Đó là tên một bài thơ tôi tình cờ đọc được trước đó mấy hôm của tác giả Phù Vân đăng trên tạp chí Vấn Đề số 9, xuất bản tháng 12 năm 1967, chỉ cách khoảng một tháng trước khi trận thảm sát đẫm máu diễn ra vào Tết Mậu Thân 1968. Bài thơ đã tái hiện trọn vẹn không khí chiến tranh căng thẳng và hoài nghi trong một thành phố nhỏ, hiền lành Hội An. Không một thành phố nào lúc đó thoát khỏi sự bủa vây chết chóc từ những tiếng gầm thét của bom đạn; không một ấp ủ, hẹn hò tình ái nào lúc đó thoát khỏi tử thương dưới cỗ máy giết người tàn bạo của chiến tranh.
buổi tối bắt đầu bằng tiếng thét đại bác 105
Buổi tối bắt đầu bằng mortier 81
Buổi tối mở mắt những ngọn đèn vàng.
Buổi tối bắt đầu những phố chong đèn.
Buổi tối đi ngủ sớm.
Buổi tối không dạo chơi vì những sợi kẽm gai dăng ngang đường về 8 giờ.
Buổi tối ngăn cách ngoại ô thành phố bằng thời gian.
Buổi tối phân chia thành khu vực giới nghiêm và buổi tối bao vây bằng súng đạn.
Nên anh không còn lang thang làm một người du mục trong thành phố chúng mình về đêm.
Nên anh không còn bạn bè buổi tối!
Nên anh không còn có em trên những con đường 11 giờ khuya.
Nên chúng mình không thể đi chơi dù 1 giờ 2 giờ.
Dù rất ngắn.
Anh làm thế nào được khi giờ giấc trong thành phố bỗng cách biệt như hai đầu quê hương.
Chúng mình ở trong khu vực 9 giờ
9 giờ treo đèn ngoài ngõ
9 giờ kín cửa
và 9 giờ để không được nhìn nhau thật lâu
và Hội An đêm chấm dứt 9 giờ.
Tôi đang bước đi trên vỉa hè ngập đầy lá bàng đỏ của Hội An một buổi tối những ngày đầu Xuân năm Kỷ Hợi 2019, bất chợt sực nhớ đến bài thơ đó mà tưởng như không ngớt nghe vọng lại bên tai mình tiếng đại bác từ hơn năm mươi năm về trước.
Vì sao tôi lại có thể nhớ đến bài thơ đó vào lúc này? Có phải vì ngọn đèn vàng hiu hắt thấp thoáng của một chiếc thuyền chài bên chân cầu hay bởi hình dáng cô gái ngồi vò võ bên song cửa một ngõ nhỏ tôi vừa thoáng gặp?
Trên gương mặt của những người dân Hội An hôm nay, của những du khách đang chen chúc nhau ở những con phố hẹp ăm ắp hàng hóa và tiếng động, lời nói bằng đủ các thứ ngôn ngữ tôi tưởng như vẫn còn nhìn thấy đâu đó những rạn vỡ, chia lìa từ một buổi tối hẹn hò nào đã xa lắc. Chiến tranh, quả thật, đã lùi rất xa nhưng bài thơ vẫn mãi mãi là một ám ảnh. Người ta có thể băng bó lành lặn một vết thương trên cơ thể nhưng vĩnh viễn không thể làm cho một bài thơ thôi rỉ máu. Tối hôm ấy ở Hội An tôi đã nhìn thấy tôi chảy hết máu.
Hội An những buổi tối bây giờ là những tụ tập hẹn hò, những bước chân về khuya, những cánh cửa khép muộn. Gió se lạnh, một cô gái kéo cao cổ áo, đi nép vào người tình, dưới hàng cây tối. Trên gác cao một người treo chiếc đèn lồng bên khung cửa. Những chiếc xe nối đuôi nhau chạy không dứt về khu chợ và những quán ăn. Khu phố cổ nêm cứng người, xe. Chật vật lắm tôi mới bắt được một chiếc xe đi ra ngoại thành.
Đèn thắp sáng hai bên bờ sông. Lùi sâu bên trong là những khách sạn, resort bóng bẩy, rực rỡ. Những ngày đầu Xuân ở Hội An nhuộm đỏ một màu cờ; cờ cắm dọc vệ đường dẫn ra ngoại thành một hàng đều tăm tắp, trên bờ sông, bãi cỏ; đỏ ở mọi góc phố, ngõ hẹp, mái nhà, gốc cây, ghe tàu chở khách du lịch. Tôi đi giữa trùng trùng sắc đỏ; màu mai vàng e ấp trong ngày Xuân bỗng nhiên trở nên nhỏ nhoi, tội nghiệp. Chỉ đến khi ra khỏi trung tâm đô hội, trong cái bóng tối đang dày lên theo từng mét đường tiến ra ngoại thành, tôi mới không còn nhìn thấy nữa.
Tôi đang ở đâu giữa một Hội An phủ vây bằng ánh sáng hỏa châu thời chiến và một Hội An hôm nay ngút ngàn cờ quạt?
Mỗi một thành phố đều làm từ những niềm cô đơn liên kết lại; từ những cái hàng rào, cánh cửa, bức tường dựng lên để chống chọi với cái mênh mông không bến bờ xa lạ và đầy hiểm họa của thế giới. Nhưng với tôi, có lẽ phải đặt chân đến Hội An mới cảm nhận được hết ý nghĩa một thành trì của căn nhà. Từ những náo nhiệt bon chen bên ngoài bước qua ngạch cửa một căn nhà nhỏ, hẹp, trần thấp nhưng rất sâu, được ngăn làm nhiều gian với đồ trần thiết chủ yếu bằng các loại gỗ quý trạm trổ tinh xảo, người ta có cảm tưởng như bước chân vào một thế giới khác hẳn, mát mẻ, ấm cúng nhưng nhiều bóng tối thâm u, bí hiểm. Đó là thế giới trướng rủ màn che của vàng son quá vãng, của thờ tự, của rêu phong cổ kính. Chính cái thế giới đó, tôi nghĩ, đã khiến cho Hội An dù là một thương cảng sầm uất bậc nhất từ rất sớm, vẫn giữ nguyên vẹn cốt cách của mình trước bão táp văn minh ngoại lai hàng thế kỷ. Nhưng Hội An hôm nay đã xuất hiện rất nhiều căn nhà hiện đại, tân kỳ của những người giàu có từ nơi khác đổ về và những căn nhà cổ hiện thời cũng đang từng ngày lột xác, khoác một diện mạo mới để bắt kịp trào lưu. Tôi không biết trong tương lai Hội An sẽ còn đứng vững nữa hay không trong một thời đại vật chất hãnh tiến và sa đọa này, họa chăng chỉ còn lại một chút son phấn, hương thừa?
Buổi sáng con sông Thu Bồn chảy hiền hòa như một dải lụa xanh trong vắt ngang thành phố. Tiếng trống kèn, xướng ca chiều tối qua ở ngôi đền bên kia sông đã tắt, chỉ còn lại tiếng nổ xình xịch của mấy chiếc xuồng du lịch làm xao động con nước. Một vài người tản bộ, tiếng con trẻ cuối phố. Đứng tựa lan can nhìn ra con sông, tôi thở chầm chậm bầu không khí mát rượi, tinh khôi của đời sống Hội An và tưởng như chính giờ phút ấy, tôi mới cảm thấy hết nhịp sống đích thực của nó. Không thể nghi ngờ gì nữa, con sông Thu Bồn đang chảy lặng lẽ dưới kia chính là gương mặt, là linh hồn của Hội An muôn thuở.
Cũng buổi sáng đó tôi ghé vào một hiệu sách, đúng hơn chỉ là một nơi mà khách du lịch đến trao đổi, bán lại sách cũ họ mang theo đọc giết thời giờ. Sách, thường là loại sách bìa mềm, khổ bỏ túi, đủ các thể loại thượng vàng hạ cám. Hiệu sách có ba gian kệ gỗ đóng sơ sải chạy giáp ba mặt tường. Thỉnh thoảng ở những nơi như thế này may mắn tôi có thể tìm thấy một vài cuốn sách ưng ý. Sáng hôm đó tôi rất toại nguyện khi vớ được một cuốn tiểu thuyết của Kurt Vonnegut và một cuốn của Gaston Bachelard. Chủ hiệu sách nói chuyện trong nhà để tôi một mình tự do chọn lựa, tôi nghĩ giá như lúc ấy tôi có lấy sách rồi lẳng lặng bỏ đi không trả tiền chắc cũng chẳng ai buồn để ý. Câu chuyện kéo dài và sôi nổi bên trong làm cho tôi không khỏi tò mò. Họ có ba người tất thảy: một giọng nam trầm, có lẽ là của một người đứng tuổi và hai giọng nữ trẻ trung. Hai người phụ nữ nói đến việc định cư ở nước ngoài; họ phân tích rồi đâm phân vân giữa hai quốc gia Mỹ và Canada điều kiện sinh sống ở nơi nào là tốt nhất. Một người chọn Canada, người còn lại chọn Mỹ. Người đàn ông cất tiếng khuyên giải.
Hướng vào phía trong nhà, nơi cuộc trò chuyện có vẻ chẳng biết khi nào mới chấm dứt, tôi đánh tiếng. Một người đàn ông trên dưới bảy mươi bước ra, vẻ mặt điềm đạm, cử chỉ khoan thai, mỉm cười chào tôi và chúc Tết. Sau khi trao đổi mấy câu với người đàn ông, tôi trả tiền trở về khách sạn. Tôi mua được hai cuốn sách vừa ý với một giá rẻ bất ngờ nhưng bất ngờ hơn cả trong cuộc gắp gỡ tình cờ, chớp nhoáng sáng nay, đó là câu chuyện tôi nghe lỏm. Câu chuyện đã cho tôi thấy một góc cạnh khác về đời sống bên trong của người Hội An hôm nay.
Tôi rời Hội An vào sáng sớm hôm sau để kịp chuyến bay đầu ngày về Sài Gòn. Một cơn mưa bụi lất phất, mỏng như sương sa. Mưa Xuân. Ngoài trời vẫn còn tối. Những mái nhà vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Dưới lòng đường một người chạy bộ và một cặp trai gái người nước ngoài đi nép dưới hàng hiên tối. Chưa có hàng quán nào mở cửa. Tôi nhìn ra con đường trước mặt, hai hàng cây hai bên đường đứng lặng lẽ dưới ánh đèn vàng vọt. Chính vào lúc đó, tôi mới thực sự cảm thấy tôi không muốn chia tay với Hội An.
Vũ Thành Sơn