có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 9 19, 2018

Tiếng hát Xuân Thu





Xuân Thu: Một thời tiếng hát mặn mà

Giọng nói mềm mại và nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi của chị là cả một mùa xuân đẹp dịu dàng. Nhưng những nhạc phẩm do chị trình bày phần lớn là những nhạc phẩm buồn man mác như mùa thu. Cả mùa xuân lẫn mùa thu đều hiện hữu nơi một tiếng hát từng làm say đắm người thưởng thức trước năm 75. Cụ thể hơn nữa là đã gắn liền với tên thật và cũng là nghệ danh Xuân Thu của chị.


Từ Việt Nam, Xuân Thu đã không còn đi hát ngay từ năm 72. Ra hải ngoại, chị xuất hiện trong vài năm đầu thập niên 80, nhưng sau đó lơi dần để rồi lùi hẳn về với những sinh hoạt gia đình trong vai trò một người mẹ hiền thục đảm đang và một người vợ ngoan hiền. Nếu có những hoạt động liên quan đến âm nhạc chăng nữa cũng chỉ là một vài lần xuất hiện giúp vui, hoàn toàn mang tính cách thân hữu.

Mặc dù chỉ chính thức hoạt động trong một thời gian ngắn, nhưng tên tuổi Xuân Thu cho đến nay vẫn còn được ghi nhớ nơi tâm hồn những người yêu nhạc. Dễ gì ai có thể quên được những Biển Nhớ, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Thu Quyến Rũ và nhất là Ai Lên Xứ Hoa Đào được diễn tả qua tiếng hát ngọt ngào và đằm thắm của người nữ ca sĩ mang dáng dấp của một nữ sinh này…

Người ta có thể coi Xuân Thu như một tiếng hát đặc biệt. Gọi là đặc biệt vì tuy được mọi người biết đến như một giọng hát nhà nghề, nhưng suốt quãng thời gian đi hát của mình, Xuân Thu chưa bao giờ tỏ ra là một ca sĩ chuyên nghiệp sống với nghề ca hát.

Ngay cả trong thời kỳ nổi tiếng nhất, khi cộng tác với rất nhiều chương trình ca nhạc trên đài phát thanh: “Mang tiếng đi hát đài phát thanh nhưng, có bao giờ nhớ ra ký sổ để cuối tháng lãnh tiền đâu… Hát xong là đi về. Thu đúng là hát chơi, không có một tí gì nghĩ đến vấn đề kiếm tiền… Nói thì nghe hơi kỳ, nhưng mà thật ra là như vậy!”

Đúng như Xuân Thu nói, chị chỉ hát chơi vì thích hát để thỏa mãn tâm hồn yêu văn nghệ của mình. Thế thôi. Vì đối với Xuân Thu vào thời đó, chính yếu là lo việc học vấn và sau đó là đi làm giúp gia đình. Nhưng dù có muốn lấy ca hát làm nghề nghiệp chính, chị cũng không thể thực hiện được vì không được bố mẹ chấp thuận, mặc dù hai ông bà cũng rất yêu thích văn nghệ.

Xuân Thu và người em trai Đinh Văn Thăng

Hoạt động một cách tài tử thì được. Như em trai của Xuân Thu vào giữa thập niên 60 đã được bố mẹ khuyến khích thành lập một ban kích động nhạc nhi đồng với tên ĐVT, là tên tắt của Đinh Văn Thắng, Đinh Văn Thông và Đinh Văn Thịnh, hiện là những người thành công trong lãnh vực chuyên môn của mình. Nhưng nếu nhận thấy các con có khuynh hướng trở thành chuyên nghiệp thì nhất định hai ông bà đều không thích.

Như trong trường hợp của Xuân Thu, từng bị biêt bao nhiêu trận đòn khi còn bé chỉ vì cái tội thích hát. Có bao nhiêu tiền để mua quà sáng đều được chị dùng hết để mua những bản nhạc rời vào thời đó. Nếu không mang dấu đi để đến khi bị bố soát cặp vào mỗi ngày Thứ Bảy mà thấy được thì khó tránh khỏi bị ăn đòn.

Có một dịp nhận biết được Xuân Thu có khả năng ca hát khi nổi hứng đề nghị chị hát thử, nhưng bố chị cũng vẫn tỏ ra không bao giờ muốn người con gái cả của gia đình theo nghiệp cầm ca…

Một hôm có người chú đưa một người bạn biết đàn đến nhà chị chơi và đề nghị Xuân Thu hát. Cô bé Đinh Xuân Thu khi đó mới được 11, 12 tuổi đã gây được rất nhiều ngạc nhiên khi cô hát rất vững và đúng nhịp trong nhiều thể điệu khác nhau. Người bạn của chú cô xin phép gia đình để cô được tham gia vào những chương trình văn nghệ ủy lạo chiến sĩ tại tổng y viện Cộng Hoà và được bố mẹ cô chấp thuận.

Từ đó Xuân Thu thỉnh thoảng có mặt trong những chuyến đi ủy lạo này, cùng trong thời gian mới bước chân lên bậc trung học của trường Văn Hiến, trước khi theo học trung học đệ nhị cấp tại trường Huỳnh Thị Ngà vài năm sau. Những năm trung học cũng là thời gian Xuân Thu được hướng dẫn chút ít về căn bản nhạc lý trong những giờ học nhạc.

Ngoài ra sau đó chị không hề theo học nhạc chính thức với ai ngoài phần tự phát triển khả năng của chính mình. Hơn nữa chị cũng chẳng muốn chú trọng nhiều đến việc đi hát nên cũng không nghĩ tới việc thi vào trường Quốc Gia Âm Nhạc…

Qua cuộc tiếp xúc gần đây, Xuân Thu đã tâm sự với người viết và cũng là người quen biết với cả gia đình chị ngay từ giữa thập niên 60, là thật sự trong thâm tâm chị không muốn theo đuổi để kiếm sống bằng nghề ca hát mặc dù rất thích hát “thành ra là Thu cứ cố gắng học cho đến khi cần phải giúp đỡ ba mẹ hay lo cho các em”.

Xuân Thu sinh năm 1950 tại Sài Gòn với thân phụ người miền Bắc và thân mẫu người đất Thần Kinh. Hai ông bà gặp nhau tại Sài Gòn và cùng nhau đi đến hôn nhân để sau đó về cư ngụ tại một căn nhà xinh xắn trong hẻm số 12 đường Phan Thanh Giản, tức Điện Biên Phủ hiện nay.

Ngoài Xuân Thu, ba người em trai và một người em gái của chị cũng lần lượt sinh ra và lớn lên trong căn nhà đối với chị có rất nhiều kỷ niệm vui buồn này. Có lần, bố chị đề nghị mua một ngôi nhà khang trang hơn, nhưng do sự gắn bó với căn nhà xinh xắn thân yêu đó nên tất cả chị em Xuân Thu đều không đồng ý. Thế là tất cả lại tiếp tục quây quần trong căn nhà này cho đến năm 75.

Cũng chính từ căn nhà chất chứa nhiều kỷ niệm của tuởi ấu thơ cũng như tuổi mộng mơ cho đến khi trưởng thành của mình, Xuân Thu bắt đầu đến với ca nhạc vào năm 1962 sau khi được bố mẹ bằng lòng cho sinh hoạt với ban thiếu nhi Tuổi Xanh của cấp vợ chồng nghệ sĩ uy tín Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ.

Cô bé Xuân Thu đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết giới thiệu với nghệ sĩ Kiều Hạnh sau khi ông tỏ ra rất thích thú khi nghe cô hát bài Xuân Ca của Phạm Duy trong một lần lên hát thử cho bà ngoại nghe khi cùng với gia đình đến chơi một phòng trà nhỏ do một cặp vợ chồng quen khai thác.

Qua sự giới thiệu nhiệt tình của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết, nghệ sĩ Kiều Hạnh tìm đến nhà Xuân Thu để xin phép gia đình cho gia nhập ban Tuổi Xanh. Do lòng quí mến dành cho hai ông bà Kiều Hạnh và Phạm Đình Sỹ, song thân của nữ ca sĩ Mai Hương, nên bố mẹ Xuân Thu bằng lòng cho cô con gái cả của mình gia nhập ban Tuổi Xanh để sinh hoạt ca nhạc với các bạn đồng trang lứa như một thú tiêu khiển.

Với nhiều giọng ca thiếu nhi, sau này phần lớn đều trở thành những ca sĩ nổi tiếng, giọng hát Xuân Thu rất được chú ý trong những chương trình của ban Tuổi Xanh, phát trên đài Sài Gòn.

Một chi tiết ít người biết là Xuân Thu từng có một thời gian ngắn cộng tác với ban nhạc trẻ phái nữ đầu tiên tại Việt Nam là The Blue Stars, trình diễn trong các chương trình đại nhạc hội vào khoảng năm 1964 với những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành vào thời đó. Đặc biệt là những nhạc phẩm của Connie Frncis. Chị ngưng hát với The Blue Stars khi ban nhạc này bắt đầu trình diễn trong các club Mỹ cùng với sự gia nhập của hai nữ ca sĩ Hồng Loan và Kim Thoa.

Khi cô bé họ Đinh bước vào lứa tuổi trăng tròn, bắt đầu hát những bản nhạc được gọi là của người lớn, cô được rất nhiều nhạc sĩ nổi danh mời cộng tác với chương trình ca nhạc của họ. Đó là Duy Khánh với chương trình Trường Sơn, Nhật Trường với Tiếng Hát Đôi Mươi hay Hoàng Lang với ban đàn giây của ông.

Ngoài ra, còn phải kể đến một số chương trình truyền thanh và truyền hình giá trị khác trong thập niên 60 và đầu thập niên 70 như Hương Thời Gian, Nhạc Vàng, Thi Nhạc Giao Duyên, vv… Từ đó người nghe trở nên rất gần gũi với tiếng hát ngọt ngào và mượt mà của Xuân Thu trong những nhạc phẩm tiền chiến, phần lớn của Đoàn Chuẩn – Từ Linh cùng những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, vv…

Ngoài những chương trình trên đài phát thanh và truyền hình, Xuân Thu cũng thỉnh thoảng hát giúp vui – không đặt vấn đề thù lao – cho vài chương trình đại nhạc hội, trừ những chương trình tuyển lựa ca sĩ do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức. Nhưng chưa bao giờ chị nhận lời cộng tác với những chương trình đại nhạc hội tổ chức tại các tỉnh.

Về mặt thu thanh, Xuân Thu đã thu tiếng hát của mình trên một số đĩa nhạc của các công ty Việt Nam của Cô Sáu và Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.

Đúng với chủ trương của mình là ưu tiên thời gian được dành cho việc học vấn, nên Xuân Thu đúng vào giai đoạn đang được biết tới nhiều nhất, đã từ từ xa dần sân khấu, tách biệt dần dần với khán giả, cho đến khi bước chân vào đại học Văn Khoa thì gần như không còn sinh hoạt gì. Lúc đó vào năm 1972.

Xuân Thu quyết định bỏ học để tìm việc làm giúp gia đình trong một thời kỳ khó khăn. Chị may mắn được tổ hợp ngân hàng Bank Of America ở Sài Gòn thu nhân, chỉ chờ ngày được gọi đi làm. Cùng thời gian này một công ty khai thác dầu hỏa ngoại quốc tại Việt Nam cân tuyển gấp nhân viên nên đề nghị với Bank Of America chuyển cho họ danh sách 10 người đã được tổ hợp này chọn để họ thực hiện phần phỏng vấn.

Xuân Thu có tên trong danh sách này. Và may mắn hơn cả là chị là người duy nhất được chọn vào làm việc cho công ty dầu này mặc dù trước đó chưa bao giờ đi làm. Công việc đã rất suôn sẻ cho đến khi Xuân thu cùng gia đình rời khỏi Sài Gòn mấy ngày trước 30 tháng 4 năm 75.

Trước đó, chị đã từng được gửi qua Anh tu nghiệp khóa về quản trị hành chánh cho công ty dầu vào năm 74. Sau đó trở về làm cho đến giây phút cuối. Nhiều người từng khuyên chị không nên trở lại Việt Nam trong thời điểm đó. Nhưng tình cảm gia đình gắn bó đã không cho phép chị thực hiện điều được coi là một cơ hội hiếm có để ở lại ngoại quốc.

Sau 2 ngày, 2 đêm chờ trong phi trường Tân Sơn Nhất, gia đình Xuân Thu tình cờ gặp một người Mỹ từng làm chung với bố chị, nhận bảo lãnh cho cả nhà sang Mỹ. Sau khi qua tới trại tỵ nạn Fort Chaffee, công ty ITT là nơi bố chị làm việc trước đó ở Việt Nam đã tìm ra gia đình người nhân viên của mình và đưa tất cả về tiểu bang New Jersey cư ngụ. Ngay sau đó, bố mẹ Xuân Thu cùng với chị và 1 người con trai đã đi làm ngay cho công ty này.

Sau vài năm sống ở New Jersey, vì không chịu nổi cái lạnh ở đây nên gia đình Xuân Thu dọn qua nam California vào cuối năm 78. Tại đây từ năm 80, Xuân Thu đi hát khá nhiều trong thời kỳ đầu tiên với mục đích tìm gặp lại được những bạn bè và người quen đã phân tán mỗi người mỗi ngả sau biến cố tháng 4 năm 75.

Ngoài ra cũng từng có một thời gian ngắn, chị xuất hiện cùng với Mai Hương và Jo Marcel trên sân khấu của một số phòng trà nhỏ vào đầu thập niên 80 tại vùng Orange County. Cho đến cuối năm 1983, Xuân Thu đi làm trở lại với tổ hợp Bank of America, liên tục choi đến nay.

Đã từ lâu Xuân Thu giã từ sân khấu, từ biệt khán thính giả. Hiện nay đối với chị không gì vui hơn cuộc sống thầm lặng và êm ả và rất hạnh phúc bên cạnh chồng con.

Tuy nhiên đôi lúc Xuân Thu cũng tỏ ra “mềm lòng” như chị nói, trước những lời mời của thân hữu để họa hoằn lắm mới xuất hiện trong những buổi sinh hoạt văn nghệ với tính cách giúp vui… Đôi lần xuất hiện của Xuân thu gần đây nhất là sự góp mặt trong chương trình kỷ niệm cuộc đời đi hát của Mai Hương, cũng bắt đầu từ ban thiếu nhi Tuổi Xanh như chị, tổ chức vào năm 2005.

Gần đây hơn cả giọng hát mặn mà đó đã đưa người nghe trở về với những kỷ niệm ngày nào trong chương trình đặc biệt dành cho cố nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, tổ chức tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt tại Little Saigon vào mùa hè năm 2006 vừa qua.

Từ khi qua hải ngoại, với sự khuyến khích của chồng, vào cuối năm 79 Xuân Thu đã thực hiện CD đầu tiên với tựa đề “Chiều Vàng”, chỉ để tặng bạn bè để làm kỷ niệm cho thời gian đi hát ngắn ngủi của mình mà không phổ biến với tính cách thương mại.

Kỷ niệm đó ghi lại một thời Xuân Thu đã tạo được nơi tâm hồn khán thính giả những cảm xúc nhẹ nhàng bằng giọng hát mặn mà của chị.


Trường Kỳ