có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 4 04, 2018

Chênh Vênh, Nỗi Nhớ…



Tôi ở Rạch Giá mười năm, mười năm cuối của quãng đời ba mươi lăm năm ở Việt Nam, từ khi sanh ra đến khi bỏ đi… sau hai mươi năm ở Vĩnh Long và năm năm ở Sài Gòn. Những gì đã quên? Và những gì còn nhớ? Lòng sao cứ chênh vênh giữa nhớ giữa quên…

20 năm ở Vĩnh Long, cái thời của tuổi ăn-chưa-no-co-chưa-ấm…

Vĩnh Long. Tôi nhớ như in dãy phố tàu. Bạn bè dăm đứa đẩy đưa nhau. Áo phanh ngực đón mùi hương lạ. Háo hức chia nhau khói thuốc đầu.

Vĩnh Long. Tôi nhớ hàng sao đứng nín thinh. Tan trường áo trắng đẹp vô tình. Theo em trao lén bài thơ nhỏ. Chớp vội vành cong con mắt xinh.

Còn gì nữa hả Vĩnh Long? Mút xa hơn chút nữa…

… Ờ … há. Em có về qua ngõ hẹn xưa. Đường Trương Vĩnh Ký nắng hay mưa. Thềm rêu mấy dấu giày thương nhớ. Chắc cũng buồn theo ngọn gió đùa.

Vĩnh Long! Con đường Trương Vĩnh Ký. Con đường nhỏ nằm lặng lờ dưới hai hàng cây sao cao vút rải đầy những chiếc cánh nâu nâu, quay tròn như bông vụ mỗi mùa gió chướng. Con đường trải đá xám len lách giữa hai bờ cỏ dại, lập lờ đất-thánh-tây nằm lúp xúp những hàng thánh giá trắng lờ mờ. Khu nghĩa trang rộng chừng mẫu tây, cây cối xanh um với những hàng mộ được xây cất ngay hàng thẳng lối, dành riêng cho giới quyền thế từ thời người Pháp còn ở đây vẫn được chăm sóc tử tế. Hoa tươi thỉnh thoảng vẫn được thấy cắm trên đầu mộ. Và những tượng thánh đục đẽo bằng đá trắng vẫn còn giữ nguyên bộ điệu phủ dụ rất ân cần. Dẫu vậy vẫn toát ra từ đó một vẻ gì u trầm khó tả. Ở đó thời gian như đã đứng sựng lại làm người qua đường rồi tự nhiên cũng nín bặt tiếng cười. Ngày qua tháng, tháng qua năm chỉ nghe tiếng gió thổi xào xạc trên những chòm cổ thụ cao chót vót. Và rền rĩ, tiếng ve kêu vang suốt hai mùa mưa nắng. Những cũng chính ở đó, từ một góc khuất, đứa nhỏ đang lớn là tôi đã nhìn thấy lần đầu tiên bộ mặt của chiến tranh. Những trận đánh trong cuộc chiến trước đó phần lớn chỉ xảy ra ở bưng biền, sau khi đất nước bị cắt đôi chỉ còn là những kỷ niệm mơ hồ dù đau đớn trong đầu những người lớn tuổi. Còn tôi, đứa nhỏ mới chập chững biết đi đã được mang vào sống ở thành phố thì hai chữ chiến tranh chỉ còn vang lên một âm vọng gần như vô nghĩa. Nhưng rồi chẳng đợi lâu, đất nước yên bình được đâu mấy năm thì tiếng súng bắt đầu nổ lại. Người ta lại bắt đầu bày trò chơi xương máu. Mới đầu chỉ nghe vọng lại từ xa, tiếng súng ấy, nghe xa lắm, đâu từ phía những làng mạc mà tôi chỉ mới nghe nhắc tên nhưng chưa từng biết tới. Dầu vậy, trên môi người lớn thỉnh thoảng tôi đã nghe tiếc chắc lưỡi như một tiếng kêu trời ơi không thành lời. Cho đến một hôm, trên đường học về, tôi gặp một đám tang. Đám tang thưa thớt người đưa tiễn. Chỉ có một bà lão gầy gò và năm ba người mặc quân phục trạc tuổi đôi mươi. Trên tấm di ảnh là khuôn mặt một người con trai còn trẻ. Trẻ lắm, cũng trạc tuổi những người đi tiễn anh. Và đặc biệt, trên chiếc quan tài có phủ một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Người đàn bà duy nhất, chắc là mẹ của người chết, vừa đi vừa quẹt hai con mắt đỏ hoe. Đám tang của một người lính chết trận. Đám tang của một đứa con trai vừa mới trưởng thành đã sớm bỏ lại thêm đơn chiếc bà mẹ già góa bụa. Buổi trưa đó tôi đã đứng lại, nép mình bên hàng rào, nhìn suốt tang lễ. Tôi đã đứng đó, nghe người lính thổi thê thiết điệu kèn chiêu niệm, nhìn những người bạn đồng ngũ đứng nghiêm chào kín, ngó mấy người phu thòng dây hạ huyệt, thấy người mẹ khóc nức lên rồi khuỵu xuống và nghe tiếng kêu con ơi bật ra đứt ruột. Lần đó tôi thấy tận mặt chiến tranh. Rồi từ đó, khoảnh đất bỏ trống dần dần lấp đầy thêm những nấm mộ mới. Và từ đó, suốt cuộc lớn khôn, có lần nào tôi không nghe hai tiếng chiến tranh được nhắc đi nhắc lại, ngày này sang ngày khác!

Nhưng rồi chiến tranh hay không, tôi cũng lớn lên theo những bước chân qua lại hằng ngày trên con đường Trương Vĩnh Ký quen thuộc đó.

Đi thêm chừng vài trăm bước nữa, qua khỏi nghĩa trang tới ngã tư Trưng Nữ Vương, thêm vài chục bước nữa tẻ vào ngôi nhà ba gian bên trái, ngói âm dương rêu xanh đã mấy lớp, nơi tuổi nhỏ tôi đã chạy nhảy thênh thang giữa cõi lòng rộng đến mênh mông của cha mẹ, mặc kệ chiến tranh như một bóng ma lởn vởn quanh mình, mặc kệ mấy bức tường tu viện chắn ngang ở bên kia đường như nhắc nhở trăm điều cấm kỵ giữa khi đất nước đang rục rịch đổi mới. Dẫu vậy, làm sao kềm được cái tuổi nhỏ hoang đàng với những vết chân phung phá…

Ơi Vĩnh Long, cái thời trung học áo trắng quần xanh, tấm phù hiệu phải được may dính liền lên miệng túi lại chỉ được nhét trong túi quần, đợi đến khi sách vở đến cổng trường mới được moi ra, liếm nước miếng rồi dán hờ lên ngực áo, rồi len lách giữa đám đông bạn hữu đang hối hả tuôn đến lớp, tránh né mấy cặp mắt cú vọ của thầy cô giám thị khó dàn trời. Ôi cái thời làm học trò trung học trời thương cho chữ nghĩa nhiều hơn hai bàn tay mười ngón, từ những bài tập làm văn tả tình tả cảnh đến phanh phui nỗi lòng Thúy Kiều tâm sự Cung Oán viết thôi mệt nghỉ, vậy mà được thầy cô cho đem rao giảng khắp cả lớp dưới tới lớp trên. Trong khi những môn thực dụng hơn bội phần thì hễ không ú a thì cũng ú ớ. Những bài toán hình học đại số với lại vật lý hóa học cứ rối mịt trong cái đầu rối mù. Ngược lại ba cái thứ lăng nhăng ái tình vớ vẩn kiểu bà Tùng Long thì lại sáng láng hết biết. Tình cảm lớn nhanh không thèm đợi tuổi tác. Vừa mới đậu được cái bằng Trung học đệ nhất cấp, leo lên cửa lớp đệ tam đã lọt chìm vào đôi mắt có sóng to gió lớn của cô bạn học cùng lớp, áo dài vải nội hóa trắng tinh và mái tóc thề bỏ lửng ngang vai, dắt nhau bỏ lớp trốn vào khu văn miếu, lẩn quẩn loanh quanh mấy gốc sao cổ thụ, nói với nhau rặt chuyện mưa-xuân-với-nắng-hè mà lòng thì chăm bẳm toàn chuyện tình của khách giang hồ với kỹ nữ…

Ôi Vĩnh Long của cái thời mê mấy câu thơ của Nguyên Sa mà người anh trai đi học ở Sài Gòn mang về làm náo nức thêm đứa em ham đua đòi còn ở tỉnh nhỏ.

Người dáng dấp bơ vơ của bầu trời hải đảo
Tóc bồng bềnh trên nếp trán ưu tư
Những ngón tay dài ướp trọn mấy nghìn thu
Mà men sáng và màu trăng trong vời vợi

Lời thơ đẹp như cái tựa của chính nó càng làm nôn nao thêm tấm lòng mỏng mảnh như tờ giấy pelure. Mực xanh mực đỏ mực tím mực nào cũng hút cũng thấm rồi trộn lộn vào nhau như một nồi xào bần sau ba ngày tết.

Bởi vậy. Cho nên nỗi.

Ôi cái tuổi Vĩnh Long chân bám đất mà lòng vói mãi bóng trăng sao. Bởi vậy bây giờ thì sao cứ hay nhớ lại mà hồi đó thì sao lại cứ hay quên ngang. Ơi những trang thư tình viết trên giấy kẻ hàng xé từ tập vở học trò rồi nhét giấu trong một tập sách đem cho mượn dù không ai ngỏ lời hỏi mượn. Hổng biết có phải tại vì chưa-thấy-quan-tài-chưa-đổ-lệ hay sao mà mới nứt mắt là đã vung tay viết thư tình bất kể. Hẹn hò với cô bạn cùng lớp đâu được hơn nửa năm là đã… ôm cầm sang thuyền khác. Cô em nhỏ của một chị bạn học, đã có lúc đóng vai trò làm chim nhạn đưa tin cho cặp tình-nhân-tập-sự sao bỗng một hôm trở nên sáng dạ đem lòng mê muội thích anh bạn của chị mình bèn tình nguyện làm cô em-ngồi-bên-song-cửa cho anh-đứng-dựa-tường-hoa. Những số báo Thời Nay – tạp chí có dáng dấp như Reader’ s Digest bây giờ, trở thành cái hộp thư cho tình nhớ qua nhớ lại dù hai nhà cách nhau chưa quá một dặm dài. Thôi thì văn thơ chuyện tích ở đâu mà tuôn ra lớp lớp như mây bay gió cuốn. Chuyện trên trời dưới đất, chuyện Roméo et Juliette, chuyện Paul et Virginie, chuyện Hai Sắc Hoa Ti-gôn, kể cả tuồng cải lương Sơn Nữ Phà Ca … được đem ra xào tới xào lui làm tròn xoe hai con mắt nai chưa biết kẻ chân mày. Những dòng chữ tỏ tình tả oán không chút đắn đo bất kể lòng người rối rắm mấy lần hơn tơ nhện. Ơi những cuộc tình bốc cháy như lửa rơm. Mới nhúm lên đã tắt ngúm. Tưởng là yêu đến chết bỏ mà mới ba bảy hai mươi mốt ngày là đã hụt hơi, bèn tìm đường đào tẩu sang cõi đào nguyên khác. Ơi những hẹn hò của cái thời mới-lớn, ngây thơ… vô số tội, yêu đương như một cách làm dáng cho ra kiểu… người lớn!

Người lớn?! Rồi sẽ có lúc người ta sợ làm người lớn biết bao nhiêu. Vậy mà có lúc người ta còn nhỏ xíu mà vẫn muốn làm người lớn cho được. Bởi vậy, cho nên…

Thuở đó, những năm 60, Vĩnh Long như một cô gái ở làng xa mới ra tỉnh, dùng dằng nửa chợ nửa quê… Dĩ nhiên gái nào mà rồi không muốn làm dáng, kể cả gái quê… bởi vậy chẳng mấy lúc mặt mày thì trây trét son phấn mà mình mẩy thì lại lấm lem bụi đời. Bắt đầu, chỉ là vài ba cái quán nước dựng trên bãi đất trống ngay bên ngã ba sông Cái đổ vào kinh Thiềng Đức. Bãi trống vốn là chợ cá ban ngày, chiều về cá mắm tan hàng nhường chỗ cho phố thị lên đèn xanh đỏ. Sụp tối, chè cháo bánh tiêu bánh bò hột vịt lộn khô mực khô cá đường nem nướng mì khô mì nước hoành thánh… được bày ra từng xe, từng xề, từng gánh, lộ thiên bình đẳng… hết mực bình dân. Khách cứ thoải mái ngồi bệt … xuống đất mà … thưởng thức. Tài tử giai nhân nam phụ lão ấu, bất kể ban ngày làm thầy chú hay phu phen gì cũng vậy, cứ đêm đêm là diện bộ rồi dắt nhau ra đó… mua vui. Đêm nào cũng nô nức yến anh. Thấy làm ăn được, mấy cái quán nước kề bên cũng thay phông đổi cảnh. Hồi đầu chỉ là xá-xị-con-nai, nước chanh nước mía, nước dừa, sinh tố … rồi mỗi ngày mỗi… nâng cấp cho kịp đà tiến hóa… ăn chơi. Từ từ thêm vào thực đơn mấy món la-de-con-cọp, vài chai rượu tây made-in-Chợ-Lớn… và đặc biệt là món… chiêu-đãi-viên-má-phấn-môi-hường-em-vì-hoàn-cảnh. Từ đó, đêm Vĩnh Long vui hết biết. Từ đó, cậu nhỏ càng muốn làm người-lớn hết biết luôn.

Kịp thời đúng lúc, mới vừa mon men lên lớp sửa soạn thi tú-tài-một thì cha đổi đi làm việc xa, nhà trống trải chỉ còn mẹ già và ba đứa em, cậu nhỏ tấn lên đêm đêm còn đang chóa mắt vì ánh-sáng-phồn-hoa… thì chẳng biết may hay rủi mà lại kết huynh đệ toàn với mấy anh chiến-sĩ-cộng-hòa. Mấy anh lớn đó làm lính đánh giặc, thường khi hành quân xa mà hễ về tới chợ là cứ kéo thằng em kết nghĩa la cà mấy chỗ … cấm-trẻ-em-dưới-mười-tám-tuổi. Riết rồi quán chị Tư Tùng, quán cô Pha Lê… biết mặt thằng học trò hỉ mũi chưa sạch mà cứ học đòi kiểu cách Trần Huyền Trân, rượu-vào-nâng-cổ-áo-lên-cao-dăm-ba-mồi-thuốc-đi-chung-bóng … Cứ vậy mà đua đòi. Mà tối tối lén mẹ mua chuộc em út canh cửa, gác cổng cho thằng anh làm khách… dạ hành dởm. Tới hơn nửa đêm mới mò về, rồi thắp đèn vừa tụng bài vở vừa ngủ gà ngủ gật.

Như vậy rồi tôi lớn dần lên theo chiến tranh song song với những hệ quả của nó. Súng nổ càng lớn thì miểng đạn càng văng tứ tung. Du kích bỏ súng ngựa trời hồ hỡi chụp cây AK47 với lại B40 của Nga Tàu bắn phá tứ tung. Chết người sập nhà cháy cửa mà còn sập luôn mọi thứ nề nếp. Bên nây, bạn bè thấy chuyện bất bằng hè vô tiếp cứu. Người Mỹ và bầu đoàn kéo vào Việt Nam càng lúc càng đông thì nhu cầu phục vụ đời sống càng lúc càng tân tiến. Mấy cái quán chợ cá thành ra như gái lỡ thời. Mấy cô chiêu đãi áo bà ba với lại quần lãnh Mỹ A trở nên quê mùa quá độ. Bởi vậy mà quán-rượu-bán-trà-đá mà người Mỹ gọi là Saigon tea, còn dân chơi bản địa thì gọi là xì-nắc-ba mọc lên như nấm dại. Ngã ba Cần Thơ, từ chỗ đổi đường mù bụi của quốc lộ 4 trở thành khu Vĩnh-Long-by-night cái rụp. Bỗng chốc mà bảng hiệu tiếng Tây tiếng Mỹ rợp trời. Ban ngày, hành khách đường xe lục tỉnh vội vội vàng vàng thay xe đổi cộ. Nhưng đêm xuống, đèn xanh đỏ chớp lia chớp lịa, khách vãng lai qua lại thì cứ nhẩn nha, tha hồ chọn lựa cõi bồng lai. Chiêu đãi viên từ bốn phương tụ về, guốc cao gót lắc ca lắc cắc như tiếng song lang gõ nhịp, áo dài thắt eo tới nín thở, soie Phi soie Pháp láng coóng, mousseline mỏng te, quần sa-teng láng lẩy cộng thêm son phấn Mascara và mùi Chanel Number 5 mua lậu từ PX thơm phức… cứ như là trẩy hội chiêu quân. Trong tiệm thì đèn mờ, nhạc rock xập xình… Bia 33 thiệt, giả, Vodka, Rhum Bacardi… chảy tràn như suối. Cả một thế giới Kinh Kha thời mới quay cuồng, cười giỡn khều móc chọc phá… thả dàn như sợ mai qua sông Dịch rồi bít đường về . Mà thiệt vậy, cho tới lúc đó, súng nổ đâu có xa nữa… Ai biết được. Cắc bùm… một tiếng. Rồi đời. Bởi vậy, lính tráng Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân … xa quê, lính tráng Việt Nam … xa nhà cứ hễ rảnh ra là … xả láng.

Quen ăn rồi thành không quen nhịn, tôi cũng theo gót đàn anh mà … lên lớp. Giã từ Chợ Cá. Lần mò tới Ngã ba Cần thơ. Dẫu không nhẵn mặt nhưng cũng chẳng phải thập thò. Cứ theo gót đàn anh mà khám phá đêm trường… muôn mặt. Những đêm Vĩnh Long khi tuổi học trò đang châu đầu vào đèn sách, thì tôi ngả ngớn trên mấy chiếc ghế cao cẳng kê sát cái quầy gỗ láng bóng, tưởng đến hình ảnh người lữ khách phong sương tạt qua quán rượu ở Macau những đêm lưu lạc trong tập Mơ Hương Cảng của Vũ Khắc Khoan…! Rồi thì lại tiếp tục cái trò mua chuộc em út canh cửa gác cổng… Để đến khi mò về tới nhà thì lương tâm (?) thất lạc đâu không biết mà bỗng quay về rồi ngắt rồi nhéo rồi tru tréo tới độ lại phải mắt nhắm mắt mở lục bài vở ra mà tụng niệm. Ôi cái thời học làm người lớn vừa truân chuyên vừa… hả hê biết bao! Vậy rồi đậu tú-tài-hai. Vậy là phải giã từ Vĩnh Long, nối tiếp con đường vừa học chữ vừa học làm người lớn lên tới tận… Hòn Ngọc Viễn Đông.

Ngày rời Vĩnh Long đi học xa, làm sao ngờ được… đi rồi biền biệt xa mãi tới bây giờ… Vĩnh Long còn đó, ở cuối đường. Cách mấy cầu ngang mấy dặm sương. Như thể dang tay là giáp mặt. Sao lòng thiên lý vẫn tha hương.

Rồi còn gì nữa không Vĩnh Long?

Hẳn là còn nhiều lắm, nhiều nhiều lắm. Nhưng, giờ này, những nấm mồ đã phế tích, hết những quen biết đã trầm luân. Mọi nẻo đời đã bít lối từ sau cuộc điêu tàn. Còn… có ai về qua những lối trăng. Ðường về Tân Ngãi miệt Trường An. Nhà ai bông bưởi rơi đầy ngõ …!!!

Lên Sài Gòn! Ờ ngộ vậy đó. Ở Vĩnh Long mà đi Sài Gòn thì nói là lên Sài Gòn. Làm như Sài Gòn ở tuốt đâu tận trên thiên đàng. Mà thiệt. Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ…

5 năm ở Sài Gòn khởi đi từ căn gác trọ mang số 32/32 đường Thành Thái, ngang dọc không quá năm bảy thước vuông mà chồng chất mười mấy mạng con trai dưới-tỉnh-mới-lên… Đêm nhiệt đới nồng nã, quần áo sách vở vất bỏ tứ tung, vậy mà có khi mấy cô chiêu đãi bán quán rượu gần đó bị ế độ, trễ giới nghiêm cứ ghé qua chen vô ngủ đỡ. Sáng giựt mình giụi mắt thức dậy, bỗng thấy như có điều gì kỳ diệu thảng thốt quanh đây.

Sài Gòn mở đầu cho cơn sốt-lữ-thứ lây truyền từ cái thuở Nguyễn Bính khăn gói vô Nam, Sài Gòn của lần đầu tiên xa-nhà-có-phép, của tiền mẹ cho ăn cơm một tháng tiêu hết một tuần, của tô phở giữa tháng lõng bõng nước mỡ góc đường Kỳ Ðồng, của khúc bánh mì cuối tháng gặm thiệt kỹ cho tiết hết cái chất béo của lớp tinh bột dẻo nhẹo, của chiếc quần jean trổ màu xanh bạc, của tập giấy mỏng nhét túi quần sau, sáng tinh sương mắt nhắm mắt mở chạy ù ra ngã tư Hùng Vương cho kịp chuyến xe buýt từ Chợ Lớn đổ ra trạm chánh Phạm Ngũ Lão rồi chạy ù qua bám thành cửa, đu tòn ten chuyến buýt tẻ qua khu Văn Khoa Cường Ðể. Giảng đường chi-hồ-giả-giả buổi sáng chấm dứt, lội qua ngã ba Ðồn Ðất mua khúc bánh mì thịt ngó mấy em nữ sinh áo trắng jupe trắng Saint Paul tan học chờ xe nhà tới rước, rồi lội vô Sở thú, vừa gặm bánh mì ăn trưa vừa ngắm nhìn bầy khỉ đú đởn trong cái lồng to bằng cái nhà… rồi có khi chùi xuống nằm dài dưới một tàn cây cổ thụ, thả hồn đi lạng quạng qua mấy cái bến mê bờ nhớ nào đó hay tỏ bộ siêng năng cơm cha áo mẹ công thầy mà lẩm nhẩm bài vở chờ giờ trở lại giảng khóa buổi chiều…

Sài Gòn! 5 năm Sài Gòn bỏ trăng châu thổ đâm đầu theo bầy sao đêm đeo vắt vẻo trên thành cửa sổ những mặt tiền cao ốc, lung lăng và háo hức như đứa bé lần đầu chúi mắt vào cái lồng kiếng vạn hoa… Sài Gòn của hè Lê Lợi chiều thứ bảy, khuya Hầm Gió mù mù, trưa trà đá Pagode, tối bia nâu Givral… Sài Gòn lê la Ngã Tư Quốc Tế, nhắm mắt nín mũi nốc ly rượu thuốc lề đường ra mắt đàn anh đứng bến Nguyễn Cư Trinh. Sài Gòn solex, tóc phủ gáy, áo bó thân, quần ống loe sáng đưa người cửa trước Gia Long, chiều đón người cửa sau Lê Văn Duyệt, mình gẫy gập trên ghi- đông như cua-rơ đường trường phóng nuớc rút chỉ sợ trễ hẹn làm mất lời-thề-chung-thủy. Sài Gòn lính quýnh hai mặt giáp công xách xe không chạy tháo. Sài Gòn của Rex, Ðại Nam, Eden không sót một phim mới, nhớ mặt tài tử không sót một tên quen. Và… rạp chiếu bóng thường trực Lê Lợi chuyên môn chiếu lại phim hay đã cũ, chui vô trốn cái nóng của căn gác lợp tôn, ngồi ngủ gà ngủ gật với tiếng máy lạnh rì rì và những bóng áo dài trắng nữ sinh trốn học mập mờ trong bóng tối đồng lõa…

Sài Gòn, còn gì nữa, 5 năm làm sinh viên không-sách-vở-cầm-tay… Sài Gòn của Văn Cảnh, của Arc-en-Ciel với mấy cô vũ nữ người Trung Hoa mặc xường xám xẻ tới háng, của quán cà phê Pasteur với tách cà phê phin đen kịt và cái máy hát băng Akai bự tổ chảng suốt ngày rên rỉ không biết mệt mấy bài hát phản chiến của người nhạc sĩ thời thượng… Nhất là cô hàng có mái tóc dài như suối thả lênh đênh theo sóng nhạc lênh đênh… mà càng lênh đênh hơn nữa khi ẩn hiện đàng sau màn khói thuốc Bastos xanh mù mịt, khô quắt và cay xè. Sài Gòn thêm dởm dáng mỗi bận bát phố Lê Lợi với gói thuốc lá hiệu Lucky Strike có cái quầng đỏ chói bỏ trong túi áo trên may bằng vải tetoron mỏng dánh để tỏ bộ… dân chơi (?)…

Ờ rồi còn những phòng trà mà không chuyên bán trà, những phòng trà mà tình nhân hẹn hò nhau, mà bạn bè rủ rê nhau mỗi khi chiều tắt nắng, đèn thắp lên thay những vì sao đêm… Tới ngồi ở đó trong bóng tối mập mờ để nghe Jo Marcel lừng khừng hát Mộng Dưới Hoa của Phạm Đình Chương, nghe Lệ Thu ngậm ngùi chia hai bãi chiều theo con nắng xế, nghe Thanh Thúy rên rỉ… khi biết em mang kiếp cầm ca… anh còn yêu em nữa không, nghe Sĩ Phú phát giác hạnh phúc nào không tả tơi không đáng cay, nghe Anh Khoa tiếc nuối đưa em sang sông làm chi để chiều nay tôi buồn… Đèn xanh đỏ chập chờn, không gian bít bùng, khói thuốc lá vật vờ bay lên, tiếng hát thê thiết bay lên rồi lắng xuống, lắng sâu xuống tới sát đáy những linh hồn còn trẻ sớm bị dập vùi vì ám ảnh chiến tranh. Thôi thì học hành, thi cử gì cũng bay tuốt mất tiêu chớ còn hơi sức đâu mà thắc thẻo…

Còn gì nữa, những năm Sài Gòn tập làm người lớn mà tâm hồn chưa dứt sữa…

Sài Gòn viết thơ tình mướn cho bạn đổi bữa cà-phê thuốc lá hoặc được giá hời bữa nhậu thịt rừng với bia 33 ướp lạnh tới đặc sệt như nước đá bào Thanh Hải dọc đường Bùi Viện… Sài Gòn Nancy với tô hủ tiếu ăn chịu có tiền thối của cô nàng xíu-chẻ đẹp người đẹp nết, ngồi két thâu tiền mà tấm lòng rộng còn hơn lòng bà Phiếu mẫu. Sài Gòn với sạp cơm bình dân bến xe lục tỉnh, nồi niêu xoong chảo bày sát tới mặt đường, cơm dĩa nóng hổi trộn lộn với cát bụi đô thành, nước đá trà lu uống chung với cặn cáo nhớt dầu trây trét. Vậy mà cơm nước nhân hậu từng bữa, kể cả những khi buýt về trễ chuyến, hàng họ đã dọn dẹp lên xe kéo, dĩa cơm thịt kho hột vịt cho thằng-hai-dưới-tỉnh-lên-học-nghề vẫn giữ riêng úp dưới cái lồng bàn… Trời ơi nhớ lại mà muốn rưng rưng, chiều nay…!

Vậy đó, Sài Gòn muôn mặt, xanh vàng tím đỏ, sang cả bụi đời, vụng về lịch lãm, building ngõ hẻm, phòng ốc thênh thang, gác gỗ mái tôn, nữ sinh em chả, gái nhảy thập thành, mặt trắng thư sinh, mặt chằng du đảng… Ôi thôi kể sao cho đủ cho hết mọi mặt của Sài Gòn, mặt ngất lên hí hửng, mặt cúi xuống buồn hiu, mặt nào cũng nhớ cũng thương…

Sài Gòn với Đồng-Khánh-matinée bữa cuối tuần, kéo nhau đi nhảy đầm bằng cái giá mạt rệp, lận trái chanh nhỏ trong túi quần khi ra sàn nhảy bay bướm mấy điệu xì-lô. Sài Gòn của Duy Tân bóng nhỏ đường chiều, của xóm yêu hoa Yên Đổ, của trăng đêm Phú Nhuận, của gió sớm thổi lá me bay Tự Do, của nắng chiều lồng lộng bến Bạch Đằng, của lang thang không biết mỏi chợ sách cũ lề phải Lê Lợi, của tiệm sách mới Khai Trí, Xuân Thu bên lề trái cùng phía tiệm kem Mai Hương, Thiên Thai, Phan Thị Trước…

Sài Gòn đua đòi đợt-sóng-mới, cặp nách sách Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học của Phạm Công Thiện, Le malentendu của Albert Camus, Tư Tưởng Hiện Đại của Bùi Giáng, rồi hổ lốn Thiền Luận của Suzuki với lại Yêu của Chu Tử rồi Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng… rồi ôi thôi hết Nietzsche tới Hegel, rồi nhảy qua Teilhard de Chardin, lộn vòng Bắt Trẻ Đồng Xanh của J.D. Salinger … Love Story của Erich Segal… rồi mua rồi đọc rồi nóng ruột chờ từng ngày những tạp chí văn chương Thế Kỷ Hai Mươi của thầy Nguyễn Khắc Hoạch, Vấn Đề của thầy Vũ Khắc Khoan, Văn với Trần Phong Giao làm chủ bút… Và Khởi Hành rồi Thời Tập của Viên Linh, và Bách Khoa với những tùy bút tuyệt vời của Võ Phiến… Vừa mua Trình Bầy vừa lục tìm đọc cho được sách của nhóm Quan Điểm vừa mơ màng đọc Áo Mơ Phai của Nguyễn Đình Toàn… kể cả báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh, vừa theo lớp triết tây của linh mục Lê Tôn Nghiêm vừa mê lớp triết đông của linh mục Kim Định, vừa uốn mình uốn mẩy tập “vẽ” chữ tàu qua ba trăm bài thơ Đường với thầy Giản Chi vừa mơ mộng với lục bát Phạm Thiên Thư nhè nhẹ như ca dao… lãng đãng trong đó là những Lệnh Hồ Xung mỗi ngày đi máy bay từ Hồng Kông qua vừa uống rượu vừa múa kiếm vừa thất tình cô nàng Nhạc Linh San…

Sài Gòn nói sao cho hết… Làm sao nói cho hết. Cái thuở làm sinh viên một lúc hai trường đại học Văn Khoa và Sư Phạm. Vừa học làm thầy mô phạm vừa mơ làm văn thi sĩ bẻ khóa luân thường… Làm sao nói hết cái háo hức của ngựa non háu đá, của đam mê văn chương nghệ thuật, của mơ mộng khai phá, vói cao… với cao tới tận đâu đâu… tận tới những những phương trời chỉ có trong viễn mộng.

Sài Gòn mặn lạt chua cay ngọt bùi, ắp lẫm thực phẩm trần gian. Sài Gòn ngốn bao nhiêu sách vở vẫn không no mà Sài Gòn còn ăn uống bao nhiêu món cũng không ớn. Sài Gòn La Cigale kiểu cách nắp bàn khăn ăn trắng bóc, dao nĩa lách cách, miếng thịt bò Chateaubriand, rượu chát đỏ Bordeaux theo anh làm tử đệ vương gia. Sài Gòn cái-bang ăn đứng đầu đường ăn lê la góc chợ. Rượu tây, la-de, kể cả rượu trắng ngâm thuốc bắc, hay ngâm rắn rít thằn lằn cắc kè của mấy chú ba, chiên xào Quảng Đông, chưng hấp Triều Châu, cà-ri chà-và-ma-ní … Món Bắc món Trung món Nam đủ mùi đủ vị. Sài Gòn của bánh cuốn Ngã sáu Ngô Tùng Châu, của nai nướng ngói Phan thị Tảo, của cà phê Năm Dưỡng, của cháo đêm Tân Định, của cơm gà Siu Siu, của vịt quay Tôn Thọ Tường… của nghêu sò ốc hến lề đường Nguyễn Tri Phương, của Mì Cây Nhãn Đakao, của cà-ri dê Trần Bình Trọng, của cơm tấm Trần Quí Cáp, của thịt vịt chấm nước mắm gừng Hồng Thập Tự, của bánh mì thịt nguội Tám Lự Bàn Cờ, của mâm phá-lấu trước quán nước mía Viễn Đông góc đường Pasteur, của tô phở Tàu Bay, của hủ tiếu Thanh Xuân, của hột gà chiên ốp-la ốp-lết Thanh Bạch, của xe đồ chua me xoài cóc ổi ngâm nước cam thảo vàng lườm quết chút muối ớt ở mấy cái ngã tư ngã năm ngã sáu ngã bảy, của trái dừa xiêm góc đường Hùng Vương vạt dao ba nhát ngọt lịm như có hơi thở ai thổi mát suốt cả ruột rà…

Ăn chơi nhậu nhẹt la cà đàng điếm… Bốn bức tường cấm kỵ gần như muốn đâm đầu hút đổ cả bốn bên. Ờ ai chắc cũng có một thời xốc nổi… vậy mà bộ ông bà hộ độ hay sao, mà ngày ngày vẫn lặn lội chui vô chốn cửa-khổng-sân-trình để dùi mài kinh sử!

Bởi vậy Sài Gòn làm sao quên. Sài Gòn còn nữa chớ. Còn Văn khoa cũ góc Lê Thánh Tôn, Văn Khoa mới cuối đường Cường Để với giảng đường rộng mênh mông và dãy hành lang hun hút gió, còn gốc phượng già rũ bóng lên cái quán cà phê sinh viên bàn ghế lỏng chỏng và những bao thuốc lá chi chít những câu thơ bất chợt, ném vội vào thùng rác trước khi bỏ đi. Sài Gòn còn mấy lớp hè bắt chước giọng Parisien ở trụ sở Pháp Văn Đồng Minh hội. Sài Gòn uốn lưỡi hao-đu-you-đu với mấy cô thanh nữ mắt xanh tóc vàng của ông Kennedy gởi qua theo chương trình Peace Corps ở Hội Việt Mỹ. Sài Gòn còn những đêm đại học xá Minh Mạng thức trắng mắt mùa thi, học bù học dồn học rút vì mấy tháng đầu năm còn mải rong chơi, chồng cours quay ronéo từ đầu khóa tới cuối khóa chất đống trong góc phòng ám bụi, đến chừng lục ra đọc lại thấy lạ hoắc như đọc kinh Phạn, văn học Lý Trần trộn với văn chương La Hy lợn cợn như ly cà phê pha vụn uống lúc 3 giờ khuya, gói mì Nhựt Bổn bốn giờ sáng nấu trong lon sữa guigoz ăn xong vụt bỏ…

Sài Gòn của ba năm học làm thầy mà lòng thì cứ lung lăng cái kiểu học trò hoang đàng chi địa…
5 năm Sài Gòn theo-thầy-học-đạo chính tà bất kể nghĩ lại được bao nhiêu gắn bó ngoại trừ cái mớ hổ lốn đếm vuột mấy đầu ngón tay của những mối tình une-certaine-rencontre theo kiểu Françoise Sagan hóa ra cũng chỉ như chiếc bản lề cho 10 năm Rạch Giá.

Rạch Giá, tháng 6 năm 70.

Tôi tới Rạch Giá lần đầu vào một chiều mưa tháng sáu. Cơn mưa hè bất chợt trùm lên phố xá cái vẻ lướt thướt buồn thiu. Bỏ Sài Gòn về Rạch Giá, tôi mang tâm trạng của kẻ bị biếm giáng về miền đất trích. Phố xá gì đi-lên-đi-xuống chưa hụt một làn hơi đã trở-về-chốn-cũ chẳng bù với thủ đô chạy bù đầu mà ngó đâu cũng chẳng thấy tới đâu. Xế tối, sau khi trình diện nhiệm sở mới nơi trường trung học cất đâu không cất cất ngay giữa chỗ đồng không mông quạnh, tôi buồn tình ghé lại ngôi quán lộ thiên bên bờ con sông nhỏ chảy chui ngang cây cầu đúc đổ ra cửa biển. Con sông chiều mưa, nước đục. Gọi chai bia 33, đốt điếu thuốc quen tay, thả khói hoang mang ngó mấy giề lục bình trôi vật vờ mà lòng cứ muốn ngâm ngang mấy câu nhật mộ hương quan với lại yên ba giang thượng… Vĩnh Long thì khỏi kể, Sài Gòn đâu dễ quên…

Vậy mà, ba mươi mấy năm sau nghĩ lại, sao Rạch Giá lại chiếm một chỗ quá lớn trong lòng tôi …
Khởi đầu vậy đó… kiểu người-dưng-nước-lã!

Vậy mà rồi nỗi nhớ dằng dai tới vậy sao!

Ờ, vậy đó…

Rạch Giá, có phải khởi đi từ chiếc cổng tam quan như một lời chào hỏi vừa trịnh trọng vừa thân ái. Khu sân bay Lạc Hồng nhỏ xíu bốc bụi mù trời mỗi lần có mấy chiếc L19 đáp xuống vội vã, rồi lại mù bụi vội vã cất cánh bay lên, chai bia con cọp không đá uống với tên bạn phi công ngay trên phi đạo, dưới bóng mát của thân máy bay từ căn cứ Bình Thủy bay qua một buổi trưa cuối năm không hẹn, rượu không đủ say mà chính chai bia uống dở nửa chừng của nó bỏ lại khi lệnh hành quân cấp tốc bốc nó bay lên lại làm giụi mắt, bụi cay hay mắt cay, vậy rồi mình có gặp lại lần nào nữa không hả T., Rạch Giá có phải là con đường trải sỏi rộng không quá tầm tay, hai bên là hai hàng khuynh diệp dẫn vào căn nhà nhỏ quét vôi xám cất theo lối biệt thự song lập, nhà được chia làm nhiều phòng, mỗi phòng chiếm ngự một tên độc thân, chia nhau tiền nhà và chia nhau cả những niềm vui độc-thân-tại-chỗ. Ở đó, những đêm rằm, con trăng tẩm màu xanh ngọc bích, có tiếng đàn tây ban cầm chơi nhạc cổ điển của tên bạn tài hoa, năm ngón tay bấm vuốt búng khảy trên sáu sợi tơ đồng có lúc như làm rung rinh cả bóng trăng in trong tách cà phê đen đậm, dưới gốc những cây táo tàu sai quả, đôi khi còn có cả những tiếng ca huyễn hoặc của một loài ngư nữ lên cạn.

Rạch Giá vui chân theo con lộ thẳng tắp tới Cầu Ðúc, ngang qua mấy cái ngã tư ngã ba gọi tên nghe ngồ ngộ, ngã ba Am Ông Ðịa, ngã tư Xả Mai … Quán là một căn nhà vách ván lợp tôn, đồ nhậu thì tạp nhạp, mấy cô chiêu đãi nghe đâu từ mấy miệt giặc giã chạy dạt về, bia rượu mạnh uống tràn sau những giờ dạy mệt đừ, đêm tỉnh lỵ đèn vàng, bình yên như một ốc đảo giả tạo giữa sự xâm thực không ngừng của sa mạc chiến tranh, cả bọn một đám từ xa đổi về, không gia đình thân thích, giục nhau uống cạn những ly đầy khi thành phố sắp sửa giới nghiêm và tiếng đại bác dội về như tiếng trống cầm canh của một thuở thanh bình đã xa như huyền thoại… Rạch Giá đi chợ có nhà lồng bán đủ thứ thập vật, từ cô hàng vải duyên dáng tới xề bánh hỏi thịt quay, tôm càng xanh nướng lửa than thơm ngát, nhúm rau sống tươi rói như mới hái ngoài vườn. Khu chợ cá xây kiểu nhà sàn lâu ngày dậy mùi tanh từ mỗi góc lan can, chiều chiều ghe cào ghe xịp đổ lên hàng tấn cá biển hàng đống sò huyết, ngôi nhà gạch cũ kỹ nằm khuất trong một con hẻm có những vì tường sậm đỏ, 4 giờ chiều vắng im, mấy người bạn trọ chung còn bận dạy lớp, chiếc áo bà ba hở nút cổ, ngồi thu hai chân lên càm, quạt cái bếp than chiều, hai gò má đỏ hồng lấm tấm mấy giọt mồ hôi, lật trở, đợi từng con sò hả miệng, gia thêm chút muối tiêu, vắt thêm giọt chanh… anh thử đi để biết hương vị quê em… Rạch Giá lông bông những chiều có nắng quái, thứ nắng vàng hực hắt lên từ một mặt trời sắp lặn. Tên bạn xách Honda tới đèo nhau chạy loanh quanh phố chợ đợi giờ cơm chiều. Phố xá chợ búa đã dọn dẹp xong, bạn hàng hối hả thu tóm ra về, bỏ lại những quầy hàng phủ bạt, kệ sạp lỏng chỏng, xe cây, xe xích lô gác mũi nằm chỏng chơ, rác rưới bay vơi vơi như những lá phướn rắc đường, dưới bờ sông buổi sáng chen chúc ghe thuyền bây giờ còn trơ lại cái bãi nước trống không. Cảnh chợ chiều mang một vẻ đẹp buồn chi lạ. Cái lạ đến từ cảm giác hụt hẫng trước sự thay đổi đột ngột và đối nghịch đến dị thường. Xe chạy vụt vặt qua Cầu Sắt, ván gỗ kêu đau… Rẽ trái, ráng chiều đỏ ửng trước mặt. Biển lấp lánh thủy tinh. Sóng vỗ ngàn năm vào kè đá. Tiếng dội buồn, nhàm chán như tiếng khuê phụ oán. Bỏ xe, leo lên ngồi trên bực thạch. Áo phanh nút ngực, gió vịnh thổi phần phật tranh với nhịp tim, biển dậy mùi muối mặn pha với mùi rong tanh tanh… Ngày muốn ngừng. Ðêm đâu đó bỗng khều vai thân mật. Mặt trời mệt lả nhún mình vào lòng biển còn cố nhoi lên vung vẩy những tia sáng cuối cùng. Chính những tia nắng cuối cùng đó, thứ nắng quái chiều hôm đó, bỗng làm rực rỡ cái vẻ tàn phai của một ngày vừa hết, ngay lúc đó, cả đến những phế tích cũng trở nên lộng lẫy. Bức tường đá chắn biển bị sóng đánh nứt nẻ như sắp sụp tới nơi bỗng đẹp u uất như một vết thương trí mạng. Ngoài xa, Hòn Tre thu mình lại thành một khối im lặng đen.

Rạch Giá còn gì nữa…

5 năm đầu dạy học ở trường Nguyễn Trung Trực. Ngôi trường có con đường xẻ ngang đến lạ đời, bên nây năm sáu dãy lớp cất ngay bon thẳng thớm như trại gia binh, bên kia nghênh ngang hai dãy lầu đâu góc hình thước thợ, con lộ đá nằm tỉnh bơ ở giữa, đứng bên ni ngó bên nớ kêu ơi ới cứ như gọi đò qua sông. Vậy mà cũng lạ, trường vẫn ăn nên làm ra, thầy dạy trò học vẫn đâu ra đó. Sáng sáng chiều chiều áo trắng vạt ngắn vạt dài vẫn tung tăng như đàn bướm vỡ gió…

Ờ như đàn bướm lượn! Thử tưởng lại giữa trưa một ngày nắng tốt. Nắng đổ tung tóe trên mái tôn, trên đường nhựa, mọi thứ như thiu ngủ, cả đến hàng cây lá thơm cũng trân mình đứng bóng, tiếng kẻng tan trường bỗng giựt dậy, ngay khi âm vang còn chưa tan hết, một thứ âm thanh khó tả của hàng ngàn cái miệng mở ra cùng một lúc với hàng triệu đề tài đã bị nhốt kín trong suốt buổi học sáng… rồi là từ mọi cửa lớp tuôn ra cái dòng suối trắng, chảy miên man vào cái biển nắng lung linh để thoáng chốc, khi những tà áo vừa bắt được nhịp gió, tất cả vụt bay lên, chấp chới bay lên, ờ như một đàn bướm lượn.

Rạch Giá thuở đó đẹp lãng mạn làm sao trong con mắt phóng đãng của một gã tuổi trẻ từ chối bị nhốt kín vào một thứ nghề nghiệp đầy những khung cửa hẹp.

Rạch Giá của… nhớ em, xưa áo trắng. Tóc xấp xả bờ lưng. Sách vở đời chưa nặng. Gái nhỏ buồn không dưng.

5 năm làm thầy, hồn vẫn lung lăng cứ muốn đạp tung cửa lớp…

Vậy mà Rạch Giá vẫn ép mình vào khuôn khổ. Em ươm sầu thiếu nữ. Buồn con gái dậy thì. Tôi hiền như thú dữ. Nằm gậm nhắm lương tri.

Đến giờ, sau bao nhiêu dâu bể, tôi còn có thể tự hào được không em, đã giữ cho cái quan hệ thầy trò còn mãi là biểu tượng cao quý giữa một thời kỳ đã có quá nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Bên trong hàng rào của trường sở, chúng ta bằng mọi cách, đã dựng lên tấm vách ngăn ý thức để chu toàn cho được bổn phận và trách nhiệm, dù không phải dễ dàng.

Rạch Giá dẫu có chút xót xa vẫn vui, vẫn bằng lòng.

5 năm phấn trắng bảng đen với những gò ép khuôn thước, sao hồn còn đủ mộng để thoát ra cái họa hóa thạch của tuổi nghề…

Kể ra cũng may, bên ngoài cửa lớp, Rạch Giá mở ra trước mắt tôi một thế giới mới vừa bí ẩn vừa quyến rũ lạ lùng. Cửa biển thì lầm thầm hoài không biết mỏi tiếng gọi của một cõi mênh mông chưa từng chạm mặt. Đảo xa xôi thì tên gọi nghe lạ hoắc lạ huơ. Hòn Rùa, hòn Sơn Rái, hòn Củ Tron, đảo Phú Quốc mới nhắc cứ tưởng vọng âm đâu từ cái thời Gia Long còn bôn ba tẩu quốc. Phía đất liền, tên gọi những Miệt Thứ thì huyễn hoặc như cả cái cõi U Minh huyền bí mà vùng đất mang tên.

Ngày tháng bó chân trong trường lớp, đầu óc cấm cố trong nghề nghiệp, còn kẽ hở nào hơn cho những giấc mơ?

Như vậy mà Rạch Giá đã hào phóng mở ra cho tôi những lối thoát. Cuối tuần, lễ lạt, cùng với vài ba tên học trò thân tín, chiếc áo ấm mỏng khoác vai, thêm cái túi vải lận thêm bộ quần áo cũ, vài ba ổ bánh mì, thêm một hai hộp cá khô, thầy trò chạy vội ra Bến Cảng, ỉ ôi ghe cào ghe xịp, quá giang chạy tuốt ra mấy hòn đảo vắng người… Rồi trời xanh, mây trắng và biển cũng xanh lơ. Rồi nắng vàng, cát trắng và lòng người ở đảo cũng vàng ròng. Chơn chất, hào phóng … thả mặc cho thầy trò lang thang đầu bờ cuối bãi. Thời đó, ở đâu cũng đầy những luật lệ. Nhất là trong những thành phố, thị trấn hay cả làng mạc xa xôi. Dĩ nhiên đó cũng là điều dễ hiểu, kể từ khi con người chịu hợp lại sống quây quần. Ra đường phải giữ lề phải. Mười giờ tối đêm đêm là ra-dio nhắc nhở … xin hạ bớt âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền lòng hàng xóm. Dĩ nhiên là giọng cô xướng ngôn nghe êm ái như dỗ ngọt bên tai, mà điều ai nhằn nhện là có đường thấy thầy phú-lít gõ cửa … Lại còn thêm cuộc chiến tranh quái gở mà đám người cuồng tín và vong bản từ miền Bắc thì thụt đâm đầu vào giết chóc tàn phá miền Nam nên luật lệ phải nghiêm nhặt là cái chắc. Bởi vậy mà lâu rồi, đêm ở đây không còn là đêm của vũ trụ. Đêm được tính bằng sự an toàn của làng xóm. Đêm bị rút ngắn lại theo nhu cầu của tình thế. Sau 12 giờ khuya làm gì thì làm, bê trễ cách mấy cũng phải tìm cách về nhà, bỏ lại phố phường đường sá đồng ruộng… cho chó mèo chuột cống chuột lắt chuồn chuồn châu chấu rong chơi hay phá phách tùy ý. Kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vậy mà thích hay không người miền Nam vẫn phải chấp nhận sự thiệt thòi này. Tôi cũng vậy, đã từ lâu, lâu lắm, có vui chơi la cà cách mấy, cuộc vui dẫu đang hồi rộn rã tới đâu, hơi rượu có đang bốc lên tới tận mây xanh, lời tình tự có đang lâm ly cách mấy… cũng vẫn phải hối hả dằn ly hay gỡ tay quấn quíu rồi mạnh ai về nhà nấy… cho kịp giờ giới nghiêm!

Vậy mà trên những hòn đảo không tên nằm choi loi trong một góc nhỏ của đại dương, lần đầu tiên tôi được sống cái cảm giác tự do tuyệt đối mà Krishnamurti đã rao giảng trong sách Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng. Ở đó, ngày như đêm, bãi cát mênh mông nối liền biển cả và rừng núi, không một bóng người kể cả một tiếng chim, nghĩa là vắng bặt mọi thứ ràng buộc của trần thế, ngay cả dấu chân ta rồi có rồi không, có ta, không có ta, trời đất có kể gì ta. Mặc ngày mặc đêm, mặc tháng mặc năm, những lượn sóng vẫn triền miên vỗ rì rào, rì rầm, ngày đêm, đêm ngày, tuần tuần, tháng tháng, năm năm, mười năm, trăm năm, ngàn năm, có tôi, không có tôi, sóng vẫn vỗ hoài vỗ hủy lên bãi cát, ghềnh đá … Thiên nhiên vô tận, thời gian vô cùng. Tôi là ai? Ta là gì trong cái cõi vô thủy vô chung? Nắng lên, trời biển huy hoàng, bao la tới muốn ngộp thở. Ngày hụp xuống khỏi chân trời, vòm đêm nhung nhúc sao hôm, nằm ngửa trên cát, há miệng thở hơi đầy, nghe cả trời sao chạy tọt vào cổ họng, vừa thấy hồn bỗng thênh thang vừa thấy xác thân bỗng nhẹ hẫng. Rồi bỗng thấy như muốn chảy nước mắt khi thấy mình ràn rụa hạnh phúc. Còn gì ràng buộc, có gì ràng buộc, vậy rồi từ đâu bỗng dậy lên một ý thức tự do đến tuyệt cùng. Mọi thứ, quần áo, tên tuổi, nghề nghiệp, bổn phận, trách nhiêm, tôn giáo, phe phái … mọi thứ mọi điều rồi chỉ là sản phẩm của xã hội, của số đông, được đặt ra, vô tình hay cố ý, chỉ để giam giữ con người trong những nhà tù của chính mình, để từ đó đau khổ hạnh phúc rồi ra chỉ là những hệ lụy mà con người đã bày ra rồi làm khổ chính họ. Ý thức tự do tuyệt đối có phải là bước đầu của ý thức giải thoát? Những câu hỏi được đặt ra, rồi có được trả lời thích đáng. Hay cũng chỉ là mãi mãi những vấn nạn… tự muôn đời!

Dẫu vậy, những lần ở đó, những bình minh tựa cõi hồng hoang, những tà dương y đời tận thế… một mình giữa cõi bao la đã cho tôi những cảm giác tuyệt vời mà cuộc sống nơi đất liền chưa bao giờ ban phát. Trải nghiệm đó đã cho tôi thấy mình hạnh phúc. Hạnh phúc? Hạnh phúc lớn lao và nhỏ bé, hạnh phúc bí ẩn và lồ lộ, hạnh phúc khó tìm và dễ ợt, hạnh phúc xa xôi và hạnh phúc gần xịt, trong tầm tay, ngay kế bên, sao từ khai thiên lập địa người ta vẫn mãi đi tìm!!! Có phải hạnh phúc là cái bây giờ, ngay lúc này, cái mình đang có, đôi khi đơn giản và nhỏ nhoi. Nhỏ nhoi và vô nghĩa như kiểu con dã tràng lắng quắng xây ổ trên cát, đâu biết chút thôi sóng biển ùa vào, xóa sạch… nó lại lăng xăng lính quính tha cát… tha cát… sóng biển lại xóa sạch… Vậy mà hỏi dã tràng có hạnh phúc không, hạnh phúc ngay cái lúc tưởng mình đang xây tổ ấm cho chính mình. Hạnh phúc đó chớ, mặc dù…

Có phải của trời cho vô tận của mình riêng như ai đó đã nói. Vấn đề là tự mình có phát hiện được cho chính mình. Ngay bon. Đúng lúc. Và như vậy, có phải hạnh phúc và khổ đau đã nằm sẵn trong từng sát na hiện thế. Tìm đâu cho xa. Tìm xa đâu cho khó. Chính từ ta trong ta từng giây từng phút một. Lạc thú ở trong ta, từng ngày ta sống, từng việc ta làm, mỗi mỗi đều chứa sẵn trong đó hạnh phúc và khổ đau. Ai biểu chụp bậy thì ráng chịu!

Có phải từ đó tôi đã tìm ra được sự thăng bằng khi đong đưa trên sợi dây chăng ngang giữa đời riêng và xã hội, giữa thúc bách của nghề nghiệp và bung thùa của cá tính.

Vậy đó mà tôi sống cái đời làm thầy của tôi một cách hồn nhiên như mây thì bay đi, mặc dù…

Vậy đó … những lần theo bè bạn hay học trò rong chơi xuống tận những nơi gọi là Miệt Thứ chỉ vì nghe cái câu ca dao sương-khuya-ướt-đẫm-vườn-bầu-em-về-Miệt-Thứ-bỏ-sầu-cho-ai thấy sao mà trắc trở đến mủi lòng đến nỗi muốn về qua cho biết. Thứ Ba, Thứ Tư, Thứ Năm … Xẻo Rô, Tắc Cậu, Đường Xuồng … sông rạch chằng chịt, rủ nhau cởi giỏ vọt lướt như bay trên mặt nước đục lờ, leo qua mấy chiếc cầu tre lắt lẻo, xăn quần men theo những vạt tràm sũng nước, vừa đi vừa sợ tên bay đạn lạc vừa nghĩ ngợi đến công lao của những người trăm năm cũ …

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
…Tới Cà Mau – Rạch Giá Cất chòi, đốt lửa giữa rừng thiêng… (*)

Ờ cái thuở của những người tay rìu tay rựa, dám bỏ mảnh đất đã yên nơi yên chỗ chèo xuồng ba lá dấn mình vào vùng đất dữ, lau sậy, rắn rít, cọp beo cá sấu và nhất là thứ sương lam chướng khí quậy lên từ những cánh rừng trầm thủy. Phải kể là nếu không tứ chiếng thì cũng phải là tay yên hùng mới làm được cái chuyện nghiêng đồng chắt nước đốt rừng làm rẫy trăm cay ngàn đắng đó. Bởi vậy mà về đó rồi mới thấy thán phục rồi yêu mến làm sao vùng đất quê mùa mà thói quen hào phóng hẳn đã phát sinh từ tinh thần thượng võ của lớp lớp người đi khai phá.

Sướng lắm. Rượu đế của mấy ông làng ông xã rót từ cả can nhựa, đổ vô thau rồi pha với nước dừa xiêm, ly cao cẳng thì chặt cụt cẳng để không đứng thẳng được mà cứ phải chuyền tay nốc cạn ly đầy rồi rót đầy ly cạn … rắn rằn ri cóc nấu cháo thịt trắng tươi như thịt gà xé phay, thịt trúc nấu cà-ri, cá lóc tát đìa còn nhảy đùi đụi bọc sình nướng trui, cá sặc để vẩy bỏ nguyên con vô chảo mỡ sôi sùng sục nhả nhớt lềnh bềnh, rau sống rau thơm hành ngò xả ớt tía tô húng thơm húng lủi… thì thôi ê hề, cứ vói tay ra ngắt là thơm ngát cả bữa… đào-viên-kết-nghĩa. Cả một nghệ thuật ăn uống rặt mùi nam-kỳ-quốc. Lại nữa lắm khi tửu hứng, chụp lấy cây guitar khoét phím sâu hoắm tích tịch tình tang sáu câu vọng cổ ôi sao mà mùi tận mạng. Say rượu hay say tình người ai biết được đây!

Vậy đó! Rạch Giá vậy đó. Học trò học thì dạy. Rượu mời thì uống. Tình phải điệu thì yêu. Đời sống như bữa tiệc trần gian, nếm hoài không hết vị. Đời vui biết mấy. Lương tháng không đủ xài mà sao vẫn sẵn để tiêu hoang bất kể. Bây giờ mà có muốn làm bảng kế toán lại cũng chẳng biết cộng trừ nhơn chia sao cho ra lẽ. Canh bạc đời bỏ ra có chút vốn mà lợi thu về đếm mãi chẳng lơi tay.

……………

Vậy đó mà rồi dâu bể cho đành! Vậy đó rồi xảy ra cái biến cố tháng tư. Tôi ba mươi tuổi chết không mồ. Giữa trái tim nồng, nhát chém khô…

Sau ngày định mệnh đó, trường đóng cửa. Học trò tứ tán. Tôi khăn gói vô … tù cho đúng điệu hòa-hợp-hòa-giải của “đảng và nhà nước”. Tù? Cải tạo? Ờ mà nhớ mà nhắc làm chi cái chuyện tù-cải-tạo vừa ngây ngô vừa gian ác đó cho nó thêm tủi hổ vong linh ông bà tổ tiên đã dày công mở nước và dựng nước bằng tinh thần đại-nghĩa-lấy-chí-nhân-thay-cường-bạo. Lịch sử gọi là mấy ngàn năm văn hiến của dân tộc bị hạ màn cái rụp. Để dựng lên tuồng mới, đào thương với kép mùi thì không có vai mà hề thì ôi thôi lủ khủ! Quên đi, quên cho nhẹ bớt phận người !!!

Ra tù. Rạch Giá trở thành nơi dung thân dù vẫn là một thứ ngục tù không có hàng rào gai kẽm. Ý định về quê khựng lại với lời nhắn cản của cha. Làng xóm hẹp té với những đòn thù ti tiện. Tôi ở lại với Rạch Giá, làm tên du thủ thứ thiệt. Vác mướn, bưng hồ, đội gạo, cái gì cũng làm, ngoại trừ cái chuyện gọi là chạy mánh thì chịu thua, hổng biết sao mà cứ ngại cái kiểu lanh tay lẹ miệng. Bộ đồ lính từ thời Thủ Ðức nhuộm đen mốc thếch. Tay chân trầy xước và cái đầu thì trầy trật những xung khắc oái ăm. Rạch Giá tuôn ra đường mua bán mọi thứ của cải vốn được cất giữ lâu năm làm gia bảo, nhưng có một thứ mà người ở đó không bao giờ chịu mua bán. Ðó là sự hào sảng phát sinh từ giòng máu của tiền nhân đã xẻ rạch đào mương đắp đập xô lùi biển cả.

5 năm cuối ở Rạch Giá. Cái nhớ của tôi dừng lại ở những tấm lòng hào sảng đó.

5 năm cuối ở đó, thằng tuổi trẻ vỡ mộng, tên thầy giáo thất chí là tôi bỗng khám phá ra một điều tưởng chỉ còn trong sách Quốc-văn-giáo-khoa-thư-lớp-đồng-ấu: những tấm lòng vàng.

Từ chợ Rạch Giá chạy theo đường liên tỉnh ngược về hướng Cần Thơ, khoảng 9 cây số thì tới một cây cầu có tên gọi rất ngộ, cầu Quằn. Ngay trên cái dốc cao bên nây cầu, về phía Rạch Giá, rẽ phải là một con lộ đá, không, phải gọi là lộ đất trộn đá mà mỗi bận mưa xuống, đất theo nước mưa xói mòn chảy trôi về hai phía lề thấp, phần còn lại thì hóa thành bùn non, dẻo nhẹo đeo dính những bước chân bộ hành hoặc những vòng bánh xe qua lại. Sau năm 75, năm khi mười họa mới có một chiếc xe hơi gập ghềnh bò qua, còn thì đa số là xe lam ba bánh chở khách, hoặc là xe đạp chạy sì sụp, lách, né… chẳng khác gì thi xe đạp lái khéo. Nói vậy chớ con đường đất đá chạy lúp xúp vòng vo theo bờ sông, chui dưới tàn lá những bụi tre già phờ phệt khói bụi, ngang qua những mái tranh thấp lũm chũm, những bụi hoa không tên nở dại suốt hai mùa mưa nắng vẫn mang một vẻ đẹp gì ngồ ngộ. Chạy quen trên những phố xá đông người, len lách kèn cựa qua lại những ngã tư ngã năm, ngó đâu cũng thấy xi-măng với gạch ngói riết rồi lòng cũng đâm ra hục hặc với những thứ không đâu. Có dịp quày trở lại, đi qua những ngõ tre lối trúc mới thấy cái vẻ an nhiên tự tại của cảnh vật và người nơi đó. Giặc thì giặc, miễn bom đạn chưa tràn tới, thì làng quê vẫn có cái vẻ êm ả của một mặt nước ao bèo ngày lặng gió. Những buổi trưa hè, ghé lại đụt nắng dưới bụi tre lão bên đường, ngó lá tre vừa lắt lay trong bóng nắng vừa kêu lất phất theo chỉ một làn gió nhẹ khảy qua thấy đời sao mà ơi… bình yên quá đỗi! Rồi lại muốn chùi mình xuống nằm dài lên lớp lá tre khô rục đó mà ngủ một giấc cho… quên-mẹ-nó-đời ! Nhưng mà có ngủ được đâu, những ngày tháng đó!

Những ngày tháng đó tôi còn phải chạy thêm cho hết con đường dài đâu cỡ ba bốn cây số để tới một khu chợ có tên là chợ An Hòa. Chợ không có nhà lồng mái lợp, chỉ có mấy cái sạp gỗ che bằng mấy tấm vải bạt sút sổ, thêm mấy cái thúng mẹt rổ rá chen nhau xúm xít trên một khoảnh đất rộng không quá mươi thước vuông. Ðối diện là một dãy tiệm buôn, cũng lụp xụp như mọi dãy phố tiệm ở miền quê. Cái thì bán chạp phô. Cái thì bán vải. Cái thì kê vài ba cái bàn gỗ làm tiệm nước, buổi sáng cũng hủ tiếu bánh bao cà phê xíu mại. Người ra kẻ vô cũng ì xèo… Qua khỏi chợ chừng trăm thước là một ngôi trường nhỏ, xây từ hồi nào không biết mà nền kê đá tảng cao gần nửa thước tây, mái lợp tôn, ngay cổng có cây bã đậu già khụ, giữa trưa rợp bóng cả nửa sân trường. Ở đó, tôi đã gặp và đã sống dưới tán che của một thân cổ thụ. Và cả một nhánh liễu dẫu đã xa rồi một thuở chương đài.

Bác Sáu M. là một người đàn ông rặt bộ bình dân, trạc tuổi ba tôi lúc đó. Dáng dấp xuề xòa, cười nói hồn nhiên, hay mặc bộ py-ja-ma vải sọc ngay cả trong nhà hay ngoài ngõ. Ông sống chắp nối với một người đàn bà Tàu và có hai con, một gái một trai. Khi đã thân thích, có lần bác tâm sự với tôi, bác là con trai độc nhất của một người mẹ góa bụa sớm, nhà nghèo, nên chỉ được cho học tới lớp ba đã phải xô ra đời tập kiếm sống. Vậy mà nghe bác Sáu nói chuyện, người ta như thấy một người đứng tuổi ăn nói hùng biện, lý lẽ sâu sắc, câu chữ rạch ròi không thua bất cứ một ai kể cả những tay khoa bảng bằng cấp đeo đầy mình. Cho tới tháng tư năm bảy mươi lăm, bác là chủ tịch nghiệp đoàn xe lam. Chắc số trời run rủi bác gặp tôi rồi không biết do đâu mà đem lòng cảm mến. Số là hai năm sau khi tù về, nhà nước vốn chủ trương ngu dân nhưng cũng ra điều làm giáo dục, vẫn cho mở lại cửa trường, dĩ nhiên là với chương trình thay đổi hoàn toàn. Rồi vì thiếu người dạy học cho ra vẻ xôm tụ bèn quơ quào thêm đám tù gốc giáo… cho trở lại cái nghề cũ. Tôi cũng được hưởng lây… sự vinh quang đó. Nhưng hẳn là do cái liên hệ ruột thịt với quá nhiều tàn-dư-chế-độ-cũ nên không được trở lại trường-cũ-tình-xưa. Mà bị đưa vào một ngôi trường nhỏ ở ngoại ô Rạch Giá. Bởi vậy mới có chuyện ba sinh hữu hạnh, tôi được gặp bác Sáu. Từ đó, nẩy sinh ra một mối giao cảm lạ lùng. Một bên, một người già đã tới tuổi sáu mươi, một bên, còn trai trẻ, qua năm ba bữa cà-phê, năm bảy hơi thuốc Samit … đã coi nhau như ruột rà. Từ đó, ông theo tôi như cái bóng hộ mạng, che phủ cho tôi qua hết mọi tai ương. Tù về, tôi nghèo rớt mồng tơi. Mượn được chiếc xe đạp cà tàng, sáng sáng còng lưng đường trường xa từ chợ Rạch Giá vô tới An Hòa, vừa tới trước nhà bác ngay đầu chợ, là như đã canh sẵn, bác chụp vội cái áo phủ ngoài, thò tay lấy bao thuốc lá trong cái thùng bán thuốc lá lẻ của bác gái, bước vội ra chặn tôi lại rồi khoác tay … vô thầy. Vừa nói vừa rẽ ngoặt vô cái tiệm nước của chú Ba … kế bên. Vậy rồi, bác một ly phé-nại, tôi một cốc xây-chừng, dậm thêm khói thuốc lá Thái Lan vốn là một thứ de-luxe thời buổi ấy, bữa chuyện thời thế, bữa tràm qua thế thái nhân tình, bác cháu đối ẩm, tương tri như tự đời nào. Có bữa thấy tôi lau mồ hôi nhỏ giọt, mặt mũi xanh lè, lại còn lớn tiếng kêu phổ ky gọi nấu cho tôi tô hủ tiếu. Trời, thời buổi ấy sáng gói xôi còn không dám ăn thì tô hủ tiếu bốc khói thơm phức quả là một thứ xa xỉ phản-cách-mạng. Vậy mà ông Mạnh Thường Quân ngay lúc cả nước đang hồ hởi bò lết lên chủ nghĩa xã hội đã cho tôi bất kể. Vậy đó, vậy đó. Bác Sáu bảo bọc tôi như cha với con. Vốn có uy tín với làng xóm cũ thành ra bác cũng có thế với đám phường khóm mới. Dựa vào đó, mọi động tịnh của đám công an địa phương xỉa xói vào tôi đều được bác dang tay ra hóa giải. Có khi còn bỏ tiền ra đãi đằng đám cốt đột để mua cho tôi sự bằng an. Ngày qua ngày, bằng sự bao che của một bậc trưởng thượng như bác Sáu, tôi qua lại riết rồi được tin cậy trở nên thân tình với hết đầu trên xóm dưới. Nay chỗ này mời bữa cơm đạm bạc, mai chỗ kia bữa giỗ linh đình. Bà con chòm xóm tin cậy nơi bác rồi cũng coi tôi như thân thuộc. Vậy đó, tháng thêm tháng, hai bác cháu càng lúc càng gắn bó. Bác đi đâu cũng kéo tôi theo. Cúng đình, cúng miễu, cưới hỏi, tang ma, giỗ chạp chỗ nào có bác là không thể thiếu mặt tôi. Có lần bác nói thẳng với tôi chỗ này họ nấu ăn ngon miệng lắm, thầy đi với tôi cho biết. Chắc bác nói khéo cho tôi no bụng khi biết tôi đang gồng mình nhịn nhọt với đồng lương chết đói và nhất là với số vốn liếng chữ nghĩa hết thời không đong được nửa lon gạo mọt. Vậy rồi, có lần thấy tôi quá túng quẫn, nhằm kỳ bãi trường, bác Sáu kêu tôi ghé nhà rồi cầm xấp tiền mới tinh biểu lương hướng vầy làm sao thầy sống mà dạy học. Tui cho thầy mượn 3000 đồng (sau khi đám cầm quyền mới phù phép biến 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa thành 1 đồng Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa) làm vốn, về hỏi đường tìm cách mua bán với người ta. Rồi chừng nào có ăn gom vốn trả lại cho tui. Trời, giữa thời buổi mánh mun gạt gẫm nhau từng cây kim sợi chỉ, tự dưng xách tiền cho mượn không chờ một lời hỏi vay mà cũng không một tờ giấy lộn làm bằng, tôi sững sờ đến muốn ú ớ. Ở đời có vậy sao? Thời buổi xã hội chủ nghĩa mà có vậy sao?

Mà có thiệt!

Bác Sáu ơi con nhắc ra đây như một nén hương lòng, thắp lại chút kỷ niệm, chút xíu kỷ niệm chẳng đáng đâu vào đâu chớ lấy gì mà cân đo đong lường được hết ân tình ân nghĩa, vốn chỉ là khái niệm trừu tượng chẳng hình thù không màu sắc. Không màu sắc mà tô son dặm phấn lại cho đời. Không hình thù mà lại lồng lộng bóng mát khi trời làm khô hạn. Chữ nghĩa, dao cọ rõ là đành bất lực. Làm sao con viết, vẽ, ra được cái mênh mông của tấm lòng bác cưu mang. Không chút máu huyết ruột thịt, chẳng họ hàng thân thích, không gần gũi xóm giềng, chẳng mảy may lợi lộc, vậy mà đưa tay ra vớt, nghiêng vai ra gánh, đỡ đần cho một kẻ thất thế ngay khi thú dữ đang đội lốt làm người. Thi ân bất cầu báo. Làm mà chẳng màng ơn nghĩa. Còn hào phóng nào hơn hào phóng đó nữa không! Mà đã hết đâu, thứ ơn nghĩa trời biển đó. Đến lúc ngặt nghèo hơn nữa, chính dưới cái bóng phủ rợp đời tôi của bác, tôi quen biết một người bạn trẻ. Đùm bọc trong tấm lòng nhân ái của bác, người bạn đã dành cho tôi và gia đình bốn người một chuyến vượt biên miễn phí. Miễn phí trăm phần trong khi mỗi đầu người được tính giá bằng hai lượng vàng. Vị chi là tám lượng. Tám lượng! Khi tôi không có được trong tay một váng vất bụi vàng chớ nói chi đến lượng. Tôi có mơ không? Không! Rồi chuyến đi suôn sẻ … Rồi… tôi mất bác Sáu từ lần đó. Ở lại bên nhà, cách trời cách biển, tuổi già đến lúc mòn hơi. Bác Sáu bỏ đi chưa nghe được từ miệng tôi một tiếng cám ơn. Tôi biết, bác Sáu không chờ nghe. Tôi biết bác Sáu không cần nghe. Nhưng … nhưng rồi làm sao ?… Có những tách cà-phê buổi sáng, ở đây, khi tuổi đời đã xế, tôi nhớ … tôi nhớ lại … xót xa …!!!

Vâng, con nhớ lại, nhớ lại từng chút, từng phút một, những khi bác cháu mình qua lại, còn nhau …

Rạch Giá. Ơi Rạch Giá. Chốn ở để mà thương chớ đâu phải đi để mà nhớ. Vậy mà…

Nhớ lắm, Rạch Giá ơi! Dẫu đâu phải chỉ có tiếng cười. Dẫu nhiều lắm, những tiếng khóc. Kể cả, khóc thầm. Rất thầm.

Rạch Giá. Nếu người về lỡ ai tìm hỏi bạn. Cho gởi lời tạ lỗi, dẫu muộn màng. Chén trà khuya, hơi thuốc đẫm thâm ân. Và tay chuốc rượu nồng chưa nhắp cạn.

Vậy đó, Rạch Giá An Hòa, con đường dài chưa quá mươi cây số, mà nợ nần nhau quá đỗi. Ngày hai buổi đạp xe, đạp đi đạp về, khi nắng lưa thưa lúc mưa nặng hạt. Vòng xe lăn trên sỏi đá, buồn hiu. Vòng xe lăn trên bùn lầy, vùi dập. Và lắm khi còn lăn nghiến trên nỗi buồn tôi, điệu trái oan. Vâng, giữa khi không ai chờ không ai đợi, giữa khi mọi mơ mộng bị dìm chết ngay từ trong trứng nước, nói gì đến chuyện đèo bòng hoa nguyệt, ngày hai buổi đạp xe cọc cạch, cọc cạch … đầu óc thả lỏng chỉ muốn làm cây lá vô tri. Vậy mà sao thổi lại chi cơn gió lạ làm lay lắt cọng cỏ đã bỏ xó bên đường. Sao tự dưng tỏ dạ yêu thương. Ờ sao dưng không đem lòng phủ dụ. Nép kín trong một góc đời, lánh mặt trong hờn tủi, mỗi lời nói, mỗi điệu bộ sao ngầm chứa mỗi yêu thương. Chút ít tiền kín đáo nhét vội trong túi áo bỏ quên khi biết tôi thiếu hụt. Chén cơm tấm mẳn nấu vội, chiều mưa bất chợt giữ chân kẻ trễ đường về. Trưa im im, phòng riêng trong một góc trường, mấy điếu thuốc lá lẻ, ly cà phê đá pha sẵn, chiếc khăn tay thấm nước mát, mỗi trưa nắng lửa để sẵn góc bàn viết, ngay khi tôi vừa đạp xe tới, dựng vội vào gốc cây, xoay người bước vào, người đã chờ người, lặng lẽ như đá vọng phu … Có giao ước gì đâu khi ngang trái đã chận kín hết mọi ngả đời. Vậy mà sao vẫn chờ vẫn đợi, vẫn cho, sẵn sàng cho hết, kể cả những gì trân quí nhất đã gìn giữ suốt một thời con gái. Tội tình chi lắm vậy trời! Vậy mà tôi, rồi tôi có làm được gì đâu để đắp đổi lại chút ân tình ẩn mật đó!

Cho đến khi vì thúc bách của thời thế tôi bỏ đi, biệt xứ. Ở hai bờ đại dương, lặng ngắt tăm hơi. Năm bảy năm sau, tin xa. Cả nhà chìm tàu đâu đó trên biển dữ. Xác trôi tấp bờ bãi nào không ai biết. Bi kịch của cả nước, cộng thêm bi kịch của riêng mình!!!
Có lời nào đủ sám hối. Có giọt nước mắt nào xóa nhòa được vết nám trong một góc tim tôi. Người ơi, buồn lắm làm sao nói. Nước mắt mà chi? Chẳng kịp rơi!

…………………
…………………

35 năm làm người dân Việt sống trên xứ sở đầy ắp tai ương. Chút vui nào cũng lẫn lẫn chút buồn. Có lần nào, người Việt vui trọn một niềm vui?
Có bao giờ vui trọn một niềm vui? Câu hỏi dội ngược vào lòng như một tiếng tức tưởi.
Dẫu vậy, nghĩ lại thêm rồi thấy ơn nghĩa trùng trùng. Năm năm, mười năm… ngày tháng đếm tới đếm lui chỉ như một chớp mắt trên dòng đời miên viễn. Mà sao ân tình của lòng người bảo bọc với đất đai cưu mang thì đếm hoài không xuể.

Giờ này cách trời cách biển. Và người, người thì đã mù mịt cố nhân.

Xin một lần cho tôi được nói hai tiếng cám ơn.

Ơn người. Ơn đời.

Xin cúi đầu hướng ra đủ bốn phương tám hướng, vì nghĩ cho cùng có hướng nào mà không phưởng phất bóng NGƯỜI đã dang tay đỡ đần tôi, những khi đời trở chứng.
Cám ơn Vĩnh Long.
Cám ơn Sài Gòn.
Cám ơn Rạch Gíá.
Vẫn còn hoài đó, từng nỗi nhớ mông mênh…
Rất đỗi mông mênh…


Cao Vị Khanh
tháng 3 năm 2018

(*) Sơn Nam