có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Năm, tháng 10 12, 2017

Có những người đi không về, xa xôi rồi quên ước thề (*)


Nhạc sĩ Hoàng Giác (1924-2017)

Năm 1954 Hoàng Giác không vào Nam nhưng ca khúc Quê Hương của ông đã di cư theo bước chân người viễn xứ, trở thành giọt nước mắt thương nhớ chốn quê nhà không bao giờ còn được trở lại.

“Ai qua miền quê binh khói
Nhắn giúp rằng nơi xa xôi
Tôi vẫn mơ tùm tre xanh ngắt
Tim sắt se, cảnh xưa hoang tàn”
(Quê Hương)

Khác với Đoàn Chuẩn, không nỡ rời bỏ Hà Thành có mùa “thu quyến rũ” , có “em tôi ngập ngừng trong tấm áo nhung”, Hoàng Giác luôn quay quắt với tình quê hương đầm thắm:

“Bao nhiêu ngày vui thơ ấu
Bao nhiêu lều tranh yêu dấu
Theo khói binh lều tan, tre nát
Theo khói binh, lòng quê héo tàn”
(Quê Hương)

Và “trở về mái nhà xưa” luôn là nỗi khát khao của Hoàng Giác:

“Về quê xưa để sống êm đềm giấc mơ
Về quê xưa tìm bóng những ngày đã qua”
(Quê Hương)

Hoàng Giác không màng cuộc đời phú quý, quyền cao chức trọng. Ông chỉ muốn:

“Say sưa cuộc sống bên ngàn lũy tre
Xa lánh cuộc đời khắt khe
Trăm ngàn đau thương”
(Quê Hương)

Nhưng “cuộc đời khắt khe” và “trăm ngàn đau thương” lại không muốn xa lánh ông. Sau khi bài “Ngày Về” được dùng làm nhạc hiệu cho chương trình Chiêu Hồi trên đài phát thanh Sài Gòn, quê Hương mà ông không nỡ rời xa đã trở thành một nơi muôn vàn bạc bẽo, “lòng quê héo tàn” (Quê Hương)

Dường như Hoàng Giác luôn vương vấn với con đường trở về. Thuở còn thơ tôi rất thích ca khúc “Trên Đường Về” và cứ tưởng nhạc và lời của Nguyễn Thiện Tơ. Nay mới biết lời do Hoàng Giác viết.

Có khi nào bạn ngồi trên một chuyến xe đò để ra đi mà lòng nặng trĩu nỗi cách xa? Có khi nào bạn nghe trái tim thổn thức theo lời ca ai oán trong “Trên Đường Về” mà hát lên thì mới biết là “Đường Về” chỉ là giấc mơ của kẻ “Ôi kiếp tha hương cố gạt sầu vương, tiếc người ngàn phương” (Trên Đường Về)

Hoàng Giác viết chỉ khoảng 20 ca khúc mà đến ba ca khúc có chữ “sắt se”. Sắt se vì quê hương tan nát: “Tim sắt se cảnh xưa hoang tàn” (Quê Hương). Sắt se vì đời sao lắm cuộc chia ly: “Tim sắt se khẽ nâng chén rượu từ ly” (Anh Sẽ về). Và sắt se khi “trong khói lam chiều xuống” ta một mình bước đi “Chìm sâu trong màn sương” (Trên Đường Về).

“Trên đường xa bóng ai dần khuất
Tim sắt se thẩn thờ rời bước
Bao đắng cay trên đời, trong sương chiều xóa mờ” (3)
(Trên Đường Về)

Nếu chỉ nghe nhạc không lời của Hoàng Giác ta có cảm giác tâm hồn ông thật nhẹ nhàng trong sáng nhưng nghe kỹ phần lời, ca khúc của ông luôn chôn kín một nỗi buồn sâu thẳm:

“Nơi ấy giờ đây âm thầm
Chiều chiều mơ duyên đầm ấm
Vương khói trầm luân cay nồng
Se tơ tằm cho nát lòng”
(Lỡ Cung Đàn)

Nhạc Hoàng Giác xưa mà không cũ. Tôi tin rằng ở tận góc bể chân trời, có những người Việt vẫn rơi nước mắt khi nghe câu hát:

“Đôi mắt vời trông xa vời
Nửa chừng xuân cung đàn lỡ
Có những người đi không về
Xa xôi rồi quên ước thề”
(Lỡ Cung Đàn)

Huyền Chiêu
Tháng 10 2017

Để tưởng nhớ nhạc sĩ Hoàng Giác, mất ngày 14 tháng 9 năm 2017

---------------------
(*) Tác giả dùng 2 câu hát trong bài Lỡ Cung Đàn của Hoàng GIác làm tựa bài tùy bút.