(Tranh: Mai Tâm)
Trái với dự báo trái đất nóng dần lên của các nhà khoa học, thời tiết năm con gà này có vẻ lạnh, nhất là giữa mùa Noel.
Lại càng lạnh hơn khi có gió bấc. Đó là thứ gió thổi từ vịnh Bắc bộ, trái ngược với gió nồm thổi từ vịnh Thái Lan. Còn có gió tây thổi từ Trường Sơn, gió đông thổi từ biển Đông.
Gió bấc không màu, nhưng thổi dưới bầu trời lúc nào cũng xám và nặng như chì, nên cũng còn có thể gọi là gió xám. Cái thứ gió se se lạnh ấy thổi qua nơi nào là cảnh vật nơi đó đều trở nên hoang vu. Cả đất trời chìm trong nỗi buồn dài như kéo về từ thiên cổ, buồn mênh mang. Trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, cũng may chỉ có gió chướng, chứ nếu có gió bấc, số phận của nhân vật Nương còn bi thảm hơn nữa.
Không hiểu sao, mỗi khi có gió bấc tôi lại nhớ tới mẹ con nhà mẹ Lê của Thạch Lam. Một gia đình nghèo rớt mồng tơi rất điển hình của thế kỷ trước. Có lẽ vì khi cha tôi mất, cảnh mẹ tôi một nách ba con, đứa nhớn mới 5 tuổi, đứa út mới ba tháng, cũng có lúc đói nghèo như thế. Đói nghèo có thể quên, nhưng rét mướt thì khó mà quên được.
Mẹ tôi, lúc ấy 23 tuổi, nhưng đã già như một người 50. Cái cảnh mẹ oằn vai gánh tỏi hay hành, dò dẫm bước trên những con đường bùn đất trơn trượt, áo quần thì ướt sũng, gió lại thổi vi vút, là cảnh khiến tôi xót xa nhất mỗi khi nhớ tới mẹ.
Tôi cũng nhớ tới bà Trần Tế Xương buôn bán ở mom sông. Cái quán eo sèo trên bến nước đầy gió bấc ấy chắc cũng lèo tèo, thế mà bà vẫn nuôi đủ 5 con với một chồng!
Tôi cũng nhớ đến người mẹ tội nghiệp của cha tôi. Trong những đêm đông dài lạnh lẽo, nhà chỉ có mỗi chiếc mền để ông và cháu đắp, bà phải đắp chiếu, mà đắp được đầu thì hở chân, đắp được chân thì lòi đầu! trong khi gió bấc luồn qua khe cửa không ngớt cắn rứt thịt da.
Gió bấc là thứ gió không ai mời mà vẫn cứ đến. Cuộc sống cơ hàn vì thế vốn đã lạnh lại càng lạnh hơn.
Nhưng suy cho cùng, cái lạnh của đất trời, của thịt da cho dù lạnh đến đâu cũng không bằng cái lạnh ở trong lòng.
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Lòng vắng tư bề không liếp che gió về!
Mấy câu này của Đặng Thế Phong mà được hát bởi giọng ca Thanh Thúy, nghe nó ảo não thê thiết làm sao. Cái lòng vắng tư bề ấy trải ra như một tấm mền rách, trong khi gió lạnh của cả cuộc đời cứ hun hút thổi vào.
Đó chỉ mới là gió thu hiu hắt, trong khi trông anh ốm yếu ho hen, thì gió bấc đáng sợ biết chừng nào.
Tôi đã trải qua gần 80 mùa gió bấc. Lạnh của gió ghê thật, càng già càng lạnh thấu xương, nhưng cũng không đáng sợ như cái lạnh của cuộc đời, nhất là vào những năm sau 75.
Đó là lúc những người đã từng ấm áp thân quen, bỗng dưng trở nên làm mặt lạnh. Mặt lạnh chứ không phải mặt lạ. Một cái mặt rất khó diễn tả, tuy của người đang sống nhưng lạnh hơn cả mặt người chết.
Những cái mặt ấy tràn ngập khắp nơi sau ngày 30 tháng tư.
Khi Trần Dần bước đi giữa phố phường Hà Nội mà không thấy phố không thấy nhà đâu không phải không có người, nhưng là những người mặt lạnh, nên chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.
Cái cảnh mưa sa trên màu cờ đỏ ấy, tuy không phải mưa phùn gió bấc, nhưng cũng hoang tàn ảo não làm sao. Nói xấu chế độ đến như thế thì ở tù cũng không oan chút nào.
Dương Nghiễm Mậu sau 75, khi ở tù về vẫn thấy những khuôn mặt lạnh ngồi canh trước cửa nhà mình.
Quả thật, lúc ấy cần biết bao một tấm liếp để che gió về.
Khuất Đẩu