có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Tư, tháng 11 08, 2017

Anh Ngọc – Gương Mặt Tiêu Biểu cho nền Tân Nhạc Việt Nam.




Anh Ngọc – Gương Mặt Tiêu Biểu cho nền Tân Nhạc Việt Nam

Nếu phải chọn một giọng ca nam tiêu biểu cho nền tân nhạc Việt Nam, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến danh ca Anh Ngọc. Người ta nghĩ đến Anh Ngọc không phải vì ông là nam ca sĩ đầu tiên của nền tân nhạc Việt. Ông sinh năm 1929. Khi Tân Nhạc Việt bắt đầu hình thành và phát triển, Anh Ngọc vẫn còn là một cậu bé ở đất Hà Thành. Nhưng niềm đam mê âm nhạc đã khiến ông tìm đến học nhạc với các nhạc sĩ tên tuổi thời bấy giờ là Tạ Phước và Nguyễn Thiện Tơ. Rồi cơ duyên đưa đến giúp ông có nhiều điều kiện đến gần với sinh hoạt âm nhạc hơn. 


Năm 1947, ông vào thăm gia đình tại Huế và lưu lại thành phố này một năm. Nhờ vậy, ông có dịp biết đến danh ca Minh Trang và được cô mời đến hát tại đài phát thanh Huế., Hai năm sau, 1949, Anh Ngọc vào Sài Gòn, khởi đầu sự nghiệp ca hát và làm việc cho đài phát thanh. 

Công việc chính của ông là xướng ngôn viên nhưng vai trò mà ông gây ấn tượng mạnh nhất với đại chúng lại chính là ca hát. Ông còn làm luôn cả việc tổ chức đại nhạc hội và thực hiện những chương trình ca nhạc cho đài phát thanh. Tên tuổi của ca sĩ Anh Ngọc gắn liền với chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình”- một chương trình phát thanh ca nhạc chọn lọc đựọc chuẩn bị công phu và có lời giới thiệu cho từng ca khúc do nhà văn Mai Thảo viết. Anh Ngọc đã thực hiện chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” từ đầu thập niên 60 cho đến ngày chung cuộc 30 tháng 4 năm 1975. Cộng tác thường xuyên với chương trình này là các giọng ca tên tuổi như Thái Thanh, Kim Tước, Tuyết Hằng, Mai Hương, Mộc Lan, Quỳnh Giao, Ngọc Long, Nhật Bằng, Nhật Trường … Đó là chương trình phát thanh ca nhạc luôn được đông đảo công chúng háo hức mong đợi. 

Vào thập niên 70s, ca sĩ Anh Ngọc còn bước sang lĩnh vực điện ảnh và xuất hiện trong cuốn phim Yêu do đạo diễn Đỗ Tiến Đức thực hiện. Sau phim này thì ông nhận ra điện ảnh không phải là đất dụng võ của mình nên đã quyết định không tiếp tục với sân chơi điện ảnh nữa. 

Công chúng cũng chỉ thích nghe ông hát. Ca sĩ Anh Ngọc có một giọng hát khỏe. Trầm và khỏe! Tự mình, ca sĩ Anh Ngọc chỉ coi ông là một ca sĩ nghiệp dư nhưng cả nước Việt Nam thời bấy giờ ngưỡng mộ giọng hát ông như một khuôn mẫu của ca nhạc Việt. Ông hát rõ lời và có một làn hơi đủ dài để có thể ngân nga theo đúng trường độ của bài nhạc. Nhiều người cho rằng đó là khả năng thiên phú mà ca sĩ Anh Ngọc may mắn có. Điều này có thể đúng nhưng không thể không kể đến sự rèn luyện và trau dồi thanh nhạc của ông. Có lẽ chính nhờ vào yếu tố này mà cái “thiên phú” trong giọng hát của ca sĩ Anh Ngọc mới có thể tiếp tục vang rộng đến giới thưởng ngoạn trong suốt nhiều thập niên. Giọng hát của ca sĩ Anh Ngọc có âm vực rộng nên khi lên cao thì vang lộng mà xuống nốt trầm thì vẫn dầy và rõ chứ không bị mờ đi. Ông hát tự nhiên, không có gắng cũng không làm dáng nên dù bài nhạc có khó đến đâu, Anh Ngọc vẫn làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu. 

Ca sĩ Anh Ngọc đã cộng tác cho nhiều ban nhạc cả để hát đơn ca và hợp ca. Ông hát nhiều ca khúc tiền chiến nên đôi khi có người gọi ông là giong ca chuyên về những bài nhạc tiền chiến. Thật ra ca sĩ Anh Ngọc cũng có trình bày nhiều ca khúc mới sáng tác và thịnh hành. Ông hát được nhiều loại nhạc, từ tình ca đến dân ca, từ cổ điển đến thời trang. Ông chủ trương hát diễn đạt nội dung bài hát và truyền cảm xúc của ca khúc đển người nghe theo đúng nội dung chứ không cường điệu hóa. Người khó tính đôi khi than phiền vi giọng ông “khô” quá, khó cho đại chúng cảm nhận. Người khác lại say mê tiếng hát của ông khi trình bày những bài nhạc có giá trị nghệ thuật cao của các tên tuổi như Cung Tiến, Vũ Thành, … Nhưng ngay ca đối với những người khó tính, người ta cũng thích xem ông hát vì Anh Ngọc sáng sân khấu. Danh ca Anh Ngọc có gương mặt khôi ngô và kiểu chải tóc ngược ra phía sau, luôn bóng lưỡng nhờ dùng dầu Brillantine. Hình ảnh của ông làm gợi nhớ một Tino Rosi lẫy lừng của Pháp Quốc. 

Sau năm 1975, ca sĩ Anh Ngọc bị kẹt lại Việt Nam và lui về ở ẩn chứ không tiếp tục đi hát nữa. Đến năm 1990 thì ông di dân sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với gia đình. Tuy không còn xuất hiện thường xuyên trên sân khấu như khi còn ở quê nhà, tiếng hát của danh ca Anh Ngọc vẫn còn được công chúng tìm nghe. Khoa học kỹ thuật tiến bộ cho phép người yêu nhạc đến gần với giọng hát của ông. Kỹ thuật số đã làm sống lại các ca khúc do ông ghi âm từ trước năm 1975. Những người của Sài Gòn năm cũ tìm đến giọng hát của ông để ôn lại kỷ niệm của một thời vàng son. Giới thưởng ngoạn thuộc thế hệ sau năm 1975 nghe các ca khúc do danh ca Anh Ngọc trình bày như là cách để chiêm nghiệm về một khuynh hướng hát tân nhạc, biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc tây phương nhưng vẫn giữ đậm nét Việt Nam. Ông xứng đáng được coi là một trong những giọng ca tiêu biểu cho nên tân nhạc Việt Nam. 


Chu Văn Lễ
Vancouver ngày 29 tháng 5 năm 2017