Nhạc và lời: Nguyễn Hữu Ba
Ca sĩ trình bày: Ngọc Cẩm và Nguyễn Hữu Thiết
Nhớ tới ngày qua. Vang trong rừng xa. Dân Nam hò reo
Tiếng thét diệt thù. Khói súng mịt mù. Nơi sa trường xa
Vang khắp nước non nhà. Thu chiều nắng tà
Tiếng trống bập bùng. Loa vang lạnh lùng
Dân Nam hò reo. Trông ra khói mây mờ. Nhớ bao ngày qua:
Bên đồi thông vắng (hô hồ hô khoan)
Mái thu xanh xuyên cành khói tan (hô hồ hô khoan)
Có nàng quay tơ dệt áo (hô hồ hô khoan)
Gửi chồng ra lính quan (la khoan hô khoan)
Loa thúc nhịp dồn. Nhân dân chập chồn. Thôn xa dồn tới
Tiếng thét rộn ràng. Quân dân tập đoàn. Đi theo hàng lối
Hoan hô tiếng dân làng: "Giết loài tham tàn"
Giáo mác sẵn sàng. Quân dân lập đoàn. Ca khúc hùng tráng
Ra đi trút oán thù. Noi gương ngàn thu.
Quân lên đường thẳng tới biên cương
Lòng một lòng thề tiến quân sa trường
Nguyền cùng thù một chết với giang san
Trong nguy nan quyết không hề nao núng
Vì nòi Việt thề với thu muôn đời
Xây vinh quang xua tan bao mờ tối
Oai linh xưa đang dục lòng chiến binh
Theo nhịp bước muôn người xưa quên mình.
Mỗi lúc chiều tàn. Trông ra đồng hoang. Cô thôn mờ khói
Ngắm núi Trường Sơn. Khi sương chiều buông
Cây xanh mờ lối. Xa xa dưới chân đồi
In hình dáng người. Vai mang hận thù
Đi trong rừng thu. Quanh qua đồi núi
Ca vang khúc Sơn Hà. Như bao ngày qua:
Bên giòng sông lắng (hô hồ hô khoan)
Bóng tre xanh quanh đồng lúa vàng (hô hồ hô khoan)
Có đoàn nông phu hùng tráng (hô hồ hô khoan)
Buông cày theo tiếng vang (la khoan hô khoan)
Loa thúc nhịp dồn. Nhân dân chập chồn
Thôn xa dồn tới. Tiếng thét rộn ràng
Quân dân tập đoàn. Đi theo hàng lối
Hoan hô tiếng dân làng: "Giết loài tham tàn"
Giáo mác sẵn sàng. Quân dân lập đoàn
Ca khúc hùng tráng. Ra đi trút oán thù
Noi gương ngàn thu.
--------------------------------------------------------------
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba (1914-1997)
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba sinh năm Giáp Dần (1914) tại làng Đạo Đầu, Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh ra trong một gia đình có sáu anh chị em và ông là người áp út. Trong 6 anh chị em, ai cũng biết đàn biết hát, trong đó có người anh cả Nguyễn Hữu Xướng chính là người thầy dạy đàn bầu cho ông lúc ông lên 7 tuổi và người chị ruột Ngọc Lan (Nguyễn Thị Dung) là một danh ca của nhạc tài tử thính phòng Huế. Thân phụ ông là người Nho học, yêu thích bát bội và khá rành về nhạc lễ cung đình, mẹ ông là người ứng tác khá hay trong những buổi hò đối đáp và biết nhiều điệu múa dân gian. Cha mẹ ông đến với nhau cũng từ những buổi sinh hoạt văn nghệ dân gian, cúng lễ.
Thuở nhỏ, tạng người gầy ốm, ông được những người thân yêu gọi với cái tên thân mật là Cọt Nậy. Mẹ ông mở một quán nhỏ bán tạp hóa trong nội thành Quảng Trị, gia chủ yêu âm nhạc nên khách của quán có rất nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ dân gian. Những ban đàn, nhóm hát, ban nhạc lễ ở Quảng Trị và Huế thường ghé nhà của ông bà, có nhiều nhóm lưu trú nhiều ngày. Trong những lúc tập dợt, họ không biết rằng có một cậu bé đang say sưa theo dõi theo những ngón đàn khi họ dạo trên những những cung tơ, cậu bé đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba – một trong những nhà hoạt động âm nhạc truyền thống của thế kỷ 20 đã có nhiều đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.
Với niềm say mê âm nhạc vốn có, từ 6 tuổi, ông đã học lóm những ngón đàn của các nghệ nhân. Thấy con mình có năng khiếu, cha ông đã lưu tâm hướng dẫn, dạy dỗ. 3 năm sau, ông đã có những ngón đàn thành thạo và đã trở thành anh thầy đàn “nhí” dạy nhạc cho các gia đình giàu có trong vùng. Nguyễn Hữu Ba tiến bộ khá nhanh trong âm nhạc. Năm 11 tuổi, trong một đợt lưu diễn đến kinh đô Huế cùng người chị là Ngọc Lan, hai chị em được công chúng nhiệt liệt tán thưởng và điều quan trọng hơn là ông đã lọt vào “tầm ngắm” của các nghệ nhân lão luyện của đất kinh kỳ. Tại đây, ông có điều kiện tầm sư học đạo với những tay đàn trứ danh của kinh đô nhạc lễ, nhạc thính phòng Việt Nam thời bấy giờ, trong đó có các danh cầm nổi tiếng như ông Cả Soạn, ông Ưng Biều (cháu nội của vua Minh Mạng), ông Ngũ Đại (tức Vĩnh Trân – con của vua Thành Thái). Từ thời điểm này, ông tham gia sinh hoạt và nổi tiếng trong nhiều nhóm đàn, nhóm ca tại Huế và Quảng Trị.
Năm 1930, khi vừa tròn 16 tuổi, ông được xem là một trong những tiếng đàn trẻ đầy triển vọng trong làng nhạc tại Huế. Cũng trong năm này, ông cùng với các nghệ sĩ đờn ca khác như: Tôn Út, Ngọc Lan, cô Nhơn… được hãng Béka (Đức) mời thu âm vào đĩa 78 vòng. Đây được xem là đĩa nhạc truyền thống sớm nhất của Việt Nam, đĩa này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Nhân chủng học Paris.
Năm 23 tuổi (1937) ông đoạt giải nhất về đàn nhị trong một cuộc thi âm nhạc nhân dịp tổ chức Hội chợ tại Huế và cũng từ đây ông không còn đàn ca trong các ban đờn ca nữa mà định cư ở Huế và chuyên giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác. Trong thập niên 40, ông sáng tác rất nhiều ca khúc như:
- Quảng đường mai,
- Lửa rừng đêm,
- Chiến đấu đến cùng,
- Gọi hồn quê,
- Nhịp sống ngày xanh,
- Thu khói lửa,
- Tiếng hát quân Nam,
- Sầu đông,
- Chiều thu…
Nhưng có lẽ đóng góp lớn nhất của ông là trên lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Ông viết nhiều sách về các bản đàn cho nhiều loại nhạc cụ như: Tự học đàn nguyệt, Bài đàn tranh, Bài đàn độc huyền, Bài đàn nhị huyền, Bài đàn tỳ bà, bài Ca Huế, Ca nhạc miền Trung, Dân ca Việt Nam…
Năm 1956, thành lập Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, ông là sáng lập viên ngành Quốc nhạc và phụ trách giám học. Thời gian ở Sài Gòn ông còn giảng dạy ở một số trường khác như Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh… Tại Sài Gòn, vào năm 1960, ông lại thành lập Tỳ Bà Viện (như Tỳ Bà Trang ở Huế). Năm 1970, ông về làm giám đốc Trường quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Huế và giảng dạy ở Đại học Văn khoa Huế. Ông mất tại Sàigòn ngày 14-7-1997.