Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…
(Ca Dao VN)
Có một Huế với những đền đài lăng tẩm mang vẻ đẹp trầm mặc, u huyền, đài các và cũng có bên cạnh đó một vùng đầm phá mang vẻ đẹp yên bình, hoang sơ, phiêu lãng của mênh mông sóng nước, lênh đênh mạn thuyền. Thiên nhiên ban tặng cho vùng Thừa Thiên Huế một phá Tam Giang với cảnh sắc tuyệt đẹp lúc ban mai rực rỡ, buổi hoàng hôn êm ả hoặc những đêm trăng thơ mộng…
Mỗi ban mai, khi mặt trời pha sắc hồng nồng nàn trên sóng nước, những thuyền câu lướt nhẹ, văng vẳng điệu hò mái nhì xa xăm diệu vợi. Làn sương khói lan tỏa lãng đãng trên mặt nước, cảnh vật im lìm như bức tranh thủy mặc. Những rừng cây chá đang ngái ngủ, chợt rung nhẹ dưới làn gió thoảng qua. Lũ chim sâm cầm, cò, vạc, đàn vịt trời, ngỗng trời, chim chìa vôi… trong đầm gọi nhau ríu rít tạo thành bản hòa ca đón chào ngày mới. Phá Tam Giang chỉ có vài con sóng lăn tăn, mặt nước êm đềm với gam màu ngọc bích. Những ngư phủ chuẩn bị cất vó giăng câu, tiếng chân họ lội bì bõm theo nghiệp mưu sinh. Cả không gian mênh mông, hoang sơ và bình yên đến lạ thường.
Trong những buổi chiều tà, phá Tam Giang khoác lên mình màu nồng nàn của hoàng hôn. Cả bầu trời mây tím thẩm phủ lên mặt đầm bóng nắng cuối ngày. Thấp thoáng đây đó những con thuyền giăng câu muộn, nhìn xa như chiếc lá bồng bềnh trên sóng nước. Mặt đầm rộng lớn, sóng sánh tít tắp trong ráng chiều. Trong không gian thơ mộng đó, hình ảnh con đò cắm sào như đứng đợi được tô điểm thêm bởi cảnh tượng tung chài buổi chiều tà. Trên phá, bồng bềnh vài chiếc thuyền chạy dọc theo những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như thế bàn cờ. Hoàng hôn buông xuống có lẽ là cảnh đẹp ngoạn mục nhất trên phá Tam Giang. Vẻ đẹp quyến rũ ấy đã đi vào thơ ca, nhạc, họa làm lay động lòng người. Chợt nhớ đến thi sĩ Mai Hữu Phước, những vần thơ về hoàng hôn trên phá Tam Giang như một lời gửi gắm cho chút tình riêng của mình. Một chút tình khói sương, bảng lảng hòa quyện với không gian và thời gian như chùng lại, như mở ra trong mênh mang của vùng đầm phá.
Một chiều lang thang trên phá
Bên em hương tóc thơm lừng
Mây trời dìu nhau qua núi
Ta dìu nhau qua bâng khuâng
…
Mênh mang mạn thuyền sóng vỗ
Cánh chim tung trời về đâu?
Bên tai thì thầm em hát
Gió mang lời về muôn sau.
Buổi chiều trên phá Tam Giang làm nền cho nỗi nhớ thăng hoa trong giai điệu mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã phổ những vần thơ của nhà thơ Tô Thùy Yên thành một tình khúc vượt thời gian.
Chiều trên phá Tam Giang,
anh chợt nhớ em
Nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ đến bất tận
Em ơi, em ơi …
Hoặc tác giả Đinh Miên Vũ đậm đà tình quê hương trong bài hát Hai Quê:
Tôi lớn lên bờ Tam Giang nước mặn
Những chiều không mây trắng lững lờ trôi
Rồi xuôi ngược trong dòng đời năm tháng
Ơn quê người mà chạnh nhớ quê tôi…
Màu lung linh bên Phá Tam Giang
Nặng đò ngang cô gái buông câu hò
Ngọt bùi hãy bên nhau như nhánh cau đĩa trầu
Mặn mà nghĩa phu thê chớ phụ câu thề…
Khi màn đêm dần buông, trên cái khoảng không gian mênh mông của đầm phá, những ánh đèn khi mờ khi tỏ như những con đom đóm trong đêm. Ánh trăng thượng tuần chênh chếch soi bóng xuống mặt đầm tạo nên một cảnh sắc thật lung linh huyền ảo, trầm mặc trong cô liêu, tĩnh mịch của đêm thâu. Du khách có thể lênh đênh với con thuyền trên sóng nước, say sưa cùng ly rượu làng Chuồn, hoặc có thể ngồi trong nhà chồ uống trà ôn chuyện cũ, hát nghêu ngao …Trong khung cảnh trời trăng mây nước, con người như lạc vào tiên cảnh bồng lai nửa hư nửa thực, lánh xa cảnh phồn hoa đô hội của chốn thị thành.
Vào thời vua Minh Mạng, phá Tam Giang có tên gọi là Thiển Hải, Hác Hải hay Hạt Hải – nghĩa là biển cạn. Bên bờ phá Tam Giang có tháp chàm Phú Diên, một di tích Chăm-pa, có giếng Cam Lồ nằm giữa 4 bề là nước mặn, bỗng một mạch nước ngọt vọt lên. Tương truyền ngày xưa, các vua triều Nguyễn ngày ngày cho thuyền về đây chở nước ngọt về dùng trong Đại Nội. Đó là nét độc đáo của phá Tam Giang. Xuôi thuyền về với làng chài Thái Dương Hạ, một ngôi làng chài cổ xưa nằm giữa bốn phía trời nước như một ốc đảo nhỏ trên phá Tam Giang. Mọi hoạt động của ngư dân làng chài diễn ra một cách đơn giản như quy luật của thiên nhiên, dưới ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và những vì sao, cùng sự chỉ dẫn của Nữ Thần Nước – theo quan niệm tâm linh của dân làng.
Trong hành trình khám phá Phá Tam Giang, không gì thú bằng được ghé lại quán ăn ngay đầu đò ngang, thưởng thức những đặc sản cá, mực, tôm, cua, ghẹ… tươi rói, ăn đến đâu thơm ngọt đến đấy. Thực khách đến đây vừa có thể thưởng thức món ăn yêu thích vừa ngả lưng vào mạn thuyền lênh đênh sóng nước ngắm nhìn bầu trời lấp lánh những vì sao khuya và nếm trải hương vị đặc trưng của đầm phá.
Phá Tam Giang đang đợi những con người tài hoa đến đánh thức những vẻ đẹp tiềm ẩn hàng trăm năm qua. Phá Tam Giang – nơi cuối sông đầu bể mang nặng ân tình của xứ Huế mộng mơ.
Mỹ Trí Tử
2017