có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 7 25, 2019

Người Con Gái Và Chiếc Lồng Chim Trống




Nàng đứng ở đó, trong bóng tối mù mờ của bến tàu, như cánh hoa quỳnh. Dòng sông đen, những tiếng động ì ầm xa hút như chiêm bao.

Sống mũi thẳng, mái tóc úp vào, đôi môi nhỏ, nàng đứng ở đó - người con gái đứng ở đó, và sau lưng là vũng im của một đời sống khác. Dưới hiên nhà cổ của những tấm ngói âm dương, chiếc lồng chim của nàng đã bỏ trống.

Nàng giơ tay cười hiền lành - Chú về, chú về nghe.

Chiếc tàu rời bến, dòng sông như cánh chim đại bàng xòe ra và gục cổ vô vọng.

Người con trai đưa tay chào.

Sương xuống trong đêm nặng nề, mây thấp không trăng sao. Bên đó là Thủ Thiêm. Đến giữa sông - chàng quay lại nhìn. Trên bến, người con gái vẫn đứng, cái bóng trắng nhòe đi, đóa hoa quỳnh khép lại. 

Người con trai đứng quay lưng về hướng ánh sáng, những chiếc tàu thắp đèn như những con mắt mở lớn. Y đứng bất động, chiếc áo mưa khoác lên hờ hững, đầu đội mũ lọ nồi. Y quẹt cây diêm đốt điếu thuốc, làn khói trắng vu vơ. 

Làm sao cho y hiểu cái dạng thức tình yêu hư ngụy ấy, làm sao y hiểu sự trưởng thành của ý thức chỉ làm cho tình cảm của y không còn đơn sơ, để nhận cho mình một hạnh phúc bé nhỏ không ăn năn?

- Chú, chú cứ cười hoài. Bộ không phải sao?

Cả nàng, cũng không hiểu rằng trong cái ngôn từ thân tình đó đã dấu mặt những xao xuyến hỗn mang không hình dạng của ái tình. Nàng cười ròn, đôi mắt dài theo nụ cười, tiếng cười như viên sỏi lăn trên triền dốc. “Bộ không phải sao chú? Chú kỳ quá, Hiền không chịu đâu!”. Giọng miền Nam êm ái, ngọt ngào. Nàng không thể hiểu được. Nàng còn quá trẻ. Người con trai gọi: “Cô bé - cô bé ” - Nàng bèn nhón chân lên cao. “Hiền hổng chịu đâu, người ta lớn dầy mà gọi cô bé goài.”

Người con trai vẫn thường sang bên đó vào buổi tối - bước xuống chiếc đò máy, tiếng nổ ròn rã, dòng sông đêm rời vùng ánh sáng. Bước lên chiếc cầu nổi, một vùng ánh sáng khác mù mờ hơn - Những chiếc đèn măng song treo trong tiệm tạp hóa, tiệm ăn, tiệm chè. Cái ánh sáng quê mùa làm ngợp ngàng những cảm tưởng từ bỏ. Sau lưng y là Sài Gòn những phố cao huyền hoặc, cái bóng dáng sừng sững của đô thị chụp xuống sinh hoạt như tấm lưới rộng úp trên đầu.


°


Bấy giờ, tôi đặt chân đến đây, một vùng đất mới mà sự ngăn cách bởi con sông đã chia lìa cái không gian chung.

Tôi ở đây, thở từng thước khí trời mới - oà vỡ những xúc động ngạc nhiên về sự thay đổi ấy - nỗi ngạc nhiên làm quên mất thời gian - Thủ Thiêm đen như nỗi nhớ.

Người con trai nhớ gì? Chiếc mũ lọ nồi những ngày thơ ấu, cái rét căm căm vùng thượng du Bắc Việt. Buổi sớm trở dậy, sương muối dầy đặc trên đỉnh cây, mở cánh cửa nhìn ra khu rừng đen tím, im lìm những thần linh bí mật, đứa bé có bao giờ nghĩ đến Sài Gòn. Sài Gòn như một thế giới khác, một đất nước khác, một quê người …

Nhưng bây giờ, Sài Gòn là nơi chốn y dung thân. Và cái quê hương rét căm căm với chiếc mũ lọ nồi thơ ấu chỉ còn trong trí nhớ. Tất cả xa hút như bóng dáng những con chim mịt mù không mày mặt.

Ngàn cây số đường bay đã biến những vùng đất thành khoảng cách xa biền biệt, trí nhớ không còn lành lặn, chỉ còn vá víu những hình nét mơ hồ thuộc một ngôi nhà cổ, ngọn đồi và gió rét từ khu rừng trước mặt đồi lùa đến. Những con ngựa thồ lông đỏ, những người Mèo lưng đeo gù lầm lũi cúi đầu, ngược đường lên giốc, từ tinh mơ của buổi sáng phiên chợ.

Tôi không còn nhớ quê hương. Xin trả lại tôi những sợi dây cột tôi với thời nhỏ ấy.

Bởi - giờ đây, tôi là kẻ lưu đày nơi quê nhà. Tôi sợ hãi và lo âu một ngày nào trở thành con thú rừng, giống như loài chó, mèo hoang khi không còn ở trong mái nhà ấm cúng khói cơm. Nơi đâu là chỗ của tôi? Nơi đâu là căn phần tôi?

Hiền, chú buồn lắm, Hiền có phải là nơi an nghỉ của chú?


°


Trên sân lát gạch, dưới chiếc lồng chim trống, người con gái mặc áo trắng. Nàng ngồi trên ghế đẩu, nàng lật chiếc ghế xuống rồi ngồi trên những thanh chân ghế. Nàng nói nàng thích ngồi như vậy, nàng có cảm tưởng mình gần với mặt đất.

Bóng tối đen nhẹ nhàng, tứ bề yên tỉnh, chiếc phi cơ bay rù rù, chớp đèn xanh đỏ, những ngôi sao lung linh. Người con gái nhìn bạn, cười thương mến - người con trai ngồi bên cạnh nàng, nhìn nàng dịu dàng, nghe nàng kể chuyện. Giọng nói thao thao - những hình ảnh nàng gợi ra tự nhiên và bình thường. Nàng kể về quê nàng, cha nàng, về những cánh đồng lúa và chuột, về những đóa hoa. Rồi nàng kể về những con chim nàng nuôi. Bất chợt, nàng dừng lại, đột ngột chỉ lên chiếc lồng chim trống hỏi người bạn trai:

- Đố chú, tại sao chiếc lồng chim bỏ trống?

Người con trai cười khan, lắc đầu:

- Chú không biết. Tại sao?

Nhưng nàng không trả lời. Nàng không nói gì, cho đến khi chàng ra về. Bấy giờ nàng mới nói, giọng buồn bã:

- Chú đoán đi, Hiền không nói đâu.

Người con trai, trong một cử chỉ trử tình, dịu dàng nắm tay nàng. Y không nghĩ gì cả, chỉ có bóng đêm nồng nàn như hơi thở bối rối.


° 


Tôi muốn nằm xuống trên những tấm gạch kia, ngó lên trời sao, và được khóc một mình không che dấu.

Thật ra, có lúc người con trai đã mơ, mơ về chốn cũ.

Giấc mơ của người tuổi trẻ, buổi chiều nọ, trở về, nhưng không còn ai nhận ra chàng nữa. Những người thân của chàng, bạn bè chàng đều đã chết.

Căn nhà cũ nằm im bên đường, lối mòn cỏ mọc lên cao và rêu xanh đầy trên mái ngói. Một kẻ lạ bước ra mở cửa cho chàng. Chàng đứng im một lúc, rồi xin được vào nhà thăm căn nhà - nơi chàng đã sống những ngày đầu tiên của đời mình.

Chàng bước vào căn phòng - nhìn ra khuôn cửa sau. Cánh cửa mờ đục, xa xa là khu rừng đen tím. Chàng tựa đầu vào bức tường mốc meo, và nói:

- Tôi là Đạm.

Không ai trả lời. Tôi là Đạm. Mọi người đều đã chết. Nhưng điều quan trọng là tôi đã trở về. Về như tự hủy diệt một quá khứ. Hiền còn nhỏ, làm sao hiểu được. Làm sao hiểu được điều buồn bã ấy trong đời người đàn ông?

Có thể, lòng thương mến hiền thục của người con gái đã đem người con trai ra khỏi những cơn nhung nhớ khốc liệt về một quê hương không còn rõ mặt.

Không thể tìm trong Sài Gòn cái hơi gió vùng miền núi Bắc Việt. Vết thương nằm yên, vết sẹo chưa lành lặn, đụng vào còn nhức nhối. Tưởng tượng về một quê hương không còn trong trí nhớ - còn chi đau lòng hơn!

Người con trai sống như lưu đày - Y đã quá tuổi mơ mộng đắm đuối để sống hùng dũng với quả tim nồng nàn. Giờ - Y muốn tìm một nghĩa vĩnh cửu cho đời mình. Y thèm sự thanh bình của tâm hồn - không thể lưu lạc mãi.

Nhưng bên đó, phía bên kia sông của thành phố này, dưới mái nhà cổ lợp ngói âm dương, với bóng người con gái hiền lành và chiếc lồng chim trống của nàng, người con trai hiểu rõ rằng đó không phải là quê hương của mình. Gia nhập với đời sống đó là từ chối quá khứ, từ chối ràng buộc đã giữ Y trong mối quan hệ thần thoại giữa những kẻ không còn bao giờ gặp mặt.

Tôi vẫn nuôi hy vọng trở về với cha mẹ tôi, bạn bè tôi, trở về như đứa bé ngày xưa nguyên lành với những xúc động dại khờ cũ.

Làm sao cho tôi tìm lại một quê hương.


Bây giờ, người con trai nhớ lại. Hình như khi Y buông tay nàng ra, người con gái khóc. Đôi mắt nàng thật hiền lành. Nàng đứng yên nơi bến. Nàng không nói gì, còn người con trai thì châm thuốc hút. Chuyến đò máy chạy gần lại. Trước đó, người con gái nói:

- Chú, rồi Hiền phải lấy chồng.

Khi chiếc đò đỗ lại, người con trai sắp bước xuống, họ cầm tay nhau. Nàng cười héo hắt Chú về, chú về nghe. Giống như bao nhiêu lần trước. Nhưng lần này là lần cuối. Phải chọn lựa. Hoặc là trở lại - không phải như người chú nữa - hoặc là vĩnh biệt.

Người con trai nhớ đến chiếc lồng chim trống. Tại sao những con chim bay mất? Có thể, một lần nào người con gái mở cửa lồng cho chim ăn rồi quên đóng cửa lại. Có thể, một lần nào, những con chim tù túng kêu lên thảm thiết, khiến nàng không cầm lòng được, đã thả cho chim bay đi. Hoặc là bọn con nít hàng xóm nghịch tinh, thấy nàng quá yêu chim, muốn làm nàng đau khổ - đã lén giải thoát những con chim ấy.

Phải, cái bàn tay lạnh buốt run run ấy, cùng giọng nói cảm động: Chú, rồi Hiền phải lấy chồng.

Phải chọn lựa. Hoặc không bao giờ trở lại. Người con gái vẫn sống ở đó, trong thế giới của nàng, cùng sự bí mật của con chim và chiếc lồng trống. Hoặc là người con trai sẽ không trở về vùng thượng du ấu thời. Người con trai dừng lại nơi này. Mỗi buổi tối ngồi trên cái sân lát gạch, bên cạnh người con gái, dưới chiếc lồng chim trống. Và quên, quên cái trí nhớ cay nghiệt và nhức nhối của đời mình.


Lữ Kiều