Mùa Thu tại đảo Nami. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Du ngoạn hòn đảo nhỏ bé Nami phải chăng người ta muốn tận mắt nhìn sự hiện thực mà mọi người đã từng có một thời mộng mơ.
“Bản Tình Ca Mùa Đông/Winter Sonata” là tựa đề một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc, được trình chiếu trên hệ thống ti vi vào năm 2002.
Sau khi ra mắt khán giả, “Bản Tình Ca Mùa Đông” đã mau chóng chinh phục người xem và trở thành một hiện tượng phim bộ truyền hình của Nam Hàn được rất nhiều khán giả Á Châu yêu thích.
Những hình ảnh tình tứ thơ mộng và lãng mạn trong phim đã từng làm xôn xao biết bao nhiêu con tim phụ nữ, tạo sự dao động giữa hiện thực đời sống và sự lãng mạn trong phim ảnh.
Trước năm 2002 ít ai biết đến hòn đảo Nami Island nhỏ bé tí ti nằm giữa con sông Bắc Hán chảy qua làng Xuân Xuyên (Chuncheon) mặc dù hòn đảo này chỉ cách Seoul khoảng hơn một giờ xe về phía Bắc.
Năm 1996, một nhà đầu tư Nam Hàn đã biến hòn đảo này thành một nơi giải trí du ngoạn cho giới yêu văn hóa nghệ thuật. Dần dần đảo được giới điện ảnh chú ý và tạo dựng thành phim trường cho các bộ phim Nam Hàn.
Sự thành công của “Bản Tình Ca Mùa Đông” đã khiến đảo Nami trở thành khu du lịch nổi tiếng, thu hút phần lớn du khách Á Châu đến thưởng ngoạn nét đẹp và phong cảnh lãng mạn của đảo qua hình ảnh của bộ phim.
Tượng hai tài tử Bae Yong Joon và Choi Ji Woo
được dựng nhằm thu hút du khách. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Nguyên thủy, con sông Bắc Hán chỉ là một con sông cạn nhưng năm 1944 người ta cho xây con đập Thanh Bình (Cheongpyeong) làm thủy điện khiến nước sông Bắc Hán dâng cao lên, tạo thành con sông mới chảy ôm quanh lấy một vùng đất cao, biến nơi đây thành một hòn đảo hình bán nguyệt.
Người ta lấy tên Nami, tên một vị tướng nổi tiếng trong lịch sử Triều Tiên đặt tên cho đảo. Nhìn trên bản đồ người ta mới biết hòn đảo “Nami” thơ mộng ngày nay nằm khá gần với biên giới Bắc Hàn.
Đảo chỉ dài khoảng 4 cây số nhưng những hàng cây Bạch Dương, những thảm cỏ xanh và các hàng cây Phong (mới được trồng thêm sau này) đã tạo cho đảo Nami một phong cảnh hết sức lãng mạn nên thơ. Những nhà đạo diễn làm phim đã nhìn thấy sức hấp dẫn của hòn đảo này nên đã không ngần ngại biến nơi đây thành phim trường thiên nhiên cho bộ phim “Bản Tình Ca Mùa Đông.”
Tôi đã đến đây vào mùa Thu và mùa Xuân, nên có dịp thưởng ngoạn phong cảnh của cả hai mùa trên đảo. Tuy nhiên “Bản Tình Ca Mùa Đông” lại nói lên được nét đẹp mùa Đông của đảo Nami bằng hình ảnh những hàng cây bạch dương dưới cơn tuyết mùa Đông phủ khắp trên đảo.
Riêng tôi, có lẽ tôi thích phong cảnh mùa Thu của Nami Island nhất so với các mùa khác. Cái đẹp của mùa Thu rất lạ, nó cho người thưởng ngoạn cảm nhận được nét rực rỡ và tươi sáng nhất trong bốn mùa.
Mùa Thu chỉ cần một chút sương buổi sáng và một vài tia nắng mặt trời soi nhẹ trên cành cây là đủ sức hớp hồn lữ khách. Hình ảnh này cho tôi cảm nhận được rõ nét rực rỡ mùa Thu nhẹ nhàng thấm sâu vào trong tâm hồn mình.
Mùa Thu New England ở miền Đông Bắc Mỹ hay mùa Thu cao nguyên ở Nikko, Gunma Fukiwari, Karuizawa, Shinagawago của Nhật Bản luôn luôn làm tôi ngây ngất sững sờ mỗi lần thưởng ngoạn không gian mùa Thu ở các nơi đây.
Du khách và “Bản Tình Ca Mùa Đông.”
(Hình: ATNT Tours & Travel)
Mùa Thu đẹp và đẹp vô cùng! Nhưng hình như trong cái đẹp mùa Thu, tự nó cũng luôn luôn chất chứa một nỗi buồn nhẹ nhàng man mác. Phải chăng “nỗi buồn mùa Thu” luôn thấm dần vào thời gian đời sống!
Ngay đến Saigyo (Tây Hành), một thiền sư nổi tiếng Nhật Bản thế kỷ 12, cũng lạ lùng về “nỗi buồn mùa Thu,” mỗi khi ông chứng kiến cảnh thu về:
“Vô tâm lòng đã nguyện
Mà sao ta chợt buồn
Thu sao mà đẹp thế
Từ ao đầm chim dẻ
Bay lướt vào hoàng hôn”
(Nhật Chiêu, “3000 Thế Giới Thơm”)
Không gian mùa Thu của “Bản Tình Ca Mùa Đông” phải nói là tuyệt đẹp, thêm vào đó là “gia vị” của câu chuyện tình yêu mộng mơ của tuổi đôi mươi qua các đoạn phim làm cho người thưởng ngoạn cảm thấy một thoáng ngậm ngùi, nhớ lại khoảng thời gian của thời mới lớn xa xưa của mình.
Không gian và âm thanh là hai yếu tố luôn luôn đưa con người trở về lại với những kỷ niệm quá khứ đời sống. Tôi yêu thích bản nhạc “Rồi Như Đá Ngây Ngô” của người nhạc sĩ họ Trịnh. Chỉ vì yêu thích những lời của bản nhạc gợi nhớ cho tôi trở về quá khứ “Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ. Đôi khi bước chân về đâu đó của em!” Lời nhạc đưa người nghe “về miền quá khứ” thật êm đềm.
Mùa Thu đảo Nami cho tôi nhớ đến thiền sư Saigyo, nhớ mùa Thu của thiền sư Lương Khoan, nhớ “Thu Vàng” Cung Tiến, nhớ “Thu Hát Cho Người” của Vũ Đức Sao Biển, nhớ “Nhìn Những Mùa Thu Đi” của Trịnh Công Sơn, nhớ “Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu” của Nam Lộc, nhớ cả đến “Con Nai Vàng Ngơ Ngác” của Lưu Trọng Lư, và dĩ nhiên còn rất nhiều không gian mùa Thu để nhớ.
Hai hàng cây bạch duơng, không gian thơ mộng
của “Bản Tình Ca Mùa Đông.” (Hình: ATNT Tours & Travel)
Tuy nhiên, đời sống lúc nào cũng có đôi phần ngoại lệ. Tôi không có dịp xem kỹ bộ phim “Winter Sonata” vì bản tính tuy thích âm nhạc, nhưng không thích xem những phim tình cảm ướt át, vì cho rằng những bộ phim này luôn cố ý tạo ra các tình tiết éo le vào các câu chuyện tình bi thảm.
Phim “Bản Tình Ca Mùa Đông” có lẽ thành công nhờ vào hai yếu tố diễn viên và phong cảnh mùa Đông đẹp của đảo Nami. Diễn viên rất điển trai của Nam Hàn Bae Yong Joon và nét xinh xắn của nữ diễn viên Choi Ji Woo, cộng vào đó là phong cảnh hữu tình của đảo Nami đã đưa bộ phim này lên đài danh vọng.
Nhờ bộ phim này mà Bae Yong Joon đã làm biết bao nhiêu con tim thiếu nữ Á Châu thổn thức vì anh! Diễn viên này giờ đã trở thành một người danh vọng giàu có trong xã hội Nam Hàn.
Phong cảnh đẹp nhất của Nami Island vào hai mùa Thu Đông có lẽ là nơi hai hàng cây bạch dương cao vút xen lẫn với các hàng cây xanh chạy dài ra đến tận bờ sông Bắc Hán. Hình ảnh này đã tạo ra một không gian hết sức thơ mộng, thi vị và lãng mạn cho hòn đảo nhỏ bé này.
Trong lúc dạo bộ xem cảnh, nếu bạn có dịp chứng kiến cảnh phái nữ Á Châu, từ thiếu nữ đến trung niên, đứng xếp hàng tranh nhau để được chụp hình với tấm poster “Winter Sonata,” thì người xem mới nhận thấy được sức mạnh của thần tượng Bae Yong Joon.
Họ không phải chỉ bình thường chụp hình lưu niệm, các bà các cô còn tìm đủ mọi thế đứng, thế ngồi, thế quỳ hay bằng mọi cách… để làn môi các bà các cô “dường như” chạm được vào vành môi của thần tượng Bae Yong Joon trong tấm poster.
Ngược lại, tôi không thấy vị phái nam nào làm một vòng tay tưởng tượng ôm lấy Choi Ji Woon trong poster để chụp hình kỷ niệm. Hòn đảo Nami tuy nhỏ bé, nhưng lại cho người ta khá nhiều cơ hội để nghe tận tai, chứng kiến tận mắt những buồn vui về sự cuồng nhiệt của khán giả dành cho ngôi sao thần tượng của họ
Bản đồ đảo Naminara. (Hình: ATNT Tours & Travel)
Trở lại với đảo Nami, sự thành công của “Bản Tình Ca Mùa Đông” đã khiến chủ nhân của hòn đảo suy tính xa hơn đến sự phát triển của đảo trong tương lai. Mấy năm trở lại đây, hàng quán và các cửa hàng buôn bán trở nên sầm uất, cũng làm mất đi phần nào phong cảnh nên thơ trên đảo.
Năm 2006, người ta tự đặt cho đảo một tên mới “Cộng Hòa Naminara” có nghĩa là “Cộng Hòa Quốc Gia Nami” nhằm tạo thêm sự chú ý của du khách. Muốn du ngoạn “Cộng Hòa Naminara,” trước hết du khách phải lái xe hoặc dùng xe buýt đến khu làng Xuân Xuyên. Từ đây, phải đổi sang chuyến phà (Ferry) để nhập cảnh vào “đất nước Naminara.”
Chuyến phà sang sông Bắc Hán chỉ mất độ hơn năm phút. Phà chưa cặp bến, khách đã thấy một “nàng tiên cá Nami” bằng đồng đứng dưới sông như đang ngóng chờ đón ai, nàng tiên cá này khuôn mặt và vóc dáng thua xa “nàng tiên cá Copenhagen” bên Denmark. Chỉ có điều nàng nghèo quá chẳng có được mảnh vải che thân nên để lộ ra hết những đường cong cấm kỵ trong xã hội con người. Nhưng cũng may, hình ảnh màu sắc vàng đỏ rực rỡ mùa Thu của các hàng cây ven sông đã làm lu mờ đi hình ảnh nàng tiên cá Nami không mấy mặn mòi này.
Phà chưa cặp bến, du khách đã ngây người với cảnh sắc “Thu quyến rũ” của Nami. Những giây phút này mới thật thấm thía ý nghĩa câu hát “mùa Thu quyến rũ anh rồi!” của Đoàn Chuẩn Từ Linh.
Càng đi sâu vào trong đảo, Nami càng thu hút hấp dẫn bạn qua các hàng cây phong vàng đỏ mùa Thu. Hai hàng cây Bạch Dương cao vút vẫn tạo ra một không gian đẹp nhất của đảo. Đây cũng là điểm, nơi hai kẻ yêu nhau trong “Bản Tình Ca Mùa Đông” từng hẹn hò nô đùa cho một thời để yêu của họ.
Tôi chợt nhớ đến một vài câu thơ trong bài thơ tình của Tế Hanh:
“Lá phong đỏ như mối tình đượm lửa
Hoa cúc vàng như nỗi nhớ dây dưa
Làn nước qua, ánh mắt ai đưa
Cơn gió đến bàn tay ai vẫy
Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy.”
Cùng bước dưới hai hàng cây Bạch Dương của “Bản Tình Ca Mùa Đông,” sao bạn không đóng thử vai của Bae Yong Joon và nói với nàng-của-bạn rằng “Chúng mình đã yêu nhau từ độ ấy”. Không biết bao nhiêu người còn nhớ được “độ ấy” là “từ độ nào” họ đã yêu nhau!
Trần Nguyên Thắng