có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 4 29, 2019

12 giờ trưa của nền cộng hòa



Năm trước, mẹ nói: “Hổm rày đánh lớn dữ, đâu tới miền trung. Người ta mới họp báo.” Tôi nói người ta tới rồi, thắng rồi, và mình đã bỏ chạy qua Mỹ sống rồi, ba mươi mấy năm trước. Mẹ nhìn tôi ngờ ngợ. Mẹ thấy gió biển Vũng Tàu vẫn thổi qua ngọn cây hiếm hoi còn sót lại bên vách thành trường Quân Cảnh cũ. 

Ba mươi mấy năm. Cái chết vẫn đang đến. Trong trí nhớ Alzheimer của mẹ.

Ký ức của mẹ từ chối theo tuần tự lịch sử. Hiện thực lẫn lộn đi theo một trật tự tình cảm nào đó trong đầu. Mẹ về sống ở Việt Nam 5 năm trước, sau 30 năm ở Mỹ, khi bắt đầu bịnh nặng. Tuy không nhớ đã từng ở Mỹ, mẹ vẫn nhớ con cháu bên đó. Và mẹ vẫn nhớ một Việt Nam khác, một Vũng Tàu khác, những con đường mang tên Pháp, và những người trong thế giới thời mẹ còn là cô Hoá, con gái ông Võ Ngọc Chấn. Một hôm tôi hỏi về cha nuôi người Pháp của ông ngoại. Mẹ nói: Ông Portpoteau, nhà đường Lapoussière, sau này để lại cho ông ngoại. Tôi không biết viết những tên đó làm sao, hỏi: La poussière, như bụi? Mẹ nói: đường rạp hát đi xuống tới biển thì nhà bên góc trái. 

Một địa đồ trái giờ, đọng vết như bụi. 

Những truyện ngắn của tôi đều hư cấu trên địa đồ của mẹ. Những nhân vật của tôi đi, chạy, vấp trên những khúc đường chồng bóng lên nhau trong ký ức của mẹ. Từ lúc nhỏ, tôi hay chống lại ý mẹ. Khi đã lớn, tôi hay cãi vã với mẹ về lịch sử gia đình. Có lần tôi nói, trong cái nhìn của họ, ông ngoại thuộc giai cấp giàu nhờ thực dân, bóc lột, thì họ làm cách mạng bằng cách tịch thu tài sản mẹ. Mẹ giận tôi suốt một tuần, nói con rời Việt Nam còn nhỏ, con không biết. Tôi vác ghế đập vỡ cửa kiếng nhà ở Garden Grove. 

Nhưng tôi không có một Việt Nam không có mẹ. 

Vậy mà trong ký ức mẹ cho đến chết không có nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Không có đường mang tên Lý Tự Trọng chạy từ rạp hát Võ Ngọc Chấn xuống Bãi Trước ở Vũng Tàu. Vậy mà hiện thời tôi đang sống với Chánh ở đường Lý Tự Trọng trong một thành phố khác cũng không có tên trong ký ức của mẹ: Thành Phố Hồ Chí Minh.

Hiện thực của cuộc chiến thắng không đương nhiên, không tất yếu. Chỉ có những con đường Lý Tự Trọng chồng lên những con đường đọng vệt trong những ký ức trái giờ. 

Buổi tối cuối tháng Tư, chúng tôi rủ vài người bạn đến xem phim Giải Phóng Sài Gòn. Phim lợt lạt, chúng tôi chỉ mong đến 12 giờ trưa xe tăng ‘giải phóng quân’ ủi sập cổng dinh Độc Lập để tan hàng tắt đèn đi ngủ. Thời điểm gần kết cục cuộc chiến trong phim làm tôi nhớ Mammy trong Cuốn theo Chiều Gió lúc quân miền Bắc vây hãm Atlanta. Tôi nhại Mammy chạy qua chạy lại lải nhải Dem Yankees a-comin’ I sho don’t know why dey a-comin’ but dey a-comin’.

Không biết Mammy có nói câu đó không. Nhưng nửa đêm, tôi xoay trở cứ nghe vẳng bên tai: I don’t know why they’re coming but they’re coming I don’t know why I don’t know why. Đêm 26 rạng 27, quân đội nhân dân ôm AK lù lù đi ngập đường Lý Tự Trọng, dưới ánh đèn vàng và giữa những cây me đổ bóng đen. Họ tập dợt chuẩn bị cho cuộc diễn binh qua thành phố vào ngày 30. 

Cái chết luôn được tập dợt.

Mẹ kể lúc Pháp trở lại, Phòng Nhì bắt ông ngoại vì họ nghĩ ông hẳn làm kinh tài cho kháng chiến. Ông ngoại bị tra tấn, xác quăng ra ngoài khoảng sân có đường mương. Nửa đêm mấy người phục dịch nghe tiếng rên, biết là còn sống nhưng không ai dám cứu. Hôm sau họ chở ông ngoại ra vùi ngoài động cát. Hai mươi năm sau mẹ mới tìm ra chỗ. Tôi nhớ hồi mẹ lấy cốt ông ngoại, gió thổi phập phều miếng vải căng che nắng. Xương ông ngoại khô ráo. Mẹ nhận ra hàm răng. 

Mẹ thân với ba lúc làm giao liên kháng chiến. Ba chỉ huy một đơn vị kháng chiến không Việt Minh ở miền nam. Năm 1948 ba sắp xếp cho mẹ dẫn bà ngoại đi thăm cậu Ba du học bên Tây về theo kháng chiến, đang chết ở một chiến khu khác vì bệnh ho lao mà lại từ chối vô nhà thương Tây. 

Năm ngoái, những ngày tháng cuối ở Vũng Tàu, trong cơn hoảng loạn giữa lỗ hổng của ký ức, mẹ khóc đòi về nhà. Nửa khuya, tôi đành đẩy xe lăn cho mẹ đến trước cổng nhà để chỉ cho mẹ thấy biển đề Ban Tổ Chức Đảng Bà Rịa Vũng Tàu. Mẹ vẫn không hiểu tại sao mẹ không thể về ngủ ở nhà mình, chỗ mẹ có trồng gốc bay nấu ca-ri mẹ thả vô mươi lá. Không thể hiểu. 

Ông, ba, mẹ, cậu, chú — nền độc lập mà họ tranh đấu đã bị người khác sở hữu từ năm 1954, để cộng vào thắng lợi miền nam năm 1975. Đất nước sau 30 tháng 4 không còn thuộc về họ, hay con cháu họ. Có lẽ vì thế mà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không có trong ký ức của mẹ. Cho những người như họ, những người mất mọi danh xưng ngoài danh hiệu yêu nước đã bị người chiến thắng quản lý, thì cái chết mãi đang đến.


Nguyễn Hương
4-2010