có những điều không nói ra, chỉ ghi lại...
pn

Chủ Nhật, tháng 8 13, 2017

Khi bắt đầu của tuổi ba mươi

thơ Du Tử Lê
nhạc Trần Duy Đức
ca sĩ Lệ Thu



Khi bắt đầu của những năm ba mươi

cám ơn yêu dấu, cám ơn sự nhắc nhở
cho ta nhớ
sinh nhật ta
lần đầu tiên có người han hỏi
lần đầu tiên
ta nghĩ tới ngày mình
ôi dấu mốc thời gian thảm đạm
lúc bắt đầu của tuổi ba mươi

cám ơn yêu dấu, cám ơn cuộc đời
cho ta sống
đến hôm nay
để đón chờ em tới
cám ơn sự nhắc nhở
bởi nếu không
chắc chẳng bao giờ ta tự hỏi
trong xúc động bồi hồi
thực ư ? ta có

những năm đầu ba mươi
mưa bay nhiều quá đỗi
ôi trí nhớ ta cùn nhụt
chỉ còn ghi ảnh hình
chú nhỏ ngây ngô một mùa đông xưa cũ
một chú nhỏ nhà quê
giữa sân trường Hàng Vôi lá bàng rất đỏ
mới thoáng đó
còn đâu đây
mà ta đã bắt đầu những năm ba mươi có phải?
thực đó chăng? thực đó chăng yêu dấu?
ta bắt đầu ba mươi
và ta đã làm chi đời ta với thời gian đằng đẵng ấy

và em nữa, thơ ngây
tới chi cuộc đời ta sắp xế
hoàng hôn của một người
ta bắt đầu tới đấy
ôi dấu yêu tội nghiệp
có bàng hoàng khi bước vào cảnh đời ta u ám
những cánh cửa bụi mờ
với then son sớm gãy
chân bước lên thềm xưa
có nghe những đời mưa ngủ yên thức dậy?

cám ơn yêu dấu, cám ơn sự nhắc nhở
lần đầu tiên của những năm bắt đầu ba mươi
khiến ta cảm động
bởi nếu không có em

thì đời nào ta nhớ
sinh nhật ta
tháng ngày xa lạ quá
và quá khứ mịt mù ta tìm ta chẳng thấy

em chính là gương soi
của riêng đời ta đấy

bắt đầu của ba mươi
em dại khờ bước tới
như con sóc lần đầu tiên bỏ núi
như con chim ngu ngốc bỏ rừng
em bước vào đời ta
trùng trùng đau đớn
nhưng yêu dấu, bởi yêu em
ta sống nốt đời mình
trong hy vọng với vô vàn tuyệt vọng
trong thảm thiết
với tận cùng mừng tủi
khi chúng ta tìm nhau
buổi trưa rưng rưng nắng vàng khung kính phẳng

đời thinh lặng đi qua
ta ngậm ngùi ngắm nghía
cám ơn yêu dấu, cám ơn sự nhắc nhở
sinh nhật ta
đó là niềm an ủi
đó là chút hạnh phúc
bởi em cho ta cảm tưởng
ít ra ta cũng còn là người
chưa đến nỗi như cây
mục trong vụn mủn

chưa đến nỗi như rừng
thâm u quên lãng
cám ơn yêu dấu, cám ơn sự nhắc nhở
cám ơn em
cho ta nhớ
sinh nhật ta
dấu mốc thời gian bao năm bụi phủ
như nỗi buồn
dấu cho một kiếp
em có hứa cùng ta
sẻ chia u uất đó ?

1972



-----------------------------------------

Bài thơ tự do "Khi bắt đầu của những năm ba mươi" dài gần 100 câu, tôi viết hồi tháng 11 năm 1972 tại Saigon. Nó đi ra từ xúc động của tôi, khi bất ngờ, tôi được nhắc nhở sinh nhật của mình. Nó được phổ biến lần thứ nhất, trên tạp chí Văn, số đầu tháng 12-1972.

Sau đó, theo đề nghị của anh Thành, nhà xuất bản và cũng là nhà Tổng phát hành Hiện Đại ở Saigon, bài thơ được chọn để in lại trong tập "Đời mãi ở phương đông," xuất bản năm 1974. Một người bạn thuở nhỏ, sau khi ra tù, lén mang qua Hoa Kỳ, cho lại chúng tôi. 

Đầu thập niên (19)70, miền Nam đã bị dìm sâu trong chiến tranh, thảm kịch... Gần như không một ai, ở thế hệ của tôi, thời gian đó, quan tâm tới ngày sinh của mình. Càng không có chuyện tổ chức sinh nhật, như sau này.

Thời gian đó, những người ở trong quân đội như tôi, ít ai dám nghĩ tới việc mình sẽ sống tới năm 30 tuổi. Vì thế, với tôi, khi bước vào tuổi ba mươi mà, vẫn còn sống thì, nó là một điều gì giống như hoang tưởng hay, một phép lạ! Bây giờ, khi một người bước vào tuổi ba mươi, mới thực sự là giai đoạn đầu của tuổi... thanh niên. Nhưng, thời đó, với tôi, tới được tuổi 30, thì nó cũng tương tự như tôi đã tới được tuổi 60 rồi vậy.

Vì thế, nhiều bạn trẻ, sau này khi đọc hoặc, nghe bài thơ của tôi, qua nhạc của nhạc sĩ Trần Duy Đức (với nhan đề "Khi bắt đầu của tuổi ba mươi), có người đã cho rằng tác giả (là tôi) đã thậm xưng, đã nói quá trong bài thơ của mình, với những câu thơ "u ám," "bi quan," "tuyệt vọng"... cứ như thể sắp chết đến nơi...

Thí dụ như những câu:

"... thực đó chăng? thực đó chăng yêu dấu?
"ta bắt đầu ba mươi!
"và ta đã làm chi đời ta với thời gian đằng đẵng ấy?
"và em nữa thơ ngây
"tới chi cuộc đời ta sắp xế
"hoàng hôn một đời người
"ta bắt đầu tới đấy..."

Nhưng, nếu đặt mình trong tâm-cảnh của thế hệ chúng tôi, thời điểm ấy, tôi tin số bạn trẻ này, sẽ dễ dàng chia sẻ với nội dung bài thơ hơn. Cũng như các bạn ấy sẽ hình dung được tâm cảnh của những người sống trong giai đoạn lịch sử đó.

Nhạc sĩ Trần Duy Đức phổ nhạc bài thơ này năm 1982, tại thành phố Garden Grove, thuộc miền nam California, khi ông vừa bước vào tuổi ba mươi.

Dĩ nhiên, bị giới hạn bởi khuôn nhạc, ông chỉ có thể lấy một số câu thơ của bài thơ khá dài kia, những đoạn ông thích nhất mà thôi...

Du Tử Lê
(11-2011)