Nhà văn Trần Hoài Thư
dinhcuong
Chẳng phải bây giờ tôi mới đọc truyện của Trần Hoài Thư qua mấy tác phẩm anh góp nhặt và in lại từ Văn và Bách Khoa. Mà do nhu cầu công tác tôi được kể là ‘chuyên viên đọc’ khi phụ trách về điểm báo và chủ biên tin tức chiến sự cho một cơ quan tư tưởng đầu não của quân đội vào thời cao điểm của cuộc chiến, thì một nhà văn trẻ đầy triển vọng kiêm phóng viên chiến trường chịu lặn lội vùng đồng bằng sông Cửu có bút danh Trần Hoài Thư không thể ra ngoài ‘tầm ngắm’ của chúng tôi.
Tình cờ khi viết bài cảm nghĩ về Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu (đăng trên Da Màu), tôi ước mong tác phẩm được xuất bản ở hải ngoại để quần chúng cùng thưởng thức, thì không ngờ trong một lời bình của độc giả, nhà văn Trần Hoài Thư cho biết Thư Quán Bản Thảo đã làm việc này. Tôi mau mắn gửi mua và được anh tặng thêm cho hai cuốn trong đó có Truyện từ Bách Khoa anh vừa xuất bản (2011). Tôi cứ băn khoăn vì được tặng chứ không mất tiền, dù anh nói chưa quen nhưng có đọc một số bài của tôi.
Đọc xong cứ để đó, thỉnh thoảng tôi lại xem. Định viết cảm nghĩ nhưng thấy nhiều cây bút uy tín trong đó có cả bạn anh đã viết nhiều về anh và khi nhìn lại khối lượng đồ sồ về những tác phẩm anh viết và xuất bản sau thời Bách Khoa cùng công việc anh miệt mài cho sinh hoạt văn học nghệ thuật tại hải ngoại mấy thập niên gần đây mới thấy công trình này đã ‘phủ bóng’ lên những tác phẩm đầu tay của người viết văn kiêm người lính trận năm xưa.
Suy nghĩ như vậy có vẻ lô-gích, nhưng hình như không phải cách nhìn của Trần Hoài Thư, thực sự anh vẫn trân trọng những tác phẩm đầu đời, được viết bằng tâm tư giằng xé và trải nghiệm sinh tử của người lính trẻ, được chắt lọc và hình thành từ những chất liệu sống pha đầy máu, mồ hôi và nước mắt của nhiều số phận trong một thời đất nước điêu linh, được lưu lại bằng những trang giấy học trò nhòe nhoẹt nhàu nát ghi vội trên đường hành quân mà nhiều khi bản thảo chưa đến tay chủ biên thì người viết đã được tản thương về một trạm quân y hay một nhà quàn dã chiến một nơi heo hút (trích ý viết trong Lời mở của sách).
Những vốn quí này không thể mua mà có, không thể có rồi dễ quên, không thể quên rồi chối bỏ, mà đã trở thành tư liệu vật thể trong văn học khi những người lính vừa chiến đấu vừa cầm bút để thuật lại những gì họ thấy, họ cảm nhận như những nhân chứng sống để rồi viết lại, chia sẻ với người cùng thời và các thế hệ sau.
Dù cho lịch sử có sang trang, quân đội có tan hàng, lòng người có ly tán, nhưng mãi mãi các tác phẩm văn học trong thời chiến vẫn là những đóng góp và ảnh hưởng nhất định cho ‘hai mươi năm văn học miền Nam 1954-1975 ’ vốn bị nhà cầm quyền trong nước tìm mọi cách cấm đoán và triệt tiêu từ sau biến cố 30-4 nhưng may mắn thay những người sống sót sau cuộc chiến ở hải ngoại mới đây đã tập hợp, nhìn lại và đánh giá đúng mức qua một cuộc hội thảo văn học vừa qui mô vừa tầm vóc do hai tờ nhật báo lớn của quận Cam và hai diễn đàn văn học mạng uy tín phối hợp tổ chức.
Cũng phải kể những tờ như Bách Khoa, như tờ Văn của một thời Sài gòn vang bóng đã có công tạo sân chơi cho các cây viết triển vọng và các chủ biên giàu lương tâm nghề nghiệp (như Lê Ngộ Châu) đã khích lệ văn nghệ sĩ hãy sống và viết như họ đang sống. Nhiều bài viết nhiều câu chuyện đã thực, sống động đến nỗi lưỡi hái kiểm duyệt của cơ quan thông tin miền Nam phải cắt xén để khỏi dao động tinh thần chiến đấu của binh sĩ.
Môt số truyện ngắn của Trần Hoài Thư cũng nằm trong trường hợp này, tôi hiểu và không lấy làm lạ ngay trong truyện ngắn đầu tay của anh đăng trên Bách Khoa ‘đã bị kiểm duyệt bỏ trắng nhiều đoạn’ ngoài ý muốn của tác giả và chủ biên tòa soạn. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, các nhà văn nhà báo họ có một giác quan thứ sáu rất bén nhạy, họ biết chỗ nào sẽ bị cắt và họ vẫn né tránh được lưỡi hái làm hại chữ nghĩa để rồi cuối cùng những gì họ muốn gởi gấm vẫn đến tay bạn đọc.
Quay lại chủ điểm của bài viết, mấy tháng gần đây người ta hay viết và nhắc nhiều đến Trần Hoài Thư, một cây bút được nhiều cảm tình của những người lính cựu, một nhà văn được vị nể của những bạn văn và độc giả yêu văn chương. Tôi phục chị Hải Hà đã mở miệng được anh để có một cuộc trò chuyện khá thú vị. Qua đó tôi mới hiểu về anh nhiều hơn, mới biết một con người vốn chiến đấu can trường chưa đầy ba tháng thương tích hai lần trong đơn vị thám kích của một sư đoàn bộ binh đóng dọc phía đông Trường Sơn lại là người sĩ quan tự đào ngũ để vào quân lao tỏ thái độ phản kháng những phi lý của cuộc chiến tranh mà trước đó dù bị đẩy đưa vào chỗ chết anh vẫn chiến đấu hết mình trong tác phong và trách nhiệm của người lính.
Cũng may là tôi chưa viết về anh vào thời điểm khi đọc xong cuốn sách, chứ chỉ dựa vào văn phong, vào nội dung của từng cốt chuyện, vào nhân vật không gian và thời điểm, vào những gì tác giả muốn gởi gấm, qua cách nhìn bình thường của người điểm sách thì quả là hời hợt khi chưa nắm bắt được tâm tư tác giả, quá trình bản thân, hoàn cảnh sống, môi trường được đào luyện, động cơ sáng tác, những quan hệ bạn bè, những mối tình lớn nhỏ, những vùng đất đi qua, những dấn thân, hy sinh, những thử thách, thành công và thất bại của cuộc đời, nói chung là những chi tiết mà bạn bè bạn văn của anh tình cờ hé lộ qua chân dung đích thực của một nhà văn. Chẳng vậy mà khi muốn phê bình hoặc quảng bá cho một cuốn sách mới ra mắt người ta có thói quen tìm và trò chuyện với tác giả, nhưng chẳng phải dễ khi tiếp cận được những tác giả vừa có tài vừa quá khiêm tốn.
Tôi chưa có dịp gặp anh, nhưng cứ nhìn hình ảnh từ thời áo lính thư sinh qua tấm bìa của sách so với hình hài mai một qua những ký họa lúc về chiều, rồi liên hệ với thực tế cuộc đời, Trần Hoài Thư quả là một con người ‘thép’. Có ai trong chúng ta từ thơ ấu đến tuổi lập thân do tình cờ của số phận đã trải qua trại mồ côi, rồi nhà trường, quân trường, chiến trường, quân lao trước chiến tranh, rồi trại tù cộng sản, nhà tù lớn, trại tỵ nạn trên Biển Đông sau chiến tranh, rồi làm lại từ đầu nơi xứ người cũng bắt đầu từ nhà trường trở thành kỹ sư thảo chương, miệt mài lao động suốt 25 năm cho một công ty hàng đầu của Mỹ. Vừa lao động trí óc vừa lao động chân tay, vừa sáng tác vừa in ấn, vừa biên tập vừa phát hành, bảy mươi vẫn chưa nghỉ, vẫn chẳng hưu và lo cho bản thân, dù thân xác đã ghim đạn của VC và những chứng bệnh kinh niên không hẹn mà gặp lúc tuổi về già.
Tôi cũng có thời mặc áo lính và trải qua 12 năm trong trại tù cộng sản nhưng vẫn ‘chóng mặt’ khi đọc những trải nghiệm của anh, một người lẽ ra phải được thư nhàn thanh thản như cái tên Trần Quí Sách cha mẹ đặt cho rồi Trần Hoài Thư do tự chọn vì yêu và trăn trở với chữ nghĩa.
Tôi đoán là anh cũng muốn yên thân khi chọn cho mình nghiệp nhà giáo (giáo sư toán của một trường trung học đất Tam kỳ, quê của các bạn văn Trần Yên Hòa, Nguyễn Lương Vỵ). Nhưng họ đưa anh vào lính, mà lẽ ra độ mắt cận thị của anh theo luật thì được miễn hoặc hoãn. Anh bị thương hai lần không chết, anh đã sống và tồn tại theo cách riêng của anh.
Đọc những bút ký chiến trường của anh trong Bách Khoa bỗng dưng tôi thấy thương hại anh khi cứ phải mầy mò tìm kính lau kính vì chiếc poncho không đủ kín để che những giọt mưa của của một thời tiết sáng nắng chiều mưa đêm về lội ruộng khi anh đi theo những cánh quân của các đơn vị vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Có lúc người cầm máy cho anh khi chỉ huy chết trên tay anh, toán quân tản lạc vì bị phục kích, anh vẫn mang vết thương rỉ máu băng rừng về được nơi tải thương và các câu chuyện nằm trong quân y viện trở thành những trải nghiệm sống mà ít nhà văn viết được khi chính tác giả là thương binh và đối mặt với những cái phi lý khi các đồng đội của anh phải mất đi một phần thân thể, phế tật hay chuyển xuống nhà xác trước dòng nước mắt tiếc thương của những người vợ trẻ và ánh mắt thơ ngây vô tội của các trẻ thơ. Nỗi buồn chiến tranh làm anh trăn trở từ đây.
Càng thấy những bất công phi lý của chiến tranh anh quay sang tỏ thái độ phản kháng, dù tiêu cực và hệ lụy cho bản thân. Anh muốn làm Hà Thúc Nhân, người bác sĩ quân y chống tham nhũng cùng vào quân lao với anh. Nhân chết, Thư sống. Còn may cho anh lẽ ra từ quân lao phải ra đơn vị tác chiến dưới dạng ‘lao công chiến trường’ nhưng nhờ sự duyệt lại hồ sơ của con ngựa chứng và biết khiếu viết lách của anh, cơ quan tôi đã ‘bốc’ anh về Vùng 4 chiến thuật để làm…‘phóng viên chiến trường’ hết lội suối giờ lội sình để tường thuật và gởi các bản tin sốt dẻo cho các cơ quan báo chí quân đội cấp quân đoàn và trung ương.
Có điều thú vị khi đọc mấy chuyện của anh từ cuốn sách này, ta thấy lẽ ra trong tư cách phóng viên và nhu cầu công tác anh phải tường thuật các cuộc hành quân theo tiến trình (xin phép dùng tiếng Anh) Who, What (and) Where, nhưng vì là nhà văn anh lại đặt nặng theo cảm tính và luôn đào sâu khía cạnh How (and) Why. Anh ghét các con số báo cáo tổn thất địch ta, số vũ khí tịch thu vô tri vô giác, những buổi thuyết trình hành quân buồn tẻ mà lại hay ‘chạy đầu, đi đầu để săn nhặt những hình ảnh sống động’ và quan sát những tình huống bên lề, từ trên trực thăng nhìn xuống, có khi là em bé đang thả diều trong cảnh yên bình của một đồng cỏ xanh chỉ ít giờ sau chỉ còn con diều và cuộn chỉ,
Ngày hôm nay, tôi lại bay qua cánh đồng cỏ cũ. Trời vào hè, nắng vàng rực rỡ, chói lòa cả những áng mây xa. Con tàu như quen thuộc hạ xuống 100 bộ. Tôi không còn thấy em bé thả diều nữa. Chỉ còn cánh đồng cỏ màu vàng sậm mênh mông bát ngát. Tôi nghe một nỗi buồn đến đắng cay đầu lưỡi. Một nỗi buồn tê tái như khi nhớ lại chiếc cặp với trái soài non, những chiếc nắp ken, và con diều, cuộn chỉ vấy máu trên sân trường… (trích bút ký chiến trường Cánh Diều trên đồng cỏ tháng 3/74).
Còn rất nhiều chuyện hay và cảm động, có dịp bạn đọc xin tìm sách của anh để đọc lại như một hoài niệm, để cùng suy nghĩ về trải nghiệm của một nhà văn kiêm phóng viên, do tình cờ của lịch sử và đưa đẩy của số phận trở thành cây viết tài tử trong chiến tranh rồi thành cây bút chuyên nghiệp tài hoa sau chiến tranh.
Tiện đây người viết cũng xin tỏ lòng khâm phục người lính Trần Hoài Thư, chúc anh chân cứng đá mềm lo cho văn học, quên đi nỗi buồn chiến tranh một thời trăn trở. Cũng không quên gởi lời thăm hỏi đến hiền thê của anh, một cái bóng phụ nữ nếu không có chị chắc khó đoán cuộc đời ‘con ngựa chứng’ sẽ trôi về đâu. (Trần Hoài Thư tuổi Ngọ)
Đỗ Xuân Tê
Cali, tháng 12-2014