Nhạc & lời: George David Weiss Bob Thiele (alias George Douglas)
Lời Việt: Nguyễn Thảo
Trình bày:Châu Hạnh
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Final mix: LeVuMusic Studio
Photo: Ngô Nhật Trường
Graphics: MarcMarc
Thế Giới Tuyệt Vời
Nhìn tàng cây thật xanh
Đỏ thắm cánh hoa
Những đóa hoa thơm
Dâng hương cho đời
Riêng trong tâm tư ta thôi
Thấy tuyệt vời cả thế giới
Nhìn trời cao thật xanh
Trắng những đám mây
Sáng sớm phút linh thiêng
Đêm đen bao mơ huyền
Riêng trong tâm tư ta thôi
Thấy tuyệt vời cả cuộc đời
Nhìn xa xa nơi chân trời
Mầu trời xanh xanh như mơ
Nhìn quanh đây bao nhiêu người
Mặt tươi vui thật rạng rỡ
Gặp nhau nắm lấy tay nhau
Lời thăm hỏi gởi trao nhau N
ếu cố lắng tai nghe (là)
Những thương yêu
Trẻ thơ oa oa khóc
Phút chốc bỗng nhiên
Chúng đã lớn khôn mau
Ôi ta thật không ngờ
Riêng trong tâm tư ta thôi
Thấy tuyệt vời cả thế giới
Ôi trong tâm tư ta thôi
Thấy diệu kỳ là cuộc đời
What a Wonderful World
I see trees of green
Red roses too
I see them bloom
For me and you
And I think to myself
What a wonderful world!
I see skies of blue
And clouds of white
The bright blessed day
The dark sacred night
And I think to myself
What a wonderful world
The colors of the rainbow
So pretty in the sky
Are also on the faces
Of people going by
I see friends shaking hands
Saying how do you do
They’re really saying
I love you
I hear babies crying
I watch them grow
They’ll learn so much more
Than I’ll never know
And I think to myself
What a wonderful world
NT: Nhạc phẩm What a Wonderful World qua giọng hát đặc biệt của Louis Armstrong đã gây một ấn tượng mạnh mẽ trong thập niên 60 ở Anh Quốc nhưng không được yêu chuộng mấy tại Mỹ. Dư luận cho rằng vì đề tài sắc chủng vẫn luôn luôn gay cấn tại xứ hiệp chủng này. Tuy vậy, năm 1999, ba thập niên sau khi ra đời, bài nhạc này, qua giọng hát của LA, đã được đưa vào Grammy Hall of Fame.
Lần này, qua lời Việt, nhạc phẩm bất hủ này sẽ đến với các bạn, trong những ngày đầu năm 2019, qua giọng hát của Châu Hạnh. Tưởng không gì hơn là mời các bạn đọc bài viết của Ngô Nhật Trường về Châu Hạnh sau đây:
CHÂU HẠNH, Kẻ Jazz Không-Ngừng-Hát
Châu Hạnh là một trong những giọng nữ của Kẻ Jazz hiện nay. Khác với sự trong trẻo, nhẹ nhàng bay bổng của Anh Thi, chất giọng của Châu Hạnh già dặn, trầm khàn và vang cho thấy nhiều sự từng trải, và cũng là những lằn ranh, khuôn khổ dường như cô muốn phá vỡ. Tôi cảm giác là vậy.
Mãi cho tới khi được trò chuyện với cô, tôi mới biết cảm nhận của mình thật không sai. Châu Hạnh xuất thân trong gia đình vốn cởi mở, ảnh hưởng nhiều của văn hóa nước ngoài. Ba cô đi học Mỹ và là người yêu văn nghệ, khiêu vũ nhưng lại nhất quyết không cho cô đi theo con đường ca hát dù cô đã được mời biểu diễn trong các quán nhạc ở Sài Gòn những năm 70. Ba cô mong cô trở thành cô giáo. Cô kể có lần đã bị ba theo dõi tới tận nhạc quán để bắt về khi cô đang đứng hát giữa đám đông. Tất nhiên, với tình yêu cho âm nhạc, cô đâu dễ bị khuất phục.
“…thiếu nhạc một ngày là không thể chịu nổi” – cô chia xẻ
Mà cô cũng không thể cãi lại ba. Cuối cùng, người ta cũng gọi cô là cô giáo Châu Hạnh. Cô dạy anh văn trong trường học, rồi cuối buổi “ngứa nghề” lại dạy học trò… hát. Không được hát ở nhạc quán, cô tụ tập bạn bè đàn hát ở nhà, ở trường,… ở đâu cũng được. Miễn là được hát. Bao nhiêu năm qua rong ruổi qua lại giữa Canada và Việt Nam, Châu Hạnh vẫn hát, vẫn phá vỡ những lằn ranh của cuộc đời cô. Và tiếp tục phá vỡ lần nữa khi cô biết đến KẻJazz. Châu Hạnh không có sở trường với thể loại nhạc này. Khi Anh Thi giới thiệu Châu Hạnh vào KẻJazz hồi năm ngoái, cô thú nhận ban đầu cảm thấy nhiều khó khăn. Bởi nhạc jazz đã “khó nuốt” mà giờ lại là nhạc jazz lời Việt! Nhưng sự tử tế và đam mê, sáng tạo của anh Vũ, anh Thảo dành cho âm nhạc đã khơi gợi cho Châu Hạnh nhiều thích thú. Cô bắt đầu thích jazz, nghe jazz nhiều hơn, và hát jazz.
Kẻ Jazz là một khu-vườn-âm-nhạc-không-biên-giới cho tất cả người yêu nhạc nói chung và jazz nói riêng tới gần với nhau. Nhờ Kẻ Jazz, tôi tìm thấy, gặp gỡ những người anh, người chị, người bạn cùng chung một tình yêu, một đam mê. Dẫu có khi chưa từng một lần gặp mặt nhưng đã như hiểu nhau qua mỗi bản nhạc. Chúng tôi, dù mỗi người một thân phận, từ các vùng đất, tuổi đời, hoàn cảnh khác nhau, nhưng cùng hiện thực hóa giấc mơ âm nhạc mà những biên giới vô hình kia đôi lần đã chôn vùi. Và, Châu Hạnh cũng vậy!
Nhật Trường
Sài Gòn, tháng tám, năm 2018