Người tình của thi ca
1.
buổi chiều thành phố này những ngọn đèn đã sáng
tôi đến quán đơn sơ nhìn mái tóc quê nghèo
cao vời đôi môi và mắt em sầu mộng
tìm đâu chuyện cổ tích trên miền hoang vu
thùy dương nơi đâu một âm thanh trên ngón tay em
bỗng sống một ngày trong vòng tưởng nhớ
lời nói có còn trên cao miền xa xôi đó
có còn gì suối tóc em
thành phố này chỉ còn nụ cười vệ nữ
rồi một ngày mai tôi sẽ đi xa
có còn gì những buổi sáng bừng lửa tình bằng hữu
có còn gì những buổi trưa
có còn gì những buổi chiều
và còn gì lại cho em
chiến tra
em yêu dấu
rồi một ngày mai tôi tìm thấy gì bên muôn ngàn căm phẫn
mái tóc dài và đôi mắt to đen
thành phố này tôi xin trả lại em
xin trả lại những dãy hồng kỷ niệm
những câu chuyện lòng chưa bao giờ kết thúc
vì chiến tranh bao phủ -- nước mắt muôn dòng
ngày mai -- em yêu dấu
ngày mai tôi sẽ đi tới
một nghĩa trang cuộc đời có cờ bay trong gió
có tình bằng hữu chân thực như cỏ
có thi ca trong sạch như sương như bướm
có em
những hàng đèn lên cao như gót chân em
cánh áo bay trong gió chiều quê mẹ
nụ cười hồn nhiên đến chết trong lòng
rất chân thực tôi thấy em thần thánh
hỡi người có mái tóc dài mùa thơ
có âm thanh mùa hạ
có nụ cười mùa thi ca trở giấc
hỡi em
người tình của anh hùng dân tộc
chỉ có em-- giữa đồng xanh ca hát
chỉ có em -- người dựng cờ quật khởi
cỉ có em -- nâng cao tiếng nhạc
chỉ có em -- người tạo nguồn thơ thần thánh ...
chỉ có em -- người yêu dấu thi ca
3
em yêu dấu
như thơ tôi không bao giờ biết mỏi
như bút tôi không bao giờ biết nhục
như dân tộc tôi không bao giờ khuất phục trước bạo tàn
như người yêu tôi-- em không bao giờ biết khóc
những dãy hồng kỷ niệm tiễn tôi đi
mùa đấu tranh rực rỡ đón tôi về
dự hội muôn người mừng ngày thay đổi
ơi những ngày tháng của tương lai --
em nụ cười cách mạng
trong thi ca khốn cùng bỗng nổi lửa bùng cao.
phan lạc giang đông
(tr. 446-448 TẬP THƠ TRUYỆN KHÔNG QUÂN THỜI CHIẾN)
------------
PHAN LẠC GIANG ĐÔNG
Sinh 1940 tại Sơn Tây, Bắc bộ [nay Hà nội]. Con trai thứ của sử gia Phan Vọng Húc; và là em trai thi sĩ tiến sĩ sử học Phan lạc Tuyên.
Có thơ đăng trên nhiều tạp chí ở miền Nam: [VNCH] từ 1958: Diễn Đàn, Chính Đảng, Quần Chúng, Văn Mới, Hiện Tượng, Văn Nghệ Ngày nay ...
Trong quân chủng Không quân [VNCH] Phan lạc Giang Đông là một trong số biên tập viên đầu tiên tập san KQ Lý Tưởng (trung tá Vũ đức Vinh chủ nhiệm).
Hiện anh mang cấp bậc trung úy, trưởng ban Ban Giáo dục chính trị của bộ Tư lệnh KQ VNCH. Ngoài việc theo học ban Sử học tại Đại học Vạn Hạnh + Đại học Văn Khoa Saigon; anh còn dạy học tại các trường tư thục ở thủ đô Saigon về môn Quốc văn và Sử Địa.
Đã xuất bản:
Trở mình (thơ, 1966)
Đắc Khanh và Mầu sắc Quê hương (thơ, 1967)
Thông điệp (thơ, 1969) v.v. ...
(trang XXI 'Tập thơ truyện Kq thời chiến/ nxb Vàng son, Saigon 1974).
Sau 30/4/1975, bị trưng tập cải tạo dài hạn; được trả tự do, định cư ờ Hoa Kỳ; và, mất tại Mỹ vào 2001.
---