có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Bảy, tháng 1 26, 2019

Trầm Tử Thiêng – nhạc sĩ nhiệt tình với quê hương đất nước


Trầm Tử Thiêng năm 1986. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Xuân Điềm và Trầm Tử Thiêng quen nhau từ năm 1963 khi Xuân Điềm và em là Xuân Lạ từ Quy Nhơn mới vào Sài Gòn lánh nạn, đang theo học tại trường Trung Học Lasan Taberd Sài Gòn với các frere.

Khi ra đi hai anh em chúng tôi chỉ mang theo bên mình hai cây đàn violon, và lúc đó anh em tôi đang chơi nhạc trong dàn đại hòa tấu của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn. Một hôm nhạc sĩ Lê Thương mời chúng tôi tham gia Ban Tài Năng Mới do ông chủ trương, để giúp đỡ những tài năng chưa có cơ hội được hòa nhập vào lãnh vực văn nghệ. Chương trình này phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh Quốc Gia. Dịp này chúng tôi được quen biết nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cùng sinh hoạt văn nghệ với nhau rất ăn ý, nên từ đó đã trở nên thân thiết không rời xa nửa bước.

Ban ngày chúng tôi thường gặp nhau tại Sở Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục, để thu thanh cho chương trình Phát Thanh Học Đường do nhạc sĩ Lê Thương, nhạc sĩ Hùng Lân, nhạc sĩ Vĩnh Bảo, nhạc sĩ Vĩnh Phan, nhà thơ Tống Ngọc Hạp, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Xuân Điềm, Xuân Lạ, Bảo Tố, Đắc Đăng cùng thực hiện. Lúc này nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng mang thêm biệt danh là nhạc sĩ Anh Nam, anh chuyên sáng tác các ca khúc cho thiếu nhi về các đề tài lịch sử, xã hội văn hóa để giáo dục cho học sinh tiểu học toàn quốc. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng tham gia thêm các cuộc sinh hoạt nơi thủ đô Sài Gòn…

Sau bốn năm sinh hoạt văn nghệ thân thiết với nhau, vào một đêm khi chúng tôi đi chơi nhạc về khuya nên ngủ mê mệt, kẻ trộm đã đột nhập vào nhà đánh cắp toàn bộ nhạc cụ và âm thanh nên chúng tôi phải tạm dừng hoạt động.

Cho đến năm 1967, 1968 Xuân Điềm, Xuân Lạ và Bảo Tố phải chuẩn bị đi vào quân ngũ. Trước khi nhập ngũ tôi đã sáng tác ca khúc “Tiếng Nói Động Viên” cho Nha Động Viên phát thanh trên đài Sài Gòn và đài phát thanh Quân Đội kêu gọi thanh niên hăng hái nhập ngũ tòng quân theo tiếng gọi của Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng để chống kẻ thù phương Bắc. Và, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng tiếp tục việc sáng tác cho quân trường như các bài “Mưa Trên Poncho,” “Quân Trường Vang Tiếng Gọi”… nên từ đó chúng tôi ít khi gặp nhau. Đến năm 1971, em tôi Xuân Lạ tử trận mất xác ở Snoul Cambodia.

Năm 1975 mất nước tôi phải vào nhà tù Việt Cộng, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cũng không tránh khỏi và anh cũng đã đi vào một nhà tù khác. Anh đã sáng tác tù khúc “Trên Nông Trường Oan Nghiệt” khi đang ở trong tù như chúng tôi.

Trầm Tử Thiêng (1937-2000) là một nhạc sĩ của dòng nhạc vàng 
và tình ca giai đoạn 1954-1975 tại miền Nam Việt Nam. (Hình: rfa.org)

Gia đình tôi sang Mỹ năm 1990 gặp lại anh cũng vừa mới được định cư nên chúng tôi vui mừng khôn xiết. Sau đó Ban Tù Ca ra đời và nhiều lúc anh cũng đã ôm đàn guitare cùng với cây đàn banjo làm bằng vỏ bom của tôi, cùng nhau đứng hát chung một sân khấu với Ban Tù Ca những tù khúc và sáng tác mới của anh.

Những lúc tập luyện anh đến nơi rất đúng giờ, ít cười và có chút nghiêm khắc nên những bài anh tập khi trình diễn rất thành công. Anh nghe kỹ từng lời hát, từng nốt phát âm của từng người phải hát chuẩn và phát âm thật chính xác mới thôi. Trong thời gian này anh sáng tác rất mạnh, các ca khúc mới ra đời như “Vang Vang Tình Việt Nam,” “Tuổi Trẻ Lên Đường,” “Người Con Gái Trên Đường Bolsa,” “Cám Ơn Anh”… cũng đã được Ban Tù Ca thu thanh vào CD.


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng ngoài nhà giáo, anh là một nhạc sĩ đa tài, một nhạc sĩ viết hòa âm có hạng. Hai ca khúc tâm huyết của tôi là “Bình Định Quê Tôi” và “Kỷ Niệm Hôn Phối” do Khánh Ly hát cũng được anh hòa âm rất hay và đặc biệt. Có một dạo chúng tôi gồm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, nhạc sĩ Tùng Giang, nhạc sĩ Lý Văn Chương, Xuân Điềm, Thanh Liễu, Lê Hoan – giám đốc VNA TV, ca sĩ Lê Nguyễn, ca sĩ Khánh Phương, ca sĩ Sơn Tuyền… thường họp nhau tại nhà ca sĩ Khánh Ly-Hoàng Đoan văn nghệ thật vui… Trong nhóm giờ này chưa được phân nửa còn lại trên dương giang. Đời người có là bao.

Trong chiến dịch 55 ngày chống treo cờ máu và hình “Hồ tặc” trong tiệm Trần Trường trên đường Bolsa, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng haằng đêm luôn sát cánh với Ban Tù Ca với bài hát “Cờ Vàng Bay Trên Phố Bolsa” của anh cho đến ngày chấm dứt.

Trong thời gian này khi anh có tâm sự buồn hay anh vừa sáng tác một ca khúc mới, đêm đêm anh gọi điện thoại cho Xuân Điềm để anh em chuyện trò tâm tình nhiều lúc cho đến khuya chưa dứt. Có lúc tôi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không hay thì sáng hôm sau anh hay trách nhẹ rồi cười xòa thật dễ thương. Có lần anh nói với tôi: “Anh Điềm ơi. Anh có được Ban Tù Ca là một điều rất tốt cho công cuộc đấu tranh, nên anh cần phải cố gắng duy trì lâu bền để giúp cho cộng đồng Việt Nam chúng ta sau này.”

Những lời tâm sự của anh tôi luôn ghi nhớ cho đến hôm nay.

Vào năm 1999, Ban Tù Ca tham dự nhạc hội gây quỹ cho cuộc bầu cử “Rock and Vote” ở Costa Mesa tôi có nói với anh Trầm Tử Thiêng rằng: “Anh nên sáng tác một ca khúc về người lính VNCH và người chiến sĩ đồng minh Hoa Kỳ để vinh danh họ. Vì tôi nghe nói Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ sẽ dựng nên một tượng đài hai người lính Việt Mỹ ở thành phố Westminster này.”

Anh trầm ngâm suy nghĩ một lúc và chậm rãi trả lời với tôi: “Anh Điềm ơi, tôi biết tôi đang không được khỏe nên anh cứ viết đi tôi biết anh sẽ viết được. Khi nào mình còn sáng tác được thì cứ viết, đừng để sau này muốn viết thì không còn viết được nữa.”

Thế là bài “Tưởng Niệm Chiến Sĩ Tự Do – Vietnam America” ra đời, tôi hát thử cho anh nghe anh khen hay lắm cứ tiếp tục. Ngày ra mắt bài hát này và Nhạc Hội Gây Quỹ Xây Dựng Tượng Đài lần đầu tiên được tổ chức tại nhà hàng Regent West trên đại lộ Bolsa đã thành công tốt đẹp, dầu bị Việt Cộng xúi giục tuyên truyền đánh phá, vì họ đâu muốn có một tượng đài hai chiến sĩ Việt Mỹ nơi thủ đô tị nạn Cộng Sản của người Việt hải ngoại.

Kỷ niệm cuối cùng của chúng tôi là khi nghe tin anh bệnh nặng, tôi có gọi điện thoại thăm anh thì anh cho biết anh đang đi ở một nơi xa để ăn kiêng trị bệnh. Tôi vui và không quên cầu nguyện cho anh. Nhưng, một tuần sau đó nghe nói anh đã về lại nhà và bệnh phát nặng hơn.


Xuân Điềm và Thanh Liễu có tìm đến căn apartment tọa lạc tại lầu 1 trên đường Ball để thăm anh. Chúng tôi gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy ai ra mở cửa, tôi định quay mặt bước xuống thang lầu thì nghe tiếng cửa mở nên quay lại chúng tôi nhìn nhau, trông anh ốm và tiều tụy quá. Anh cho biết vì có nhiều bạn bè luôn đến thăm anh không nghỉ ngơi được nên không thể tiếp khách, anh nhìn qua khe cửa thấy tôi nên mới ráng đi ra mở cửa.

“Thương anh quá,” tôi hỏi anh có ăn gì chưa. “Ca sĩ Quốc Việt vừa mua cho anh tô phở nhưng chỉ ăn được một chút còn để đó,” anh trả lời.

Trầm Tử Thiêng (1937-2000). (Hình: wikipedia.org)

Thấy tóc anh bạc trắng và dài quá tôi đề nghị để tôi cắt gọn một chút cho anh, anh miễn cưỡng trả lời: “Ông có biết cắt tóc không đó?” Tôi trả lời: “Anh chỉ ngồi im một chút 5 phút là xong. Khi ở trong tù tôi ở trong đội hớt tóc chuyên đi hớt tóc vào buổi trưa cho anh em, anh khỏi lo.” “Nhưng tìm kéo đâu ra mà ông hớt?’

Lúc vào nhà thấy trên bàn có cây kéo cắt giấy để sẵn ở đó nên tôi lấy dùng tạm. Ngồi trước gương trong phòng tắm anh nói: “Nhiều anh em nghệ sĩ thương tôi nên muốn tổ chức cho tôi một show ca nhạc để chữa bệnh nhưng tôi từ chối, vì không muốn làm phiền anh em.” Tôi biết anh Trầm Tử Thiêng rất tự trọng nên không dám nói gì thêm.

Mái tóc sửa xong anh cười và còn nói đùa: “Trông tôi còn đẹp lão lắm phải không anh Điềm?” Chúng tôi cùng cười. Anh nói thêm: “Tôi bệnh lâu không đi ra ngoài được nên nhớ phố xá, nhớ cảnh sinh hoạt nhộn nhịp, nhớ bạn bè nên tôi thường trùm kín tấm chăn ngồi sau xe nhờ ca sĩ Quốc Việt chở dạo một vòng phố xá rồi về mới ngủ được.” Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng con người thật tình cảm và cao quý quá. Cũng xin nói thêm, ca sĩ Quốc Việt khi còn sống là người có công chăm sóc ông thầy Trầm Tử Thiêng nhiều nhất.

Một tuần sau anh mất. Tôi đã khóc cho anh và sau nhiều tuần lễ tôi vẫn còn thẫn thờ khi nghĩ đến anh. Sau này khi Việt DZũng ra đi tôi cũng đã mang tâm trạng như vậy. Tôi thấy cuộc sống vô thường quá nên đã viết một ca khúc để tiển đưa bạn có tựa đề “Đời Người Có Là Bao” do Duy Quang hòa âm và thu thanh và nay anh cũng đã ra đi.

“Vũ trụ thật bao la
Ta trong dải ngân hà
Như muôn vàn hạt cát
Giữa sa mạc mênh mông

Thân ta là bụi tro
Một hạt bụi vào đời
Sống cuộc đời nổi trôi
Nhiều ước vọng xa xôi

Ta như là sợi tóc
Tóc như mây bềnh bồng
Mây tan tận cuối trời
Và tóc cũng rụng rơi
Hành trình đã đến rồi
Đời người có là bao.

Ta nằm im trong đất
Ngủ giấc ngủ thiên thu
Ta nằm giữa cỏ hoa
Hạnh ngộ với mẹ cha

Nghe mùa Xuân chim hót
Tiếng ve sầu trưa Hè
Tiếng lá rụng mùa Thu
…Và gió rít mùa Đông

Rong rêu mùi cỏ dại
Đất ôm trọn hình hài
Hành trình đã đến rồi
Đời người có là bao… là… bao….”



Năm nay, 2019, nhân ngày kỷ niệm 19 năm nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, Xuân Điềm xin ghi lại đôi dòng những kỷ niệm và tâm tư tình cảm của mình đối với một người anh, một người bạn văn nghệ mà mình quý yêu suốt cuộc hành trình văn nghệ. Chúc anh luôn mỉm cười nơi chín suối…


Xuân Điềm

nguồn