có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 1 17, 2019

Apollo / David



“Bộ đội Hưng” là tên tôi gọi người đàn ông có giấc mơ trở thành một thứ Van Gogh tại Mỹ.

– Em đi theo diện ODP với gia đình. Bố là sĩ quan đi trước.

Ngay câu đầu tôi đã thấy lời không thật. Nhưng có gì quan trọng? Giữa chúng tôi chẳng chút dính líu. Tiền bạc? Không. Liên hệ gia đình? Không. Tình cảm? Cũng không. Chỉ là hai người hàng xóm thỉnh thoảng gặp, trao đổi dăm chuyện. Thoảng có dư thời gian cũng chỉ tâm sự vớ vẩn. Tại sao phải dùng đến lời nói mất lòng.

– Mình sang trước theo diện thuyền nhân.

Tôi bỡn cợt bằng lối dùng chữ của Hưng. Anh không nhận ra, vẫn vui vẻ.

– Cả ông anh, bà chị đi bằng thuyền một lần?

Tôi thôi đùa. Tội nghiệp Hưng không thấy cái nghịch ngầm của người khác. Người đàn ông lớn lên tại một tỉnh nhỏ miền Bắc chưa sắm nổi vai trò của người miền Nam. Chỉ cần gặp lần đầu, nếu tinh ý, ai cũng có thể nhận ra vẻ lạc lõng của người nghệ sĩ này. Đi đôi với cách nói là thái độ của Hưng khi gặp người chung quanh. Khoảng cách vẫn còn lúc tiếp xúc với người đã tham dự vào chính quyền hay quân đội miền Nam. Mặc cảm khi gặp người sang trước. Sự thèm thuồng cuộc sống hợp pháp tại Mỹ… Tất cả đã tạo cho Hưng một nhân dáng khác với vai đang sắm. Tôi cố cư xử với Hưng bằng sự gần gũi, thân mật để tạo nên thứ tình cảm giữa hai người xa xứ.

Thật sự, đôi lúc tôi tự hỏi thân với Hưng để làm gì? Nhưng chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Hầu hết những lý do đưa ra khi kết bạn đều không có. Thành thật? Hưng dối như cuội khi nói về bản thân và gia đình. Giúp đỡ? Tôi chẳng có gì cần. An ủi? Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc. Tâm sự? Tôi bắt đầu già và chỉ thích uống bia một mình… Đó là phần tôi. Còn phần Hưng cũng không có lý do để gần tôi. Tôi ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn người khác. Lũ em gái của tôi ở Mỹ đều có gia đình, đâu còn dư để Hưng tòm tèm… Nhiều lý do khác cũng được tôi đặt ra từ hai phía nhưng vẫn không tìm thấy câu trả lời. Đành tạm nhận điều đã nói là tình cảm của hai người xa xứ. Một lý do rất mong manh vì chung quanh – chỉ riêng San Jose – đã có chừng một trăm ngàn người Việt khác cùng xa xứ, nhưng tôi có thân với ai đâu? Nhưng thôi, dù mong manh vẫn là cái cớ để lý giải còn hơn lúc nào cũng tự hỏi tại sao về một chuyện đã có.

Cứ thế, chúng tôi trao đổi những chuyện vẩn vơ mà không ngờ đó là từng lớp sóng nhỏ mang phù sa đắp vào khoảng cách quá khứ. Ngày một gần. Khoảng bảy tháng sau, kể từ lúc dọn đến, Hưng đã thôi ngại như lúc mới biết tôi là một người lính cũ. Chúng tôi đã anh em. Tất nhiên tôi đóng vai “ông anh” và Hưng đóng vai “ông em”. Những mẩu chuyện bị rào đón từ từ mất để thay bằng sự cởi mở, thân mật. Ngay cả những câu đùa của tôi, dù biết, cũng không làm Hưng phật ý. Đôi lúc, chính anh cố tình xử dụng các chữ đặc chất bộ đội để cả hai cùng cười. Lớp vỏ của Hưng dần được tháo bỏ. Rồi đến lần ngồi với nhau trong sân nhà tôi.

– Lúc tham gia quân đội, ông anh thuộc lực lượng nào?

– Biệt Động Quân.

– Biệt Động Quân? Ở đơn vị chủ lực chắc ông anh tham dự nhiều trận ác liệt lắm… Đóng ở đâu thế?

– Bồng Sơn, Tam Quan. Liên đoàn sáu.

– Bình Định hả anh?

– Ờ!

– Em cũng ở Bình Định.

Hưng vô tình đắm vào câu chuyện. Tôi nhìn anh.

– Sư đoàn ba Sao Vàng?

Hưng cũng nhìn tôi. Ngập ngừng rồi gật đầu. Trong mắt có ánh dò xét. Tôi bật cười.

– Vậy là ngày xưa tụi mình choảng nhau.

Lây cái cười của tôi, Hưng cũng cười theo.

– Vâng.

Chúng tôi đã vượt qua lằn ranh của những người hàng xóm và lằn ranh vạch ra cho đất nước mấy mươi năm. Cũng như câu hỏi thân với Hưng để làm gì từ lúc nào không biết, đã được tôi quên lửng.


Tôi được biết giấc mơ họa sĩ của Hưng vào một sáng chủ nhật. Bấy giờ là mùa đông của San Jose. Trời nặng vì những đám mây đen. Hưng sang nhà tôi.

– Ông anh có rỗi không?

– Bộ đội Hưng cần gì? Vào đây làm ly cà phê đã.

– Cảm ơn anh, em uống rồi. Sang bên em một tị.

Tôi theo Hưng sang bên kia đường, đến cái nhà chứa xe được chữa lại của căn nhà trước mặt. Bên ngoài được giữ nguyên nhưng trong đã biến thành phòng vẽ của Hưng. Gọi là phòng kể cũng gượng vì chủ nhà đã hà tiện, cố ăn gian trong khoảng cho mướn. Trên ba tấm tường gỗ, lẫn với các bức tranh của Hưng là đủ thứ dụng cụ lau nhà, làm vườn được móc, đặt trên hàng kệ đóng sát vách. Sàn xi măng hẹp đầy đồ đạc. Mặt giường bừa bãi chăn gối. Cái bàn con xiêu vẹo. Hai cái đèn. Một máy truyền hình cũ nằm sát góc phòng có dăm ly nước chưa cạn đặt phía trên. Giá vẽ dựng giữa phòng với đống cọ, ống màu vung vãi chung quanh… Rất nghệ sĩ. Đó là ý nghĩ đầu khi tôi bước vào.

Nhưng tôi đã thất vọng trong ý nghĩ kế khi nhìn thấy các bức tranh. Đó là sự cóp nhặt từ những danh họa trên thế giới. Bóng dáng từng thiên tài ẩn hiện qua sự chắp vá vụng về. Tôi tìm thấy Venus của Botticelli sinh ra trong dáng xồ xề của một chị đàn bà quá tuổi, đứng õng ẹo trên cái vỏ sò treo cạnh người đàn bà quấn áo choàng lông của Rubens nhưng có khuôn mặt Á Đông.

– Mặt bằng hơi chật nên bừa bộn.

Tôi không để ý lời Hưng vì bận nhìn vào phần dưới thân thể của người đàn bà trong bức tranh đang vẽ, đặt trên giá. Cái rốn lồi. Ngấn bụng thõng. Vệt đen giữa hai mép thịt tòe như khe đất bị nứt hình tam giác hẹp góc. Người đàn bà trong thế nằm của Venus. Nhưng thay vì khép đùi với khoanh vải vàng che kín bụng dưới, lại mở hai chân để mọi thứ lộ ra xỗ xàng. Như gợi sự thèm muốn của người xem. Mà thèm thật. Trong bức tranh cóp lại của Guido Reni, tôi không để ý các chi tiết khác bằng cái tam giác hẹp góc giữa hai mép thịt.

– Ông anh thấy sao?

Tôi giật mình, nhìn Hưng. Dưới ánh điện, những lọn tóc khô cứng tua túa đâm lên, hắt bóng vào bức tranh đang treo trên tường giống đám cỏ đen bám vào thân người trong tranh. Lại một Venus. Lần này của Allori với tay phải đang duỗi để nắm tay cupid. Nửa thân trên xoãi ra, giống như bức tranh đang treo tại viện bảo tàng Uffizi, nhưng nửa dưới thay vì khép hai chân, người mẫu của Hưng lại chàng hãng. Chân phải đưa lên làm cupid đang giằng cây cung bị đá tung lên trời để háng mở rộng. Cửa mình vẽ tỉ mỉ. Hai mép thịt được xén gọn. Sắc hồng của da làm người xem bị kích thích. Tôi nhắc Hưng về thế nằm trong bức tranh có tên “Venus và Cupid”.

– Em biết, nhưng người đặt vẽ họ muốn nằm kiểu này.

Ra thế! Người đàn bà muốn vẽ ý để khoe cái cửa mình đã cắt dẻo thịt thừa. Bao nhiêu tiền? Trí tôi lẩn vẩn các mẩu quảng cáo trên những tờ báo thương mại trong vùng. Hưng lui hui, như tìm cái gì, trong chồng sách. Cuối cùng, anh reo lên.

– A! Đây rồi!

Hưng rút ra một cuốn sách khổ lớn, dầy. Nude of Art. Ba chữ vàng nhũ in trên nền bìa là các bức tranh nổi tiếng được xếp thành ô. Tôi cầm sách, lật vài trang.

– Cuốn này khá đủ. Em mua cho người thuê vẽ chọn.

– Bức tranh nào cậu thích nhất?

Lái qua chuyện khác, tôi gấp sách và đặt lên mặt ghế bên cạnh. Hưng kéo một cuộn vải từ góc phòng. Phủi qua bụi rồi cẩn thận tháo các vòng dây gai. Bức tranh được trải rộng. Lại một thân thể trần truồng. Các vệt nâu vàng được phết trên lưng người đàn bà nằm xoay mặt vào trong, giữa đám chăn màn do Van Gogh vẽ, được Hưng dựng lại.

– Ai thế?

Tôi tò mò. Hưng ngần ngừ.

– Thoa.

Rồi nói thêm về người đàn bà.

Cũng một thế nằm hơi giống với tranh mẫu, Thoa xoãi trên giường. Chung quanh có những đồ trang trí kiểu Hy Lạp – một mốt thường thấy của người Việt tại San Jose – trông quê mùa và có vẻ dôn dốt với các lớp màn phủ và hai cái cột thấp. Đôi mông lớn, tròn trịa đập vào mắt tôi. Thoa là một khuôn mặt nổi và có thế giá tại đây. Nhìn mông cô ta cũng thú. Nhất là trong thế nằm này. Bức tranh của Hưng gợi dục hơn tranh của Van Gogh.

Tôi chợt hiểu khi Hưng bắt đầu câu chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim.


Bỏ lại quê hương với những gì đang có, Hưng theo người đàn bà hơn tuổi làm chuyến phiêu lưu cho giấc mơ họa sĩ và tình yêu. Tuy hơn tuổi, nhưng Thoa đẹp và khá giả. Điều này càng hấp dẫn hơn khi đó là người đàn bà độc thân, trở về từ Mỹ. Qua sự quen biết giữa hai gia đình, chỉ cần gặp lần đầu, cả hai đều tìm thấy sự cần thiết của người trước mặt. Với Thoa là thân thể khỏe mạnh của Hưng. Con cái rạo rực, chồm lên đòi sống. Với Hưng, ngoài các điều Thoa có còn nước Mỹ đầy hứa hẹn. Hưng biến thành một thứ doanh nhân đến tham khảo thị trường. Một chuyến đi hợp pháp để Hưng trở thành bất hợp pháp khi hết hạn tạm trú tại thiên đường với các đồng dollar vừa cạn.

Nhưng phía sau sự thèm khát của Thoa là khoảng trống. Khi hết những ngày hạnh phúc, Thoa hất Hưng ra khỏi cửa như đã hất những người đàn ông đến trước. Hưng ngơ ngác giữa đám bạn chưa kịp thân. Trong tay vỏn vẹn cái valy và bức tranh vẽ Thoa dở dang.

Hưng thở dài khi dứt chuyện.

– Em chẳng ngờ…

– Rồi lúc đầu cậu sống thế nào?

– May cho em, có một người quen với gia đình đứng ra hỗ trợ để thuê xưởng vẽ này. Nhờ người mối lái, em vẽ tranh đặt. Lúc đầu hơi thiếu, gia đình phải giúp thêm nhưng bây giờ khả quan hơn. Người này giới thiệu người kia. Chỉ tiếc không được vẽ theo ý mình.

Tôi không cười nổi khi nghe hai tiếng xưởng vẽ được dùng. Tội nghiệp Hưng đã bỏ những điều đã có để tìm giấc mơ khó đến. Gia đình không còn là nơi để về khi những bức tranh vẫn vẽ theo các cách thế gợi dục. Điểm thoát cuối cùng của Hưng chỉ còn hai cách là tài năng hay phép lạ. Tài năng? Tương lai không biết sao, nhưng hiện tại Hưng không thể thành công khi chắp nhặt từng mẩu thân thể đàn bà từ các bức danh họa. Còn phép lạ? Tôi ngán ngẩm nghĩ đến thời gian dài đã sống tại đây. Hầu như không một phép lạ nào, trừ việc trúng số, được xảy ra cho người xa xứ ngoài những giọt mồ hôi đổ xuống. Nhưng ngay cả việc muốn đổ mồ hôi cũng đòi hỏi một tờ giấy hợp pháp mới có quyền làm. Hoàn cảnh của Hưng thật đáng ngại. Anh phải kéo dài cuộc sống bất hợp pháp và lây lất này đến bao giờ? Nước Mỹ chưa hẳn là thiên đường.

Hưng nhìn bức tranh, vuốt ve lên mặt vải.

– Cũng may còn bức tranh.

– Cậu yêu Van Gogh?

– Vâng. Em nghe nói tại viện bảo tàng Amsterdam có nhiều tranh Van Gogh.

Tôi kể về một thành phố có những tòa nhà đủ màu nằm sát bờ nước. Tại đó có viện bảo tàng Van Gogh, nơi có những con người đến từ khắp nơi trên thế giới, ngơ ngẩn ngồi trên băng ghế, miệt mài chi tiêu thời gian trước các bức tranh với giấc mơ như Hưng.

– Em mong có ngày được đến đấy.

Hưng thèm thuồng nói. Tôi cắt ngang chuyện về tranh để tránh điều không muốn nói và lái sang thú vui xác thịt tại Amsterdam. Cửa hàng sex hợp pháp như các cửa hàng khác. Món hàng thịt người được bày biện sau khung kính giống mọi món hàng khác. Rõ và tự nhiên với thân thể đàn bà được phơi trong các mảnh vải thưa hoặc trần truồng. Những gì cần che dấu tại các nơi khác được trưng ra tại đây. Lõa thể đứng sát cửa hoặc ngồi trên ghế với tấm voan mỏng vắt hờ hững trên bụng. Kín và hở. Phơi bày và che dấu chiếu lệ. Những thân người được đánh dấu bằng chữ số. Tôi đã chọn một con số trùng với ngày sinh của mình, khi vợ tôi mải mê ngắm các viên kim cương nổi tiếng của thế giới được trưng bày tại một xưởng làm nữ trang.

– Thích quá ông anh nhỉ.

– Thích thì thích, nhưng nhìn vào tập ảnh dầy khó chọn lắm. Hoa cả mắt vì chẳng ai giống ai. Mỗi người một kiểu, một màu, một vẻ… Chỉ muốn được ôm hết nhưng sức mình không kham nổi.

– Đắt không anh?

Hưng hỏi thêm. Tôi nói một con số và liên tưởng đến người con gái đã gặp trong thoáng chốc. Trừ mái tóc, tất cả được cạo cẩn thận, trơn, sạch như miếng thịt bày tại siêu thị.

Hưng bật cười thích thú rồi chép miệng.

– Thích thật! Ông anh sướng thật. Gặp tay em chỉ cần đứng ngoài nhìn là đủ hết ngày.

Câu chuyện sa đà thêm. Tôi vui miệng kể và lúc đó hoàn toàn không nhận thấy Hưng có vẻ thích nghe chuyện các cô gái bán thân nhiều hơn hỏi về tranh Van Gogh.


Hết mùa thu San Jose, Hưng bắt đầu nói đến những bế tắc. Đêm của Hưng vẫn chắp vá, pha trộn đường nét của các thiên tài. Ngày của Hưng trôi từng giờ, chập chờn trong giấc ngủ mệt. Những vệt màu trên khung vải đã chớm mùi nhàm chán của sự lập lại. Như một người thợ làm việc hàng ngày. Bỏ quê hương, Hưng đâu muốn làm một con kiến nhẫn nại, tha mồi theo từng động tác quen thuộc. Hay đâu ngờ phải chờ từng người đàn bà quá thì, thõng thện vú đùi đến phơi bày thân xác để kiếm sống.

Không tránh được và phí hoài sinh lực trong những buổi vẽ tranh, Hưng thú thật với tôi là đang làm công việc của một anh điếm đực. Hầu hết những người thuê Hưng đều sẵn sàng cho không. Hoặc tệ hơn, thuê vẽ chỉ là một cái cớ để họ tìm đến Hưng mà không phải e ngại khi tìm một địa chỉ đen, hay làm một chuyến du lịch dành cho phụ nữ tại Thái Lan. Họ truyền tai chuyện Hưng như một khám phá mới. Cho đến lúc những bức tranh thuê vẽ cũng không còn cần thiết. Những người đàn bà nằm, ngồi trong dáng Aphrodite chỉ muốn được thỏa mãn mà không cần biết mình đang sắm vai nào. Con của Zeus và Dione hay đã hóa thân trên vỏ sò, từ hạt giống của Uranus? Sao cũng được. Họ ngắm, chọn các kiểu nằm, ngồi trong cuốn Nude of Art chiếu lệ. Đặt vẽ như một cách tìm thú vui mang màu sắc lãng mạn, trưởng giả để khai thác sinh lực của người đàn ông to xác, khỏe mạnh.

Rồi đến lúc Hưng chỉ còn bữa trưa nấu vội gói mì. Chút sinh lực còn lại, bùng lên lần cuối cạn dần. Các bức tranh lõa lồ, khiêu dâm không còn là cái mốt cho những người đàn bà dư tiền tìm đến. Chung quanh đã có những loại người để khác thay Hưng mà họ không mất thời gian đóng vai Venus. Khung vải bỏ trống cạnh những ống màu khô. Hưng bị cuốn vào áo cơm khi nguồn tiền từ Việt Nam bị cắt. Mơ ước của ngày đầu đã nhạt. Chỉ còn âu lo trước mặt. Hưng lao đao bám vào đời sống Mỹ, chờ ngày đổ xuống.

Tôi không dám gợi ý Hưng trở về quê hương nhưng đã kể lại cảnh khó khăn của những ngày vừa hết cuộc chiến. Đủ loại nghề lạ đã được làm nhưng trong tôi giấc mơ không bao giờ mất. Tôi đã nhọc nhằn để làm việc cần thiết nhất là kiếm sống trong khi chờ cơ hội ra đi. Phải sống trước đã. Và trong những lúc tuyệt vọng, tôi luôn tìm thấy một cánh cửa nào đó được mở. Như ánh mắt Hoa – cô gái buôn hương – khi dắt tôi về túp lều lụp xụp nằm sát đường xe lửa để nương thân. Như sự ngạc nhiên tại khoảng đường lầy giữa khu kinh tế mới Dương Minh Châu và Trảng Bàng, khi được hai người bộ đội gác đường – thay vì bắt giữ – đã giúp tôi đẩy chiếc xe đạp thồ than qua vũng bùn ngập ngang đầu gối; xong, còn dặn không nên đi trên tuyến này trước nửa đêm. Như các đồng bạc nhăn nhúm nằm trong chiếc mũ tai bèo cũ, được bố thí từ những người xa lạ khi đang ăn mày tại ga xe lửa Sài Gòn… Quá khứ chắp vá lại trong từng lần nói chuyện chỉ mong Hưng thấy cảnh sống hiện tại vẫn còn những con đường rộng hơn các lối tôi đã qua.

Song song là chuyện những người Mễ cũng sống bất hợp pháp như Hưng. Cũng ngọng nghịu khi nói chuyện với người bản xứ. Họ nhọc nhằn đẩy xe bán hàng rong, trải tấm bạt để cóp nhặt từng đồng từ các món đồ vất đi tại chợ trời. Tất cả đều bắt đầu từ số không để hôm nay, đã có những con người tuy chưa thành một thứ Van Gogh, nhưng ít nhất cũng có đời sống bình thường trên mảnh đất này.

– Cậu nên ngưng lại.

– Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng sẽ bắt đầu cách nào?

Chúng tôi ngồi trong khoảng sân trước nhà sau cơn mưa xuân. Những hạt nắng vàng bám trên cảnh vật làm cái nhìn vui hơn. Không khí thoáng, nhẹ để con người có hơi thở sâu. Trước mặt tôi là con đường nhỏ nối liền với đường chính, ngắt từ ngã ba và uốn theo hai hàng cây có từng căn nhà chen vào. Bên kia đường, nơi Hưng ở, nửa cuộn cửa cuốn của cái nhà chứa xe đang mở. Từ chỗ tôi ngồi, đồ vật bên trong ẩn hiện vào các vết đen, tối. Người nghệ sĩ này đã tiêu thời gian trong khoảng hẹp đó với sự bế tắc và bị ăn mòn từng ngày, khi ánh sáng vẫn rực chung quanh.

– Sao cậu không nghĩ đến một cách buôn bán nào đó? Chợ trời chẳng hạn.

– Bán gì hả anh?

– Có gì bán đó, tùy theo hàng mình mua. Tuần bốn ngày, còn lại ba ngày cậu vẫn có thể theo đuổi điều mơ ước. Chẳng có ai kiểm soát, chẳng cần phải xin giấy phép. Đã nhiều người cùng hoàn cảnh với cậu đang sống bằng cách đó.

– Nhưng em không được lái ô tô.

Hưng nói khi tôi nhớ đến Số – người lính cùng đơn vị – cũng sống tại đây hơn ba mươi năm, vẫn còn giữ tình thân của những người đã chia nhau các phút sống chết và nhất là đang sống cạnh chợ trời nhỏ San Jose. Một nơi chốn Hưng có thể bắt đầu kiếm sống bằng khoảng đi bộ ngắn. Tôi gợi ý và nhắc đến Số. Hưng suy nghĩ rồi ngập ngừng.

– Anh Số thế nào hả anh? Nhỡ anh ấy biết em là…. Còn vốn nữa, liệu có nhiều không anh?

– Chẳng bao nhiêu, cậu đừng lo. Chỉ cần chịu khó lang thang các nơi bán garage sale hay dậy sớm đón mua hàng và đứng phơi nắng để bán hàng. Số là người tốt, dễ gần gũi. Bộ đội Hưng yên tâm, ngày xưa Số đã cứu tôi thoát chết một lần. Mảnh đạn 57 ly SKZ còn nằm trong vai tôi có thể từ một cái bấm cò của cậu.

Tôi thêm câu đùa để Hưng khỏi mặc cảm và lo lắng. Hưng bật cười theo và tự nhiên, dưới nắng xuân, tôi tìm thấy niềm vui như lúc thoạt bước vào cái xưởng vẽ được chữa lại từ một nhà chứa xe.

Hai tuần sau khi đưa Hưng đến nhà Số để tạm trú, tôi bận việc tại nước ngoài. Trên chuyến bay British Airways, chập chờn trong các giấc ngủ ngắn, tôi nhớ lại những ngày vừa hết cuộc chiến. Hệt như Hưng bây giờ. Anh sẽ bắt đầu bằng những giọt mồ hôi tại xứ lạ. Nhưng liệu Hưng có giữ được giấc mơ để quên những giấc ngủ ngày đã làm hai mắt trĩu nặng? Tôi bước xuống phi trường Heathrow với hy vọng Hưng sẽ “thành công” trong nghề bán chợ trời trước khi quay lại với khung vải.


Sau chín tháng, tôi trở về San Jose và đến chợ trời nhỏ vào một chủ nhật. Trong cái lạnh của ngày chớm đông, tôi đã thích thú tìm thấy Hưng trong cái áo Biệt Động Quân rằn ri như tôi đã mặc. Trước mặt Hưng là tấm bạt bày các thứ đồ hổ lốn. Hưng đang tiếp một người đàn bà tóc vàng. Từ xa, qua cung cách của của hai người, tôi thấy Hưng có vẻ đã quen với ngôn ngữ bản xứ. Khuôn mặt Hưng đầy lại, khỏe với nước da rám.

Tôi vỗ vai Hưng khi người đàn bà bước đi với cái túi nhựa trên tay.

– Sao? Thế nào?

Hưng giật mình quay lại.

– Giời ơi! Ông anh đã về!

– Quen rồi chứ? Buôn bán thế nào?

Tôi mỉm cười, hỏi thêm. Hưng vui vẻ.

– Quen rồi ông anh ạ. Em bán cũng khá vì cứ có lời là bán… À…

Hưng bỏ ngang câu và thọc tay vào túi trong, phía trên ngực áo khoác, lôi ra một cái phong bì. Bằng hai tay, rất lễ phép, Hưng đưa tôi.

– Ông anh cho em gửi.

– Gì thế? À…

Tôi nhớ đến món tiền nhỏ – vài trăm dollars – đã đưa Hưng làm vốn lúc đầu và đón lấy cái phong bì được dán kín bằng hai vệt băng keo dán chéo phía sau. Mặt phong bì nhăn nhúm, lợn vợn các dấu tay bẩn làm tôi xúc động. Hưng đã để riêng món tiền này từ lâu và chờ ngày tôi về. Anh vẫn giữ thế đứng của một người đã cầm súng chiến đấu. Sòng phẳng với cái nhìn thẳng về phía trước.

Lại một người khách đến. Lần này Hưng bập bẹ trả lời. Đã thích thú tôi lại càng thích thú hơn khi nghe các câu nói bằng tiếng Mễ của hai người. Mỹ rồi lại Mễ. Hưng đã bỏ giấc ngủ ngày để khoác áo, tự nhiên đẩy cửa bước ra ngoài từ sáng sớm. Một lớp áo dù chưa nhuần nhuyễn lắm nhưng đủ để anh chịu được cái lạnh của mùa đông đang đến. Hệt như chiếc áo lạnh Biệt Động Quân đang được mặc tự nhiên giữa giòng sống xứ người.

Tôi bắt tay từ giã để Hưng tiếp khách. Nhưng vừa đi dăm bước đã có tiếng Hưng gọi theo.

– Ông anh chiều xuống nhà anh Số nhé.

Tôi quay lại.

– Mấy giờ?

– Bảy, tám giờ gì cũng được. Chúng em sẽ chờ!

Tôi gật đầu và lúc bảy giờ tối được thấy chiếc xe kéo hàng của Hưng. Đó là chiếc xe tự chế theo kiểu xe lôi ở miền Nam ngày xưa, người đạp ngồi phía trước nhưng chỗ ngồi của khách thì thay bằng thùng xe chứa hàng. Trên đó, các món hàng đủ loại được xếp.

– Chịu cậu thật! Chế lúc nào?

– Em với anh Số “phát minh” ra cái xe này, nhưng chỉ dùng được ở đường trong để đến cổng sau chợ trời. Cũng đỡ mệt lắm anh ạ. Anh Số bảo không được đi đường ngoài, police sẽ bắt.

– Chịu khó thêm thời gian nữa. Tôi nghĩ cậu sẽ xin được bằng lái xe tạm theo luật mới.

– Vâng, em có nghe chuyện này.

Tôi theo Hưng vào nhà để bắt đầu cuộc rượu. Nếu đứng ngoài, nghe những câu chuyện được kể ra giữa tiếng cười của ba người đang về già, không ai ngờ ngày xưa chúng tôi đã chỉa súng vào nhau tại chiến trường Bình Định. Từng địa danh đầy máu và nước mắt được nhắc với các kỷ niệm, kinh nghiệm đã trải một cách bình thường. Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Cũ, Phù Cát, đồi Hai Vú, Gia An… Chúng tôi nhắc lại trong đêm xứ lạ như kể cho nhau những chuyện cổ tích. Các thứ lý tưởng trở thành vô nghĩa. Những người lính chỉ là những người bình thường như tất cả mọi người, điểm khác biệt là hành động dám nhìn thẳng, sòng phẳng với mình và kẻ bắn mình.

Cuối cuộc rượu, câu chuyện được lái sang đời sống tại đây. Tôi nhớ đến giấc mơ của Hưng.

– Bộ đội Hưng còn vẽ chứ?

– Vâng. Ông anh vào đây với em.

Hưng vui vẻ kéo tôi đứng dậy. Vòng qua cánh cửa hẹp dẫn đến nhà để xe của Số, trí tôi hiện lên những thân đàn bà trên khung vải. Nhưng không, trên ba tấm tường gỗ không có một Venus nào. Chỉ là cảnh những con người đang kiếm sống tại chợ trời nhỏ San Jose. Tôi tìm thấy một người đàn bà đang ngồi trước sạp hàng loe hoe vài chiếc áo cũ, nét mặt mệt mỏi được treo cạnh một người đàn ông Mễ đang ôm đàn, cười méo mó với chiếc nón lật ngửa trước mặt. Bỏ giá vẽ đang dở dang những vết màu của cảnh một đám đông đang bận rộn, trải bạt, bày biện hàng sửa soạn buôn bán, tôi đến cạnh Hưng.

– Cậu bắt đầu lại từ lúc nào?

– Mấy tháng rồi ông anh ạ. Bỏ trống ba ngày trong tuần cũng phí. Ông anh thấy được không?

Tôi không trả lời khi niềm vui chợt đến. Hưng đã tìm lại giấc mơ trong cảnh sống của người chung quanh. Đâu cần với tay lên cao để tìm những dáng người huyền thoại. Thất bại hay thành công? Có gì là quan trọng? Ít nhất, Hưng cũng tìm thấy những viên đá do chính mình đẽo gọt để đặt xuống con đường đang đi.

Chúng tôi ra ngoài sân để hút thuốc. Dưới ánh sáng của ngọn đèn gắn trên tường, phía trước thùng hàng của Hưng, chiếc xe đạp có hai cái càng trông giống chiếc xe đạp thồ than của tôi năm nào. Niềm vui trong tôi chợt mất và thay bằng nỗi xót xa khi nhớ lại buổi chiều đứng trước pho tượng “Apollo / David” của Michelagelo, trong viện bảo tàng Bargello. Bấy giờ tôi cố gắng như bao người đã đứng trước pho tượng để đoán đây là Apollo hay David. Nhưng câu trả lời chẳng bao giờ có. Sự thật đã chia hai để lý luận, để tranh cãi gần năm trăm năm hệt như dân tộc tôi, sau cuộc chiến vẫn còn có những điểm chưa phân định.

Apollo hay David? Hưng hay tôi? Chúng tôi lẫn vào nhau trong các giấc mơ, các vai trò và đứng yên một chỗ. Bỏ mặc thế giới đổi thay từ lá cờ đầu tiên cắm trên mặt trăng hơn nửa thế kỷ trước, đến hôm nay đã đem về trái đất các mảnh vụn của hỏa tinh.

Mấy mươi năm, chúng tôi chỉ làm được một điều duy nhất là đổi chỗ cho nhau.


Nguyễn Ý Thuần