có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 12 07, 2017

Nghe nhạc trị liệu Miên Đức Thắng





1.

Một sáng cuối tuần, gặp lại Miên Đức Thắng ở phòng trà Sienna (Sài Gòn), tôi mới biết cũng tại đây, anh vừa dự chương trình thơ nhạc “Nụ hoa vàng ngày xuân” tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Kim Tuấn (1938 – 2003) do Hội nhà văn TP tổ chức. Trong buổi sinh hoạt này, Miên Đức Thắng hát bản “Cứ chảy theo thời gian” mà thú vị là bản nhạc lại do anh phổ từ một bài thơ của chính mình viết để nhớ lần tiễn nhà thơ Kim Tuấn đến lò thiêu Bình Hưng Hòa. Bài “Cứ chảy theo thời gian” trước đó đã xuất hiện trên tập Văn Tuyển 4 – tháng 3/2013 với nhiều trang dành riêng cho chủ đề “Tưởng nhớ Kim Tuấn”…


So với thời trước 30-4, bọn tôi cùng ngồi ghế giảng đường ở Sài Gòn cũng như thời sau 30-4 cùng đào kinh, đắp đê ở một nông trường vùng Củ Chi rồi về làm phóng viên ban văn xã báo Tin Sáng, Miên Đức Thắng hình như không thay đổi gì nhiều. Vẫn cái dáng đậm chắc, cứng cáp trong “gu” màu áo đen cố hữu, vẫn ngón đàn tay trái. Vẫn nụ cười nhẹ nhàng, còn cái giọng ‘Huế hơi lai Sài Gòn’ khi nói và hát cũng vẫn khỏe khoắn, ấm áp như ngày nào. Chỉ có mái tóc nghệ sĩ là bạc đi nhiều hơn, lòa xòa phơ phất hơn… 

Năm 1989, Miên Đức Thắng chuyển sang sống và làm việc tại CHLB Đức, rồi đi đi, về về… rồi quyết định về hẳn quê nhà. Trở lại Sài Gòn với nhiều ca khúc mới, tức thuộc về âm nhạc – sở trường của anh, vốn làm nên tên tuổi Miên Đức Thắng từ những năm 60 – 70, anh còn ‘trình làng’ những tấm tranh sơn dầu, bài thơ, tượng gốm nghệ thuật. Bên cạnh tài hoa sáng tác âm nhạc đậm suy tưởng và giọng hát mạnh mẽ, trong hội họa anh cũng toát lộ phong cách riêng. Trong hơn 100 bức tranh sơn dầu đa dạng về đề tài, màu sắc ấn tượng, tác phẩm “Phố Trăng” của anh đã đạt giải thưởng của hội Mỹ thuật TP. năm 2009.



2.

Điều tôi có ấn tượng nhất về sự nghiệp của nghệ sĩ đa tài này vẫn là âm nhạc, đặc biệt là các nhạc phẩm đang đi theo một hướng mới: âm nhạc trị liệu.

Có thể nói, sáng tạo của Miên Đức Thắng trước sau luôn hướng đến con người. Anh chia sẻ: “Nhìn lại những gì mình viết, tôi thấy mình viết đến con người là nhiều nhất. Con người với những lo toan, khuynh hướng nhân sinh nhiều hơn. Còn khuynh hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, cũng là ước mơ vươn tới của tôi, nhưng chưa đạt được. Khả năng của tôi chỉ có thể đụng tới sự kiện liên quan đến cuộc sống, đến con người cụ thể, trong bối cảnh xã hội cụ thể mà thôi.”

Xa xưa, ở lứa tuổi thanh niên nặng lý tưởng, lại sống vào thời chiến, nhạc Miên Đức Thắng là tiếng lòng sôi nổi phê phán xã hội và thời thế, giờ ở tuổi đã thuộc lứa U80, nhạc của anh tất nhiên có đổi khác. Đó là, ở cái thời tạm coi là hòa bình, không có cuộc thế chiến quy mô toàn cầu nào đang diễn ra như lúc này nhưng nhân loại vẫn đang sống với đầy dẫy cái xấu, cái hại như: khủng bố, suy thoái kinh tế, thiên tai, thiếu lương thực và nước sạch …, nhạc Miên Đức Thắng chuyển từ xu hướng “đấu tranh” sang sắc thái “trị liệu”, qua ngôn từ âm nhạc và tiếng hát mà góp phần chăm sóc cho con người bị thương tổn tâm lý bởi đời sống. Theo nhạc sĩ, chủ đề về âm nhạc mà anh đang theo đuổi mang tính chất một liệu pháp thử nghiệm nhằm chữa trị các chứng bệnh thời đại như: stress, trầm cảm, hoang tưởng, rối loạn nhân cách… Anh bảo rất mong ngôn từ âm nhạc của mình sẽ như một liều thuốc đem lại tâm thể an nhiên tự tại cho người nghe. 

Thế nên, mở đầu cho đĩa nhạc trị liệu, Miên Đức Thắng hát: “Mai kia lòng độ lượng, chảy về những bến sanh, mai kia lòng độ lượng, thu về chốn hư không..”.. Ca khúc mang tên “Mai kia lòng độ lượng” này được viết bằng nhịp Slow gam mineur thật thiết tha, trầm lắng ở phần đầu và giữa nhưng đến phần kết “Mai kia lòng độ lượng, chảy về cõi mong manh /Hôm nay lòng độ lượng, ngồi lại trên bến sanh, nhẹ nhàng…”, không khí ca khúc chợt bừng sáng, tươi vui lên hẳn khi được chuyển sang gam majeur. 

Những ca khúc tiếp theo cũng có không ít màu sắc triết lý, ý tứ giả như bi quan rồi lại hóa thành lạc quan rõ rệt khơi lên niềm hy vọng mới, nhất là ở những bài tiêu biểu. 

Một điều rất được là dù thuộc dạng âm nhạc ẩn chứa triết lý, chuyên chở tư duy sâu sắc của người sáng tác nhưng do nhạc sĩ liên tục thay đổi nhạc điệu qua từng bài, những ca khúc Miên Đức Thắng vẫn phơi mở thật thoáng đãng, giúp thính giả dễ nghe, dễ cảm thụ. Chuỗi ca khúc được sắp xếp giống như nhạc dance, cứ luân phiên sau một bài nhịp chậm, êm nhẹ với các điệu Slow, Valse chậm rãi, rời rã, lại đến một bài nhịp nhanh, rộn ràng, kích động với các điệu Chachacha, Rock, Swing, Jazz…, hay nhiều biến đổi, nửa chậm nửa nhanh, như điệu Bolero, Tango. Như với bài “Đùa với hư không”, điệu Chachacha vui vẻ và sáng sủa, Miên Đức Thắng ung dung hát: “Bổ chiếc thuyền con, đáy biển chờ mong/Bổ cả cuộc đời, sóng xanh bủa về /Bổ đôi dòng chữ, thấy cõi ta bà / Bổ đôi tiếng nói, thấy cõi hư không.” Nhưng đến bài “Chiếc bóng kinh tôi” với nhịp moderate vươn vấn ngay ở phần intro vang vọng tiếng mỏ tụng kinh âm u và tiếng đàn tì bà réo rắt, nhạc sĩ đã tư lự: “Ai tìm, ai giận chiếc bóng tỉnh say?”

Để rồi niềm an lạc lại như vỡ òa ở bài “Hạt giống câu kinh” tiếp theo. Qua điệu Swing rộn rã, nhạc sĩ vui vẻ gởi một tín điệp chan chứa hy vọng tốt lành đến với mọi người: “Cho tôi vẽ hạt lành câu kinh mới /Nguyện cho đời làm bạn cõi phù sa /Đời biến ảo sẽ anh về chốn cũ /Để tôi tìm hạt giống câu kinh.”

Sau đó là không khí bình thản ngự trị trong những nhận định sâu lắng của nhạc sĩ về cuộc đời, như: “Mời anh khai vị nỗi sầu / Em còn bội thực cô đơn đi về” ở bài “Độc quyền tro bụi” (điệu Tango/Rumba), hay “Vì lòng còn hờ hững, nên bất hạnh mang theo / Ta khất thực cuộc đời /Vòng quay tục lụy cũng đầy trăng sao… Khất thực từ trái tim / Cho cuộc đời hiền hậu/ Khất thực mộng ban đầu” qua bài “Khất thực nụ cười” (điệu Bolero). Riêng ca khúc “Lạ lùng” (điệu Valse lento), nghe đúng là…lạ lùng. Nhịp luân vũ quán xuyến bài hát, xoay tròn lê thê những câu hỏi lập đi lập lại, nối tiếp nhau về chuyện thế thái nhân tình: “Lạ lùng thay giận hờn / Lạ lùng thay phiền muộn / Lạ lùng thay sân hận / Như vẫn còn thanh xuân, như đứng ngoài sanh núi, tươi vui chẳng đổi màu? / Lạ lùng thay muộn phiền /Lạ lùng thay hờn giận / Lạ lùng thay hiềm kỵ/ Sao mi vẫn mới toanh?”.

Đến ca khúc “Nhịp đất tròn” thì nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng trở lại với tiết tấu rộn ràng của điệu Rock/Jazz nhằm phô diễn dòng hình tượng chuyển động: “Nhân loại xếp hàng, đi vòng trái đất/Nên ai cũng là đỉnh điểm càn khôn/ Nhân loại xếp hàng, đi vòng trái đất/ Nên anh có đầu tiên và chẳng thấy cuối cùng”. Mặc kệ, tác giả vẫn hứa với người yêu là “Nếu yêu em anh có bắt đầu / Thở đều nhé, ta yêu nhau trong luân khúc bình thường”.

Nhạc trị liệu MĐT đa dạng nhiều nhạc điệu:


MAI KIA LÒNG ĐỘ LƯỢNG (Slow)


ĐÙA VỚI HƯ KHÔNG (Chachacha)


HẠT GIỐNG CÂU KINH (Swing)


KHẤT THỰC NỤ CƯỜI (Bolero)


ĐỘC QUYỀN TRO BỤI (Tango/Rumba)


3.

Nhìn chung, những ca khúc trị liệu của Miên Đức Thắng được nhiều người tán thưởng là “hay”; một số vị trọng tuổi, từng nghiên cứu Phật học hay dạy môn Triết Đông thì bảo riêng về những ca khúc trị liệu này, Miên Đức Thắng viết “vừa có chiều sâu vừa dễ nghe”. 

Là dân thích nghe nhạc – đủ loại nhạc, tôi muốn phân tích yếu tố “dễ nghe” trước. Khi chúng ta dùng một món ăn, hẳn “gu” ẩm thực của riêng mỗi người thường là yếu tố hàng đầu đem lại cảm giác ngon miệng, tức sự thành công của món ăn, rồi mới tính tới những yếu tố khác như: được chế biến khéo, có giá trị dinh dưỡng cao, anh khi ăn uống vui vẻ.v.v… Điểm tích cực “ngon miệng” trong ăn uống chính là “dễ nghe”, “dễ cảm thụ” trong nghe nhạc, cũng là thưởng thức món ăn nhưng về mặt tinh thần.

Nhạc trị liệu của Miên Đức Thắng đã tỏ ra hết sức phong phú nhạc điệu thì khi tiềm tàng trong từng ca khúc, cái hay cái đẹp của nhạc và lời lại càng được nâng lên mà đáp ứng rộng rãi cho các “gu” nghe nhạc khác nhau của quần chúng vốn cũng gồm nhiều thành phần, tuổi tác, trình độ… khác nhau. Đặc biệt trong số đó, các bạn trẻ và cả một số anh chị trung niên đã dễ dàng “kết” nhạc trị liệu Miên Đức Thắng khi các ca khúc được trình bày theo style nhạc La tinh Nam Mỹ hay Rock Bắc Mỹ thịnh hành, vốn là “gu” nghe nhạc thời thượng của số thính giả đông đảo này.

Còn nhạc trị liệu Miên Đức Thắng đạt điểm son “có chiều sâu” bởi đây đó trong các ca khúc trị liệu, nhạc sĩ đã trực tiếp hay gián tiếp đề cập những vấn đề lớn thuộc lãnh vực tôn giáo và triết lý, nhất là triết Phật. Hư không, câu kinh, sân hận, khất thực…, một vài chuyên ngữ về tôn giáo, đạo học lại xuất hiện trong ngôn từ nhạc trị liệu, thậm chí được dùng làm tựa bài hát, tưởng chừng khó phù hợp với các nhạc điệu đại chúng như Bolero, Chachacha, Swing…, nhưng hiển nhiên khi các ca khúc đã được thính giả khen hay và ưa thích, những ngôn từ “lạ” đã được thính giả chấp nhận một cách “xuôi chèo mát mái”. 

Một điều cần nói nữa là với nhạc Miên Đức Thắng, rõ ràng khi được nghe chính tác giả hát thì thính giả dễ cảm thụ cái hay, cái đẹp của các ca khúc hơn khi nhìn vào, dò theo tập nhạc, bản in ca khúc. Hát hay là một “điểm 10” độc đáo của nhạc sĩ/ca sĩ Miên Đức Thắng, vì ở Việt Nam, cho đến nay số nhạc sĩ sáng tác có thể hát chính nhạc của mình nghe hay, nghe được thì chưa nhiều.

Có lúc ngồi ôm đàn, nghêu ngao ca hát cùng bạn bè, nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã bày tỏ mong ước đơn sơ của mình, rằng: “Trong số cỡ 100 tác phẩm âm nhạc mình đã giới thiệu với mọi người, chỉ mong một vài bài có người nghêu ngao hát ở đâu đó là mình vui rồi.” 


Phạm Nga