Lời Việt: Nguyễn Thảo
Trình bày: Nguyễn Thảo
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Ghi âm: ElevenSixteen
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo & graphics: MarcMarc
Mình anh thôi, hắt hiu mình anh thôi
Có ai ngoài em đâu, hỡi người
Mình anh đây vẫn im ngồi bên phone
Mãi mong đợi tiếng chuông
Réo vang.
Em nào
Biết…
Mình anh thôi, mỗi khi chập tối
Một mình anh với quạnh hiu
Biết em nay nơi nào
Giờ vui hay buồn
Vào những đêm trường
Có thấy hiu quạnh không?
All Alone
All alone,
I'm so all alone
There is no one else but you
All alone by the telephone
Waiting for a ring
A ting-a-ling
I'm all alone every evening
All alone, feeling blue
Wond'ring where you are
And how you are
And if you are
All alone too
NT: Sau bao nhiêu bài nhạc hiện đại tôi đã “gay cấn” dịch (thật vậy, nhạc hiện đại thường có những tư tưởng bí hiểm, những hình ảnh dường như không ăn khớp, những từ ngữ không mấy “thi vị”), một ngày bạn đã nói với tôi: chắc phải trở lại với mấy bài jazz standard cho… dễ thở. Được lời như cởi tấm lòng. Tôi gởi ngay cho bạn một bài mà tôi rất thích. All Alone, thật ngắn gọn, có giai điệu thật nhẹ nhàng như một nỗi buồn xa vắng, có lời lẽ trong suốt như nước suối qua khe.
LV: Qua một thời gian dài bạn "tấn công" tôi bằng những nhạc phẩm hiện đại khiến cho tôi khá là điêu đứng với việc hòa nhạc. Nhạc mới sau này rất chú trọng ở nhịp điệu. Hầu như mỗi bài đều có dấu chỉ riêng biệt đặc thù của nó qua câu nhạc hoặc nhịp điệu, khiến cho việc cải biến jazz hóa trở nên khó khăn nhiều, ít nhất là cho tôi. Có lẽ phần lớn là do khả năng không đủ sức để ngẫu hứng thay đổi những bài này nên quá trình dàn dựng hòa âm thành ra chậm chạp. Vì thế nên tôi rất nhiệt tình chào đón nhạc phẩm nhẹ nhàng Một Mình Tôi này.
NT: Bấy lâu nay, tôi vẫn cố dịch làm sao cho gần nghĩa của nguyên tác. Học hỏi nhiều từ anh Ngu Yên, người mà tôi thỉnh thoảng vẫn hay nhờ dịch những tác phẩm nào hóc búa quá cho tôi. Anh hay nói với tôi: Thính giả Việt Nam rất khó. Nếu dịch cho sát nghĩa theo câu văn của ngoại quốc, mà không hoàn chỉnh cái ý cái tứ trong câu tiếng Việt, thì họ sẽ thấy khó chịu và sẽ không chấp nhận. Tôi nghĩ, hay là tại vì một khi mình biết là lời dịch, thì tự nhiên mình có sự đòi hỏi cái mạch lạc của ý tưởng, cái chính xác của ngôn từ, cái xuông sẻ của hành văn (do lòng nghi ngờ?), không cần thiết là trong nguyên bản, tác giả có dùng những thuật ngữ mới với dụng ý riêng hay không. Nếu những câu như “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” hay “bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm” là những câu được chuyển ngữ, chúng ta có bài bải la lên là dịch bậy bạ hay không?
LV: Tôi không phải là kẻ chuyên dịch thuật nên không dám bàn luận nhiều vào vấn đề này. Tuy nhiên đôi khi có những câu từ trong lời nhạc phản ánh cả một phong trào văn hóa, kinh nghiệm sống của từng thời điểm, tình cảm chung của một thế hệ... thì làm sao mà có thể chuyển đổi một cách trọn vẹn qua ngôn ngữ khác được. Đến lúc đó chỉ hy vọng được người dịch gột tả được một phần nào tâm ý của nhạc sĩ qua hiểu biết của riêng mình về những tương đồng và dị biệt của 2 ngôn ngữ mà thôi.
NT: Trở lại với Một Mình Thôi, đến đoạn chờ đợi tiếng điện thoại kêu, thì hình như chuông ở Mỹ kêu hơi lâu, đến những “ring-a-ting-a-ling” mà mình chỉ vỏn vẹn một cái... "reng" (thật ra tôi cũng chẳng nhớ điện thoại VN kêu ra làm sao nữa). Bởi vì vậy tôi đành phải “diễn Nôm” và chẳng thể nào tôn trọng nguyên tác được nữa.
Một điều nữa là vào đoạn kết, bạn mix thêm câu hát bè trước khi dứt bài đã làm tôi hơi khựng lại. Đang “một mình” và bỗng nhiên nghe không “cô quạnh” gì cả làm tôi thật bối rối. Nhưng sau khi nghe nhiều lần thì tôi lại nghĩ, tiếng ấy như là một tiếng vọng trong cái không khí trống vắng kia, hoặc giả là tiếng của người yêu lập lại chăng?