có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 11 22, 2018

Chiếc bóng quá khứ trong truyện Phùng Nguyễn


Thap Cham
Ai cũng có một chiếc bóng quá khứ không thể tách rời. Chính xác hơn nữa, quá khứ là cội nguồn, gốc rễ của con người chúng ta hôm nay và ngày mai. Không những là quá khứ cá nhân, quá khứ của gia đình, giòng họ. mà quá khứ của lịch sử. Chiếc bóng ấy thể hiện trong cuộc sống, trong suy nghĩ và hành động của mỗi người như một chuyện tất yếu, không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mỗi người vẫn có quyền năng và lựa chọn trong hiện tại, khả năng chuyển đổi, bồi đắp quá khứ của ngày mai. 

Như rất nhiều, có thể gọi là đa số người Việt Nam thế hệ đầu tiên di dân đến Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975, chiếc bóng quá khứ của Phùng Nguyễn khi bắt đầu cuộc sống ở Mỹ hẳn phải có chiếc bóng của chiến tranh và chiến bại, giam cầm nghĩa đen và nghĩa bóng, mất mát thực chất và tâm linh. Phùng Nguyễn đã bắt đầu viết lách với chiếc bóng quá khứ ấy, cũng có thể đã bắt đầu viết vì chiếc bóng quá khứ ấy, bởi văn chương, với người viết, là thế giới mộng ảo nơi người viết minh định quá khứ, thấu hiểu quá khứ, hoà giải với quá khứ, và những hoàn cảnh, nhân vật hư cấu cũng là một phần của quá trình lý giải và hoà giải này. 

Không phải là ngẫu nhiên khi tập truyện đầu tiên của Phùng Nguyễn mang tên "Tháp Ký Ức", một trong những tác phẩm đầu tay mang nặng dấu ấn của quá khứ. Nhân vật chính hồi tưởng lại những năm đầu tiên vào trung học, đi trọ học ở Hội An. Phần lớn câu truyện mang vẻ trong sáng, vô tư của tuổi nhỏ. Cái tháp trong câu truyện không chỉ là một tượng trưng cho quá khứ, mà có thực: tháp Chàm Bàng An thuộc tỉnh Quảng Nam. Truyện về quá khứ, nhưng không hẳn ngập lụt trong quá khứ, nhờ một ý tưởng nhắc đến vào giữa truyện và dùng để kết truyện: hy vọng. Phùng Nguyễn đã dùng truyện Vàng Tháp Hời của Vũ Hạnh để đưa ra ý tưởng thoạt tiên có vẻ như đùa cợt rằng hy vọng có tính hai chiều, có nghĩa nhiều khi "hy vọng đã hướng về quá khứ", với ví dụ là niềm hy vọng tháp Hời quả thực có vàng của hai anh em tìm vàng trong truyện. Để kết truyện "Tháp Ký Ức", nhân vật chính đặt lại câu hỏi "Phải chăng hy vọng chỉ hướng về tương lai?" và nếu thế thì tháp ký ức phải chăng chỉ còn tuyệt vọng, "một nhân chứng u sầu với tiếng thở dài phiền muộn mỗi khi ngọn gió đồng thổi qua đỉnh tháp dột nát"? Hiển nhiên, nhân vật chính đã không nhìn quá khứ như cái tháp mục nát rỗng không, mà muốn tin rằng trong ấy có những điều lấp lánh và giá trị cho hiện tại, và khi người ta trở lại, lục lọi trong ấy, sẽ không chỉ có nỗi u buồn của mất mát, mà cả những niềm vui đã qua nhưng chưa mất. 

"Tháp Ký Ức" như một nụ cười mơ màng khi người ta nghĩ về thơ ấu, vì tuổi thơ thường hồn nhiên và trong sáng ngay cả trong những tình huống nghiệt ngã nhất. Vài năm sau, trong "Đêm Oakland. Câu hỏi", truyện ngắn tựa đề chính cho tập truyện thứ nhì của Phùng Nguyễn, quá khứ đã thực sự là chiếc bóng đè nặng lên tâm thức nhân vật chính của truyện, là gánh nặng trĩu bước chân của anh trong hiện tại và có lẽ cả tương lai, vì anh "thuộc về nhóm những kẻ đứng chông chênh trên hai mảnh ván trôi ngược chiều nhau, cố giữ thăng bằng để không rơi vào cái vực đen ngòm của hoang mang bên dưới", và hơn nữa, mảnh ván "kéo giật về quá khứ có vẻ thành công hơn”. Khi nhân vật ấy cho rằng có những điều trong quá khứ sẽ theo đuổi anh "cho đến hết đời", điều ấy không chỉ là quá khứ chỉ nằm trong trí nhớ của anh, mà nó còn là lực đẩy, sự trì kéo khiến bao lâu nay anh "cứ đi giật lùi nhiều hơn là đi tới". 

Kết thúc truyện "Đêm Oakland. Câu hỏi" là cảnh một chiếc xe chở nhân vật chính đang lên cầu Bay Bridge, chiếc cầu băng qua vịnh biển nối San Francisco và vùng đất phía Đông, và câu này "Đêm và Oakland đã ở về phía sau, bây giờ". Dường như đây là xác định rằng nhân vật chính trong truyện đã rời bỏ được bóng đêm của quá khứ, đã quay lưng lại với quá khứ để tiến về tương lai. Thế nhưng, sau những băn khoăn, bối rối, ám ảnh nhắc đến trong truyện, không những để hiểu quá khứ mà còn để phân rõ thực hư của quá khứ, người đọc không thể không nghĩ rằng câu kết chỉ là một ước vọng tuyệt vọng của nhân vật chính chống chọi với quá khứ, với "lòng trung thành với chính cái quá khứ buồn tủi của mình" trong cuộc sống ở xứ người, "khi người ta không có nhiều thứ để bám vào". 

Tâm trạng vừa bám víu quá khứ vừa muốn thoát khỏi sức trì kéo của quá khứ có mặt trong nhiều tác phẩm khác, không phải lúc nào cũng rõ ràng nhưng luôn luôn thấp thoáng hiện diện. Trong truyện "Cháy lên những ngọn đồi cỏ khô", nhân vật Thái bị chìm đắm hẳn trong quá khứ không thoát ra được khi bằng lòng sống với một hình ảnh người mình yêu trong trí nhớ, và nhân vật xưng "tôi" dùng việc ấy như một nhắc nhở rằng quá khứ là chuyện đã qua, đã chấm dứt, cho dù quá khứ ấy là một điều phi thường phải được đưa tiễn trong một đám cháy rực rỡ trên những ngọn đồi cỏ khô. 

Với kinh nghiệm thực tế trong cuộc chiến Việt Nam, Phùng Nguyễn viết rất nhiều những truyện về thời chiến, về lính. Tuy nhiên, anh cũng viết rất nhiều truyện tình, nên hẳn nhiên cần nói đến bóng dáng quá khứ trong những tác phẩm này, một ví dụ chính là truyện "Cháy lên những ngọn đồi cỏ khô" vừa được nhắc đến. Những câu truyện tình của Phùng Nguyễn, như trong văn thơ, nhạc của Việt Nam và mọi nơi trên thế giới, đa số là truyện buồn, có thể tạm gọi là "vô hậu", theo kiểu "một người đi, một người sầu, nhìn hoa úa, lòng tàn mau"(1). Với khuynh hướng buồn nhiều hơn vui như thế, phải chăng quá khứ là một yếu tố quyết định? Chẳng hạn, yêu người chưa quên được người yêu cũ thì tình buồn là đương nhiên? 

Quá khứ, như từ câu đầu tiên của bài viết này, là chiếc bóng không thể tách rời, và quá khứ vẫn luôn có mặt trong truyện tình của Phùng Nguyễn, nhưng dường như chẳng đóng vai trò quan trọng nào, có vai trò chăng nữa thì cũng là vai rất phụ. Tình yêu trong truyện Phùng Nguyễn dường như chỉ có thì hiện tại. Tình yêu trong quá khứ có thể là tưởng tiếc, một vết sẹo, thậm chí một vết thương chưa lành, nhưng các nhân vật tuy ngần ngừ vẫn không cưỡng lại được một tình yêu mới. Tình yêu trong truyện của Phùng Nguyễn là một hiện tượng tự nhiên như gió và sóng, như nắng và mưa. Có thể rất nhẹ nhàng như thoáng qua, có thể lốc xoáy cuốn trôi đi tất cả. Cũng như những hiện tượng tự nhiên, tình yêu có thể được lý giải bằng rất nhiều nguyên nhân phức tạp lẫn lộn và thường khi không hoàn toàn rõ rệt, nên kết quả cuối cùng là không ai thực sự lý giải được. Phùng Nguyễn, như bao nhiêu văn thi nhạc sĩ trước anh, giữ thái độ rất là hồn nhiên, kiểu "làm sao cắt nghĩa được tình yêu"(2). 

Nhân vật chính trong những truyện tình của Phùng Nguyễn nhìn tình yêu đến và đi, khi đuối chìm, khi bập bềnh trôi nổi trong tình yêu, với tâm thức nhận chịu, hầu như không bao giờ vặn hỏi "tại sao" đối với "người ta" và chính mình. Hoàn cảnh, suy xét, tính toán, đắn đo, không phải là không có, nhưng dường như những nhân vật của Phùng Nguyễn rốt lại chỉ trả lời một câu hỏi: yêu hay không yêu? Nếu yêu, thì cố gắng trọn vẹn với tình yêu ấy. Nếu không yêu, thì hoàn toàn không phải "chịu trách nhiệm" đối với tình cảm của người mình không yêu. Sự thẳng thừng dễ trở thành tàn nhẫn này được áp dụng khá tuyệt đối trong cách dựng truyện của Phùng Nguyễn, và tuy nhân vật nam của Phùng Nguyễn thường là đối tượng cho sự thẳng thừng ấy, ít nhất có hai truyện của Phùng Nguyễn là "Chuyện thằng bạn" và "Khách quen" trong đó những nhân vật nam áp dụng quyền "không yêu không trách nhiệm" ấy cho những mối tình qua đường của mình. 

Để kết thúc đề tài chiếc bóng quá khứ trong truyện Phùng Nguyễn, có lẽ cần phải nhắc đến bóng dáng quá khứ của chính tác giả Phùng Nguyễn trong những câu truyện của anh. "Văn là người", đúng là như thế, nhưng hình dung người qua văn thì cũng khá hú hoạ như là chuyện người mù sờ voi, vì văn là biểu lộ mà văn cũng là nơi ẩn náu. Phùng Nguyễn, có lẽ đã nhiều lần "được" hỏi han về những nhân vật và tình tiết trong nhiều chuyện xưng "tôi" của mình, đã ít nhất một lần tìm cách giữ vững và củng cố vị thế "truyện tiểu thuyết hư cấu" cho những tác phẩm của anh. Trong truyện "Văn sĩ ngại ngần", Phùng Nguyễn viết rằng trước khi được sắp xếp vào truyện, những tình tiết quá khứ của anh đã đi qua một quá trình chuẩn bị khá khủng khiếp: bị dồn ép lại, kéo giãn ra, bị chặt tay chân, bị gắn sừng lên đầu, bị nhồi nhét… 

Nếu độc giả chưa cảm thấy thuyết phục, thì đây là những lời cuối. Đối với những người múa bút gò chữ, như con tằm "rút hết tâm can"(3) để cho người đọc đôi lúc được "trôi lờ lững trong những vùng không gian khác nhau vào những thời điểm khác nhau"(4), xin dành lại cho họ một khoảng cách, một góc tối riêng tư với những ước vọng và ác mộng rất thực của họ. 


Hồ Như 

---------------------------------

(1) “Trăm nhớ ngàn thương,” nhạc và lời của của Lam Phương 
(2) “Vì sao,” thơ Xuân Diệu 
(3) “Tôi bán đường tơ,” nhạc và lời của Thẩm Oánh 
(4) “Văn sĩ ngại ngần,” truyện Phùng Nguyễn


nguồn