Cách đây đúng nửa thế kỷ, Françoise Hardy ghi âm nhạc phẩm Comment te dire adieu (Sao đành vĩnh biệt). Bản nhạc này trở nên một trong những tình khúc nổi tiếng nhất của thần tượng nhạc trẻ những năm 1960. Thế nhưng, khi đặt thêm lời tiếng Pháp cho bài này, tác giả Serge Gainsbourg đã nghĩ tới một người khác chứ không phải là Françoise Hardy. Vậy thì, người ấy là ai ?
Trong nguyên tác, bản nhạc này ban đầu là một ca khúc tiếng Anh mang tựa đề ‘‘It hurts to say goodbye’’ của hai tác giả Arnold Goland (nhạc) & Jacob Jack Gold (lời). Ca sĩ đầu tiên ghi âm bài này là Margaret Whiting phát hành trên tập nhạc The Wheel of Hurt vào năm 1966. Bản nhạc này ăn khách một năm sau đó (lọt vào Top Ten Hoa Kỳ) nhờ vào phiên bản cover của Vera Lynn.
Người đầu tiên đặt lời tiếng Pháp cho bài hát này không phải là Serge Gainsbourg mà là tác giả Canada Michèle Vendôme. Cô đã chuyển lời thành ca khúc Avant de dire Adieu (Trước khi thốt lời vĩnh biệt) cho Ginette Reno, giọng ca nổi tiếng nhất vùng Québec thời bấy giờ. Về phần Françoise Hardy, sau một năm bận rộn với vòng lưu diễn tại Canada, Nam Phi (Johannesburg, Pretoria, Cape Town) và liên hoan ca khúc quốc tế tại Rio de Janeiro (Brazil), đến khi trở về Paris cô khám phá giai điệu của bài "It hurts to say goodbye" ghi âm với một ban nhạc hòa tấu.
Vào lúc ấy, Françoise Hardy không hề biết là bản nhạc này đã có sẵn một phiên bản tiếng Pháp, cho nên mới yêu cầu ông manager (nhà quản lý Lionel Roc) tìm cho ra một ngòi bút trứ danh để đặt lời tiếng Pháp cho ca khúc này. Năm 1968 đánh dấu sự gặp gỡ giữa ca sĩ Françoise Hardy với tác giả Serge Gainsbourg. Tên tuổi của ông lúc bấy giờ đang lên như diều gặp gió sau khi thành công với các bài hát sáng tác cho France Gall (kể cả Poupée de Cire và Les Sucettes) và những bản nhạc mà ông viết cho thần tượng điện ảnh Brigitte Bardot vào cuối năm 1967 (Harley Davidson, Comic Strip, Bonnie & Clyde …..)
Tác giả Serge Gainsbourg chấp nhận đề nghị của ca sĩ Françoise Hardy. Ông đặt thêm lời tiếng Pháp cho bài hát này thành ca khúc Comment te dire adieu (Sao đành vĩnh biệt) mà về ngữ cảnh và cách dùng ca từ rất khác với phiên bản đầu tiên của tác giả Michèle Vendôme (Avant de dire Adieu / Trước khi thốt lời vĩnh biệt). Tác giả Gainsbourg ở đây dùng cùng lúc hai thủ pháp rất tinh tế, ông tạo điểm nhấn bằng cách ngắt chữ ra làm đôi và đẩy dồn phần sau lùi xuống ở đầu câu kế tiếp (contre-rejet).
Qua việc kết hợp hai thủ pháp ấy, ông tạo ra một cách chơi chữ rất lạ, hàm chứa những âm tiết khác biệt mà vẫn làm giàu vần điệu, nổi tiếng là khó dùng vì ít thông dụng và khan hiếm. Cách đặt lời tài tình ấy đã thuyết phục được ngay Françoise Hardy. Cô ghi âm bài hát này làm ca khúc chủ đạo và album phòng thu thứ 9 của cô khi được phát hành cuối năm 1968 cũng có cùng một tựa đề là Comment te dire adieu (Sao đành vĩnh biệt).
Từ một bản ballad trong tiếng Anh, bài hát được chuyển ngữ và chuyển nhịp thành một ca khúc nhạc pop trẻ trung trong nhịp điệu những vẫn có chiều sâu về mặt nội dung ca từ. Bản nhạc Comment te dire adieu trở nên cực kỳ ăn khách. Ngoài tiếng Pháp, Françoise Hardy còn ghi âm thêm bài này trong tiếng Ý (Il Pretesto 1969) và tiếng Đức (Was mach’ ich ohne dich 1970). Thế nhưng, bản nhạc này sau đó có thêm hàng trăm phiên bản khác kể cả tiếng Thụy Điển (Sa Synd du Maste Ga 1969), tiếng Phần Lan (Kai Viela Kohdataan 1973), tiếng Nhật (Sayonara O Oshiete 1985), tiếng Tiệp (Jedno Tajemství 1999, hay tiếng Hà Lan (Wanneer zie ik je weer 2015) …..
Trong tiếng Việt bài này từng được dịch thành bài Mưa rơi với những câu mở đầu như : Tiếng mưa rơi chiều nay, buồn phiền nhớ ai / Gió vi vu hàng cây, mưa làm nắng phai / Trời còn mưa mưa mãi, anh xa xôi rồi / Nghẹn ngào rưng rưng khóe môi …… bài hát này từng được nhiều ca sĩ hải ngoại ghi âm trong đó có Lâm Thúy Vân, Trung Hành, Hạ Vy, Don Hồ dưới dạng đơn khúc hay liên khúc.
Làm sao nói lời vĩnh biệt (Comment te dire adieu) : nhưng lời vĩnh biệt ấy được dành cho ai ? Trong vòng nhiều thập niên, Françoise Hardy hát bài này và từng câu chữ như thể được viết cho hoàn cảnh của mình, vì bản thân cô có một mối quan hệ khá phức tạp với chồng là Jacques Dutronc. Hai người vẫn còn giữ nguyên tờ giấy hôn thú, nhưng trong thực tế họ sống ly thân từ năm 1990. Về phần tác giả Gainsbourg, ở ngoài đời, tánh tính của ông không hạp với Jacques Dutronc, nếu không nói là hai người rất ghét nhau và có lẽ cũng vì thế mà Françoise Hardy không có được nhiều cơ hội để làm việc thêm với tác giả này mặc dù sự hợp tác của họ rất thành công.
Thật ra, tác giả Gainsbourg đã viết lời bản nhạc ‘‘Sao đành vĩnh biệt’’ là để nhắn nhủ với người tình cũ: người ấy chính là ngôi sao màn bạc Brigitte Bardot. Hai người quen nhau vào cuối năm 1967 và dù rằng lúc đó Brigitte Bardot đã có chồng (bà kết hôn với nhà triệu phú người Thụy Sĩ Gunter Sachs vào năm 1966) nhưng Bardot và Gainsbourg vẫn có một mối quan hệ đam mê say đắm trong vòng 3 tháng liền (86 ngày theo ghi chép của Serge Gainsbourg).
Khi biết được tin là vợ ông đang ngoại tình, nhà triệu phú (bị cắm sừng) lúc ấy đang ở nước ngoài vội bay tới Pháp, buộc Brigitte Bardot phải lập tức theo ông về nhà, và ông đe dọa kiện Gainsbourg ra toà nếu hai người cho phát hành các bài hát ghi âm trong khoảng thời gian này (trong đó có đĩa nhạc Je t’aime moi non plus mà đa số thính giả đều biết đến qua phiên bản ghi âm sau đó với Jane Birkin).
Tuy nhà triệu phú Gunter Sachs và Brigitte Bardot ra toà ly dị vào tháng 10 năm 1969, nhưng trong một thời gian dài bà và tác giả Gainsbourg không hề gặp lại nhau. Khi chấp bút đặt lời cho bài hát "Sao đành vĩnh biệt", tác giả Serge Gainsbourg khóc thương cho một mối tình tuy ngắn ngủi nhưng lại đầy đam mê cháy bỏng hừng hực lửa tình. Theo ông đó là những ngày tháng đẹp nhất trong đời mình. Bài hát này đã giúp cho tên tuổi của Serge Gainsbourg và Françoise Hardy ngự trị trên đỉnh cao, nhưng cũng dự báo cho làn sóng nhạc trẻ những năm 1960 sắp đến lúc thoái trào, và câu chuyện thật của tình khúc này mới được tiết lộ một thời gian sau.
Tuấn Thảo