ, tường đỏ, mái nhà đỏ … Có người còn chịu khó trồng loại cây nở ra hoa có màu đỏ đặc biệt dịu dàng ấy. Đường nhựa đen, nhưng giữa những con đường lớn có kiến trúc ngăn đôi, thì trên đó được rải đá dăm đỏ. Những bức tường cao cạnh những Freeway dùng để chận tiếng ồn của những dòng xe cộ lưu thông cũng được sơn màu đỏ. Tất nhiên định lệ nào cũng có ngoại lệ, có một số vật thể mang màu sắc khác.
Tại các ngã tư, có lẽ để khỏi phải dùng những ngọn đèn báo hiệu màu tạp vàng, xanh, đỏ chói chang, ó lạc điệu đối với màu đồi núi bao quanh, những Round Abouts được xây dựng thay thế. Xe đến các ngã tư không có đèn đường báo hiệu, chỉ việc tiếp tục chạy thẳng, hay rẽ phải, rẽ trái theo Round About.
Một địa điểm rất đặc biệt mà ta phải đến, đó là Chapel of the Holy Cross (Nhà Thờ Thánh Giá). Ngôi thánh đường nhỏ này đứng cheo leo trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ, một phần nhà thờ nằm chênh vênh trong không trung. Ngôi nhà thờ đó quả là trung tâm điểm của một quả cầu vỹ đại từ đó ta có thể nhìn quanh bốn phương, nhìn lên trời cao, nhìn xuống lũng sâu. Trùng trùng núi đá đỏ. Nơi này núi mang hình thù những ngón tay khổng lồ chỉ thẳng lên trời xanh; nơi kia là đỉnh đầu bằng phẳng kéo dài như bức trường thành; nơi nọ là đỉnh nhọn như gươm giáo tuốt trần đâm chia chỉa. Lại có khuôn mặt người hất hàm ngửa lên trời nhìn chim bay ngang, mây bay dọc. Thật là trăm ngàn hình dáng.
Cách Chapel of the Holy Cross không xa, du khách có thể dừng chân lại ngắm Bell Rock (Núi Đá Hình Chuông), và tiếp đến là Cathedral Rock (Núi đá trông giống như quần thể Nhà Thờ) đứng sừng sững bên con suối Oak Creek (Suối Cây Sồi). Thấp thoáng trên những ngọn núi, những người leo núi trông nhỏ xíu đi thành hàng.
Một ngôi nhà nằm lưng chừng vách đá cao và dựng đứng lại gây một ngạc nhiên khác. Là vì bên khung cửa sổ của ngôi nhà cheo leo ấy hiện lên hình dáng rất yểu điệu của ba thiếu nữ tóc vàng, mặc áo xanh, đang chăm chú nhìn đáp lại đám người tò mò như chúng tôi. Đi quẩn quanh khá lâu, khi nhìn lui lại, vẫn thấy ba thếu nữ bất động. A, những bức tượng.
Trước khi giã từ Sedona, chúng tôi tìm một khu phố xem thử sinh hoạt như thế nào. Nhiều nhà hàng ăn uống vui vẻ, tấp nập, nhiều khu bán đồ lưu niệm, mỹ phẩm, tranh ảnh, tranh vẽ, và đủ loại tượng, tượng Chúa, tượng Phật, tượng tiên nữ, tượng người đẹp, chim đại bàng, sư tử; tượng gỗ, đồng, ngọc thạch, thuỷ tinh … Nếu chỉ có thế thì thành phố du lịch nào cũng không thiếu. Sedona khác. Màu đỏ, hồng lồng lộng không gian, trùm lên mọi sinh hoạt khiến ta có cảm tưởng đây là một thế giới khác mà ta lạc bước vào; khu bán đồ lưu niệm biến thành những kho báu của Trời.
Người dân bản địa rất hiếu khách, nhã nhặn, niềm nỡ. Thêm vào đó, nơi này một cô nàng xinh đẹp tay cầm cọ, đứng trước giá vẽ nhìn núi suy nghĩ; nơi kia một anh chàng cao bồi râu ria xồm xoàm ôm đàn ghi ta hát nhạc “đồng quê”; nơi khác một cụ già gây yếu, tóc bạc phơ, hai bàn tay run rẩy tạc tượng. Những cảnh tượng đó khiến cho buổi trưa nắng bớt oi nồng, những con đường lên xuống trở nên êm đềm, du dương.
Chúng tôi vào một quán ăn ở tầng ba lộ thiên để được nhìn thoáng. Xa xa dưới kia, rất nhiều đoàn du khách lui tới, mấy chiếc xe phục vụ du lịch chạy loanh quanh. Nếu có thì giờ ta có thể mua vé đi xem nhiều nơi. Nhưng đây đúng là quán gió. Có khi những tờ thực đơn, những khăn ăn để sẵn trên bàn bị gió thổi cuốn bay xa.
Tại một hồ nước phun nhỏ, cháu bé trong nhóm của tôi nghịch phá, thò tay vào nước quậy. Tôi thấy ngượng, ngăn cản. Một bà già Mỹ ngồi trên ghế mây cạnh đó có vẻ thích cháu bé lắm, nhìn cháu âu yếm, cười với tôi và nói: “Cứ để cháu chơi cho vui. Cháu dễ thương quá. Nhưng đừng cho nó uống nước đó nhé. Nước có pha hoá chất.”
Sedona thu hút rất nhiều du khách, gồm nhiều giống dân. Da trắng nhiều, nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, và tiếng Đông Âu. Cũng có khá nhiều du khách người Tàu, người Nhật. Rất dễ phân biệt Tàu và Nhật. Tàu biểu lộ ra ngoài, nói cười rổn rảng, Nhật thu mình vào trong, âm thầm, lặng lẽ. Thế Việt Nam ta? Tôi thấy một người đội nón màu nâu trông có vẻ Việt Nam. Khi đến gần, tôi nói trổng, Thành phố này đẹp lắm, phải không anh? Đúng là người Việt Nam, anh ta quay lại trả lời bằng một nụ cười tươi. Nhớ cụ Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa từng nói, đại khái: “Người Việt Nam hay cười… Gặp cái gì cũng cười. Chỉ hì một tiếng cho xong chuyện, hết cả nghiêm trang.” Nhưng quả là nụ cười của ta bây giờ có tiến bộ, không còn ngốc nghếch, lãng xẹt, như thời trước.
Rồi cũng phải rời Sedona dù chúng tôi chưa đi thăm được nhiều nơi như dự định.
Lại tìm Freeway 89 S, lại đổ dốc. Cứ thế chạy xuống vùng Congress, đổi qua Freeway 71 rồi đổi qua Freeway 60, cuối cùng gặp Freeway 10, lấy 10 West quay trở về South California.
Freeway 10 dài lắm, băng ngang miền Nam nước Mỹ từ bờ Tây phía Thái Bình Dương qua bờ Đông của lục địa, phía Đại Tây Dương. Nó băng qua 8 tiểu bang, từ California, qua Arizona, tiếp theo là New Mexico, Texas, Louisiana, Mississppi, Alabama, và cuối cùng là Florida. Freeway 10 dài đến 2,460.34 miles hay 3,959. 53 cây số. Đường xa mấy ngàn dặm, chúng tôi chỉ mới đi vài trăm dặm. Còn có dịp đi trên Freeway 10 này nữa chăng? Đi, đi, đi. Đi sao cho hết những con đường dài?
Quãng đường chúng tôi đang quay trở về thuộc tiểu bang Arizona, sắp đến California. Bảng chỉ nhiệt độ cho biết trời bên ngoài nóng hừng hực, 108 độ F (trên 42 độ C), trong xe thì máy lạnh chỉ số 75 độ F. Chiếc xe chạy miên man trên sa mạc vắng. Nhìn thẳng phía trước, núi cao xa xa, lờ mờ thấy hai con đường song song rất gần nhau, một lên núi, một xuống núi, trông chẳng khác gì chiếc thang mây vắt qua. Chúng tôi sẽ qua đó để tiếp tục con đường về. Nhiều đoạn đường luồn qua gió cát, tiếng rào rào vang dậy.
Bỗng trời đất mịt mù. Cơn mưa sa mạc đột ngột đổ xuống. Tôi đã qua mhiều sa mạc. Đây là lần đầu tiên gặp mưa sa mạc hiếm hoi này. Lòng nao nức như đứa trẻ con hai tay bịt tai, miệng há hốc đứng nhìn tràng pháo Tết nổ dòn. Hạt mưa siết mạnh vào kính trước của xe nghe xoẹt xoẹt như khi người đầu bếp thả con cá tươi rói vào cái chảo dầu đang sôi sục. Giọt mưa trên kính không chảy xuống nổi. Xe chạy nhanh, gió thổi mạnh, giọt mưa chảy ngược lên trông như những con nòng nọc đứt đuôi cố bơi trong vũng nước cạn. Bao quanh chúng tôi toàn một màu trắng.
Phải chăng cơn mưa bất ngờ này muốn xoá nhoà trời đất bên ngoài tôi, xoá nhoà ký ức bên trong tôi? Trong một khoảnh khắc rất ngắn, rất hiện tại, tôi quên tất cả. Chỉ biết mưa và mưa, chỉ thấy mưa và mưa, chỉ nghe mưa đập mạnh vào xe. Bỗng quá khứ không ai réo gọi cũng cứ vụt về, những hình ảnh khác nương theo, chen lấn, tranh chỗ, hiện diện – những chuyến đi khác trong đời; những háo hức lên đường; những vui buồn lẫn lộn; và ngay giờ phút này, qua màn mưa bao trùm trời đất, hiện lên những căn phòng chênh vênh trên vách đá được xây dựng gần 1000 năm về trước, rồi những ngọn núi đỏ, đồi đỏ, những mái nhà đỏ, những con đường đỏ …
Mong có dịp trở lại Arizona, ghé Sedona thật lâu vào mùa mưa. Có lẽ trong mưa, Sedona sẽ đổi thành màu hồng dịu dàng.
Ngự Thuyết
8/8/2019