Tím Sầu Mắt Môi
Một chiều xưa cánh én bay
Ngồi bên thềm quán gió lay anh đào
Buông tiếng thở dài vương mộng ảo
Mối tình xưa tha thiết tựa bài thơ
Triền cỏ dại Xuân Hạ Đông Thu vọng
Dặm quan hoài ôm nhiều giấc mộng
Níu đời nhau dựng góc đồi thương
Chiều nhạt hương đêm tột đỉnh sông Tương
Môi má thắm hương nguyền bên quán vắng
Tiếng hát Chiêu Quân, ruột gan đứt đoạn
“Nhất tiếu khuynh quốc, tái tiếu khuynh thành” (*).
Cuộc đời thật quá mong manh
Cớ vì sao đọng tím sầu môi mắt!?
Lệ tuôn tin vẫn bằn bặt
Tình Hoài Hương
“Nhất tiếu khuynh quốc, tái tiếu khuynh thành” (*). = Do từ điển tích: Đời nhà Chu cuối cùng là U Vương tham quan bao ngược & hoang dâm vô độ. Những triều thần trung liệt can gián vua U Vương đều bị sát hại dã man. Vua không màng gì đến việc triều chính, mà chỉ giao cho Quách Công, Tế Công & Doãn Cầu là ba tên nịnh thần định việc. Trong số người bị sát hại đó có quan đại phu tên Bao Hướng cam đảm đứng ra can gián vua đã bị giam vô ngục tối.
Nay nói về Bao Tự: Nàng là con của một cung nữ bị thả trôi ở sông Thanh Thuỷ, có người nông dân vớt cô bé về nhà cho ăn ở một thời gian dài. Về sau người nầy nghèo quá không nuôi nỗi em bé, nên đưa cho Tư Đại nhận làm con nuôi. Nhưng khi cô bé vừa chớm lớn thì Tư Đại tham tiền nên đã bán cô bé cho Bao Hồng Đức. (Con trai Bao Hướng là Bao Hồng Đức thương cha bị hàm oan, nên ông tới nhà Tư Đại để mua Bao Tự), là có ý muốn đem cô ta về. Bao Hồng Đức dạy cho nàng "công, dung, ngôn, hạnh" & nghi lễ trong cung cấm, và Hồng Đức may sắm nhiều xiêm y lộng lẫy, rồi Hồng Đức dẫn Bao Tự đến Quách Công đút lót khấm khá vàng bạc, ngỏ hầu nhờ tên nịnh thần nầy dẫn Bao Tự tiến cung, để xin tội chết cho cha, chuộc tội cho cha.
U Vương vừa thấy Bao Tự quá xinh đẹp thì ưng thuận tha ngay cho Bao Hướng và phục hồi chức vụ cũ cho ông. Sau đó, U Vương say mê Bao Tự, đã truất phế chánh hậu, đưa Bao Tự lên làm hoàng hậu không bao giờ biết cười. Thái tử Nghi Cựu cũng bị phế mà để chức đông cung thái tử cho Bá Phục (con Bao Tự). Từ đó U Vương càng say mê Bao Tự và khát khao chiêm ngưỡng nụ cười giai nhân, vua làm mọi cách đàn ca xướng hát, vui say yến tiệc, v.v.... chọc cho hoàng hậu cười, dù tốn bao nhiêu vàng bạc châu báu ngọc ngà.... vẫn không thể!
Sau nịnh thần Quách Công hiến kế cho vua: "Dối gạt chư hầu là đốt lửa trên núi Ly Sơn". Do từ đời nhà Châu: Văn Vương, Võ Vương, Thành Vương có giao ước rõ với chư hầu: mỗi khi từ phương Bắc có giặc Hung Nô và Khương Nhung tràn xuống quậy phá, thì nhà vua báo hiệu cho chư hầu biết kinh thành có loạn, là cho đốt những "phong toả đài" ở đỉnh núi Ly Sơn & nổi trống trận, thì chư hầu phải cấp tốc đem binh đến cứu viện.
U Vương làm theo kế của Quách Công. Những cột khói của "phong toả đài" ngùn ngụt bốc lửa cao ngất toả đi bốn phương trời, trống trận dồn dập nổi lên đinh tai nhức óc, thì quân chư hầu ùn ùn kéo đến đông đúc. Điều nầy khiến cho Bao Tự cười reo hoan hỉ vô cùng thoải mái, thật là nụ cười nghiêng nước đỗ thành! Ghê gớm thay! Nhưng khi quân chư hầu kéo đến thấy kinh thành yên vui, hoan lạc... thì họ tức giận ra về, hứa lần sau khi không bị mắc lừa nữa. Sau đó, quả nhiên kinh thành chìm ngập trong biển lửa chiến chinh, nhưng chư hầu các nơi không ai chịu đem binh đến cứu viện.