(Tranh Bảo Huân)
Cuộc sống của đám con gái trở nên khó khăn hơn từ khi chúng tôi chuyển sang công tác hầm Mười Một. Cuộc sống? Nếu có thể gọi hai mươi bốn tiếng đồng hồ chui rúc dưới lòng đất của lũ con gái là cuộc sống. Thế kỷ này thật lạ. Ngày xưa chỉ có những kẻ chết rồi mới vào nằm trong đất. Ngày nay những thây ma tranh nhau giành phơi mình trên đất nóng mùi lửa. Bọn sống sót còn thở chúng tôi, còn mang những gân máu dữ dội trong hố mắt, thì bò trườn lê lết trong những đường hầm hun hút thậm thượt. Thế giới đảo lộn từ khi thần chết biết bay, xuống bắt người từ những đám mây xanh an bình, tưởng hiền lành mà bất thần thả lao nỗi chết vỡ vụn. Bọn con gái, những khi rảnh rỗi, ngồi kiểm điểm trao đổi những kinh nghiệm bản thân đã trải qua. Kinh nghiệm? Nếu gọi là kinh nghiệm cảnh tượng tất tả chạy trối chết băng đồng về điểm núp, bàn tay tê liệt không cầm nổi súng trong thứ âm thanh lanh lảnh của đạn đại liên từ máy bay lên thẳng xối ào xuống ruộng. Tôi dường đã đánh mất từ khi chui xuống hầm Mười Một, cái cảm giác nóng bỏng của giọt nắng vỡ òa trên da thịt sợ hãi cháy phỏng lửa xăng. Không phải tôi không biết sợ mỗi khi máy bay địch tập kích. Mỗi khi trần tăng xê của hầm Mười Một vụt rung chuyển, lắc lư bần bật, thuốc đạn, bụi đất tung mù không khí và hơi nóng dồn xuống muốn nung chín mọi người co quắp run rẩy chịu đựng. Những khi ấy dĩ nhiên là tôi biết sợ. Nhưng là nỗi sợ hãi trong bóng tối có màu đất đen quánh ngột ngạt, không phải sự sợ hãi bình thường của một con người đang chạy trốn, bị đe dọa nhưng còn trông thấy mặt trời và tin tưởng vào sức sống của cỏ cây, vạn vật chung quanh. Ở đây – dưới hầm Mười Một – không có cây, không có lá, không có mặt trời, không có mây và không có cả sự tự do chạy trốn. Chỉ có một đám người tê cứng tứ chi thụ động chờ thần chết đem đi. Trong số những chiến sĩ du kích của tỉnh đội Củ Chi sống chui rúc dưới lòng đất, trốn những trận mưa bom không ngớt, liền liền, có bốn đứa con gái là Nhu, Phấn, Huệ và tôi.
Hôm đầu tiên về công tác ở hầm Mười Một, tôi nhớ bọn con gái đã được chào đón hân hoan bằng nhiều khuôn mặt hồ hởi của các đồng chí nằm hầm bao lâu nay. Sự hồ hởi của bọn họ hiện rõ trong tiếng cười khàn khàn gần như không thoát ra nổi khỏi hàm răng luôn luôn nghiến chặt kìm hãm nỗi xúc động thường trực, thường bùng nổ đột ngột ở mỗi trận bom. Lực – người cán bộ chỉ đạo của Mặt Trận – cũng có giọng cười sền sệt co rút các cơ hàm khi bố trí chỗ ăn ngủ và chỉ định các khâu công tác cho chúng tôi. Hầm Mười Một quả là điểm nóng của tuyến đường ngầm 916B. Bọn con gái đã chịu thử thách ngay những giờ nằm điểm đầu tiên. Thoạt tiên là còi báo động. Thứ âm thanh gần giống với chuông báo thức thoát ra từ cái đài bán dẫn, được khuếch đại vang lên trong tất bật của cả nhóm người nhốn nháo. Tiếng bom reo trong lòng đất kế đến mới thật kinh dị. Bọn chúng tôi nghe rõ mồn một thứ tiếng động mạnh của nhiều vật nặng xuyến xoáy vào lòng đất. Rồi tiếng nổ chát chúa ù tai dây chuyền trong lúc người váng đi, thân thể tung bắn lên trần hầm. Kinh nhất là sức ép trong lòng đất. Tám lá phổi của bốn đứa con gái như bị bóp dẹp, vò nát rách bươm từng mảnh. Những trận bom có thể bất chợt trong nhiều phút với tiếng nổ ầm ầm rồi kéo dài hàng giờ với tiếng vọng âm âm trong lòng đất, nhiều khi từ một nơi thật xa truyền lại còn giữ nguyên sức rung địa chấn. Chúng tôi co quắp ôm chặt nhau những khi ấy, với cảm tưởng thần chết đang bóp chặt lấy cổ họng, đùa bỡn. Ðất đá từ trần rơi xuống lộp bộp, lấp đầy những cái miệng cố mở lớn để thu vào chút dưỡng khí. Cả bọn chỉ nhận ra người mình phủ đầy cát và một dòng máu đỏ lòm đang rỉ ra từ cánh mũi đen sì cáu bẩn đất sau khi cuộc đánh bom qua đi. Ðời sống ở hầm Mười Một quả là khủng khiếp, nếu còn có thể gọi là đời sống.
Nhưng rồi ở đâu thì con người cũng tìm cách thích nghi với môi trường mới. Chúng tôi quen dần với những trận đánh bom. Quen với những luồng hơi nóng hừng hực của bom xăng đặc ném dội xuống hầm. Quen với những tuyến đường ngầm đào theo hình chữ L, sâu xuống thành hình chữ E và tẽ ra thành chữ K chạy zích zắc nối liền nhau bằng các hầm chắn an toàn đổ đầy than đá, vôi sống và sỏi cát để lọc hơi độc mà địch thường bơm xuống từ một nắp hầm bị khám phá. Bốn đứa con gái quen với cả tính tình và vóc dáng những người du kích tỉnh đội. Hai ống chân ghẻ chốc của Tính, khuôn mặt phù thủng của Lập, bệnh sốt rét kinh niên của Chiến hay vết thẹo dài sâu hoắm giữa lưng Lực… Chúng tôi học sống và chiến đấu dưới lòng đất. Nhu – đứa con gái mười bảy tuổi được chỉ định làm giao liên, biết mò mẫm trườn bò di chuyển trong những lộ tuyến nhỏ bằng lỗ chó chui, biết luồn lách trong những khúc hầm nguy hiểm nhất và ngửi ra mùi khói ngạt mà bọn Mỹ không ngừng ném, phun, xịt vào lòng đất. Nhu thường buộc lại búi tóc trễ xuống vai, ném về chúng tôi cái nhìn trìu mến trước khi biến mất vào trong bóng tối của những con đường hầm đen thẳm, để dẫn đưa hay đón người tới từ những hầm chung quanh. Chẳng thế mà tập thể đã bình bầu Nhu là chiến sĩ giao liên tiên tiến, tặng danh hiệu Anh hùng làm vẻ vang cho cả bọn. Phấn thì khác. Ðứa con gái mười chín tuổi sinh đẻ ở Củ Chi, rành rẽ, sành sỏi, nhớ mặt từng tên Dân vệ trong vùng. Phấn còn là tay bắn cừ khôi của hầm. Mỗi đêm Phấn theo Lực và tổ du kích rời hầm đi đắp mô, thâu thuế và tấn kích một vài đồn bót Ngụy ven khu vực. So với Phấn, Huệ mập mạp đẫy đà, có nước da xanh nhớt, trắng bệch vì là đứa sống lâu nhất dưới mặt đất. Tuy thế Huệ công tác tốt ở khâu chị nuôi. Và cả tôi nữa – đứa con gái tên Nhật – vào đời với may mắn chưa bao giờ phải sống trong vùng tạm chiếm của Ngụy. Mỗi ngày tôi ngồi trước máy, phụ trách khâu hiệu thính điện đài, tháo rỡ, cắm rút mấy chục cái phích để liên lạc với các hầm số Chín, Mười Ba, Mười Lăm… báo cáo tình hình và hội thảo phương án chi viện cho một điểm nóng nào đó nếu cần. Tôi còn nghe ngóng đêm cũng như ngày, tất cả những động tĩnh trên đường dây điện đàm của địch và trình cho Lực nắm những mẩu tin xếp loại A. Những khi tôi ngủ, tự động Phấn hoặc Nhu ngồi vào bàn thay thế. Chúng tôi sống với tuổi trẻ và chiến đấu bằng niềm tin mãnh liệt rằng ngày Tổng Công kích sắp đến…
o O o
Thế giới của côn trùng, của giun dế, tuy thế cũng có những ngày êm lắng và bình yên. Máy bay địch hay gã thần chết hiểm ác dường như không mấy thích bay lượn những ngày mưa. Mỗi bận nghe tiếng sấm rền vọng ngân trong lòng đất, Phấn cong môi mỉa mai rằng giặc lái sợ ướt bộ đồ bay đẹp của chúng khi phải ra sân bay dưới cơn mưa nặng hạt. Nhu thì nói dỗi những hôm trời tầm tã thế này, thể nào cóc nhái và ễnh ương cũng ra chào cô trong những đường hầm ngập nước. Huệ càu nhàu than củi ướt quá, khó nhen lửa bắc lò. Và tôi – con Nhật hiệu thính – bộ tịch hờn mát trời gầm làm đường dây nghe không rõ. Ngoài miệng nói thế, nhưng trong thâm tâm lũ con gái mong mưa như đất hạn mong nước. Ai hiểu cho bọn con gái những khó khăn thầm kín, những vấn đề vệ sinh bản thân mà bốn ca nước tiêu chuẩn mỗi ngày không đủ thỏa mãn cung ứng. Chúng tôi túa đi, thi nhau hứng những giọt nước trong suốt rỉ nhểu từ những rễ cây mọc len lỏi trong đất. Tiếng động lốp bốp vui tai của giọt nước vỡ, đôi khi làm người ta quên mất đang sống trong thế giới của loài trùng đất. Riêng tôi cứ tưởng đâu mình hãy còn dưới mái nhà lá dột phất phơ của gia đình. Bốn đứa con gái vụt trở nên trẻ thơ, đùa giỡn tạt nước vào nhau từ cái vại nước hứng đầy. Bọn chúng tôi gội đầu và chà mình trong góc hầm giăng bạt. Sau những buổi tranh thủ tắm đột xuất như thế, tóc Nhu óng ả mượt mà hẳn lên, thôi dính bệt từng mảng bùn đỏ ké “thu hoạch” được trong những chuyến giao liên. Da thịt Huệ cũng hồi sinh, nuột nà bay mất mùi bếp và tro than. Tôi tìm cho mình cái thú ngồi tựa lưng vào vách hầm mát lạnh, thấm loang loáng nước mưa rỉ rả nghe Nhu thủ thỉ kể một mẩu chuyện góp nhặt từ các hầm khác.
Ðôi mắt của mọi người long lanh bị kích thích khi nghe Nhu kể một cảnh cứu đất sập ở hầm Mười Bốn. Cả bọn nén tiếng thở chờ đợi Lực kể tiếp một vụ xử lý linh động thằng trưởng ấp chiến lược bị Mặt Trận bắt được. Huệ luôn đãi cả hầm một ấm chè tươi với bánh đậu mà hậu phương lớn miền Bắc gởi vào khích lệ nhân dân Nam bộ, sau những lúc hàn huyên thân mật ấy.
Nhưng thời gian dưới mặt đất qua mới chậm. Giọng đùa cợt khúc khích của bọn con gái lơi dần. Khuôn mặt của những người du kích trở lại lầm lì, lạnh đá. Ðêm cũng như ngày chỉ có một ánh đèn dầu vàng lu, vặn nhỏ tim leo lét, soi loe hoe dăm cái bóng lúc chao nghiêng ngả, lúc đứng sững dán in lên vách. Những háo hức ban đầu của lũ con gái vừa khám phá ra mặt chìm của đời sống dưới lòng đất, qua nhanh như cuộc tắm mưa ngắn ngủi. Thời gian biến thành sự bồn chồn chờ đợi. Tai vểnh lên nghe ngóng rình rập một tiếng động lạ. Mười ngón tay bứt rứt cào xước trên mặt đất. Những kích thích tột độ của một bản tin chiến thắng, số máy bay Mỹ bị bắn rơi trong ngày. Sự lo lắng chu toàn khâu công tác của mỗi người, những chiếc võng treo hối hả trên vũng nước ngập lõng bõng của hầm ngày mưa bão và cả nỗi sợ hãi điếng người khi địch vãi bom cày xới mặt đất, cũng không đủ giúp thời gian trôi nhanh hơn. Ngày dưới hầm Mười Một là một khối lê thê, dài thậm thượt hun hút như con đường ngầm sâu hoắm, bất tận, nuốt chửng mọi sinh vật. Nhóm con gái chỉ phân biệt được đêm ngày ở cây kim đồng hồ đánh tích tách dưới trần hầm đen cứng. Ngày đến với tiếng khạc nhổ của một du kích bị loét bao tử thức sớm. Trưa là tiếng đằng hắng của Lực triệu tập phiên họp bồi dưỡng chính trị. Chiều xuống thêm một buổi học tập cách thức bám trụ, chống càn trong chiến tranh Giải Phóng. Ðêm về, trả tiếng tra đạn lách cách của tổ du kích khi rời hầm đi hoạt động. Chừng ấy tiếng động tẻ lặng, ngần ấy cử chỉ rời rạc của từng người diễn ra trong ánh đèn dầu vàng bủng màu nghệ. Một tuần, một tháng, một năm… tiếng cười trong vắt của Nhu đục dần, cũng trở nên khàn khàn kìm hãm. Giọng hát cao vút của Phấn thấp đi, không còn chuyên chở hết lửa nhiệt tình của những bài ca tranh đấu của Mặt trận. Và tôi – ở trần hầm im phắc – tôi bắt đầu trông thấy những đốm thao thức lớn dần, loang loáng nhiều ý nghĩ lạ. Ngày Tổng Công kích vẫn chưa đến, nhưng những bồn chồn nóng nảy trong lòng mọi người chừng đã chín muồi ghê gớm lắm rồi. Hà Nội, hậu phương lớn – pháo đài của niềm tin – trong bản tin cuối cùng đang chịu những trận bom khốc liệt.
o O o
Những trận bom khốc liệt tiếp tục một năm, thêm một tuần, thêm một tháng, thêm nhiều tháng… trong ngột ngạt thường trực của căn hầm ngộp hơi, thiếu dưỡng khí. Cảnh tù quẫn bít bùng chìm sâu dưới lòng đất dễ làm con người ta nếu không phát điên, cũng chẳng còn bình thường. Ðiều kỳ lạ là lớp vỏ bên ngoài của những con người nằm hầm, nếu có vẻ vượt qua được thử thách để sống sót trong một môi sinh khắc nghiệt, thì cái phần bên trong của con người ấy hoàn toàn bị hủy hoại. Tôi chứng kiến đầy đủ, gần như trọn vẹn sự thoái hóa của những du kích bị tước đoạt ánh mặt trời.
Chuyện tranh chấp giữa Huệ và Phấn khởi đi từ một ve dầu dừa cỏn con. Một bận sau phiên trực máy, buông mình xuống mặt chiếu tìm giấc ngủ bồi dưỡng, đang lim dim, tôi chợt nghe tiếng Huệ vang lên chua và sắc.
– Gớm sao tóc thơm mùi dầu dừa thế? Lại lấy trộm của tao đấy phỏng?
– Tôi không lấy trộm của ai!
– Thế ở đâu ra? Ăn cắp còn chửa nhận thì thôi!
Có lẽ chính những cặp mắt đổ dồn về làm Phấn tự ái. Ðứa con gái được tập thể biểu dương có tính triệt để Cách Mạng trong công tác, vụt hung hãn như thể tìm thấy đích bắn lúc hươi nòng súng.
– Mày bảo ai ăn cắp, con kia?
– Tao nói đứa đầu hôi như cú không dám cho trai ngửi!
Tiếng “bộc” khô khan từ nắm tay Phấn bất ngờ thoi vào mặt Huệ không kịp lường trước. Huệ ngã bật ngửa sóng soài ra bếp, nhưng trước tập thể, Huệ không muốn mình yếu thế vùng ngay dậy, tiện tay chụp thanh củi tạ phang mạnh vào người Phấn. Hai đứa con gái tru tréo the thé, chửi bới đào mả, thóa mạ dòng họ lẫn nhau. Huệ và Phấn xô đẩy, đấm thụi, bứt tóc, cào cấu gầm rú trước mặt đám đàn ông dửng dưng như đang xem diễn tuồng. Lúc Lực can cả hai ra và lớn tiếng phê phán tác phong, đạo đức của hai người, thì Phấn và Huệ đã tả tơi, bầm giập mình mẩy. Huệ chui vào xó bếp lẩm bẩm chửi rủa. Phấn ôm đầu tóc rối bù với một bên má bầm tím ra ngồi ở đầu hầm, mài lưỡi lê xoành xoạch bằng hai bàn tay nổi gân chai đá. Không khí ngột ngạt nghẹt thở. Tôi nằm im giả vờ ngủ. Nhóm đàn ông quay mặt lại làm như không thấy gì, nhưng trong ánh đèn dầu vàng lu, một vài khóe môi nhếch lên kỳ lạ. Thái độ chần chờ trước khi can thiệp của Lực cũng kỳ lạ. Ðám ruồi xanh bay vo ve trên nền đất. Một con chuột xạ chạy vụt qua hầm. Tôi nhìn thấy ở trần nhà, dáng nằm thụ động của chính mình. Tại sao tôi không nhào vào can gián, giải hòa cho hai con bạn gái cùng tổ? Tại sao mấy anh du kích cười mỉm thích thú? Con chuột lại bò ra giữa hầm tha theo mẩu bánh, không ai buồn đuổi. Tiếng chuốt lưỡi lê của Phấn tiếp tục vọng lên, sắc nhọn, đều đều.
Từ ve dầu dừa cỏn con, sự giận hờn mau chóng biến thành mối thù truyền kiếp. Phấn và Huệ nói xấu công khai, trắng trợn, sau lưng nhau. Nhiều lần Phấn rình rập lén trút muối vào nồi canh, đổ thêm nước vào chảo cơm Huệ đang nấu. Bữa trưa, bát canh bí lưa thưa vài con tôm khô, trở thành mặn chát. Chảo cơm gạo lức nhão nhoẹt. Huệ sượng sùng, lầm lì cúi gằm mặt ngồi ăn giữa những anh du kích xếp bằng tròn cũng giận dữ, lùa từng đũa cơm vữa vào miệng. Chỉ hai lần như thế đủ để Huệ bị đưa ra kiểm điểm trước tập thể. Chỉ một miếng ăn không ngon mà Huệ bị những đồng chí còn coi nhau khắn khít hơn anh em hôm qua, đem ra phê phán gay gắt. Nhưng Huệ đủ khôn lanh để tìm ra ngay thủ phạm. Cái hôm mà mọi người đi khuân đạn bên hầm Mười Chín, chỉ còn hai đứa ở lại trực phiên, tôi bắt gặp Huệ chui rúc trong góc hầm đang mài miểng chai rắc vô bi đông nước uống của Phấn. Ánh mắt Huệ đầy chết chóc và hiểm ác khi Huệ ngẩng lên trông thấy tôi đang đứng nhìn nó. Huệ nhìn tôi đằng đằng sát khí, như thể chỉ cần tôi lên tiếng, làm một cử động nhỏ là nó sẽ giết chết tôi ngay. Tiếng động cà rèn rẹt từ hòn đá mài dao, mải miết không ngừng phát lên nơi bàn tay béo mập của Huệ. Tôi bị ánh mắt thôi miên của đứa con gái bấu chết trân tại chỗ cho đến khi nó làm xong, hoàn tất cái công việc ám hại có chủ đích.
– Quỷ tha ma bắt nó đi!
Huệ cà xong miểng chai, đến đứng trước mặt tôi chờ đợi một phản ứng. Khuôn mặt Huệ vẫn đầy vẻ đanh đá và hiểm ác khi thốt ra câu nguyền rủa độc địa.
– Mày là đồng chí của tao. Phấn, nó là một con quỷ!
Tôi đứng yên như một cái xác chết. Ðứng yên vì sợ hãi cái hành động giết người của Huệ hay vì biểu đồng tình? Tôi cũng không biết rõ. Tôi chỉ biết mình ghét Huệ nhưng không đủ can đảm có một phản ứng nào cả, ngay cả một lời nói. Huệ gật gù tỏ vẻ hài lòng, đưa một bàn tay – cái bàn tay đã cầm cục đá mài khi nãy – đưa lên vuốt má tôi trìu mến.
– Tao có tranh thủ cất riêng tí đường, nấu bát chè mình cùng ăn.
Nói rồi Huệ quầy quả treo bi đông nước lại chỗ cũ, bước ra xó bếp nhen lửa, bắc nước nấu chè. Với Huệ mối thù đã trả xong. Tôi nuốt chất lỏng ngọt với ý nghĩ mình vừa bán nhân phẩm để đổi lấy bát chè.
Sau hôm đó, thời gian đối với tôi càng trở nên dài hơn. Tất cả ngưng lại, nặng chì ở cây kim giờ đứng yên, cây kim phút không di chuyển và kim giây đánh tích tách, tích tách liên hồi chừng vang xoáy muốn đâm thủng bốn vách hầm. Tim đèn dầu thường trực soi bất động thứ ánh sáng vàng khè. Từng chập những tiếng thở ngắt quãng mệt nhọc của Chiến bị bệnh sốt rét hành hạ. Lâu lâu, tiếng chân dồn dập của bầy chuột xạ lại chạy rần rần vang trong khúc đường hầm không người ở. Phấn bắt đầu kêu đau bụng một buổi tối, rên rỉ kêu xót ruột và dạ dày. Tình trạng sức khỏe của Phấn nhanh chóng suy sụp, thường hay bị sốt liên miên và tiêu ra máu. Phấn không còn đi kích với những người du kích nữa, mà nằm liệt trên chiếc võng ny lông, đong đưa kẽo kẹt hai mươi bốn tiếng. Lúc thức, lúc ngủ, Phấn rơi dần vào tình trạng hôn mê bất thường. Ðiều lạ lùng là cả hầm thụ động chứng kiến, không ai biết phải làm gì. Chỉ có Huệ vụt trở nên thành khẩn, hăng say chăm sóc cho người bệnh. Cặp mắt Huệ long lanh sung sướng mỗi khi được đút cháo cho Phấn. Thái độ đóng kịch sỗ sàng của Huệ chỉ đem đến cho tôi những cơn ác mộng hãi hùng trong giấc ngủ. Tôi thường mơ thấy một bắp chân đứt lìa, một cánh tay lênh láng máu và tiếng thét của Phấn the thé vang vang trong giấc mơ. A! Con Nhật, mày đồng lõa! Lần nào cũng vậy, tôi giật bắn mình choàng tỉnh, người tướp ướt mồ hôi. Căn hầm nóng ngộp hơi đến tắt thở. Chiếc võng nơi Phấn nằm đu đưa như có bàn tay vô hình đẩy. Cây đèn dầu vẫn cháy thoi thóp. Cặp mắt Huệ luôn ở đó, rình mò theo dõi. Và nước ở đâu nhểu giọt lỏng tỏng, vang vang trong góc hầm. Tiếng động của giọt nước vỡ, được khuếch đại nặng nề như tiếng chân thần chết. Ðêm hay ngày đều kéo lê sự hoang vắng rùng rợn của chính nó.
o O o
Nhưng Phấn không chết như Huệ mong muốn. Chỉ nằm đó, dật dờ oằn oại và lả đi trong bóng tối của căn hầm ngày càng nặng nề âm khí. Xuất sáng không rõ từ lúc nào, thường vọng lên tiếng chửi rủa giữa những người du kích với nhau. Những câu tục tằn, thô bạo gán ghép cho nhau chỉ vì một bi thuốc lào, một xị rượu đế. Giấc trưa và chiều, những khuôn mặt gật gù hạ quyết tâm máy móc. Lực tiếp tục lặp đi lặp lại phương án chống càn mà chúng tôi đã thuộc nằm lòng. Phản kích, vây ép. Bám trụ, bám chắc. Ðánh chậm, đánh tốt. Bắn trúng, bắn bồi. Kiên trì diệt Mỹ, giải phóng miền Nam. Nhân dân nhớ ơn, miền Bắc chi viện… Một buổi tối, tổ du kích trở về thiếu mất Lập và Tính. Lực lạnh lùng phát âm hai chữ “hy sinh” rồi thản nhiên ra lục cơm nguội. Tôi chợt nhớ có lần Phấn kể, khi công tác những người bị thương đều không được phép mang về hầm, phải linh động xử lý. Thứ nhất chúng tôi không đủ thuốc men để săn sóc người bị thương. Thứ nhì cảnh tượng hấp hối của một đồng chí có thể gây tác hại, dao động tinh thần cho hầm. Phấn đã kể chính tay Lực đã kê súng vào đầu Thọ, khi anh Thọ bị đạn vào đùi không chạy được nữa. Nhớ đến câu chuyện của Phấn, tự nhiên tôi nghĩ đến cảnh Lực linh động giải quyết Lập và Tính. Tôi rùng mình trong xó hầm đen tối. Bất giác tôi quay đầu nhìn về chiếc võng của Phấn, vẫn đu đưa im lìm. Bao giờ thì Lực mới quyết định giải quyết trường hợp của Phấn? Ðứa con gái rõ ràng không còn khả năng chống Mỹ. Khoảng thời gian này, đột nhiên giặc lơi ném bom. Ðã lâu chúng tôi không còn sống cái cảm giác sợ hãi chờ thần chết đến bắt đi trong cơn địa chấn của lòng đất. Làm như con người ta chỉ yêu thương nhau khi kề cận nỗi chết. Từ lúc máy bay địch ít bay qua vùng, tự dưng ở đâu bao tị hiềm nhỏ nhen vụt bật ra trong cảnh sống của hầm Mười Một. Miếng ăn, miếng uống, thư nhà, dè bỉu trong công tác trở thành nguyên do của sự xâu xé. Nhưng trầm trọng hơn là ánh mắt nhìn chằm chằm của đám du kích lên thân thể ba đứa con gái, mỗi khi tụi tôi giăng bạt tắm mưa. Sau lớp vải, bọn con gái chịu đựng âm thầm hàng chục đôi mắt đang nhìn chòng chọc về phía mình.
Chuyện xảy đến cho Nhu như một tiến trình tất yếu. Lần đó Nhu được chỉ định đi giao liên với Trọng. Lúc trở về người Nhu như mất hồn, đôi mắt khiếp đảm và vẻ mặt đau đớn. Chuyện gì đã xảy ra cho Nhu trong khúc đường hầm đen đặc ấy? Xác một “con chuột” – như bọn Mỹ vẫn gọi những du kích đường hầm – chết lâu ngày sình thối bất ngờ ngã đè lên người Nhu? Hay Nhu bị bò cạp cắn? Tôi đỡ lấy Nhu, con bạn gái mà tôi thương yêu nhất, chú thỏ đất của tôi ngã rũ rượi ra chiếu, mắt nhìn nghiêng và đôi môi mím chặt. Nhu cương quyết giấu nhẹm câu chuyện kinh khủng đã xảy đến cho cô, trong tuyến đường ngầm với Trọng. Trọng cũng không giải thích điều gì, tảng lờ coi như không có chuyện. Sau hôm ấy ở Nhu không còn sự tinh anh, tươi tắn, trẻ trung yêu đời của tuổi mười tám. Nhu lầm lì không nói chuyện với ai, câm như hến kể cả với tôi. Giống như Nhu không còn tha thiết với cuộc sống nữa, vì đã đánh mất cái phần quý giá nhất của một con người. Liên tiếp nhiều đêm sau đó, trong giấc ngủ tôi nghe tiếng thở của Nhu trăn trở, gần như phiền não. Làm như trong tiếng thở có sự ẩn ức, nhục nhã không nói nên lời. Rồi một đêm bất ngờ tôi thức giấc. Ở chiếc chiếu kế bên, nơi Nhu nằm, tôi bắt gặp một bóng đen trườn tới, đè lên mình Nhu. Ðứa con gái kháng cự yếu ớt, hai cánh tay của bóng đen săn chắc chống xuống mặt chiếu, một thân hình loang loáng mồ hôi lên xuống nhịp nhàng trên người Nhu. Tiếng thở của bóng đen dồn dập, hào hển. Tiếng thở của Nhu rên rỉ, đau đớn. Căn hầm tắt đèn tối om. Tiếng muỗi vo ve và tiếng cử động nhẹ của hai thân hình chập chờn trên mặt chiếu. Tôi không nhận rõ mặt người du kích, nhưng đoán là Trọng bởi cái lưng chắc khỏe, bả vai cuồn cuộn thịt. Tôi nhìn sững họ ở chỗ nằm. Lần đầu tiên tôi chứng kiến một cảnh tượng như thế. Ðộ năm mười phút thì Trọng rời ra khỏi Nhu, bò về chỗ ngủ. Cái hình ảnh dan díu vụng trộm đó diễn ra hằng đêm, cho tới một hôm tôi chợt khám phá ra không phải chỉ mình Trọng ăn nằm với Nhu, mà là cả nhóm du kích. Vết thẹo giặc chém sâu hoắm trên lưng Lực, nổi ửng một vệt đen trong đêm. Tấm lưng trần xương xẩu của Lực cũng lấm tấm mồ hôi chảy nhểu xuống da thịt trắng tươi của Nhu, luôn luôn nằm thụ động chịu đựng. Ðôi chân khẳng khiu của Vượng, đôi chân ban ngày có nhiều mụt ghẻ lốm đốm, ban đêm duỗi thẳng song song, làm đà chống cho thân hình Vượng vồ vập lấy Nhu. Ngực tôi bị nghẹn, trái tim đập mạnh muốn vỡ tung lồng ngực. Tôi cùng chịu đựng với Nhu hoạt cảnh thô bỉ của mỗi đêm. Thời gian qua Nhu phờ phạc đi trông thấy. Mắt thâm quầng và mặt hốc hác, da xanh mướt. Trong một buổi kiểm thảo, Lực phê bình Nhu thiếu tích cực trong công tác. Nhu ngồi bó gối cúi mặt. Huệ lim dim thích thú và nép sát vào vách trốn tránh. Bầy ruồi đậu trên những bắp chân trần của đám du kích. Những bắp đùi hằng đêm chống trên mặt chiếu của Nhu. Tôi bỗng thấy mình may mắn vì không có nhan sắc. Tôi cũng thấy mình ích kỷ vì không dám lên tiếng bào chữa cho Nhu. Tạm thời họ để yên tôi và Huệ, vì chúng tôi xấu, vì Nhu trẻ đẹp hơn, tất nhiên. Ðêm đó Nhu thở khá lớn, chừng như để chứng tỏ mình tích cực hơn trong công tác. Sáng hôm sau, Lực tỏ ra thỏa mãn, phấn khởi thôi hằn học và lần đầu tiên quyết định cho Phấn biên chế sang hầm bệnh xá, nghe đâu Phấn phải mổ một khúc ruột nhưng sống sót.
Từ lúc Phấn rời hầm, Nhu ít nói như người câm. Tính và Lập hy sinh, hầm Mười Một ảm đạm hơn một nhà mồ. Không ai còn hàn huyên với ai. Chỉ có những câu trao đổi ngắn vì nhiệm vụ, thật vô hồn. Dần dà mọi người biến thành những xác chết biết bò, trườn, chui, len lỏi trong lòng đất. Những cái xác chỉ thật sự sống vào bữa ăn, tranh nhau lùa cơm vào miệng, nuốt chửng khúc cá khô nhanh hơn một con thú. Bình thường trong ngày thì mọi người giam mình vào lớp áo liệm riêng, khép kín, nhìn lên trần hầm bằng đôi con ngươi thiếu sự sống. Tôi trực máy nhiều hơn. Tôi xa lánh tập thể xung quanh, muốn nghe thấy một giọng nói khác, của một con người sống đúng nghĩa trên đường dây. Nhưng ở các hầm khác, những mẩu đối thoại rập khuôn tương tự cũng chỉ là những mẩu chết. Chỉ trên đường dây điện đàm của Ngụy là có sinh khí. Tôi thường say mê cắm những cái phích, nghe ngóng rình mò các đường dây liên lạc của Ngụy. Tôi thường hay bắt được cùng một tiếng nói của một người lính. Tiếng nói giọng thành phố còn trẻ, đùa giỡn trên máy. Tôi thích thú theo dõi giọng cười của người lính vang vang sảng khoái, nghe anh ta kể những câu chuyện mà tôi chưa bao giờ được nghe. Người lính có vẻ nghệ sĩ, lâu lâu hát tặng bạn bè trong máy. Bản nhạc lạ, có âm hưởng lúc vui tươi, khi buồn man mác xa vắng, nhưng tuyệt nhiên không có sắt thép và máu trong lời nhạc. Giọng người lính ấm, ngọt ngào bên tai. Ðã từ lâu tôi không còn trình lên Lực những mẩu tin loại này, vì Lực đánh giá tầm phào, không có giá trị quân báo cao. Nhưng rõ ràng mỗi ngày tôi một say mê, trở nên thích thú gần như sung sướng được nghe trộm những câu chuyện trao đổi giữa họ. Một câu chuyện vui, có khi là một chuyện tình được kể với thương yêu bùi ngùi và có khi chỉ là những tâm sự bâng khuâng thao thức của người lính. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng người lính đang ngồi ở ngay trên nóc hầm, mở máy truyền tin nói chuyện với bạn bè. Giọng anh ta rõ mồn một. Tôi có ý nghĩ kỳ cục là chỉ cần trổ nóc hầm là tôi có thể trông thấy mặt mũi người lính. Hôm nào trời mưa bão, đường dây bị sấm ù nghe không rõ, hay những hôm người lính lười biếng không lên máy, tôi cảm thấy thật thiếu thốn, bứt rứt chờ đợi trong lòng. Tôi quen giọng nói anh ta đến nỗi, chỉ cần nghe một câu vô thưởng vô phạt là tôi đoán ra được người nói chuyện, đề tài sắp bàn đến. Thường thì người lính kể về thành phố anh ta sống, lớn lên trước khi gia nhập quân đội đánh thuê. Lâu lâu anh ta nhắc về một kỷ niệm cũ, ở góc quán cà phê thơ mộng, hay sau buổi xem hát dưới phố. Ðiều kỳ lạ là trong cái thành phố đó không hề có cảnh đàn áp, áp bức của chính quyền tay sai Mỹ. Cũng không bao giờ tôi nghe người lính nhắc về một cảnh bóc lột nhân dân lao động của thành phần thống trị tư bản. Người lính chỉ nhắc những vòng hoa giấy sặc sỡ màu sắc, một cổng trường trung học tưng bừng phố xá hay về một người con gái nào đó mà tôi đoán là người yêu. Lần lần tôi khám phá ra họ không phải là những tên đồ tể điên cuồng bắn giết như chúng tôi tưởng. Trong những mẩu chuyện của họ, có cái gì đó thật thơ mộng, đôi lúc lãng mạn mà không thể tìm thấy trong câu chuyện của những người du kích. Họ cũng biết chua xót đau đớn cho đất đai bị tàn phá. Tình cảm tôi dành cho người lính nhen nhúm, nẩy sinh đến lúc nào không hay. Có khi tôi có cảm tưởng người lính biết tôi đang rình rập nghe lén anh ta và anh ta trò chuyện cho tôi nghe.
Có khi người lính của tôi cất tiếng hát. Giọng ấm rung thật truyền cảm. Khi ngân giọng hát khao khao, lúc xuống thấp buồn da diết. Tôi uống từng lời hát, nuốt từng nốt nhạc Tây ban cầm. Chưa có ai hát cho riêng mình tôi nghe một bản nhạc trữ tình hay như thế. Thường thường các anh du kích hát tặng chúng tôi trước tập thể, nhưng đều là những bài ca tranh đấu sôi sục, không hề có âm hưởng tha thiết và tình cảm như người lính đang hát. Giọng hát trầm ấm theo đường dây điện đài vào thẳng tim tôi và ngừng ở đó. Trong máy có khoảng im lặng một lúc, rồi người lính chuyện trò trở lại.
Có tiếng rè rè trên đường dây và mẩu nói chuyện ngưng ngang ở đó. Trở về manh chiếu của mình, tôi nằm xuống ngó lên trần và thấy ở đó một khuôn mặt. Tôi cố mường tượng ra người lính Ngụy, không phải với hình ảnh ác ôn mà chúng tôi được học tập, nhưng bằng giọng hát khi nãy còn đeo đuổi bên tai. Ðời con gái cũng cần dĩ vãng, mà em tôi chỉ còn tương lai… Anh ta có biết tôi chưa hề có dĩ vãng? Còn tương lai? Tôi đâu nhận thấy gì ngoài cái trần hầm đen đủi trên đầu mình. Tôi đã sống dưới lòng đất hai năm rồi. Hai năm của tuổi thanh xuân, để đến một lúc nào đó phải làm công tác hộ lý như Nhu. Người lính Ngụy có thực sự căm ghét chúng tôi? Nếu chạm mặt, tôi sẽ bắn anh ấy? Và anh ta bắn tôi, ai là kẻ bắn trước?
o O o
Ý nghĩ hỗn độn trong đầu tôi. Tim đèn dầu vàng lu. Căn hầm tối thê lương. Ðám du kích sống dật dờ. Một đứa con gái chỉ chực sinh sự, một đứa con gái hiến thân cho Cách Mạng ở nghĩa đen và một đứa con gái chao đảo, tương tư một giọng hát. Không còn những trận bom ác liệt. Không còn những nóng nảy bồn chồn chờ đợi ngày Tổng công kích. Không còn chi hết. Chỉ còn tiếng chân chuột chạy và tiếng động của loài thú sống dưới mặt đất.
Trần Vũ
1988