có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 3 30, 2018

Kim Các Tự giữa lòng cố đô Kyoto


Không gian Kim Các Tự bên hồ Cảnh Hồ Trì. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Xứ Phù Tang có nhiều thắng cảnh thu hút du khách đến từ năm châu bốn bể, bất kể vào thời tiết của bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông.

Không gian thiên nhiên như mùa Xuân có hoa anh đào, có ngọn Phú Sĩ hùng vĩ tuyết phủ quanh năm. Mùa Thu có lá phong sắc vàng đỏ trên cao nguyên Nikko hay dưới thung lũng làng Shiragawago của Gifu. Mùa Đông lạnh giá có các ngọn suối nước nóng ôn tuyền Beppu tuyệt diệu trên đảo Kyushu (phía Nam) và các lễ hội trên đảo phía Bắc Hokkaido.

Nhưng nói về không gian văn hóa xứ Phù Tang, du khách không thể bỏ qua thắng cảnh ngôi Kim Các Tự (Kinkakuji) nằm giữa lòng cố đô Kyoto.

Kyoto là một cố đô hơn một ngàn năm của Nhật Bản, suốt từ năm 794 đến năm 1868 là năm triều đại Mạc Phủ Đức Xuyên trao trả lại quyền hành cho Minh Trị Thiên Hoàng. Sau đó, Thiên Hoàng đã thiên đô về Edo và đổi tên thành Tokyo (Đông Kinh).

Kyoto với một thời gian ngàn năm dài, trải qua biết bao nhiêu biến động của các cuộc tranh giành ảnh hưởng, thôn tính lẫn nhau của các sứ quân Shogun. Sự tranh chấp này cũng đã là một trong những nguyên nhân tạo ra một nếp văn hóa, một nếp quan niệm sống cho giới shogun, lãnh chúa, địa chủ, và các chiến binh samurai.

Ashikaga là một triều đại shogun nổi tiếng trong lịch sử Phù Tang, cai trị từ năm 1336 đến 1573. Đến đời vị Shogun thứ ba là Yoshimitsu Ashikaga có một nhà quý tộc trong vùng Bắc Sơn đã dâng tặng cho vị shogun này ngôi tư dinh của mình, tọa lạc ngay dưới chân núi Kinugasa, một ngọn núi không cao lắm nằm phía Tây Bắc của trung tâm Kyoto.

Shogun Yoshimitsu rất thích thú với khu tư dinh này, ông đã không ngần ngại cho xây thêm một ngôi biệt điện đặt tên là Kitayama-den (Bắc Sơn Điện) làm nơi an dưỡng tuổi già. Trước khi qua đời, shogun Yoshimitsu để lại di chúc muốn biến Bắc Sơn Điện thành một ngôi thiền tự, đặt tên là Lộc Uyển Tự (chùa Lộc Uyển) thuộc phái Thiền Lâm Tế.

Ngôi Kim Các Tự tại Kyoto. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Lộc Uyển Tự được sửa sang lại, mang nét kiến trúc tổng hợp ảnh hưởng của các triều đại trước đó. Chùa gồm có ba tầng bằng gỗ nối kết lại với nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt mà du khách nhận thấy ngay được là vòng tường phía ngoài của hai tầng trên đều được dát vàng chung quanh. Chính vì điểm này mà Lộc Uyển Tự còn được người Nhật gọi một tên khác là Kim Các Tự (chùa Gác Vàng). Dần dần người ta quên mất đi cái tên nguyên thủy của chùa là chùa Vườn Nai (Lộc Uyển), mọi người chỉ còn nhớ đến tên “chùa vàng” (Kim Các) ở Nhật.

Bạn đến du ngoạn Kim Các Tự vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, buổi sáng, trưa hay chiều, bạn đều thưởng ngoạn được nét lộng lẫy sang trọng của ngôi chùa nổi bật giữa một không gian thanh tịnh nhẹ nhàng bên chân núi Kinugasa.

Trước mặt chùa là hồ nước Cảnh Hồ Trì được thiết kế theo phong thái cảnh vườn của Nhật Bản. Những hòn đảo nhỏ nằm rải rác trong Cảnh Hồ Trì cho người thưởng ngoạn cảm tưởng trong không gian hồ Cảnh Trì có đảo, trên đảo có những cây tùng bách xanh rì vươn cao bên các tảng đá rêu xanh vây kín. Đôi khi một chiếc thuyền con được cột neo bên hông chùa khiến người thưởng ngoạn cảm nhận được “triết lý động” nằm ngay trong cái không gian tĩnh lặng của ngôi chùa.

Vào mùa Thu, nước mặt hồ lặng im không một chút sóng, phẳng lặng như mặt gương in hình bóng ngôi chùa xuống mặt nước. Người xem tưởng chừng như không phân biệt được ranh giới giữa cái thật và cái ảo, phong vị thiền như lẩn quất đâu đây.

Nghệ thuật thiết kế vườn và cây cảnh của người Nhật thiên về sự đơn giản và không quá màu sắc như người Trung Hoa. Đặc biệt người Nhật rất yêu thích phong cảnh trang trí của các cây tùng bách nên du khách tha hồ thưởng ngoạn những nét đẹp của những cây tùng bách vài trăm tuổi.

Giữa Cảnh Hồ Trì là ngôi chùa ba tầng, nếu bạn tinh ý một chút bạn sẽ nhận thấy ba tầng lầu này có ba lối kiến trúc khác nhau. Trên đỉnh nóc chùa, có tượng chim trĩ vàng, biểu tượng cho triều đại mạc phủ Ashikaga hãy còn hiện diện như là một chứng tích lịch sử của 600 năm đã trôi qua trên đất nước Phù Tang. Tầng thứ ba trên cùng được kiến trúc mang nét thiền tông dưới triều đại Mạc Phủ Muromachi, người ta gọi tầng này là tầng “Kukkyo-cho/Cứu cảnh đỉnh.” Tầng này nhỏ nhất trong ba tầng lầu, phần bên trên mái chùa được kiến trúc cong hơn so với các phần khác.

Gác chuông Kim Các Tự vào mùa Thu. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Tầng thứ hai của chùa vàng được cho là có nét kiến trúc theo phong thái dũng mãnh võ sĩ đạo của thời Kamakura, thời shogun đầu tiên của Nhật Bản. Tầng này gọi là tầng “Choo-On doo/Triều Âm Động.” Tường phía ngoài của tầng trên cùng và tầng thứ hai đều được dát vàng chung quanh bốn phía khiến màu sắc ngôi chùa càng rực rỡ hơn khi in hình bóng “chùa vàng” xuống mặt hồ nước Cảnh Trì.

Tầng một cũng là tầng dưới cùng được kiến trúc theo kiến trúc thời Heian-kyo (Heian-kyo sau được đổi tên thành Kyoto), một phong thái kiến trúc đơn giản, không cầu kỳ nhưng là nền tảng rất vững chắc để giữ vững cho hai tầng trên. Tầng này có tên là Hosui-in (Pháp Thủy Viện). Cứu Cảnh Đỉnh, Triều Âm Động, Pháp Thủy Viện là những tên rất văn vẻ do các nhà thiết kế muốn gửi các thông điệp đến người đời sau về văn hoá và kiến trúc Nhật Bản từ ngày xa xưa đó.

Sau lưng chùa vàng, một con đường mòn nhỏ đưa du khách đến một ngọn đồi nhỏ. Qua khỏi đoạn dốc cao, du khách bắt gặp một ngôi tiểu thất đơn sơ mái lợp bằng các loại cói nhỏ. Thông thường ít ai để ý đến ngôi tiểu thất Sekke-tei (Tịch Giai Đình) này. Nhưng đây chính là nơi xưa kia, một vài vị Thiên Hoàng đã từng đến đây “ngự trà” theo nghi lễ trà đạo với các shogun của triều đại Ashikaga. Xa xa một chút, ra khỏi chân đồi, người ta nhận thấy một ngôi thần xã Fudoo-doo dựng ngay bên một hồ nước nhỏ. Dân tộc Nhật vào thuở đó đã dung hòa Thần Đạo vào Phật Giáo, thẩm thấu Phật Giáo, Lão Giáo vào trong Thần Đạo, vì thế du khách không khỏi ngạc nhiên lạ lùng khi thấy thần trong Phật, thấy Phật trong thần.

Kim Các Tự đã mấy lần bị cháy, gần nhất vào năm 1950. Ngôi chùa hiện tại đã được tái thiết trùng tu từ 1955 theo nguyên mẫu Lộc Uyển Tự ngày xưa. Lớp vàng dát quanh chùa cũng được trùng tu nhiều lần. Ngày xưa, thời đi học tôi đã có dịp vào tận cửa Pháp Thủy Viện của chùa vàng thưởng ngoạn. Nhưng bây giờ số lượng du khách quá đông, để tránh hư hại cho chùa vàng người ta đã rào lại sân chùa vàng không cho du khách vào thăm nữa.

Kim Các Tự không phải chỉ có không gian thanh tịnh nhẹ nhàng của thời tiết bốn mùa, không phải chỉ có kiến trúc chùa vàng rực rỡ giữa không gian. Lộc Uyển Tự/Kim Các Tự vẫn là một điểm văn hóa Nhật Bản đáng để du khách tìm hiểu thêm về nét đẹp xứ Phù Tang. Đây mới chính là điểm tinh tuý ẩn dấu nhất của ngôi chùa vàng.


Trần Nguyên Thắng

*Yukio Mishima là một nhà văn nổi tiếng Nhật Bản trong thế kỷ 20, ông đã ba lần được đề cử vào giải Nobel Văn Chương. Ông là một mẫu người lý tưởng của chủ nghĩa dân tộc, kêu gọi giới trẻ Nhật Bản thoát khỏi tinh thần khiếp nhược sau cuộc bại trận 1945, không làm mai một đi tinh thần võ sĩ đạo Nhật Bản từ ngàn xưa. Tháng Mười Một, 1970, ông đã chọn một cái chết bằng cách mổ bụng theo nghi thức seppuku của samurai ngày xưa trong một doanh trại của Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản tại Tokyo.