có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 1 24, 2018

Thương tiếc quái kiệt Trần-Văn-Trạch


Ngôi mô của nghệ sĩ công chúng Trần-Văn-Trạch ở tại Valenton (Pháp) 
(Ông Trần-Quang-Hải mặc áo đen)


Nụ cười trong đời sống

Cách nay mấy thập niên dài, có một nhà văn đã từng viết "Phải nói rõ hơn là người Việt-Nam ít có nụ cười thật vui cũng như trên thế giới nầy - vẫn chưa có dân tộc nào thật sự có nụ cười tươi mười phần hoan hỉ" *. Còn ngày xưa, thì cũng có một nhà thơ nổi tiếng đã từng có ý nghĩ cân đo: - Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim (Một nụ cười người đẹp đổi ngàn vàng)**. Những nhận xét chung nầy, thật rất đúng với cho hoàn cảnh của con người thuộc bất cứ sắc dân nào trên thế giới.

Tuy nhiên, nếu thử bàn về động thái của nụ cười muôn mặt thì lại là một đề tài thú vị biết bao! Thực vậy, chẳng hạn như trong cuộc sống cọ xát với nhau với nhau hằng ngày, người ta thường bắt gặp có những tiếng nói, chữ viết như: cười ngạo mạn, cười nham nhở, cười thầm, cười e thẹn, cười ruồi, cười mắc cỡ, cười trừ, cười khinh bỉ, cười mãn nguyện, cười vô duyên, cười bí hiểm, cười đắc thắng, cười khúc khích, cười gượng, cười mỉa mai, cười phá đám, cười vô tư, vv và vv... Vả lại, là trong đầu óc của người ta lại càng tượng tượng ra nhiều hơn, cho đến nỗi là khi con người đã đi chết rồi mà cũng hãy còn có thể mãn nguyện, để được ngậm cười nơi chín suối.

Và một nụ cười thân thiện sẽ đem lại hạnh phúc cho con người, thay vì tiếng khóc âu sầu làm mất niềm vui trong cuộc sống. Đi thực tế, là mỗi khi bước vào dự tiệc vui hay đứng trước một cảnh quan kỳ ảo, nên thơ gợi cảm, thì người ta luôn luôn thường lộ vẻ niềm vui mở miệng cười trước khi thốt ra lời nói. Trong cuộc sống bình thường dân gian cũng vậy, sự thể hiện ra bằng nụ cười lúc nào cũng được đánh giá coi như là hình ảnh biểu lộ cho sự hoan hỉ, bằng lòng. Cho nên, người ta mới có nhiều dịp được nghe qua câu nói như cười là liều thuốc bổ. Tuy nhiên, cũng không phải ai muốn cất lên tiếng cười là được, vì có những trường hợp chịu đựng đến quá mức khổ đau, khiến cho người ta trở thành vô cảm không thể cười ra được, cho dù là nhếch mép. Hơn thế nữa, nếu cười không đúng cách, không nhầm chỗ thì sẽ phải bị có những tác dụng trái ngược. Hay nói cho đúng hơn, thì mọi sự hạnh phúc bình yên, nét đẹp quyến rũ luôn luôn thường được thể hiện kèm theo bằng với một nụ cười.

Ý nghĩa trong nụ cười cũng vậy!

Tình thân hữu của con người trong cộng đồng xã hội giao lưu với nhau sở dĩ được cảm thông, sưởi ấm nhiều hơn cũng là nhờ do có hình ảnh của những nụ cười lịch sự, hiền lành mở màn trước tiên để làm nhịp cầu khâu nối cho đề tài câu chuyện. Lấn sang lãnh vực khoa học, thì tác dụng của nụ cười thật là lợi ích vô song. Nó giúp cho người ta có cơ hội rèn tập sức khỏe bản thân, tạo nên một đời sống lạc quan, nhẹ nhàng thư thái. Có người còn ví nếu ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn, thì nét nụ cười sẽ là cửa ngõ thông hơi của trái tim, nó làm cho nhịp tim tăng cường sức co bóp máu huyết lưu thông giảm thiểu được nhiều chứng bệnh thông thường. Ngoài ra, nụ cười cũng chính là hình ảnh của một người bạn tốt cho hầu hết tất cả mọi người khi cần thiết, để bảo vệ tinh thần, giải tỏa bao niềm phiền muộn.

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, người ta nhận thấy trên sân khấu văn nghệ bây giờ có quá nhiều hiện tượng khai thác bất cứ phương cách nào để gây cười. Có nghĩa là người nghệ sĩ hài đương thời đã khéo léo biết tận dụng mọi kỹ năng làm phát ra nụ cười của kẻ khác, bằng với những nghiệp vụ diễn xuất chuyên môn của họ (múa, ca, hò, đối đáp) qua các chương trình trình diễn giải trí văn nghệ, thư dãn. Nói gọn, là diễn kịch mà khi được khán giả vỗ tay cười nhiều là họ đã đạt được mục đích. Ngược lại, nếu họ có khả năng chinh phục lấy được giọt nước mắt của người xem, thì đó cũng đã là một sự thành công rất lớn nhưng trường hợp nầy xảy ra ít hơn. Dẫu sao, từ lâu trong số nghệ sĩ ưu tú diễn hài lừng danh thì cũng đã có những con người tài năng sáng giá, biết ý thức được giá trị đạo đức của nghề nghiệp mỗi khi chọn nhập vai diễn, để khỏi phụ lòng mến mộ dành cho của công chúng.

Và nghệ sĩ tiền phong Trần-Văn-Trạch*** là một trường hợp điển hình, do nhờ ông biết khai thác về đề tài vô tận của nụ cười trong lòng khán giả. Tuy nhiên, điều cần phải nói về trường hợp của ông là ngoại lệ.


Nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch tên thật là Trần-Quang-Trạch (qua đời tại Pháp), là bào đệ của nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền dân tộc nổi tiếng Trần-Văn-Khê**** (qua đời tại Việt-Nam). Và cũng là chú ruột của GS-TS Trần-Quang-Hải, chuyên gia nghiên cứu về âm nhạc châu Á. Gia đình của ông có tới năm đời thế hệ là nhạc sĩ về âm nhạc cổ truyền, phát tích ở cạnh dòng sông Sầm-Giang, Vĩnh-Kim, Tiền-Giang.

Thuở còn là học sinh của trường Collège de Mytho, Trần-Văn-Trạch đã từng có dịp thể hiện tài năng thiên phú về nghệ thuật ca hát của mình qua những buổi trình diễn liên hoan văn nghệ được tổ chức ở trong trường. Và dạo ấy, ở Mỹ-Tho không ai mà không nghe biết đến tên tuổi và hình ảnh thần đồng tí hon của ông. Sau nầy lớn lên về đất Sài-Gòn lập nghiệp công danh, Trần-Văn-Trạch trở thành là một hiện tượng quý hiếm trong lớp người nghệ sĩ có tinh thần dân tộc, luôn luôn có lập trường văn nghệ hướng về hàng thứ dân bình thường trong xã hội nước nhà. Do vậy, từ vinh dự được mệnh danh xem như là thần đồng ca nhạc từ thuở nhỏ, cho đến khi lớn lên thành công sự nghiệp vẻ vang được mang hỗn danh quái kiệt. Vì thế cho nên, tiếng hát, lời ca cùng với tài diễn xuất đặc biệt của ông càng ngày, càng rất được hầu hết mọi thành phần khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt vào mỗi khi ông có dịp xuất hiện ở bất cứ nơi nào để gây nên những trận bão cười trước sân khấu.

Tuy nhiên, đối với khán giả thì kèm theo đó là luôn luôn có những nụ cười mà cũng có đôi khi bằng nước mắt.


Con đường chọn lựa phục vụ nghệ thuật, dành cho đa số thành phần khán giả ái mộ điệu sân khấu hài trong xã hội của Trần-Văn-Trạch thật là độc đáo. Chính lời ca và lối diễn xuất đặc biệt của ông chẳng khác nào như là hình ảnh phiến diện của một cuộc hành trình lẻ loi nhưng gần gũi, nhân hậu âm thầm xâm nhập vào trong hoàn cảnh tâm hồn với tất cả mọi người.

Là con người xuất thân ra từ trong một đại gia đình nghệ sĩ truyền thống nổi tiếng nhất ở đất phương Nam, cho nên dòng máu trong người của Trần-Văn-Trạch lúc nào cũng thôi thúc con tim nghệ sĩ của mình đập nhịp hòa tấu vào với nghệ thuật của nốt nhạc, cung đàn, tiếng ca, lời hát trên hí trường kịch nghệ của dân tộc nước nhà. Tuy nhiên, mặc dù rất có khả năng về cổ nhạc nhưng Trần-Văn-Trạch lại cảm thấy mình gần gũi và thích hợp với phong cách trình diễn của tân nhạc hơn. Chính vì vậy, mà ông đã dứt khoát lựa chọn con đường phục vụ nghệ thuật sân khấu tân nhạc qua nhiều lãnh vực khác nhau, như từng thành lập ra ban nhạc Sầm-Giang (1950-1954), tổ chức các chương trình đại nhạc hội liên tiếp trong nhiều năm. Và ông cũng là người đầu tiên đặt ra danh từ "đại nhạc hội" gồm với những tiết mục văn nghệ trình diễn đan xen lẫn nhau giữa các màn múa ca, xiếc, ảo thuật, nhạc kịch vào chương trình ra mắt khán giả trên sân khấu vào lúc bấy giờ. Từ đó cho đến bây giờ, danh từ "đại nhạc hội" vẫn còn được các ban tổ chức văn nghệ về sau nầy áp dụng viết trên các bích chương quảng cáo chương trình. Sang qua lãnh vực điện ảnh, ông cũng là một trong những người nghệ sĩ đầu tiên từng là diễn viên xuất hiện trên sân khấu màn bạc cùng với ngôi sao kỳ nữ Kim-Cương trong hai cuốn phim "Lòng nhân đạo" (1955) và "Giọt máu rơi" (1956). Và về sau tiếp tục làm đạo diễn, đóng chung với các nghệ sĩ khác trong phim "Trương-Chi, Mỵ-Nương"," Thoại-Khanh, Châu-Tuấn", "Ông Hoàng Ốc", " Mục-Liên Thanh-Đề".

Trần-Văn-Trạch (ngồi giữa tấm ảnh) 
cùng các anh chị em nghệ sĩ trước năm 1975

 
Trần-Văn-Trạch (đứng giữa) Nguyễn-Văn-Đông và Lê-Thương

 Trần-Văn-Trạch và Hoàng-Thi-Thơ

Ngoài ra, còn có một thời gian từ năm 1960 Trần-Văn-Trạch sang Pháp sinh sống, và ông thường xuyên trình diễn tại nhà hàng "La Table du Mandarin" tại quận I thành phố Paris. Cùng lúc, ông cũng có theo học về kỹ thuật múa rối Tây phương, và thu băng thành công bản nhạc nổi tiếng nhất vào thời điểm bấy giờ là "Chiều mưa biên giới" của nhạc sĩ tài hoa Nguyễn-Văn-Đông. Tuy nhiên, sở trường của nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch lúc nào cũng vẫn lại là những bài ca hài hước, kèm theo với và tài năng diễn xuất điêu luyện đã đưa ông lên tới đạt đỉnh vinh quang trong sự nghiệp cầm ca.

Bích chương quảng cáo 
đại nhạc hội Trần-Văn-Trạch

Và cũng nhờ có dịp sang Pháp trong thời gian khá lâu nầy, mà Trần-Văn-Trạch đã có dịp kết thân với nhiều ca sĩ Pháp, và tác giả xin trích lại nguyên văn trong bài viết sau đây có tựa đề: "Trần Văn Trạch, Một Cựu Học Sinh Tài Ba" của nhà văn Võ-Văn-Nhung đã từng được phổ biến trên mạng từ lâu.

...Anh Trạch vào Collège de Mytho năm 1938. Vào dịp lễ phát phần thưởng đầu tiên năm đó, cả trường từ năm thứ nhứt đến năm thứ tư đều ngạc nhiên thích thú khi thấy xuất hiện trên sân khấu một ca sĩ cây nhà lá vườn với một giọng hát thiên phú, trầm ấm, giống như lối ca mùi của vọng cổ miền Nam và các bài hát trử tình tiếng Pháp mà học sinh đương thời ưa chuộng. Anh đã ca bài vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa của đệ nhứt tài tử thời đó là Năm Nghĩa, mà các cựu học sinh cao niên chắc hẳn còn nhớ đến. Sau đó anh đã hát bài Le petit mousse của đại danh ca Tino Rossi. Nếu nhắm mắt lại để nghe thì tưởng là Tino Rossi hát thật, còn mở mắt ra thì cũng tưởng là Tino Rossi đến hát vì khi ra sân khấu, anh Trạch mặc giống như Tino Rossi với áo sơ mi dài, tay rộng, satin sáng chói thường lá màu xanh hay màu cà tím, cổ cũng choàng khăn màu. Giọng ca thiên phú, lối trang phục cùng với các bài ca anh hay hát như Si tu reviens, Marinella, Il pleut sur la route...đã tạo cho anh biệt danh là Tino Rossi indochinois. Khi anh có dịp sang Pháp trình diển vào năm 1961, Tino Rossi đã đích thân đến Paris để bắt tay một người tài tử Việt Nam có giọng ca giọng mình (sic).

Mặc dù trước Trần-Văn-Trạch thì đã có Lê-Thương, một nhạc sĩ từng có sáng tác ra các bản nhạc hài hước như "Thằng Cuội", "Hòa-Bình", "Liên-Hiệp-Quốc","Làng báo Sài-Gòn". Tuy nhiên, những bài hát nầy ngoài Trần-Văn-Trạch ra, thì lúc bấy giờ người ta rất khó tìm cho ra được bất cứ ca sĩ nào có thể thay thế được giọng hát đặc biệt của ông để được khán giả nhiệt liệt hoan nghinh. Hơn thế nữa, khán giả trong nước ngày xưa thì lại cũng khoái nhất là những màn nhái tiếng động cơ của xe lửa chạy bằng hơi nước chuyển mình, tiếng máy bay vút qua, mô tô nổ máy, tiếng súng bắn, tiếng kêu của động vật, v.v của ông. Và trên con đường phục vụ nghệ thuật âm nhạc đem chuông đi đánh xứ người, thì Trần-Văn-Trạch cũng là một người Việt-Nam đầu tiên hát trên đài truyền hình Pháp vào năm 1986 đoạt được giải thưởng, và huy chương trong một kỳ thi gồm có 40 sắc tộc tham dự.

Vào cuối năm 1977 nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch sang sinh sống hẳn ở Pháp, và do còn mang nghiệp nhớ nghề cho nên đã có một thời gian ông gia nhập vào trong một đoàn hát ở Paris đi lưu diễn kịch ở khắp nơi trên đất Pháp. Do vậy, cho nên ông còn có thêm nhiều dịp để giao lưu văn nghệ cùng với nhiều thành phần khán giả ở địa phương. Riêng hình ảnh của ông đối với tác giả, thì có một kỷ niệm khó quên. Đó là vào khoảng trước thời gian mà cuốn phim Banzaï nổi tiếng được hoàn thành, do diễn viên điện ảnh Coluche (Michel Colucci) đóng vai chính. Và được trình chiếu tại ở tại Pháp trong năm 1983, thì chính ông là người đã báo tin cho tác giả đến ghi tên đóng vai diễn phi công phụ mang kính đen trong buồng lái, xuất hiện khoảnh khắc ở tại phi trường Orly vào lúc ấy giờ. Điều đặc biệt cần nói rõ thêm là sau khi tài tử Coluche qua đời, thì từ đó cho tới nay (lúc mùa Đông giá lạnh, thời gian trước vài ngày xảy ra lễ Noel và Tết DL) thì năm nào đài truyền hình Paris cũng có cho chiếu lại cuốn phim nầy, để tưởng niệm về hình ảnh của một nhân vật nghệ sĩ hào hoa từng có tấm lòng nhân ái thiết tha đối với hoàn cảnh của người nghèo.

Trần-Văn-Trạch, Cao-Thái và Phạm-Duy tại Paris (1982)

Trần-Văn-Trạch và Trần-Quang-Hải tại London, Anh quốc (1983)

Trở lại tiếp nối câu chuyện về ông theo đánh giá khách quan, thì từ lâu người ta có thể nói rằng Trần-Văn-Trạch là hình ảnh của một mẫu người nghệ sĩ thành công lớn giữa lúc xã hội đương thời nhân tình ly tán, đất nước hỗn mang còn trong tình trạng chiến tranh, đời sống lo âu của người dân lúc nào cũng đang bị rình rập bởi những tai họa bất ngờ. Và mặc dù sau nầy người ta không thể nào có thể dám so sánh được hình ảnh của ông với tầm cỡ của những danh hài thế giới như Charlot (Charlie Chaplin), Benny Hill (Alfred Hawthorn Hill) v.v. Tuy nhiên, về lập trường phục vụ nghệ thuật quần chúng và đạo đức nghề nghiệp thì người ta nhận thấy rằng, danh hài Trần-Văn-Trạch là người VN duy nhất có thể được coi như là một hình ảnh tiêu biểu cho phần nào về phong cách, thấp thoáng mẫu hình như của danh hài Coluche (Michel Colucci) (A) - mà từ lâu - tác giả đã từng có dịp viết về bản chất của cá nhân ông (TVT) trong bài "Cộng đồng VN tại Pháp". Và mặc dù, người ta cũng có thể đem so sánh về trường hợp của ông với danh hài Coluche. Tuy nhiên, về mặt khác thì cá nhân Trần-Văn-Trạch từ bao năm qua mỗi khi bước lên sân khấu, thì ông vẫn cứ nghĩ rằng là mình đang âm thầm có mang một sứ mạng an ủi nỗi hờn chiến tranh trong lòng một xã hội loạn ly mà định mệnh của người dân phải gánh chịu chung số phận mang nhiều đau khổ giống như nhau...

Trần-Văn-Trạch và Bích-Thuận (kịch "Chàng ngốc học khôn")

Do vậy, về các bài hát hài hước ăn ý nhất của Trần-Văn-Trạch thường được khán giả hoan nghinh, thì cũng lại là những bài do ông sáng tác bắt nguồn từ mọi sự suy tư, cảm thông trước hoàn cảnh đau thương thống khổ của người nghèo. Chính triết lý nội tâm sống cuộc đời tình cảm yêu thương xuất phát từ trái tim của bản thân đã được ông lồng vào hiện tượng âm nhạc hài hước đượm nỗi vui buồn. Và tế nhị, không kém phần sâu lắng nhằm thể hiện ra hình ảnh của hoàn cảnh thực tế xã hội đương thời. Tuy nhiên, và cũng vì ông hoạt động nghệ thuật cùng một lúc trên nhiều lĩnh vực như nào là nhạc sĩ, ca sĩ, tổ chức chương trình văn nghệ, làm phim, cho nên ông không thể có dành trọn vẹn được thời gian để sáng tác ra được nhiều về các ca khúc hài hước. Mặc dù vậy, nhưng nếu đem so với các nhạc sĩ thuở đương thời cho đến thời điểm bây giờ, từng sáng tác bài hát hài hước có giá trị được công chúng hoan nghinh, thì Trần-Văn-Trạch lúc nào cũng vẫn là một nhạc sĩ vượt trội hơn đồng nghiệp về nhiều mặt.

Đi thực tế, là trong lịch sử danh hài đất Việt từ bấy lâu nay. Người ta nhận thấy, là dường như chưa hề có chiếc ghế vinh dự nào được đa số thành phần khán giả sành điệu chính thức bình bầu đặt để ngồi trước vị trí đặc biệt của nghệ sĩ công chúng Trần-Văn-Trạch.

Trở lại các công trình sáng tác âm nhạc, thì bản nhạc đầu tiên được Trần-Văn-Trạch sáng tác cho ra đời vào năm 1951, là "Anh phu xích lô". Năm 1952, là "Xổ số kiến thiết quốc gia", và "Chiến xa Việt-Nam". Thời gian từ 1956-1963, ông chỉ sáng tác được có một bài là "Ba chàng đi hỏi vợ". Còn tính chung thời gian từ năm 1952 cho tới năm 1975, thì ông đã sáng tác thêm được tất cả các bài hát hài nổi tiềng là "Chuyến xe lửa mồng năm", " Cái đồng hồ tay", "Cái tê-lê-phôn", " Đừng có lo", "Anh chàng thất nghiệp", "Cây bút máy", " Sở vòi rồng", "Tôi đóng xi nê ", Chiếc ô tô cũ", "Chồng đĩa hát cũ ", "Bản nhạc tò ti", "Đi xem hội chợ Sài-Gòn"," Ngày thể thao quốc tế".

Các nhạc khúc hài hước trên đây, tuy nó có mang những ý nghĩa màu sắc về hoàn cảnh thực tế xã hội rất riêng. Nhưng mỗi khi nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch bước ra sân khấu trình diễn bất cứ bài hát nào, thì luôn luôn bao giờ ông cũng tạo ra được những dấu ấn thích thú, sảng khoái tâm hồn trong lòng khán giả. Và trong số những bài hát nầy, thì đặc biệt có bài "Xổ số kiến thiết quốc gia"là được hầu hết mọi thành phần khán thính giả hoan nghinh nhiều nhất trong vòng 23 năm liên tiếp từ năm 1952 cho đến năm 1975.

Nhạc và lời của Trần-Văn-Trạch

Nhạc và lời của Trần-Văn-Trạch

Suốt trong cuộc đời sự nghiệp dấn thân vào nghệ thuật cầm ca, Trần-Văn-Trạch cũng có những khoảng thời gian vất vả vì sinh kế, song lập trường kiên định nghệ sĩ vì tính chất nghệ thuật sân khấu phục vụ đa số quần chúng với giọng hát mộc mạc Nam-kỳ đặc sệt của ông nói chung, vẫn không hề thay đổi.

Giờ đây, nếu như trường hợp của cố danh hài Coluche từng được mệnh danh là nghệ sĩ của người nghèo của nước Pháp trong lúc hoàn cảnh đất nước thái bình, thì cố danh hài Trần-Văn-Trạch với tài năng thiên phú cũng đã biết đem hết tấm lòng yêu thương đồng bào dân tộc trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh. Và ông đã âm thầm tự tìm cách an ủi, làm cho họ (người dân) còn có dịp mở ra bằng với những nụ cười cho dù là heo hắt, hầu có phút giây ngắn ngũi để có thể quên đi được bao điều đau khổ xảy ra vì thảm họa chinh chiến triền miên.

Ngoài ra, trong nền tân nhạc nước nhà từ trước tới nay, thì cây đại thụ tầm cỡ Trần-Văn-Trạch xuất thân ra từ ở trong một gia đình âm nhạc truyền thống nổi tiếng hàng đầu ở đất phương Nam cũng đã là một người nghệ sĩ duy nhứt từng danh dự được khán giả ái mộ ban tặng cho với hỗn danh là quái kiệt. Và đó cũng quả là một trường hợp ngoại lệ khác thường trong lịch sử sân khấu về ca nhạc hài hước, để rất xứng đáng được người đời tôn vinh gọi ông là:


Quái kiệt nghệ sĩ trong thế kỷ 20 của Việt-Nam..

Ba anh em gia đình nghệ sĩ 
Trần-Văn-Khê, Trần-Văn-Trạch, Trần-Ngọc-Sương

Lại nữa, trong đại gia đình âm nhạc của nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch cũng còn có thêm sự góp mặt của thành viên danh ca Bạch-Yến (phu nhân của GS-TS Trần-Quang-Hải). Bà là một nghệ sĩ đầu tiên của VN có dịp đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới. Và sau 44 năm sinh sống ở nước ngoài, thì vào năm 2009 bà có trở về VN tham gia vào các công tác thiện nguyện. Vào năm 1983, bà cùng chồng là nghệ sĩ Trần-Quang-Hải đã có hân hạnh nhận được giải "Grand Prix Du Disque De L' Académie Charles Cros" (giải thưởng tối cao của Hàn-Lâm-Viện đĩa hát Charles Cros) tại Paris.


Từ lâu, tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ tóc dài Trần-Văn-Trạch đã được người đời vinh danh khá nhiều, và mỗi người đều có một cách nhìn đánh giá về hình ảnh thân thiện của ông bằng những cảm nhận khác nhau. Tuy nhiên, nếu không may mắn có dịp kỷ niệm được trò chuyện cùng với ông trong những ngày dài trên đất khách quê người, thì có lẽ không bao giờ người ta có thể hiểu rõ thêm được nhiều hơn; về quyết định lựa chọn hướng đi trên con đường phục vụ nghệ thuật quần chúng của cá nhân Trần-văn-Trạch.

Chính nhờ thế, mà sau nầy người ta mới biết được rõ ràng hơn, ông là một con người công chúng từng có tác phong bình dân, tính tình giản dị, nhưng bên trong thì lại có mang một tâm hồn cao cả... Do vậy, ngày tiễn đưa ông về nơi an nghĩ ngàn thu trên đất khách quê người, thì đã có hầu hết tất cả anh chị em nghệ sĩ ở Paris, và rất nhiều người cảm tình đến tham dự đám tang không sao kềm được bao nỗi xúc dộng bồi hồi, và thành tâm bày tỏ tấm lòng vô cùng thương tiếc.

Nhận xét về Trần-Văn-Trạch sau khi qua qua đời vào lúc bấy giờ, thì Giáo-sư Trần-Văn-Khê cũng từng đã nói:

- Ở trong nước, người ta thường nghe biết đến Trần-Văn-Trạch em tôi nhiều hơn tôi.

Còn nhạc sĩ tài hoa lão thành Phạm-Duy***** lúc đó, cũng đã có phát biểu cảm tưởng như sau:

- Trần-Văn-Trạch là một nghệ sĩ trí thức, nhưng đã chọn con đường phục vụ công chúng tiên phong trong vai hài hước, là cũng bởi do có triết lý con tim vì tình cảm yêu thương cộng đồng.

Riêng nhà soạn nhạc dân tộc Trần-Quang-Hải sau nầy cũng có cho biết thêm là trong gia đình nghệ sĩ của ông, thì nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch là người có thể bắt chước được giọng hát, điệu bộ của mọi người. Ngược lại, thì mọi người trong gia đình khó mà bắt chước được giọng hát đặc biệt và phong cách diễn xuất thu hút của nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch.

Về phần tác giả cũng như những người ái mộ từ lâu có cơ hội giao lưu với ông, và kỷ niệm một lần cùng nhau gặp gỡ trong quán cà phê trước giờ ông sắp sửa đi trình diễn tại rạp hát Maubert Mutualité Paris, thì có dịp được nghe ông tâm sự rằng:

- Người VN mình đi đâu thì cũng khổ thôi, định mệnh của đất nước mình là bị chiến tranh đã kéo dài quá lâu. Còn tôi thì trước sau cũng vậy. Nghệ thuật trình diễn của tôi ở bất cứ nơi nào cũng nhằm mục đích giúp vui cho đồng bào, khi tôi hát mà được người nghe cười nhiều là mừng rồi.

Lần cuối cùng trở về Pháp (B), khi ông sức yếu không còn có dịp để đi trình diễn cho khán giả kiều bào xem ở khắp các nơi trên thế giới nữa, thì ông lại thường hay tâm tình với những người đã từng ái mộ ông về những kỷ niệm thuộc về quá khứ ở trong nước.

Theo ông: - Những lúc trổ tài "thọc lét" khán giả, ông không bao giờ có ý nghĩ rằng mình muốn để được họ hoan nghinh. Ngược lại, mục đích của ông trong giây phút đó - là muốn tìm cơ hội giải trí để làm cho đồng bào vơi đi niềm đau khổ triền miên chứa đựng ở trong lòng.

Và ông tiếp lời:

...Nước mình là một quốc gia chiến tranh có quá nhiều bất hạnh...mà người dân cần phải được hưởng sự an ủi thực tế, là có dịp vui để thể hiện ra bằng những tiếng Cười...

Ngoài ra, trong cuộc sống giao lưu đời thường trong xã hội thì Trần-Văn-Trạch cũng còn là hiện thân của một mẫu người nghệ sĩ tài hoa trong số những nghệ sĩ hiếm hoi từng được các đồng nghiệp đương thời yêu mến, do nhờ có nhân cách bình dân, giản dị. Ông luôn luôn có thái độ hài hòa, từ tốn với hầu hết bạn bè, và nụ cười giao cảm của ông bao giờ cũng kết thúc có hậu.

Ngày nay quái kiệt nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch không còn nữa.

Sau trên 40 năm kế thừa ngọn lửa duy trì truyền thống tổ nghiệp của một gia đình âm nhạc, và cống hiến cả cuộc đời trình diễn cho kịch nghệ công chúng, thì ông đã vĩnh viễn ra đi trong sự thiệt thòi, mất mát lớn lao chưa từng có cho làng sân khấu văn nghệ dân tộc nước nhà (C).

Và trong niềm thương tiếc chân tình của bao hàng khán giả ái mộ nghệ sĩ Trần-Văn-Trạch từ lâu, ở khắp bốn phương.


An-Tiêm MAI-LÝ-CANG 
(Paris Xuân Mậu-Tuất 2018)


-----------------------------

* - Vũ-Hạnh (sinh năm1926)
**- Lý-Bạch (701-762)
*** - (1924-1994)
**** - (1921-2015)
***** - (1921-2013)

A - Coluche là một danh hài đặc biệt nổi tiếng của nước Pháp, có lập trường phục vụ nghệ thuật sân khấu hài kịch vì người bình dân trong xã hội. Hơn thế nữa, ông còn là một nghệ sĩ hiếm hoi được tìm thấy trong xã hội đương thời, và có trái tim cao cả. Và từ lâu, ông cũng từng đã được nhiều thành phần dân chúng mến phục qua công tác bác ái, từ thiện sáng lập ra tổ chức "Les Restos du Cœur", để nhằm mục đích cứu đói, giúp đỡ nơi tạm trú cho những con người vô gia cư vào mỗi cuối năm khi mùa Đông tuyết rơi, giá lạnh.

B - Trước đó, ông từng đi lưu diễn khắp nơi ở Tây-Âu, Hoa-Kỳ, Canada,Úc.

C - Ông qua đời ngày vào 12-04-1994, hưởng thọ 70 tuổi.



Sau đây là bài hát:

Kiến thiết quốc gia
(Nhạc và lời: Trần Văn Trạch, 1952) 
------

Kiến thiết quốc gia 
Giúp đồng bào ta 
Xây đắp muôn người 
Được nên cửa nhà

Tô điểm giang san 
Qua bao lầm than 
Ta thề kiến thiết 
Trong giấc mộng vàng 
Triệu phú đến nơi 
Chỉ mười đồng thôi 
Mua lấy xe nhà 
Giàu sang mấy hồi 
Mua số quốc gia 
Giúp đồng bào ta 
Ấy là thiên chức 
Của người Việt Nam 
Mua số mau lên 
Xổ số gần đến 
Mua số mau lên 
Xổ số gần đến

Một kỷ niệm tuyệt vời của quái kiệt Trần-Văn-Trạch