có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 9 04, 2018

Thanh Thúy, hiện tượng khó giải thích


Nữ danh ca Thanh Thúy. (Hình: thanhthuy.me)

Ngay từ thời đầu của nền Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, trước sự phát triển đồng đều tất cả mọi bộ môn văn học, nghệ thuật, chỉ trong một thời gian rất ngắn, khiến hôm nay nhìn lại, nhiều người còn ngạc nhiên. Người ta ghi nhận được sự thăng hoa từ lãnh vực thi ca qua tới hội họa, kịch nghệ, điện ảnh và, nhất là ở lãnh vực trình diễn âm nhạc.

Ở lãnh vực này, cuối thập niên 1950 đã mang đến cho giới thưởng ngoạn nhiều tiếng hát lẫy lừng, như những vì sao rực rỡ trong bầu trời tân nhạc. Đó là thời gian lên ngôi hay đăng quang của những tiếng hát nữ; như Thái Thanh, Bích Chiêu, Hà Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Lệ Thanh, Bạch Yến, Lệ Thu… Rồi tới lớp trẻ hơn một chút, người ta thấy có Thanh Lan, Giao Linh, Phương Hồng Quế, Khánh Ly…

Nhưng có dễ không có một sự xuất hiện nào, như sự có mặt của tiếng hát Thanh Thúy, một sớm, một chiều, đã được ghi nhận là một hiện tượng khó giải thích: Cô được nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Trúc Phương, Trịnh Công Sơn sáng tác những ca khúc nổi tiếng dành tặng, hay ngợi ca tiếng hát cũng như con người của cô. Điển hình là các ca khúc “Ướt Mi,” “Thương Một Người” của Trịnh Công Sơn; hoặc “Nửa Đêm Ngoài Phố,” “Phố Đêm”… của Trúc Phương.

Tài tử Nguyễn Long cũng đã thực hiện nguyên một cuốn phim về cô, tựa đề “Thúy Đã Đi Rồi,” khi người nữ danh ca không đáp ứng tình yêu cuồng nhiệt của ông. Nguyễn Long cũng là tác giả bài “Thôi” do Y Vân phổ nhạc.

Không chỉ có thế! Cùng lúc dư luận cũng ghi nhận sự ngợi ca của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, đại học Văn Khoa Sài Gòn, trước 1975, và thi sĩ Nguyên Sa (cũng từng là giáo sư đại học Văn Khoa) dành cho Thanh Thúy sau thời điểm 30 Tháng Tư, 1975, ở hải ngoại.

Rất nhiều người vẫn còn nhớ bốn câu thơ tuyệt tác của nhà thơ Hoàng Trúc Ly, viết tặng Thanh Thúy, ngay khi cô vừa trở thành người của quần chúng:

“Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô” (1)

Tất nhiên, nhiều người cũng không quên một bài viết khá dài của nhà văn Mai Thảo, đăng trên tuần báo Kịch Ảnh hồi Tháng Tư, 1962, mệnh danh Thanh Thúy là “Tiếng hát không giờ;” bên cạnh “Tiếng hát liêu trai” của Giáo Sư Nguyễn Văn Trung chọn đặt cho Thanh Thúy. Hay “Tiếng sầu ru khuya” của nhà văn Tuấn Huy cũng dành cho tiếng hát hiếm, quý ấy.

Ca sĩ Thanh Thúy khi còn trẻ. (Hình: thanhthuy.me)

Để giải thích hiện tượng đặc biệt về một ca sĩ, ở lãnh vực nghệ thuật, tại sao lại được giới trí thức, văn nghệ sĩ thuộc lãnh vực văn học như thế khen ngợi, có người nhấn mạnh tới sự kiện: Vì, gia đình gặp khó khăn tài chánh, để nuôi mẹ và các em, Thanh Thúy phải xin đi hát từ năm 16 tuổi…

Nhưng, đó không phải là trường hợp duy nhất; nếu người ta chưa quên, nữ danh ca Minh Hiếu từng bỏ Bình Long, lên Sài Gòn, khi mới 16 tuổi, với dự định đi học may vì hoàn cảnh gia đình cũng đang trong thời kỳ khó khăn. Bất đồ, cô được một người quen giới thiệu với nhạc sĩ Ngọc Chánh, khi đó là trưởng ban nhạc phòng trà Hồ Tắm Cộng Hòa, đường Lê Văn Duyệt, và được tác giả “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” nhận cho hát.


Nhạc sĩ Ngọc Chánh kể, khởi đầu, Minh Hiếu chỉ biết có hai ca khúc là “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh và, “Gợi Giấc Mơ Xưa” của Lê Hoàng Long. Vậy mà cũng rất mau chóng, Minh Hiếu trở thành danh ca. Cuối cùng, cô còn trở thành phu nhân của một ông tướng trong QLVNCH.

Ngoài ra, trong sinh hoạt trình diễn của 20 năm tân nhạc miền Nam, theo một số người trong giới, thì chúng ta cũng có khá nhiều nữ ca sĩ có chung một hoàn cảnh như Thanh Thúy hoặc Minh Hiếu…

Tuy nhiên, các sự thật đó, không hề dẫn tới những vinh dự tương tự như những vinh dự mà nữ danh ca Thanh Thúy đã nhận được.

Cũng có người nhấn mạnh tới yếu tố nữ ca sĩ Thanh Thúy đã có một nhân cách cũng hiếm, quý như tiếng hát của cô. Đó là sự kiện cô không bị mang tiếng hay vướng vào bất cứ một “scandal” lớn nhỏ nào, trong suốt thời gian đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn chói lọi của danh vọng. Mặc dù cô được rất nhiều nhân vật tên tuổi, quyền thế, giàu có say mê, theo đuổi hằng đêm…

Giải thích này theo tôi, cũng không có tính thuyết phục. Bởi vì tất cả những vòng nguyệt quế vinh quang, Thanh Thúy nhận được đều xảy ra ở thời gian Thanh Thúy mới khởi nghiệp. Mọi thứ chấm dứt sau khi Thanh Thúy lập gia đình với ông Ôn Văn Tài, khi ông này còn là một sĩ quan Không Quân cấp nhỏ.

Tôi trộm nghĩ sẽ rất khó cho ai có ý định giải mã một cách rốt ráo trường hợp ngoại lệ của tiếng hát này.


Với một người như Giáo Sư Nguyễn Văn Trung, khi viết về Thanh Thúy, ông cũng đã chọn một tựa đề với từ ẩn ý rất phiếm định là “Ảo ảnh Thanh Thúy/ Tiếng hát liêu trai” (2). Nó đã sớm cho thấy, không thể có được một giải thích dứt khoát về việc tại sao tiếng hát đó lại nhận được quá nhiều ngợi ca, trong khi những tiếng hát nữ khác cũng tài hoa, chẳng những không kém, mà có phần còn trội hơn Thanh Thúy nữa.

Giáo Sư Nguyễn Văn Trung viết: “…Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình. Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý tới khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm mà không đưa mắt nhìn vào khán giả.”

“Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên liếc qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim… Thái độ của Thanh Thúy là đi tới người khác không phải bằng cách cởi mở, đón tiếp, mời gọi với những cái nhìn, nụ cười cử chỉ mà bằng cách khép mình lại, thu mình vào bên trong không xét đến người khác đang nhìn mình. Thỉnh thoảng cô mỉm cười khi lời ý buồn cười, nhưng cũng như cười với mình thôi. Do đó, ra trình diễn mà lại như không muốn cho người xem thấy mình vì Thanh Thúy che giấu mặt đến quá nửa bằng mái tóc bỏ xõa… Hát xong một ca khúc, đi vào trong ngay, không đứng lại bên máy, bên dàn nhạc để hát tiếp ca khúc sau…” 


Du Tử Lê

-----------------------------------------

Chú thích:

(1) Có bản chép “Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.”
(2) Theo tư liệu và được sự cho phép của tuần báo “Thế Giới Nghệ Sĩ” số 43, đề ngày 4 Tháng Mười Hai, 2015, chủ đề “Nữ danh ca Thanh Thúy.”