Dặm khuya ngất tạnh mù khơi...
(Kiều)
Anh lái xe quẩn quanh tìm đường ra xa lộ 5. Ban đêm đèn đường loang loáng, các bản tên đường lướt qua nhanh, anh đọc nhầm, đi lạc. Anh đi nhiều, rất quen thuộc các xa lộ, nhưng chạy trên những con đường chằng chịt trong những thành phố lạ mà không có sẵn bản đồ trong tay thì “lúa” ngay. Phải không Hương? Dạ, em không biết tiếng lóng đó. Đúng, hồi đó em còn nhỏ xíu biết thế nào được. Đi mãi một hồi anh lại quay trở về mấy con đường đã đi, Montague Road, rồi Kelly Street, rồi Westinghouse Street. Thế mà mình cứ tưởng San Diego là thành phố nhỏ, nó nằm lòng bàn tay của mình! Nhìn đồng hồ, hơn 10 giờ tối. Không khéo lại phải lái trở lui nhà Hương. Để xin ở lại qua đêm? Để ngồi xem Hương ngủ? Hay để từ đó định lại phương hướng tìm đường về cho chắc ăn? Có cái GPS lại không chịu mang theo, nghĩ rằng đường đi cũng chả có gì rắc rối. Nhưng ngày khác, đêm khác, chạy ban đêm trong một thành phố lạ như chạy trong mê hồn trận.
Mà đã chắc gì tìm được đường trở lại nhà cô ta! Ban đêm khó định hướng, khó thấy kịp bảng chỉ tên đường, tầm nhìn lại ngắn. Thôi cứ đi đại cái đã, qua những khu phố còn có người đi bộ, rồi những khu phố vắng teo, mà nơi nào cũng đèn đường sáng choang và lạnh tanh. Chắc giờ này Hương đã lên giường. Anh nhớ ngày xưa khi mới đến Mỹ mà ban đêm bị lạc đường như thế này anh dễ đâm hoảng. Bây giờ, “chì” rồi. Ừ, con nhỏ chẳng lịch sự chút nào. Dạ, em phải đi ngủ giờ này để mai còn dậy sớm đi làm. Mà trước khi đi ngủ, em phải đi tắm ngay bây giờ. Hơi khuya rồi đó, thưa anh. Dạ dạ ngọt ngào và đuổi khéo cũng hơi trắng trợn đấy Nhỏ lúc này ngoan cố như heo! Pigheaded! Trước kia nhỏ hiền như cục bột, mình tha hồ nặn thành hình dáng gì tùy mình.
Anh cảm thấy sường sượng sau gáy. Nhìn kính chiếu hậu. Ánh đèn loá. Dáng một chiếc xe màu đen chạy sát đít. Thấy mẹ rồi, mình chạy hơi nhanh, xe cảnh sát! Anh giảm tốc độ. Chiếc xe đằng sau lồng lên như ngựa chứng. Anh định đổi dòng rồi tấp vào lề phải chịu tội. Chiếc xe sau bỗng cũng đổi qua dòng bên phải, qua mặt sát rạt; tên tài xế thò đầu ra chửi thề, bàn tay trái vung ra khỏi cửa kính chìa ngón tay giữa. Vèo một cái, chiếc xe đã mất hút cuối con đường vắng. Chắc là tụi hiếp dâm, tụi buôn lậu, tụi khủng bố, tụi cướp cạn, tụi vượt ngục... Đ.m. nó. Anh chửi thành tiếng. Nếu có súng tao bắn bỏ. Anh có thói quen chửi thề, doạ dẫm. Nếu có súng trong tay có lẽ anh không bắn. Có lẽ thôi sao, sức mấy, phần chắc là anh không bắn. Nhưng ở cái xứ này doạ là thiệt, hoặc bị coi là thiệt. Rồi đi tù, rồi ghế điện, máy chém, pháp trường cát không chừng. Ờ, Mỹ có máy chém hoặc pháp trường cát không nhỉ? Đối với Hương anh cũng thường hay doạ nạt, bắt bẻ. Nhưng cảnh sát trốn đâu cả, sao không đuổi theo chiếc xe đáng nghi đó. Giờ này công lý đã ngủ kỹ hết rồi sao?
Và Hương cũng thế, giờ này có lẽ đã tắm xong, sắp đi ngủ, toàn thân nước lấm tấm từng hạt, đọng trên má, trên vai, trên lưng, trên bụng, trên bụng dưới... ướt không sót một nơi nào. Khăn lông lau lau. Và đã lên giường? Hương có lẽ đang ngủ trong bộ đồ lụa mỏng gởi từ Việt Nam qua, tơ tằm đó anh, trời nóng chẳng cần chăn đắp - mà cũng có thể nằm ngủ trần truồng trong phòng có một mình - đầu nghiêng qua mé trái lộ chiếc cằm xinh, tóc xoã trên chiếc gối trắng tinh thêu hình “trăm con chim mộng”, hai cánh tay trần nõn nà lông măng tơ, một cánh buông duỗi úp bàn tay trên tấm nệm êm như nhung ngón thon thon ngón duỗi ngón co, một cánh đặt lên trên chiếc bụng đè lên một phần tà áo hở để lộ lồng ngực phập phồng, và lớp quần mỏng dán vào đùi, vào phía trên đùi. Cứ thế, cứ thế, anh tưởng tượng. Ước gì anh được thấy Hương ngủ một lần! Anh thèm Hương. Hương dè dặt, giữ gìn thân xác như con gái phương đông thời Hồng Bàng. Ờ, không chừng lại ví von sai bét, thời ấy chắc mẫu hệ, đàn bà tha hồ, anh lẩm bẩm. Phải chi lúc nãy Hương chỉ cần hiếu khách một tí ti thôi anh sẽ muối mặt ngồi lì cho đến khuya. Nói ra sợ anh giận nhưng em cũng phải đánh liều mà nói cho xong một việc. Xin anh đừng tới em nữa, đừng tới em thường xuyên như thế! Em sợ. Nếu anh còn tới nữa... dạ... dạ... em không dám. Thế nghĩa là sao? Anh không thể nào ngờ câu chuyện lại xoay chiều như thế.
Con đường rộng thênh thang, vắng, dài hun hút. Một chiếc xe khác qua mặt, ngón tay giữa thò ra khỏi cửa kính. Quái! Bọn này đều là bọn cụt tay, chỉ còn lại ngón tay giữa? Anh cau có chửi to, Fuck you! You rotten bastard! Chạy một quãng anh chợt thấy bảng chỉ đường cho phép tốc độ 50 miles một giờ. À ra thế, mình lái xe rùa bò mà lại chạy trên dòng dành cho xe chạy nhanh! Thảo nào. Nhưng chạy nhanh thì làm sao thấy kịp những bảng chỉ dẫn để tìm đúng đường! Anh nhấn thêm ga.
“Ngón tay giữa chìa lên nghĩa là gì, em biết không?”
“Dạ.”
“Thì nói đi.”
Hương im lặng.
“Chắc em không biết. Để anh giảng cho em nghe.”
“Dạ.”
“Chìa ngón tay giữa lên nghĩa là...”
“Không, em biết mà. Anh đừng trêu em, em biết từ hồi mới qua.”
“Sao lại có chuyện đó được?”
“Dạ, vậy đó. Phải học những tiếng chửi trước. Lỡ bị chửi mình biết mà, mà... Bằng không tưởng được khen rồi cám ơn hố. Hồi mới qua em đã hiểu nào dammit, nào fuck you, nào chìa ngón tay giữa. Fuck you là chìa ngón tay giữa phải không anh? Nhưng cũng có tiếng em chịu thua.”
“Tiếng gì?”
“Dạ, xanavôbíc.”
“Xanavôbíc? Tiếng nước nào vậy? Tiếng Lào hả? Chắc em lộn rồi, chắc là Xavanakhẹt?”
“Em không lộn đâu. Người Mỹ nói mà, Xanavôbic.”
“À, à, son of a bitch,” anh cười lớn.
“Nghĩa là gì, anh?”
“Đồ chó đẻ.”
Anh nhớ quay quắt những kỷ niệm đầu tiên với Hương. Nhớ lời ăn tiếng nói, dáng đứng điệu ngồi, và đôi mắt thông minh lúc thì dịu dàng, lúc thì ranh mảnh, nhưng thường thì dè dặt đến sợ sệt. Thế ra mình đã yêu con nhỏ? Mà mình cũng không thể nào quên Polina?
Anh chạy hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa tìm được đường ra xa lộ. Kim chỉ bình xăng đến mấp mé chữ E. Không sao, kẹt quá thì tìm nơi nào đèn thật sáng đậu lại, hạ chỗ dựa lưng xuống thấp, ngủ ngồi qua đêm. Sáng mai đi tiếp. Bỗng nhiên thấy đói cồn cào, anh vói tay lấy gói hột điều và những thứ hột khác lẫn lộn. Hồi chiều anh mời Hương đi ăn. Hương từ chối. Anh ngạc nhiên vô cùng - lần đầu tiên Hương dám từ chối lời mời của anh! Vừa nhai nuts, vừa tu chai nước lọc, vừa tìm băng nhạc Hương thích cho vào máy cassette. Nhạc gì mà nhạt thếch, anh càu nhàu. Anh chưa thể nghe được thứ nhạc mà Hương không tiếc lời ca tụng. Anh tắt.
*
Anh thuộc lớp người đến Mỹ rất sớm sau biến cố 1975. Ở tù, rồi vượt ngục, rồi sống chui sống nhủi, rồi vượt biển thành công. Chỉ sống với bọn chiến thắng có mấy tháng nhưng cái ám ảnh thật là quá nặng nề, chế độ thì bạo tàn, bịp bợm, con người thì sắt máu, quỷ quyệt. Ở Mỹ thoạt tiên anh đến định cư tại tiểu bang Minnesota. Có lạc lõng không? Như con gà con mất mẹ? Như con én lạc bầy? Mất hướng? Hụt hẫng? Ngơ ngáo? Hoảng hốt? Những câu hỏi đó anh thường được nghe, và anh đã có sẵn những câu trả lời cho riêng anh. Bỏ nước mà đi trong phẫn uất, trong nhục nhã, anh cắn răng chịu đựng và khăng khăng nuôi một số dự định.
Qua một thời gian ngắn khó khăn ban đầu, anh gặp may. Anh được hai cô sinh viên Mỹ đùm bọc. Maggie trạc tuổi anh, tóc nâu, mắt màu hạt dẻ, quyến luyến nồng nàn, và Simonne nhỏ hơn anh bốn năm tuổi gì đó, rất duyên dáng, giọng nói còn mang âm hưởng tiếng Pháp nghe thật du dương. Cả hai thuộc loại avant garde như Simonne thường nói, theo ngành hội hoạ, thích tranh hiện đại trừu tượng của những tên tuổi lạ hoắc đối với anh như Doreane Conrad, Glinski Andrew... và cả hai đều tận tình tìm việc làm cho anh, mất việc này có việc khác ngay - làm cỏ, rửa chén bát, phụ thợ sơn, khuân vác tại nhà kho công ty xe đạp, phát báo, và cuối cùng, gác dan. Anh vừa đi làm kiếm sống vừa đi học Computer lớp đêm, dù anh mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, tiếng Anh còn bết bát. Hai cô cho ở chung, cho ăn uống, và giúp phương tiện đi lại.
Tình yêu giữa anh và Maggie đến nhanh chóng, dễ dàng. Dần dà anh yêu luôn cả Simonne, giấu không cho Maggie biết. Có lúc cảm thấy ngường ngượng anh nói với Simonne, I feel guilty. Simonne chỉ cười. Sau một thời gian không lâu, Maggie biết chuyện đó. Anh lúng túng, thấy ngại ngùng quá chừng. May cho anh, Maggie rất rộng lượng, vui vẻ chấp nhận. Thế là anh có một lúc hai người yêu, không ghen tương, trái lại, đắm say, suồng sã. Anh rạc cả người, bỏ nhiều buổi học lớp đêm. Tình cờ một hôm anh bắt gặp hai cô yêu nhau. Thế mà đối với anh Maggie vẫn nồng nàn, Simonne vẫn làm duyên. Chỉ có anh bẽn lẽn. Cuộc sống tay ba cứ thế tiếp tục xuôi dòng cho đến một hôm anh cảm thấy mình như một món đồ chơi càng ngày càng rẻ tiền. Anh từ giã hai cô, thuê chung một căn phòng nhỏ gần trường học để đi bộ đến trường cho gần, cố học cho hết khoá Computer. Thỉnh thoảng nhớ hai cô, anh gọi điện thoại. Giọng trả lời bên kia đường dây rất tự nhiên và reo vui. Nhưng Maggie và Simonne không bao giờ gọi lại anh. Anh buồn bực một thời gian. Anh cố quên. Nửa năm sau, anh dời qua sống tại tiểu bang Massachusetts, ghi danh vào học tại một trường Đại Học lớn thuộc thành phố Boston.
Tiền dành dụm, anh mua được một chiếc xe hơi cũ. Mượn của nhà nước được một số tiền lớn, anh khỏi cần đi làm việc thêm như hồi còn ở Saint Paul, Minnesota. Anh dồn hết thì giờ vào việc học. Anh nhận thấy rằng bằng cấp cao là chìa khoá mở được nhiều cánh cửa kín bưng mà anh ao ước bước qua. Bốn năm sau anh tốt nghiệp kỹ sư điện toán vào hạng xuất sắc. Trong những kỳ nghỉ hè, nghỉ cuối học kỳ, nghỉ lễ, anh rất tích cực tham gia vào những sinh hoạt của sinh viên, những sinh hoạt extracurricular, của cộng đồng tại địa phương - cắm trại, công tác xã hội, từ thiện, giải trí, du ngoạn v.v... Hội nhập, vâng, phải hội nhập toàn diện, nhanh chóng. Phải lột xác, anh thầm nhủ. Vâng, phải quên quá khứ, quên cái xứ sở đã bắt anh sống như con thú, như con chuột, con gián.
Qua thời gian, anh nghiệm ra rằng không phải tất cả các cô gái Mỹ đều là Maggie và Simonne, không phải mọi người đàn ông đều có thể gặp may, hay rủi, như anh. Cuộc sống ở xứ này quá đa dạng, quá phức tạp, mà anh không hiểu hết nổi. Trong nhiều cuộc họp mặt, chơi thể thao, cắm trại, ăn uống, khiêu vũ, anh cố gắng cười đùa, múa may, la lối làm sao cho thật tự nhiên, làm sao cho giống bạn bè quanh mình, nhưng anh biết rằng không dễ gì làm được việc ấy. Anh thường lúng túng. Càng cố gắng càng sượng sùng. Chỉ có chửi thề anh không cần tập luyện. Bọn thanh niên Mỹ chửi thề luôn miệng, và anh cũng không hề lép vế.
Đ. m. tụi nó đứa nào cũng ưa bố láo. Gallaher say sưa mô tả vô số món ăn Ái Nhĩ Lan mà nó bảo là đậm đà, thơm tho, chỉ nấu từ củ khoai tây mà thôi. Anh ăn thấy chả ra làm sao cả. Philip ca tụng chiếc kèn bagpipe Tô Cách Lan - tụi mày đã biết rồi chứ, cái kèn bagpipe đã từng đánh gục Napoléon trong trận Waterloo, đã làm điên đầu quân Hitler v.v... Thổi lên, anh nghe rầu rĩ, chán phèo. Hernandez cho rằng không có môn thể thao nào oai hùng, cao thượng, sôi nổi bằng môn đấu bò rừng. Anh có xem trong phim ảnh, thấy nó dã man. Sato vốn ít nói nhưng khi đã “say máu ngà” là thao thao bất tuyệt về nghệ thuật uống trà của người Nhật mà họ nâng lên như một thứ đạo: Trà đạo. Nghe buồn cười quá. Đứa nào hễ có dịp là tự hào và cường điệu một cách quá đáng về những gì liên hệ đến quê hương cũ của chúng nó. Thì cũng dễ hiểu thôi, bọn chúng với nước cũ không có gì mâu thuẫn, ngược lại là đằng khác. Còn anh?
Một lần, nhóm bạn bè khá thân yêu cầu anh nói về gốc gác của mình. Anh là người Việt duy nhất trong nhóm. Anh tìm cách tránh né. Con nhỏ Susan cười khẩy:
“Cần gì phải hỏi. Nó là người Tàu! Hoặc là một bộ tộc của Trung Quốc.”
Anh lớn tiếng:
“Không biết thì im đi! Đâu phải người Á Châu nào cũng là Tàu!”
“Vậy là gì? Nhật chắc? Hay Hàn Quốc?”
Anh im lặng.
Một tên khác chen vào:
“Thái Lan, đúng là Thái Lan. Hay Tây Tạng vậy.”
Anh buột miệng nói:
“Tao Việt Nam.”
Dăm ba khôn mặt chau mày suy nghĩ. Thằng Daniel liền tỏ ra thành thạo:
“Việt Nam, tao biết. Anh tao có đi đánh giặc bên đó. Việt Nam là Saigon chứ gì, được Mỹ giúp, Nam Bắc đánh nhau như Korea, đánh nhau lâu lắm. Nhưng... cuối cùng thế nào tao quên mất. Nam chiếm hết đất của Bắc phải không mày?”
Anh lại im lặng. Anh không muốn giải thích dài dòng. Tưởng như thế là thoát nợ, nhưng bọn chúng cứ đòi anh phải trình làng vài nét đặc thù của Việt Nam. Mình có gì, anh lẩm bẩm. Chém giết nhau? Hủy hoại nhau? Bôi bẩn nhau? Nhục mạ nhau? Lường gạt nhau. Đểu cán! Tàn độc! Những tên “đánh xe ngựa cho thừa tướng” mà cứ vác cái mặt dương dương tự đắc. Đại thắng với đại bại! Hay ta thử bắt chước thằng gốc Ái Nhĩ Lan đấu láo về các món ăn “quốc hồn, quốc túy”.
“Thằng Gallaher có đủ các món ăn nấu từ potato thì nước tao cũng từ noodle...”
Thằng Daniel nhanh nhẩu:
“Pho chứ gì. Tụi tao đều biết Pho rồi. Nói thứ khác đi.”
“Phở chứ không phải Pho.” Anh sửa.
“Ừ thì Phơ. Nhưng mày nói thứ khác đi.”
Anh loay hoay suy nghĩ chẳng biết nói gì. Anh không có thói quen quảng cáo, tuyên truyền, đành năn nỉ:
“Tao quên mẹ nó hết cả rồi. Để bù lại tao hát một bài hát Việt Nam nhé.”
“OK, OK.”
Anh hát không hay nhưng được cái lì lợm, không ngán người nghe. Hồi mới bỏ nước ra đi, anh cố nhớ lại những bài hát anh thích và cặm cụi chép tay. Nhớ được dăm ba câu anh cũng chép. Anh chỉ chép lời, sợ một ngày nào, quên hết, và chép trên 50 bài thiếu đầu hoặc thiếu đuôi hoặc thiếu khúc giữa. Chẳng hạn:
“Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi...”
rồi gì nữa?
“Đường về nước chập chùng xa nhiều đồi núi cheo leo...”
rồi gì nữa?
Âm điệu thì anh nhớ. Hồi đó anh nghĩ rằng đối với cái quá khứ mà anh muốn lìa bỏ, có lẽ anh chỉ cần nhớ mấy bài hát anh thích là đủ. Hành trang nhẹ nhàng. Thật ra anh thích những giai điệu cũ, nó bám mãi vào trí nhớ của anh trong khi lời ca bị sứt mẻ dần với thời gian. Anh cho rằng âm nhạc đi sâu vào máu, vào thịt, vào trí nhớ của anh. Nhiều lúc ngồi một mình anh thì thầm hát năm ba câu những bài hát cũ cho chính mình nghe, không lựa chọn, bài hát nào chợt hiện lên trong trí là phát ra thành lời, thành âm thanh nơi cửa miệng. Có khi nước mắt tự nhiên chảy ra, trái tim thổn thức. Thì anh chửi thề. Những tiếng chửi thề càng tục càng dễ nén được những xúc động không đâu. Và lòng anh trở lại dửng dưng, bình thản.
Nhưng bây giờ lỡ hứa hát cho tụi nó nghe thì phải hát bài nào đây? Mình thuộc trọn bài nào? Anh sực nhớ và mừng rỡ nói lớn:
“OK, OK, tụi mày nghe đây. Đêm nay thu sang cùng heo may/đêm nay sương lam mờ chân mây...”
Cảm xúc của câu trước kéo qua câu sau, tiếng hát có một chút hồn. Trong đám người dửng dưng và náo nhiệt ấy, có vài cô gái Mỹ chăm chú nghe. Anh hát xong, Cynthia đến bên cạnh nhỏ nhẹ:
“Bài hát tên gì vậy?”
“Con Thuyền Không Bến.”
“Nghĩa là gì?”
“Nghĩa là nó không biết đi đâu, về đâu. Nhưng âm nhạc cứ nghe là được rồi, cần gì phải giải nghĩa.”
“Nhưng là loại nhạc buồn phải không?”
Tự nhiên anh giở chứng cà khịa:
“Cứ cho buồn là nó buồn, cho vui là nó vui ngay.”
“I know, I know. Tôi thấy anh thường gắt gỏng, hoá ra cũng biết hát nhạc buồn. A big surprise to me.”
“Thế à. Vậy lần sau tôi hát nhạc vui.”
Đằng xa trước mặt có lẽ là trạm xăng. Đúng. Anh ghé lại. Sáng choang và vắng teo. May quá, cây xăng phục vụ 24 tiếng trên 24. Đổ đầy, thế là yên tâm, dùng thẻ tín dụng cà, rồi đến quầy trả tiền hỏi đường. Một người Mễ sau tấm cửa kính dày, đôi mắt cảnh giác, nói qua máy, tôi làm ở đây mới có “một cặp” ngày, không rành đường, sorry. Anh muốn văng tục. Ra khỏi trạm xăng anh chọn con đường lớn, đường Linda Vista Road. Anh lẩm bẩm, không lẽ con đường lớn này cũng không chịu dẫn mình tới một free way nào sao. Đường vắng tanh, biết chắc không có xe nào chạy đằng sau, anh tăng tốc độ dần. Ăn hết gói nuts, uống cạn chai nước lọc, bụng đỡ cồn cào. Anh thay băng nhạc, lại cho vào máy cassette một băng nhạc Việt khác vừa mới mua, định tặng Hương, rồi quên. Anh mong trong băng nhạc này có một bài hay là đủ. Thường anh thất vọng. Nhớ lại hồi mới qua xứ này moi óc ra mà chép nhạc cũ vào tập vở bìa dày, dọn nhà đi đâu cũng không bao giờ quên mang theo. Bây giờ tha hồ. Nhạc tiền chiến, tác chiến, hậu chiến, phản chiến, hùng ca, di tản buồn ca, bi ca, thương ca, ghét ca, tâm ca, đạo ca, tục ca, hoài cổ ca, dâm ca, miệt vườn ca, tình ca, tha hương ca, lưu đày ca, vỉa hè ca,... gặp mùa bội thu không biết chứa đâu cho hết. Vàng thau lẫn lộn, may thay cũng có vàng, mà vàng thì hiếm là chuyện thường, thì... thì mình cứ càm ràm hoài làm gì cho mất lòng Hương.
“Sao em cứ thích nghe những bản nhạc anh không biết sắp vào loại gì đây. Vui? Chắc chắn không vui rồi. Mà buồn cũng không phải. Thà nó buồn thiệt để mình buồn theo. Đằng này cứ rề rề, tỉ tê, nỉ non, nhão nhẹt... Em đồng ý không nào.”
“Dạ.”
“Nghĩa là em đồng ý với anh? Mà em vẫn cứ thích nghe loại nhạc đó?”
“Dạ. Nhưng... nhưng... bây giờ anh đã Mỹ hoá chứ hồi mới qua đây anh cũng giống như em chứ gì.”
“Em nói cái gì vậy?”
“Em muốn nói trước kia anh cũng thích những bản nhạc bây giờ em thích.”
“Thích thế nào được!”
“Để em nói cho rõ ý của em. Hồi còn ở bên nhà em đâu thích loại nhạc này. Qua đây khác. Qua đây mà còn được nghe những bản nhạc đó tự nhiên em cảm thấy yên tâm. Như thể là không có gì thay đổi ghê gớm, có bà con bạn bè chòm xóm quanh quẩn đâu đây, có những người bình dân xuề xoà, có những bà già trầu cải lương...”
“Có gì nữa, nói tiếp!”
“Có gà vịt chó mèo xúm xít. Có cây tre, cây chuối, cây khế, cây dừa, cây cau. Có con sông, có cánh đồng... Có nhiều thứ lắm anh à. Nghe nhạc anh gọi là ‘sến’ mình gặp lại tất cả.”
Anh không hoàn toàn đồng ý nhưng anh không muốn tranh luận thêm, nghĩ rằng cô này chưa đủ trình độ để hiểu rõ vấn đề.
Anh thấy xa xa bảng chỉ tên xa lộ, bớt tốc độ. Đúng là bảng chỉ free way. Anh nhìn kỹ: Xa lộ 8. Anh thở phào nhẹ nhõm. Anh biết xa lộ 8 sẽ cắt 5, 163 và 805. Gặp một trong ba xa lộ đó rồi cứ việc lấy hướng bắc là về Los. Lỡ vô ý đi hướng nam thì sẽ lạc về hướng Mễ Tây Cơ. Thì tìm đường đổi hướng ngược lại.
*
Mễ Tây Cơ! Như cuốn phim đang diễn ra trước mắt. Polina của anh! Nhớ, nhớ, và nhớ. Trước khi sống với Polina, không phải anh không có những mối tình lẻ, những mối tình đến nhanh đi nhanh. Nhưng với Polina thì khác. Polina của những ngày vui, ngày buồn, của hạnh phúc và đau khổ và tiếc nuối. Polina của cặp mi dài hạ thấp xuống mỗi lần cô ta nói điều gì mà cô muốn anh phải chú ý. Đã mấy lần cô nói, “Em biết tại sao anh thích đi Mễ Tây Cơ”, rồi bỏ lửng câu chuyện. Anh không hỏi tiếp vì chính anh cũng đang muốn tránh điều đang làm anh bứt rứt.
Anh yêu Polina, muốn tính chuyện lâu dài. Một lần Polina hỏi anh thích Chopin không, cô sẽ đánh vài bài cho anh nghe. Không rành nhạc cổ điển nhưng để chiều lòng người yêu, anh bảo anh mê Chopin lắm. Cô chơi piano hay. Suốt buổi tối hôm ấy, cô cho anh nghe những bản mazurkas, nocturnes, polonaises, và cuối cùng là những ballades trữ tình, lãng mạn. Nghe nhạc xong, anh tán:
“Em cũng Ba Lan như Chopin chứ gì. Cái tên Polina đúng là gốc Ba Lan rồi.”
Cô cười:
“Mình là người Mỹ, như thế chưa đủ sao. Gốc nào cũng vậy thôi.”
“Vâng, nhưng em đã biết anh gốc Việt Nam thì anh cũng muốn biết một chút về gốc gác của em.”
“OK, em ráng trả lời anh vậy. Ông của em có nguồn gốc Azerbaijan, còn bà thì pha trộn nhiều giống của miền Đông Âu, Bắc Âu. Em sinh ra và lớn lên tại nước Mỹ, thuộc thế hệ thứ năm thứ sáu gì đó. Vậy thì em là người gốc gì? Gốc gì chẳng rõ nhưng hiện tại em là Mỹ, hoàn toàn Mỹ.”
Anh cau mày lẩm bẩm:
“Nhưng này. Polina thì nghe cũng na ná như Polonaise, Poland, Pologne. Thế em không phải gốc Ba Lan sao?”
Cô nhìn xuống, hạ cặp lông mi dài che kín mắt:
“Em đã bảo không mà.”
“Ông của em gốc gì anh quên mất.”
“Azerbaijan”
“Azerbaijan, cái tên lạ quá.” Anh nói cho có nói.
Cô tươi cười:
“Trước kia em cũng không biết cái tên đó. Từ ngày Azerbaijan độc lập vào năm 1991 sau khi Liên Xô sụp đổ, em mới tò mò tìm hiểu. Azerbaijan nằm phía tây biển Caspian, thủ đô là Baku nổi tiếng về dầu hoả. Chuyện ly kỳ là suốt dòng lịch sử thật dài, đó là vùng tranh chấp của những danh tướng thời xưa như Pompey của La Mã, Alexander the Great xứ Macedona, rồi Genghis Khan của Mongolia... Về sau Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tranh nhau thống trị vùng đất ấy. Mãi đến năm 1918 Azerbaijan mới hoàn toàn độc lập, và chỉ được hai năm lại bị Liên Xô chiếm. Hai năm hoàn toàn độc lập trên dòng lịch sử hơn 2000 năm! Anh thấy lạ chưa. Nay, tức là kể từ 1991, Azerbaijan độc lập trở lại. Không biết cái độc lập ấy sẽ kéo dài được bao lâu. Em đọc lịch sử của Azerbaijan như đọc chuyện cổ tích, thế thôi. Nhưng anh thì...”
“Thì sao?”
“Người châu Á, người Việt Nam các anh, thường chú trọng gốc gác, giòng giống. Còn người châu Âu thì khác, nhất là vùng trung Âu, đông Âu, bắc Âu, họ pha trộn nhau rất nhiều. Rồi đến Mỹ càng pha trộn nhiều hơn nữa.”
*
Những đợt sóng người tỵ nạn Việt Nam đến Mỹ càng lúc càng đông ở rải rác khắp nơi, dần dần tập trung nhiều nhất tại miền nam California. Trong một kỳ nghỉ phép dài ngày, thay vì đi thăm Thụy Sĩ và vài nước khác ở Âu Châu như đã định trước từ đầu năm, anh bàn với Polina đi thăm lại California thử xem sao. Polina luôn luôn chiều ý anh. Cô và anh thăm những vùng nổi tiếng từ bắc đến nam California như Eureka, Anderson, Sacramento, San Francisco, San Jose, rồi ở lại mấy hôm tại Carmel, một ngôi làng xinh xắn nằm ven bờ biển, theo lời mời của một người bạn vừa hoàn thành một số tác phẩm điêu khắc triển lãm tại đó. Sau đó, họ lái xe hướng về đông đến miền Fresno ghé Yosemite ba ngày. Trạm cuối cùng họ ở khá lâu tại Los Angeles và Orange County. Hết hạn nghỉ phép, trở lại làm việc, anh nói với Polina rằng anh nhớ khí hậu Cali, nắng ấm gần như quanh năm, giải đất đó thật là quyến rủ, có đủ núi, biển, đồng bằng, chỉ có điều là không có nhiều sông. Anh thích sông. Phải chi California cũng có nhiều sông thì thật tuyệt.
“Phải chi cũng có nhiều sông như Việt Nam phải không anh,” Polina nói. “Yêu anh, cho nên em tìm đọc địa lý Việt Nam. Miền Nam chằng chịt kênh rạch, sông ngòi bên cạnh những nhánh sông Cửu Long. Miền Trung thì những con sông ngắn cắt ngang dải đất dài và hẹp. Còn miền Bắc có sông Hồng, sông Đen...”
Anh cười chen vào:
“Không phải sông Đen mà sông Nâu. À, à, sông Đà thì đúng hơn!”
Anh lẩm nhẩm hát: “Đà Giang nước biếc... Ủa, Đà Giang nước nâu mới đúng chứ.”
Cũng vào dịp thăm Nam Cali, anh bắt liên lạc được với một người bạn đồng khoá thời còn đi học tại M.I.T. ở Boston. Anh ta bây giờ là chủ một công ty khá lớn muốn mời anh về Cali cộng tác. Anh bàn với Polina. Cô đồng ý một cách miễn cưỡng.
Dọn về Nam Cali, làm việc tại thành phố Los Angeles, họ cư ngụ tại một ngôi nhà sang trọng lưng chừng một ngọn đồi cao nằm giữa Los và Orange County, nhìn ra Thái Bình Dương. Họ sống biệt lập, Polina muốn thế.
“Em đã bỏ tất cả để theo anh,” Polina có lần nói, “thì bù lại anh và em sống trọn vẹn cho nhau nhé! Không giao du với ai cả nhé, không gia nhập vào bất cứ hội đoàn nào, phe nhóm nào cả, nghe anh.”
Bàn với Polina điều gì cuối cùng cô cũng theo ý anh, trừ một chuyện - làm đám cưới. Này anh, lễ cưới chẳng qua chỉ là một thủ tục nhỏ nhặt. Hay là mình hãy chờ sinh đứa con đầu lòng rồi làm lễ cưới cũng không muộn!
Anh đi làm ban ngày. Polina chưa có việc làm ngay, cô dành nhiều thì giờ đi làm những công tác từ thiện của nhà thờ. Cô rất ngoan đạo. Giờ rảnh rổi, cô chơi đàn, đọc sách, và chờ anh về. Anh luôn luôn về nhà đúng giờ.
Cuối tuần hai người quấn quýt bên nhau trong ngôi nhà biệt lập trên sườn đồi, hoặc đưa nhau đi ăn ngoài tại những nhà hàng đắt tiền. Có khi anh và cô xuống khu Việt Nam ăn uống hoặc mua thức ăn dự trữ. Anh thèm các món ăn Việt Nam trong khi Polina chỉ ăn được phở. Và thường thì đi thăm các thắng cảnh quanh vùng. Miền nam California có quá nhiều cảnh đẹp. Anh chụp hình, quay videotape tới tấp, phim, ảnh và băng không biết để đâu cho hết.
Một hôm anh nẩy ra cái ý đi Mễ Tây Cơ chơi. Anh lái xe theo hướng San Diego, qua biên giới Mễ Tây Cơ, đến thành phố Tijuana, rồi đi Rosarito, Ensenada v.v... Và cứ thế, lái dọc theo bờ Thái Bình Dương chạy thẳng xuống San Quintin, mải đến El Rosario mới quay về. Anh không ghé lại ở đâu lâu. Anh cũng chưa muốn đi xem đấu bò, hoặc đua chó, hoặc đá gà. Anh chỉ thích đi vào các làng mạc ngắm những đàn gà đi quanh quẩn kiếm ăn trước sân nhà, những đàn vịt lặn lội dưới ao bèo, những đứa trẻ con mình trần chân đất chơi trò đuổi bắt cạnh lạch nước rong rêu. Anh ghé quán cóc bên đường ăn bắp nướng thoa mỡ hành, uống nước dừa tươi. Anh tới chợ cá đi rảo khắp các gian hàng cá, tôm, nghêu, sò, cua, lươn, trạch. Có khác gì ở các chợ Việt Nam đâu – câu nói ấy anh nói một mình nhiều lần. Bỗng anh chột dạ sực nhớ nãy giờ cũng đã khá lâu anh quên hẳn Polina đang đi bên cạnh mình. Anh mở lời một cách gượng gạo:
“Polina, em, em có cần mua gì không, em có thấy chợ Mễ bán nhiều thứ vui không...”
“...”
“... giá có thêm vài bụi tre, mấy hàng cau thì, thì... đúng là chợ miền quê Việt Nam.”
“...”
“Em, em có nghe anh nói không đó?”
“Lạy chúa tôi. Đến giờ này anh mới sực nhớ có em cùng đi. Phải không anh?”
Từ đó, hễ có dịp, anh rủ Polina đi Mễ. Những lúc khác, anh lại kéo Polina đến những khu có nhiều người tỵ nạn Việt Nam cư trú, ngắm phố phường sinh hoạt, ăn uống, mua thêm thức ăn để dành.
*
Anh yêu,
Cám ơn anh đã cho em những ngày vui. Khi anh đi làm về đọc lá thư này thì em đã đáp xuống một phi trường miền đông bắc xa ‘tổ ấm’ của chúng mình ‘ngàn vạn dặm’. Anh thấy chưa, em vẫn nhớ những tiếng anh hay dùng. Em còn nhớ cả những thói quen nho nhỏ của anh - vào rest room bao giờ anh cũng cầm theo cuốn sách ngồi đọc cả tiếng đồng hồ để em chờ nguội cả bữa ăn sáng cuối tuần; món ăn thỉnh thoảng em chuẩn bị thật công phu cho anh nhưng anh cứ muốn ‘ăn từ bếp ăn xuống’, đến khi mọi thứ được dọn lên ‘nên mâm nên chén’ thì anh đã no đầy bụng, cầm nỉa khều khều; đi làm về không kịp cổi giày đã nhảy tót lên giường phá em... Em yêu anh, em ráng chiều theo mọi ‘tật xấu’ của anh, và dần dần em yêu luôn cả những tật xấu ấy.
Vậy mà em phải xa anh. Đúng hơn, em thử xa anh một thời gian. Em biết cả anh và em sẽ buồn khổ. Tại sao em có quyết định đó? Lý do em nêu lên chắc chắn không thuyết phục được ai, nhưng đối với em nó có tính cách quyết định. Em không biết diễn tả thế nào cho anh hiểu. Hay là em sẽ kể chuyện cũ, chuyện thời thơ ấu, mong rằng từ đó anh hiểu thêm em một phần nào.
Em là đứa con gái út cưng trong gia đình. Em được cưng như em cưng anh vậy. Em thích nuôi chó. Từ hồi em mới bốn tuổi, em đòi có riêng một con chó. Những con chó khác là của chung, em không muốn thế. Lẽ tất nhiên em có ngay, một con chó con giống bulldog. Ba đặt tên nó là Samantha có nghĩa là ‘con chó biết nghe lời, a listener’. Cái mặt nó thật buồn cười, nhăn nheo, mấy cái răng chìa ra xiêng xẹo. Nhưng em thương nó vô cùng và nó quyến luyến em lắm. Em và nó là một ‘đôi bạn’, chữ của anh đó, không hề rời nhau nửa bước, như thể anh và em mấy năm nay.
Một hôm cả nhà vào rừng cắm trại, em mang theo con Samantha. Ba bảo lấy nịt da tròng vào cổ nó và cầm dây xích móc vào nịt da để dẫn nó đi cho chắc ăn. Gì mà phiền phức thế, làm sao lạc nhau được, em đâu nó đó, cho nên em không chịu nghe lời ba.
Vào rừng nó đổi tính, biến thành một con chó khác, chạy sục sạo khắp nơi không biết mệt, hết lùm gai đến bụi cỏ, hết hốc đá đến bờ suối. Em chạy theo nó mệt muốn hụt hơi. Em ngồi nghỉ nó chạy lại em, liếm chân, liếm tay, liếm mặt em, rồi rủ em chạy tiếp. Cả nhà bị bỏ đằng sau xa, khuất tầm mắt. Bỗng em nghe tiếng hú Po - li - na!!! Em gọi lại trả lời. Đồng thời em gọi nó. Nó quay đầu nhìn em, rồi nằm xuống chờ, đuôi vẫy lia lịa. Em tới nó, nó đứng dậy quay đầu chạy. Cứ thế dằng co. Ba em và chị Sasha đã thấy em, đi nhanh tới, con Samantha đằng xa cũng nhìn thấy ba, bỗng nó đứng dậy, rồi vụt một cái quay đầu chạy mất hút. Em hoảng hốt gào to tên nó. Ba bảo không sao đâu, nó sẽ quay lại ngay. Nửa tiếng sau, một tiếng sau vẫn không thấy nó đâu cả. Cả nhà đi sâu vào rừng tìm kiếm. Đến chiều tối, cả nhà đành phải quay về.
Những ngày hôm sau nó cũng không về. Hơn một tuần trôi qua, hơn một tháng trôi qua. Em oán ba, oán chị Sasha. Em nghĩ rằng vì ba và chị tới cho nên nó bỏ chạy đi thật xa. Nhưng em nghĩ lại nhớ rõ rằng khi ba và chị chưa tới, nó cũng đã muốn rủ em đi sâu vào rừng chơi với nó, chứ có chịu trở lui với em đâu. Rồi bị thú dữ vồ chăng. Sau đó, nhớ nó, em bị bịnh hơn nửa năm, bỏ một năm học. Ba mua về mấy con bulldogs khác nhưng em không thích con nào cả. Em không thể nào quên nó. Em không nuôi chó nữa. Nhắc lại chuyện đó, em thấy mọi việc như vừa mới xẩy ra ngày hôm qua.
Anh yêu mến, em trở lại chuyện chúng mình. Sau mỗi lần đi Mễ Tây Cơ về, em cảm thấy anh xa em thêm một chút, tuy anh vẫn chiều em, vẫn gắng gượng sống biệt lập bên nhau trên ngọn đồi này. Anh ưa đi Mễ Tây Cơ vì anh nhớ quê hương của anh, em thừa biết. Đêm đêm làm bộ ngủ say em vẫn nằm nghe anh trằn trọc mãi. Anh bắt đầu bị mất ngủ. Em cũng mất ngủ theo. Sức khoẻ của anh và em độ rày sút thấy rõ. Có lần trong giấc mơ, anh ú ớ, nghẹn ngào, Việt Nam, Việt Nam, rồi anh nói những điều khủng khiếp có liên quan đến hai đứa mình. Có lẽ anh sẽ bỏ em? Như con Samantha đã bỏ em chạy biệt tích vào trong rừng? Câu hỏi đó luẩn quẩn trong đầu em mãi. Và lần này, nếu điều đó xẩy ra, nghĩa là anh bỏ em, chắc chắn em sẽ không thể nào chịu đựng nổi. Em sẽ chết. Cho nên trước khi điều xấu nhất đó có thể đến, em thử cố gắng đi trước một bước xem sao. Xa nhau mãi, hay sẽ có ngày em tìm lại anh, em cũng không biết nữa. Anh tha lỗi cho em nhé, em không để lại địa chỉ. Xin anh giữ gìn sức khoẻ.
Thương yêu.
Đồng hồ chỉ hơn 12 giờ khuya. Anh đã nhập vào xa lộ 163 North. Thôi, thế là xong, đêm khuya vắng xe, chỉ vài tiếng nữa là đến nhà. Đường thênh thang, anh tăng tốc độ, xe lao vùn vụt. Đi thêm một quãng không xa lắm, anh thấy bảng chỉ xa lộ 805. Anh lẩm nhẩm tính toán, chuyển qua 805 North thì về nhà, còn cứ tiếp tục trên 163 North thì sẽ nhập vào 15 North và cứ thế sẽ hướng về Las Vegas. Về nhà? Bây giờ là đêm thứ bảy rạng ngày chủ nhật, thứ ba mới đi làm, được nghỉ thứ hai bắt cầu. Về nhà? Về nhà làm chi? Nghĩ đến ngôi nhà vắng lạnh từ ngày Polina bỏ đi, đã hơn một năm rồi, anh buồn nản vô cùng. Thoạt tiên nghĩ đến Polina là anh nổi giận chửi thề luôn miệng. Đàn bà là thế. Lại kiếm cớ này cớ nọ. Đồ chó đẻ! Trước kia khi chưa sống với Polina, anh đã có thói quen chửi thề. Cô không thích cái tật đó của anh, anh bỏ. Nay không còn cô anh lại chửi thề tợn. Dần dần giận đổi thành buồn và nhớ. Đã hai lần anh lấy ngày nghỉ phép bay qua miền đông bắc đi tìm, biết đâu cô lại không trở về thành phố cũ nơi hai người cùng sống xưa kia. Trên xa lộ, thấy dáng ai ngồi lái xe giống cô, anh nhấn ga đuổi theo, qua mặt, quay đầu nhìn lại. Trên những lối dành cho người đi bộ, anh càng đường đột, vừa rảo bước, vừa réo gọi, bắt kịp anh níu vai người ta, thấy không phải là cô, anh chẳng thèm nói một câu xin lỗi, mặc kệ những cái nhún vai hoặc những cái nhìn khinh bỉ. Có ngày tụi nó kêu cảnh sát thì thấy mẹ, anh lầm bầm.
Rồi nhỏ Hương xuất hiện. Sao lại nhỏ Hương? Hương có lẽ tuổi cũng xấp xỉ Polina chứ nhưng không hiểu sao anh có cảm tưởng như Hương còn bé, người em bé nhỏ, người em gái. Anh tưởng như Hương đã thay thế hẳn Polina. Mà sao nhỏ Hương cứ làm bộ hoài. Cái đầu của mình đã từ lâu biết tính toán hơn thiệt, thì có gì Hương cứ nói thẳng ra, cứ em chả, em chả. Hay là nhỏ chê mình thật? Và anh chột dạ. Có lẽ Hương chê anh cũng phải, anh ngẫm nghĩ. Anh đường đột quá chăng, tính toán quá chăng, không tế nhị chút nào cả chăng? Và nhất là anh có ý so bì hơn thua giữa Hương và anh chăng? Thật ra anh không tệ đến thế, nhưng bề ngoài nó là thế. Cuộc sống đầy toan tính khiến anh như thế đấy, anh biết, nhưng chưa chịu sửa đổi. Thói quen không dễ gì một sáng một chiều làm khác đi được, anh biện bạch.
Quả là lạ lùng, gặp Hương anh như gặp lại tất cả. Chứ không phải chỉ những kỷ niệm đến với anh trong những lần đi Mễ. Gặp Hương, anh như nghe được tiếng võng đưa, tiếng hò ru em thời thơ ấu, như nhìn thấy hoa đồng cỏ nội thuở thiếu thời, và bâng khuâng nhớ “Con sông nho nhỏ, cái làng xa xa” khi anh đã lớn. Cả một phần không nhỏ của cuộc đời anh.
Nhớ lúc bỏ nước ra đi, anh thù ghét cái chế độ và thù ghét luôn con người của chế độ. Anh cho rằng chế độ là khối óc, con người là tay chân. Không có tay chân thi hành mệnh lệnh của khối óc thì làm gì có được những trò tàn độc, khốc liệt đến thế. Và anh ghét luôn cả tổ quốc của anh, quái đản, muốn hoàn toàn lìa bỏ hẳn cái đất nước ấy, cái quá khứ ấy. Anh không đọc báo chữ Việt, không nghe đài nói tiếng Việt. Thế rồi những chuyến đi Mễ khiến anh băn khoăn, và từ khi Hương xuất hiện, anh bắt đầu dò xét lại lòng mình. Một hôm anh xem một bức tranh khôi hài trên một tờ báo Mỹ: một người Việt Nam bị ném lên xe tải như con heo. Anh tò mò tìm tòi, và anh sững sờ.
Dân chúng biểu tình chống xâm lăng lại bị chính quyền ngăn cấm và đàn áp. Thật ngược đời! Anh đi đến kết luận nhanh chóng rằng như vậy có nghĩa là chính quyền đã bán nước, hoặc đã tuân theo mệnh lệnh của nước ngoài để đàn áp dân mình. Nhưng đàn áp như thế này thì quả là “cực kỳ” bi hài: một tên công an, có lẽ công phu đầy mình, một tay cắp ngang hông một người biểu tình, tay kia bóp cổ, và gồng mình bước tới, khiến người biểu tình đó “chổng cọng giơ que”, thân hình nằm ngang hỏng đất, đôi mắt nhìn thẳng vào mặt kẻ hành hạ mình, đầu mất nón, mồm há hốc có lẽ bị nghẹt thở, một chân thì quờ quạng vói trời, chiếc dép văng đâu mất, chân kia giạng ngang như cố lấy thăng bằng. Nhìn vào cảnh tượng ấy thoạt tiên anh không nén được tiếng cười, rồi dần dần nụ cười biến mất, và nước mắt muốn trào ra. Nhưng cũng chưa kỳ lạ bằng hình ảnh sau. Một người cao lớn đứng trên xe hai tay vịn vào khung cửa xe cho vững, rồi co một chân đạp vào mặt một người biểu tình đang bị bốn người khác đứng cạnh xe nắm chặt lấy hai tay hai chân tạo thành cái võng người đu đưa. Chẳng khác gì cảnh tượng một con thú bị sập bẫy, bốn chân bị kéo banh ra bốn phía, để cho một tên đồ tể tiện bề đưa lưỡi dao rạch ngang bụng. Đấy là cách hành xử của một chính quyền đàng hoàng đối với người biểu tình chống xâm lăng chăng? Hồi anh ở tù bị kết tội phản động, ngoan cố, nhưng anh chưa bao giờ bị đối xử một cách thê thảm đến thế. Anh nghĩ nếu nhà nước khôn ngoan sẽ không bao giờ ra lệnh đạp vào mặt người yêu nước. Làm thế phản tuyên truyền quá. Vậy tại sao chuyện ấy xẩy ra? Anh chàng to lớn ấy ắt phải “cực kỳ” căm ghét người biểu tình? Hay là quyền lợi riêng tư của hắn, của phe nhóm hắn, và có thể của nhà cầm quyền, sẽ bị đe doạ nếu những người yêu nước được tự do biểu tình chống đối? Hay có thể hắn không phải là người Việt Nam, hắn đúng là người Tàu thay họ đổi tên nằm vùng chờ cơ hội. Mà đa số người Trung Quốc bây giờ có lẽ cũng không đến nổi man rợ như vậy. Chắc hắn ta là cháu chắt, là giòng dỏi đích tôn của Tô Định, Mã Viện, hoặc Trương Phụ còn sót lại sống dai cho đến tận ngày nay.
Những cảnh tượng ấy làm anh nghĩ ngợi nhiều. Không, nhân dân không phải là chế độ, nhân dân không phải là tay chân của bạo quyền. Nhân dân khốn khổ từ Bắc chí Nam đều là nạn nhân. Ngày xưa, trong lúc lòng chứa đầy thù hận, anh nghĩ khác. Nay đầu óc anh đã rộng mở hơn, nhưng đồng thời anh cũng đã trở thành công dân của một nước nơi anh đang sinh sống, của một nước đang mở rộng cánh tay đón anh, và anh cũng thấy có bổn phận đối với nước ấy. Từ đấy, anh nhìn về quê cũ bàng hoàng. Hay là ta cũng phải làm một cái gì đây, có phải không Hương, anh thầm nói.
Anh bỏ xa lộ 805 đi tiếp 163 để chuyển qua 15 North hướng về Las Vegas. Con đường khuya vắng lặng, đầu óc anh đi lang thang. Anh gặp Hương ở Las Vegas cách đây nửa năm trong chiếc áo dài lụa màu mỡ gà. Trông Hương lạc lõng. Thấy Hương anh xúc động mạnh.
“Hồi đó trông em tức cười quá, đi sòng bạc lại mặc áo dài? Sao không chít khăn vành cho đủ bộ?”
“Em có biết đâu. Nhà bảo mặc đồ đẹp, em diện cái áo dài đẹp nhất đem từ bên Việt Nam qua. Anh Tâm cứ nhìn em cười hoài mà em đâu hiểu gì. Bây giờ nghĩ lại em thấy em quê thật.”
Hương ngơ ngác giữa rừng người đang lên cơn sốt cờ bạc, hai tà áo khép nép bên cạnh bà già còn chút son phấn, bên cạnh thằng Tom Tran anh quen từ hồi học lớp điện tử cấp tốc ở Saint Paul. Anh vồn vã hỏi han Tom tíu tít, như thể hai người là bạn thân lâu ngày gặp lại mặc dù trước kia Tom có ác cảm với anh có lần bảo anh là đồ mất gốc, đồ vô tổ quốc. Tom nhìn anh bỡ ngỡ rồi liếc nhìn cô gái xinh đẹp đứng bên. Qua cái nhìn ấy, anh đoán Tom là anh của cô gái ấy. Và anh quyết nhập bọn. Anh đang có chuyện buồn, chỉ muốn tìm cách khuây khoả trong giây lác thôi ấy mà, anh thầm nhủ. Tom và anh cùng ngồi bàn poker rồi black jack rồi roulette trong khi bà già và Hương đứng sau “chầu rìa”, mỏi chân thì bước tới lân la những slot machines gần đó bỏ từng 5 cents một để “kéo máy” gọi là đóng góp tiền điện. Về sau anh biết bà già là mẹ, và Tâm, đúng như anh đoán, là anh ruột của Hương. Mẹ và em của Tâm mới đến Mỹ mấy tháng do Tâm bảo lãnh. Anh sấn sổ làm quen, Tom khó chịu ban đầu, bà mẹ có thiện cảm, Hương thì lúc nào cũng “dạ dạ”.
Theo thói quen, anh buông chân ga nhắp nhẹ trên chân thắng mỗi khi một ý nghĩ lạ nào đó hiện lên. Nhưng dạ nghĩa là gì? Em tập nhảy đầm nhé - dạ; tối nay đi ăn với anh được không - dạ; chán qúa, anh về ngay bây giờ đây - dạ; ngồi khuya bất tiện hả em - dạ... Anh không hiểu nổi Hương. Dạ nghĩa là gì hả em, yes hay no? Đồng ý hay không đồng ý? Hương không trả lời. Anh đoán rằng tiếng ‘dạ’ của Hương có nghĩa “chưa dứt khoát”, “nhì nhằng” và thường là thiên về “không đồng ý”. Nghĩ gì thì cứ nói đại đi nhỏ ơi! Làm bộ hoài! Nghĩa là cá chưa chịu cắn câu chứ gì. Hay cái kiểu “em chả! Em chả!” Làm mình sốt ruột. Nhập vào xa lộ 15 North anh nhấn thêm ga. Chiếc xe sáu máy lao vùn vụt trong đêm khuya vắng. Tốc độ làm anh say, nhấn thêm ga. Cửa xe đóng kín, anh vẫn nghe tiếng gió gào thét ngoài kia.
Anh thấy anh nhiều khi tự mâu thuẫn. Thích bạn, đi đâu anh cũng muốn có bạn bên cạnh, đấu láo với bạn thấy khoái hơn nhìn trời, nhìn đất, “du sơn du thuỷ”. Thế nhưng có nhiều lúc anh thích một mình, nhất là những lần lái xe trong đêm khuya như đêm nay. Chạy một mình thôi, không có ai ngồi cạnh. Có người bên cạnh, dù người ấy ngồi im như thóc, hay đã ngã đầu ngủ yên, không phiền hà gì anh, không ngó ngàng đến anh, vẫn khiến anh nhận ra một sự hiện diện khó chịu, một sự xâm phạm ngấm ngầm. Và anh cảm thấy mất tự do, mất tự nhiên. Hãy để anh một mình với con đường khuya hun hút, với tốc độ tăng dần, với bóng đêm trùm lên vạn vật, với mù khơi ngây ngất, với những suy nghĩ quanh co rối rắm, với những hồi ức chồng chất trùng điệp mà anh tưởng như nó đã đi đâu biệt tích từ bao giờ.
Anh chợt nhìn kính chiếu hậu. Đằng sau xa, xa tít, trong đêm tối mịt mùng, có hai chấm sáng nhỏ xíu khi ẩn khi hiện. Khuya khoắt thế này mà vẫn có bạn đồng hành! Lại bợm cờ bạc ghiền Las Vegas. Hai chấm sáng hiện lên rõ dần. Ô, không chừng... Anh bớt ga. Nếu là ban ngày anh biết ngay đó có phải là xe cảnh sát hay không. Hình dáng, lớp đèn trên nóc trước, và màu xe cảnh sát, ai cũng thuộc nằm lòng. Ban đêm tối quá, chịu thua.
Một lần, cách đây gần một năm, đứng ngồi không yên vì nhớ Polina, nhân được nghỉ “cuối tuần dài”, vừa tan sở chiều thứ sáu, anh không về nhà, lái xe đi tìm Polina. Đi tìm bóng chim tăm cá! Biết thế mà cũng cứ đi, nhờ vậy lòng bớt bồn chồn, bứt rứt. Trên xa lộ đêm khuya anh phóng xe ào ào như đêm nay. Rồi hai chấm sáng hiện lên đằng sau xa tít. Ánh sáng gần thêm dần rồi đèn nóc chớp chớp. Đ.m., lại dính chấu. Anh rà thắng, tấp vào lề phải đậu lại ngồi yên chờ lãnh giấy phạt. Lại mất toi cả mấy trăm đô la. Ở các tiểu bang đông bắc còn có hy vọng giải thích, xin xỏ, còn trên xa lộ này cảnh sát là người máy, một là một hai là hai, không sao đâu bạn, no problem, bạn cứ ký vào cái giấy vàng này, giấy tờ chính thức sẽ đến bạn sau, rồi bạn nộp phạt cũng được mà ra toà khiếu nại cũng được, tùy bạn.
Một cảnh sát viên ngồi yên trong xe, khẩu súng trong tay hờm sẵn thì phải, một cảnh sát khác tay cầm đèn bấm từ từ thận trọng tiến tới. Anh ngồi thẳng người như tượng.
“Xin vui lòng hạ cửa kính xuống.”
“Vâng.”
“Cho xem giấy tờ.”
“Vâng.”
“Anh chạy quá tốc độ.”
Anh nổi cơn cà khịa:
“Cứ cho là tôi chạy quá tốc độ đi. Nhưng làm sao anh biết được? Anh có bằng cớ gì không? Anh từ sau xa đuổi kịp tôi có nghĩa là anh chạy nhanh hơn tôi. Chính anh mới chạy quá tốc độ.”
“Tôi đã theo anh 15 phút, nghĩa là chạy nhanh bằng anh. Anh chạy 70 rồi tăng lên 85 rồi vô cớ rà thắng mấy lần, rồi lại tăng lên đến 98. Tôi ghi lại đủ trong hồ sơ của tôi.”
“Đ. m. tụi mày,” Anh chửi to lên bằng tiếng Việt.
“Anh nói gì?”
“Tôi nói anh nói đúng quá.”
Người cảnh sát trao anh giấy phạt, nhã nhặn đưa tay chào, rồi quay người đi. Bỗng nhiên anh cảm thấy hai vành tai nóng ran. Anh ngượng. Hèn đến thế à. Chửi xong rồi chối leo lẻo, nói dối xoen xoét! Mình đổi tính đến thế sao từ ngày Polina bỏ đi? Mà con Polina khốn nạn cũng chẳng tốt lành hơn gì. Bỏ nhau dễ như trở bàn tay! Còn làm bộ biện bạch rởm. Có lẽ nó có bồ mới? Không, không phải thế. Thế thì tại sao lại bỏ đi? Vô lý! Vô lý! Thêm con nhỏ Hương chết dịch “quê một cục” mà cứ đòi treo giá làm cao em chả em chả. Những câu nguyền rủa lồng lên như ngựa chứng nhưng anh biết chắc rằng anh không cố ý chửi ai cả. Quen miệng thế thôi. Dù sao nguyền rủa, chửi thề, giúp anh nguôi ngoai cơn giận. Anh mở máy, sang số, cho xe từ từ rời khỏi lề đường. Đến lúc đó anh mới để ý chiếc xe cảnh sát vẫn đậu yên một chỗ theo dõi anh. Anh tăng dần tốc độ, nhìn kỹ không thấy xe cảnh sát chạy theo, chiếc xe lại tiếp tục chạy vùn vụt trên xa lộ 15, vượt qua những con đèo chênh vênh, những vùng đồi núi hoang vu, những thị trấn nằm ngủ im lìm trong ánh đèn vàng, trong sương đêm đổ xuống lưng chừng trời.
Lần này may quá, chiếc xe đằng sau chạy qua mặt rồi mất hút. Tên lái xe này thế nào cũng bị cảnh sát túm.
Hơn 2 giờ sáng anh tạt vào Barstow lấy thêm xăng, kiếm chỗ đậu xe, ghé Burger King ăn uống qua quýt, rồi hạ thấp lưng ghế ngả người chợp mắt. Mười lăm phút sau anh lại lên đường. Thế là độ 4 giờ sáng mình sẽ đến Las Vegas, anh lẩm nhẩm. Sẽ một mình trời chưa sáng, se se lạnh, ghé vào những sòng bạc ngái ngủ, lờ đờ, uể oải, vắng khách, chỉ còn rặt những tên thua cay thức suốt đêm bây giờ đói bụng mua vội cái hot dog ăn tạm, đưa tay vốc tạm vài hớp nước cho vào mồm từ các vòi nước uống công cộng, tay còn ướt phả vào mặt cho tỉnh ngủ, những khuôn mặt hốc hác, những cặp mắt cay xè, những con ma đói tóc tai bù xù, áo quần bèo nhèo, xốc xếch, cầu may phút chót, rốc cạn túi được mấy đồng tiền coins đến gỡ gạc tại mấy cái slot machines mong trúng 777. Ừ, mình chơi nho nhỏ với tụi đó lai rai đến trưa, rồi ăn thật nhiều, rồi uống cho say, rồi ngủ một giấc dài cho no con mắt, để tối nay cùng với ánh đèn bùng lên sức sống mới, quên hết mọi ưu phiền, tỉnh táo đánh một trận xả láng tới đâu thì tới.
Anh nhanh nhẹn làm quen với gia đình Hương. Khó gì. Nhỏ và bà mẹ muốn đi đây đó, anh sẵn sàng làm tài xế. Nhẹ gánh cho thằng Tom, nó càng khoái. Ở lâu trên đất Mỹ, anh biết nhiều chuyện, chắc chắn hai mẹ con sẽ cần anh lắm. Nhưng lạ chưa, càng về sau càng cảm thấy anh cần họ hơn họ cần anh! Cuối tuần nào mà không gặp Hương, anh bần thần đứng ngồi không yên. Phải rồi, phải gặp Hương để lấp kín chỗ trống mà Polina để lại, anh thầm nhủ. Thế rồi một hôm.
“Sao em lỉnh kỉnh nặng nề quá thế? Cái gì em cũng mang theo. Đi Mỹ mà em làm như đi... đi...” Mặt anh nhăn riết.
“Dạ, anh muốn nói... làm như đi Mỹ Tho?”
“Mỹ Tho?” giọng anh gắt gỏng. “Còn cái gì đây nữa? Cái cối đá hả? Em mua thứ đồ cổ này trong viện bảo tàng nào vậy? Nặng trình trịch. Khùng hay sao mà lại mang theo của nợ này? Coi chừng nó lăn đụng dập chân người ta không có đủ tiền đâu mà bồi thường.”
Nói xong anh biết mình lỡ lời. Anh vớt vát:
“Mà làm sao em mang theo được hay vậy? Phải đi tàu thủy mới mang được cối đá chứ.”
Hương nhẫn nhục:
“Thì em bỏ bớt những món khác không cần thiết bằng.”
“Cần thiết? Cần thiết? Để làm gì mà cần thiết?”
Hương cúi gầm đầu trả lời:
“Dạ, để em quết chả. Một năm hai cái giỗ chánh, mấy cái giỗ phụ, rồi lễ, rồi Tết... Em nghe nói bên này không có cối đá. Cối đá quết chả mới ngon. Thịt xay không ngon bằng.”
Anh nhăn mặt im lặng nghe.
“Với lại em còn cho chị Tùy, chị Diệu mượn nữa. Họ cũng cần. Biết em đi Mỹ định cư, họ viết thư bảo em nhớ mang cối đá theo.”
“Em đừng giao thiệp với hai bà đó. Loại người ấy, nhất là bà Tùy, lề mề, luộm thuộm, lợi dụng. Quen họ thêm mất thì giờ mà chẳng lợi lộc gì.”
Hương chau mày. Anh lấy giọng ôn tồn:
“Em còn phải học hỏi nhiều, phải biết tính toán, biết chọn bạn mới nào thích hợp, biết đào thải bớt những bạn cũ không cần thiết. Phải biết sàng lọc kỹ lưỡng mới hòng sống nổi trên đất Mỹ này. Đó là cả một vấn đề lớn, vấn đề văn hoá, vấn đề hội nhập.”
“Dạ.”
“Nghĩa là em sẽ chấm dứt mọi giao thiệp với họ?”
“Bạn cũ lâu ngày bỏ nhau sao được, anh!”
“Nhảm thật! Chịu hết nổi. Biết bao giờ mới chịu mở mắt ra!”
Nói xong, lại cảm thấy quá lời, anh kín đáo quan sát Hương. Cô nàng im lặng, khó hiểu. Anh liên tưởng đến Polina. Hai cô nàng khác nhau một trời một vực, mà mình lại yêu cả hai. Anh cố lắng lòng tự hỏi mình yêu ai hơn, nhưng không thể nào biết rõ lòng mình. Anh nói giả lả:
“Này Hương, mình chưa quen nhau lâu, nhưng anh thấy... cũng được. Em được lắm. Cho nên anh định... mình nên tính chuyện với nhau. Em đồng ý chứ?”
Cô lại im lặng.
“Sao? Em cứ thẳng thắn trả lời đi. Hay em chê anh chắc?”
“Dạ em đâu dám.”
“Thôi, để đỡ mất thì giờ quý báu, em nghe cho rõ đây. Tháng tới mình làm đám cưới.”
Hương hoảng hốt giật mình:
“Anh nói thật hay nói chơi đó?”
Anh sốt ruột:
“Đâu phải chuyện đùa mà nói chơi. OK?”
“Dạ, lần này để em nói cho rõ ý. Em coi anh như anh Tâm.”
Anh cười to:
“Tưởng gì. Thì anh vẫn coi em như đứa em gái bé nhỏ. Nhưng anh đâu phải anh ruột của em mà sợ, anh biến thành chồng mấy hồi.”
“Anh để cho em nói hết. Không được đâu anh. Nhất định chưa có thể nào được! Là vì... là vì mình... mình khác nhau quá. Sẽ làm khổ nhau. Em chưa quen lối sống của anh, tính tình của anh. Cho em thêm thời gian suy nghĩ.”
Bầu trời phía đông mù mịt. Anh lẩm bẩm mùa này ngày đến sớm sao chưa thấy màu hồng ở chân trời? Trước mặt anh, trên con đường dài là những vùng ánh đèn rực rỡ, từng cụm phố xá, cách nhau không xa mấy, mọc lên trên những khu mặt bằng rộng lớn, hoặc nằm ven đồi, ven con sông đào, ven xa lộ. Đó là những sòng bạc “tiền phương” mời mọc du khách trước khi tiến vào trung tâm Las Vegas. Anh để ý thấy có khá nhiều xe cộ đậu ở những nơi đó. Anh lẩm bẩm quả thật người Mỹ có nhiều tên bộp chộp quá chừng. Đã cất công đi Las Vegas thì cứ lái xe rấn thêm một chút là tới nơi, việc gì phải ghé những sòng bạc “tiền phương”. Nó đâu ngon lành bằng những sòng bạc trung ương. Chờ thêm một chút chịu không nổi hả? Anh không có máu mê cờ bạc nhưng anh thích Las Vegas. Đối với anh, trên đất Mỹ này chỉ có Las Vegas là nơi anh có thể vui chơi thanh thản, thoải mái, là nơi anh lạc giữa rừng người xa lạ mà không hề có cảm giác lạc lõng, là nơi anh đã cùng Polina hưởng nhiều ngày vô tư, hồn nhiên, đằm thắm, và cũng là nơi lòng anh rung động hẳn lên khi bắt gặp lại hai tà áo dài Việt Nam của Hương khép nép.
Anh nhìn lại anh. Suốt hơn 30 năm anh muốn hội nhập mà anh chẳng biết mình đã đi đến chặng đường nào? Anh ‘nhập’ vào nhóm nào vậy? Vào nhóm người Mỹ gốc Anh, Đức, Pháp, Hoà Lan v.v. đã đến nơi này vài ba trăm năm về trước? Sức mấy! Chuyện xa vời! Hay đi theo những nhóm gốc Tàu, Nhật, Đại Hàn định cư chưa lâu? Nơi nào coi bộ cũng lạnh lùng, lạt lẽo. Ngay cả một lần cùng Polina đi Santa Barbara ghé Solvang, một làng kiểu Đan Mạch kiến trúc theo lối Bắc Âu, anh nói đùa rằng mình đang làm một cuộc hành hương trở về đất tổ của Polina, rồi sau đó mình sẽ tìm cách dọn đến đây sinh sống để Polina bớt nhớ quê cũ. Cô tưởng thật vội vàng bác bỏ cái ý kiến đó bảo rằng ghé chơi thì được nhưng không thể bỏ cái tổ ấm trên ngọn đồi thơ mộng để tới một nơi lạ hoắc và lạnh lùng và vô cảm như thế này.
Những toà nhà cao ngất nghểu hiện ra phía bên tay mặt của xa lộ 15. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn bảng quảng cáo lượn vòng quay cuồng trong ánh đèn nhiều màu. Las Vegas! Las Vegas!
Bỗng dưng anh cảm thấy cô đơn hơn bao giờ cả. Tâm trí anh lại quay về với bức thư của Polina, với lần gặp Hương vừa rồi.
Mới 4 giờ sáng! Anh cho xe chạy chậm lại.
Bỗng dưng anh không còn cảm thấy háo hức khi Las Vegas hiện ra ngay trước mặt. Anh nhấn thêm ga, tiếp tục chạy trên xa lộ 15 North, nhanh dần, nhanh dần. Từ Las Vegas trên xa lộ 15 hướng về phía bắc, đường vắng, khác hẳn lúc xuôi nam trở về California, càng lúc càng tấp nập. Lúc vượt qua một đoạn dài thuộc tiểu bang Arizona, anh chạy vun vút trên một đoạn dài khác mà hai bên đường toàn là núi đá sần sùi, khô cằn, hiểm hóc, nhiều hình dáng kỳ lạ, cheo leo, vắng teo. Không bắt gặp một chiếc xe nào cùng chiều hay ngược chiều, anh đi sâu vào tiểu bang Utah. Lại những vùng đất đá như sa mạc mênh mông, hoang sơ, không một mái nhà, không một bóng người. Anh nhấn thêm ga chạy nhanh hơn nữa, kim đồng hồ chỉ 80 miles, rồi 90 miles. Thấy đằng trước bảng chỉ xa lộ 70, anh tiến vào, rồi ghé một khu nhà cửa xúm xít, đậu xe lại, xem bản đồ. Anh sẽ lấy thêm xăng ở một trạm xăng gần đấy, ăn uống qua loa, rồi đi Colorado. Sẽ ở lại đấy một hôm thôi. Anh lẩm nhẩm tính sau đó sẽ trở về Los Angeles từ Colorado, xa thăm thẳm, chạy một ngày không thể nào kịp. Anh sẽ lái xe thâu đêm, và sẽ băng qua những quãng đường khuya.
Ngự Thuyết