Lời Anh: Jack Lawrence
Lời Việt: Nguyễn Thảo
Trình bày: Mary Linh
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ
Phòng thâu & final mix: LeVuMusic
Trùng khơi đại dương xa tắp
Bờ xa ai đang chờ mong
Người anh yêu vẫn một mình lặng ngóng
Gió đưa bao cánh buồm về ngang chốn này
Trùng khơi đại dương lấp lánh
Người yêu vẫn luôn đợi anh
Nhìn chim giang cánh mà lòng thầm ước
Ước mơ theo chim bay về nơi có em
Dù xa tựa muôn tinh tú
Gần hơn bóng trăng đầu ngày
Tình anh cần chi suy tư
Dắt đưa anh lại gần em
Trùng khơi đại dương ta đến
Gặp nhau, hôn nhau trìu mến
Lòng ta hạnh phúc dạt dào ngàn sóng
Cắm neo không bao giờ rời xa bến yêu
Beyond the Sea
Somewhere beyond the sea
Somewhere waitin' for me
My lover stands on golden sands
And watches the ships that go sailin'
Somewhere beyond the sea
She's there watchin' for me
If I could fly like birds on high
Then straight to her arms,
I'd go sailin'
It's far beyond a star
It's near beyond the moon
I know beyond a doubt
My heart will lead me there soon
We'll meet beyond the shore
We'll kiss just as before
Happy we'll be beyond the sea
And never again I'll go sailin'
Để giới thiệu một ca sĩ mà thời đại này người ta gọi là diva, chúng tôi thật phân vân. “Một tên tuổi không cần phải giới thiệu” là sáo ngôn vẫn thường được dùng trên sân khấu. Nghe rất cliché. Và thiếu thân mật với một người thân thiết. Để tỏ lòng mến mộ, tưởng không gì bằng lời nói của một thi sĩ/nhạc sĩ tên tuổi của thời đại này, và cũng là bạn của ca sĩ Mary Linh. KẻJazz xin cảm ơn anh Ngu Yên đã viết bài giới thiệu độc đáo này, và mời các bạn của KẻJazz cùng thưởng thức.
Hát Đến Hơi Thở Cuối Cùng
Về mặt tâm tình, hát là sống với niềm vui. Trong năm ba phút ngắn ngủi của bài hát, người nghệ sĩ thật sự chìm vào thế giới riêng, nơi âm thanh và tâm tư hòa điệu. Niềm vui đó vui một cách riêng, không có gì thay thế. Niềm vui đó dễ dàng nhưng không phải dễ thực hiện. Tôi không có ý nói đến ca sĩ, vì ca hát có nhiều mục đích khác nhau và thể hiện nhiều trình độ cao thấp. Tôi muốn nói đến những người có tâm hồn nghệ sĩ chân thật tìm được niềm vui say sưa trong tiếng hát, dù hát chuyên nghiệp hoặc hát tặng cho nhau hoặc hát một mình. Một trong những người tôi biết, hát suốt thăng trầm hơn 50 năm, hát với tình nhân âm nhạc, đó là ca sĩ Mary Linh.
Năm 1963, tháng 12, Mary Linh đến với khán giả lần đầu tiên lúc 17 tuổi. Lứa tuổi mà bất kỳ một thiếu nữ nào cũng có lời vô thanh mời gọi riêng tư mà một vài chàng trai nào đó bỗng dưng nghe được. Vô số chàng trai, vô số trung niên, nghe được tiếng mời gọi “có hình dạng” của cô ca sĩ trẻ. Tại sao “có hình dạng”? Trong thập niên 1960, những ca sĩ nổi tiếng như Kim Tước,Thái Thanh, Mai Hương... và thế hệ tiếp theo như Thanh Thúy, Trúc Mai... hầu hết đều ẩn núp hấp dẫn qua chiếc áo dài lôi cuốn một cách bí mật. Nhất là nét đẹp sầu muộn của Thanh Thúy đang chiếm ngự giấc mơ Sài Gòn về đêm. Ca sĩ Bích Chiêu, người thành danh “vệ nữ bốc lửa”đã rời sân khấu đến Paris. Sài gòn thuở đó êm đềm và tương tư. Mary Linh mang sóng đến với váy đầm, quần ôm, với mái tóc dài che nửa khuôn mặt, trong những điệu nhạc trẻ, kích động và đốt lại ngọn lửa sắp tàn của Bích Chiêu. “Có hình dạng” vì nhan sắc và thân hình của Mary Linh gần gũi lời thơ của thi sĩ Nobel 1971, Pablo Neruda. “... Your waist and your breast / the doubled purple / of your nipples / the sockets of your eyes / that have just flown away / your wide fruit mouth /...” (...Chao ôi, eo vú thần kỳ / Rung rinh hạt núm lâm ly hạt hồng / Thâu hồn đôi mắt mơ mòng / Đôi môi nét rộng ngọt lòng hương hoa...) Đây cũng là lý do vì sao tên gọi Mary Linh ra đời. Cô tên thật là Thục Nữ. Bố của cô là nhà văn, nhà xuất bản Phạm Văn Tươi đã đặt tên cho cô nhưng không ngờ cô bé sơ sinh khi khôn lớn không phù hợp với nội dung “yểu điệu thục nữ quân tử hảo cầu,” mà từ thục nữ trở thành mỹ nữ, với những đường cong Châu Mỹ La Tinh, với nét sắc sảo của Tây ban Nha, Sài gòn thuở đó là một nhan sắc lạ. Cùng thời, bên trời Tây, Marilyn Monroe đang là một nhan sắc lừng lẫy trên màn ảnh Hollywood, với những đường cong nghiêng ngả trái tim. Hai đường cong đồng dạng gặp gỡ nhau, khiến cho nghệ sĩ lão thành họ Vũ đã không ngần ngại đề nghị Thục Nữ đổi tên trở thành Mary Linh.
Nỗi Lòng, Sầu Đông, Tiếng Mưa Rơi... là những ca khúc Mary Linh được giới thưởng ngoạn thưởng thức. Và Linh đã mang theo khi rời bỏ Sài Gòn sang Pháp năm 1981. Xứ lạ, xa nhà, Mary Linh bắt đầu hát những tình ca mà hầu hết người Việt lưu xứ đều thương cảm với muôn trùng kỷ niệm. Rồi những ca khúc mới của nhạc sĩ Lam Phương sáng tác quanh Paris đến với người Việt tha hương, một lần nữa, nổi bật bởi tiếng hát Mary Linh, nhạc phẩm, Say, Cho Em Quên Tuổi Ngọc...
Qua diện gia đình bảo lãnh, Mary Linh đến Hoa Kỳ năm 1987 và định cư tại Houston, Texas. Người Việt Houston nghe Mary Linh từ vũ trường Ritz. Khách đến khách đi nghe Mary Linh ở các phòng trà và vũ trường tại Houston trong 30 năm qua. Khách về khách nhớ Mary Linh hát đêm thứ bảy ở sân khấu Jasmine trên đường Bellaire. Và gần nhất, mới nhất, là ca khúc La Mer mà Nguyễn Thảo dịch lời Việt: Trùng Dương và Lê Vũ hòa âm, phối khí do Mary Linh trình bày trên sóng mạng KẻJazz.
La Mer (Biển) là ca khúc do Charles Trenet sáng tác và ca sĩ Roland Gerbeau thâu đĩa năm 1945. Nhưng đến 1946, khi chính Trenet trình diễn, ca khúc này nổi bật, trở thành một trong số bản nhạc cơ sở truyền thống cho nhạc Jazz. La Mer chuyển sang tiếng Anh là Beyond the Sea, bởi Jack Lawrence “phóng tác”. Có nội dung và khí hậu khác với bản gốc. La Mer mang bầu không khí tản mạn, bơ vơ, một bãi biển phong cảnh trữ tình, gợi nhớ, một câu chuyện yêu đương không có nhân vật rõ ràng, mơ hồ trong tâm tưởng bồi hồi một hình bóng năm xưa. Với câu kết A bercé mon coeur pour la vie: Rung động tim tôi suốt một đời.
Trong khi Beyond the Sea với không khí ấm áp hơn, thực tế hơn. Có người yêu chờ đợi trên bãi biển ở một nơi nào đó, nhưng xa xôi lạc lõng giữa trùng khơi, người rong ruổi đi tìm, ước mơ con tim sẽ dẫn đến bờ tình yêu, để được hạnh phúc bên nhau và sẽ không bao giờ bị trùng dương ngăn cách. Ca khúc này ấn tượng nhất là từ ngữ “beyond”. “Ở bên kia” thế giới là cõi chết. Ở bên kia đàn ông là đàn bà. Hẹn em ở bên kia tình yêu, là hẹn gặp nơi tình yêu có thật vì tình yêu bên này hầu hết là giả mạo, vô tình hay cố ý. Ở bên kia biển là nơi đâu? Beyond the sea là chốn nào? Mỗi người trong chúng ta đều đã từng lẻ loi giữa biển đời, ước mơ thuyền tình sẽ đến một nơi có vòng tay âu yếm đợi chờ. Vòng tay nâng niu vuốt ve, không phải vòng tay ôm chặt đeo cứng. Ở bên kia biển là vượt qua vầng trăng (beyond the moon), xa hơn ngôi sao (beyond a star), là một nơi, có lẽ, không bao giờ đến, chỉ đến trong chiêm bao? Các bạn không tin? Thử nghĩ lại người cùng đứng với mình trên bãi biển mà chuyến thuyền tình đã đưa ta ghé vào. Vòng tay họ ra sao?
Cùng một lý do này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã sáng tác ca khúc Nỗi Lòng. Ca khúc mà Mary Linh được nhiều người thưởng thức. “Yêu ai, yêu cả một đời...” Mary Linh yêu ai? Yêu nhiều người, mỗi người một giai đoạn định mệnh, nhưng yêu cả một đời, chỉ có âm nhạc. Một lần ngồi với nhau, bên ly rượu cuối tuần, sau sân căn nhà nhỏ có nét buồn buồn của buổi chiều tàn nắng, tôi hỏi Linh về ước mơ. Người ca sĩ thả mắt đuổi theo tia nắng lộng lẫy cuối ngày, tia nắng từng dõi bước theo người 70 năm. “Ước mơ của Linh là được hát cho đến hơi thở cuối cùng.”
Mời tia nắng ngày mai trở lại nghe tiếng hát “Trùng Khơi”.
Ngu Yên.
Tháng 9, 2018. Houston.