Chân dung nhà văn Nguyễn Viện
VỊ TRÍ NÀO TRÊN BẢN ĐỒ VĂN HỌC
Thận Nhiên: Ông là một nhà văn lề trái tiêu biểu. Ông cho biết ý kiến về khái niệm văn chương lề trái và hành trạng của nó, vị trí của nó trong bản đồ văn học Việt Nam đương đại.
Nguyễn Viện: Nếu tôi không lầm, khái niệm lề trái, lề phải đã bắt đầu từ một quan chức chính quyền khi ông ta cho rằng, sống trong xã hội, con người buộc phải tuân thủ định chế của nó, như luật giao thông.
Nhưng tư duy hay sáng tạo của con người có thể ví như việc giao thông trên đường được không? Tôi nghĩ là không. Người ta rất thường lầm lẫn việc của một anh cán bộ văn hóa với sự sáng tạo của nghệ sĩ.
Ở đây, tôi hiểu ông muốn nói về thái độ chính trị của người viết. Hoặc anh phò chính thống hay quyền lực, hoặc anh là người tự do.
Vâng, nếu phải chọn một định danh cho công việc của mình, tôi thích được gọi là “nhà văn tự do”. Nó bao quát hơn cho tư cách sáng tạo của mình.
Tuy nhiên, cũng như khái niệm lề trái, lề phải… khi tôi cho rằng mình tự do, điều đó cũng có nghĩa là có rất nhiều kẻ làm nô lệ. Điều này nó được bộc lộ rõ trong bối cảnh một chế độ xã hội độc đoán chân lý. Và đây chính là nguyên ủy của vấn đề chúng ta muốn nói tới.
Trong một chế độ xã hội mà con người, kể cả những nghệ sĩ, muốn tồn tại họ buộc phải xu phụ nó để có miếng ăn hay chút danh phận, thì chọn tự do, nghĩa là chỉ sống và làm việc theo những gì cá nhân mình cho là đúng, không phải học tập noi gương ai, là bạn tự chọn sự khó khăn, không chỉ là miếng cơm manh áo, mà đôi khi phải trả giá bằng cả ngục tù. Trong lãnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, chọn tự do cũng có nghĩa là bạn tự cắt con đường đến với độc giả. Chế độ kiểm duyệt, an ninh tư tưởng sẽ cấm cửa bạn mọi nơi, mọi lúc.
May thay, vào lúc tiềm lực sáng tạo của tôi được khai mở, cũng là lúc internet phát triển ở Việt Nam. Chế độ kiểm duyệt và an ninh tư tưởng không trói được tôi. Cũng đúng lúc đó, tạp chí văn học Tiền Vệ (tienve.org) xuất hiện như một bệ phóng cho những nghệ sĩ khao khát bầu trời tự do như tôi. Không chỉ là nơi phổ biến tác phẩm một cách đơn thuần bên ngoài sự khống chế của nhà nước độc tài, điều đáng nói nhất về trang mạng Tiền Vệ là ở cái chủ trương tiền phong của nó cho một nền văn học mới. Khai phóng và cách tân. Đặc điểm sáng tác ở không gian nghệ thuật này không chỉ biểu lộ tự do trong suy nghĩ và thực hành nghệ thuật của các văn nghệ sĩ, mà cùng với tinh thần phản kháng chính trị, họ đồng thời dấn thân vào những thể nghiệm mới, bất chấp mọi định kiến, thách thức cả mọi cảm quan nghệ thuật.
Thật đáng kinh ngạc và hấp dẫn, dường như phản kháng và cách tân trở thành một thứ sinh mệnh kép, như tất yếu. Nó có thể mang màu sắc hậu hiện đại, hậu hiện sinh hoặc một cái gì khác, nhưng chắc chắn nó là một thứ văn học hậu thuộc địa, hậu cộng sản trong mọi ý nghĩa.
Thận Nhiên: Ông có bao giờ tự hỏi: Tại sao văn chương Việt ngữ không đến được với thế giới không?
Nguyễn Viện: Vâng, tôi cũng từng tự hỏi như thế. Và tự tìm cách trả lời.
Trước hết VN chỉ là một quốc gia vào hàng yếu kém nhất thế giới, ngoại trừ chuyện đánh nhau. Cái có thể làm “vỡ òa”, “chấn động hoàn cầu”, chỉ là vài trận bóng đá khu vực hay huy chương vàng bắn súng Olympic. Mặc dù, không thiếu các thi sĩ tự hào Việt Nam là một cường quốc thơ, văn chương Việt Nam vẫn vô danh trong bản đồ thế giới.
Theo tôi, có một số nguyên nhân sau:
-Trước hết, Việt Nam là một quốc gia độc tài cộng sản, vì thế văn chương cũng như tư tưởng không thể thoát khỏi sự kiềm tỏa và định hướng của tuyên giáo và an ninh.
-Bản thân văn chương đã bị đóng khung như trên, lại thêm chúng ta thiếu những dịch giả yêu mến và hiểu biết văn chương Việt. Hầu như, những tác phẩm được giới thiệu đều thông qua Hội Nhà văn Việt Nam, vì thế phạm vi văn chương được quảng bá chỉ nằm trong hệ thống đã được kiểm duyệt.
-Những tác giả thuộc hệ tự do mặc dù có khả năng sáng tạo hơn, nhưng tiếc thay lại ít được biết tới.
Chúng ta đều thấy rõ rằng, không thiếu những nhà văn Việt Nam viết bằng ngôn ngữ khác đã thành danh. Điều đó chứng tỏ rằng, người Việt Nam không hề kém cỏi.
Thận Nhiên: Trong thế kỷ trước, văn học gây tác động lên thời cuộc đất nước rất mạnh mẽ, như trường hợp Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, hay Tố Hữu và chính sách văn hóa ở miền Bắc. Ông có ý kiến gì về vị trí và ảnh hưởng của nhà văn hôm nay?
Nguyễn Viện: Như nói trên, không thiếu các thi sĩ tự hào VN là một cường quốc thơ, nhưng tôi chỉ thấy đó là điều bất hạnh, khi người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Sự đau khổ từ chiến tranh hay bất công xã hội không làm cho văn chương VN lớn lên, mà nó khiến con người phải chạy trốn hoặc xu phụ quyền lực.
Thật khác với thời của những nhà văn Tự Lực Văn Đoàn, ngoài tài năng, họ có lý tưởng cho một cuộc cách mạng xã hội cũng như làm đẹp văn chương. Ngay cả Tố Hữu cũng thế, cho dù ông ấy rất chuyên chính, cũng không thể phủ nhận ông ta nhiệt huyết với lý tưởng của mình. Điều ấy giải thích tại sao, Tự Lực Văn Đoàn hay Tố Hữu đã tác động được đến xã hội.
Tuy thế, chúng ta cũng phải thấy rằng, giai đoạn tiền chiến hay trong chiến tranh, ngoài văn học, để thưởng ngoạn nghệ thuật hay giải trí, người VN không có nhiều cơ hội lựa chọn. Ngày nay, với các phương tiện hiện đại, cùng với những phương cách khác nhau như điện ảnh hay sàn diễn… cũng đã sản sinh ra những loại thần tượng khác nhau. Văn học bị cạnh tranh. Và văn học bị lép vế không chỉ vì trào lưu, bị cưỡng chế tâm hồn bởi hệ thống chính trị và xã hội, mà bởi chính nó không chuyển tải được những khát vọng sống của người đương thời. Thua là tất yếu.
VONG THÂN & ĐÁNH ĐĨ
Thận Nhiên: Ông có nghĩ là mình nặng lời miệt thị khi dùng những chữ: xu phụ, nô lệ… để nói về những đồng nghiệp trong dòng chính thống, lề phải?
Nguyễn Viện: Ồ, tôi không có ý định miệt thị ai, cho dù có những kẻ thật sự xu phụ, thật sự nô lệ… và coi sự xu phụ và nô lệ của mình là một nghĩa vụ vinh quang. Tôi chỉ mô tả một sự thật. Người ta hay nói đến hoàn cảnh hay thời thế, nhưng tôi cho rằng tư cách hay phẩm giá một con người, chả kể gì nhà văn nghệ sĩ hay không, vốn là một phạm trù đạo đức cá nhân. Không ai dùng súng hay còng số tám để buộc anh viết. Tôi nói thật, trong các thể loại đáng khinh bỉ, tôi khinh bỉ nhất những kẻ có khả năng nhận thức mà tự biến mình thành sâu bọ. Ngôn ngữ của chúng ta, để nói về những trường hợp tương tự, chắc ông đồng ý với tôi, còn nhiều từ ngữ tượng hình, tượng thanh và gần với thực tế hơn nhiều.
Tôi rất ngạc nhiên về một số bài viết của các cây đa cây đề sau năm 1954 ở miền Bắc đấy. Thậm chí là không hiểu nổi tại sao người ta có thể hèn hạ đến thế.
Thận Nhiên: Ông được xem như một nhà văn thường đưa tính dục vào tác phẩm. Tính dục có phải là một trào lưu trong văn chương VN đương đại? Ông có nghĩ rồi nó sẽ lỗi thời không? Những sáng tác của ông thường mang thông điệp chính trị không? Ông nghĩ rằng mình đang nói thẳng những điều cần nói hay những thông điệp ấy được ẩn dụ hóa?
Nguyễn Viện: Tính dục của con người không phải bây giờ mới có, cũng không phải là sẽ không còn nữa ở một tương lai nào đó. Tính dục là một thuộc tính của muôn loài cũng như con người. Viết về tính dục là tôi viết về cái bản thể của sự sống, bản năng của sinh tồn, hạnh phúc và đau khổ của thực tại. Có thể, cái gọi là liều lượng tính dục trong văn chương tôi đậm đặc quá chăng? Quả thật, tính dục và chính trị là hai chủ đề tôi yêu thích, có lẽ điều này chỉ đúng với tôi, khi tôi nhận ra rằng tính dục và chính trị là một phạm trù kép như một ẩn ức của xã hội đương thời. Nó là ẩn số của tình trạng con người bị hiếp dâm. Vừa đau khổ vừa sung sướng. Nó bị cấm đoán và đồng thời thách thức khả năng chịu đựng cũng như ý chí vượt thoát.
Tôi viết về tính dục hay viết về chính trị như một sự thật. Phũ phàng và gây gỗ. Nhưng tôi chưa bao giờ viết gợi dục. Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng thơ mộng và ngây ngất. Cái đẹp của tính dục và cái hấp dẫn của quyền lực như một phóng chiếu của sinh mệnh con người, làm cho con người trở nên kỳ lạ hơn, tàn khốc hơn.
Tính dục và chính trị với tôi không lúc nào không là cao trào. Hùng hổ và chiếm đoạt. Nhưng cũng qua đó, tôi thấy bi kịch của con người giữa sự độc đoán của cái tạm gọi là “thuần phong mỹ tục” và cái định hướng một chiều của nền chính trị bệnh hoạn này. Sẽ rất oan cho tôi nếu bạn không thấy tôi đang thực hiện một hành vi, ít nhất là tự cứu vãn mình khỏi cái đống bầy nhầy của sự thủ dâm đầy “quang vinh” trong sứ mệnh giải phóng. Với tôi, trong tất cả những cái gọi là “giải phóng”, thì giải phóng nội tại bản thân là điều quan trọng nhất, trước khi nó hướng tới xã hội hay tổ quốc.
Quả thật bi kịch, cuộc cách mạng hay lý tưởng giải phóng do đảng Cộng sản xúc tiến tại VN đã ràng buộc con người trong tổ chức của nó như “tính đảng”, “tính nhân dân” tệ hại đến mức chưa từng có trong lịch sử loài người.
Để tránh khỏi những oan khiên (ví dụ như vụ Nhân Văn Giai Phẩm), các nhà văn VN vẫn coi tính ẩn dụ trong văn chương như một phương cách và biện hộ cho nó như cái đẹp, cái hay của văn chương. Nhưng một khi ẩn dụ kín kẽ, tôi không cho rằng đó là một tinh tế mà chỉ là sự khôn lỏi, rất AQ made in Vietnam. Chính trị là xương máu, gươm đao… Văn chương chẳng lẽ chỉ nên là sự ý nhị phong nhã hay hoa hồng? Không biết tôi có quá lời không khi tự cho rằng tôi đã viết bằng cây búa. Tất nhiên, kẻ dùng dao sẽ chết vì dao. Khi cho đăng tiểu thuyết “Đĩ Thúi”, tôi đã bị an ninh mời làm việc ở số 4 Phan Đăng Lưu, nơi đến không có đường về. Không chỉ “Đĩ Thúi”, tôi vẫn bị mời làm việc vì những gì mình viết. Tôi không có lý tưởng đến mức sẵn sàng tử đạo, nhưng tôi nghĩ tôi chỉ viết như lương tâm đòi hỏi.
Với văn chương Việt Nam đương đại, độc giả có thể rất ưa chuộng các tiểu thuyết ngôn tình, nhưng tôi chưa hề thấy có một trào lưu văn học nào gọi là tính dục. Được thế, thì đã có phước quá, phải không?
Con người còn “tứ khoái” cho đến muôn đời sau, thì đề tài tính dục lỗi thời sao được? Ai nhịn được, thánh à?
Thận Nhiên: Ông thấy có gì khác biệt giữa tiểu thuyết của ông và những tiểu thuyết trong khoảng 30 năm vừa qua của chính thống, như của Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Khải…
Nguyễn Viện: Rất khác. Có lẽ không chỉ vì tôi đã được hấp thu một nền văn hóa tự do và khai phóng của miền Nam, mặc dù tôi vốn gốc Bắc, mà sự khác biệt còn ở ý thức chọn lựa một thế đứng, một cách nhìn. Tôi không viết để phục vụ chế độ hay nhân dân. Tôi viết như một xác lập căn cước cá nhân.
Sự khác biệt có thể nhìn thấy rõ nhất ở tính tự sự và phương cách bày tỏ cái tự sự ấy. Những nhà văn như ông kể hay nói chung văn học xã hội chủ nghĩa thường được hướng đến bằng những đại tự sự như tổ quốc hay chính nghĩa này nọ, một cách quá đỗi nghiêm trọng “nhân văn”, ngay cả khi họ có ý muốn phê phán. Tôi lại thường thấy khôi hài và diễu nhại những tự sự (thường trở thành một chiêu bài của chính trị) ấy, không chỉ rất “hậu hiện đại”, mà còn là cái khí chất bông phèng vốn dĩ của văn chương phía Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là tôi muốn viết khác đi với tất cả, từ chủ đề đến biểu hiện. Có thể thành công hay thất bại. Nhưng tôi thà thất bại còn hơn lẫn lộn trong đám đông, tự nguyện vong thân và đánh đĩ thời thế.
Nguồn: FB Thận Nhiên