có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Ba, tháng 12 19, 2017

Dòng sông Trèm Trẹm – sông nước hững hờ




Ở Tại Sông Hồng em có biết. 
Quê hương tôi cũng có một dòng sông.

Những năm sau 1975, tôi được nghe một bài hát mở đầu bằng những câu như vậy. Tác giả, có lẽ là một người miền Nam nghe theo lời đường mật của CS, ra tập kết ngoài bắc, trong một lúc nhớ nhà, nhớ tới dòng sông Vàm Cỏ Đông, viết ra như vậy. Thực ra, người miền Nam dù ở vùng nào, cũng có trong lòng mình một dòng sông kỷ niệm, vì miền Nam chằng chịt sông ngòi – sông Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ Tây, sông Cổ Chiên, sông Sài Gòn, sông Biên Hòa, sông Tiền, sông Hậu, sông Trèm Trẹm, sông Ông Đốc, sông Nhà Bè… ôi thôi, đủ thứ sông.

Khi người Việt đàng ngoài lưu lạc đến xứ Đồng Nai, cả mấy trăm năm trước, thì ông chỉ tìm được nơi đây sông nước và muỗi mòng. Những buổi chiều cuối năm, nhìn nước chẩy, lục bình trôi, nhớ tới quê nhà, ông than than trách phận:

Nước sông sao chứ chẩy hoài. 
Thương người xa xứ, lạc loài tới đây. 

Định mệnh đã an bài!

Làm sao thay đổi được? Dù lòng người có héo hon, dù tâm sự có ngổn ngang trăm ngàn nièm đau, nỗi nhớ, thì đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương.

Đất nước chúng ta nơi nào cũng là sông, là núi. Sông núi gắn liền với con người Việt Nam nên nói núi sông cũng là nói đến tổ quốc. Gần gũi đến như vậy, nên con người hay huyền thoại hóa các cái hay, cái đẹp của quê hương mình. Con cá phải là con cá của xứ mình ăn mới ngon, cái trái cây phải mọc trên quê hương mình ăn mới ngọt. Cách đây chừng hơn mười năm, tôi có dịp ngồi nói chuyện với một ông già người Ba Lan gốc Do Thái, người đã sống sót sau khi bị giam trong trại tập trung của Đức Quốc Xã, trên tay còn sâm hàng số tù của trại tập trung này. Ông cụ đã rơi lệ khi kể cho tôi nghe về con sông của quê hương ông. Theo ông, thì con sông này đã sản xuất ra những người con gái đẹp nhất thế giới, và trong lòng sông, có những con cá thịt ngon ngọt không nơi nào sánh kịp.

Sự cả quyết của ông già làm tôi bật cười. Ở Ba Lan ông cớ biết, quê hương tôi cũng có những con cá tuyệt vời. Cá Rô đầm Sét và Cá Cháy Cần Thơ khơng phải đã đi vào Văn Học Sử của Việt Nam sao?

Đầm Sét thì tôi mù tịt, không biết ở nơi mô. Nhưng mà cá Rô, thì miền Tây VN nhiều lắm. Từ các con cá rô mề, to bằng chiếc dép, câu ở các đìa cá Cà Mau, đến các con cá rô nhỏ tí, to bằng ngón tay, cho vào chảo dầu chiên, bỏ vào miệng, nhai cả thịt lẫn xương, bây giờ nghĩ lại, vẫn còn thèm.

Cái con cá cháy của Cần Thơ thì người ta nói, phải bắt vào lúc gần sang ăn mới ngon, và lúc sau này, hình như biến mất hết rồi. Chắc là chúng sợ Việt Công!

Có một hồi ra Phú Quốc, nghe nói ở đây có một loại Sò nổi tiếng, gọi là Biên Mai. Các anh bạn Hải Quân ở đó có đãi tôi một bữa thịnh soạn. Tiếc rằng hồi đó còn trẻ, chúng tôi uống rượu hơi nhiều, nên chẳng thưởng thức được mùi vị sò ngon ngọt ra sao. Chỉ biết rằng nhiều khi các ông tướng ở Cần Thơ đãi khách, Biên Mai được gửi gấp từ Phú Quốc về bằng phi cơ cho được tươi. Theo tôi thì cái món sò huyết với rượu đế cũng đủ ngất ngây rồi, chưa cần đến Rémi Martin.

Trở về với sông nước miền Nam, thì trước khi có các con đường trải nhựa, và xe hơi, xe đò, thì ông bà mình về việc di chuyển, chỉ biết trông nhờ vào các con sông, con kinh, con rạch. Hình ảnh các anh chàng thương hồ, mang hàng hóa, vải vóc, đến các thôn xóm hẻo lánh tràn ngập trong văn chương miệt vườn. Có khi nhờ những con đò, những cái kim, sợi chỉ, các khúc vải đó mà nhiều mối tình thơ mộng được thành hình, và các nhà văn chuyên viết về Miệt Vườn thành danh.

Xuống miền Tây, muốn tìm một nơi mở phòng mạch kiếm ăn, phải tìm các nơi có các dòng sông, con rạch tụ lại. Càng nhiều, cành tốt. Ngã tư, được lắm, nhưng ngã năm, ngã bẩy, lại càng tốt hơn. Chém chết nơi đó, thế nào cũng có một cái chợ, thường là chợ cá, kế đó là chợ trái cây, chợ thịt. . Mỗi buổi sang, trên bến, dưới thuyền, nhộn nhịp kiếm ăn. Làm bác sĩ mà tìm được một căn nhà nơi đây để tả chấm thì làm giàu mau lắm, lại không phải đóng thuế, khai impôt gì hết. Mổi buổi sáng, tiền đút đầy cái quần nhà binh có hai cái túi ở hai bên đùi. Kiếm một ngày, bằng lương nhà binh một tuần, mà mình làm ăn lương thiện, chứ không bóc lột ai hết.

Đời sống nơi thôn quê, nơi miệt vườn có nhiều cái hấp dẫn mà dân thành thị không thể tưởng tượng ra được.

Hồi ở Cần Thơ, tôi quen một ông nhà giàu, có một chiếc ghe “hoành tráng” (dung chữ Việt Cộng), trải chiếu sặc sỡ, đẹp và tiện nghi không khác gì một chiếc limousine. Nhiều khi tôi được mời xuống ghe ăn thịt vịt xiêm và nhậu nếp than, trăng thanh, gió mát, thú vị lắm. Cần gì phải condominium hàng nửa triệu đô la, hay Jaguar, Cadillac (Vừa đi, vừa lắc). Gió sông, rau sống, bánh tráng, mắm ruốc bà giáo Thảo, còn muốn gì hơn nữa?. Có điều sống với sông, nước, thì phải biết chèo, biết chống. Bởi vậy người ta mới nói :anh em cột chèo. Kẻ chèo mũi, kẻ chèo lái. Anh nào hay hơn. Chèo luôn cả mũi lẫn lái, làm cô em vợ ói mửa tùm lum vì chóng mặt.

Đó là nói về chèo thuyền. Không biết chèo, thì con thuyền nó cứ quay mòng mòng. Dân thành thị xuống đến đây là chết.

Chống thuyền lại còn khó hơn. Trong các con kinh đào, bề ngang chỉ độ hai, ba thước, chiều sâu chỉ trên một thước, để di chuyển nhanh, người ta dung một cái cây dài , đứng trên xuồng, chồng vào bờ, đẩy xuồng đi băng băng, lẹ vô cùng. Người không quen, đứng trên xuồng đã lẩy bẩy không vững, còn chống gì nổi, thế nào cũng té xuống nước, cái này tôi bị nhiều rồi.

Hồi bị VC nhốt trong trại tù vùng U Minh, tỉnh Cà Mau, thằng tù là kẻ hèn này thấy tương lai mù mịt quá, chỉ mong được chúng thả ra, rồi cho sống tự do ở ngay vùng đất hoang sơ này cũng được, với một cô lái đò, sống một đời sống giản dị, nhưng được tự do như chim trời, cá nước, nào dám ước mơ gì nhiều. Chả là hồi đó, có một cô lái đò, được phép đem chè, cháo, thuốc rê, bán cho bọn tù. Tù túng lâu ngày, nhìn cô lái đò, tôi nghĩ là Cléopatre cũng không đẹp hơn.

Tiếc rằng sau khi được thả, không được ở lại Cà Mâu, mà bi bắt phải trở về Cần Thơ, nên mối duyên sông nước đó dở dang. Giờ này chắc cô lái năm xưa cũng đã bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ giong sông cũ mất rồi.

Sài Gòn sau 75 thật là thê thảm. Những ai có may mắn ra khỏi nước trước khi Sài Gòn rơi vào tay CS không thể tưởng tượng được đời sống người Sài Gòn trong những năm từ 75 đến 80.

Thời điểm khó khăn đó làm nhiều người lao đao. Họ lại phải tìm đến sông nước để sống còn. Tôi có một anh bạn đi học tập về. Lúc đầu anh cũng xin đi làm lại nhưng tổ chức vượt biên. Âm mưu bể, anh không dám về nhà vì công an rình rập. Trong tuyệt vọng tột cùng, không ai dám chứa chấp, anh nẩy ra ý kiến là đem gia đình sống đời phiêu bạt trên một cái ghe nhỏ mua được nhờ chút vàng còn sót lại, ngay tại Sàigòn, bên lề xã hội. Những người như anh không hiếm, họ sống lang thang ở bến Nancy, chợ Cầu Ông Lãnh, Cầu chữ Y, cù lao ông Kiệu, đến tận Bình Đông.

Mỗi khi thuỷ triều xuống, mùi xình thúi xông lên nồng nặc, xác chuột, chó, mèo, chương phình, thúi rữa, trôi ra, trôi vào. Muốn tắm rửa, thì đến bến Nancy. Nơi đó có chị Bẩy, chồng đi cải tạo, có nhà ở bến này, có sân lòi ra sông cho ghe đậu lên xuống tắm nước ngọt. Người ta gọi chị là “chi Bẩy năm mươi xu” , giá phải trả cho mỗi lần tắm.

Từ Sàigòn, bến Nancy, ăn mặc lam lũ, bạn tôi lẫn trong đám ghe tầu đủ loại, đậu sát hông, sát đuôi, cái nọ làm cầu cho cái kia qua lại, lên xuống . Bến ồn ào từ sang sớm đến lúc mặt trời lặn.

Tiếng gọi, tiếng la, tiếng chửi thề, tiếng chào hàng, tiếng đếm hàng, tiếng còi, tiếng máy tầu, tiếng cãi lộn, như một cái chợ vỡ.

Đêm đến, vọng cổ, cải lương, ca nhạc, nhạc vàng, nhạc “cách mạng” từ radio, TV, ở các ghe, tầu vọng ra loãng tan trên mặt nước.

Ban ngày làm phu bến, vác hàng lên xuống, mình trần, mồ hôi nhễ nhại, bónh như thoa dầu. Ban đêm lầm lũi như bóng ma, không ai để ý đến những người sống bất hợp pháp trên các ghe thuyền bến Nancy.

Sống như vậy thành quen. Sau 2 năm như vậy, bạn tôi lần mò qua cầu Tân Thuận, ra sông Sài Gòn. Lâu rồi lại còn dám xuống tận Bến Tre, Mỹ Tho, và lân la ra tận cửa Đại.

Chẳng bao lâu thong thạo sông nước như trong lòng bàn tay.

Rừng Sát, Sông Cần Giuộc, sông Vàm Cỏ, sông Soài Rạp là nơi anh thường qua lại, buôn khoai lang, khoai mì, làm củi.

Sau cùng, nhờ người quen giới thiệu, anh tìm được một nghề mới, là làm “cá nhỏ” chở người vượt biên ra tầu lớn.

Rồi nhờ may mắn, anh đem gia đình vượt biên thành công.

Sông nước chính là ân điển của thương đế dành cho người Việt Nam khốn khổ.

Trong lúc anh bạn tôi lận đận ở bến Nancy thì tôi may mắn hơn tại Cần Thơ. Một buổi sang đẹp trời tháng 5 năm 1978, tôi lững thững như người đi dạo mát, ra bến Ninh Kiều rồi chui tọt vào một cái tầu buôn muối mà bạn tôi, anh DQH, nay ở Cali, đã bỏ tiền ra mua để vượt biên và cho tôi đi theo. Chiếc tầu nhỏ đem chúng tôi, trên 50 người, đi hết sông Cần Thơ, ra biển và đến tận Mã Lai. Tôi cũng không hiểu phép mầu nào đã khiến cho con tầu nhỏ nhoi đó, vốn chỉ là tầi đi sông, bồng bềnh trên nước, giống như một quả trứng , vượt được đại dương.

Mới đây mà đã trên 30 năm.

Dòng sông nào đưa người đi biền biệt. 
Dòng sông nào đưa người về với cố hương?

Người bác sĩ vượt biên từ bến Nancy đã về với cát bụi.

Hải tặc hoành hành tại Cà Mau.

Ngư dân sông Ông Đốc bị khống chế, bị cướp tầu, bắt chuộc bằng tiền US.

Không thấy chính quyền bảo vệ ngư dân.

Nam Quan mất. Cà Mau bị xâm lấn.

Hệ thống các con đập xây bừa bãi ở Trung Hoa làm sông Cửu Long nghẽn mạch. Các con sông của đồng bằng miền Nam VN đang dẫy chết, vì khô nước cũng có, mà vì ô nhiễm cũng có.

Những người sống trên sông nước ăn, ở, phóng uế bừa bãi.

Hệ thống cống rãnh ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ hoàn toàn hư hại. Một cơn mưa lớn cũng đủ để thành phố ngập lụt.

Các nhà máy, công xưởng trút bỏ các chất phế thải, đồ hóa học ô nhiễm vào các dòng sông . Bộ máy nhà nước có trách nhiệm không làm tròn bổn phận, phần vì không đủ năng lực, phần vì tham nhũng, ăn ngập đầu, ngập cổ.

Hãy đọc Truyền Thông số 37&38 và hãy tìm hiểu sự hấp hối của sông ngòi Việt Nam qua ngòi bút của Mai Thanh Truyết:

Những dòng sông Việt Nam

“Vấn đề chất thải là một nan đề của phát triển đối với những quốc gia còn đang phát triển, và chất thải lỏng trong trường hợp Việt Nam đã trở thành một vấn nạn lớn cho quốc gia hiện tại vì chúng được thải hồi thẳng vào các dòng sông mà không qua xử lý. Qua thời gian, nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng dần, và cho đến hôm nay, có thể nói rằng tình trạg ô nhiễm trên những dòng sông Việt Nam đã tăng đến độ kinh khủng, không còn phương cách nào cứu chữa được nữa. ”

Trong một đoạn khác, nói về đồng bằng sông Cửu Long, khu vực lớn và đông dân, với 39 ngàn cây số vuông và 30 triệu dân cư :

“Phát triển kinh tế nơi đây đặt trọng tâm là nông nghiệp và chăn nuôi thuỷ sản. Nhưng việc khai thác về nông nghiệp và thuỷ sản đã trở thành một vấn đề cần phải lưu tâm trong hiện tại. Việc ô nhiễm hóa chất do lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật là kết quả của việc khai thác tối đa nguồn đất cho nông nghiệp. Đã có nhiều chỉ dấu cho thấy các hóa chất độc hại như DDT, Nitrate, hóa chất thuộc nhóm organo-phosphate hiện diện trong nước. . . . . Thêm nữa, việc khai thác thuỷ sản trên sông, ngoài việc làm cản trở dòng chẩy của sông, việc di chuyển trên sông sẽ khó khăn thêm, mà còn là một vấn nạn môi trường không sao tránh khỏi. Từ thượng nguồn Châu Đốc, An Giang, cho đến tận Mỹ Tho, các bè cá trong mùa vừa qua bị chết hàng loạt do nguồn nước ô nhiễm từ thượng nguồn do cá chết lây lan xuống hạ lưu. Kết quả là trên 40% lượng tôm cá bị thất thoát trong mùa 2008. VN trong giai đọan này phải nhập cảng tôm sú và cá basa của Trung Quốc và Mã Lai để thanh toán hợp đồng còn đang tồn động với các nước khác. . . . Ngoài ra, do việc tận d5ng nguyồn nước cho tưới tiêu, việc khai mở đê điều không hợp lý đã khiến cho ĐBSCL phải đối mặt với vấn đề ngập mặn. Năm nay, 2010, nước mặn đã vào sâu trên 120 km trong đất liền, làm tăng khả năng bị hoang hóa của đất trong vùng này. Thiệt hại trên 200. 000 mẫu lúa đang sắp sửa thu hoạch!"


Nói tóm lại, các dòng sông than thương ngày nào đang dẫy chết, một cái chết từ từ nhưng chắc chắn.

Cố nhân.

Người con gái Thới Bình bên dòng sông Trẹm.

Cách đây khá lâu, em viết rằng khi nào anh dịp trở về chốn cũ, thì em vẫn đợi tôi bên răng cây su đũa. Em cũng viết rằng mực nước sông bây giờ xuống thấp và hàng cây thì trụi lá xác sơ, không biết có tồn tại lâu dài được không, kể cả em, sức khoẻ ngày một xấu đi.

Lời tiên đoán quả có chính sác. Anh chưa có dịp về thăm đất nước thì em đã không còn.

Tin em chết đến trong một ngày mùa đông.

Mùa đông, nhớ nhà, ra nhìn sông nước.

Không có nước chẩy, cũng chẳng có lục bình trôi. Nước sông Saint Laurent đóng thành băng đá. Người của Montréal ra giữa sông, đục lỗ, câu cá chơi.

Thốt nhiên, anh nhớ tới sông Trèm Trẹm, tới vàm Tắc Thủ, tới sông Tắc Cậu Kiên Giang, và không hiểu sao nhớ tới Rạch Giá, một đêm nào tại khách sạn, chúng ta chờ sáng đáp tầu đò sang Phú Quốc, tìm mua con đồi mồi. . .

Bây giờ Phú Quốc chắc chẳng còn như xưa nữa. Có về, phải chăng chỉ thấy một đám du khách, tiếng tây, tiếng Mỹ u ơ.

Dòng sông Trèm Trẹm của chúng ta năm nào , cho dù rất đẹp trong kỷ niệm, đối với tôi, giờ đây chỉ còn là một. . . “The River of no return” mà thôi.


Trần Mộng Lâm




----------------------

Sông Trẹm
(Nguồn Wikipedia)

Sông Trẹm (Còn gọi là sông Tràm Trẹm) là một chi lưu dài 36 Km của sông Ông Đốc, có nguồn là sông Cái Lớn qua Kêng Chắc Băng.

Sông chẩy qua huyện An Minh (tỉnh Khiên Giang)và Huyện Thới Bình (Tỉnh Cà Mau) , hôi lưu với sông Ông Đốc tại giáp ranh giữa xã Khánh An và xã Hồ Thị Kỷ.

Sông Trẹm chia Rừng U Minh thành hai vùng thượng và hạ. U Minh Thượng thuộc Kien Giang. U Minh Hạ thuộc Cà Mau.

Cầu Vĩnh Thuận được khánh thành năm 2002 bắc qua sông Trẹm, nối Cà Mau với Kiên Giang.

Trong lưu vực sông Trẹm, hệ thống rừng có gần 300 loài thực vật và động vật phong phú.

Cảnh thiên nhiên phong phú. Trên 100 ha có 130 loài thực vật thuộc 62 họ. Nơi đây rừng còn trong trạng thái nguyên sinh, chưa bị tác động của bàn tay con người giống như sông Amazone của Nam Mỹ.

Có nhiều loài chim, thú và nhiều loài cá đồng quen thuộc. Chim có 96 loài thuộc 32 họ. Cá ở đây phong phú về chủng loại, đa dạng về kích cỡ, dồi dào về trữ lượng.

Có tới 30 loài bò sát thuộc 14 họ.

Có 21 loài thú rừng lớn nhỏ thuộc 12 chi họ. Hiện nay có thêm nhiều thành viên mới như nai rừng, cá sấu, vượn, gấu, đà điểu. . . Đặc biệt đà điểu ở đây phát triển rất tốt, ăn khỏe, mau lớn, nhiều con nặng trên 100 ký.

Sông Trẹm là bối cảnh cho nhiều tiểu thuyết và các vở Cải Lương, phim truyện. . . .

Nếu không được chăm sóc, nguy cơ nghẽn mạch và ô nhiễm sẽ vô cùng tai hại.