1.
Đang ngồi lừng khừng trên băng ghế gần cổng số 20 chờ giờ lên tàu bỗng một giọng nữ cao the thé qua máy phóng thanh xướng tên hành khách nghe quen quen, hóa ra là mình. Ui, hành lý có vấn đề khi đi qua màn hình kiểm tra? Đại lý vé máy bay bán hàng giả? 30kg cho phép chỉ toàn quần áo con nít, Vinacafe, cơm cháy chà bông, gạo lứt rong biển sấy khô, nước tương kho quẹt, vài ký giò chả, đồ chơi bằng gỗ của Wiwin Toys, không có ma túy hay hàng quốc cấm. Trong túi chỉ có 320 euros và 733.000 đồng tiền Việt Nam. Cứ ra khỏi nhà liền nơm nớp sợ tai nạn hoặc phạm pháp là sao? Nhưng thật bất ngờ: cơ trưởng chuyến bay VN 2107 SG-CDG, vốn là phụ huynh 2 trò nhỏ học thêm trong các nhóm ngoại ngữ tư gia, có nhã ý đổi thẻ lên tàu chuyển chỗ ngồi cho cô giáo từ hạng cá kèo lên hạng sang. Hú vía.
Đi mây về gió bao nhiêu năm nay cô giáo mới tường tận sự khác nhau giữa cá kèo và cá mập. Ghế hành khách hạng thương gia mênh mông như ghế nhổ răng hoặc giường sản phụ. Khoảng cách giữa hai hàng ghế đủ rộng để kê thêm một giường đơn. Chả bù ngồi hạng bét vẹo cổ trật be sườn, phía trước không đủ chỗ duỗi chân, người ngồi phía sau đạp tới đạp lui vào lưng không khoan nhượng, người ngồi cạnh giang chân khuỳnh tay nhúc nha nhúc nhích đi ra đi vô nườm nượp như bị suy thận. Có khi xui tận mạng ngồi kế bên con nít khóc ằng ặc vì kẹt bó rọ trong hành trình dài, coi như bí lối thoát hiểm.
Xung quanh toàn cá mập, bề thế nhưng nho nhã. Người phàm chân tướng cá kèo cứ việc giả lơ trùm mền mang vớ làm một giấc 12 tiếng lãng quên đời, choàng mắt dậy sẽ thấy mình ở múi giờ khác của trái đất, cách Phú Nhuận năm tiếng đồng hồ. Nhưng không đơn giản: các em tiếp viên trong khoang này, quả tiếng đồn không sai, chẳng những xinh đẹp bội phần so với các em dưới kia mà còn lưu loát ngoại ngữ, phục vụ hết lòng từng hành khách với thực đơn tự chọn, khăn trải bàn khăn ăn thêu thùa diêm dúa, ly tách chén đĩa dao muỗng tuyệt không món nào bằng nhựa. Được chăm sóc chu đáo, khách khó lòng ngủ thẳng cẳng sợ lỡ mất cơ hội hưởng thụ ngàn năm một thuở. Trước khi máy bay hạ cánh đích thân cơ trưởng còn trao tận tay hành khách ngồi lậu hạng sang một túi quà cây nhà lá vườn Vietnam Airlines.
2.
Quay lại với thời dụng biểu cũ sau 3 tháng hè ngưng chiến, thầy bỗng đâm ra tận tụy đặc biệt với hai trò, một thằng cu tục danh Lôm Côm 11 tuổi, một cái đĩ 16 có nick Lô Lô đang lồ lộ phát triển. Chả là phụ huynh chẳng những thường khi cung phụng miếng ngon vật lạ mà còn hứa hẹn hè sau cô giáo có hợp tác lao động Châu Âu theo chương trình giữ trẻ thường niên xin cho biết trước ngày đi để cơ trưởng bố các cháu xếp lịch bay sao cho linh nghiệm như lần trước. Hừ, ai bảo nghề giáo bạc bẽo?
Mỗi đầu tháng các nhóm học thêm Anh văn tư gia, ngoài một vài học sinh phổ thông, đa phần là công tư chức có địa vị xã hội ra gì với trình độ đại học thuộc nhiều khoa ngành khác nhau, đóng hụi chết cho trưởng nhóm để nộp cô giáo. Vài trưởng nhóm tế nhị xếp toàn tiền mới mệnh giá lớn cho vào một bao thư thơm phức ghi rõ bên ngoài học phí tháng …, lớp….kèm theo lời cám ơn và chúc sức khỏe. Ai bảo thế hệ trẻ hời hợt chứ?
Đã 40 năm cô giáo gắn bó với nghề, tất nhiên chẳng phải vì nó không bạc bẽo, hoa trái phủ phê, bay lượn hạng sang, tiền hô hậu ứng, mà vì …ái da…khó nói ghê. Đám học trò chung tình luôn chấp nhận tan hàng khi cô đi vắng 3 tháng mỗi năm vì việc riêng rồi lại có mặt đông đủ lúc cô quay về. Không ít các em miệt mài lui tới từ thuở son giá đến hồi thành nhân chi mỹ, lập gia đình sinh con đẻ cái xong chờ cho lũ con nít vừa kịp đủ lớn liền mang đến giao trứng cho ác – trong số này, nhiều trứng nở ra gà vịt ngan ngỗng công phụng thiên nga lông mượt đuôi đẹp chân khỏe. Một tương quan lâu bền, lành mạnh, lương thiện, đầy ân tình từ cả hai phía – đây mới là chất dính cần và đủ cho sự ràng buộc.
Thứ hai đầu tuần đầu tháng 6, đùng một cái cô giáo mất bao thư đựng học phí vừa nhận của lớp A 1. Có tuổi rồi, lú lẫn quên trước quên sau, kiếm đồ để lạc, mất chìa khóa cửa, bỏ quên mắt kính, chưa tắt quạt máy, bê nón bảo hiểm cất vô tủ lạnh… là chuyện xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Trong tương lai gần có thể bị Alzheimer – quên hết mấy trăm động từ bất qui tắc, hoặc Parkinson – lẩy bẩy quệt không xong một nét sổ nói chi một nét ngang.
Lật từng trang giáo trình của hai lớp vừa dạy xong, quét lau kỹ từng góc lớp, kiểm tra mớ sách báo tạp chí trên bàn viết, kệ tủ, cô lẩm bẩm lầu bầu quái, quái. Mọi giả định đều có thể xúc phạm kẻ bị tình nghi. Thôi mất thì thôi. Cô vẫn quan niệm không có thì không mất, mất thì không có. Nhưng mà vụ này kỳ. Không người lạ ra vào, trong nhà chẳng còn thành viên nào khác ngoài chính cô, các học viên không thể sinh lòng tà trong một môi trường …ư…hướng thiện như lớp học thêm ban đêm, nơi ai cũng tự nguyện và chân thành muốn học hỏi. Học viên đứng tuổi, chín chắn, thâm niên không ai làm thế; khoanh vùng chỉ còn hai đứa con nít đang học lớp 10 có khi lỡ dại…. Lý tưởng và lý thuyết mà nghĩ, trọn một tháng lao động không lương hẳn sẽ không ảnh hưởng chi đến năng suất lao động hay nhiệt tình giảng dạy, tuy nhiên sẽ thật khó ngủ với một vụ án treo. Cô bốc điện thoại gọi trưởng nhóm lớp A 2.
– Cô lia phong bì học phí của lớp A 1 trên ghế, chỗ kê tấm bảng. Sau lớp 7.00-8.30 của em, cô dọn hàng đóng cửa tiệm thì không thấy nó nữa trong khi phong bì của lớp A 2 em mới nộp vẫn còn y nguyên. He…he…Em hỏi các bạn xem cô có lơ tơ mơ kẹp nó trong số bài đã phát cho lớp em lúc nãy không nhe.
– Dạ, dạ!
Mười lăm phút sau.
– Cô ơi, em điện thư điện thoại hỏi vòng vòng 12 bạn có đi học hôm nay, không ai thấy gì hết cô ơi! Chết cha, kỳ quá! Cô xem lại kỹ trong nhà. Em thấy cô rất hay …lia phong bì mỗi đầu tháng. Em cũng có báo với chị trưởng nhóm lớp A 1 rồi.
Năm phút sau. Trưởng nhóm lớp A 1:
– A-lô, a-lô! Gì kỳ vậy cô?
– Nộp học phí cho cô rồi, em tiếc lấy lại phải không, nói thật đi!
– Ặc…ặc…Chắc có kẻ gian trong thời điểm …giao ca rồi! Hoặc người sau cùng của lớp em – hình như là em đó, hoặc người đầu tiên của lớp sau – là trưởng nhóm A 2. Bạn ấy nói chết rồi chắc cô nghi…Ư mà em thấy cô rất hay…
– …lia phong bì mỗi đầu tháng lãnh lương?
– Chậc, kỳ quá kỳ quá…Cô xem lại kỹ trong nhà; mai em đi làm sớm ghé qua kiếm tiếp cô.
Trằn trọc, không phải vì tiếc của. Còn khỏe mạnh minh mẫn, còn có thể làm ra của cải; lỡ may tìm ra thủ phạm trong số học viên, lúc ấy mới là tiếc hùi hụi cái mối thâm tình thầy trò. Vậy thôi truy tầm làm chi, ngủ đi, cô tự nhủ. Có khi mai mốt lau quét tổng vệ sinh ăn Tết bỗng lòi ra lộc Alzheimer. Nghĩ thế nhưng cô lẩn thẩn ngồi vẽ lại sơ đồ chỗ ngồi của từng người trong hai lớp vừa dạy, dùng bút đỏ đánh dấu thập vị trí chiếc ghế trên đó đã từng có cái bao thư để cạnh tấm bảng, y như Sherlock Holmes ngứa nghề. Vẽ chơi thôi, thâm tâm cô đã quyết cho vụ này qua phà.
Cú điện thoại 10 giờ đêm thứ ba từ một học viên, có lẽ đã được trưởng nhóm phát tán tin giựt gân, làm cô giáo từ chưng hửng đến xây xẩm bởi lượng thông tin bất ngờ. Chính xác bao nhiêu phần trăm? Thật vô lý nếu chỉ căn cứ vào những điều nghe thấy, cho dù từ một người có đạo đức tốt, mà buộc tội kẻ cắp khi thiếu hẳn bằng chứng vì không bắt quả tang! Gián điệp dè dặt nói đi nói lại, em biết sao nói vậy, không khẳng định đối tượng đề cập là thủ phạm nhe cô. Chà, tính sao đây? Cho chìm xuồng hay trực diện nghi can làm cho ra lẽ để giải tỏa nghi kỵ giữa hơn 20 học viên của hai lớp? Có phải nghĩa vụ nhà giáo là luôn hợp tác chặt chẽ với phụ huynh để giúp bọn trẻ tiến bộ? Nửa thế kỷ đọc truyện trinh thám xem phim điều tra của Mỹ lẽ nào không gặt hái được thứ chi đắc dụng ngoài mục đích giải trí, khác chi nhai kẹo cao su cho ngọt miệng the lưỡi rồi nhả xác?
Sáng thứ tư trước giờ dạy lớp thằng Lôm Côm, cô loay hoay lắp vào thanh chắn cầu thang, phần chiếu nghỉ giữa tầng trệt và tầng một, cái đèn pin trị giá 20 ngàn đồng made in China mua đã lâu ở siêu thị Co-opmart. Ngó lên từ phòng khách, nay đã được biến thành phòng học, cái đèn được ngụy trang máng vắt vẻo trên cao trông nhấp nhóa như màn hình nhỏ của camera an ninh. Khi phụ huynh đến đón thằng nhóc lúc 11.30, cô giáo nói:
– Lôm Côm, con ra ngoài đứng trông xe cho mẹ, cô có chút chuyện cần bàn với phụ huynh.
Phụ huynh ào vào, hớt hơ hớt hải:
– Có chuyện gì cô? Thằng cu hư hả cô?
– Không, thằng cu ngoan. Con gái em đó, em hiểu nó đến đâu?
– Dạ, Lô Lô hả cô? Dạ em biết nó học không giỏi nhưng cũng chịu khó lắm cô. Tính nó ít nói, hiếm khi tâm sự với mẹ. Dạo này lại còn thêm tật trả treo cãi lý với em nữa…
– Ý cô muốn hỏi là em biết đến đâu về thành tích ăn cắp của con em trong suốt những năm cấp một cho đến bây giờ?
Im lặng 12 giây.
– Dạ, em có biết đại khái. Từ hồi mẫu giáo nó đã bắt đầu mang về nhà những thứ không phải của nó….
– Vậy là bệnh thâm căn hơn 10 năm rồi!
Tập họp thông tin nhận được qua cú điện thoại tối thứ ba, cô bắt đầu nói dối, đánh cú phủ đầu:
– Một số bạn của Lô Lô học rải rác các lớp của cô cho biết con bé đã ăn cắp đến nổi danh. Quả tang có, không quả tang có, nhưng lúc nào cũng khóc lóc kêu oan với các thầy cô, riết rồi bạn bè ngao ngán trò diễn kịch, cạch mặt không thèm chơi, đến nước phải tìm cách kết thân với học sinh lớp khác. Hình như em đã từng kẹt vào dăm ba vụ kiện tụng với không ít các phụ huynh, phải nhờ ban giám hiệu phân xử, có lúc phải xin chuyển trường cho con bé? Nghe đâu từ bút thước lặt vặt, máy tính bỏ túi, nay đã chuyển sang các thứ có giá trị, và tiền.
Im lặng 20 giây, phụ huynh chợt mếu máo:
– Vậy là sao cô?
– Hôm nay thứ tư, em về nói với Lô Lô chiều nay 4.30 mang trả cho cô giáo cái bao thư đựng 7 triệu học phí của trưởng lớp đóng hôm tối thứ hai, kèm theo lời xin lỗi. Thứ sáu bảo con bé đi học bình thường như thời dụng biểu. Cô sẽ giữ kín và cố quên chuyện này. Tuy nhiên em thì không được quên. Đây là chuyện lớn, nếu không tìm cách điều trị sẽ còn khổ dài dài, đặc biệt là chính…bệnh nhân.
Thảng thốt, bối rối, xấu hổ, bà mẹ trẻ vừa rên vừa nấc cụt:
– Em biết nó có tật xấu nhưng không ngờ … Hạch hỏi lỡ nó chối thì sao cô?
– Tất nhiên nó sẽ chối. Ăn thua là em biết cách thuyết phục; nếu cần, kín đáo quan sát và lục soát. Dễ mà, đâu có phải trọng án, mặc dù…quan trọng.
Đưa phụ huynh ra cửa, cô giáo vừa làm bộ thờ ơ chỉ tay về phía cái đèn pin trên thanh chắn cầu thang vừa cố giữ giọng tỉnh:
– Nó sẽ chối. Nhưng không sao, nhà cô có gắn camera.
Một thoáng hoảng loạn trong mắt, rồi hai mí dầy nặng cụp xuống sa sầm. Sắp mưa. Giọng nhão như bị nhúng nước, phụ huynh nói:
– Dạ để trưa ăn cơm xong em dụ nó ra ngoài nói chuyện, sợ thằng Lôm Côm nghe.
– Rồi. Chiều nay nhe. Đừng đến trễ hơn, sau giờ đó cô có lớp.
4.30 chiều thứ tư, y án, hai mẹ con đến nhưng phụ huynh để con bé đứng ngoài, lụp chụp vô một mình hấp ta hấp tấp báo:
– Em chưa nói gì làm gì với nó hết cô ơi. Em không biết tính sao. Em sợ nó làm dữ.
– Được, kêu nó vô đây cô xử giùm cho. Em ngồi dự thính.
Lô Lô 16 tuổi, da bánh mật, đùi dài, cao 1 mét 67, nặng 58kg, khuôn mặt thanh tú, mắt đẹp mũi đẹp miệng đẹp, nụ cười hút hồn. Cô giáo nghĩ, uổng gì đâu! Nhưng có chắc người đẹp là thủ phạm? Hoa hậu, diễn viên, ca sĩ thế giới giàu có vẫn ăn cắp như thường. Hàn quốc có Choi Yoon Yeong, Kim Choo Ri; Nga có Anna Malova; Singapore có Ris Low; Mỹ có Winona Ryder, Megan Fox, Britney Spears; Việt có xướng ngôn viên đài truyền hình quốc gia phụ trách chương trình Văn Hóa Dân Tộc Vũ Kiều Trinh, và nhiều người Việt khác, đẹp hoặc không đẹp, nổi danh hoặc ẩn danh. Còn đây là ái nữ con nhà. Bệnh thật không? Kích thích đầy mê hoặc của cám dỗ, cảm giác hồi hộp khi phạm tội, khoái lạc khi sở hữu một thứ gì đó không phải của mình – ba thứ này khiến người bệnh không thể tự kiểm soát hành vi, rồi liều lượng ngày càng tăng như con nghiện? Cái này phải leo lên Google tra cứu lại.
Nghi can và phụ huynh an tọa. Bà mẹ trẻ, giọng e dè, nói với con gái:
– Cô muốn gặp con vì có chuyện muốn nói.
Nghi phạm nhìn cô giáo, cười ngây thơ, hàm răng trắng đều như bắp:
– Chuyện gì cô?
Không thấy dấu hiệu lúng túng của một kẻ cắp. Vô tội hay bản lĩnh? Dù gì phải đánh thẳng, trúng trật tính sau.
– Con mang trả lại cho cô phong bì đựng học phí của lớp. Hôm thứ hai con là người sau cùng rời lớp; học viên đầu tiên của lớp A 2 nhìn thấy con lấy phong bì trắng trên ghế bỏ vào cặp lúc cô quay lưng ra nhà sau uống nước trước khi bắt đầu dạy lớp tiếp theo. Tất nhiên chị ấy không biết đó là học phí của lớp A 1. Sẽ không ai biết tháng này cô dạy không ăn lương vì con đang giữ 7 triệu của các cô chú anh chị trong lớp đóng góp. Dạy chùa, có thể cô sẽ dạy rất dở, ráng chịu.
Chi tiết trên đây hư cấu, thuật ngữ điều tra gọi là nghiệp vụ chuyên môn. Báo chí vẫn thường rao: bằng nghiệp vụ chuyên môn, công an quận X đã phá án trong thời gian kỷ lục, hung thủ cuối cùng cúi đầu thừa nhận mọi tội lỗi. Chêm thêm một câu khôi hài vô duyên về việc dạy học không lương chất lượng kém, cô đã cố gắng làm cho cuộc thẩm tra bớt trầm trọng đi. Không thấy ai cười.
Đôi lông mày đẹp cong lên sửng sốt:
– Tiền gì cô? Con đâu có lấy! Con ra sau cùng vì còn đang phải mang vớ.
Ha, ghi một bàn thắng. Nghi phạm thú nhận mình là người ra sau cùng, không phải trưởng lớp A 1 như bạn ấy đã cà rỡn. Phừng chí, cô đánh tiếp – nỉ non như ca vọng cổ, tuy có hơi thiếu tự tin:
– Nghe đây! Con đã ăn cắp mà còn nói dối, coi như mắc đến hai tội. Con gái xinh đẹp, sao lại ra nông nỗi? Cứ kiểu này mai mốt ra đời đi làm ăn cắp của đồng nghiệp, biển thủ cơ quan, vướng vòng lao lý, mọi người khinh rẻ, gia đình tan nát…
Rưng rức ấm ứ rồi nức nở, giọng uất nghẹn, mắt bồ câu tuyệt vọng nhìn mẹ như phân trần cầu cứu:
– Con không biết cô đang nói gì. Con không có lấy tiền của cô đâu mẹ. Chắc cô để lạc đâu đó. Con lấy 7 triệu của cô làm gì?
Đúng rồi, 16 tuổi lấy 7 triệu làm gì? Đi học có mẹ đưa đón, gia cảnh sung túc, quần áo tư trang toàn hàng hiệu. Chưa chi cô giáo đã bắt đầu cảm thấy dưới cơ. Không thể nào một học sinh lớp 10 lại có khả năng diễn xuất nhập vai, nói dối không lạc giọng, đối phó nhanh nhậy đến vậy trước cú đánh phủ đầu của cán bộ điều tra – tuy nghiệp dư nhưng mặt mũi thường khi nghiêm nghị, làm việc nguyên tắc, lại xém xém bằng tuổi bà ngoại ở nhà. Nao núng, cô tự nhủ chắc mình sai rồi. Thông tin cung cấp có thể hoặc chủ quan hoặc thất thiệt hoặc chụp mũ do xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc gì gì biết đâu được, cho dù tình báo là học viên hạnh kiểm A+, nghĩa rất nặng tình rất sâu.
– Thôi được. Nếu cô nói sai cho cô xin lỗi, vô cùng xin lỗi. Còn nếu con có lỡ làm bậy thì về nhà suy nghĩ lại. Vẫn còn tối nay và trọn ngày thứ năm cho con sửa sai. Cô chờ. Trong trường hợp con thấy mình vô tội cứ việc thanh thản ra về ăn ngon ngủ yên, thứ sáu đi học bình thường. Tuy nhiên cô cũng nói trước, thứ sáu này mình không học bài mới vì cô sẽ cho cả lớp xem đoạn ghi hình hôm tối thứ hai của camera (cô làm cử chỉ hất đầu về hướng cái đèn pin trên thanh chắn cầu thang); sẽ có sự tham dự của công an khu vực, ba và mẹ con cũng được mời. Sau đó là một bài thảo luận về đề tài tác dụng của máy quay an ninh.
Không thấy chao đảo, dù một thoáng. Ra đến cổng, mặc dù nước mắt nước mũi chèm nhẹp, người đẹp Lô Lô còn quay lại nhắc nhở bà ngoại lẩm cẩm:
– Cô xem lại kỹ, có khi cô đánh rơi đâu đó hoặc vô ý kẹp trong mấy quyển sách.
– Rồi, cô sẽ xem lại.
Mê mẩn trước hoạt cảnh không biết diễn hay thật, cô giáo quên phứt sự có mặt của phụ huynh, lỡ mất dịp quan sát phản ứng từ một người mẹ có con bị vạch mặt. Nếu là vu khống, chắc chắn vụ này sẽ gây thảm kịch cho cả ba người. Cô tự hỏi, ở cùng hoàn cảnh bản thân mình sẽ hành xử ra sao? Giờ nhớ lại mới nhận ra có một sự im lặng tuyệt đối về phía người dự thính trong suốt cuộc …đàm phán giữa điều tra viên và nghi can.
3.
Không biết đêm thứ tư và gần trọn ngày thứ năm đã biến động như thế nào đối với Lô Lô, riêng với cô giáo đây là khoảng thời gian bão tố. Cô tự hỏi mình đã làm gì một đứa con nít? Rồi đây suốt đời cô sẽ bị giày vò bởi trò chơi thám tử tai hại nếu phạm sai lầm khó tha thứ. Nghĩ vậy nhưng cô vẫn cứ quanh quẩn lập luận:
– Nếu vô tội, nó sẽ vô tư đi học tối thứ sáu để chứng minh mình trong sạch.
– Nếu đã lỡ làm bậy nhưng không dám trực tiếp thừa nhận, nó sẽ viện đủ cớ để vắng mặt nhằm tránh phải xem phim, và có thể không bao giờ trở lại lớp nữa.
– Nhờ chiến tranh tâm lý, công tác dân vận từ phụ huynh cùng chứng cứ được tìm thấy đâu đó trong giỏ xách hay tủ quần áo, kèm thêm hiệu ứng máy quay giả hiệu, nó sẽ qui hàng vì không còn chọn lựa nào khác, do đó sẽ giao nộp “hung khí gây án” trễ nhất là chiều thứ năm để thứ sáu được đi học bình thường như cô đã hứa sẽ giữ kín và sẽ quên.
– Nếu lì lợm và cao cơ nó sẽ nhơn nhơn xuất hiện đúng ngày giờ đi học như thời dụng biểu vì biết tỏng cô giáo làm quái gì có phim được ghi hình bằng cái đèn pin để chiếu cho cả lớp thảo luận.
Nghĩ cho cùng, dẫu thật sự sở hữu đoạn phim từ máy quay giám sát, liệu cô có đủ can đảm và ác tâm làm nhục một đứa trẻ trước mặt đám đông chỉ vì 7 triệu đồng?
4 giờ 20 phút chiều thứ năm, cô tuyệt vọng thiếu điều muốn …bói hoa – tất nhiên không phải vì nghĩ rằng thôi rồi, đã toi một tháng học phí. Trong tưởng tượng, cô thấy mình ngắt bỏ từng cánh hoa lả tả: nó đến, nó không đến, nó đến, nó không đến, nó đến nó không nó nó….Mỗi cánh hoa rụng xuống cho cảm tưởng toàn thân bị đè nặng gẫy gập, càng lúc càng cụp vẹo, cong vòng. Chịu hết xiết cô vô nhà tắm xả nước gội đầu, tự nhắn nhủ hoa có rụng mới biết đời dâu bể / tình có xa rượu uống mới nồng (*), quên béng chẳng biết thơ ai mà thuộc lòng từ thuở tròn trăng. Alzheimer mà!
Chuông cửa kíng kong hai lần khi đầu tóc còn đầy bọt thuốc gội, cô khựng lại nghe ngóng. Chắc ông đổ rác đòi tiền tháng trước chủ nhà đi vắng còn nợ. Kíng kong. Nhịp chuông dồn dập khác thường thể hiện ý chí ngoan cường quyết tâm đòi cho được nợ. Cô quơ vội cái khăn lông lớn trùm lên đầu.
Nó, tay cầm cái bao thư trắng bên ngoài có ghi nắn nót Học phí tháng sáu 2015 lớp A 1. Thank you; đi cùng là một thiếu phụ trung trung được giới thiệu dì ruột, em gái của mẹ. Không cần biết Lô Lô sẽ phân trần giải thích ra sao, cô nghe các túi khí trong hai lá phổi phồng lên xẹp xuống theo nhịp hai, rất đều rất mạnh; toàn thân bỗng dựng thẳng như chiến sĩ trọng thương đang lấy hết sức bình sinh đứng phắt dậy cho địch biết ta đây còn sống. Sống nhưng không đủ đạn để bắn trả vài phát cuối cùng dù chỉ muốn thị uy.
Trần Thị NgH
Châtenay-Malabry, 07.2015
(*) Khúc tiễn Thérèse KHThơ Phạm Cao Hoàngtôi đưa em qua đò tháng chạpchiều nay hoa rụng trắng ven sônghoa có rụng mới biết đời dâu bểtình có xa rượu uống mới nồng