có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 1 17, 2018

Trúc Thanh Tâm, kiếp giang hồ phiêu bạt giữa thi ca


Nhà thơ Trúc Thanh Tâm (1949-2018)

Những ngày tháng đầu tiên, tôi gặp gỡ người trai trẻ làm thơ vừa độ 15-16 tuổi lãng du bước tận vào vùng đất biên cương Bảy Núi. Mỗi cuộc tương phùng kỳ diệu như vậy với mỗi anh em văn nghệ thời trẻ của chúng tôi, hầu như đều khắc ghi đậm đà nhiều kỷ niệm riêng rẻ cho nhau. Nhưng chắc chắn một điều khẳng định duy nhất cho chung cuộc gặp gỡ, là tìm tri kỷ tương ngộ, mà hôm qua còn tương kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Tìm kiếm, loáng thoáng trong phút giây, cái siết tay, và nụ cười… Tất cả như một định mệnh, bằng hữu bốn phương đã là tứ hải giai huynh đệ. Thời làm văn nghệ xưa, giờ nhìn lại như một giấc mộng đẹp kỳ diệu, lung linh sương khói, đầy nghĩa khí kim bằng.

Có vậy thôi, mà đằng đẵng suốt hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghiệp chướng duyên khởi không bao giờ chìm ngấm trong quên lãng. Dù bạn bè mười phương lưu lạc, tâm thức bao giờ cũng nhiều giây phút giao thoa, dù chỉ phiêu du loáng tháng bất chợt…

Trúc Thanh Tâm trong dáng dấp một người thơ trẻ khoảng 17 thanh xuân, bước vội từ vùng khói lửa của làng quê Long Mỹ (Chương Thiện), mang gói hành trang bước chân cao thấp trong những ngày tháng tư về hành hương trên linh địa Thất Sơn. Thời gian nầy (1966), từ Sài Gòn tôi cũng vừa tạm rời giảng đường trở về quê nghỉ hè. Cái nắng oi bức của mùa hè còn vươn sắc đỏ rực rỡ, loáng thoáng trên cánh phượng vỹ quê tôi. Chàng trai thi nhân lạ mặt bất chợt hiện diện trước sân nhà, nhẹ hỏi tên tôi… Sự bất chợt tiên thiên, là một định mệnh thân hữu kéo dài đến nay đã hơn 50 năm.

Hành trang phiêu bạt của Trúc Thanh Tâm chỉ là một tấm lòng và một túi thơ… Sự trong sáng nhỏ nhẹ trong hướng sống, với sức sáng tạo mãnh liệt, Trúc Thanh Tâm bước hẳn được vào văn sử như hôm nay. Chắc chắn vì anh mang trong người một hướng thơ riêng biệt đầy âm hưởng của tình người, tình đất,và kỷ niệm vượt thoát thời gian… Chính vậy, khi viết bài cho anh tôi thường soi rọi nội tâm mà đề nhẹ trăm năm nỗi nhớ đi-về (TGTPNĐHQT, tập III).

Trúc Thanh Tâm bước vào văn nghệ thật sớm, vững chải như Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Thành Xuân, Thùy Linh Thụy Vũ …Với tâm hồn của người đồng bằng, ngoài tài hoa và chân chất… mọi sự phiêu lãng khác đều không là điều tối cần tiết trong ngõ ngách của thi ca. Vì vậy, càng lúc cũng như các bằng hữu văn nghệ cùng thời, Trúc Thanh Tâm trải đầy những rung động với thơ, ngày càng đạt được cảm thông sâu sắc với quê hương, với nghệ thuật, với người đồng hành, và với cả tha nhân…

Nhiều lúc tâm sự với anh em văn nghệ về thơ Trúc Thanh Tâm, tôi có bày tỏ: “Trúc Thanh Tâm bước vào địa phận thi ca từ thuở tuổi thiếu niên, một lớp tuổi học trò 15-16 ôm tràn đầy ảo mộng tình yêu trinh nguyên và trong sáng. Quê Trúc Thanh Tâm từ làng Long Mỹ tận phương trời mù mịt xa thẳm, ánh sáng văn hóa hầu như chìm lắng trong tiếng đạn bom và nghèo khó. Có lần, tôi bước vội vàng qua Long Mỹ về thăm con kênh Xà No , một vùng đất nhân dáng chằn chịt khói lửa, mới hiểu rằng đất nước còn quá nhiều truân chuyên, phủ chụp xuống hồn người nỗi bất hạnh đầy tiếng thở than và nước mắt. Chàng trai trẻ Long Mỹ cũng không thoát khỏi mệnh số đó, hàng ngày cuộc sống dàn trải đầy rẫy những bi thảm trên góc nhớ quê nhà. Thơ Trúc Thanh Tâm bắt đầu xuất hiện bằng những kỷ niệm phôi thai. Chung quanh những cuộc đất làm lầy lội trí tuệ non nớt, với hình ảnh trời quê, vời vợi cánh chim, áng mây man mác… đã quyện vào hồn Trúc Thanh Tâm một sự rung động mật thiết với quê hương…”

Trôi nổi suốt tuổi thanh xuân, Trúc Thanh Tâm vẫn ôm hành trang cuốn chặt cuộc đời với thi nghiệp. Anh cũng tập họp anh em văn nghệ trong trà dư tửu hậu luận bàn văn chương, sáng tác và đăng báo. Năm 1966, Trúc Thanh Tâm bước về Châu Đốc tìm kiếm thăm tôi, là lúc nhà thơ đã có bài thơ đầu tiên Thân Du Mục đăng trên báo Thời Đại.

Sau năm 1975, Trúc Thanh Tâm dàn trải cuộc sống mưu sinh bằng nhiều nghề, và vẫn âm thầm sáng tác, anh gói ghém tác phẩm lưu trữ không phổ biến.

Năm 1990, anh em bàn bạc Trúc Thanh Tâm về công tác tại Hội Văn Nghệ Châu Đốc, giao chăm sóc tờ báo Văn Nghệ và là trưởng Câu lạc bộ Thơ Ca…

Tình thế hiện giờ, giúp anh tìm được sự ổn định tâm hồn và gầy dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Sự tưởng thật là giản đơn đó, nhưng đã nhờ vậy mà thơ Trúc Thanh Tâm càng lúc càng phiêu lãng trong dòng tình thi điêu luyện, chân thành suốt dòng thơ đi. Đồng bằng sông Cửu Long… dầy đặt bằng hữu văn nghệ tài hoa, nhiều trang mạng tự lập để phổ biến những sáng tác cho nhau, nhưng trang mạng của Trúc Thanh Tâm được đồng cảm thật sâu sắc và đông đảo nhất với văn nghệ sĩ trong và ngoài nước hưởng ứng.

Thật lâu, tôi không về thăm quê nhà Nhưng linh địa Bảy Núi vẫn thường xuyên hiện hữu trong tôi, và cùng bằng hữu vẫn mượn lời thăm hỏi qua di động. Chính vậy, có hơn mươi năm tôi không gặp gỡ với Trúc Thanh Tâm. Không nhớ năm nào, Cầu Chữ Y bỗng lù lù bóng dáng của người thơ, anh vội vàng ghé thăm tôi sau nhiều năm xa cách. Tôi nhắn qua điện thoại, rồi chớp nhoáng trên quán nhỏ ven đường, Lưu Nhữ Thụy, Nguyễn Thành Xuân, Trúc Thanh Tâm và tôi, chan đầy tình anh em trên bàn tiệc rượu nho nhỏ bên dòng kênh đôi. Trúc Thanh Tâm rất xúc động làm ngay bài thơ tốc hành, đọc ngay buổi tiệc tặng tôi, Xuân và Thụy:

Cái thật, điều không lầm lẫn
(Tặng anh Nghiễm, Thụy, Xuân)

Sài Gòn, tôi về nắng trưa
Cầu chữ Y, nỗi buồn gió táp
Cái đầu tiên mà tôi bắt gặp
Là sự nhỏ nhoi, nỗi khổ riêng mình

Sài Gòn, đèn ngọn đỏ, ngọn xanh
Đâu đủ sáng cho mình mơ ước
Mưa là cái khôn tắm mát
Nhưng con người, đôi lúc lại sợ mưa

Mắt, bị che chiếc lá sái mùa
Đường thẳng cứ lờ mờ quanh quẩn
Tôi thấy bước chân mình khá nặng
Mang trên vai một túi nghiệp văn chương

Bạn bè, ly rượu tứ phương
Ở quán cốc góc vĩa hè tận hưởng
Là sự thật, là tận cùng ham muốn
Là trái tim còn nét thực con người…

Đối với kẻ giang hồ nghệ sĩ của vùng đất linh thổ phương Nam, thơ là huyết hồng, là hồn núi, là những chiếc ráng vàng buổi chiều tà vương mắc giữa biên cương… Và trái tim người làm thơ vẫn là suối máu, trôi chảy miên viễn trên dòng đời. Ở giây phút nầy, dù tất cả như ảo ảnh, cái có cái không tụ tán cũng chỉ là lẻ thường hằng, nhưng với Trúc Thanh Tâm một đời vì thơ, sự trong suốt giữa cõi vô thường, mong là ngọn mộc đăng hướng dẫn giác linh nhà thơ về cõi tịnh yên…


Ngô Nguyên Nghiễm
Thư trang Quang Hạnh
Trưa ngày 16/01/2018


-----------------------------------

TIỂU SỬ VĂN HỌC TRÚC THANH TÂM

Tên thật: Dư Thanh Tâm
Sinh năm: 1949 tại Long Mỹ, Hậu Giang
Hội viên Hội Văn nghệ Châu Đốc và Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ
Nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Châu Đốc
Tác phẩm được giới thiệu nhiều trong các Tạp chí Văn học từ năm 1966 đến nay.

Tác phẩm đã xuất bản:
Một Thoáng Hương Bay (Văn nghệ Châu Đốc 1991)
Lục Bát Trúc Thanh Tâm (Văn nghệ Châu Đốc, 1992)

Tác phẩm in chung Hơn 30 tuyển tập thơ.

Lúc còn đi học ở Trường Tiểu học Long Mỹ, Trúc Thanh Tâm đã yêu thích văn chương, 15 tuổi anh đã bắt đầu làm thơ và viết văn khi lên Cần Thơ học Trung học.

Năm 1965, anh cùng bè bạn yêu thích văn nghệ tổ chức sinh hoạt, trao đổi về thơ văn. Một năm sau, thơ anh được đăng trên một số báo xuất bản tại Sài Gòn, bài đầu tiên là bài Thân Du Mục in trên báo Thời Đại.

Sau 1975, anh làm nhiều nghề để sinh sống và vẫn sáng tác nhưng không gởi báo. Hơn 7 năm sau đó, anh mới có tác phẩm xuất hiện trở lại trên báo.

Năm 1990, anh về công tác tại Hội Văn nghệ Châu Đốc, nơi đây là môi trường để anh phát huy tài năng của mình. Anh làm thơ đủ thể loại và đề tài, mà tình yêu đôi lứa vẫn là cái nhìn đặc biệt. Thơ anh trữ tình, ngọt ngào, nhỏ nhẻ, ẩn dụ và chan chứa tình người, mà cái được và cái không được của tình yêu luôn phảng phất, phải chăng đó là lời tâm sự của chính mình.

Những năm gần đây, thơ Trúc Thanh Tâm xuất hiện nhiều trên các tạp chí, đặc san, báo trong và ngoài tỉnh. Anh đã khẳng định được cho mình một hướng đi, một thế đứng, và là cây bút sung sức hiện nay. (Theo Phương Hà)