có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 9 08, 2019

Biển Là Địa Chỉ Gửi Nỗi Buồn





Nhạc & lời: Armando da Pina 
Lời Việt: Ngu Yên 
Trình bày: Nguyễn Thảo 
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ 
Ghi âm: ElevenSixteen 
Final mix: LeVuMusic Studio 
Photo & graphics: MarcMarc


Biển Là Địa Chỉ Gửi Nỗi Buồn 

 Bỗng dưng nhớ nhà, hồn chìm theo sóng buồn. 
Biển mênh mông, bước lang thang dọc bờ hoang vắng. 
Miên man, biết bao nhiêu kỷ niệm. 
Nhớ quê tôi thiết tha lệ rưng. 

 (Biển xưa nhớ người, gọi hồn lên sóng buồn. 
Nhớ xa xôi, biển quê tôi một thời khôn lớn. 
Bao năm sống xa chưa trở về. 
Những yêu thương khuất theo thời gian)

Biển, nơi buồn gửi về, lòng nhớ nhà.
 Chia cách phương trời xa vời, bạn bè thân ái.
Xa mẹ cha cùng gia đình.
Sóng kéo ra khơi bao bóng hình.
Chẳng biết mai sau còn thấy nhau một lần.

(Biển, nơi buồn gửi về, lòng nhớ nhà.
Theo sóng muôn trùng chia lìa, tình quê lưu luyến.
Bao lần mơ về quê mình.
Tháng cũ năm xưa vang tiếng cười.
Ray rứt trong tôi tình trái tim lạc loài.)

 Không còn ai ngậm ngùi chia khóc cười.
Những hơi thở cô đơn tan theo bọt sóng.
Như đại dương đời vô tình, sóng chết hoang mang, tôi đứng nhìn.
Chợt trong phút giây, buồn vỡ trăm năm buồn.

(Không còn ai bùi ngùi theo tuổi đời.
Tháng năm mãi phiêu lưu không nơi dừng bước.
Khi đời trôi vào vô hình, cướp mất trong mơ bao mối tình.
Nhìn con sóng xô, gợi nhớ quê hương mình.)


 Mar É Morada de Sodade 

 Num tardinha na camba di sol
Mi t'andá na pr'aia de Nantasqued
Lembra'n praia di Furna
Sodade frontán 'm tchorá

 Mar é morada di sodade
El ta separá-no pa terra longe
El ta separá-no d'nôs mâe, nós amigo
Sem certeza di torná encontrá

 M'pensá na nha vida mi só
Sem ninguem di fé, perto di mim
Pa st'odjá quês ondas ta 'squebrá di mansinho
Ta trazé-me um dor di sentimento


LV: Nghe Cesaria Evora hát bài này đã lâu, tôi biết bạn cũng rất thích nên tôi vẫn thắc mắc không biết lúc nào sẽ nhận được bản dịch cho nhạc phẩm này. Cuối cùng thì không phải Nguyễn Thảo mà là Ngu Yên dịch. Giọng hát khàn khàn đặc biệt của CE quấn quít với những tiếng đàn guitar nghe u uẩn, xót xa gợi nên một nỗi buồn khó tả. Vì muốn tránh trùng lấp nên tôi đã cố tình mang vào trong hòa âm của mình một chút nhịp nhàng của nhịp mambo trộn lẫn với cách đệm đàn của Gypsy Kings. Nhưng cũng vì thế mà tôi có cảm tưởng mình đã vô hình chung khiến cho những nhịp chõi của giai điệu trở thành sắc nét hơn so với cách CE hát. Âu đó cũng là cách để tránh đi việc bắt chước người khác vậy.

NT: Bạn nói đúng. Giọng hát CE là của trời cho. Ngày còn trẻ, bà thường đi hát trong mấy quán rượu không lấy tiền, chỉ cần được uống rượu… chùa. Bà còn được mệnh danh là Nữ Hoàng Chân Đất, vì bà thích tuột giày khi lên hát. Và bà hát, tuy kỹ thuật không có gì đáng nói, màu sắc của giọng hát bà thì thật là tuyệt vời. Trầm ấm, có độ dày, nhưng rất nhẹ nhàng thoải mái. Loại nhạc bà hát đa số là morna, rất giản dị, hợp với những nhạc cụ bản xứ của vùng Cape Verde, Tây Phi Châu.

Và khi hát bài nhạc này, tôi mới nhận ra điểm đặc biệt là bài nhạc mang nhịp điệu nhanh, tương phản với cách hát từ tốn nhưng đầy nhịp chõi tạo ra cảm giác chơi vơi. Đây đó, một vài chữ rơi vào nhịp chính như để mang người nghe trở về với thực tại.

Lời nhạc của anh Ngu Yên là một tuyệt phẩm. Anh có kể cho tôi nghe về cách thức chuyển ngữ mới của anh. Có lẽ một lần nào chúng ta sẽ phải phỏng vấn anh về vấn đề dich thuật này.


Nguồn


--------------------------------------------------------------






Nguyễn Thảo phỏng vấn Ngu Yên

Nguyễn Thảo: Cesária Évora là một ca sĩ từ xứ đảo Cape Verde, phía tây Phi Châu trong vùng Bắc Đại Tây Dương. Năm 1992, dĩa nhạc Mis Perfumado của bà đã được thế giới nhiệt liệt đón nhận, với 13 ca khúc theo thể nhạc morna của bản xứ. Theo anh thì loại nhạc này có gì đặc biệt? Có điểm gì đã lôi cuốn một người thích nghe nhạc như anh?

Ngu Yên: Morna là một loại nhạc nổi tiếng của đảo Cape Verde, Có nguồn gốc kết hợp nhạc dân ca bản xứ. Thể hiện nỗi buồn của kiếp sống bị đô hộ dưới vương triều Bồ Đào Nha, thế kỷ 17 đến 19. Nhất là, sau những trận lụt lớn và những cơn bệnh truyền nhiễm đã sát hại khoảng 70% dân số trên đảo. Vào đầu thế kỷ 20, nhà thơ Eugénio Tavares dùng những bài thơ trữ tình sáng tác nhạc Morna, đã đưa loại nhạc nầy lên tầng nghệ thuật cao hơn. Khi Cesária Évora, mệnh danh là nữ hoàng Morna, mang những ca khúc đặc sản đến thế giới, loại nhạc này đã đi vào lịch sử. Ca khúc Morna nguyên thủy xuất hiện trong điệu chậm (slow tempo). Về sau mới có điệu nhanh, nhẹ nhàng vui tươi dùng để nhảy múa. Hai điệu nhảy nổi bật là Funnaná và điệu Cabo Love, một lối nhảy hết sức gợi tình.

Ca khúc Morna sử dụng ngôn ngữ Cape Verdean Creole, một loại ngôn ngữ lai giữa tiếng Bồ Đào Nha và tiếng địa phương. Tương tựa như tiếng Hán Việt của chúng ta. Nhạc khí họ thường sử dụng là Violão, một loại guitar đặc biệt của dân đảo. Các nhạc khí khác bao gồm violin, guitar (cavaquinho), kèn, và trống Phi Châu. Nhạc morna ảnh hưởng nhạc Bồ Đào Nha, Lusitania, Spanish, Argentina, Brazil, qua giai điệu và ảnh hưởng nhịp điệu bởi nhạc Phi Châu. Đặc điểm quyến rũ của loại nhạc này là tạo một không khí u buồn bằng chất giọng hát cho dù ý nghĩa ca khúc khá bình thường hoặc trình bày qua nhịp điệu nhạc nhanh với trống kèn rộn rã. Tuy nhiên chất buồn của Morna không ủy mị, ướt át như đa số nhạc Việt. Chất buồn của họ bàng bạc, ray rứt nhưng đầm ấm, gần gũi. Thích hợp với ý nghĩa của Morna, gốc từ tiếng Bồ Đào Nha “morno”, nghĩa là ấm áp.

NT: Có người cho rằng morna là loại nhạc blues của côn đảo, anh nghĩ sao về cách so sánh này?

NY: Nhạc Morna và nhạc Blues có một số điểm giống nhau: Cùng phát xuất từ nỗi buồn nô lệ. Cùng có nguồn gốc từ dân ca bản xứ. Cùng có nội dung kể lể chuyện đời thường, nhất là mối u tình đối với quê hương. Tuy nhiên, về kỹ thuật sáng tác, nhạc Morna ít khi nghe họ sử dụng giai điệu 5 nốt của Phi Châu, không nghe họ áp dụng hợp âm (chord) của nhạc Blues, không nghe những nốt nhạc giảm (blue notes) như nhạc Blues truyền thống. Tất cả những điều vừa nhắc đến là các thành tố cấu tạo nhạc Blues và xây dựng không khí “blues buồn” (bluesy). Nhạc Blues phát triển vào thế giới bằng cách kết hợp với nhiều thể loại nhạc khác. Đến một lúc, khó có thể định nghĩa rõ ràng thế nào là nhạc Blues. Có thể nói, tùy vào mỗi người nghĩ Blues là gì. Cá nhân tôi cho rằng, trên căn bản và cá tính, nhạc Morna không phải nhạc Blues. Ngoại trừ những thể nhạc morna biến dạng về sau, khó mà nhận diện.

NT: Riêng về giọng hát của Cesária, một nhà phê bình trên đài NPR đã gọi giọng bà là của loài “ngư nữ, hết sức quyến rũ, có thể làm cho ta buồn rầu, cũng có thể làm bớt khổ đau”. Theo anh nhận xét thì chất giọng của bà có những gì đã khiến người nghe cảm nhận như vậy?

NY: Cesária Évora có một chất giọng đặc biệt, vừa dày vừa đặc sệt vừa có tiếng vang tự nhiên (echo). Ca sĩ Nguyên Khang cũng có chất giọng tương tựa. Hầu hết, chất giọng do bẩm sinh mà có. Sau đó mới nói đến luyện tập. Âm thanh do Évora mang đến nghe buồn buồn và kích thích cảm xúc. Chất “echo” đưa tiếng hát xa và sâu hơn vào tai, tự động tạo ra chú ý, tự nhiên dễ cảm nhận. Giọng hát là một loại nhạc khí sống. Bất kỳ là nhạc khí hay cách mấy, vẫn phải nhờ tài hoa của người nghệ sĩ tấu lên. Tài hoa đó chính là khả năng diễn tả, truyền đạt âm nhạc của vô thức. Nó tự diễn, tự phát, tự điều chỉnh phẩm chất, cao độ, trường độ, nồng độ cho chính xác và phù hợp mỹ thuật. Nó thể hiện cảm xúc tự nhiên vào lời hát theo giai điệu và phối khí, mà không cần sức quan tâm của ý thức. Người nghe thưởng thức tinh hoa truyền cảm và khả năng thuyết phục của tiếng hát. Họ thường nghĩ rằng, đó là thói quen của tài năng. Cesária Évora thành công là do “tài hoa vô thức” này.

NT: Trong toàn bộ nhạc morna của CE, có nhiều ca khúc rất nổi tiếng như Sodade, Petit Pays, v.v… và anh đã chọn một số để chuyển ra tiếng Việt. Mar É Morada De Sodade là một trong số đó, đã thành Biển Là Địa Chỉ Gửi Nỗi Buồn. Khi anh chuyển ngữ, không khí của Biển không còn mang nét lạ lẫm. Nếu ai chưa từng nghe nguyên tác có thể tưởng lầm Biển là một bài nhạc Việt Nam. Anh có thể cho biết những suy tư của anh trong lúc dịch bài nhạc này? Anh nghĩ vai trò của người dịch như thế nào khi phải nối kết giữa cái xa lạ ngoại bang và những quen thuộc trong ngôn ngữ Việt?

NY: Tôi có ý định giới thiệu 10 ca khúc Morna. Tuyển chọn từ những bài hát độc đáo do Évora trình bày và một số ca sĩ nổi tiếng khác như Elida Almeida, Lura… Biển Là Địa Chỉ Gửi Nỗi Buồn là bài đầu tiên. Biển thể hiện nỗi buồn nhớ quê hương cho người dân đảo Cape. Bài nhạc về biển này gợi lại tâm sự của tôi, người phải rời bỏ quê nhà lưu xứ, dù có về lại, chỉ là một quê hương xa lạ. Khi dịch và hát lại những câu: “Nhớ xa xôi, biển quê tôi một thời khôn lớn. Bao năm sống xa chưa trở về. Những yêu thương khuất theo thời gian…” tôi thật sự xúc động. Biển Nha Trang, biển Qui Nhơn… những kỹ niệm, hình ảnh gia đình, anh em, bạn bè, thoáng một chốc đã tràn ngập…”Sóng kéo ra khơi bao bóng hình. Chẳng biết mai sau còn thấy nhau một lần…” Hình ảnh dịch, tứ nhạc dịch, càng gần gũi văn hóa Việt, người Việt càng dễ chia sẻ.

Dịch lời nhạc gần giống như dịch thơ, không thể dịch theo lối dịch văn xuôi. Dịch lời nhạc còn thêm nỗi khó khăn vì phải hát lên từng chữ, tiếp cận sự chính xác theo nốt nhạc và câu nhạc. Hát đúng chưa giải quyết hết vấn đề. Lời hát phải diễn đạt được điều hay, nét đẹp của ca khúc gốc, hoặc ý nghĩa chính mà nhạc sĩ muốn truyền tải và phải lôi cuốn được người nghe.

Dịch thơ cũng như dịch lời nhạc, gần đây, tôi chọn lối dịch Creatranslation, dịch sáng tạo. Trọng điểm là dịch theo thứ tự ưu tiên: 1- Dịch ý. 2- Dịch hình ảnh và tứ nhạc. 3- Dịch ngôn ngữ. Với hai đòi hỏi: 1- Dịch qua văn hóa Việt để trình bày văn hóa bản gốc. 2- Dịch để hát. Có nghĩa, phải theo giai điệu thăng trầm, phải theo tốc độ của câu nhạc, và phải theo phong thái viết nhạc của nhạc sĩ. Đây là công việc khó khăn, ít thành tựu. Lý do: Khi sáng tác nghệ thuật, tác giả hầu hết sử dụng cảm xúc và vô thức. Khi dịch, người dịch sử dụng ý thức và luận lý. Hai việc làm có bản chất mâu thuẫn. Tôi thử nghiệm để nghiên cứu một lối dịch, vậy thôi, chưa có gì hoàn mỹ. Những nhà dịch thuật chuyên nghiệp vẫn thừa nhận, một bản dịch hay là một bản không giống bản gốc lắm.

Làm sao giải quyết những xa lạ văn hóa, hình ảnh, tứ nhạc, ca từ ngoại quốc để chuyển biến thành những gì quen thuộc hoặc có thể cảm nhận đối với người Việt. Đây là một luận đề. Cần trình bày khúc chiết. Cần giải thích tường tận. Cần luận lý thuyết phục. Cần nhiều ví dụ cho mỗi trường hợp. Có thể dày thành cuốn sách. Trong phạm vi bài bút vấn, tôi xin trả lời bằng một ẩn dụ: Chúng ta mời 10 cô hoa hậu thế giới về Sài Gòn biểu diễn thời trang áo dài Việt Nam, để người Việt thưởng thức những gì gọi là mỹ nhân muôn hình sắc trong nét đẹp áo dài. Dĩ nhiên, gấm vóc lụa là được mang ra tuyển chọn. Những nhà thiết kế và thợ may giỏi nhất được mời hợp tác. Từng số đo chi tiết được cân nhắc cẩn trọng. Từng đường kim mũi chỉ được ân cần cảm xúc tháo mồ hôi. Cuối cùng, 10 cô hoa hậu xuất hiện trên khấu, hoàn chỉnh khít khao trong những chiếc áo dài. Người đẹp không ai giống nhau. Cảm nhận được cái đẹp, ai cũng khác nhau. Hoa hậu Ái Nhĩ Lan da trắng mắt xanh, ai khéo chọn áo màu hoa Phượng. Hoa hậu Tây Ban Nha tóc đen da ngâm, ai xuất sắc chọn màu hoàng thổ làm nền… Chân dài chuyển động đường cong khác với dân ta. Không chỉ là đường cong mà hình dáng đường viền di chuyển như sóng lượn lúc thủy triều lên xuống… Nhưng nếu chúng ta cố ý cho các hoa hậu đội tóc giả, trang điểm cho giống người Việt, thì tại sao không để người Việt mặc áo dài cho rồi. Cần chi mỹ nhân thiên hạ? Dịch nhạc ngoại quốc sang tiếng Việt cũng tương tựa. Mục đích giới thiệu những thể loại âm nhạc khác nhau, để mở rộng phạm vi sáng tác và thưởng ngoạn. Mang văn hóa và nghệ thuật mới lạ làm phong phú và thăng tiến âm nhạc dân tộc. Phải chăng đây là điều đáng nghĩ đến khi chúng ta nghe những ca khúc hay của thế giới?