có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Thứ Sáu, tháng 9 01, 2017

Ngõ cụt



Nhân vật Thạch Tây lai trong truyện ngắn này, là Jacques Ng. ngoài đời trong bút ký Mùa thu Paris của tôi. Ngày đó Jacques đang bệnh phải lọc máu mỗi tuần ba lần, nhưng vẫn hướng dẫn tôi lên xuống métro thăm Paris, có lẽ vì Jacques linh cảm không có lần thứ hai để gặp tôi nữa. Chúng tôi đã ngậm ngùi chia tay nhau lần đó. Một thời gian sau, rất nhiều email tôi gửi đi không được Jacques trả lời. Tôi lặng người biết em không còn nữa.
Đăng lại truyện ngắn này thay lời tiễn biệt một nhân vật đã sống những ngày không vui, âm thầm bên lề xã hội. Và rồi ra đi cũng lặng lẽ như gió như mây.
San Jose, August 2017
LQ


Quán nằm cách đường chính khoảng hai trăm thước, phía trái một con hẻm vừa rộng đủ một chiếc xe lam đi qua. Mùa mưa con hẻm trở nên lầy lội, người ta phải đặt những viên đá viên gạch cách mỗi bước chân để vượt qua, nhưng thỉnh thoảng vẫn không thoát được những mảnh bùn vấy lên lai quần hoặc ngập mũi giày, có khi thấm ướt cả vớ bên trong. Mùa nắng, con hẻm lại phơi rõ sự lồi lõm và bụi bặm. Rác rưởi, lá khô, giấy vụn theo gió từ các nơi khác cuốn đến đọng lại trên con hẻm, làm những người sống quanh đây có lúc cảm thấy không khí bỗng dưng đặc quánh lại làm họ khó thở. Dĩ nhiên quán rất tồi tàn. Những chiếc bàn bằng gỗ tạp, mặt được bọc kẽm sáng, với những chiếc ghế thấp nhỏ vừa đủ đặt đít ngồi.Trên mặt bàn được đặt sẵn mấy chiếc ly thủy tinh nhỏ trong một cái đĩa bằng nhôm, một bình trà bằng đất cũ kỹ với những hình vẽ màu xanh không rõ dáng hình thù được chế sẵn nước, một ống tăm bằng nhựa trong. Nếu về mùa hè, dĩ nhiên không bao giờ thiếu một lớp bụi dày phủ lên mặt bàn và những vật dụng ấy, mặc dù chiếc chổi lông gà thỉnh thoảng vẫn được chủ quán cầm tới. Chủ quán, người đàn ông đứng tuổi, lúc nào cũng mặc may-ô với chiếc quần ka-ki vàng cắt ngắn trên đầu gối. Ông ít nói và có vẻ rất chăm chỉ trong công việc. Những lúc quán ế ông thường ngồi tréo mảy vấn thuốc hút, đưa mắt nhìn vẩn vơ ra con hẻm bẩn thỉu nhưng có lẽ cũng quá quen mắt đến trở nên thân mật đối với ông. Buổi trưa, cơn nóng từ mái tôn đổ xuống biến chiếc quán như một cái lò. Chủ quán đưa mắt nhìn quanh bàn ghế, những chiếc cột, những tấm ván ngăn tường, và các vật dụng bằng gỗ như muốn co rúm lại vì hơi nóng. Quán đông khách vào những buổi sáng, và chỉ lưa thưa vào khoảng ba bốn giờ chiều. Còn buổi trưa thì hoàn toàn vắng vẻ. Khách của quán phần lớn là những người con gái diêm dúa, mặt trát đầy phấn và môi thoa son lòe loẹt một cách cẩu thả. Họa hoằn lắm mới có một người khách lạ. Ngay cả những phu xe hay thợ máy cũng ít tụ họp ở đây. Chiếc quán dần dà chỉ phục vụ cho đám con gái bán thân nuôi miệng từ các động chung quanh. Gã con trai duy nhất và dường như ngày nào cũng có mặt ở quán đôi ba bận là thằng Thạch Tây lai. Y thường đến ngồi trầm ngâm, uống hết một hai chai 33 rồi đứng dậy đi. Chủ quán không bao giờ để ý đến y, cũng như thường hững hờ trước những lời tục tĩu những tiếng cười đùa ầm ĩ của đám gái khi họ tụ họp.

Trưa nay thấy Thạch Tây lai vừa xuất hiện đầu hẻm, chủ quán lững thững đứng dậy đi về phía chiếc thùng đựng nước đá. Ông lấy một viên chao chao trong thau nước rồi bỏ vào chiếc ly cối. Lúc ông tiến vào kệ hàng lấy một chai 33 mở nắp, thì gã con trai cũng vừa bước vào. Y ngồi xuống ghế tỳ hai khuỷu tay lên mặt bàn. Chủ quán mang đặt chiếc ly và chai 33 trước mặt y rồi lặng lẽ về ngồi vào chỗ cũ. Gã con trai cầm chai bia rót vào ly, bọt trắng sủi lên tràn một chút ra ngoài bàn. Y đặt chai xuống, nâng ly bia đầy ắp lên uống một hớp. Bọt trắng viền quanh miệng y. Y bặm môi lại, rồi đưa đầu lưỡi liếm quanh vành môi. Y thả mắt ra con hẻm trước mặt dưới nắng trưa như càng tăng thêm vẻ oi bức. Nhưng với cách nhìn đó, có lẽ y không mấy bận tâm đến sự bẩn thỉu và cơn nóng đang bao phủ chung quanh. Chủ quán vẫn im lặng, tầm mắt như bị xóa nhòa bởi những hình ảnh không đâu vào đâu từ đầu con hẻm chói nắng trước mặt. Sự lơ đãng và dáng ngồi bất động của ông cơ hồ như ông đang nghỉ ngơi với một tâm hồn hết sức bình yên, không chút bâng khuâng hay nghĩ ngợi nào.

Gã con trai uống hết nửa ly bia, đang cầm chai rót tiếp. Mái tóc y vàng như râu bắp, chiếc mũi cao và đôi mắt hơi ngả màu xanh. Y uống từng ngụm chậm rãi, đôi mắt vẫn không rời con hẻm vắng hoe dưới nắng trưa. Một lúc y hỏi thuốc lá lẻ. Chủ quán đứng dậy lê từng bước chậm rãi đến kệ hàng tìm đưa y một gói Pall Mall đã xé sẵn, rồi trở về chỗ ngồi của mình. Những bước chân lười biếng của ông như nhấc khỏi mặt đất không bao nhiêu phân. Gã con trai rút một điếu thuốc, thổ thổ trên mặt đồng hồ trước khi gắn lên môi châm lửa hút. Y nhả khói, đôi mắt hơi nheo lại, nhưng vẫn không rời con hẻm phía trước. Con hẻm không có gì để y phải chú ý quan sát hay ghi nhận cả, nhưng có lẽ nó đã như chiều sâu của một ký ức và lúc nầy y đang thấy những điều không phải y đang nhìn kia. Con hẻm đối với y chẳng khác gì viên gạch kê dưới ảng nước, hay một hình chạm trổ trên kèo nhà được nhìn mỗi sáng mỗi chiều đến quen thuộc, quen thuộc đến tưởng như không còn có trong ký ức của mình nữa - cho đến một lúc nào đó nó chợt hiện ra như ánh chớp lóe sáng đủ nhìn lại một quãng đời đã qua. Y không nhớ rõ y đến sống ở đây từ năm nào, y chỉ biết mình đã trải qua nhiều lần nhìn sự thay đổi của con hẻm. Và cũng trong suốt chừng đó năm tháng, chỉ có một khuôn mặt thường xuyên hiện ra với y là chủ nhân chiếc quán nầy. Chưa một lần nhờ vả nhau, cũng như chưa một lần có gì xảy ra để cần đến sự giúp đỡ, nhưng y nghĩ ông ta đã đối xử với y rất chân tình rộng rãi. Chủ quán và y sống lặng lẽ ít chuyện trò, những lần ở gần nhau cũng chỉ như những chiếc bóng.

Lúc mới đến, y chưa biết uống nhiều bia rượu như bây giờ. Y bị soi mói suốt ngày bởi những ánh mắt tò mò. Nhiều lúc y cảm thấy lạc lõng và tủi thân vô cùng. Y oán trách căm giận những sợi tóc trên đầu và màu xanh trong mắt mình. Chủ quán lúc đó cũng không giấu được nổi tò mò về y. Cho đến một buổi tối y uống hơi nhiều rượu, và quán về khuya chỉ còn lại hai người, y đã kể hết cho ông ta nghe những điều mà y cũng chỉ nghe kể lại về sự có mặt của mình trên đời nầy. Bây giờ nhớ lại, y cảm thấy hả hê hết sức. Giấu cái quá khứ của mình chỉ càng làm tăng sự đau khổ và nỗi cô đơn lên thôi. Ngày nhỏ y là một đứa trẻ yếu đuối, lại thêm cái mặc cảm con lai trong đám bạn học, nên đời sống y đã được giấu kín. Một lần đám trẻ đã chơi trò ác độc. Chúng nó kéo y vào một phe trong hai phe đánh giặc giả. Dĩ nhiên là phe có y phải làm phe giặc, phe thực dân. Phe còn lại là của những người Việt Nam kháng chiến yêu nước. Y không bao giờ muốn tham dự vào bất cứ trò chơi nào của bạn bè, nhưng đôi khi chính sự tham dự lại như một cách che đậy sự hèn nhát thiếu tự tin của mình. Cả đám trẻ kéo nhau ra sân vận động phân chia ranh giới, rồi cắm cờ, lập đồn bót, ấn định dấu hiệu để phân biệt nhau. Trong đám trẻ ít đứa muốn làm “thực dân”, đứa nào cũng muốn mình làm người Việt Nam, muốn tỏ ra yêu nước, muốn giả đò chết, và hy sinh một cách anh hùng. Đứa nào cũng muốn ở trong phe “kháng chiến” cả, do đó đang giữa cuộc chơi, những đứa trẻ ở phe địch lần lượt làm nội tuyến để chứng tỏ mình rất yêu nước và cũng căm thù bọn mũi lõ vô cùng. Dĩ nhiên cuối cùng chỉ còn một mình y là địch dù trước đó y cũng muốn tỏ ra mình yêu nước thật sự, muốn về phe bên kia nhưng đâu có được. Những sợi tóc vàng trên đầu y, chiếc mũi lõ và màu xanh trong mắt y không bao giờ làm cho đám trẻ chấp nhận y là người Việt Nam cả. Y phải giả đò làm một thằng Tây, một tên thực dân chính cống. Y phải đóng vai cho đến lúc mãn cuộc chơi. Y bị chúng bắt làm tù binh. Chúng nó tra tấn y bằng những cái véo tai, những cú gõ đầu, với những câu hỏi ngớ ngẩn: Tại sao mầy xâm lăng? Mầy đã chừa chưa? “Hỏi cung”, “tra tấn” xong, chúng nó trói ké hai tay y lại sau lưng rồi vừa dẫn đi vừa reo hò. Từ cuộc chơi đã biến thành sự đàn áp và kỳ thị rõ. Y bật khóc thành tiếng vì đau đớn và xấu hổ. Có lẽ những giọt nước mắt đó đã làm đám trẻ hồi tâm tháo dây cho y và ngưng ngay cuộc chơi lại.

Nhưng những giọt nước mắt thường cũng chỉ nhỏ ra trong những lúc uẩn ức nào đó thôi. Một lần y còn nhớ rõ, tên trưởng lớp khỏe mạnh và to gấp hai y, đứng dạng chân giữa đám trẻ cùng lớp, hỏi y: Có phải mẹ mầy đã làm đĩ cho Tây rồi đẻ ra mầy không Thạch? Câu hỏi như một mũi tên buốt lạnh xuyên qua tim y, câu hỏi không bao giờ y nghĩ rằng một người khác, nhất là một đứa trẻ cùng tuổi y lại hỏi tới. Câu hỏi cũng không bao giờ được y chuẩn bị, làm y cảm thấy choáng váng mặt mày nhưng cố gượng bình tĩnh. Y muốn khóc thật nhiều nhưng nước mắt như khô cạn từ lúc nào, môi y run lên, lưỡi y líu lại. Y đứng câm lặng, niềm cay đắng nghẹn ngào tận đáy cổ. Bỗng trong một giây rất bất ngờ, cái thời khắc rất ngắn ngủi mà y không kịp có một tính toán nào, y đã nắm chặt hai bàn tay lại, rồi lao thẳng vào người tên trưởng lớp. Y đánh liên tiếp vào mặt nó. Y đá, y đạp loạn xạ lên người nó. Tên trưởng lớp không đề phòng, cũng không bao giờ nghĩ tới thằng Tây lai yếu đuối vốn hèn nhát kia dám có một hành động liều lĩnh như vậy, nên nó đã bị ngã nặng. Máu mũi ứa ra, mắt bị rách ở khóe. Y nhìn những vết loang lổ trên mặt tên trưởng lớp, rồi sự sợ hãi kéo về làm y cắm đầu chạy ra khỏi cổng trường. Y bỏ học từ đó.

Y lớn lên với mặc cảm lúc nào cũng bị mọi người nhìn mình như nhìn một hậu quả tội lỗi. Y muốn kể muốn phân bua với mọi người những điều, mà chính y nhiều khi cũng không hiểu vì sao có được trong ký ức mình. Y muốn mọi người hiểu mẹ y không từng làm đĩ như họ nói. Rõ ràng nhất, mẹ y chỉ là nạn nhân của sự hiện diện ngoại nhân trên quê hương và sự mất chủ quyền của một nước. Mẹ y là một người đàn bà với đầy đủ đức hạnh như phần lớn đàn bà Việt Nam khác. Sự tủi nhục mà mẹ y gánh chịu, cũng là sự tủi nhục của bất cứ người nữ Việt Nam nào khi họ ở trong một tình cảnh tương tự. Một loại hoàn cảnh từng có trong quá khứ và sẽ còn tiếp tục, nếu đất nước vẫn chìm đắm trong tình trạng không thay đổi. Chiến tranh tàn khốc, với sự hiện diện của ngoại nhân và nền độc lập chỉ như bánh vẽ. Mẹ y bị hiếp dâm tập thể cũng như ông ngoại già nua đã bị bắn chết trước đó chỉ vì một hành vi đau đớn và tuyệt vọng là muốn cứu thoát con gái mình. Mẹ y đã bị một tên da trắng nào đó đốn ngã, rồi tiếp đến những tên da vàng khác tiếp tục. Những tên da vàng khốn kiếp suốt một đời làm chó săn, sống bằng trái tim đen thối tha cặn bã trong sự nguyền rủa của đồng loại. Nói cho cùng thì mẹ y, cũng như phần lớn đồng bào của mẹ đều bị hiếp dâm tàn nhẫn bởi chế độ nô lệ của triều đình, bởi lũ buôn dân bán nước một thời đại. Y cảm thấy chua xót, nhưng rồi y cũng không buồn khổ bởi nghĩ rằng y không thể nào vượt thoát được. Những tủi hổ bắt buộc phải có, phải mọc lên trên vùng đất sẵn thối tha chưa thể cải thiện được.

Gã con trai uống hết chai 33 từ lúc nào. Y vẫn giữ dáng ngồi cũ, ánh mắt hướng ra con hẻm bấy giờ đã nhạt nắng. Buổi trưa bỗng dưng làm y cảm thấy buồn lây lất, y nghe thân thể ngất ngư trong hơi nóng. Chủ quán lúc nầy đang ríu mắt ngồi dựa lưng vào quầy hàng, có lẽ ông ta đang chập chờn trong giấc ngủ không mấy êm ả. Y lắng nghe sự thinh lặng của buổi trưa, rồi đầu óc không chịu được sự trống trải, y nghĩ đến công việc mỗi ngày của mình. Việc làm gì mà bẩn thỉu quá, nhưng y biết sống bằng cách nào hơn khi giữa mọi người bao giờ y cũng chỉ là một con thú hoang. Họ đã coi như y không có tâm hồn người ấy. Y chỉ có quyền được sống, được ngụp lặn trong những đống rác của chiến tranh. Hẳn một ngày kia khi hòa bình, y sẽ chết mất, bởi những tên lính ngoại quốc không còn và các động điếm tan rã. Y cảm thấy cay đắng khi nhận ra, y chẳng khác gì những cái rác mà cuộc chiến đã phế thải, được những nhà thầu gạn lọc lấy dùng thêm một thời gian nữa trước khi đem thiêu đốt. Y là thế đó, nạn nhân của một sự tàn bạo đang lên để rồi thêm một lần trở thành nạn nhân nữa khi sự tàn bạo tàn lụi.

Gã con trai búng ngón tay trỏ vào chiếc ly kêu leng keng. Chủ quán hé mắt từ từ nhìn y rồi khép lại, y lên tiếng:

- Còn ngủ nữa hả bố?

Ông ta vẫn nhắm mắt.

- Nhắm mắt thế thôi, đâu có ngủ được…

Hai người im lặng một lúc. Lát sau gã con trai lên tiếng:

-Bố à, có bao giờ bố nghĩ, tôi sẽ không ở đây nữa không?

Chủ quán mở mắt ra nghe y nói tiếp.

- Chắc bố cũng như thiên hạ đều nghĩ rằng tôi không thể nào sống được nếu không làm ma cô, không mỗi ngày đón đường dẫn mấy thằng Mỹ vào động, hoặc thỉnh thoảng nhận khoản tiền lớn khi đưa mấy con điếm đi phá thai hay vào nhà thương đẻ…

Chủ quán ngạc nhiên nhìn hắn:

- Ô, sao mầy nói với tao những điều đó. Thằng nầy, tự nhiên…

- Tôi nói thật đấy bố. Tôi sắp xa bố thật mà. Nghĩ cho cùng tôi chỉ có bố là chỗ thân thích.

Y nói và đưa mắt nhìn theo người đàn ông đang bỏ chỗ ngồi di chuyển đến ngồi xuống trước mặt.

- Cứ nói rõ ý của mầy đi. Mầy định bao giờ? Mầy đi đâu?

Gã con trai xoay chiếc ly không trong tay, ngẫm nghĩ một lúc:

- Tôi đi lính, tôi tình nguyện mà…

Chủ quán trố mắt nhìn y, trong khi y đăm đăm nhìn con hẻm phía trước.

- Thạch Tây lai của bố đi lính Mỹ để đánh Việt cộng…

- Lính Mỹ, lính gì lại lính Mỹ…

- Biệt kích đó…

Đỉnh trán phẳng của chủ quán chợt nhăn lại:

- Mầy không điên chứ Thạch?

Gã con trai điềm nhiên:

- Điên sao được, bố.

- Thế mầy ghi tên rồi à?

- Rồi. - Y đáp gọn.

Một lúc sau, y cười mỉa mai:

- Cũng sướng lắm bố ạ, “ra xông” Mỹ mà! Đủ cả, sô-cô-la, phó-mát, cà phê, bơ sữa… kể cả giấy vệ sinh nữa!

Gã con trai cố gắng mỉm cười. Chủ quán cúi xuống nhìn mặt bàn. Ông cũng chợt muốn mỉm cười khi sự khôi hài nào đó của y làm ông nhớ lại. Nhưng nụ cười không bao giờ có nữa khi ông nghĩ những điều y vừa nói là thật, y sắp đi lính thật. Tự nhiên ông cảm thấy chua xót khi so sánh y với con chim phải đau đớn hai lần, một lần bị đạn trên cành cây và một lần bị đập đầu dưới đất. Ông bỏ chỗ ngồi, ra trước hiên.

- Tao vẫn tin mầy nói rỡn à!

Gã con trai không nói gì. Y ngồi bất động trước chiếc ly và vỏ chai bia 33 trong suốt. Y nhìn ra con hẻm muốn nhếch miệng cười, nhưng cùng lúc nước mắt y trào ra.


Lữ Quỳnh