có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 4 15, 2018

Điểm Tô Cho Quên Đời




Nhạc: Irving Berlin 
Lời Việt: Nguyễn Thảo 
Trình bày: Ngô Nhật Trường 
Hòa âm & phối khí: Lê Vũ 
Phòng thâu: Hiệp Định Studio 
Final mix: LeVuMusic Studio 
Photo: Min Wan Graphics: Ngô Nhật Trường



Điểm Tô Cho Quên Đời 

 Nhiều khi thấy lòng buồn tha thiết 
Mà nào ai biết làm sao khuây 
 Chốn thành đô nhốn nháo 
Điểm tô cho quên đời 

Lụa nhung gấm, ngày đen đêm trắng 
Quần tây, áo veste, cùng đôi manchette, 
 Vừa vặn eo ếch 
Điểm tô cho quên đời 

 Lòng phơi phới như có trong tay muôn bạc vàng 
Mặt tươi sáng như những minh tinh trên màn bạc 
(Ôi thật huy hoàng) 

 Vào chơi đám thượng lưu trác táng 
Nào găng tay trắng, nào ly cognac 
Ngạt ngào hương sắc Điểm tô cho quên đời 



 Puttin' on the Ritz 

 If you're blue and you don't know where to go to 
Why don't you go where fashion sits 
Puttin' on the Ritz 

 Different types of wear all day coat pants 
With stripes and cut away coats for perfect fits 
Puttin' on the Ritz 

Dressed up like a million dollar trooper 
Trying hard to look like Gary Cooper 
 (Super-duper) 

 Come let's mix where Rockerfellers 
 Walk with sticks or umbrellas in their mits 
Puttin' on the Ritz


NT: Ngô Nhật Trường đã đến với KeJazz qua những nhạc phẩm jazz standards trước đây. Theo anh biết, Trường có hát nhiều và đã từng tham gia nhiều chương trình ca nhạc, nhưng hình như chưa bao giờ hát nhạc Jazz. Trường có cảm nghĩ gì khi đụng những nhạc phẩm này, chẳng hạn như Dịu Dàng Mơ Anh (Dream a Little Dream of Me), Hết Muốn Đùa Vui (Don’t Get Around Much Anymore), Từ Em Xa Vắng (After You’ve Gone) v.v…?

NNT: Quả thật là em chưa từng hát nhạc jazz trên sân khấu hoặc thâu thanh trước đây bao giờ. Một phần là vì không phải dễ để truyền tải một bản nhạc jazz cả về cảm xúc biểu đạt và cả về kỹ thuật, một phần là ở Việt Nam thì không có nhiều hội nhóm chơi jazz cho dân nghiệp dư như em có thể tham gia. Nhưng em đã thích jazz từ hồi cuối cấp 3, nghe cũng nhiều và hát trong… nhà tắm cũng nhiều. Mãi cho đến khi có duyên gặp các anh thì mới có “sân chơi” để mà chơi và rèn luyện.
Những bài nhạc này thì hầu như người yêu jazz nào cũng biết. Tuy nhiên để mà hát thì “chua” lắm. Nhất là phải diễn tả bằng tiếng Việt có nhiều bất lợi về phần dấu câu. Đó là một hạn chế nhưng cũng là một thách thức thú vị.

NT: Theo Trường nói thì nhạc Jazz có vẻ không thịnh hành lắm ở Việt Nam, và có lẽ Sài Gòn nơi Trường trú ngụ nói riêng. Như vậy, Trường thường nghe nhạc Jazz bằng cách nào? CD, radio, mạng YouTube?

NNT: Em nhớ lần đầu được nghe jazz là trong một quán café. Lúc đó em nghe thấy hay và lạ quá, không như những loại nhạc em từng nghe. Tò mò em mới hỏi ông chủ quán xin tên bài hát. Thế là tối đó về ra tiệm internet (thời đó không có máy tính và internet ở nhà), em đã tìm nghe lại trên youtube và mới biết người ta gọi thể loại nhạc đó là jazz. Nhưng thời bấy giờ không có điều kiện để tiếp cận với internet nhiều nên phải cần có CD để được nghe mỗi ngày ở nhà. Trong trung tâm Sài Gòn có một tiệm đĩa chuyên nhạc tiền chiến và nhạc jazz. Đĩa lậu. Nhưng rất nhiều nhạc hay mà các tiệm đĩa khác không có. Cứ mỗi cuối tuần em lại tới đó mấy tiếng đồng hồ để tìm mua và cũng là dịp để nghe thử được nhiều album khác nhau.

Thời hiện đại bây giờ thì việc nghe nhạc dễ dàng hơn nhờ internet, nhờ vào các trang web hay ứng dụng chuyên biệt cho âm nhạc như iTunes, Spotify, Sound Cloud, YouTube. Tuy nhiên việc sở hữu những chiếc CD lúc nào cũng đem lại sự sung sướng trọn vẹn cho người yêu nhạc. Tất nhiên không phải là những chiếc đĩa lậu. Cho nên em vẫn thường hay nhờ bạn bè có dịp đi du lịch ở nước ngoài mua CD về giùm.

NT: Như vậy, một số nhạc phẩm Jazz đã luân lưu trong giòng nhạc ngoại, nhưng cũng còn có những bài khác ít được nghe hoặc chưa nghe bao giờ. Khi KeJazz gửi một bài nhạc lạ đến, Trường chuẩn bị, xử lý bài nhạc ra sao? Trường có tìm nghe những ca sĩ thế giới diễn bài nhạc đó để tìm hiểu thêm trên phương diện kỹ thuật và nghệ thuật…?

NNT: Không chỉ những bài nhạc lạ mà cả những bài nhạc quen em cũng luôn tìm nghe nhiều phiên bản của nhiều nghệ sỹ khác nhau, từ bài gốc cho đến các bài biến tấu, để nắm bắt tinh thần của bài hát qua từng cách biểu đạt. Và với cách lột tả khác nhau, mỗi nghệ sỹ đem tới cho em sự rút tỉa trên phương diện kỹ thuật. Bản thâu nháp của anh Lê Vũ cũng là một tham khảo quan trọng và gần nhất. Từ đó em có thể truyền tải bản nhạc theo cách riêng của mình.
Là một người không có chuyên môn kỹ thuật thanh nhạc, cách xử lý hiệu quả nhất đối với em chỉ có thể là hát bằng cảm nhận riêng tư.

NT: Anh và Lê Vũ đồng ý kiến là tuy kỹ thuật hát của Trường có vài khuyết điểm nhỏ nhặt, chất nghệ sỹ tính lại rất mạnh, và đã chuyên chở những rung cảm riêng tư rất hiệu quả. Anh cho điều này khá quan trọng trong nhạc hiện đại, suy từ giòng nhạc của Anh Mỹ. Ví dụ điển hình là Jeff Buckley, tuy anh ấy là một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng lúc anh hát, hầu như không còn kỹ thuật thanh nhạc gì cả. Ngay cả kỹ thuật ghi âm cũng hầu như biến mất. Tuy vậy, anh vẫn cho rằng rèn luyện kỹ thuật để đến lúc không còn… kỹ thuật nữa là một điều ta phải chú ý tới.

Nói riêng trên phương diện tình cảm, điều gì trong nhạc Jazz đã lôi cuốn Trường, qua những bài nhạc đã phát hành hoặc sẽ thâu âm? Giai điệu, cấu trúc, ý nhạc, v.v…?

NNT: Điều lôi cuốn em trước nhất có lẽ là giai điệu. Bởi âm nhạc bản chất trước tiên của nó là âm thanh. Giai điệu của jazz là giai điệu của sự tự do, phóng khoáng và cũng nhiều phần quyến rũ. Và cái giai điệu sẽ hoàn hảo hơn khi được thổi vào đó lời nhạc hay, sâu sắc, đôi khi là thơ mộng. Bản thân là một người cũng yêu thích văn thơ nên ca từ là phạm trù mà em lưu tâm nhất. Em tìm thấy trong nhiều bản nhạc jazz là những bài thơ, những cuộc đối thoại hoặc độc thoại rất hấp dẫn, gần gũi, nhiều chất thơ. Nhưng quan trọng không kém là người nghệ sỹ lột tả nó như thế nào?

Và cũng có những bản nhạc em yêu quý hơn cả vì giá trị nhắc nhớ kỷ niệm. Nó bao gồm cảm xúc của bản thân bản nhạc và cảm xúc của dĩ vãng.

Vậy cho nên mới nói mỗi bản nhạc cũng là một số phận!

NT: Bằng hữu của KeJazz đã từng thưởng thức tài năng của Trường, không phải chỉ trong những bài nhạc, mà còn qua những tấm photo cũng như graphics mà anh rất thích. Hình rõ nét, bố cục hài hòa, font chữ chọn lựa ăn khớp với bối cảnh. Tuyệt. Ngoài ra, Trường còn viết văn, làm thơ, và đóng phim. Trường theo đuổi nghệ thuật 24/7?

NNT: Nếu nói nghệ thuật thì có vẻ to lớn quá. Em chỉ đam mê, theo đuổi những cái đẹp điểm tô cho đời sống cảm xúc. Thơ văn, âm nhạc, điện ảnh là những điều đẹp đẽ phản ánh đời sống tâm tư của con người và là một chất liệu sống không thể thiếu.

NT: Thành thật cảm ơn Trường. Ngô Nhật Trường, một người nghệ sĩ trẻ tuổi và đa tài, đã từng xuất hiện trên màn bạc qua cuốn phim ngắn “Hai Chú Cháu” (http://www.imdb.com/name/nm5403548/) và những bài văn, bài thơ trên mạng, cũng như hình ảnh như ảnh "bìa" kỳ này. KeJazz xin được hân hạnh giới thiệu người bạn trẻ này qua một nhạc phẩm swing rất xuất sắc của Irving Berlin.