có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Hai, tháng 10 01, 2018

Thimphu, thủ đô không đèn xanh đỏ ở Bhutan


Buổi luyện tập vũ điệu Cham tại Thimphu. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Thimphu là thành phố lớn nhất và cũng là thủ đô của Bhutan. Tuy là thủ đô, nhưng Thimphu không có “phi trường quốc tế” để đón tiếp du khách.

Có thể vì vùng thung lũng Thimphu không đủ rộng để các chuyến bay đến đây có thể lên xuống dễ dàng. Vì thế khi du khách đến Bhutan, tất cả các chuyến bay đều phải đáp xuống Paro Airport, cách xa thủ đô Thimphu hơn 50 cây số về phía Tây Nam.

Thủ đô Thimphu nhỏ bé bởi vì diện tích Bhutan chỉ vào khoảng 40,000 cây số vuông. Nhưng Bhutan càng ngày càng được thế giới biết đến qua những triết lý sống bình dị, có các nếp giá trị văn hóa riêng biệt, có phong thái kiến trúc Dzong đặc thù và những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ của dãy núi Himalayas.

Trước năm 1952, Thimphu hãy vẫn còn một làng mạc hơn là thành phố vì kinh đô của Bhutan trước đó là Punakha. Nhà vua thứ ba của vương triều Bhutan hiện tại đã quyết định thiên đô từ Punakha về Thimphu năm 1952. Tuy vậy phải đợi đến chín năm sau (1961) thủ đô Thimphu mới chính thức hoạt động và được liên tục xây dựng phát triển, để ngày nay “ngôi làng Thimphu mới” có được dáng vẻ một “thành phố thủ đô.”

Dân số Thimphu ngày nay cũng đã tăng lên hơn 110,000 dân. Số lượng xe cộ vào 2018 cũng tăng lên nhiều so với đầu thập niên 2010. Thủ đô Thimphu đã phát triển từ từ chứ không vội vã phát triển nhanh chóng ồn ào như những quốc gia chậm tiến khác.

Thành phố vẫn chưa có một ngọn đèn xanh đèn đỏ nào để kiểm soát sự giao thông xe cộ trên các trục giao thông chính (cho đến 2018), ngoại trừ một trạm cảnh sát duy nhất nằm ngay trung tâm thành phố. Ở đây các nhân viên cảnh sát đã liên tục thay phiên nhau hướng dẫn các dòng xe đến từ bốn phía vào những lúc trước sau giờ làm việc.

Chung quanh khu trung tâm, các tòa building mới của tư nhân lẫn chính quyền vẫn đang được phát triển xây cất. Nhưng tất cả các kiến trúc xây dựng đều chịu sự kiểm soát của thành phố, vì thế nơi đây không có các tòa nhà cao tầng, không có các kiến trúc hiện đại xen lẫn vào kiến trúc đặc thù Bhutan.

Khu phố chính của Thimphu không lớn lắm, một cổng chào theo kiến trúc Bhutan đón bạn từ điểm đầu của con phố. Con đường phố thị này cũng không quá dài, chỉ chừng khoảng hai cây số. Chính giữa là một quảng trường nho nhỏ “Clock Tower Square” nằm ngay giữa con đường, được xem như trung tâm thành phố. Đây cũng là một điểm hẹn hò dễ dàng nhất cho du khách khi mới đặt chân đến Thimphu.

Một tháp đồng hồ bốn mặt được dựng ngay giữa “square,” gần đó là hai dãy “vòng quay cầu nguyện” (wheels of life) của Phật Giáo Bhutan vừa là một kiến trúc Bhutan làm đẹp cho quảng trường, vừa là “vòng cầu nguyện” cho các tín đồ Phật Giáo lạc bước đến đây.
Đường vào thủ đô Thimphu. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Xa hơn một chút là các coffee shop, quán hàng và các cửa hàng souvernir gift dành cho du khách. Nếu tóc bạn đã dài, bạn có thể tìm đến một tiệm hớt tóc nằm đâu đó trong góc phố vì cắt tóc ở Thimphu giá rất rẻ, chỉ có $1 cho đàn ông. Nhưng không vì giá rẻ mà bộ tóc của bạn trông như “bò liếm” sau khi cắt!

Người thợ cắt tóc ở đây quả là rất khéo tay chuyên nghiệp. Bạn muốn cắt tóc bằng kéo hay bằng bằng tông đơ tùy theo ý bạn. Nhưng chỉ cần hơn năm phút họ cắt xong cho bạn một bộ tóc dễ nhìn và đẹp. Tiệm thì quá nhỏ nên thường không có dịch vụ gội đầu. Ngay cả sau khi bạn nhuộm tóc (chỉ có $4), bạn cũng đành phải để nguyên bộ tóc nhuộm về đến khách sạn mới gội đầu được.

Những buổi chiều cuối ngày ở Thimphu, người dân thường hay họp nhóm chợ chiều vội vã ở ngay các góc đường hay trước các cửa hàng trên con phố chính. Người ta chắc hẳn vừa mới hái gặt các loại cây trái rau khoai ở vườn nhà và đem ra đây họp cảnh chợ chiều. Chợ chiều Thimphu không có nghĩa là cảnh tan chợ vào buổi chiều mà nó lại là cảnh họp chợ buổi chiều bán ra những nông sản dành cho bữa ăn tối!

Thimphu có lẽ vẫn chưa muốn ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ len lỏi vào thành phố, hiếm hoi lắm du khách có thể bắt gặp một tiệm cà phê “Illy” hay Swiss Bakery nằm hơi xa khuất. Tuy nhiên không ít du khách đều tụ tập về đây để thưởng thức bánh cheese cake và một ly cà phê sau buổi dạo phố. Có lẽ đây là một không gian Âu Mỹ mà du khách có thể tìm được ở Thimphu.

Dạo quanh thủ đô, nếu bạn tìm kiếm một chút ảnh hưởng văn hóa Tây phương ở Thimphu thì có lẽ khó khăn, nhưng nếu bạn muốn tìm hiểu về văn hóa-tôn giáo-phong tục của Bhutan thì Thimphu được xem như là thành phố thể hiện đầy đủ được các điều bạn muốn biết. Nhưng trước hết, có vài hình ảnh mà bạn lúc nào cũng gặp dù bạn đi bất cứ hang cùng ngõ hẻm trong xứ sở Bhutan.

Đó là hình ảnh nhà vua “điển trai” Jigme Khesar Namgyel Wangchuk và hoàng hậu trẻ đẹp Jetsun Pema. Ông là vị vua thứ năm trong triều đại Wangchuck, mới được vua cha đời thứ tư truyền ngôi vào năm 2008 lúc ông 28 tuổi.

Vua cha tên là Jigme Singye Wangchuck, lên ngôi năm 1972 lúc chỉ mới 16 tuổi, nhưng ông là người có nhiều tư tưởng cải cách dân chủ cho đất nước Bhutan. Tìm được một người như ông ở thế kỷ 21 này quả thực không dễ chút nào (có lẽ ông sánh ngang tầm với cựu Tổng Thống Thensen bên Miến Điện).

Thủ đô Thimphu, Bhutan nhìn từ trên đồi tượng Phật Buddha Dordenma. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Ông tiếp tục con đường cải cách của vị vua Bhutan III không may mất sớm, từ bỏ triều đại Quân Chủ và thay thế quyền hành của vua bằng quyền hành Quốc Hội (Quân Chủ Lập Hiến) cho người dân Bhutan. Ngày nay, người dân đã tự mình bầu ra người đại diện cho mình vào Quốc Hội.

Sau đó ông thoái vị và trao ngôi vua Bhutan lại cho thái tử. Ông cũng là người đề xướng ra phương hướng Gross National Hapiness (GNH – Tổng Sản Lượng Hạnh Phúc Quốc Dân) song song với Gross National Production (GNP).

Chính phủ Bhutan chú ý đến GNP nhưng rất chọn lọc để giữ thăng bằng giữa sự phát triển kinh tế cho đất nước và bảo tồn văn hóa truyền thống của Bhutan. Mặc dù ông đã thoái vị nhưng hình ảnh của ông vẫn còn được treo rất nhiều nơi, người dân Bhutan vẫn dành cho ông một sự tôn kính đặc biệt.

Nếu bạn có dịp đứng trên bất cứ một ngọn đồi cao nào nhìn xuống Thimphu Valley, bạn sẽ thưởng ngoạn được hình ảnh rất đẹp của thung lũng Thimphu.

Hình ảnh của Tashichoe Dzong (còn gọi là Thimphu Dzong), Bhutan’s Parliament, Royal Palace, Thimphu Museum, con sông Wangchuu và kiến trúc màu sắc nhà cửa trong thành phố tạo ra một hình ảnh hết sức đẹp dưới khu vực bình nguyên thung lũng. Thành phố không nhà cao vút, không có những con đại lộ đầy xe, du khách không nhìn thấy chút môi trường không khí ô nhiễm giữa thủ đô Thimphu, không “ô nhiễm âm thanh” tiếng còi xe inh ỏi, không tiếng huyên náo ầm ĩ như những thành phố “tào lao” bên kia dãy núi Himalayas.

Tashichoedzong (Thimphu Dzong) được xây dựng từ thế kỷ 16 bên cạnh dòng sông Wang Chuu, đây cũng là nơi chính quyền Bhutan khởi đầu làm việc sau khi thiên đô về Thimphu từ 1952. Dzong là một kiến trúc đặc biệt của Bhutan, vừa là thành lũy, vừa là nơi hành chính, vừa là nơi cử hành nghi lễ tôn giáo.

Một điểm văn hóa quan trọng của Bhutan thường được cử hành và vui chơi trong các Dzong là lễ hội Tshechu Festival. Các điệu vũ Cham Dances thường được các vũ công trong trang phục “gho” (trang phục truyền thống của nam giới) và “kira” (trang phục truyền thống của nữ giới) tập luyện công phu và trình diễn vào khoảng Tháng Chín, Tháng Mười hằng năm với sự tham dự của nhà vua.

Tôi may mắn được chứng kiến một buổi luyện tập Cham Dances ngay trong sân đình Tashichoedzong. Tuy chỉ là buổi luyện tập nhưng lối vũ mạnh mẽ nhưng không kém phần uyển chuyển của phái nam hòa hợp với sự dịu dàng lả lơi của phái nữ đã khiến người xem cảm nhận hết sức thích thú, giai điệu âm nhạc trong vũ điệu cho người thưởng ngoạn cảm giác dễ chịu lôi cuốn vào trong buổi lễ. Chỉ tiếc một điều, trong buổi tập luyện, tất cả các vũ công đã không đeo ”mặt nạ” nên người thưởng thức đã không thể nào cảm nhận được hết điểm văn hóa tâm linh độc đáo này của Bhutan.

Vào những ngày lễ hội hay cuối tuần, đàn ông thanh niên Bhutan thường hay tụ họp vui chơi thể thao với nhau. Bắn cung và phóng phi tiêu là hai môn thể thao mà du khách thường hay bắt gặp ở các công viên, sân trường. Đứng xem họ thi nhau bắn cung hay phóng phi tiêu, bạn lại có dịp học thêm được một điểm văn hóa khác của họ.

Bắn cung là một môn thể thao thông dụng cho thanh niên Bhutan. 
(Hình: ATNT Tours & Travel)

Cây cung của người Bhutan khác hẳn cây cung của người Nhật và cũng không giống cây cung mà người Trung Hoa sử dụng xưa kia. Cây cung người Bhutan dùng chỉ dài chừng 1.5 mét, được thiết kế khá gọn ghẽ và bắn đi rất xa.

Thi bắn cung hay phóng phi tiêu được chia ra làm hai nhóm, mỗi nhóm chừng sáu người. Đích của cuộc thi bắng cung được đặt cách xa người bắn 145 mét (còn đích của thi phóng phi tiêu đặt cách xa người phóng vào khoảng 40 mét). Người nào bắn/ phóng trúng đích thì cả hai bên tụ lại cùng hát và đá nhịp như là để mừng người “thiện nghệ.” Trò chơi thể thao này sẽ hứng thú rất nhiều nếu có thêm các cổ động viên nữ, người bắn trúng được buộc thêm các dải vải vào dây lưng và dĩ nhiên là “chàng”sẽ được các “nàng” để ý đến nhiều hơn.

Ngoài ra, Thimphu còn có các điểm du lịch nổi tiếng như National Memorial Choeten, tượng Phật đồng ngồi Shakyamuni Buddha Dordenma, và National Animal of Bhutan là những điểm xứng đáng thưởng ngoạn.

National Memorial Choeten hay còn được biết qua tên Thimphu Choeten, là một bảo tháp do Queen Phuntsho Choden Wangchuck cho xây năm 1974 để làm nơi tưởng nhớ người con của bà và cũng là vị vua thứ ba của triều đại Wangchuck.

Ông là vị vua đã quyết định thiên đô từ Punakha về Thimphu, có tư tưởng Quân Chủ Lập Hiến thay thế cho chế độ Quân Chủ. Ông mất sớm, vừa mới 45 tuổi nên nhiều người dân tiếc thương ông. Nhưng người con nối ngôi ông tuy trẻ, lên ngôi chỉ mới 16 tuổi nhưng cũng là một nhân tài, vượt qua cả ông. Kiến trúc bảo tháp Thimphu Choeten dành cho vị vua thứ ba được xem là một biểu tượng tôn giáo tại Bhutan.

Đứng từ Thimphu Dzong, du khách hướng tầm mắt nhìn lên trên các sườn đồi. Tầm mắt bạn sẽ chạm ngay một tượng Phật màu vàng nâu ngồi lặng lẽ trên đồi cao uy nghi, ánh mắt Phật hướng về phía bên dưới thung lũng trần gian.

Đó chính là tượng Phật bằng đồng Shakyamuni Buddha Dordenma, tượng được đúc bằng đồng chen lẫn với vàng cao hơn 51 mét. Tượng sau khi hoàn tất đã trở thành tượng Phật-ngồi-bằng-đồng lớn nhất thế giới, vượt qua tượng Phật ngồi bên Hồng Kông.

Lên trên đồi ngắm tượng Phật mới nhận thấy tượng không nhỏ chút nào, tượng được thiết kế theo phong thái “Tiểu Thừa” nên hai vai tượng to và ngang, phần eo của tượng nhỏ và thon hẳn lại. Phần sân trước tượng Phật vẫn chưa hoàn thành nên vẫn chưa có thể hình dung ra hết không gian Buddha Dordenma như thế nào!

Nhưng đứng từ trên độ cao hơn 100 mét nhìn xuống không gian Thimphu Valley, quả là một không gian tuyệt đẹp. Nghe nói để xây dựng tượng Buddha Dordenma, người ta dự định tiêu tốn khoảng $100 triệu, một số tiền không hề nhỏ cho những người nghèo.

Những người giàu có bên các xứ gốc Trung Hoa đã quyên góp hơn $50 triệu cho chương trình. Bây giờ (2018) tượng Phật Buddha Dordenma đã gần như hoàn thành 95%. Không hiểu Phật Dordenma ra đời liệu có mang hạnh phúc cho người dân Bhutan? Hay tham vọng Hán hóa Á Châu của con người Hán vẫn nằm trong tâm-phật-Trung-Hoa được gửi sang “tượng Phật ngồi” để dòm ngó nhà hàng xóm.

Kinh nghiệm của Việt Nam, Lào, và Miến Điện có giúp cho Bhutan những bài học đáng giá! Nhưng có lẽ người dân Bhutan cũng đã nhìn thấy được tâm địa của chính quyền Trung Cộng nên họ cũng cảnh giác nhiều về điểm này. Bạn có biết du khách từ Trung Cộng đều vắng mặt ở Bhutan ngay ở thời điểm hiện tại (2018), du khách Trung Cộng “tàn phá” tất cả mọi nơi chốn họ đặt chân đến.

Thimphu chưa phải là thành phố đẹp nhất của Bhutan, nhưng Thimphu cho du khách một nét nhìn đẹp về văn hóa, tôn giáo, phong tục, lễ phép, dịu dàng của đất nước Bhutan. Thimphu cũng có các quán bar quán pub về đêm, và còn có nhiều điều chưa nói hết trong bài viết này!


Trần Nguyên Thắng