Khi
cây bạch dương sau nhà trở mình thì lá mùa thu cũng đã chuyển sang màu vàng
nguyên chất. Nắng ngọt dịu của tháng mười một ấm như nắng hanh vàng ngày nào nướng
chín trái bí ngô, quả cam, trái chuối.
Trong
những khu vườn Việt Miên Lào ở Oregon, mùa thu ánh lên màu vàng từ trái hồng
ngâm và màu cám gạo lứt của trái lê. Hai thứ trái cây trân quý này hương vị ngọt
thanh nhưng về hình thức, trái hồng đội một cái nón trên đầu trông như cái chụp
đèn nên không đẹp.Thứ quả này lại chín vào cuối thu nên không đủ nắng để ngọt.
Tháng
bảy ngày rầm xá tội vong nhân.
Tháng
tám chơi đèn kéo quân,
Trở
về tháng chín chung chân buôn hồng.
Câu ca dao cho thấy hồng là một thứ
quả đắt giá, các con buôn phải góp tiền hùn vốn với nhau mới bán mua nổi cái thứ
trái cây này.
Trong truyện Tàu, hồng là một thứ
trái cây của lính: đoàn quân viễn chinh Trung Hoa ngày xưa , buổi mai thức dậy
từ bốn giờ sáng tập luyện môn võ công Tài chi đã điểm tâm một trái hồng và một
chén cháo kê.
Tôi, tên Lê Thị Hảo, ngày xưa dạy
quốc văn trường Hàm Nghi Huế, hiện đang đứng nói chuyện với bà láng giềng bên
hông.
Bà bạn tóc vàng của tôi nhún vai:
“Trái Asian pear với trái persimmon không chua mà cũng không ngọt để chúng ta
làm jam, làm jello và jelly.”
Tôi kể ra: “Người Mỹ chỉ thích cắn
trái apple thôi. Mỗi năm, một người Mỹ trung bình ăn 60 pound nho tươi. Người Mỹ
nhai nho trông thật điệu và khi từ trên lầu cao bước xuống nhà dưới trong thật
lẹ và nhanh như lướt.
Bà hàng xóm lắc cái đầu vàng cười:
“Trái cây thì phải ngọt, chỉ có trái dưa mới nhạt. Nghĩ cũng lạ, cây xứ nóng
đem sang trồng ở đây thì hớn hở ra trái như điên; trong khi đó cây honey dew và
cây cantaloup của chúng tôi ngày xưa đem sang trồng ở Việt Nam thì èo uột chết
nghẻo.”
Nàng hàng xóm này là chủ nhân một
cái máy cắt cỏ kêu la to nhất xóm suốt mùa hè vừa qua, tươi cười tiếp: “Tôi
cũng không ưa thứ trái cây có sạn trong ruột như trái Asian pear. Hảo! hãy nhìn
cây Asian pear và cây persimmon của Ruan trái ra chi chít, coi chừng gẫy cành
đa! Phải hái bớt vứt đi thì trái mới to.
Hảo tức là tôi tỏ ra thân mật: “Người
Nam chúng tôi trồng cây trái và rau quả là cốt để cho người và chim muông cùng
thưởng thức, chia xẻ tình bằng hữu để hiểu nhau và thân nhau hơn. Chúng ta là
hàng xóm, lũ chim trên cây bạn hiền tinh nghịch.”
Hảo giảng thêm rằng có hai loại
chim: chim ăn chay và chim ngã mặn. Khác với loài người, bầy chim ăn chay green
finch, blue jay, ani... không phải là những con di điểu đã từng bay sang Nhật
tu học Thiền, tránh xa nghiệp chướng karma và charm, mà đích danh là những đặc
công phá hoại ngày đêm mổ rỉa trái chín. Trong khi đó thì lũ chim ăn mặn tức là
những con tropon, magpie, plover... thì lại ngoan hiền như những tín đồ Phật tử
ngày đêm mổ sâu moi đất diệt trùng thân ái giúp các nhà nghệ sĩ làm vườn phát
triển tài hoa trồng tỉa.
Nhìn những cây lê cây hồng của người
Việt Nam sai quả nặng trịch, Hảo nhớ lại hồi xưa lúc còn cuộc chiến, Tổng thống
Eisenhower phái đại tá Edward Landsdale, người hùng của đệ nhị thế chiến, sang
Nam làm cố vấn quân sự tại dinh Độc Lập, Tổng thống Mỹ tặng dân Việt Nam Cộng
Hòa một quả dưa honey-dew và một quả dưa cantaloup, bộ canh nông cho đem trồng ở
Đà Lạt. Mười tháng sau, dân Đà Lạt được thưởng thức một trái dưa cantaloup to bằng
cái trứng gà và một quả dưa honey dew ăn nhạt thách như dưa leo Anh Cát Lợi.
Nhìn những cây lê cây hồng đậu đầy
trái, Hảo lại nghĩ rằng người mình có cõi lòng nồng nàn và tâm tình ấm ngọt.
Khi mùa trái cây đến, họ hái làm quà cho nhau. Đây là điểm tựa của câu tục ngữ
“có đi có lại mới toại lòng nhau.” Ngày còn chiến tranh đỏ rực, Nga Sô đã viện
trợ cho Cộng Sản Bắc Việt đầy đủ hỏa tiễn địa không để bắn rớt tàu bay Mỹ và để
bắt sống phi công Hoa Kỳ.
Khôn lanh hơn dân tộc nào hết trên
quả đất điêu đứng này, và cũng thông minh hơn bất cứ dân tộc nào hết trên quả đất
bầm dập này, là Cộng Sản Bắc Việt. Sau khi ký thỏa hiệp trao đổi tù binh với
Hoa Thịnh Đốn, ai cấm họ chỉ trao trả cho Mỹ một nửa số phi công rớt tàu bay mà
thôi, số còn lại cứ việc đem cống hiến Nga Sô để tạ cái ơn đã cho họ hỏa tiễn
Sam. Đó là tài xử thế, phép giao thiệp ở đời. Người Nga dại gì mà không dùng những
tù binh này để dạy sinh viên không quân Nga lái tàu bay tại những nơi nào đó
trên lãnh thổ Nga như là “Đại học máu” hoặc “The charm school.”
Vì thế cho nên Hảo đã trồng một cây
hồng ngâm trước ngõ để lỡ ai cho Hảo một trái lê thì Hảo lập tức biếu lại một
trái hồng. Cố nhân đã xác định rằng trồng hồng ngọt và lê lành là cốt để đem
cho nhau lấy thảo chứ ai lại nhai rau ráu một mình coi kỳ lắm.
Hảo chào bà bạn trở về vườn mình. Một
khu vườn cỏ mọc đủ nuôi một con bò. Một giống giặc cỏ khỏe mạnh tên là cỏ ống, không
thể cắt cụt bằng máy được mà phải nhổ cả gốc. Nhìn cỏ tươi non quá, Hảo nghĩ tới
những chuyện tình xanh. Quê nhà giờ đây chiến tranh đã chấm hết hơn ba mươi năm
nay rồi nên tất cả văn sĩ đều không viết được một chuyện tình nào thật xanh và
thật tươi như cỏ. Vậy thì đời sống đã khô héo rồi. Hảo bỗng sực nghĩ rằng cả
hơn tháng nay quên không tưới cây. Nhưng trước hết hãy lưu ý tới đám giặc cỏ ống
này đã. Từ xưa, đàn bà vẫn quan niệm trọng hoa khinh cỏ nên không hiểu được nỗi
lòng và xác thịt của cọng cỏ cũng đa tình như họ. Cỏ lắm khi cũng có tư cách và
tác phong của nhà nho chứ không phải bao giờ cỏ cũng lả lơi đùa cợt như cô gái
điếm duyên dáng dễ thương. Cỏ purslane, cỏ crabgrass, cỏ gà, cỏ cú, cỏ may...
tâm tư của mỗi bụi cỏ cũng là tâm tư của Hảo. Cỏ hổ ngươi... Sách thuốc Tàu dạy
rằng nơi chỗ nào nhiều phấn thông thơm vàng và bột bướm bướm theo gió bay khắp,
lọt vào miệng và cổ chúng ta hồi nào không hay, thì đích thị quanh quất đâu đó
thế nào cũng mọc sẵn một vạt hổ người, trinh nữ làm dáng gai góc giữ gìn hạnh
kiểm và luân lý!! Chúng ta cứ việc nhổ lên đem về nhà nấu uống. Hôm sau chúng
ta sẽ bớt ngứa cổ và nghẹt mũi.
Bốn giờ làm vườn trôi qua. Hảo bước
tới cạnh hàng rào bà láng giềng để nhổ tận gốc một hàng cây nhỏ mọc đâm chồi
qua khe hở vườn nhà người ta. Vài chùm bông dại màu tím sà xuống trên tóc bạc,
Hảo nghĩ tới hoa bắp và hoa bèo lòng thấy thương thương nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Cố gắng làm thêm một giờ nữa, Hảo
đói bụng tưởng có thể nuốt ực một nồi cơm điện và một con gà lôi nướng lá chanh
nên phải vào nhà lục tủ lạnh. Trong lúc chờ hâm nóng thức ăn, Hảo nặn cái bắp
thịt ở cánh tay và thấy nó cứ nhão ra mỗi ngày và chưa đụng vào đã rung rung
như jello Mỹ. Một chàng thanh niên Mễ chạy xe vô hẻm, âm nhạc từ máy car stereo
xẹt ra như tiếng rú.
Hảo vừa định ăn cơm thì điện thoại
reo: “Hello chị Hảo. Khỏe không? Lệ đây, chị còn nhớ Lệ không? Có phải mấy đứa
con của chị đều Mỹ hết phải không?”
Đây là một câu hỏi Hảo đã quen
nghe, nên trả lời không vấp váp: “Con gái đầu lòng của tôi lấy một con trai của
một cựu chiến binh Hoa Kỳ động viên sang Nam năm 1969, gia nhập tiểu đoàn A, đại
đội 7, sư đoàn bộ binh 402.”
“Con trai của chị cũng lấy Mỹ hết
phải không?” Làm như là một câu hỏi đầy tính cách bảo thủ.
“Đúng vậy. Thằng con Út của tôi lấy
con gái của một chuẩn úy không quân Mỹ, quân dịch năm 1971 khi Tống thống Nixon
bỏ bom và gài mìn quân cảng Hải Phòng.”
Bà Lệ, Lệ Đá ném thêm một cú nữa: “Chị
có bao nhiêu cháu nội cháu ngoại Mỹ?”
Hảo dễ dàng đỡ: “Chỉ vài đứa thôi,
nhưng tôi không nhớ rõ mắt chúng nó màu xanh, màu xám, hay màu nâu hạt dẻ.”
Hảo nhớ lại những ngày ở Sài Gòn đường
Trần Quốc Toản, trong hẻm cụt, một ông cảnh sát có hai cô con gái lấy Tây và một
cậu con trai lấy Tàu, cả xóm kêu ông là ông Quốc tế.
Lệ-đá thở dài: “Hồi anh còn sống, bạn
bè ai cũng thương anh. Anh không ngoại hóa.” Lê-đá lại thở dài nữa: “Bạn bè ai
cũng mến anh vì anh không tự bứng gốc, không thay quốc tịch, anh không từ chối
quê hương.”
Những lời nói ấy nghe buồn như những
dòng thơ mới do các thi sĩ hiện đang sống tại hải ngoại sáng tác. Lê cười lên mấy
tiếng lẻ rồi chào.
Điện thoại trở lại yên lặng cho đến
hai giờ sau mới reo lại: “Hảo, Hảo ngọt, có phải bồ đó không?”
Đúng là giọng nói của Trang bạn cũ
đang ở tiểu bang California nơi có nắng Sài Gòn đa tình. Trang luôn luôn kêu Hảo
là Hảo ngọt vì nghĩ rằng chất đường trong lời nói sẽ làm Hảo lên tinh thần.
Trang la lên thật thân mật “Cuối
tháng này tụi này về Việt Nam, vé máy bay đã mua rồi.”
“Mấy tháng trước ông bà đã về rồi,
nay lại về nữa?”
Trang cũng hỏi, “Bồ có muốn gửi gì
về cho gia đình không?”
Hảo ngồi gục cổ. Trong nhà tôi hiện
chỉ có một nửa bao gạo nàng Hương, một chai nước mắm, một chai xì dầu đậu nành,
mấy cân thịt trong tủ lạnh, và hai mươi đô la tiền mặt. Theo sở Welfare office
thì cái nhà đang ở và cái xe để đi đây đi đó không phải là đồ để gửi.
Trang nhảy qua chuyện khác: “Này bồ
ơi, con mẹ Liên bỏ thằng cha Sĩ rồi, để chạy theo một kép trẻ ở Alaska! Con mẹ
quăng hai đứa con vào tay ông chồng để chui vào giữa cặp đùi chàng tình nhân
đánh cá.”
Hảo chú ý nghe bạn nói tiếp: “Làm
sao chịu được cái lạnh ở vùng địa đầu Alaska nhỉ?
Hảo cứ yên lặng để nghe thêm: “Chắc
hơi ấm của thân thể khiến họ bất chấp hơi lạnh.”
Hảo nói: “Tha hồ ăn đồ biển. Ăn cá
ngon hơn ăn thịt.”
“Nguyên do tại cái ông chồng già của
con mẹ quá ngu quá tin vợ, đã chứa chấp chàng đánh cá đó trong nhà. Chàng đánh
cá là bạn học cũ của con mẹ.”
Hảo gật gù: “Khơi khơi để sỗng mất
mụ vợ. Đàn ông và đàn bà phải giữ đúng luật nam nữ thụ thụ bất thân. Bạn gì mà
bạn, nó leo lên người bà nó nhún nó nhồi hồi nào bà không hay.”
Trang ừ một tiếng dài: “Con mẹ đó
đá văng tưng ông chồng trí thức thì tui OK, nhưng con mẹ đó bỏ công ăn việc làm
để chụp một chàng đánh cá salmon ở Alaska tui nhức đầu. Con mẹ đang làm ỏ hãng
State Farm lương lãnh một năm trên 50 nghìn dollar.”
“Tình yêu đại thắng full-time job.
Tình yêu xanh tươi hơn tiền tiêu.”
“Hãng State Farm đóng cho con mẹ
hơn hai phần ba tiền bảo hiểm nhân thọ mỗi năm.” Trang lại xuống giọng trầm:
“Con mẹ không phải trả một xu bảo hiểm sức khỏe nào cả. Toàn gia đình con mẹ được
khám bệnh miễn phí, mua thuốc trụ sinh miễn phí, được mua bao ny lông ngừa thai
miễn phí, nhe răng há miệng cho nha sĩ trám răng miễn phí. Bồ Tát ơi! Bây giờ
mà còn có người bỏ tiền chạy theo tình.”
Rồi Trang kết luận: “Bồ Đề Đạt Ma
ơi! Như con đây, con chỉ biết tiền mà thôi.”
Sau một hồi tung hứng, chuyện dài
Việt kiều tạm ngưng, đôi bạn già gác máy. Chuyện dài Việt kiều hải ngoại đại
khái là tình dục, là sức hút của thân thể, tình và tiền , tình và thù, tình và
lửa.
Hảo quay lại. Từ tấm ảnh lớn thờ ở
phòng khách, chồng Hảo lặng lẽ ngó thẳng, với đôi mắt Hảo có thể diễn ra trăm lời
trách móc. Em vẫn còn chống Chống Cộng phải không em? Bao nhiêu thập niên đã
qua đi, anh nghĩ rằng bây giờ trong cái nhà này người chống Cộng phải là anh.
Tôi ngồi ngó vào đôi mắt chồng, nguời
chết nói tiếp em không phải là người nội trợ tốt, em lười biếng làm bếp , bỏ bê
vườn tược, không thích dọn dẹp nhà cửa, và trên tất cả những tội tình đó, em
còn phạm một lỗi nặng nữa là không biết dạy con. Dạy con cầm đũa ăn cơm. Em
không có tâm hồn của một ngưòi mẹ. Thiên chức tối cao của em là làm mẹ., người
dạy trẻ phải bền lòng kiên chí, cấm bỏ cuộc và phải tự tìm ra nguồn cảm hứng và
cái đẹp trong nghệ thuật của đạo đức. Nuông chiều con và sợ con là hèn. Khi kẻ
làm cha mẹ tỏ ra sợ con thì gia đạo là một ngõ bí. Hãy nhìn vào cộng đồng người
Việt để thấy luân lý còn tươi sáng lắm, anh thấy người đàn bà nào cũng thật dễ
thương! Nào bà Hương, nào bà Huệ, bà Cúc đang nấu cơm trong bếp... họ vo hạt gạo
không gảy, họ đổ nước vào vừa phải, và khi hạt gạo thơm chính hiệu con nai đen
vừa chín tới, hạt cơm không nhão nhẹt một cục ở đáy nồi. Lấy em, anh phải tự
tay nấu lấy nồi phở mà ăn vì em không thích mùi ngũ vị huơng và rau húng quế.
Người đàn bà này, em muốn gì? Thì giờ của người đàn bà là của nguời đàn ông. Đời
của người đàn bà là một diễm phúc được lệ thuộc vào đời đàn ông. Tự do của đàn
bà là cơm áo, là sự hiến dâng đồ ăn cho đàn ông.
Người đàn bà là một nghệ sĩ sáng
tác ra cái ngon, cái đẹp. Lý tưởng cuả đàn bà là phục vụ chồng. Nghĩa vụ của
người phụ nữ là cái bếp, cái vườn và cái nhà. Khi người đàn bà còn, là cái bếp
còn. Một lần nữa, em hãy trông gương các bà Huơng, bà Huệ, bà Lan... trong cộng
đồng người Việt, họ dạy con nói tiếng Viet , tiếng mẹ đẻ, họ mớm cho con trẻ
chút hạnh phúc trong tình yêu quê huơng. Em, em trái lại, em dùng con để học
Anh ngữ, để thực tập English, để trau dồi vocabulaire, để bắt chước cách phát
âm đúng giọng. Chính em là một nguời mẹ mất gốc, trước khi con chúng ta mất gốc.
Bánh cookie của người Mỹ ngon quá phải không em?
Hảo đứng phắt dậy, cầm cái mặt tiền
của tấm ảnh quay vào tường. Hãy xếp lại những lời anh nói. Một người nói, một
người cãi, đó là hai đương sự đã tự mình phá hạnh phúc của chính mình. Hạnh
phúc, hãy nghĩ rằng, là một sự im lặng. Chịu thua không phải là thua.
Buổi tối, Hảo ăn cơm trước mặt kính
TV, chương trình “Little Saigon” chiếu cảnh đám tang nhạc sĩ Trần Thiện Thanh tức
ca sĩ Nhật Trường, giọng ca tình cảm nhất một thời mù mịt lửa chiến tranh. Hiện
diện trong tang lễ, nhạc sĩ Nhật Ngân trong quân phục màu dầu olive đứng cạnh một
thằng bé đội khăn tang, mặt áo chế vải thô đưa tay ngang trán chào quốc kỳ Việt
Nam. Thằng bé chắc là cháu đích tôn thừa trọng của Trường. Sau lưng nó, thân
nhân của Nhật Trừơng, gồm phần đông là phụ nữ trẻ tuổi buồn bã hát một ca khúc
của Trần Thiện Thanh.
Tiếp theo, màn màn ảnh nhỏ quảng
cáo dịch vụ bán xe hơi của anh Duy Đặng và anh Phan Cường. Sau đó, màn ảnh nhỏ
chiếu cảnh Mục sư Nguyễn Xuân Bảo đem cơm về quê huơng cho đồng bào. Đúng ra, Mục
sư Bảo đã vác gạo về Việt Nam nhưng Hảo dùng chữ cơm vì gạo nấu chín sẽ thành
cơm.
Buổi tối ấy cùng với cây bạch dương
và cây liễu rũ sau nhà trở mình, Hảo trằn trọc không ngủ được vì cú điện thoại
của Lệ-đá. Sách báo ở đây vẫn đề cập đến những cái khó khăn trong công việc
giáo dục thiếu nhi. Thống kê cho thấy tỉ số trẻ con biết vâng lời cha mẹ khuyên
bảo chừng độ 18 phần trăm, 82 phần trăm kia là do tay chúng tự tạo lấy, do nhân
tính của tuổi trẻ trong môi trường học đường và xã hội. Một bài giáo khoa nhắc
tới tấm gương sáng do bà mẹ của nhà độc tài Staline nêu lên. Mẹ của người hùng
đỏ Staline là một người đàn bà mềm dịu nhưng cũng là phụ nữ cứng mạnh trong
tinh thần và ý chí đã uốn vặn khối kim khí quý Joseph Staline trở thành danh
nhân số một hoặc số hai của đệ nhị thế chiến. Ở Nga Sô và các nước Cộng Sản,
công việc dạy con chắc cũng khó khăn như đánh tư bản vậy. Ở Hoa Kỳ và các nước
tư bản, công việc dạy con có khó khăn như đánh Cộng Sản không?
Có những giấc ngủ cần đọc chuyện
tình nên có những chuyện tình dành cho giấc ngủ. Hảo lướt mắt qua một truyện ngắn
kể chuyện một phụ nữ quan niệm rằng nếu yêu ai , cô tha cho người ấy khỏi phải
cuới cô, cô chỉ đến ngủ với nguời ấy chừng vài chục đêm thôi rồi cô de. Hảo
nghĩ rằng cô ả Thị Mầu này chắc luời nấu ăn số dách và chắc rất thông minh. Thế
nào là một người đàn bà thông minh? Ai cũng biết rằng người thông minh là một
người giỏi toán và học bài mau thuộc. Theo kinh nghiệm, chữ “thông minh thường
đi kèm với chữ khôn. Người “khôn” và người “thông minh” là những kẻ đầu óc sáng
suốt, hiểu nhiều biết rộng, suy nghĩ nhanh và ứng đối mau lẹ. Sau đó ta có thể
nói thêm rằng người khôn có thể là người thâm và người thông minh đôi khi có thể
là người dại. Vậy thì cô ả thông minh đó chắc phải nắm trong tay một công việc
bảo đảm lắm!
Mỹ là một dân tộc mà Hảo chưa thấy
người đã nghe tiếng rên rỉ về nạn thất nghiệp leo thang. Việt Nam là một dân tộc
mà người Sài Gòn không công ăn việc làm tràn ra khỏi nhà đi đứng chật đường.
Mười mấy năm về trước ở Seattle, Hảo
như một cô hồn vất vưởng đi tìm việc vì nhà băng ở Seattle lâm nạn phá sản. Hảo
đứng hàng đầu trong danh sách nhân viên sẽ bị sa thải. Mười ngón tay đánh máy
dưới 25 chữ một phút, không biết thay bóng đèn cho cái computer mình phải xử dụng
hằng ngày và khi máy vi tính nhiễm trùng virus thì không biết lau chùi.
Một nam đồng nghiệp da màu nâu nhạt
đã dùng một củ khoai môn xứ Hawaii cắt tiện thành một cái ten-key bỏ túi để giờ
ăn trưa anh ta đặt nó lên đùi rồi miệng nhai khoai môn Hạ Uy Di tay mò mẫm sờ
vào cái máy vi tính đó để thực tập. Anh ta trở nên một nhân viên đánh máy và bấm
số đúng nhất phòng kế toán. Hảo đưa tiền nhờ anh ta làm cho mình một cái máy
đúng y như vậy nhưng thực tập đuợc hai tuần lễ thì mủ khoai môn ngứa tay gải
bóng lên. Người Việt Nam không thể bì với người Hạ Uy Di được: họ ăn khoai môn
từ lúc vừa mới đầy tháng. Bé thơ bú sữa khoai môn nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa
đậu nành và ăn khoai môn nghiền nát thành baby food. Người lớn tiêu thụ chừng
hai ký khoai môn mỗi ngày gồm cả lá và thân cây muối dưa hoặc xào tươi với hải
sản. Nguời già răng rụng thì húp xúp khoai môn nấu nhừ.
Khi lũ bạch quỷ tây phương đến các
quốc gia hải đảo Thái Bình Dương đặt thuộc điạ, người da trắng đã chở vô số
phân bón Hoa Kỳ đến Hạ Uy Di. Lần đầu tiên dân hải đảo thấy phân bón Mỹ, tối
tân, sạch sẽ, khô ráo, đựng trong bao cẩn thận như bao gạo! Củ khoai môn Hạ Uy
Di trở nên to như cái chày vồ giã gạo. Cùng một thời, du kích Cộng sản quốc tế
xâm nhập Hạ Uy Di, nhưng thất bại vì biển bao vây không có đường rút lui và ngư
dân thờ ơ. Cộng sản với nông dân khi sống như cá với nước và khi chết như cá ướp
muối.
Nhìn hai tay dính mủ khoai môn của
Hảo, anh bạn bảo: “Nếu để nhà băng đuổi thì mất toi tiền hưu non. Sở an sinh xã
hội đang cần một thư ký xếp hồ sơ.”
Hảo về nhà dục con gái: “Điện thoại
đến chỗ này xin việc cho mẹ.”
Nó phản đối: “Mẹ xin việc làm, tại
sao mẹ không gọi cho người ta mà lại sai con.”
“Tiếng Anh ú a ú ớ, mẹ gọi điện thoại
cho bao nhiêu chỗ nhưng không nơi nào cho mẹ đi phỏng vấn cả.” Hảo nói.
Hảo nói tiếp, “Con xưng tên con là
Hảo, con nói với họ con là mẹ nghe không!”
Chờ hai ngày, Hảo đuợc kêu đi phỏng
vấn, bà xếp nói ngay sau câu hỏi đầu tiên: “Trong điện thoại, “you” nói English
rất là ‘gheo’ nghe tốt lắm mà!”
Năm Hảo 48 tuổi, hôn nhân kết thúc,
người chồng rũ áo vô thường ra về bên kia bến khổ. Người Vietnam tính hay đi trễ,
như người Mễ hay ăn đậu, nhưng khi đã hẹn gặp tử thần, người Việt Nam luôn luôn
giữ đúng lời hứa, sớm một giờ không đi, trễ một giờ không ở. Năm ấy chồng Hảo
chưa tròn năm tư tuổi.
Năm đó, con gái đầu lòng của Hảo,
Thúy mới mười bảy tuổi, bắt buộc phải đi làm và xin được việc đứng bán chè ba
màu ở một tiệm ăn Việt Nam. Mấy cậu khách hàng kêu nó cô bán chè ơi! Nhiều lúc
bốn năm cậu cùng gọi chè một lúc, nó pha màu không kịp, các cậu xúm lại cự nự
nó, ông chủ phải chạy tới đứng giữa dang hai tay ra đẩy các cậu lui.
Năm tháng trôi qua, khi nhà băng phụ
ở Seattle chính thức phá sản, Hảo tự lưu đày xuống phố Portland làm việc với
nhà băng chính. Hảo thuê một chỗ ở dưới đó. Bốn đứa con chưa đem đi theo được
khi ngôi nhà rao bán cả năm không ai mua.
Đọc sách Cổ học tinh hoa, một bài
luân lý kể chuyện một chị lợn cái đẻ ra bốn con heo con ụt ịt, trong đó có hai
bé heo giống mẹ sắc đen tuyền, còn hai chú nhỏ kia thì loang lổ trắng đen. Ngụ
ý luân lý của bài cổ học này là giữa người và lợn cũng có điểm giống nhau về
tinh thần cũng như thân thể và ảnh huởng của cha mẹ gieo vào con cái lên đến 50
phần trăm.
Thời gian mẹ con xa cách kéo dài
hai năm chờ đợi bán ngôi nhà Lỗ Tấn. Bà bạn ở Seattle gọi đùa cái nhà của Hảo
là ngôi nhà Lỗ Tấn. Cái nhà này năm 1980 trị giá hai mươi lăm ngàn dollar.
Trong thòi gian chờ đợi, cứ cách hai tuần lễ Hảo lái xe từ Portland về Seattle
xào nấu một mớ thức ăn để tủ lạnh và kỳ cọ hai cái buồng tắm. Mỗi lần về nhà,
con lợn mẹ gầy còm này nhận xét chỉ có hai con heo con ở nhà coi tivi hoặc làm
bài tập, còn hai con heo ranh kia thì đang đi bụi đời đâu đó ngoài đường với
đám ngựa chứng.
Nhà bán xong, Hảo chỉ bắt đựơc ba thằng
con trai theo về Portland, con Thúy cương quyết ở lại để sà vào nhà cha mẹ thằng
bồ Mỹ của nó xin cắm dùi.
Hảo kêu: “Con làm như vậy không được,
người Việt Nam sẽ cười mẹ.”
Hảo nghe con của mình chọi lại: “Được
mẹ ạ, đây là overseas.”
Đây là hải ngoại. Đây là nơi tôi mất
quyền hành trước sức mạnh của con tôi? Đây là nơi tôi có một gia đình nhưng tôi
không trị nổi. Đây là nơi tôi bất lực như Hoàng đế Thiệu Trị, vì vua nhu nhược
nhất cuả triều Nguyễn, người đã buông tay không nắm lòng dân, không quật lại
quân Pháp... Không cách chi Hảo tìm ra được một nơi chỗ cho con gái ăn nhờ ở đậu.
Cái nhà là nhà của ai, công ai làm ra người ấy ở và bảo trì. Cái nhà của tôi là
phần thưởng tôi đã đoạt và riêng tôi thưởng thức một mình, làm vuờn và trồng
cây ăn trái, không cá nhân nào được xông vào cắm dùi. Kẻ cắm dùi là kẻ xâm nhập
trái phép, xâm phạm quyền tư hữu và quyền tự do. Chiến tranh cũng có thể là do
sự dành giựt một chỗ ở và là sự bảo vệ một chỗ ở như chiến tranh Việt Nam và
Triều Tiên.
Người Tàu bảo nuớc Mỹ là một nước đẹp,
một nước cười, môt nước đã dạy ta lòng thương yêu chó mèo. Một chân trời có khí
hậu nhân đạo, một thời tiết lạnh nhưng không phải cái lạnh ác đức như ở Nga sô,
nước Mỹ là một đất hứa mà dân bất mãn từ bao quốc gia khác, nhiều nhất là tầng
lớp nông nô bần cố ở Nga sô mơ ước đến xin tị nạn Cộng sản phản bội họ. Sau
cách mạng dân bần cố nông Nga vẫn bị giai cấp khác đè đầu.
Hảo bảo con: “Bố chết rồi, con nên
thương mẹ hơn, con về ở với mẹ.”
Nó im lặng như thể ngầm bảo mẹ
không thể cắt đứt được mối tình Việt- Mỹ nhỏ nhoi này.
Khi rứt lìa nó ra để lái xe về định
cư ở Portland, mẹ con ôm nhau, níu giữ nhau khó tách rời. Từ chiếc radio cầm
tay, có tiếng hát bài “lòng mẹ” mà tôi nghe như bài đạo ca “No coming, no
going” của sư cô Anabel Chân Đức Nghiêm. Đi không phải là biệt ly, lời bài hát
vỗ vào lồng ngực, dội vào xương sườn, xương vai, chảy vào động mạch, tĩnh mạch.
Mẹ muốn bắt giữ con, cầm tù đời con, ghì lấy con, trói cột con vào lòng. Mẹ bóp
nghẹt con rồi mẹ thả con ra thở tự do. “I hold you close to me, I release you
to be so free.” Mẹ túm lấy cổ con, cột chặt con lại rồi mẹ mở trói cho con tự
do. Mẹ nuốt ực con vào lòng rồi mẹ nhả con ra, con thiên nga của riêng lòng mẹ,
mẹ nghiền ép con, mẹ dát mỏng con ra rồi mẹ thả tay ra cho con bay. Con gái của
mẹ, mẹ cướp đoạt con rồi mẹ phóng thích con đây. “ I am in you and you are in
me.” Trong con có mẹ và trong mẹ có con. Bàn chân tôi có còn đứng trên mặt đất
không? Đầu tóc con tôi úp vào mặt tôi. Bó tóc huyền, sợi to như sợi chỉ thêu
bung ra che kín mắt mũi tôi và hình như hai mẹ con không còn nghe biết gì nữa hết
ngoài màu đen và tiếng thì thầm của suối tóc con gái cùng hương thơm hoa đồng cỏ
dại thuốc gội đầu con dùng hằng ngày. Con thơm như hoa lilac, con thơm như hoa
lily, con thơm như ổi xá lị.
Người đàn bà này, người đàn bà do
tôi đẻ ra, thế nào rồi cũng phải xa nhau, nhưng chúng ta không mất nhau vì
trong con có mẹ và trong mẹ có con, dù chúng ta có cách chia nhau qua muôn vạn
đường bay, đường biển, đường bộ, trong con vẫn có mẹ và trong mẹ vẫn có con!
Sau bao nhiêu ngày dài từ Seattle
Thúy điện thoại về. “Mẹ, mấy ngày đầu, ông via bà via của Jeffrey theo dõi con
như thám tử rình thủ phạm. Ngày thứ nhất, con không rửa bát, cái máy làm. Ngày
thứ hai, ông bà ấy bí mật coi ngó từng cử động con làm, họ to mắt ngạc nhiên thấy
con dọn dẹp đồ dơ trên bàn ăn vào bếp nhưng tại sao con không dụt mấy cái khăn
giấy lau miệng vào sọt rác mà lại cất vào một chỗ rất cẩn thận. Khi con rửa bát
xong, họ thấy con dùng mấy cái giấy tissue đó để lau bếp, lau floors... họ bèn
bỏ ra ngoài coi ti vi. Từ đó , họ thôi không rình rập và dòm ngó con nữa! Cuối
tuần, Jeffrey về thăm cha mẹ và ăn cơm nhà. Hắn và con đi chơi vui lắm.”
Đêm sau, Thúy lại gọi về. “Mẹ...
khi cất thịt gà trong tủ lạnh, mẹ nhớ gói thật kỹ trong túi nylon nghe! Mẹ dạy
con nấu cháo gà đi! Ông via bà via của Jeffrey thích ăn cháo gà lắm. Mẹ, đi đâu
về, mẹ nhớ khép dù lại truớc khi bước vào nhà nghe mẹ, và khi đi đâu, mẹ nhớ chỉ
mở dù ra khi đã bước ra khỏi nhà nghe mẹ! Phải kiêng nghe mẹ.”
Thời gian này, nhà băng ở Portland
rục rịch phá sản để sau đó nhập vào nhà băng Wells Fargo. Nhiều khi ngồi trước
máy computer không có việc gì mà làm. Ngồi đợi xếp ban ơn đưa việc đến tay cho
mà làm, đời buồn như giấy đi cầu.
Hảo là thư ký hạng hai chịu trách
nhiệm gửi lại thư cho khách hàng đổi địa chỉ không thông báo! Giờ ăn trưa, nhân
viên bị cấm không được ngồi lại trong phòng, Hảo lén lút dấu một xấp thư vào
túi áo ấm và đi ra ngoài ngồi trên ghế đá công viên khung trời đại học
Portland, không mở cơm ra ăn mà phải xếp mấy chục lá thư vào bì trước đã. Việc
làm này nếu supervisor biết được! Hảo nhớ câu nói của ông bạn người Huế: “Chị với
mụ vợ tui là hai con cua què... cua gãy càng. Chị với mụ vợ tui đúng là hai bà
xã trái đời... khó khó lắm... phải có tài lanh mới có việc làm.”
Sau một thời gian lâu, Thúy lại gọi
về: “Mẹ ơi con rất happy! Jeffrey và con đã dạm hỏi nhau rồi, con đính hôn với
hắn rồi.”
Lời báo tin đúng ngay vào lúc Hảo bị
bà xếp đày đi cross-training, nghĩa là bị đưa sang thực tập ở phòng phim ảnh,
nghĩa là sửa soạn đi khai thất nghiệp!
Ông đồng hương người Huế Hảo chỉ mới
quen sau khi dọn nhà về Portland, đã bảo nhỏ Hảo: “Chị với mụ vợ tui ăn nhau lắm!
Mụ vợ tui với chị, hai con ‘quăng’ trong bộ bài tới và bài chòi... của người Huế
mình, hai cái hãm tài... bị hắt ra, không hội nhập được với đời sống Mỹ... đi
đâu cũng bị hắt ra chứ không được hút vào!”
Hảo vội trả lời con gái. “Me mừng
quá Thúy ơi... Nhưng mẹ đang bận, quá nhiều phim ảnh chưa chụp, mấy tấm hình
offset chưa tìm ra. Tan sở về nhà mẹ sẽ gọi con.”
Buổi chiều muộn nhưng vẫn còn nhiều
tấm mây dày màu trắng, con nhỏ telephone: “Con mừng quá! happy quá! Mẹ happy
không mẹ? Hắn đã đeo nhẫn đính hôn, hai đứa đeo nhẫn đính hôn. Mẹ ơi sang năm
con cưới Jeffrey rồi! Sang năm có lâu không mẹ?”
Ngoài trời, mùa thu Hiệp Chủng Quốc
chắc cũng hạnh phúc như con gái tôi, hạnh phúc như qua những đoạn văn tả cảnh
trong tiểu thuyết của nhà văn Nelson de Mille, cựu chiến binh Hoa Kỳ hơn một lần
đã sang Nam quân dịch.
Mấy mươi năm sau cái chết của chồng,
có bao giờ tôi ngộ được rằng tôi không biết dạy lũ con bốn đứa mà chỉ thành
kính đặt chúng lên trang mà lạy, lên ngai vàng để mà vái. Để mấy đứa con tự do
lấy Mỹ, lấy Đại Hàn, có phải tôi đã phạm vào điều răn điều cấm? Luật gia đình
hay nền luân lý Khổng Mạnh? Luật kỳ thị màu da và quốc gia? Có phải cha mẹ sinh
con trời sinh tính? Một mục sư Tin Lành đã nói chuyện trên tivi rằng cha mẹ cứ
can đảm dạy con, không nao núng sợ sệt, đừng bỏ cuộc, quyết một mất một còn với
con. Người mẹ!... một máy đẻ tốt là một bộ máy cho ra một bầy trẻ tốt.
Hảo nói với Thúy: “Con lấy Mỹ, người
Việt Nam cười mẹ.”
Thúy trầm giọng: “Đứa con làm, tại
sao lại nhè người mẹ mà cười? Con có thấy ai cười con đâu?”
Hảo nói: “Người Việt Nam gì cũng cười.”
Câu nói của nhà nho văn Nguyễn Văn
Vĩnh ngày hôm nay Hảo càng thấy đúng với cuộc đổi đời. Không những người Việt
Nam ấm áp hay cười mà người Cao Miên, người Lào, người Phi, người Thái ở trong
con hẻm cụt này với Hảo cũng hay cười như vậy. Gì cũng cười. Gần nhà có một
ngôi đền Muslim. Một bà Hồi Giáo đã hỏi Hảo:
“Có phải ở Việt Nam cấm ly dị?”
Hảo trả lời: “Luật cấm ly dị ở Việt
Nam vào khoảng thập niên 50-60 là do một người đàn bà tội lỗi đặt ra nhưng sau
đó và với chế độ mới ngày hôm nay thì không còn nữa.”
Bà Hồi Giáo trùm khăn che nửa mặt
chỉ vào một tờ báo cũ: “Tờ báo này có bài nói rằng khoảng thập niên 90, tỉ số
ly dị của người Việt Nam cao nhất thế giới.” Hảo không thể đem những dịch vụ
làm giấy tờ sau cuộc đổi đời ra nói với người lạ được nên không trả lời bà ta.
Hảo bảo Thúy: “Mẹ tin rằng con đã
suy nghĩ kỹ, tuy vậy mẹ cũng nhắc nhở con là người Mỹ hay ly dị lắm.”
Thúy bướng bỉnh cãi: “Con và Jeff
đã suy nghĩ kỹ lắm. Nó và con biết nhau đã gần mười năm rồi mà mẹ!”
Hảo làm thinh, Thúy tiếp. “Mẹ già
ơi, mẹ hãy hạnh phúc với con đi! Mẹ hỏi hai con mèo đẹp trai của mẹ có happy
vui vẻ với con không mẹ? Mẹ kêu hai con mèo lại đây đi mẹ!”
Trong nhà nuôi hai con mèo mê ngủ.
Con miu đen tên là Hắc đang ngồi bên cạnh, thỉnh thoảng cụng cái đầu vào chân
vào Hảo. Năm năm về trước, Hắc đen này tuy không giỏi võ thuật như tài tử
Jackie Chan nhưng tài khinh công thì nhanh hơn, đã phi hành lên mái ngói gào
kêu rồi nhẹ nhàng nhảy xuống cào cửa nhà Hảo. Bà hàng xóm người Miên liền bước
qua can thiệp: “Trong hẻm cụt có bao nhiêu nhà, tự nhiên từ đâu không biết con
mèo mun này đến nhà mày kêu gào cào cửa như vậy chứ nó không đến nhà tao, nhà
Susie, nhà Stanley... không đến nhà ai hết. Phật giáo Cao Miên tin tưởng rằng
con mèo này chính là linh hồn của chồng mày đã chết nhập vào.”
Hảo gật đầu: “Phật giáo Việt Nam
cũng dạy rằng phải thương yêu súc vật. Nuôi chó nuôi mèo trong nhà cũng là do
lòng thương yêu súc vật. Ăn chay là để phản kháng là không công nhận tội giết
súc vật.”
Hảo nói vô điện thoại với con: “Người
Mỹ có tục gọi cha mẹ chồng, cha mẹ vợ bằng tên nghe không vô.”
“Mẹ đừng lo, Jeffrey sẽ gọi mẹ là
Mrs. Lee. Jeff nó có đọc sách Kong Fusi năm ngoái con mua cho nó, mình đi Good
will năm ngoái với nó, mẹ nhớ không? Nó bảo ông Phật hiền hơn ông Khổng, ông Khổng
nói lời gì ai cũng phải nghe vì ông là người họ Kông bên Tàu, vì ông nói luân
lý, cả châu Á nghe ông.”
Hảo thấy đứa con lúng túng quá, nói
thay nó: “Bậc Đại Hiền, người Tây Mỹ tôn kính gọi Kong Fusi là The Great Sage,
người hiền. Đức Khổng Tử cấm rằng nam nữ không được trao đổi thân tình, không
được ngồi chung chiếu, không ra vào cùng cửa. Châu Á này, xã hội ngày hôm nay
là một công trình do đức Khổng tử nặn bọt ra và nắm hết tất cả quyền hành trong
tay... Đức Khổng tử xử dụng cả mười ngón tay đặt nền luân lý trên toàn cõi châu
Á trong khi đức Phật chỉ hướng một ngón tay nhỏ lên trời thôi.”
Hảo trở lại vấn đề của hai mẹ con:
“Trai gái chưa cưới xin đã thuê phòng thuê chỗ ở chung với nhau trước, không
hay ho tí nào hết.”
Nó cãi: “Mẹ sai rồi. Cái đó là vấn
đề văn hóa của một quốc gia, mẹ chớ nên phê bình. Mẹ chỉ có thể phê phán thái độ
của một cá nhân như ông hàng xóm khó chơi chẳng hạn, mẹ có thể phản đối đường lối
hoạt động của một đoàn thể nào đó thôi. Không bao giờ nên chê bai nền văn hóa của
bất cứ một quốc gia nào. Trọng văn hoá của nước khác , người ta sẽ trọng văn
hoá của nước mình.”
Con nhỏ này khi nói chuyện không
đưa giọng lên hoặc hạ giọng xuống, nó luôn luôn phát âm ở nốt nhạc bằng và đều.
Nó ít khi khóc, cười hơi nhiều.
Nó tiếp: “Có thể vì số người ly dị ở
Hoa Kỳ cao quá, nên họ phải ăn ở với nhau trước để tìm hiểu nhau, để sau này bớt
bớt bỏ nhau.”
Hảo vẫn chỉ trích: “Thật đáng sợ
lòng người Mỹ bội bạc. Ngày xưa, họ đem Anh ngữ, đem quân đội ,khí giới, đô-la
và nhu yếu phẩm đổ vào miền Nam, họ hứa hẹn, họ cam kết sẽ cùng chúng ta sát
cánh bên nhau cùng đánh kẻ thù đỏ. Fuck the reds. Căn cứ không quân Mỹ đóng
ngay gần vĩ tuyến 17, chỉ trong vòng giây lát máy bay phản lực sẽ vút lên và
trong một phút sẽ oanh tạc tan nát hải cảng Hải Phòng... nhưng rồi màn chót kéo
lên, người Mỹ bỏ chạy, người Mỹ phản bội.”
Bên kia đầu giây, tiếng con gái cười:
“Tình yêu không phải là Việt Nam war. Tình yêu là Korean war: một nửa Bắc, một
nửa Nam. Một nửa là màu đỏ tượng trưng cho tình hận; nửa kia, tình xanh, tình đẹp.”
Ngoài kia vẫn còn vài vệt nắng cuối
chiều, màu nắng mỡ gà một ngày thu tốt trời khiến nỗi buồn như vơi đi. Hảo nhớ
lại lời bà giáo dạy ESL hồi mới sang còn ăn tiền trợ cấp xã hội và được gửi con
miễn phí để đi học lớp thư ký xếp hồ sơ: “Năm 1975, lớp người già sang đây thật
quá khích, không tỏ ra cộng hòa chút nào hết, không chấp nhận cay chua thua cuộc,
họ không thấy mình có lỗi bại trận, mà chỉ thấy người Mỹ đểu giả đã bỏ miền Nam
mà chạy. Những cái đó không bổ ích chút nào hết.”
Hồi đó, Hảo, học viên già nhất lớp
ESL, muốn giảng cho bà giáo hiểu rõ thế nào là quá khích, nhưng không nói được
tiếng Anh. Trước năm 1975, sự thật miền Nam không có người Việt Nam biểu tình
chống Cộng sản mà chỉ có biểu tình chống cộng hòa. Biểu tình quá khích có nghĩa
là ào ào ra đường đập phá, ném đá, đốt nhà, lật đổ, xô xát bạo động hung dữ.
Sau năm 1975, ở Mỹ, người Việt Nam đi biểu tình ôn hòa: Họ bước đều trong trật
tự với biểu ngữ giăng ngang, họ tôn trọng luật đường sá kiều lộ và nhân viên
công lực. Chống cộng bằng lời nói ôn hoà, và việc làm có lẽ phải, đó không phải
là quá khích.
Sống cuộc đổi đời, khối u chiến
tranh vẫn chưa tan hết trong cõi lòng kẻ di tản. Chúng ta vẫn còn yêu người đàn
ông mang quân phục, tôi vẫn chưa quên hình ảnh người lính trận khoác áo vàng
kaki hoặc áo vải thô dày màu dầu olive tô vẽ rườm rà lá cây rừng núi hiểm độc.
Đồng thời tôi vẫn còn nhớ những bàn chân trắng mịn trong những đôi giày đinh
cao cổ người lính Hiệp Chủng Quốc lún xuống cát lầy những bãi sình cạnh biên giới
Ai Lao. Tôi liên tưởng tới tài tử cao thủ John Wayne trên yên con ngựa cao bồi,
ánh mắt ông xót thương trẻ con sinh ra trong khói lửa, miệng ông không cay đắng
nói những lời phản chiến, như những kẻ biểu tình quá khích.
Hảo quen biết sáu bà bạn thông minh
lấy chồng Mỹ. Ông Lesher hỏi Hảo: “Bao giờ thì về Việt Nam?” Ông Hendrick: “Hoà
bình, độc lập, thống nhất rồi, sao chưa về nước?” Ông Trivas: “Cháu mua vé máy
bay cho cô về Việt Nam.”
Bà Pealercock, cháu gái của Thiếu
tá Nguyễn Văn Khôn trong quân lực Việt Nam Cộng Hoà, tác giả hai bộ tự điển Anh
Việt, Việt Anh: “Từ ngày sang đây, tụi này đi đi về về sáu lần rồi...”
Hảo nói: “Tư cách của một cá nhân
cũng có thể đánh giá tùy theo số lần người ấy về Việt Nam là bao nhiêu. Tôi thật
lấy làm tiếc là ngày xưa tôi không ‘nằm vùng’ cho Cộng sản, nên bây giờ tôi
không được họ cấm không cho về nuớc... để được coi nặng ký hơn một chút dưới mắt
người Mỹ.”
Qua điện thoại, đứa con gái tiếp tục
câu chuyện: “Từ nay , me đừng nên nói những câu như là người Mỹ phản bội, người
Mỹ bỏ chạy. Miền Nam mất không phải lỗi tại họ.”
“Họ chứ ai vào đây nữa? Họ đoạn tuyệt
bang giao, bỏ rơi miền Nam. Cuối cùng của mối tình Việt Mỹ, miền Nam mất, nên
trong những cuộc hôn nhân dị chủng, mẹ chỉ thấy cái nghiệp, mẹ thấy Karma, thấy
charm, thấy khác biệt văn hóa, thấy hai con đường, một ngược một xuôi không có
giao điểm. Chúng ta với họ, khác nhau từ bên ngoài vào tới bên trong, và từ cái
bao tử ra tới lớp da bọc ngoài.”
Tiếng thở dài của con trên điện thoại,
Hảo đưa mắt nhìn cái khung gỗ xinh xắn vít vào tường trong đó xếp hàng 15 chiếc
lọ nhỏ bằng thủy tinh đựng gia vị nấu ăn: bột hành, bột tỏi, tiêu ớt, oregano.
dill, thyme... rồi bảo con: “Thôi, mẹ đã nói hơi nhiều, thôi đi ngủ, ngày mai
con vừa đi học, vừa đi làm.”
Sớm mai vào sở, bà xếp kéo Hảo vô
phòng riêng để “ đì”: “Phòng thư viện gửi trả lại mấy tấm hình vì ‘you’ chụp mờ
quá, họ không gửi đi được.”
Một giờ sau Hảo lại bị điệu vào
phòng bà xếp: “You nên lấy giấy phép nghỉ một tuần lễ, vì số ngày nghỉ dồn lại
nhiều quá.”
Ba giờ chiều, con mẹ xếp, cơn bão
Katrina, đến trước bàn làm việc của Hảo đay nghiến: “Tại sao không chụp mấy cái
hình này, không tìm ra offset sao?”
Chàng đồng nghiệp Hạ UyDi nói:
“K-Mart đang cần 5 part-time job, hãy xin về hưu non ở cái nhà băng này đi, rồi
đi làm part-time ở K-Mart.”
Hảo quyết định hưởng nhàn một tuần
lễ ở miền nam Washington, tại nhà một bà bạn để ăn cơm với cá bẹ kho nhừ. Chủ
nhà để máy hát chạy một bài ca Huế mang tên “Trước bến.” Trước bến Văn Lâu ai
ngồi ai câu ai sầu ai thảm, ai cảm, ai thương...
Hảo nói: “Người Mỹ đổ quân vào Việt
Nam lần thứ hai từ thập niên 60, nhưng trên thực tế thì trước đó rất lâu, nữ
sinh Đồng Khánh đã hát bài ‘Oh Mcdanold has the farm.’ ‘Ông tây đen nằm trong
cái bồ rồi’.”
Bữa cơm chiều ngon quá, ngoài món
cá kho tám tiếng trong nồi slow cooker còn có tô canh rau thập toàn với mồng
tơi, dền tía, kim châm, kim huyên, riềng... và Hảo được ngồi ăn trong căn nhà bếp
linh hoạt vừa đủ rộng cho người nội trợ bày biện nồi niêu son chảo. Nó, tức cái
bếp, khoác những tấm màn cửa màu xanh nhạt điểm hoa trắng, đồ gốm phết sơn bóng
màu xanh nước biển, những bức tường màu xám tươi, các ngăn tủ màu xanh da trời,
nền nhà màu xanh dương. Bộ bàn ăn sáu ghế bằng gỗ teakdo chị bạn tự tay đóng lấy,
để nguyên không sơn. Tóc của Thái, chị bạn, ít bạc hơn tóc của Hảo, tiệp với
màu sắc của cái bếp rất hài hòa.
Hảo khen: “Mặt nhà quay về hướng
nam, lấy vợ hiền hòa, xây nhà hướng nam.”
Thái kể: “Ngôi nhà này được xây từ
hồi người Mỹ chưa phát minh ra cái closet, còn dùng cái thứ tủ gỗ wardrobe. Mấy
người chủ trước mua lại sửa sang tu bổ thêm.”
Cơm nước xong, trời còn sớm mờ mờ
ánh sáng ngọc trai, Thái dẫn Hảo đi bộ ra bờ hồ. Một bầy chim heron đang lả lướt
bơi trên mặt nước xanh mơ trông như một đoàn vũ công đang động đậy thân thể tập
luyện điệu múa Tai chi chu’an, môn võ thuật độc tôn của đạo Lão, của đoàn viễn
chinh ham chiến ngày nào đeo đuổi mộng binh đao. Người vũ công tài chi, con
chim diệc hùng anh, người đánh giặc xa nhà lấy sa trường làm lẽ sống... mặc áo
bà ba trắng như lông chim, quần dài ống rộng, người tài tử cũng như người thuyền
quyên ngàn xưa của môn phái Lão Tử, nhịp nhàng đi và đến đích. Trong sân tập, họ
bước chậm theo một đường chéo góc, chân họ kéo lê với tốc độ của một con rùa,
hoặc một con ốc sên bò qua một diện tích rộng tráng vôi: chân trái đưa tới trước,
rồi chân phải chậm chạp từ tốn đưa theo sau, mỗi bàn chân nhấc lên rồi hạ xuống
nhẹ như hơi gió để thân thể khoan thai di động trong tư thế của cánh chim heron
tức chim diệc lướt trên mặt nước hồ ao mỗi sớm chiều.
Thái vui tươi nói: “Có phải chị
đang nhìn cảnh đẹp và thở không khí trong sạch?”
Thái cũng là người Huế, nhưng lại
chỉ quen với chồng Hảo mà thôi. Khi người chồng qua đời, Thái đến phúng điếu bằng
tiền, và nói: “Từ đây, tụi mình là bạn, nhưng chỉ nên gọi nhau bằng chị thôi.”
Hảo giữ mãi câu nói đó trong trí nhớ.
Thái là chủ nhân của mấy mẫu đất rộng
chim diệc lết đi không tới đích và người võ công Tai-Chi lê bước không tới chốn,
một vùng phong cảnh lặng thinh gợi lại hình ảnh những vườn tiên, vườn đào, vườn
ngự uyển trong sách thời thượng cổ. Trước mặt nhà Thái là một ao rau muống,
loài rau có ống và nở hoa màu tím nhạt, loài rau không ăn cơm mà chỉ uống nuớc
giải khát. Công ty thủy lực thành phố mấy lần gửi giấy phạt rau muống uống nước
nhiều quá sẽ làm khô héo thị trấn hồng. Tự điển khoa học xã hội Việt Nam định
nghĩa rau muống rỗng ruột, uống sương mai, nắng chiều và ánh trăng đêm khuya.
Thái đã vào Good will ra tay kéo về
hai cái hồ bơi inground biberglass pool. Đó không phải là loại bồn tắm nhỏ bằng
cao su trẻ con đập tay đạp chân tập bơi mà đúng nghĩa là cái hồ nước rộng chôn
dưới đất. Thái, người đàn bà trời cho sức khỏe và sắc đẹp, đã bỏ ra hai tháng
trời đào đất, đập đá, khó khăn hốc hác như Ngu Công dọn núi ngày xưa và với một
thiên tài về ngành trồng tỉa đã làm chủ một ao rau muống chim diệc bơi lội mấy
mùa.
Hồ sơ của khu vườn được cất giữ
trong ngăn kéo, chia ra mười chín khoảng đất riêng biệt. Ao rau muống đào được
đặt vào vị trí một. Khu đất thứ hai trồng mười loại rau đủ để cho người Huế nấu
một tô canh thập toàn. Kế đó, Thái làm giàn tre dành cho rau leo. Bên cạnh,
Thái cưa hai cây thông già, chặt tre, xẻ gỗ dựng thêm bốn cái giàn nữa dành cho
su le, bí ngô, bí đao, mướp ngọt, mướp đắng. Xong, Thái nung sắt, đẽo hai cái
trụ đồng chặt hai cây cổ thụ dựng một pháo đài để trồng năm cây dưa Hồng tiên,
người Huế gọi là dưa Tây vì do ông Tây thuộc địa đưa vào Việt Nam cùng một lượt
với cây phượng vĩ. Cây dưa Hồng tiên nằm trên, bốn mươi tám cây su le nằm dưới
chung một giàn gồm có hai tầng, bên cạnh mấy cái thang gỗ, lá bí ,lá bầu tuy
khác giống nhưng phải mọc chen nhau và kế cận dàn dưa là loại rau có chất cay
dùng làm gia vị nấu ăn: ớt mọi, ớt chìa vôi, rau sâm thương, ngò gai, húng lủi,
húng quế, tía tô, kinh giới, diếp cá... Xê ra một chút là loại cây trị bệnh có
chất thuốc gia truyền như cây ích mẫu, cây thuốc cứu, cây trần bì, cam thảo, quế
chi...
Thái
tỉ mỉ làm công việc của một nghệ nhân: vót tre đan rỗ đựng lan, làm dàn tre cho
lan bò, lan leo và cưa gỗ đóng những cái giường nhỏ cho lan ngủ treo dưới mấy
dàn dưa. Cạnh đó, Thái đóng mấy chục ngăn kéo, người Huế kêu là kệ, để trồng
loài cây không ăn được: lan Tố tâm, lan Thanh ngọc, Giáng xuân, Hồ điệp, Cát tường,
Thiên thần... đặt sát tám cây thông phấn vàng và mười ba cây mai Huỳnh tỉ nở
hoa trăm cánh...
Hảo
chỉ coi hết ba vạt đất thôi, phần còn lại để dành khi khác. Trên mấy mẫu đất của
Thái có mặt đầy đủ tất cả loài cây Việt Nam từ phượng vỹ, xoài, quế Huyền Trân,
mít tố nữ, hoè, xoan và ba cây bàng trăm năm... và cả cây cao su đặt mua từ
Indonesia hoặc Malaysia... Người nghệ sĩ làm vườn tôn thờ anh linh của tất cả cỏ
cây, họ không uống rượu không hút thuốc lá... Hảo thường thấy họ ăn chay và
thương yêu súc vật, họ nuôi gia súc và săn sóc chó mèo rất cẩn thận. Công tác
làm vườn cao cả quá khiến họ học được phép tu thiền và phép thở của đạo Phật.
Hảo
quay sang Thái: “Khu vuờn của chị là một kỳ công, một tuyệt phẩm nói lên được đức
tính chịu khó của chị. Ngày xưa, Napoleon hoặc Augustus Ceasar mỗi khi chỉ tay
vào các thuộc địa gồm trong đế quốc rộng lớn của mình, thường chỉ nói một tiếng
‘My empire.’ Hôm nay, chị có thể đứng giữa khuôn viên của chị, tự hào, rất tự
hào, nói rằng: “Mảnh đất tôi,” vì chị không phải chỉ moi đất để chôn xuống đó một
thân cây, một hột giống mà thôi, bởi chị đã vùi theo xuống đó một mảnh lòng, và
mấy hơi thở của chị. Chị sở hữu một chỗ ở trong đó chị đã viết và vẽ. Và chị,
chị đã làm cho tuổi già của chị có một gia vị riêng.”
Hảo
đã ăn của Thái những bữa cơm thiền tức là những bữa cơm thanh bạch không có thịt
bò mỡ heo. Buổi trưa hai người thưởng thức món rau muống luộc chấm nước tôm kho
đánh, món Huế. Buổi chiều họ ăn rau muống xào kiểu Bắc nồng nàn mùi tỏi, mắm
tôm, kinh giới, mè rang... Hai người đàn bà ngồi ăn trong căn bếp mà cái máy
hút bụi Eureka đã hít sạch cả đến những hạt rác chỉ bé bằng một phần bảy mươi
lăm đường kính của một sợi tóc: Bếp sạch, cơm thơm, thức ăn bổ lành. Hảo quan
sát cung cách ăn uống của Thái: ba lần xới cơm tức là ba chén cơm lưng lưng
ngang miệng ăn với tôm rim bóc vỏ bỏ đuôi. Vừa ăn vừa húp một tô nước luộc rau
muống dầm cà chua vắt chanh, loại chanh giấy xứ Huế chứ không phải là lime hay
lemon của Mỹ. Sau đó, Thái tráng miệng một trái thanh trà lão, lớn bằng trái bưởi
Biên Hòa.
Thái
nói: “Chị có thể ăn một lúc bao nhiêu cái đùi gà?”
“Ba
bốn cái là nhiều. Đêm Trung thu, tôi chỉ ăn một cái bánh nướng thôi.”
Hảo
nhìn ra khu vườn tuyệt vời và ngắm ngôi nhà tuyệt mộng của Thái rồi nói: “Nếu
mình làm việc gì, cái gì và cái đó, việc đó... nó nhai nó nuốt hết cả thì giờ của
mình như hiện tại chị và cái vườn của chị đây, chị dành hết tuổi già của chị
cho nó thì nó, tức là cái vườn là tác phẩm chị đã viết ra cho đời mình và chị
là một nghệ sĩ.”
Trong
tác phẩm “My son. My son” nhà văn Anh quốc Howard Spring kể chuyện một người viết
văn và một người thợ mộc, Dermot và William. Dermot yêu gỗ. Oak, Ash, Walnut
,Teak... gỗ lim, gỗ mun, kiền kiền, trắc bá diệp... Như thi sĩ ngâm thơ vịnh
nguyệt, chàng thợ mộc kêu tên mọi loài gỗ quý, chàng nâng niu tất cả những dụng
cụ của kẻ làm nghề gỗ như búa, kìm, cưa, kéo, đẽo, đục, chỉ trừ cái đinh ốc là
cái chàng ghét. Chàng quan niệm người thợ mộc hữu tài không bao giờ xử dụng cái
đinh ốc tức là con vít. Phòng làm việc của chàng là nơi sản xuất tất cả bàn ghế
giường tủ, đồ chơi bán ra thị trường. Chàng cao gầy, mặt xương xương, hai má
hơi hóp, chỉ trừ một điểm khác với người hùng trong tiểu thuyết Lê VănTrương là
hai đường lông mày của chàng thường xuyên bám những hạt bụi của bột gỗ từ mạt
cưa bay ra. Khi chàng chưa chính thức trở thành danh tướng trong nghề gỗ của nước
Anh, thì vợ chàng đã coi chàng như một danh nhân của ngành nghệ thuật quan trọng
là gỗ.
Thành
công chậm hơn, William tức Bill được gia đình Dermot nâng đỡ trong những ngày
William chưa có sách bán chạy hàng đầu nước Anh. Cuốn tiểu thuyết là một màn kịch
bi đát với nhiều vấn đề khác.
Thái
không thích câu chuyện đó, lảng sang chuyện khác. “Chị làm ở nhà băng nào vậy
nhỉ?”
Hảo
không thích nhắc tới công việc làm ăn lúc này nên nói: “Băng vệ sinh.” Rồi trả
lời tiếp: “Tôi sắp bị cái nhà băng vệ sinh Bạch Tuyết này sa thải rồi.”
Thái
lại nói. “Thằng con của tôi cũng đã tự tiện lấy vợ rồi.”
“Vợ
người gì?” Hảo hỏi mau.
Thái
tự hào. “Người Việt Nam.”
Hảo
khen. “Thằng đó có hiếu quá. Chị có phước.”
Đêm
thứ bảy trời hầm, gió Thái Bình Dương không thổi vào lục địa được, cây liễu và
những cây nhược tiểu cũng không lắc mình. Hảo thao thức nhớ một câu chuyện cũ:
Thể Phụng ngày xưa cùng học trường Đồng Khánh Huế, yêu một chàng Hoa Kỳ sang
Nam truyền đạo Tin Lành. Gia đình không chấp thuận. Thể Phụng cứ việc đẩy tình
yêu đi đến hôn nhân với Mark. Mark bảo rằng trước anh và em đã có những cuộc
tình Việt Mỹ rồi. Hai quốc gia liên kết để chống Cộng nhưng anh, anh yêu đạo
Tin Lành và anh yêu em. Đây là lần thứ hai Mỹ đổ quân vào Việt Nam. Lần thứ nhất
xẩy ra năm 1845, thời gian cấm đạo gay gắt nhất dưới triều Nguyễn: giết giáo
dân và chôn sống giáo sĩ. Tàu USS Constitution của hải quân Hoa Kỳ đã đổ bộ hải
cảng Đà Nẵng để giải cứu một vị chân tu Công giáo người Pháp sắp bị chôn sống.
Thủy thủ Hoa Kỳ đã ở lại Việt Nam bốn ngày. Đó là lần đầu tiên Mỹ xen vào nội bộ
Việt Nam. Trong số những thủy thủ Mỹ đến Nam lần đó có ông nội của anh. Noi
gương tiền nhân, hôm nay anh đã đến đây và yêu em.”
Gia
đình Thể Phụng đăng tin từ con trên mặt báo Ánh Sáng ở Huế và báo Sài Gòn Mới của
bà Bút Trà. Thể Phụng bị tất cả họ hàng lánh mặt khi Mark bảo: “Em hãy quỳ xuống
van xin cha mẹ cho phép cưới anh đi. Dù thế nào đi nữa, hùm thiêng cũng không
ăn thịt con.”
Thể
Phụng bị cha mẹ cấm cửa và họ hàng xua đuổi. Mark vẫn lạc quan với mấy câu tiếng
Việt bì bõm. “Em cứ tiếp tục kêu ca, cố biểu tình nỗi lòng của em ra để cha mẹ
mềm lòng lại.”
Tỉnh
Thừa Thiên, tỉnh lỵ thành phố Huế, lòng người sao đắng cay và đắng chát trăm
chiều. Mưa mùa hạ Lào cùng với gió mậu dịch thổi xót xa vào phần đất thần kinh
Nguyễn triều, Thể Phụng lao đao nhưng quyết không ngã gục. Mark và Thể Phụng
xin đổi vào Sài Gòn và cưới nhau. Hai mùa mưa nắng trôi qua, cha Thể Phụng lâm
trọng bệnh và tuy chưa chết, ông đã trối trăn: “Không cho con Thể Phụng lai
vãng gần nhà, không cho con Thể Phụng bước qua chính cổng ngôi nhà này, không
cho con Thể Phụng lẻn vào các cửa phụ, không cho nó đặt chân vào bên trong,
không cho nó có mặt trong căn nhà ba gian hai chái này, không cho nó để tang
đen, không cho nó mặc chế phục quần vải to áo sô gai, không cho nó lạy truớc
bàn thờ tổ tiên tôi và tôi, cương quyết không nhận một giọt nuớc mắt nào của nó
khóc.”
Mark
bảo: “Hùm con cũng không ăn thịt hùm thiêng.”
Phụng
cùng chồng về Huế chịu tang. Người con truởng và bà mẹ triệt để áp dụng lời
trăn trối, triệt để không cho đặt chân vào nhà. Phụng đến thăm cô giáo cũ dạy
Việt văn trường Đồng Khánh năm nào và yêu cầu bà thầy cùng đi với mình.
Bà
giáo hăng hái bảo: “Chuyện gia gia đình em cô không có quyền nói vô, nhưng quý
vị cấm em không được lai vãng gần nhà là không có công lý. Em có quyền đi lại
trên con đường ngôi nhà cha em tọa lạc vì đó là đường lục lộ, của công.”
Bà
giáo cùng đi với vợ chồng Thể Phụng đến điếu tang. Gia nhân nể mặt nhà mô phạm
liền mở cửa nhưng vào tới bên trong thì một cảnh tượng khác diễn ra: từ bà mẹ đến
người con út mỗi nguời cầm một cái chổi đứng sau câu biểu ngữ màu mực xạ: “Trọng
tội bất hiếu Thể Phụng phải xéo ra khỏi nơi này. Nếu còn lai vãng trước cổng
ngôi từ đường này, sẽ có 20 tên ăn mày đứng canh gác để ném phân vào mặt.”
Chàng
rể bất tỉnh trong tay vợ được đưa vào nhà thương dã chiến ở Mang Cá cứu chữa.
Thầy
trò Thể Phụng ra về, bà giáo kêu: “Trong gia đình này, thương yêu không còn nữa,
mà chỉ còn tình hận. Quý vị La Hán ơi! Gia đình em còn mướn cả mấy chục tên ăn
mày từ chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự, chợ An Cựu vứt cứt vào mặt em, vào mặt chồng
em... Thật là... phải chăng đó là một hình phạt từ thời trung cổ?”
Trong
khi bà giáo đến tòa tỉnh trưởng yêu cầu công lý can thiệp, thì từ bệnh viện dã
chiến Hoa Kỳ ở tiền đồn Mang Cá, Mark ngậm ngùi bảo Thể Phụng: “Em hãy bỏ anh
ra, hãy đừng lấy anh nữa. Anh là người Tin Lành, chính đạo Orthodox, kẻ vâng
theo mệnh lệnh truyền từ tiền nhân. Orthodox có nghĩa là tuân theo mệnh lệnh của
tiền nhân. Ông cha Tin Lành của anh dạy rằng anh phải kết hôn để duy trì nòi giống
và để tạo ra những vị thánh cho đời. Anh vâng theo lời tiền nhân. Người Tin
Lành lấy vợ. Anh theo Tin Lành, người hiền, em theo Phật giáo, người từ bi. Người
từ bi lấy người hiền lành, thật đẹp đôi.”
Mark
nghỉ, rồi tiếp: “Trong đạo Phật, có Phật giáo orthodox không em? Anh nghĩ rằng
gia đình em theo truyền thống từ các ngôi thiền tự cổ xưa. Những nhà chùa đó có
phản chiến không em? Có đuổi Mỹ cút về Hoa Kỳ không em? Em phải vâng theo lời dạy
của cha mẹ, phải kính trọng truyền thống của gia đình và truyền thống của Phật
giáo. Nếu đạo Phật và gia đình cùng ngăn cản, hãy dứt khoát bỏ anh ra đừng lấy.
Truyền thống của hai tôn giáo khác biệt nhau rồi... có phải vậy chăng?”
Thể
Phụng hấp tấp kêu: “Mẹ em chẳng hiểu biết orthodox là cái gì đâu. Mẹ em khi lạy
Phật thì xuýt xoa và hít hà thôi.”
Thể
Phụng nhìn chàng ngẫm nghĩ rồi tiếp: “Em chẳng hiểu orthodox nghĩa là gì, nhưng
nếu em hiểu thì chính nghĩa của lòng em là tình yêu anh. Đời riêng và tâm tư của
em là sống để lấy anh.”
Sau
khi bà giáo đến khiếu nại tại tòa tỉnh và ty cảnh sát thì xe quân cảnh Mỹ chở
Mark và Thể Phụng đến trước cổng nhà đám trước giờ đưa ma.
Tỉnh
trưởng tỉnh Thừa Thiên, Thị trưởng thành phố Huế, Quận truởng quận cảnh sát hữu
ngạn sông Hương, Hội trưởng hội bảo vệ thuần phong mỹ tục tức tốc phái năm nhân
viên công chánh và sáu cu li sở lục lộ đến đo đạc một khoảng cách mười mét từ cổng
tang gia ra tới đường cái quan của nhà nước. Bốn cảnh binh giao thông kiều lộ
và ba công an chìm đứng kèm hai bên để Thể Phụng có một chỗ đất an toàn sụp lạy
cha già bốn lạy và sáu cái vái.
Đây
chỉ là một câu chuyện cũ thuộc thời gian khá xưa trước khi xẩy ra cuộc đổi đời,
và một câu chuyện như vậy không khi nào có thể xẩy ra sau cuộc đổi đời được.
Hảo
chưa ngủ được gì hết thì đã sáng chủ nhật. Hôm nay, điện thoại chỉ reo một lần.
Hảo
bảo con: “Mẹ nghĩ con nên có hai ba người bạn trai một lúc để tuyển lựa một người.
Đàng này con chỉ đi lại với một người thôi rồi lấy người đó.”
Thúy
cãi: “Có sao đâu mẹ, mẹ thật lộn xộn.”
Hảo
bực tức: “Nếu bố mầy còn sống, chắc chuyện sẽ xảy ra một cách khác. Nếu mày đem
thằng bồ Mỹ về nhà ra mắt bố mày!!! Từ ngày sang Mỹ, bố mày không nói chuyện với
người Mỹ, không đến nhà Mỹ, không ăn cơm không uống nước với người Mỹ. Mỗi lần
người Mỹ đến nhà, bố mày đùn mẹ ra tiếp, bố mày chạy xuống basement trốn. Đó,
những cái bố mày không làm thì bây giờ chúng mày làm đủ.”
Ngoài
kia, gió mát trời xanh. Thảm cỏ dày bên kia láng giềng, bà hàng xóm cắt cụt như
cắt tóc. Hảo vẫn nhìn ra ngoài, nói tiếp: “Jeffrey... mẹ chỉ sợ nó sẽ bỏ con
sau này.”
Giọng
Thúy chán nản: “ Đó, bản cũ sao lại, mẹ tôi sắp lôi chuyện cũ ra nói rằng người
Mỹ phản bội, người Mỹ bỏ chạy... Mẹ, giáo sư Kallas có cho con mấy tài liệu cũ
về chiến tranh Đông Dương. Người Mỹ có chính sách Monroe của họ. Trước giờ phút
cáo chung của Nam Việt Nam dưới tay Bắc Việt Nam, nước Mỹ phải lo cho cái thân
của nước Mỹ trước đã, nước Mỹ không thể cứu Nam Việt Nam được, và cũng không cứu
Campuchia với Laos được. Nước Mỹ, họa may, chỉ có thể cứu nước Canada mà thôi nếu
nước này lâm nạn. Chính sách Monroe nói rằng bất cứ quốc gia nào bị Cộng sản tấn
công, nước Mỹ cũng phải đứng ngoài không được nhảy vào. Khi kinh đô Moscow hắt
hơi sổ mũi, toàn thể thế giới ngứa cổ cảm cúm ho khan.”
Hảo
cãi: “Năm 1947, chính sách Truman viện trợ kinh tế và quân sự cho bất cứ quốc
gia nào bị Cộng sản hành hung. Mười lăm năm sau, những người Việt Nam chống cộng
không quên được nụ cười thân ái của Tổng thống Kennedy.”
Trong
bốn đứa con của Hảo, chỉ có đứa con gái đọc sách và không coi tivi quá độ như
ba thằng con trai. Con cái không chống Cộng, đó là một chuyện Hảo thấy được.
Còn rất nhiều chuyện khác, giữa mẹ và con có những bức tường ngăn cách.
Thúy
nói tiếp. “Theo tài liệu giáo sư Kallas cho con, khoảng gần cuối năm 1974 quân
Khờ-me đỏ đánh Cao Miên, mất sáu tháng tàn sát, họ mới vào được kinh đô Pnom
Penh giết chết ba triệu người. Tiếp theo 1975, quân Bắc Việt tổng tấn công Nam
Việt Nam, và miền Nam đã tan ra, rã ra và rớt xuống như trái sầu riêng rụng.”
Hảo
ngồi nghe đứa con gái đọc bài tiếp. “Báo chí miền Nam hồi đó đã đăng tin về sự
can đảm của một người Miên, Hoàng thân Phó thủ tướng Sirik Matak. Khi kinh đô
Pnom-Penh thất thủ, người Mỹ cuốn gói ra về đem theo những ai đã từng cộng tác
với họ. Một viên chức bộ ngoại giao Hoa Kỳ hỏi hoàng thân Sirik Matak: “Ông có
đi theo chúng tôi không?” Hoàng thân gật đầu, viên chức Mỹ dục: “Vậy thì ông
hãy nhanh tay lên, máy bay chúng tôi đang chờ, ông hãy mang theo ít đồ thôi, bỏ
những cái không cần thiết lại, không được, không được ôm theo nhiều thứ như vậy,
nhanh lên ông, bỏ cái này lại, bỏ cái nớ lại... nhanh lên.” Lập tức ông Phó thủ
tướng Miên kêu lên. “Hỡi người Mỹ hãy cút về nước đi! Mới ngày nào, các ông đến
quê hương tôi, hứa hẹn này nọ... giờ đây ông la hét tôi phải thế này thế nọ...
ông coi thân phận những thằng mãn phu... thân phận tôi như như... Người Mỹ hãy
cút về nước, hãy cút đi! Tôi không đi theo ông, tôi ở lại.”
Hảo
bảo con: “Bởi đó, mẹ càng không thích người Mỹ chút nào hết, họ cứ nói xấu người
Việt Nam quốc gia hoài và họ cứ khen, cứ nói tốt người Việt Nam cộng sản hoài.”
Thúy
kêu: “Mẹ, hãy tốp bớt nỗi niềm chống Cộng trong lòng mẹ lại. Bây giờ, cái quan
trọng của cuộc đời mẹ nhất là giữ lấy công ăn việc làm của mẹ. Con lo cho mẹ lắm.
Con sợ mẹ sẽ bị thất nghiệp.”
Hảo
bực mình nhìn ra ngoài kia trời thanh vắng và nắng hanh vàng. Thúy nói tiếp:
“Nói chung chung, nước Mỹ là một xứ sở của đồ ăn nước uống, nó không để cho ai
chết đói, chết khô. Và nước Mỹ cũng là một xứ sở của quần áo, nó không để cho
ai chết queo, chết lạnh. Nhưng, sống ở Mỹ mẹ phải làm việc... để tránh nghèo
đói và lạnh lẽo... Thôi con chào mẹ, thời tiết hôm nay khá tốt, mẹ làm việc nhà
đi.”
Hảo
đem mớ áo quần bẩn ra giặt, nghĩ đến những món đồ dơ khác như màn cửa, và mấy tấm
ra trải giường, vạt cỏ phải cắt. Hảo vừa cho máy giặt chạy thì Thúy lại gọi. “Mẹ,
hãy cố gắng đến cùng đừng để mất việc. Bố chết, mẹ vẫn đi làm việc như thường,
đó mới là mẹ ngoan. Bố chết, nếu mẹ về hưu non, hoặc để mất công ăn việc làm...
vậy là mẹ hư. Nếu mẹ để mất cái job mẹ đang làm, mẹ sẽ không thể nào xin được một
việc làm nào nữa.”
Hảo
mở rồi đóng cánh cửa máy sấy lại nghĩ rằng con bé này bây giờ lanh quá. Hiện tại,
hai mẹ con tiêu tiền chung, ký chi phiếu chung... nhưng mai mốt rồi sẽ đến lúc
nó mở trương mục riêng ở một nhà băng nào đó, và mình phải đứng ngoài rìa cuộc
đời nó, mình không nắm được cái đầu và cái đời nó sống.
Thúy
nghiêm giọng tiếp: “Khi chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ chấm dứt, những anh
hùng lạnh của Mỹ trở về nước, họ bị cưỡng bức phải về hưu non và về hưu bất đắc
dĩ... Nước Mỹ không tàn nhẫn, nhưng nạn thất nghiệp trên đất Mỹ thật vô nhân đạo.
Mẹ, đừng để thất nghiệp...”
Hảo
đứng trước cái máy sấy kê sát máy giặt, đôi chân bỗng mất hơi ấm, cái bụng chợt
bóp mạnh. Hảo đến bên bồn nước cạnh đó và mở cửa sổ. Nắng thu với vài lớp mây
bão dầy như những tấm ván đang đi về thành phố New York miền đông nước Mỹ để lại
vài vết nám lớn trên da trời. Đời tôi cũng có người đi qua và để lại chữ ký.
Con chó Nicky nhà hàng xóm có lẽ đói bụng lễ phép sủa gâu gâu vài tiếng ngắn.
Sáng
hôm sau trở lại sở làm, anh bạn Hawai thở dài: “Thất nghiệp... đến nơi rồi. Mới
ngày nào, những sĩ quan tình báo của chiến tranh lạnh đã thất nghiệp.”
Chàng
trai Hạ Uy Di đưa cho Hảo một ít địa chỉ và số điện thoại của những cơ quan tìm
việc. Chàng trai này lúc còn ở hải đảo chắc cũng khá đa tình! Hắn nói tiếp:
“Nhiều người đang làm đơn xin được nhà băng Wells Fargo lưu dụng sau khi sáp nhập.”
Chiều
thứ sáu mây vẫn ba màu. Hảo gọi con thì nó nói: “Ngày mai con sẽ dẫn Jeffrey đi
Portland gặp mẹ.”
Sau
khi buông điện thoại, Hảo vội vã lái xe đi chợ ngay rồi về nhà rút xương hai
mươi cái cánh gà, rồi bâm hành đập tỏi, rồi thái củ đậu, bóc tôm, bằm thịt quấn
bốn mươi cuốn chả giò. Sáng hôm sau ngủ dậy, Hảo ướp cá halibut nấu cháo. Theo
lời chỉ dẫn của cô em dâu, Hảo mở hai lon nước xúp gà, hai lon sò hến nhỏ, rồi
rang gạo, nhặt hành ngò nấu một nồi cháo ấm. Nhà văn Dương Thu Hương dặn rằng
khi cháo sôi thì phải xuống lửa ngay đừng để hạt gạo nát ra như tương Cự Đà. Nồi
cháo này chắc sẽ thành công, Hảo cảm thấy vui khi nghĩ đến những nồi cháo đặc sệt
mình đã nấu để mà, ngoài mình ra không ai ăn được.
Chàng
rể Jeffrey của Hảo là một người như mọi người. Hắn không phải là “Người Mỹ thầm
lặng” hoặc “Người Mỹ... ugly” hai tác phẩm bán chạy trong giai đoạn người Mỹ Việt
Nam hóa cuộc chiến để chuẩn bị rút quân về nước. Hai cuốn sách này đối với Hảo
bây giờ chỉ còn là những ngọn đèn mờ đục, không soi thấu hết nỗi niềm kỳ thị
trong lòng kẻ phản chiến cũng như nỗi hoài vọng của kẻ chống Cộng.
Jeffrey
ăn uống vừa phải và nói ít. Khi nhìn cánh cửa bếp mở rộng, Jeffrey bảo: “Không
nên mở cửa nhiều lần, nên đóng cửa lại ngay vì những con bọ con bug bay vào
nhà.”
Tức
thì con gái Hảo vui thích kêu lên: “Mẹ tôi không sợ nhện.”
Rồi
hai người đưa mắt nhìn nhau. Hảo hoang mang không hiểu hai người muốn gì? muốn
ngụ một ý nghĩa nào đây.
Sau
buổi ăn trưa, Jeffrey đề nghị đi coi vườn hồng và vườn Nhật, hai cảnh đẹp nổi
tiếng của tiểu bang Oregon.
Trở
về nhà ăn cơm tối, cháo cá và cánh gà rút xương. Jeffrey gật gù khen “very
good” rồi quay sang Thúy.
“Rút
xương gà mất bao nhiêu công phu.”
Rồi
Jeffrey nhìn Hảo: “Nếu Thúy nấu ăn được một phần mười như thế này, tôi chắc chắn
là một người hạnh phúc nhất trần đời.”
Hảo
vui vẻ nói đỡ cho con gái: “Nó biết làm chả giò. Nó cuốn chả giò nhanh lắm.”
Thúy
chỉ vào Hảo cười: “Mẹ tôi ăn được hột vịt lộn.”
Rồi
hai người lại đưa mắt nhìn nhau và Hảo lại hoang mang không hiểu hai người ấy
muốn tỏ ra một điều gì nữa. “Mẹ tôi không sợ nhện và mẹ tôi ăn hột vịt lộn.”
Người không sợ nhện có phải là một người anh hùng, can đảm có thừa? Và mức độ
gan góc của một kẻ không sợ nhện lên cao tới bao nhiêu, có đáng phục như một kẻ
không sợ cọp beo cá sấu? “Mẹ tôi ăn hột vịt lộn.” Ăn hột vịt lộn là một hành động
cao cả hay thấp nhỏ? Tiểu nhân hay quân tử? Liều lượng của lòng can đảm trong
tim gan một chiến sĩ ăn hột vịt lộn to bao nhiêu? Trong quả trứng lộn có bao
nhiêu chất bổ chất béo chất xơ? Mẹ tôi có nên tiếp tục ăn cái thứ trứng lộn
tròng đó nữa không? Hay là phải tốp lại vì ở Việt Nam mẹ đã xơi bao nhiêu đủ rồi?
Lúc
từ giã, hai người ôm Hảo. Hảo đứng nhìn theo xe họ chạy chậm rồi bước vô nhà
ngó vào một tá hột gà bà hàng xóm muối mặn đem cho. Hình như ai đó nói rằng hột
vịt lộn là một bào thai tóc đen và khi bị nấu nóng, bào thai sợ hãi bài tiết ra
chất độc. Điều này hoàn toàn trái ngược hẳn với sách thuốc Tàu. Nhà văn kỳ cựu
Bình Nguyên Lộc nói với bạn bè rằng ăn hột vịt lộn bổ khỏe như ăn phở vậy. Người
Huế ngủ đò trên sông Hương ăn trứng lộn vào lúc đêm khuya trời mát gió trăng
giao tình. Người Huế đập nhẹ cái đầu và cái đít của quả trứng rồi ngửa cổ hút.
“Mẹ
tôi không sợ nhện” câu nói vẫn còn theo Hảo tới lúc đi ngủ. Hảo hồi tưởng những
năm tháng đỏ lửa, quân lính Mỹ nhảy vô chiến cuộc Việt Nam. Mỡ của họ đã sôi vì
cái nóng trước khi máu của họ chảy ra trong những trận giao tranh. Có những cậu
lính học trò tuổi từ mười tám, họ tự gọi họ là “boy.” Thằng con trai khi mới đặt
đế giầy đinh xuống phi trường Đà Nẵng để thấy mặt nước Việt Nam xa lạ lần đầu,
nó kêu hoảng lên, nó phát hỏa lên vì hơi nóng nhiệt đới mà nó gọi là lửa. Bộ
quân phục bảnh bao của nó ướt đẫm mồ hôi và nó bước đi loạng choạng trong cơn sốt:
mắt của nó trít lại vì bụi và cát mù mịt. Bụi Phú Bài, bụi Mang Cá, bụi Huế bu
kín tất cả các lỗ chân lông trên người nó. Hai lỗ mũi nghẹt cứng lại, nó há miệng
ra thở thì lập tức cát Cam Ranh, cát Đà Nẵng, cát Nha Trang luồn vào kẽ răng, lọt
xuống yết hầu và rớt vô khí quản. Nó không nghe được tiếng người nữa vì gió mậu
dịch từ Hạ Lào thổi sang đập vào hai tai nó.
Charlie
Việt-cộng không bao giờ dàn bày một chiến trường đúng đắn để hai bên dễ dàng
đánh nhau. Quân du kích ở đâu cũng có mặt nhưng không thấy hình. Trong chiến cuộc
Việt Nam, Charlie có bao giờ ở yên một chỗ để lực lượng hai bên cài răng lược
ăn thua nhau, Charlie ám hết mọi vị trí và làm chủ tất cả tình hình với lối dụng
binh theo chính đạo của đức Thánh Trần Quốc Tuấn và xảo thuật du kích Mao tse
Tung:
Mỹ
Ngụy xông lên, phe ta te chạy
Mỹ
Ngụy cắm lều, phe ta ra tay.
Mỹ
Ngụy nằm ngơi, phe ta đại chiến.
Mỹ
Ngụy thụt lùi, phe ta rượt tới.
(The
enemy advances, we retreat;
The
enemy camps, we harras;
The
enemy tires, we attack;
The
enemy retreats, we pursue.)
Thêm
vào đó, lính Mỹ khổ đau hơn nữa vì những con bọ, những con vật bé tí ti không
thể dùng súng M-16 mà bắn được. Danh sách những con bọ có công giúp Cộng sản
đánh Mỹ gồm có kiến, muỗi, vắt, đĩa, ruồi, ốc sên, thằn lằn, gián... nhưng dũng
cảm hơn hết là con nhện. Đang ngồi, nằm la liệt ra đó để nghe nhạc, đánh bài hoặc
viết thư nhưng hễ thấy một con nhện bò ngang qua là lập tức họ hô lên, tán loạn
đi tìm bình thuốc sát trùng xịt mù mịt rồi bỏ đi chỗ khác. Con nhện chắc dốc tổ
khi thấy người lính Hoa Kỳ, ngày nào là người hùng của đệ nhị thế chiến, lại sợ
nhện, kẻ lãnh đạo đoàn ‘bọ binh’chống Mỹ.
Đối
lại với nỗi sợ của người lính Mỹ, người Việt Nam khi đến Hoa Kỳ đã không sợ những
gì? Ngủ không sợ muỗi đốt, không mất công treo mùng. Uống nước không cần đun
sôi mất thì giờ.Và hay hơn hết là được sống trong thời tiết lành mạnh và thở
khí trời trong sạch chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên, những an toàn đó không đủ làm
cho ngôi nhà của người di tản có một hồn phách riêng, một ngôi nhà có thể xác
không quan trọng bằng một ngôi nhà có linh hồn, một chỗ ở có nền văn hóa riêng:
nhà Việt Nam ngày xưa có linh hồn tổ tiên, có đức Phật, đức Khổng và bậc đại hiền
Lão Tử.
Ngày
xưa Huế, những ngày xưa tôi phá sản đời con gái, những ngày xưa không có người
xưa tôi bị đàn ông cho ế, mỗi đám mây đi qua tháp chuông nhà thờ Phú Cam đều đã
đi qua lòng tôi và để lại một chữ ký, một nỗi vui ngậm ngùi. Ngày xưa Huế và
bây giờ thì còn gì nữa đâu ngoài Huế, đi đâu thì đi, đứng đâu thì cũng chỉ đứng
một chỗ thôi, tôi vẫn không bao giờ quên được mùi dầu dừa xứt tóc cho láng khi
thân thể còn con gái. Ngày xưa Huế, cô giáo già lam đi chùa Từ Đàm nhiều hơn đi
những nơi khác, tôi đã ngắm chùa Từ Đàm nhiều lần hơn những nơi cảnh đẹp hữu
tình. Các vì vua triều Nguyễn đã đúc cho chùa Từ Đàm một pho tượng Phật rất to
lớn và chùa chỉ thờ một bức tôn tượng này mà thôi. Tôi đi những ngôi chùa khác
để ngắm những bức tượng nhỏ. Chùa nào cũng rất nhiều tượng nhỏ. Tượng Phật, tượng
Bồ tát, tượng La Hán.
Hảo
bỗng giật nảy người lên vì một quả điện thoại đểu reo trong lúc mãi suy nghĩ.
“Mẹ,
mẹ... chúng con sẽ làm đám cưới...”
“Sao
gấp vậy Thúy?” Hảo hoảng hốt hỏi.
“Con
định nói với mẹ lúc ăn cơm chiều nhưng mắc cỡ quá không nói được. Mẹ, con sẽ cưới
Jeffrey cuối tháng tới.”
Hảo
vẫn còn mất bình tĩnh. “Sao lẹ quá vậy?”
“Không
lẹ đâu mẹ ơi, chúng con biết nhau hơn mười năm rồi mà mẹ. Đám cưới sẽ được tổ
chức tại nhà thờ. Đám cưới chúng con lớn lắm mẹ ơi... lớn lớn lắm.”
Hảo
dịch một câu cách ngôn Việt ra English: ‘Không ai khen đám cưới, chẳng ai cười
đám ma.’ Người ta không khen đám cưới tổ chức sang trọng, đầy đủ mặt quan
khách; và người ta không ai coi nhẹ gia đình chết nghèo không đủ sức chi phí
đám ma.
“Mẹ,
không phải đám cưới lớn là một đám cưới giàu, mà là một đám cưới tốt được tổ chức
tại nhà thờ do các ông cha đứng ra chủ hôn, đúng nghi lễ và giấy tờ hôn thú.”
Hảo
lo lắng hỏi. “Mời bao nhiêu người? đãi ăn món gì?”
“Ăn
cá salmon ám khói... Ngon lắm mẹ ơi.”
Hảo
cười. “Bố mày chỉ ăn thịt thôi, bố mày tẩy chay cá.”
“Mẹ,
cá salmon, tiêu biểu cho tiểu bang Washington, còn con cá halibut tiêu biểu cho
tiểu bang Oregon, nhưng cá halibut mắc lắm.”
Hảo
cảm thấy vui: “Hoa sơn lựu tiêu biểu cho tiểu bang Washington...”
Thúy
ngắt lời. “Chi phí do cả hai đứa chịu, mẹ chỉ đóng góp ba trăm cái chả giò
thôi.”
Ui
chao thân già này phải đứng thẳng cái lưng còng để quấn ba trăm chả giò đem tới
nhà thờ, cái sức khỏe này phải cầm dao phay thái mấy chục củ đậu to đại chang,
chưa kể tôm thịt hành tỏi phải băm hạt lựu rồi thì phải gỡ bánh tráng đang dính
nhau ra khỏi nhau... rồi thì đứng chiên... Đầu bếp chính hiệu Trung Hoa không
có làm phần việc cắt thái rau quả hành tỏi, cá thịt... Đó là phần việc của đầu
bếp phụ, đầu bếp chính chỉ giữ việc nêm và nấu thôi... Đức mẹ La Vang ơi! con vừa
là đầu bếp chính vừa là đầu bếp phụ!
Thúy
nói: “Mẹ còn một phần việc nữa là mẹ walk con, mẹ sẽ được thực tập phần việc
walk cô dâu trong đêm rehearsal dinner do nhà trai đãi.”
“Thúy,
mẹ chưa thấy một phim, hoặc một màn ảnh ti vi nào chiếu cảnh đám cưới mà người
mẹ phải ‘goát’ con gái mình đi từ phòng thay quần áo ra tới chỗ ông cha chủ lễ
đứng để trao đứa con gái mình tận tay chàng rể, mẹ chỉ thấy người đàn ông dìu
con gái mình đi chầm chậm theo nhịp nhạc ‘here comes the bride’...”
“Mẹ,
bố chết rồi, các cha bảo mẹ phải walk con.”
Hảo
kêu. “Mẹ sẽ điện thoại cho cậu ở Cali và nhờ cậu làm chuyện đó. Mẹ chưa thấy
người đàn bà nào ‘goát cô dâu’ cả.”
Thúy
cương quyết: “Cha Slivers muốn vậy. Bố mất, mẹ còn, mẹ phải walk con.”
Hảo
không trả lời, ngó con chim nhỏ bay lại gần bếp phẹt bậy lên mặt cửa kính. Hai
cây lê hàng xóm chín thơm khiến đàn bướm kéo tới rắc phấn trên những trái tròn
mọng nước. Da trái lê nhám chắc tại đánh phấn bướm.
Sau
đó, Hảo điện thoại cho chàng em trai. “Cuối tháng tới, con Thúy làm đám cưới.”
Giữa
hai giây im lặng, cậu em trả lời: “Vậy là con đặt đâu, cha mẹ ngồi đấy.”
“Chị
nhờ Văn thay mặt nhà gái, dẫn nó đi trong nhà thờ. Nó đòi đi với chị.”
Văn
chưa trả lời, Hảo vội nói luôn. “Đám cưới phải tổ chức tại nhà hàng Tàu mới
vui. Phải không em?”
Đâu
đây chừng hai giây im lặng nữa rồi người em đọc cho Hảo nghe hai câu thơ:
Liễu
tích nghiệp chướng bổn lai không.
Vị
liễu ưng tu hoàng túc trái.
Hảo
nói nịnh: “Em giỏi tiếng Tàu quá, chắc em là đệ tử của Hòa thượng Thích Mãn
Giác?”
Rồi
Hảo nói lảng sang chuyện ăn uống hằng ngày. “Chị ăn gạo lứt. Chị làm sữa đậu
nành... đúng theo lời em khuyên.”
“Em
khuyên chị thêm một lời nữa. Đừng ở một đời riêng, phải giao thiệp với bạn bè
nhiều hơn. Sống chung hòa bình với tất cả mọi người trong cộng đồng. Có người
có ta thì mới vui.”
Hảo
nghĩ đến nỗi vui khe khẽ và tiếng nói nhè nhẹ nằm trong câu hát ‘nắng có buồn bằng
đôi mắt em, mưa có buồn bằng đôi môi em’ trong khi chàng em tiếp:
“Bây
giờ, chị hãy tưởng tượng con Thúy lấy một thằng chồng Việt Nam đàng hoàng, hai
bên cha mẹ đứng ra tổ chức một đám cưới lớn, một đám cưới long trọng được đôi
bên bốn bậc phụ mẫu mời ăn ở một nhà hàng Tàu hoặc một tiệm Mỹ sang trọng...
Trước đó, thời gian tổ chức, cỡ một tháng rưỡi, thiệp hồng đã được gửi đi theo
đường bay. Bạn bè của hai nhà trai gái có đủ thì giờ để chuẩn bị đi mừng một
phong bì đúng theo như... như... lâu nay trong cộng đồng vẫn đi lại với nhau. Nếu
đi dự cả hai ông bà hai phần ăn, thì phải đưa ra một cái phong thư trong đó có
bao nhiêu đô-la. Nếu chỉ một nhân mạng đi dự tiệc thôi thì trong bao thư số tiền
chỉ bằng một nửa chẳng hạn. Cái đó đã có giá nhất định trong cộng đồng rồi. Chỗ
mời của tiệc cưới phải là tại nhà hàng ăn Tàu — đồ ăn ngon- hoặc là nhà hàng Mỹ
—chỗ ngồi sang trọng. Sau đó một thời gian, có hai nhân vật rất uy tín trong cộng
đồng, một đại diện cho nhà trai, một đại diện cho nhà gái hy sinh đôi chút thì
giờ để kêu điện thoại hoặc nói chuyện trực tiếp thân mật thuyết phục mọi người
hãy đi dự đám cưới thật đông. Sau hết, phụ huynh của đôi trẻ mới gọi giây nói mời
miệng một lần nữa cho chắc và để biết số người sẽ đi dự là bao nhiêu để đặt phần
ăn.
“Đến
khi đám cưới, tưng bừng đại nhạc hội và dập dìu khiêu vũ, khi quan khách ăn uống
vừa lưng bụng, đôi bên cha mẹ dẫn đôi trẻ đi chào từng bàn ăn một, giờ phút thắm
tươi nhất, các phong bì được đưa ra. Người Việt Nam trước đám cưới đám ma thường
ăn ở phúc hậu. Khi tiệc vui tàn, ai nấy về nhà, đôi trẻ cũng theo cha mẹ về
nhà, mở bao thư ra đếm tiền. Và, số tiền mừng sau khi trang trải mọi thứ tốn
kém, số tiền mừng đó... đủ cho đôi trẻ sang năm mua được một ngôi nhà trả góp.”
Hảo
lắng nghe lời nói của chàng em mà ngậm ngùi! Đức Giáo hoàng Phao-Lồ ơi! Con vừa
mất một cái nhà. Chàng em nói tiếp: “Đàng này, chị tôi tổ chức đám cưới ở nhà
thờ Mỹ, ăn uống trước mặt đức Chúa chứ không phải trước mặt đức Đạt Lai Lama!
Khách khứa tham dự đem quà đến mừng, ôm đồm một cái hộp gói giấy màu rực rỡ, cột
giây satin bóng loáng, ghim vào một cái nơ to như cái bông thược dược đang nở...
Đến giờ phút mở quà, cô dâu chú rể hồ hởi nêu lên tên người tặng quà, và mở cái
hộp ra, trong đó có khi chỉ đựng một hòn đá mài dao mài kéo!
Chàng
em trai Hảo là con trai một trong gia đình nhiều con gái. Hắn vốn rất ít nói,
nhưng hôm nay khá nhiều lời. “Đây là kinh nghiệm được rút tỉa sau hơn ba mươi
năm xa xứ. Nếu chị sống tách riêng ra khỏi cái bè mà tất cả cộng đồng Việt Nam
đang cùng nhau chèo chống, đời chị sẽ lúa.”
Hảo
không ưa kiểu nói năng chắc nịch như những câu định nghĩa trong từ điển Oxford
nên gác máy. Từ điển thì chỉ nói đúng thôi, không bao giờ hay. Trước giấc ngủ
có ai đọc từ điển bao giờ đâu.
Hảo
thường hay nhìn ra cửa kính. Thiên nhiên có liên can gì đến tấc lòng? Từ lâu Trời
đã cuối mùa hạ, nhưng không có nghĩa là cuối tháng tám, mà hình như đang giữa
tháng chín, có đúng vậy không? Nhưng chắc không phải là thời kỳ thu phân. Lễ
lao động đã qua, mùa hè của người Indian đã đến. Hảo ngồi xuống cái ghế đan bằng
cọng cây wicker với những ý nghĩ giản dị đang kéo tới trong đầu. Cái đầu như
cái máy hút bụi bên trong có một khoảng trống tối ám. Cái đầu như trái dừa thốt
nốt dẹp lép. Tôi đã lấy một người chồng không uống được nước, chỉ uống rất nhiều
budweiser và mỗi ngày có thể giải cứu được ngót hai chục lon bia bị giam cầm lạnh
lẽo trong nước đá cục.
Hôm
sau, Hảo trả lời chàng em: “Để con gái tự do lấy Mỹ và... lại còn làm đám cưới ở
nhà thờ Mỹ không có tiền mừng để mua một cái nhà như con người ta. Lỗ to em ơi!
Nhưng... nhưng thôi, hãy đặt hi vọng vào tương lai, cái sẽ xảy ra về sau vậy. Nếu
mình là người tốt, ăn ở tốt... very nice, người Mỹ họ không ly dị mình, họ đi
làm vì mình và khi họ chết, họ để của cải lại cho mình.”
Chàng
em lật đật đổi sang giọng an ủi: “Thỉnh thoảng em thấy trong vài đám cưới tại
nhà thờ Mỹ, có người đi mừng cả bộ nồi niêu son chảo, có người cho cô dâu chú rể
hai cái va li bằng da để đi du lịch. Chị đừng buồn rầu tiếc của quá hại cho sức
khỏe.”
Hảo
vẫn ngồi nhìn trời qua cửa kính và vẫn nói chuyện đều đều với chàng em khi trên
cao những đám mây vẫn cụm vào nhau để sau đó tách riêng ra từng giải.
Tiếng
chàng em vẫn đều đều. “Chị hãy dùng thì giờ rảnh để lên mạng đọc những bài viết
trên computer. Có nhiều bài viết về đạo Phật vô cùng quý giá và những tài liệu
về chiến tranh chị không bao giờ tìm thấy trên sách báo.”
Hảo
vội ngắt lời chàng em: “Lâu nay chị thích đọc sách trên giấy hơn trên màn kính
vì có nhiều câu văn cần phải tra từ điển... ngồi trước computer chị đọc không kỹ.”
Chiều
cuối tuần làm biếng trôi qua, chiều thứ hai khá nhiều công việc, ngày thứ ba đi
làm về Hảo ghé chợ mua nửa cân đường phèn giả nhỏ để dành nêm vào nhân món chả
giò thay bột ngọt. Hành tây thái mỏng, tỏi phải băm chứ không được đâm nát. Mọi
thứ đem cất vào ngăn đá trước mấy tuần lễ, gần ngày cưới mới đem ra quấn chả
giò. Công phu nhất là việc thái hạt lựu từng củ đậu Mễ Tây Cơ to như cái sọ người.
Có khi cả mấy công việc cùng hiện ra một lúc, có khi cả hai tay đều rảnh để Hảo
lo lắng đến cái áo cái quần sẽ mặc trong ngày cưới. Con Thúy sẽ là một cô dâu
trắng tươi kéo lê một cái áo cưới dài quét đất đi trong tiếng nhạc chậm ‘Here
comes the bride.’ Con Thúy sẽ mặc áo rộng quấn khăn vành, ngọc giắt vàng giát
giống như ba cô trong Nội, những nàng công chúa cấm cung mặt nhồi phấn nụ, tay
đeo vòng mã não. Một bạn ở Florida gửi Hảo chiếc áo vẽ để tặng Thúy, một bạn ở
Seattle mua cho nó cái áo thêu. Chàng em trai bỏ chút thì giờ gọi điện thoại:
“Chị thấy đó, trong cộng đồng rất nhiều người tốt, rất ít người xấu.”
Hảo
vui vẻ tiến hành công tác làm ba trăm cái chả giò. Hành, tỏi, củ đậu, đường
phèn... Người Huế gọi chả giò là ram. Ông xã Hảo hồi còn sống nói rằng tất cả
những món ăn Huế ông chỉ thích ăn ram. Người Huế làm nhân ram với bún Tàu và
tôm quết tươi cho thật nhiều hành hương vào. Hảo mơ màng nghĩ tới những ngày
xưa tươi thắm xác pháo vu quy, mẹ Hảo mang áo Cẩm-tự màu vàng phủ ngoài tấm áo
dài Vân Nội thướt tha. Bên trong, sau lớp áo kép kín bưng và nóng bức đó, mẹ Hảo
mặc áo cụt hàng vân vảy cá và quần chân què bằng hàng anbel màu trắng. Hảo như
nhìn thấy lại nhiều và hơi nhiều... Ông nội gửi lời mời cả tỉnh Thừa Thiên đến
dự đám cưới con trai. Bà nội Hảo làm hai trăm cái ram, thơm nức cả làng Chí
Long. Trẻ con bu lại coi đứng chật đường sá. Hảo mơ màng nghĩ tới một xã hội sống
chung vui vẻ, một cộng đồng của ngày xưa, thật xa xưa, một thời kỳ cổ điển
nghèo túng, người dân thiếu ăn thiếu mặc, những ngày xưa đó, ca dao và tục ngữ
đã xuất hiện, và xuất hiện thật nhiều. Ngàn xưa đó, đã có văn nhân, đã có thi
sĩ rồi... nhưng những người đó không biết họ là ai, không biết cây bút, không
biết quyển sách, và công việc viết lách là gì. Họ không sống tách riêng lẻ loi
mà hòa mình chung vui với mọi người trong cộng đồng. Gặp nhau trong đám cưới,
trong tiệc vui, hội hè đình đám, thi sĩ nói ra ca dao giữa thính giả tức cộng đồng
và văn sĩ thốt ra lời vàng, ý bạc tức là những câu tục ngữ cách ngôn... trước mặt
toàn thể công chúng... Cho đến lúc cuộc đời đổi mới nới cũ, các ông bà văn nhân
thi sĩ tự biết mình là chút gì đó. Họ có tư tưởng, có nguồn hứng, có tình cảm,
họ không thổ lộ cùng người trong cộng đồng nữa, họ giấu, họ giữ kín bưng để làm
vốn liếng sáng tác xuất bản, họ viết văn làm thơ đăng báo và in sách!
23
tháng 9 năm 2006
Túy
Hồng