Một buổi trưa. Nắng dữ dội, hừng hực, chói chang. Bụi đỏ cuốn lờ vờ theo bánh xe lăn của chiếc xe đò vừa chạy nhanh dần trên con đường vắng. Má và chị đã lên xe. Nó lim dim mắt nhìn theo. Con đường trong thoáng chốc đã nuốt hết cả chiếc xe đò, chẳng còn thấy tăm hơi. Lạ thiệt, khi mình ngồi trên xe thì xe nuốt đường, mình nhìn theo xe thì đường nuốt xe, nó ngẫm nghĩ. Nó cũng lấy làm lạ rằng hễ nó đi đâu, cơn nắng và cái nóng như điên đi theo nó tới đó, và lại nắng hơn, nóng hơn. Không còn chỗ nào để trốn nắng nếu không muốn chui vào nhà, mà bây giờ nó chỉ ưng đứng ngoài đường, biết đâu... Nhà lá, nhà lợp tôn, những cột đèn điện, những cây sua đũa trước ngõ, những cây đước dưới vàm, đều như chết đứng. Cỏ cũng không mọc nổi, chỉ lòi những gốc đen cháy quăn quăn như trùn đùn cứt lên mặt đất cằn. Mà không phải, đất ướt mềm sau cơn mưa mới nổi lên cứt trùn, nó sực nhớ. Chẳng có ai ngoài đường trừ nó. Thế nào cũng có xe đò khác từ Sài Gòn chạy về, đậu lại ở ngã ba này để lên xuống khách, nó hy vọng, thì, nếu không ai thấy, nó sẽ nhảy tót lên xe chạy tuốt xuống Gò Công. “Sức mấy dám làm, ba đâu để yên,” nó lẩm bẩm.
Nắng lâu ngày, mà mới xài hết có ba lu trữ nước mưa ở sau nhà bếp, còn lại tới năm lu nước đầy nữa. Thế mà ba lại biểu nội hôm nay nó phải ra mang thùng nhỏ ra sông xách nước đem về đổ cho đầy một lu. Sao không bắt mang về đổ cho đầy cả ba lu luôn thể? Để làm gì vậy cà, nước sông đâu uống được. Hay là để hành nó, cho nó khỏi trốn nhà đi chơi? Hay là để tưới mấy cây bông thọ? Nó mong nắng dữ hơn nữa, cho chết tiệt mấy cây bông mắc dịch. Còn cả một buổi chiều, từ từ rồi xách nước, đi chơi cái đã, đi ra ngã ba cái đã. Ủa, nó đang đứng tại ngã ba mà!
Chưa biết chơi gì, nó đứng tần ngần. Nhà nó gần đó. Hôm nay Chủ Nhật nó khỏi đi học, mà cũng không được theo má và chị đi Gò Công thăm dì Hai.
Má nó thương nó nhưng sao lại nhất định không cho nó đi Gò Công, chuyến đi mà nó trông chờ cả tháng nay? Còn ba? Chắc ghét nó lắm, cái thằng ngỗ nghịch, ham chơi, không biết nghe lời, đi học về là vất tập vở vào xó bàn chạy biến đâu mất đất, cuối tuẩn thì lêu lổng suốt ngày, có khi quên cả bữa ăn trưa. Nó mới bảy tuổi, đang học lớp tư thời Pháp thuộc trước năm 1945, nay là lớp hai.
Ba nó rất dữ và nghiêm khắc với nó. Nó bị ba đánh đòn hoài, thường đánh bằng cuốn lá dừa khô thay roi. Khi không có sẵn roi, bạt tai. Bị roi dừa vào đít đau lắm. Một lần trước khi nằm sấp xuống mặt giường lãnh đòn, nó lấy xấp lá chuối lén chuồi vô trong quần xà lỏn. Quất lên kêu cái bộp, ba biết ngay. Thì tiếp theo là trận đòn kinh hoàng. Bạt tai đỡ đau hơn, nhưng vết ngón tay in rõ vô mặt, má phải lấy nhúm muối pha chút nước lạnh đắp vô cho mau tan máu để nó tới lớp khỏi bị chúng bạn chê cười. Nó nhớ rằng chưa bao giờ ba nói một câu êm tai cho nó nghe. Toàn là những tiếng rầy la. Và hình như ba cũng không bao giờ cười với nó. Nó luôn luôn né tránh ba. Rõ ràng ba không thương nó, mà nó cũng không thương ba, chỉ sợ và oán giận.
Có lần nó nghe lén ba nói với má phải coi chừng thật kỹ cái thằng bướng bỉnh ngỗ nghịch này, bằng không lớn lên nó giống như bác nó. Nó có biết loáng thoáng về bác cũng nhờ làm bộ nằm ngủ khì khi ba má nói chuyện to nhỏ với nhau. Nghe tiếng được tiếng mất. Ông bà nội giàu, có nhiều vườn, ruộng. Bác xài quá đã, làm mất tiêu hết trơn tiền của, đồ đạc của ông bà. Đi trốn. Rồi đi lính đánh giặc bên Tây không về. Chết sống không ai biết. Cho nên ba nghèo, mà má cũng chịu lấy, mà ba phải có nghề chớ không được như bác. Thì ba liền đi dạy kèm ở mấy nhà bà con lối xóm. Sau trường thiếu thầy, ba được kêu dạy đỡ một thời gian. Má cầu ba được dạy lâu.
Má nói nó còn nhỏ, từ từ nó sửa đổi, nó sẽ không giống bác đâu. Ba gắt, má im. Nó chẳng hiểu gì mấy.
Má làm mọi việc trong nhà, làm thêm lạp xưởng bán. Lạp xưởng Cần Đước đặc biệt, to và dài gấp đôi lạp xưởng thường, và ngon, ai cũng thích. Làm không kịp bán. Tiền bán lạp xưởng nhiều hơn tiền lương ba dạy học, ba nói. Ba dạy tại trường tiểu học của quận. Học hết tiểu học, nếu ai còn muốn học tiếp phải đi Gò Công, nhà giàu thì đi Sài Gòn. Chị học lớp nhì nhất niên, trên nó hai lớp, sau chắc là được đi Gò Công ở nhà dì Hai học tiếp.
Nó thích bắn chim bằng ná giàn thun, bắt chước tụi nhỏ học trên lớp làm nguyên được cái ná. Nó khéo tay, ná của nó xịn hơn của tụi kia. Một hôm nó rình bắn chim bồ câu hàng xóm, trúng cái bịch, con chim nhìn nó rồi bay đi tỉnh bơ. Nhưng nó bắn chết được chim sẻ, chim sâu, chim chào mào, và vài thứ chim khác nó không biết tên. Nó cũng thỉnh thoảng đi câu cá rô, câu tôm, câu ếch, bắt nhái. Vùng nó người ta ăn cả nhái xào gừng, tỏi, ăn ngang xương, bảo rằng ngon hơn ếch. Ngoài ra nó chẳng còn thú vui nào khác nếu nó không biết bịa đặt ra trò chơi cho chính mình, mà tới trường thì chán. Má nó thường mắng con không chịu chăm học lớn lên đi làm lơ xe đò. Nghe vậy nó càng thích, làm lơ thì sướng quá, ngày nào cũng được đi xa, có thể đi Gò Công, đi Sài Gòn, nếu được làm lơ cho xe đò đường dài.
Hôm nọ nó dụ tụi nhỏ lội qua vàm sông nước lợ đi bắn chim, mò cua, bắt nhái suốt ngày. Ham chơi quên cả ngày giờ, chiều mới về, bị ba chặt ná, đánh đòn, lại còn bị má lần này chiều ý ba phạt không cho nó đi Gò Công.
Nó đứng ngơ ngẩn trước ngã ba nhìn con đường trải nhựa đen dưới cơn nắng cháy. Con đường như đang bốc khói trắng. Khi có gió thổi tạt tới càng thêm nóng, gió như gió từ lò lửa không bằng. Nó cởi phăng cái áo sơ-mi cụt tay đang mặc, quấn quanh bụng, ở trần cho khoẻ. Từ ngã ba đi thẳng, đi thật xa, đi bằng xe đò mới nổi, sẽ lên phà qua con sông thật bự, rồi tới nhà dì Hai. Nó biết vì nó đã được cho đi thăm dì dượng Hai mấy lần. Vui ơi là vui. Dì thương nó hơn chị. Nó chỉ có một bà dì, chị của má. Nếu tới ngã ba quẹo mặt, sẽ tới trường nó học, rồi tới Quận, toà nhà lớn, có lính gác, có hàng rào chung quanh.
Buồn tình, nó ngồi trệt xuống đất vọc cát, rồi lượm mấy hòn đá sỏi nhỏ tròn dồn thành một đống, xuýt xoa, những hòn này bắn chim hết sẩy. Ô, nhưng ná bị chặt rồi! Nó đứng dậy bứt rứt, sẵn có mấy hòn đá trong tay, ném đại vào cột đèn điện gần đấy. “Đấy” hay “đó”? Cô giáo gốc Bắc thích chữ “đấy” hơn. Nó ưa nhái tiếng Bắc, nghe thiệt vui tai. Tiếng Trung thì nó chưa hề nghe. Có chi lạ là nó bắt chước liền. Hòn trúng, hòn trật, vang lên những tiếng kêu khô khốc, chán chê. Nhưng còn hơn đứng đó không biết làm gì. Nó luôn luôn nhúc nhích như con giòi, múa máy như con khỉ, chị nó nói. Không bao giờ ngồi yên được. Nó lượm thêm đá ném, ném, hết hòn nọ đến hòn kia. Mồ hôi bắt đầu tuôn ra ướt cái đầu tóc cụt, cái lưng trần cũng ướt. Bỗng một xe nhà binh chạy trờ tới, một thằng Tây lái. Tại sao thằng? Thấy người lớn kêu thằng, nó cũng kêu thằng. Còn Tàu thì là chú, tức là chú em như có lần nó nghe nói. Em út trong nhà mà.
Mắt nó loà trong nắng, đầu nó nóng muốn khùng. Chạy tới đây phá đám hả? Đã thế, ném xéo một phát doạ chơi. Không ngờ xe lao tới mau hứng ngay hòn đá. Nó giật mình. Chiếc xe thắng két, đậu lại. Nó hoảng hốt. Thằng lính Tây, lính hay sĩ quan, nó không biết cấp bậc, nhảy xuống xe. Nó thoáng thấy trên mặt thằng Tây có máu chảy. Nó bỏ đống đá chạy biến vô nhà.
Ba đang ngồi chấm bài trước một cái bàn nhỏ, thấy nó chạy ào vô, liền đứng phắc lên. Tên lính trẻ, cao lớn, bước vô theo. Nó chạy tuốt vào trong, núp sau cái vách lửng nhìn ra thấy hết. Ba cũng cao to dưới con mắt nó, nhưng so với thằng lính này, không thấm vào đâu. Mà hình như tự nhiên người ba thun lại, nhỏ hẳn đi, thiệt là lạ quá xá. Hai người đứng cách nhau không đầy hai mét ngó nhau. Ba mặt xanh lét, tay phải cầm cây viết mực đỏ hơi run run, tay trái vịn vào thành ghế. Nó ngạc nhiên vô cùng. Ba luôn luôn lạnh lùng, dữ dội, nó khiếp sợ đã đành mà chị, má, hay hàng xóm láng giềng ai nấy đều nể mặt. Nay ba sao vậy? Nó lờ mờ đoán có lẽ tại vì nó có lỗi mà ba phải xuống nước, xuống dốc đến như thế. Còn thằng lính bự kia súng bên hông, một tay thọc vào túi quần, tay kia chỉ vào vết trầy trên má. Ba đứng nín khe. Mà nó biết ba nói được tiếng Tây ro ro.
Bỗng thằng lính nói một hơi dài, nói như hét. Nó đứng sau vách nghe muốn té xỉu. Ba hơi giật mình. Mấy con chim sẻ đang nhảy cà tưng dưới mái hiên hoảng hốt bay vụt ra đường, con gà mẹ đang dẫn đàn con trước sân cục tác mấy tiếng rồi cả bầy chạy biến vào lùm rau thơm, rau càng cua, rau nhiếp cá ngoài vườn. Rồi tất cả trở lại im lặng trừ tiếng kêu tích tắc rõ mồn một của cái đồng hồ treo tường. Ba vẫn đứng yên một chỗ như bức tượng, người như càng choắt lại, không nhúc nhích, không mở miệng, không chớp mắt. Nó không biết cái im lặng đó kéo dài trong bao lâu, chỉ thấy là lâu lắm, và nó có linh cảm nếu mọi chuyện cứ im lìm như thế này trong một chút xíu nữa thôi thì tai họa khủng khiếp sẽ xẩy ra. Chắc chắn như thế.
Không hiểu sao, nó liền lê bước ra khỏi chỗ núp, run run đi tới phía thằng Tây, mắt nơm nớp nhìn ba. Bốn mắt gặp nhau, nó sợ chết khiếp, vội cụp mặt nhìn xuống đất nhưng cũng kịp thấy trong mắt ba vài tia sáng lạ thường khác hẳn mọi ngày. Thằng lính cúi xuống dang tay tát mạnh vào má trái của nó, rồi quạt ngược vào má phải. Bàn tay to như nải chuối, mỗi ngón tay là một trái chuối, nó nhớ hoài. Nó ngã ngửa, đầu nện xuống nền xi-măng nghe cái bịch. Đánh xong thằng lính quay đầu ngó ba lần chót, rồi quay đít bước ra khỏi nhà nện gót giày đinh kêu cộp cộp. Chưa đầy nửa phút sau, có tiếng rồ máy ngoài đường. Tiếp theo là im lặng. Cái im lặng lần này còn dễ sợ hơn khi hồi nhiều.
Nó không thấy đau, không khóc, tay ôm đầu, lồm cồm bò dậy, đứng lên. Nhưng sợ hãi vô cùng. Đúng rồi, nó nghĩ ra, cái sợ mạnh hơn cái đau, lấn cái đau. Không phải sợ thằng lính, mà sợ ba. Mình vừa gây ra chuyện động trời như thế này chắc chắn ba sẽ có cách trừng trị đích đáng. Nó đứng yên một chỗ, nhìn xuống đất chịu trận. Tất cả lại im lặng. Đứng lâu quá muốn quỵ chân, nó ngước mắt lên thấy ba đã ngồi xuống ghế từ đời nào, tay phải cầm cây viết mực đỏ. Nó không dám nhìn thêm. Nó đoán ba chờ má đi chợ về rồi ba má sẽ cùng nghĩ cách trừng phạt. Lần này chắc chắn má về phe ba. Mồ hôi nó chảy ra ướt đầu, ướt tóc, ướt rát hai má, ướt thân hình, ướt cả cái quần xà lỏn. Quần ướt mồ hôi hay són đái, nó đoán cả hai. Chỗ nào cũng ngứa ngáy quá hết chịu nổi, nhưng ngứa cái cổ nhất. Nó không dám đưa tay lên gải, lại nín thở len lén nhìn ba. Ba vẫn trong tay cây viết mực đỏ, mắt chăm chú nhìn xuống mặt bàn, ngồi thừ. Nó lần từng bước đi lui vô phòng trong, cố không gây tiếng động, ngồi nhẹ xuống giường, đưa tay gãi cổ trước, rờ mặt sau. Bây giờ nó mới cảm thấy hai bên má đau buốt, cái đầu muốn long ra khỏi cổ. Ngồi lâu mỏi, nó nằm xuống ngủ thiếp lúc nào không hay.
Bỗng nổi lên tiếng la lớn: “Con sao vậy? Trời ơi là trời.” Nó giật mình dụi mắt ngồi dậy đưa tay che mặt. Má đặt rổ đi chợ xuống đất, kéo nó ra phòng ngoài coi cho rõ, lại la lớn hơn. Thường má theo phe ba, sợ ba, im ru bà rù hoặc nói ít câu thôi khi thấy nó bị ba đánh. Bây giờ má gào lên: “Sao đánh con dữ thần vậy, anh ơi? Con mình mà, sao đánh nó như đánh kẻ thù không bằng, hả anh? Đau xót cho tui quá.” Ba vẫn ngổi yên trước bàn, cau mày khó chịu. Nó sợ quá. Rồi má vội xuống nhà bếp lấy muối lên thấm nước vào, mấy ngón tay run run đắp muối lên mặt nó, tránh hai con mắt và lỗ mũi. Vạch tóc đắp muối lên cả cái đầu u. “Ông ơi,” má nói trong nước mắt, “khổ cho con tui lắm, chắc phải đem nó đi nhà thương.” Nó càng run bần bật. “Mà con làm cái chi chi để bị đánh đập tàn nhẫn đến như vầy, hả con?” Như mọi lần khác bị đòn, dù có lỗi hay không, huống là lần này, nó không nói lại, cãi lại với ba má một lời nào.
Hôm sau mặt nó sưng vù. Cái đầu u có tóc che ít bị thấy. Nó chờ đợi. Nó chờ đợi hình phạt. Hết ngày đầu tiên không thấy gì. Qua ngày sau cũng thế. Nó phải nghỉ học cả tuần lễ chờ cho cái mặt bớt sưng. Rồi tuần sau, tuần sau nữa cũng không thấy ba đả động tới chuyện đó. Lạ quá, nó không hiểu nổi. Thế là chìm xuồng? Thế là tai qua nạn khỏi? Má nó hỏi chuyện, chị nó cũng tò mò muốn biết, nhưng nó nín thinh. Nó có linh cảm rằng ba đã im thì nó phải im theo. Như vậy mới yên thân. Có điều gì đó thật “quái chiêu” mà nó chỉ cảm thấy lơ mơ trong đầu, không rõ đâu vào đâu. Thì phải tìm cách nghe lén. Má hỏi ba thêm mấy lần, ba gắt “đừng hỏi nữa.” Rồi ba bỏ đi ra khỏi cửa. Thế là hết, mọi thứ chìm xuồng thiệt rồi, tai qua nạn khỏi rồi, nó mừng rơn.
Từ đó ba đổi tính. Chợt vui, chợt buồn. Có lúc bồn chồn, đứng ngồi không yên, có lúc thừ người trên chiếc ghế dựa, tay cầm cây viết mực đỏ, đầu cúi gầm nhìn mặt bàn. Má rất buồn lòng vì cái bộ tịch lạ lạ của ba. Một lần má nói ngay trước mặt nó: “Biểu nó từ rày về sau đừng nghe lén nữa, xấu lắm, rằng cái thằng này quậy quá trời, anh trị cho nó một trận hôm đó cũng đáng đời nó rồi, mà nó chỉ đau mấy hôm, nay đã lành hẳn, lại biết lỗi bớt ngỗ nghịch, thì việc gì anh buồn?” Ba quát: “Khổ lắm, xin đừng làm rộn nữa.” Má lầm bầm những gì trong miệng nó không thể đoán ra.
Nghe lén xấu? Thôi, không thèm làm vậy nữa là xong, nó tự nhủ.
Nó còn thấy ba có một thói quen mới. Ba thường cầm chặt trong tay cây viết mực đỏ đó cả những khi ba không chấm bài. Thì, như chớp nhoáng, hình ảnh thằng Tây to lớn hiện lên, đi ra, đi vô cái phòng khách phải cúi đầu cho khỏi bị cụng, thân hình che gần lấp hết cánh cửa, cái phòng tối sầm lại, và thế là nó vội nghĩ sang chuyện khác ngay, hoặc tìm chơi bất cứ cái trò gì có thể nghĩ ra để đuổi đi những đám mây mù muốn bám vào đầu, vào bụng. Đúng thế, nó cũng có nghĩ bằng bụng chớ không phải chỉ bằng đầu, như “thưa Thầy con nói lộn, trong bụng con đâu dám nghĩ vậy. Và có lúc người ta nói những câu con làm bộ chăm chỉ nghe nhưng trong bụng không hiểu gì cả.” Và nó cũng có khi “nghĩ” bằng rờ. Và có thể bằng thứ khác nữa.
Nó rất có tài đẻ ra trò chơi cho chính nó. Tờ lịch treo tường vừa lột ra xếp thành tàu thuỷ, máy bay, xe tăng; nó khều tổ chim ròng rọc từ cành mận cao đem vô làm găng tay võ sĩ đánh bốc; tàu lá thốt nốt mới rụng sau vườn, nó lấy đọt làm thanh gươm cong; tàu dừa khô, giữ nguyên lá làm áo giáp lè kè; trái bưởi to vỏ dày, lấy dao xẻ dọc vỏ bên ngoài thành nhiều khứa, tét ra làm mũ trụ đội lên đầu; vân vân. Ngay cả tàu lá chuối má vừa cắt, nó lấy ngay cái cuốn giữa cứa ngang lưng chừng nhiều nhát cách nhau hai lóng tay lật những khứa dựng lên rồi đưa bàn tay vuốt mạnh một phát từ trong ra ngoài kêu lên rẹt rẹt như tiếng súng liên thanh. Nó tức cười thấy đồ chơi của mình sao toàn là những thứ dùng để “ra trận” — hai chữ đó về sau nó mới hiểu. Coi bộ mình lớn lên sẽ bắt chước đi lính như thằng Tây đánh nó. Lính quyền lắm.
Từ hồi đổi tính, ba không gắt gỏng với nó, cũng không đánh nó. Chính nó cũng có thay đổi, bớt lêu lổng, chịu khó học hành đôi chút. Và hết ghét ba. Đúng ra, thương. Có phải vì không bị đánh, không bị la, mà thương? Chắc không phải chỉ vì thế mà thôi, nó biết. Thỉnh thoảng ba kín đáo nhìn nó, nó giả bộ ngó quanh, nhưng thấy. Ánh mắt của ba có chút ấm áp chứ không lạnh tanh như trước kia, và lạ quá, luôn luôn nặng trịch buồn và đau. Sao vậy hả ba?
Một hôm, trong bữa ăn tối vui vẻ, vui vẻ vì ba bỗng dưng ưa bắt chuyện với má chứ không lầm lì như hổm rày, và ngon lành vì có món khô cá sặt nướng trên lò than hồng xé ra ăn với dưa chuột giầm nước mắm tỏi pha đường chanh ớt mà ba rất thích, mà nó không thích. Ba nhắp trước một tí rượu mạnh, không phải bia như thường lệ, rồi hỏi nó nhưng mắt chăm chú nhìn má:
“Mày có muốn, con có muốn, đi với ba không?”
“Đi đâu, ba?”
“Không cần biết.” Ba xoay xoay chung rượu trong lòng bàn tay. “Mày, à con cứ trả lời con có đi theo ba không cái đã?”
Má chen vào:
“Anh lạ chưa, phải nói đi đâu trước. Tui biết tỏng hết rồi. Anh tính cho nó đi dì Hai bù lần trước chớ gì?”
“Không phải.”
“Vậy đi đâu?” Má hỏi tiếp
“Đi bưng.”
“Đi bưng cái gì? Đi bưng là gì?” Má tươi cười tiếp lời.
“Bưng biền.”
“Cái anh này! Hết chuyện giỡn rồi hả?”
Nó chăm chú nghe, chị nó cũng ngạc nhiên nhìn ba. Ba bỗng nghiêm giọng, nói chậm rãi từng tiếng một:
“Anh không giỡn. Đã liên lạc với người ta.”
Má hơi giật mình, mặt má bỗng tái xanh, tay run run đặt chén cơm xuống bàn ăn. Ba làm như không thấy, quay qua nó nhắc lại câu hỏi:
“Sao? Con có muốn đi với ba không?”
Nó đáp như máy: “Dạ, dạ. Con đi với ba, con đi với ba.”
“Tốt lắm.” Ông đặt chung rượu xuống bàn, gắp miếng khô cá sặt cho vào chén để đó mà ngó chằm chằm, chứ không ăn liền như mọi khi. “Vậy là xong, ba chỉ cần biết có thế.”
Má bật khóc. Chị chẳng biết gì cũng thút thít theo. Má lấy mấy ngón tay chùi ngang nước mắt đang chảy dài, nói nghẹn giọng:
“Nhưng... nhưng tự nhiên... sao lại phải đi? Có chuyện gì vậy?”
“Có chớ.”
“Chuyện gì hả anh?” má rụt rè hỏi.
“Chuyện của đàn ông, bà không cần biết.”
“Anh nói lạ chưa! Cứ cho em nghe thử.”
Ông thở dài:
“Tui biết nói sao đây. Chính tui cũng không hiểu cho rõ ràng thì làm sao nói cho bà hiểu.”
“Nếu thế xin anh nghĩ lại. Nhà mình đang yên ổn, anh đi dạy, con đi học, em phụ. Em xin anh, em lạy anh...”
“Tôi đã quyết định dứt khoát,” ba bỗng nhiên cau có nói lớn. “Mọi chuyện đã xếp đặt đâu vào đấy. Đi vài ba năm thôi rồi sum họp lại.” Rồi ba nói như nói cho một mình ba nghe: “Ta sẽ thắng, sẽ thắng. Chắc chắn như thế.”
“Anh nói cái gì vậy?” má ngạc nhiên. “Hay là anh...”
Ba ngắt lời ngay:
“Không, không có chuyện hay là hay không hay là cái gì cả. Thôi, đừng nói thêm nữa.”
“Ô kìa,” má quắc mắt, giọng nói cứng lên, “thì tui cũng có quyền trong cái nhà này chớ. Này, này anh để cho em...”
Ba dịu giọng:
“Được rồi. Đây là chuyện của người lớn, khi khác nói tiếp.” Ba gắp miếng khô cá sặt. “Bây giờ má nó bưng chén lên đi chớ. Ăn cho xong bữa cái đã.”
Má không chịu bưng chén, càng khóc lóc thảm thiết:
“Mình chỉ có nó là thằng con trai. Anh nghĩ lại giùm cho em.”
Cuối cùng ba chiều ý má, không dắt nó theo, đi một mình. Nó không biết nên vui hay nên buồn, nhưng nó biết chắc nếu đi, nó sẽ nhớ má chịu không nổi đâu. Chưa đầy một năm sau, được tin ba bị nạn. Ba bị mang những tội, những danh từ mà lớn lên nó mới hiểu: “Phát biểu linh tinh, chưa chịu ‘đầu hàng giai cấp’, điều nghiên kỹ thấy động cơ thoát ly có chỗ đáng ngờ, và lại thuộc thành phần gia đình phản động, phản quốc.” Từ đó không còn tin tức gì của ba nữa. Ba chết rồi, chị nó bảo hàng xóm nói thế. Má không tin, đi coi bói hết thầy này đến bà khác như đi uống thuốc an thần. Và chờ ngày chờ đêm.
*
Hơn 30 năm sau. Một thiếu tá của Quân Lực Cộng Hoà đang vừa cùng đoàn tù bước ra khỏi “tàu há mồm” đi hàng một trên đất lạ. Đây là Hà Nội, hay Hải Phòng, hay Nam Định? Những người tù thì thầm bàn tán. “Chắc không phải đâu. Phải là những nơi xa xôi, hẻo lánh. Tù đông, thành phố nào chứa nổi, nhốt vô rừng là thượng sách nhất, là đúng nhất.” “Thôi đi, biết thế nào là đúng là sai. Suốt mấy tháng nay, có ai nói trúng được chuyện gì đâu. Cái suy nghĩ của mình hoàn toàn khác với họ.” Riêng ông không nói một lời.
Suốt mấy hôm đứng, ngồi, nằm, bò, cằn, lết, tiểu tiện, đại tiện trên khoang tàu chật như nêm, ông không tham gia vào những bàn luận thường là buồn chán, nhảm nhí, vô bổ. Có người cứ thắc mắc tương lai sẽ ra sao. Không thể biết được thì hỏi làm chi. Trong hoàn cảnh này tốt hơn hết là im lặng chịu đựng, chịu đựng những đói khát, ngột ngạt, nóng bức, hôi hám, bạc đãi. Và cả cái chết, khi nó đến, cũng đừng lấy làm lạ. Ông biết ông chịu đựng được tất cả, mà những người khác cũng thế. Sức người thường rất kiên cường trước nghịch cảnh.
Tương lai tối tăm mù mịt, hiện tại nhầy nhụa, quái quỷ. Còn quá khứ? Ông nhớ lời một vị thiền sư, đại khái là hãy bỏ lại quá khứ đằng sau lưng. Nếu làm được vậy, ông còn gì? Ông sẽ trở thành gỗ, đá, thực vật? Thôi, cứ để quá khứ xuất hiện. Nó đeo ông dai dẳng, khi tỉnh thức cũng như trong giấc ngủ, đột ngột, tình cờ, thất thường, chồng chất, chằng chịt. Hãy xem nó như một người đồng hành, nó sẽ giúp mình khỏi phải để ý đến chuyện bây giờ, khỏi phải nghĩ đến chuyện ngày mai. Khỏi phải dòm ngó cuộc đời. Đời sống bây giờ có lối đi riêng của nó, mình có được tham dự vào hay không? Giả dụ có muốn tham dự đi nữa, nó cũng đẩy mình ra ngoài rìa.
Nào, nào, thế thì hãy lui tới với nó, trò chuyện với nó, quá khứ và kỷ niệm.
Trận An Lộc, tiểu đoàn của ông, một tiểu đoàn anh hùng, đánh tan quân địch đông gấp nhiều lần. Hành quân trong rừng xong, bắn trúng một con chim ưng to lớn. Nó rơi từ ngọn cây cao xuống đất, một cây bàng mọc hoang, không chết. Bảo lính cột nó lại, kéo hai cánh xoải dài ra che kín cả mũi xe bọc thép, cánh vẫn còn dư, còn thò hai đầu mút. Cứ thế xe sẽ chạy về hậu cứ như chim bay đẹp biết mấy với con đại bàng to chưa từng thấy. Nhưng kìa cái ánh mắt, ánh mắt của nó khi nó nhìn lại. Sáng quắc, không tỏ chút đau đớn, khiếp nhược, hay sợ hãi. Và lặng lẽ, cô đơn giữa đám người, đám sinh vật lạ, đi lui đi tới chỉ trỏ, trầm trồ. Bỗng ông xúc động, tự tay tháo gỡ con chim ra khỏi mũi xe. Thấy vết thương nó nặng quá khó sống nổi, cái đầu, cái mỏ uy nghi rướn lên được một chốc rồi gục xuống cái ức đầm đìa máu, rồi cố rướn lên. Ông bắn cho nó phát súng ân huệ, bảo lính đào hố chôn bên gốc cây bàng. Lính xin rứt ra mấy cái lông cánh đem về chưng, đẹp quá, ông không cho. Từ đó ông thề không bắn chim ưng hoặc bất cứ chim gì khác. Trận Đức Cơ thua chạy dài, đói khát, hết đạn, đơn vị thương vong nặng, mình còn nguyên, thì nhận huy chương, thì được về phép, giận dữ, đau đớn, say rượu trong quán nhậu, đứng lên rút súng ra, mới thấy bên bàn đối địch có thằng em họ phục vụ trong một đơn vị khác. Hú hồn. Còn ở A Sao, đột kích chớp nhoáng, địch chết nhiều bỏ chạy, không kịp mang theo thương binh. Trực thăng tải thương hạ cánh nhanh, cất cánh nhanh, để tránh khỏi bị lọt vào vòng vây, ra lệnh tải cả thương binh bộ đội đang nằm co quắp, rên rỉ lên máy bay, không phân biệt ai trước ai sau, ta hay địch. Và những ánh mắt ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Trận, lại trận... Thôi. Suốt cả thời trai tráng lao mình vào chinh chiến, nói sao cho hết các kỷ niệm về trận mạc. Hãy để dành đó.
Hãy thử nhìn lại những chuỗi biến cố, kỷ niệm khác. Hãy lật lại những trang sách khác của đời mình. “Giở lại trang sách đời”, câu đó đọc ở đâu nhỉ khi còn nuôi cái thú đọc sách, khi tuổi còn trẻ, tóc còn xanh, quê hương còn thanh bình?
Như một cuốn phim diễn ra trước mắt. Nền Đệ Nhất Cộng Hoà, trong mấy năm đầu, tuyệt vời. Thực dân Pháp đã phải ra đi. Tất cả địa danh, tên đường, tên cơ quan nhà nước bằng tiếng Pháp đều được đổi qua tiếng Việt. Quốc Hội Lập Hiến, Hiến Pháp, Quốc Hội Lập Pháp, ra đời. Nhân tài từ nhiều nơi ở nước ngoài trở về cùng nhân dân trong nước ra sức xây dựng Miền Nam thành một quốc gia độc lập, dân chủ vững mạnh, được hầu hết các nước trên thế giới thừa nhận và lập bang giao. Từ Bến Hải đến Cà Mâu, sức sống bừng bừng trỗi dậy. Mưa thuận gió hoà, lúa má đầy ruộng, đầy đồng, đầy kho, đầy vựa; cá tôm đầy ghe, đầy thuyền, đầy sông, đầy biển. Công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh, Giáo Dục, Xã Hội, Văn Hoá đều thăng tiến. Ấm no, hạnh phúc nơi nơi.
Chị đã có chồng là sĩ quan lái trực thăng đóng ở Cần Thơ, mẹ ở với gia đình chị. Anh — “nó ngày xưa” — cũng đã trưởng thành, vừa vào Đại Học vừa làm việc thêm kiếm sống dễ dàng. Bạn bè nở rộ như hoa, được tăng cường thêm người Bắc di cư, người Trung vào Nam. Nhưng cuộc đời không “xuôi chèo mát mái”. Cộng Sản Miền Bắc không để yên cho Miền Nam xây dựng. Cuối thập niên 1950, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam trực thuộc Miền Bắc ra đời và khởi đầu chinh chiến cùng những xáo trộn trên chính trường Miền Nam. Chưa xong Đại Học, theo lệnh động viên, anh nhập ngũ, hăng say lên đường ra tiền tuyến. Bạn của anh cũng có một số trốn lính, hoặc nếu không trốn được thì cố chạy chọt để được đưa đến những đơn vị không trực tiếp chiến đấu. Anh tự hỏi: tại sao anh khác những người bạn ấy? Và anh có câu trả lời: niềm hăng say của anh một phần không nhỏ bắt nguồn từ những suy nghĩ về người cha của mình, về những nỗi khổ tâm mà ba đã trải qua mà hồi đó còn nhỏ anh không hiểu, và về cái chết ấy.
Đơn vị cuối cùng anh chỉ huy trước khi Miền Nam thất thủ là một tiểu đoàn trấn đóng tại Cao Nguyên Trung Phần, dạn dày chiến trận, lập nhiều chiến công vang dội.
Đang giữ vững từng ngọn đồi, từng khe núi, từng dòng sông, từng tuyến đường, bỗng phải bỏ tất cả rút lui trong hỗn loạn. Rồi một số đơn vị trưởng cấp quân đoàn, sư đoàn tháo chạy ra nước ngoài, một số tuẫn tiết, một số chiến đấu trong tuyệt vọng, thiếu đạn dược, thiếu vũ khí. Nhiều đơn vị quân đội bơ vơ như rắn không đầu. Tiếp đến, nước vỡ bờ. Miển Nam đang vươn lên thần tượng bỗng gục ngã; dây liên kết với Đồng Minh vĩ đại nhất, hùng mạnh nhất trên thế giới bỗng đứt đoạn. Khi được lệnh đầu hàng, cùng với nhiều người tuẫn tiết, hai vị Tư Lệnh và Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV tự sát, anh rể ở Cần Thơ lái trực thăng cùng mẹ và chị bay ra Phú Quốc. Anh buông súng.
Cuốn phim khép lại bằng hình ảnh đoàn tù đi hàng một trên đất lạ.
Tóc đã hoa râm tuy ông chưa tới bốn mươi, gương mặt rắn rỏi, cương nghị trong bộ đồ tù nhầu nát, rách rưới. Đằng trước đoàn tù một quãng ngắn, một cán bộ ánh mắt đầy thù hận long lên như lửa, cầm loa hô to “Đồng bào hãy bày tỏ thái độ đối với bọn này, bọn nguỵ quân, nguỵ quyền, bọn phản quốc, bọn chỉ thích ăn gan người, uống máu người.” Bên đường bỗng đâu lù lù một đống đá. “Đồng bào còn chờ gì nữa, hãy lên tiếng ngay, hãy hành động ngay, hãy nguyền rủa chúng nó, hãy ném đá vào đầu chúng nó.” Tiếng loa càng lúc càng xé không gian ra thành những mảnh vỡ, thôi thúc, gay gắt, đe doạ. Dăm ba người lượm đá ném. Chậm chạp, uể oải. Chả trúng trật đâu vào đâu.
Bỗng từ đằng trước, một đứa bé khoảng bảy, tám tuổi chạy ngược về phía đoàn tù, tay cầm hòn đá lớn. Khi chạy đến gần ông, nó vung tay ném mạnh, hòn đá trúng ngay vào mặt ông. Ông choáng váng trong vài giây, lấy tay ém vào vết thương, máu trào ra những kẽ ngón tay chảy xuống bàn tay, cổ tay. Người tù đi trước khựng lại, người tù đi sau nhảy chồm tới, hai người lính bộ đội lập tức chĩa súng, lên đạn. Ông cũng dừng lại một bước, rồi cất tay ra thử, máu vẫn còn chảy, đè ngón tay lại ém lên vết thương, bước dài thêm cho kịp đoàn tù đang đi. Đứa bé hoảng hốt chạy ngược trở lui đến ôm ngang hông một ông già độ bảy mươi tuổi đang đứng dưới một cây bàng cao, lá lác đác chuyển từ xanh qua vàng. Mùa Thu chưa đến. Có lẽ ông già là ông nội hay ông ngoại thằng nhỏ. Vâng, con đường phố này có những cây bàng cao đứng thành hàng dài. Chắc chúng đã được trồng cách đây cả trăm năm, chứ không phải như cây bàng mọc hoang trong rừng vắng để con chim ưng vô tình đậu trên ngọn cao và lãnh một viên đạn chí tử vào ngực. Ba bốn người đến vây quanh ông già và đứa bé, hỏi han.
Khi đi đến gần nhóm người vây quanh ấy, ông vô tình đưa mắt nhìn và gặp ngay đôi mắt của ông già. Ánh mắt buồn, đau, xót xa trên khuôn mặt gầy gò. Nếu còn sống, chắc cha ông cũng cùng tuổi với ông già này, ông chợt liên tưởng. Ông dừng cái nhìn rất nhanh vào ánh mắt đó một lần chót. Đoàn tù đã đi hết con đường có dãy bàng cao, và sắp rẽ qua một lối xóm vắng tanh, xơ xác. Văng vẳng trong gió tiếng loa xa. Có lẽ một đoàn tù khác đang đến, ông ngẫm nghĩ.
Ngự Thuyết